Phật Giáo Vùng Mekong – Vần Đề Môi Trường Và Ứng Xử Với Môi Trường* Đại đức Tiến sĩ Thích Thiện Minh TÓM TẮT
Sông Mekong đóng vài trò quan trọng trong đời sống của hàng triệu người dân Đông Nam Á. Nó bắt nguồn từ Tây Tạng đi qua các quốc gia Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam. Là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, sông Mekong đem lại cho các quốc gia đồng sở hữu và khai thác nó những lợi ích khổng lồ. Tuy nhiên những lợi ích to lớn đó đang ngày càng bị cạn kiệt vì sự tàn phá của con người.
Trước thực trạng về ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sinh thái do việc xây dựng các đập thủy điện và xả rác thải bừa bãi gây nên. Chúng tôi, đại diện cho giới tăng ni Phật Giáo Việt Nam, xin lên tiếng về quan điểm của Phật Giáo đối với việc bảo vệ và tôn tạo dòng sông. 1. Đức Phật với môi trường
Đức Phật luôn gần gũi với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên và đề cao việc bảo vệ môi trường sinh thái.
2. Vai trò của Phật Giáo đối với tiến trình bảo vệ môi trường sinh thái
Đức Phật truyền dạy các hàng đệ tử của Ngài phải nghiêm túc học pháp, hành pháp và hoằng dương chánh pháp. Các pháp của Đức Phật giúp chúng sanh nhận rõ được các ý nghĩa tươi đẹp của cuộc sống. Ngài được ví như “Bậc Giác Ngộ” và các bài giảng của Ngài trở thành “kim chỉ nam” cho những đại chúng mộ đạo. Đây chính là những điều kiện cần thiết tác ý cho việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.
3. Những định hướng nhằm gìn giữ, bảo vệ, và tôn tạo dòng sông Mekongcho tương lai
– Phản đối hành động xây dựng đập thủy điện;
– Tuyên truyền ý thức bảo vệ dòng sông;
– Đề nghị Chính Phủ mỗi quốc gia quan tâm hơn nữa tới việc bảo vệ và tôn tạo dòng sông;
– Dựa vào các công ước quốc tế để ngăn chặn những hành vi gây nguy hại cho dòng sông.
A. NHẬP ĐỀ
Khi gợi nhớ về một địa danh, một vùng miền, hay một quốc gia người ta thường gắn liền tên tuổi của nó cùng với hình ảnh một dòng sông. Ở Việt Nam, ta có sông Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), sông Hương (Huế), sông Nhật Lệ (Quảng Bình), sông La (Nghệ An) …, trên thế giới, ta có sông Mississippi và Potomac (Mỹ); sông Danube (Áo); sông Mersey và Thames (Anh); sông Seine (Pháp); sông Saar (Đức) … Dường như địa danh nào, quốc gia nào cũng sở hữu những dòng sông nổi tiếng, những dòng sông không chỉ cung cấp nước sạch, phù sa mà còn tạo nên những dấu ấn riêng biệt trong lịch sử hình thành văn hóa, du lịch và phát triền ngành nghề cho cộng đồng dân cư lưu trú hai bên lưu vực sông. Sông càng lớn, càng rộng, càng dài, và dòng chảy càng mạnh bao nhiêu thì sự hanh thông, ổn định, phú cường, và nổi tiếng của cộng đồng dân cư lưu vực sông và của quốc gia sở hữu nó càng bền vững bấy nhiêu. Đơn giản vì mọi loài đều cần nước để tồn tại, nước – thành phần chính yếu của sông được ví như người mẹ thiên nhiên ban bố sự mát mẻ, cân bằng và tiện nghi cho cuộc sống. Sự thật này được minh chứng qua lịch sử tồn tại và phát triển sự sống của muôn loài qua hàng ngàn năm nay. Từ xa xưa loài người đã biết tập trung về các lưu vực ven sông để sinh sống và phát triển ngành nghề, đó cũng là lý do cho các nghiên cứu về các nền văn hóa lưu vực quanh sông vẫn đã, đang và mãi hấp dẫn các chuyên gia đầu ngành khảo cứu. Việc sinh sống, phát triển ngành nghề cũng như sự đông lên của cộng đồng dân cư cũng chính là sự cộng sinh của hàng loạt những hệ lụy kèm theo nó như là ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường sống tự nhiên của các loài và là sự tận diệt chính môi trường sinh thái của con người. Sông Mekong – dòng sông của một số quốc gia Đông Nam Á cũng đang đứng trước những thách thức như vậy.
