PHI VÂN NHÀ BÁO NHÀ VĂN CỦA ĐỒNG QUÊ NAM BỘ * Kiều Anh Là người con của mảnh đất Bạc Liêu – Cà Mau (Phi Vân có bà con họ hàng với nhà báo Lê Trung Nghĩa và Triệu Công Minh, thưở nhỏ sống tại làng Vĩnh Mỹ), Phi Vân được biết đến như là một hiện tượng văn học vào thập niên 40 của thế kỷ trước và là cây bút thành danh sớm nhất của miền Hậu Giang cùng với Sơn Nam, Đoàn Giỏi… Những tác phẩm văn học (cả báo chí) của ông vừa mộc mạc, nhưng không kém phần triết lý và sâu sắc, những tác phẩm mang đậm nét “đồng quê” của ông đã góp phần nâng cao tầm vóc văn hóa của Bạc Liêu, Cà Mau.
Trong những thập niên 40 của thế kỷ trước, cùng với phong trào báo chí cách mạng yêu nước, phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ ở Nam kỳ được trí thức, sinh viên yêu nước tham gia mạnh mẽ. Họ đứng ra tổ chức nhiều hình thức khác nhau với mục đích nâng cao dân trí cho nhân dân. Bên cạnh thành lập Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, những giải thưởng văn học nhằm tôn vinh những đóng góp của các cá nhân và khẳng định các giá trị của văn học trên mặt trận tư tưởng. Các giải văn chương ở miền Nam trước năm 1945 có: Giải Ngô Tâm Thông, giải Phụ nữ tân văn, giải khuyến học Nam kỳ, giải Đồ Chiểu, giải “Thủ khoa Nghĩa” của Hội Khuyến học Cần Thơ, giải Nam Xuyên… Trong các tác phẩm đoạt giải của các hội, đáng chú ý nhất là tác phẩm Đồng quê của tác giả Phi Vân, giải nhất nhì “Thủ khoa Nghĩa” của Hội Khuyến học Cần Thơ năm 1943. Nhà văn Phi Vân tên thật là Lâm Thế Nhơn, sinh năm 1917 trong một gia đình trung lưu ở Bạc Liêu. Sau đó ông đi học ở Cà Mau. Ông cũng là nhà báo viết phóng sự, ký sự cho nhiều tờ báo, tạp chí ở miền Nam trước đây như Tiếng chuông, Dân chúng (do Đảng Cộng sản Đông Dương trực tiếp chỉ đạo), Tiếng dân (của cụ Huỳnh Thúc Kháng) và làm chủ bút của tờ Thủ đô thời báo. Tác phẩm Đồng quê được một nhà văn Trung Quốc dịch tiếng Bạch thoại tựa là Dã nguyên vào năm 1950. Ngoài tác phẩm Đồng quê, Phi Vân còn có Dân quê (1949), Tình quê (1949), Cô gái quê (1959). Với phong cách của một nhà báo trong cương vị nhà văn, Phi Vân đã khái quát đực xã hội và tính chất của người nông dân Nam bộ không bằng lối viết hoa mỹ, bóng bẩy, nhiều thủ pháp nghệ thuật để lột tả tính cách, sự kiện. Mà ông viết bằng lối văn đời thường, nặng về ngôn ngữ nói mang chất Nam bộ, đối thoại sinh động, ngắn gọn, giản dị, trong sáng ý, gần gũi, có sự chọn lọc dữ kiện đời sống để vẽ lên một bức tranh Nam bộ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là những miền quê sông nước yên tĩnh có những người nông dân Nam bộ chất phát, đầy nghĩa tình, sống đau khổ, chịu đựng đến câm lặng, lam lũ nơi đồng ruộng. Ở nơi đó có những mảnh đời, phận người sống dưới ách thống trị của bọn tay sai hội đồng, hương chức làng xã ác, sống trên mồ hôi, nước mắt của người khác. Đó là bọn tinh ranh, gian xảo, nắm được