PHÁT HIỆN NHỮNG BỘ SỬ THI CỔ CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ MDHUR
* TS. Phan Hoàng
Người Ê Đê Mdhur ở vùng cao Sông Hinh và Sơn Hòa là một nhóm địa phương của dân tôc Ê Đê, như các nhóm: Kpă, Ktul, Adham, Mdhur hay còn gọi Mthur, vốn là chủ nhân những bộ sử thi nổi tiếng Kđăm Xan, Xing Nhã. Về địa lý hành chính Sông Hinh và Sơn Hòa thuộc tỉnh Duyên Hải Phú Yên, nhưng về không gian văn hóa thì hai huyện miền núi này lại là một phần của Tây Nguyên. Với sự đầu tư của bộ văn hóa thông tin và tỉnh Phú Yên, cùng nỗ lực tự thân của một số cá nhân nhiệt tâm với nền văn hóa nhà nước, trong đó có nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Hoa, gần đây nhiều bộ sử thi cổ quí giá của người Ê Đê đã được phát hiện.
Tuy có sự phân biệt theo nhóm người địa phương, nhưng quá trình giao lưu học hỏi lẫn nhau đã giúp người Ê Đê có ý thức về một dân tộc chung ngày càng cao. Đi tìm nguồn cội của người Ê Đê, các nhà khoa học đã chứng minh đây là những chủ nhân của nền văn hóa cổ Sa Huỳnh phân bố từ phía Nam đèo Hải Vân đến miền Đông Nam bộ. Nằm trong địa bàn phân hóa chính của văn hóa Sa Huỳnh, tỉnh Phú Yên có một số di chỉ khảo cổ đã được khai quật, tiêu biểu là gò Ốc ở Sông Cầu phát hiện nhiều công cụ sản xuất bằng đá, đồ gốm, vỏ ốc có niên đại trên 3500 năm. Vào những thế kỷ đầu Công Nguyên, một bộ phận dân cư Sa Huỳnh đã ngược lên Tây Nguyên mở rộng địa bàn sinh sống, trong đó nhóm người Ê Đê Mdhur phân bố chủ yếu ở vùng rừng núi phía Tây Phú Yên và các vùng lân cận thuộc hai tỉnh Đak Lak, Gia Lai.
Theo Tài liệu thống kê từ cuộc điều tra dân số tháng 5.2002 cho thấy có hơn 27 vạn người Ê Đê sống rải rác trong cả nước, đứng thứ 11 trong 54 dân tộc anh em của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Trong đó, người Ê Đê Mdhur ở miền Tây Phú Yên chiếm khoảng 17.000 dân, sống liền cư với các nhóm người Ê Đê khác và sống cộng cư với các tộc người Bahnar, Chăm hroi, Tày, Tahis, Nùng, Pacoo, Chru, Việt… Riêng trên địa bàn Sông Hinh có xã như Ea Bia hay thị trấn Hai Riêng, người Ê Đê Mdhur chiếm gần 99% dân số.
Giáo sư Nguyễn Quốc Lộc, một nhà nghiên cứu sử học lão thành từng cho rằng vùng miền núi phía Tây Phú Yên là sứ sở của sử thi của, đặc biệt là sử thi của người Ê Đê Mdhur. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Hoa – Phó giám đốc bảo tàng Phú Yên, người từ nhiều năm nay chuyên nghiên cứu văn hóa dân gian Ê Đê Mdhur cho biết: “Từ thực tế điền dã và nghiên cứu, tôi rất tán đồng quan điểm ấy của giáo sư Nguyễn Quốc Lộ, ngoài ông, còn có một số người có các công trình nghiên cứu đáng chú ý về tộc người Ê Đê như Lưu Hùng, Đặng Nghiêm Vạn, Bế Viết Đẳng. Hiện tại, tôi đang theo đuổi đề tài: Sử thi Ê Đê Mdhur ở Phú Yên – truyền thống và hiện đại. Với đề tài này tôi mong muốn nói lên được đầy đủ, chính xác, khoa học về diện mạo, đặc điểm nghệ thuật, nội dung của sử thi Ê Đê Mdhur ở Phú Yên. Ngoài ra, truyện cổ, luật tục, âm nhạc… đều nằm trong sự quan tâm của tôi. Được sự tài trợ của Quỹ Thụy Điển – Việt Nam phát triển văn hóa, cuối năm 2003 vừa qua tôi đã ra mắt cuốn Phong tục vòng đời của người Ê Đê Mdhur ở Phú Yên do nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành”.