Sông Mekong có chiều dài 1500 dặm [1], bắt nguồn từ Tây Tạng, đi qua các nước Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam. Là dòng sông hiền hòa, có nhiều tôm cá, có quần thể sinh vật đa dạng, cung cấp lượng phù sa màu mỡ cho hoạt động nông nghiệp. Với hệ thống phân chia dòng chảy tự nhiên đa dạng, các nhánh sông đã tạo nên thuận lợi về mọi mặt cho việc giao thương hàng hóa bằng đường thủy giữa các quốc gia. Ở Việt Nam, ngoài những huê lợi to lớn mà con người nhận được từ dòng sông, sông Mekong còn được nhớ đến bởi vẻ đẹp thơ mộng với khoảng 12 cây cầu bắc ngang như là: cầu Cao Lãnh, cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Ba Lai, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên, cầu Vĩnh Trường, cầu Lấp Vò, cầu Cần Thơ, và cầu Đại Ngãi.
Theo nhận định của cố nhà báo, nguyên Giám đốc Đài Truyền Hình Thành phố Hồ Chí Minh, NSND Phạm Khắc – chủ biên và tổng đạo diễn về chuỗi phim Mekong Ký Sự: Sông Mekong là “dòng sông Phật giáo” vì bắt đầu từ thượng nguồn đến hạ nguồn đều chảy qua các quốc gia có đạo Phật giữ vai trò gần như là đạo giáo chính yếu với lượng người mộ Phật đông đảo. Đạo Phật được truyền bá vào các nước sở hữu chung dòng sông này khá sớm và được phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay. Trong nhiều thập kỷ qua, Phật giáo đã có những đóng góp không nhỏ cho tiến trình gìn giữ nền hòa bình chung của thế giới cũng như tại các nước bản địa. Sự lưu truyền, gìn giữ và phát triển của đạo Phật tại chính các quốc gia này góp phần tạo nên sự đa dạng về màu sắc và có nhiều ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của đạo Phật trên thế giới.
Theo dòng chảy của thời gian, dòng chảy của sông Mekong cũng đã có nhiều biến đổi và đang phải đối diện với những thách thức sống còn về môi sinh. Sự ô nhiễm về môi trường sinh thái ở lòng sông, mặt sông, hay hai bên bờ sông không những đang giết chết lần mòn dòng sông mà nó cũng chính là hiểm họa cho chính bản thân các cộng đồng đang sinh sống hai bên lưu vực sông và ít nhiều gián tiếp gây hủy diệt đến cho muôn loài. Vì lợi ích của muôn loài, vì ước vọng cho một hành tinh xanh mãi cùng năm tháng, chúng tôi – đại diện cho các tăng ni Phật giáo đang cùng gióng lên một hồi chuông mạnh mẽ, hồi chuông cảnh tỉnh cho bất cứ ai còn dửng dưng, còn mê đắm để cùng nhau cứu lấy dòng sông, cứu lấy chính sự sống cho muôn loài và cho các thế hệ nối tiếp.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung trình bày về lòng từ bi của Đức Thế Tôn đối với sự sống của chúng sinh; những quan niệm của Đức Phật đối với việc gìn giữ môi trường sinh thái; những giới cấm mà các hàng đệ tử của Ngài cần phải nghiêm túc hành trì; những định hướng của Phật giáo cho tương lai để cùng góp tay chung sức trong công cuộc bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ dòng sông Mekong nói riêng.