tâm lý và sự thiếu hiểu biết của người nông dân, hoàn cảnh khó khăn của họ để trục lợi. Thông qua những tác phẩm của mình, Phi Vân nêu một thực trạng đau lòng là do thiếu học nên người nông dân rất dễ bị bọn cường hào bắt nạt. Do thiếu học nên thiếu nhận thức, lý luận dẫn đến ý thức phản ứng không cao… và cả tin vào tệ nạn mê tín bởi những tập tục dị đoan. Phi Vân cũng cho thấy được có học sẽ có những hành xử năng động hơn trong cuộc sống và họ sẽ đổi đời khi đến với cách mạng. Trong hoàn cảnh lịch sử của dân tộc, nhận thấy trách nhiệm của một người trí thức, Phi vân đã tìm ra một hình thức phù hợp đi vào đời sống của nông dân và cổ vũ tinh thần họ, tạo cho họ những chuyển biến về tinh thần, nhận thức trước những cảnh cười ra nước mắt, trước hoàn cảnh đau thương của quê hương. Tác phẩm của Phi Vân làm hiện lên cả một đời sống phong tục, văn hóa sinh động của người dân Nam bộ. Đôi khi ông đưa vào trong truyện những câu ca dao, hò vè, đối đáp Nam bộ, những câu nói thường gặp trong đời sống thực. Nhờ vậy, văn phong của ông mang đậm chất Nam bộ hơn các nhà văn cùng thời. Sau này, viết về Nam bộ, ông được gọi là nhà văn đồng quê rặt ròng Nam bộ. Cùng với Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc… Phi Vân đã góp phần thể hiện đậm sắc con người và văn hóa Nam bộ đầu thế kỷ XX, mang lại cho văn học miền Nam thêm một bước tiến trong quá trình làm hoàn thiện thêm của chữ Quốc ngữ. Ông mất vào ngày 11/01/1977 tại thành phố Hồ Chí Minh, để lại nhiều tác phẩm, trong đó tác phẩm Đồng quê đã tạo nên dấu ấn về phong cách viết văn đặc chất vùng Nam bộ trước cách mạng 1945, nơi mảnh đất đầy phù sa, nặng nghĩa tình và hào hùng, kiên cường trong đấu tranh giành độc lập. Cảm xúc tác phẩm Đồng quê, nhà văn Nguyễn Trọng Nghĩa đã viết kịch bản Đồng quê phỏng theo tác phẩm văn học cùng tên. Phim do đạo diễn Lê Phương Nam dựng thành 22 tập, được phát triển trên kênh truyền hình HTV 9 vào năm 2012. Trả lời phóng viên Báo Lao động, đạo diễn Lê Phương Nam khẳng định: “Khi làm Đồng quê, tôi không cố ý áp đặt điều gì. Do Đồng quê là phim phóng tác theo tiểu thuyết nên cuối phim, chúng tôi có thêm một vài chi tiết để khẳng định một điều: Lối thoát cho những người nông dân bị ức hiếp dưới thời thực dân phong kiến chỉ có thể được mở ra khi nước nhà hoàn toàn độc lập (vào năm 1945)”. Cả đời Phi Vân chỉ dồn hết tâm lực cho nghề viết truyện ngắn, làm báo. Ông đã rong ruổi trên những vùng đất Cà Mau – Bạc Liêu và Nam bộ để tìm hiểu phong tục tập quán, cảnh đời khó khăn của nông dân trong cảnh nước mất nhà tan mà thực hiện sứ mệnh: làm rõ bản sắc văn hóa Bạc Liêu – Cà Mau và Nam bộ, đồng thời phản ánh khát vọng tự do, làm chủ của nhân dân. Như vậy, Phi Vân đã thực hiện được tâm đạo của người viết. Đó là một bài học cho những người viết trẻ hôm nay. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com