Tuy nhiên, dựa vào đâu để có thể khẳng định sử thi của người E Đê ở Sông Hinh cổ hơn những nơi khác? Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Hoa lý giải: “Ở Phú Yên tôi đã tìm ra được các sử thi kinh điển: KĐăm Xan, Xing Nhã, KĐăm Di, Thing Dú… Điều đặc biệt quan trọng là số lượng dị bản của các sử thi Phú Yên rất lớn, ít nơi nào sánh kịp. Riêng Xinh Nhã trong Nhã năm 2002 tôi đã tìm ra được 3 dị bản Xinh Nhã – Chi La Kook, Xing Nhã lạc rừng, Xinh Nhã Chi Grí (Chi Grí bị con nít cắn). Năm 2003, tôi đã phát hiện thêm một dị bản rất lạ của Xing Nhã là Xing Nhã đi săn. Sử thi KĐăm Xan cũng có hai dị bản: KĐăm Xan và KĐăm Xan đi săn. Nội dung KĐăm Xan ở Phú Yên được các nghệ nhân thể hiện từ lúc KĐăm Xan mới sinh ra. Ngoài ra có rất nhiều sử thi như: KĐăm Drual, KĐăm Chét, KĐăm Chút là sử thi rất độc đáo mới được phát hiện lần đầu tiên ở Phú Yên. Sử thi ở Phú Yên còn hấp dẫn ở chỗ thể hiện rất rõ hệ thống nhân vật đứng riêng lẻ trong từng sử thi. Lâu nay, chúng ta thường thấy các nhân vật chính trong sử thi là đàn ông và nghệ nhân hát sử thi cũng thường là đàn ông. Riêng ở Phú Yên tôi đã tìm được hai sử thi, nhân vật chính là đàn bà: Khung Lung, Băng Tra… Theo tôi, hiện nay ở Phú Yên mới tìm được 57 sử thi của tộc người Ê Đê Mdhur chứ không phải trên 100 sử thi hoặc cạn kiệt về sử thi như một số tài liệu đã công bố. Theo khảo sát, điều tra của tôi, có 205 lượt sử thi Ê Đê Mdhur bao gồm rất nhiều dị bản, hình thành nên 57 sử thi ấy”.
Người đi sưu tầm sử thi phải thực sự yêu quý vốn văn hóa dân tộc, có kiến thức về sử thi và nhạy cảm. Nếu không tinh thì khó phân biệt được kỷ thuật diễn xướng sử thi, một yếu tố quan trọng đẻ ra các thể loại khác. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ. Người đi sưu tầm sử thi còn phải tự nguyện, kiên trì, chịu thương chịu khó có sức khỏe để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt nắng cháy mưa dầm của Tây Nguyên. Hành trình đi sưu tầm sử thi của Nguyễn Thị Hoa hết sức vất vả gian nan, một thân một mình đi honda vượt cả trăm cây số từ biển lên rừng cùng ở cùng ăn cùng băng rừng lội suối với bà con Ê Đê để họ có niềm tin mà hát, diễn xướng, kể chuyện cho nghe. Chị kể: “ Người Ê Đê Mdhur rất kín đáo và tình cảm. Đồng bào ít tiếp xúc với bên ngoài. Hiểu được tâm tư của nghệ nhân, hiểu được tập tục chưa đủs, mà phải tâm huyết với công việc thì mới nhận được sự giúp đỡ của nghệ nhân. Một lần nọ, tôi đến một nghệ nhân khoảng 40 tuổi mà bà con trong buôn cho biết anh hát sử thi rất hay. Tôi tìm đến nhà, nhưng anh cứ nói mình không biết hát. Tôi ở nhà nghệ nhân, đi xách nước, đi nhóm bếp lùi sắn. Ban đêm tôi kể cho gia đình anh nghe những sử thi tôi đã sưu tầm được. Anh thích và rất vui vì thấy có một người thích những sử thi như anh, vì vậy mà anh hát cho tôi nghe rất nhiều sử thi mà anh biết”.
Nhà nghiên cứu NguyễnThị Kim Hoa cũng thổ lộ rằng điều lo sợ nhất của chị là những nghệ nhân cao tuổi qua đời, mang theo những nguồn văn hóa dân gian vô giá mà lớp trẻ không biết. Vì vậy chị đang nỗ lực sưu tầm, biên soạn và đang đề nghị tỉnh Phú Yên xây dựng một làng nghệ nhân ở Sông Hinh để vừa đón khách du lịch vừa bảo tồn và phát huy vốn quí văn hóa người Ê Đê Mdhur, đặc biệt là những áng sử thi. Chị tỏ ra khá bức súc: “Chỉ riêng tộc người Ê Đê Mdhur đã có trên 20 nhạc cụ truyền thống: chiêng, trồng tù và, goông, đinh năm, đinh ba, đàn kơny…; 12 kleiđuê về tình yêu nam nữ, hôn nhân, gia đình; hơn năm điệu múa dân gian; 57 sử thi chứa đựng nhiều phong tục, luật tục, lễ hội,.. với nhiều nghệ nhân hát hay diễn giỏi. ngoài ra, các dân tộc anh em khác chung sống ở Sông Hinh như Bana, Chăm Hroi, Tày, Nùng,… kể cả người Kinh cũng có những sản phẩm văn hóa cổ truyền mang bản sắc độc đáo riêng. Làng nghệ nhân có thể được xây dựng trong phạm vi bốn xã Đức Bình Đông, Eatrol, Eabar, Ealâm là những nơi có nhiều nghệ nhân am hiểu sâu sắc văn hóa dân gian. Và chính cuộc sống đời thường của dân làng qua các hoạt động dệt vải, đan lát, làm men, bỏ rượu cần, nấu cơm lam, cưỡi ngựa săn bắn, đặt bẩy thú, lễ nghĩa, điều thú vị. Làng nghệ nhân không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đang bị mai một”.
|
Cập nhật ( 16/08/2009 ) |