B. CHÁNH ĐỀ
1. Đức Phật với môi trường
Suốt cuộc đời đức Phật – từ lúc sanh ra, lớn lên, vĩnh biệt thế gian đều sống rất gần gũi với thiên nhiên. Ngài chào đời dưới vườn cây Sa la Long thọ (SaLa), Thành đạo dưới gốc cây Bồ đề, Chuyển pháp luân ở Vườn nai, Nhập diệt dưới vườn cây Sa la Long thọ. 45 năm hoằng hóa độ sanh, Ngài từ thành này sang thành nọ, từ quốc độ này sang quốc độ kia chỉ bằng hình thức đi bộ và lấy các gốc cây làm chốn nghỉ ngơi, nương mình. Với trí tuệ của Bậc Toàn Giác, hơn ai hết Ngài hiểu rõ giá trị bóng râm của cây xanh, giá trị ngọt ngào của dòng suối mát, giá trị dịu êm của bầu không khí trong sạch, mát lành. Cuộc sống gần gũi với thiên nhiên càng khiến Ngài thêm yêu quí và tôn trọng môi trường sinh trưởng tự nhiên của vạn vật. Đức Phật đã chỉ ra rằng, mọi loài sống trên trái đất này đều có quan hệ hữu cơ với nhau, sự sinh tồn của loài này là điều kiện tồn tại cho loài kia và ngược lại sự diệt vong của một loài sẽ kéo theo những ảnh hưởng đến sự sống của loại khác. Đây chính là qui luật sinh tồn tự nhiên được minh chứng cho đến tận ngày nay.
Trong Luật tạng Pāli [2], các tỳ khưu không được khạc, nhổ, phóng uế dưới cỏ, nước. Tỳ khưu không được đốn cây, không được nhổ cỏ. Các tỳ khưu được khuyên nên tránh các hoạt động có thể gây nên sự tổn thương cho những sinh vật khác. Lời dạy đó cho thấy Đức Phật rất yêu quí, tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ thiên nhiên. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Đức Phật dạy các hàng đệ tử của Ngài huân tập lòng từ bi trong đời sống hằng ngày đối với sự sống của mọi sinh vật. Cũng trong giới luật, Đức Phật cấm hàng đệ tử của Ngài không được sát sanh. Giữ giới không sát sanh chính là để bảo vệ môi trường sống tự nhiên của muôn loài, tôn trọng sự sống của muôn loài và giúp cân bằng sinh thái.
Căn cứ vào tỳ ni Luật Tạng, mỗi năm người xuất gia có ba tháng cấm túc an cư – ở yên một chỗ không đi lại. Theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông, các tăng ni thường cấm túc an cư từ tháng 4 đến tháng 7, đối chiếu với qui luật thời tiết tự nhiên của Miền Nam Việt Nam thì rơi vào mùa Hạ nên thường gọi 3 tháng cấm túc an cư này là An Cư Kiết Hạ. Còn theo truyền thống Phật giáo Nam Tông, các tăng ni lại thường cấm túc an cư từ tháng 6 đến tháng 9, trùng với các tháng mùa mưa so với quy luật tự nhiên của Miền Nam Việt Nam, nên mùa an cư này thường được gọi là An Cư Mùa Mưa (Vũ Kỳ An Cư). Dưới thời Đức Phật, Ngài chọn cấm túc an cư vào mùa mưa (Vassavāsa) vì mùa mưa là mùa nảy mầm của chồi non, mùa sinh sản của côn trùng. Côn trùng nảy nở rất nhiều trên mặt đất và có những mầm non, những loại côn trùng rất nhỏ mà mắt thường khó mà dễ dàng phát hiện được. Để giữ lòng từ bi các chư tăng cần cấm túc an cư vì e rằng nếu tiếp tục vân du hoằng pháp sẽ vô tình dẫm đạp, gián tiếp hại chết tiến trình sinh sản và sinh trưởng của côn trùng, của chồi non. Ngoài mục đích vân tập an cư tại một trú xứ nhất định để trưởng dưỡng lòng từ thì đây cũng là thời gian cho các chư tăng tịnh tu thiền định, ôn lại kinh luật, học thêm về các lời dạy của Đức Phật cũng như là học hỏi các tinh hoa từ các đồng môn bởi sau những tháng rong ruổi du hóa khắp nơi thì thể lực và nội lực huân tu của các chư tăng cũng có phần suy kiệt.
Điều đó chứng tỏ sự vẹn toàn bi trí của Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài thông tỏ đủ đầy qui luật phát triển của tự nhiên mà nương theo cái qui luật đó cho đạt được sự an lạc viên mãn. Sau 9 tháng vân du hoằng pháp, các chư tăng đều phần nào suy giảm thể lực và nội lực tu tập; Đức Phật đã chọn ra ba tháng an cư vừa giúp tăng đoàn phục hồi và phát huy nội lực, vừa tạo thuận lợi cho các loài sinh trưởng, phát triển, và tái tạo lại giống nòi sau những tháng khô hạn. Các hàng đệ tử của Ngài hay muôn loài đều phải tự nhiên mà tuân theo quy luật lên, xuống, phát triển rồi thoái trào như vậy.
Áp dụng lời dạy của Đức Thế Tôn vào thực tiễn hiện tại để nhận ra rằng những khổ đau từ các thảm họa do thiên nhiên, do ô nhiễm môi trường đưa đến cho con người đều bắt nguồn từ cái gốc của sự hủy diệt môi trường tự nhiên, từ việc con người không biết tạo điều kiện cho muôn loài cơ hội để tái tạo và phục hồi. Con người đang vắt kiệt những gì mẹ thiên nhiên ban tặng mà thiếu đi cái chiều ban và tặng ngược lại cho thiên nhiên.
Trong Kinh Tăng Chi II, tr.335 – 336, Đức Phật có dạy: “Ở đây, này Nagita, Ta thấy một Tỳ khưu ngồi thiền định tại trú xứ ở trong khu rừng. Này Nagita, Ta suy nghĩ như sau “Nay vị Tôn giả này, sau khi đoạn trừ ngủ nghỉ và mệt nhọc, sẽ tác ý tưởng hoặc đạt được sự nhất tâm”. Do vậy, Ta hoan hỷ với trú xứ tại rừng của vị Tỳ khưu ấy” [3]. Trong Kinh Pháp Cú, tr.98 – 99, Đức Phật thường ca ngợi núi rừng, xem núi rừng là nơi trú ẩn lý tưởng cho những vị xuất gia hành đạo: “Làng mạc hay rừng núi, thung lũng hay đồi cao, La hán trú chỗ nào. Đất ấy thật khả ái” vàĐức Phật khẳng định: “Khả ái hay núi rừng, Chỗ người phàm không ưa. Vị ly tham ưa thích, Vì không tìm dục lạc”. [4]
Qua những dẫn chứng trên, chúng ta thấy bản thân của Đức Phật – Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, với lòng từ bi bao trùm khắp mọi chúng sanh. Ngài đã đặt tâm thiện lên đôi mắt, lên bờ vai, lên đôi tay, lên đôi chân và lên mọi lời nói hành vi để nuôi dưỡng hạnh lành cho mọi các hàng đệ tử, cho cả những chúng sanh chưa tín ngưỡng, và cho ngay cả những kẻ còn phỉ báng vào đạo pháp của Ngài. Cụ thể như việc Ngài thu phục một người đàn ông trẻ tuổi, thô lỗ: “Bây giờ con đã hiểu. Xin Ngài hãy dạy con cách thức thực hiện tình thương. Con xin được trở thành đệ tử của Ngài” trích trong các truyện cổ Phật giáo – Đức Phật và người đàn ông thô lỗ hay việc Ngài thu phục voi dữ bằng chính lòng từ bi vô lượng của Ngài: “Voi như hiểu được lời Ngài, từ từ lấy vòi hút tất cả bụi đã bám vào chân Ngài và rải lên khắp đầu nó như để chứng tỏ nó đã biến ăn năn và xin phục thiện. Ðoạn cúi đầu đảnh lễ Ngài rồi trở về chuồng cũ. Từ đó về sau voi Nalagiri trở nên hiền lành dễ thương. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho Ðề Bà Ðạt Ða biết hối hận! Vua A Xà Thế biết trở về với Chánh Pháp.” trích trong các truyện cổ Phật giáo – Đức Phật và con voi dữ … Từ đây, chúng tôi càng thấm thía hơn với lời dạy của Ngài: lấy tâm từ bi để đối đãi bình đẳng với những người làm não hại ta, không giữ tư tưởng đối địch mà hãy dùng tâm từ giúp họ giác ngộ được vấn đề để tiêu tan đi cái tâm sân si ác hại, chuyển thành cái tâm lương thiện hân hoan. Đức Phật đã giác ngộ, đã hành trì từ chính cái tâm quảng đại của Ngài – đó chính là sức mạnh, là sự lan truyền hạnh từ bi một cách hiểu quả nhất, mạnh mẽ nhất đến các hàng đệ tử của Ngài và đến tất cả chúng sanh.
Là đệ tử của Đức Phật, chúng tôi vâng tập theo lời dạy của Đức Thế Tôn, giữ giới luật trang nghiêm nhằm tu hành tinh tấn. Giữ giới để tránh sát sanh, tránh làm tổn thương sự sống, và tránh gây hại môi trường; hành trì hạnh từ bi nhằm tạo nên những hòa khí thân ái giữa đời sống tu tập của các tăng ni, giữa các giáo phái trong nước và quốc tế, biến lòng nhân ái này thành sứ mệnh tâm linh huyền ảo có khả năng lây lan mạnh mẽ cho công cuộc gìn giữ môi trường, gìn giữ dòng sông Mekong, bảo vệ môi trường sống của những sinh vật sống dựa vào sông từ đó lan tỏa ra toàn nhân loại.
2. Vai trò của Phật Giáo đối với tiến trình bảo vệ môi trường sinh thái
Đối diện với những thách thức mà sông Mekong đang gánh chịu, các tăng ni Phật Giáo thuộc các nước Tây Tạng, Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia và Việt Nam phải luôn luôn nghiêm túc học pháp, hành pháp và hoằng dương chánh pháp.
Học pháp là học những lời phật dạy của Đức Phật được lưu lại trong tam tạng kinh điển – Kinh Tạng (S-Sutra; P-Sutra), Luật Tạng (Vinaya), và Luận Tạng (Sastra- Abhidharma). Trong đó Tạng Kinh theo:
Hệ Pali gồm 5 bộ Kinh: 1.Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya); 2.Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya); 3.Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya); 4.Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya); 5.Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya).
Hệ Sanskrit gồm 5 bộ Kinh: 1.Trường A Hàm (Dirgha-agama); 2.Trung A Hàm (Madhyyamagama); 3. Tạp A Hàm (Samyuktagama); 4.Tăng Nhất A Hàm (Ekottarragama); 5. Ksudraka-agama.
Hành pháp là thực hành trì giới theo những lời dạy của Đức Phật. Đời sống của người xuất gia từ những việc như cách đi đứng ngồi nằm ăn uống hay cách biểu đạt nghĩa và ngôn đều được chỉ dẫn cặn kẽ trong Luật tạng. Với nguyên tắc cơ bản là lấy lòng từ bi làm tiêu chí cho mọi hành vi đạo đức, lời dạy của Đức Phật khuyên răn người xuất gia phải đối xử bình đẳng cho tất cả chúng sanh, tránh những điều ác, tu tập hành thiền, giữ giới. Giới có nhiều loại phụ thuộc vào cấp độ tu hành khác nhau mà có thêm những điều giới cần tránh khác nhau. Luật giới mà một vị tỳ khưu phải tuân theo bao gồm 227 giới, còn tỳ khưu ni là 311 giới. Tuy nhiên có năm giới cơ bản mà các tăng ni, phật tử và cộng đồng người mộ đạo cần tuyệt đối tránh phạm phải đó là: sát sanh; trộm cướp; tà dâm; nói dối; sử dụng rượu và các chất say. Hành trì nghiêm ngặt để giữ 5 giới cơ bản không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng các chất say và các giới còn lại là điều kiện không thể thiếu của một người xuất gia. Giữ giới cũng chính là giữ vững các chuẩn mực đạo đức cơ bản của tăng ni để từ đó thiết lập nên một môi trường sống tốt đẹp trong tăng đoàn và trong toàn xã hội.
Hoằng dương chánh pháp là vận dụng những am hiểu từ trí tuệ mình đạt được song hành với các hạnh từ bi được rèn dũa mỗi ngày để lan tỏa tâm từ đến mọi chúng sanh và truyền bá hiểu biết của mình đến với mọi tầng lớp trong xã hội. Từ người mộ đạo đến những chúng tử chưa biết về Phật Pháp, từ tầng lớp bình dân đến những người có địa vị cao, từ những người có hiểu biết sâu rộng đến những lớp người còn nặng nợ mưu sinh … để ánh sáng giáo Pháp, ánh sáng của lòng từ bi soi tỏ cho những tâm trí còn u mê, sân hận sớm nhìn nhận được gốc tích của mọi tội lỗi, đớn đau, hoạn nạn đang bủa vây trong toàn cõi này. Giúp cho đại chúng tìm được sự an lạc trong tâm hồn; tìm được sự an trú trong trú xứ của các bậc tri túc có phẩm hạnh cao quí; tham thiền; tham nhẫn; tham hành thiện … chính là những hiệu quả to lớn tác động sâu sắc tới suy nghĩ và hành động của đại chúng. Một khi đại chúng biết vâng tập theo giáo pháp của Đức Phật, biết đặt chữ tâm lên chính đôi mắt và hai bàn tay của mình thì cũng tự nhiên mà họ tránh được giới sát sanh, biết yêu thiên nhiên và nâng niu cuộc sống của toàn nhân loại.
Huân tập theo giáo pháp của Đức Phật, các tăng ni không chỉ giữ giới không chặt phá cây xanh, không khai thác gỗ, không tàn phá rừng, không khạc nhổ phóng uế lên cỏ hay các khu vực chứa nước mà còn phải truyền dạy đến đại chúng. Trong quá trình hoằng pháp, chúng tôi từng bắt gặp những gia đình lưu trú trên các con thuyền, các chái nhà ven sông. Mọi sinh hoạt của những căn nhà này hay những ngôi làng này tất tần tật đều dựa vào sông. Từ việc tắm rửa giặt giũ ăn uống cho đến việc phóng uế tất cả đều xảy ra tại chỗ. Trước những ý thức yếu kém về việc giữ gìn vệ sinh chung như vậy, các giảng sư Phật giáo đã khéo léo lồng ghép những tác hại về sự ô nhiễm môi sinh, những căn nguyên cho hàng loạt các dịch bệnh kéo dài vào trong thời thuyết pháp để nhằm nâng cao ý thức gìn giữ môi trường của đại chúng. Giảng dạy cho đại chúng hiểu rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ môi trường và khuyến khích đại chúng tiếp tục bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo.
3. Những định hướng nhằm gìn giữ, bảo vệ, và tôn tạo dòng sông Mekong chotương lai
Có nhiều vấn đề chính đang gây mâu thuẫn giữa các bên – một bên là gìn giữ và bảo vệ như những gì tự nhiên vốn có và một bên là thay đổi cho phù hợp với việc khai thác triệt để các lợi ích từ sông Mekong. Trước những mâu thuẫn gay gắt từ các quan điểm đối lập của các bên trong chính mỗi quốc gia và trong cả chuỗi các quốc gia đang sở hữu chung dòng sông Mekong hay cả cộng đồng quốc tế; có nhiều cuộc hội thảo đã và đang tiếp tục được tổ chức với sự tham dự của các ban đại diện chính phủ, các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học thuộc mọi lĩnh vực và ngay cả các tôn giáo trong đó có sự chung tay đoàn kết của Giáo hội Phật giáo của các quốc gia liên quan.
Dẫu là bên gìn giữ và bảo vệ như những gì tự nhiên vốn có hay là bên thay đổi cho phù hợp với việc khai thác triệt để các lợi ích từ sông Mekong thì bên nào cũng đang gay gắt chứng minh cho luận điểm của riêng mình. Xét ở góc độ Phật Giáo, theo đúng với tư tưởng đạo đức và lối sống phẩm hạnh của Đức Phật khi còn tại thế, theo đúng với những lời giáo huấn để lại của Ngài, và theo đúng với qui luật sinh tồn, tái tạo và tăng trưởng tự nhiên của muôn loài chúng tôi đề đạt những nguyện vọng như sau:
1. Chúng tôi lên án hành động của một số quốc gia có chung quyền sở hữu và khai thác lòng sông Mekong khi họ cố tình bất chấp hậu quả, bất chấp mọi can gián của các nước láng giềng hay của cộng đồng quốc tế để đã, đang và tiếp tục cho khởi công xây dựng một mạng lưới hệ thống đập thủy điện chằng chịt tại thượng nguồn và hạ nguồn sông Mekong.
Trong đó Trung Quốc đã hoàn thành các đập tại Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Cảnh Hồng; đập Tiểu Loan đang được xúc tiến xây dựng và hơn chục đập khácđang được tiến hành nghiên cứu. Đối với chính phủ Thái Lan thì phải kể đến là đậpPak Mun – đây là đập thủy điện tốn khá nhiều giấy mực của báo chí trong nước, ngoài nước, và cả cộng đồng quốc tế vì sự lãng phí trong chi phí xây dựng, vì vị trí địa lý, vì mỹ quan môi trường và vì mức ảnh hưởng của nó tới dòng chảy, tới cuộc sống của các loài đang cư ngụ tại dòng sông và cả chính ngay cuộc sống của những người dân Thái sống ven sông. Về phía quốc gia Lào và Campuchia hiện cũng đang nhận được những chống đối mạnh mẽ về công cuộc lấp đá, phá ghềnh, thay đổi dòng chảy để phục vụ cho tiến trình xây dựng đập và khai thác thủy điện.
Dẫu biết rằng tất cả các nỗ lực trên của các quốc gia cùng chung sở hữu về việc khai thác dòng sông là vì nhu cầu tiêu thụ của con người, vì sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi quốc gia. Nhưng đối với công cuộc khai phá và sửa đổi cho mục đích tận thu, tận diệt huê lợi từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên dòng sông này thì dù có thêm bao nhiêu luận điểm chứng minh cho sự vô can đến môi trường tự nhiên đi chăng nữa thì đấy hoàn toàn cũng chỉ là những bào chữa lấp liếm, vô căn cứ và thiếu tính thuyết phục mà thôi.
Sự thật chứng minh rằng bất cứ một nguồn năng lượng nào cũng chỉ phát huy được tối đa sức mạnh của bản thân một khi nó biết nương theo quy luật phát triển của vô số còn lại. Như chân lý của Đức Thế Tôn mà chúng tôi đã phân tích ở trên, mọi loài trong vụ trụ đều có quan hệ hữu cơ với nhau và sự tồn tại của loài này lại phụ thuộc vào loài kia nên một khi đi trái với các quy luật tự nhiên hàng ngàn năm của dòng chảy thì chắc chắn hệ lụy của sự thay đổi này sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới vòng sinh tồn tự nhiên của những loài còn lại. Việc ngăn chặn dòng chảy ở thượng nguồn sẽ trực tiếp ngăn cản sự chuyển động của trầm tích gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp ở hạ lưu. Việc khai thác nguồn nước tự nhiên để vận hành cho hoạt động thủy điện của các đập cũng làm nóng lên nhiệt độ tự nhiên của dòng nước khiến cho các loài sinh vật sống trong nước sẽ khó lòng tồn tại và sinh trưởng mạnh mẽ được. Việc thay đổi các mạch nước ngầm cũng khiến cho các đợt lũ lụt, hạn hán bất thường xảy ra nhiều hơn … và vô số những hệ lụy mà các nhà khoa học và chúng sinh vẫn chưa tiên liệu hết.
2. Thông qua các phương tiện truyền thông, thông qua các buổi lễ sám hối, thông qua các lễ sinh hoạt Phật Pháp định kỳ; tổ chức Giáo Hội Phật Giáo của các quốc gia và các tăng ni Phật giáo sẽ thường xuyên thuyết giảng tới đại chúng lợi ích từ việc trồng và bảo vệ cây xanh, lợi ích từ ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, lợi ích từ các biện pháp giữ gìn vệ sinh chung, lợi ích từ việc tích cực gìn giữ, tôn tạo và trồng mới các thảm thực vật góp phần tạo nên một cuộc sống xanh tươi lành mạnh và nhân ái.
3. Đề nghị ban lãnh đạo mỗi quốc gia thông qua và bổ sung thêm các điều luật nhằm quan tâm hơn nữa, tăng cường hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cả về nhân lực lẫn tài lực cho các ủy ban, cho các hội thảo, cho các nhà khoa học, và cho cả cộng đồng liên quan đến kế hoạch gìn giữ, bảo vệ và tôn tạo dòng sông.
4. Dựa vào các công ước quốc tế về biến đổi khí hậu toàn cầu để ra sức răn đe các cá nhân, các nhóm, các tổ chức, hay các quốc gia đang manh nha có những hoạt động trái với qui luật tự nhiên, trái với đạo đức, trái với mong muốn chung của cộng đồng.
C. KẾT LUẬN
Bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp và an toàn đã không còn là trách nhiệm của riêng một ai. Các tăng ni Phật Giáo cũng vậy. Chúng tôi không thể bình an an trú tu tập một khi các loài hữu tình của chúng tôi đang khổ đau than khóc, muôn loài đang chết chóc tang thương. Với trí tuệ và hạnh từ bi mà chúng tôi tu tập được, chúng tôi thành tâm mong muốn muôn loài trên thế gian được sống trong hòa bình và nhân ái. Chúng tôi cầu nguyện cho đại chúng sớm giác ngộ được chánh pháp để không còn cảnh tàn sát giữa con người với con người, không còn cảnh giết chóc giữa con người và các loại khác, không còn cảnh hủy hoại tài nguyên thiên nhiên. Tất cả chúng sanh đều được an lạc, hoan hỷ.
Nhân quả xoay vần là một định luật khách quan từ ngàn xưa không ai có thể tránh khỏi. Nếu tất cả đều biết tu tập tốt từ hôm nay thì đảm bảo rằng tương lai sẽ đạt được thành tựu mỹ mãn. Vì cuộc sống bình an của muôn loài, chúng tôi nguyện cầu tất cả đại chúng hãy phát tâm nhân ái để bảo vệ những gì mẹ thiên nhiên đã ban tặng. Bảo vệ sự sống cho sông Mekong bằng các hành động từ nhỏ nhất để dòng sông hiền hòa này mãi trường tồn cùng thời gian.
—
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. 1993. Luật Xuất Gia, bản dịch của Hộ Tông.
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. 1996. Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, bản dịch của Thích Minh Châu, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành.
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. 1999. Kinh Pháp Cú, bản dịch của Thích Minh Châu.
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. 1992-1994. Truyện Cổ Phật Giáo, Thích Minh Chiếu sưu tập, Thành hội Phật Giáo thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
Nguyễn, Cảnh Dương. 2010, tr 14. Người Pháp ở Đông Dương: qua lời kể của Garnier trong chuyến thám hiểm qua 3 vùng Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ, Hà Nội: nhà xuất bản Công an Nhân dân.
[1] Nguyễn, Cảnh Dương. 2010, tr 14. Người Pháp ở Đông Dương: qua lời kể của Garnier trong chuyến thám hiểm qua 3 vùng Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ, Hà Nội: nhà xuất bản Công an Nhân dân.
[2] Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. 1993. Luật Xuất Gia, bản dịch của Hộ Tông.
[3] Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. 1996. Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, bản dịch của Thích Minh Châu, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành.
[4] Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. 1999. Kinh Pháp Cú, bản dịch của Thích Minh Châu. * Đại đức Tiến sĩ Thích Thiện Minh Phó Tổng biên tập kiêm thư ký tòa soạn tạp chí Phật Giáo Nguyên Thủy |
Cập nhật ( 23/10/2015 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com