PHẬT GIÁO VÀ TUỔI TRẺ
* Ban hoằng pháp tỉnh Ninh Thuận
Tuổi trẻ trong thời đại ngày nay luôn là một đề tài “nóng” có thể phần lớn quyết định vận mệnh của đất nước và dân tộc ở tương lai. Cũng vậy với góc nhìn của Phật giáo, tiếp nối mạng mạch Phật pháp, Tuổi trẻ Phật giáo là một trong những nhân tố quyết định cho sự trường tồn của Phật giáo ngày nay. Thế thường “tre già măng mọc”, nhìn kỹ hơn ở Phật giáo, nếu không có những cách nhìn thực tế phù hợp với lớp trẻ hiện tại. E rằng tre đã già măng chưa mọc hay những mầm măng đều không chất lượng hiệu quả, thì Phật giáo tương lai khó đồng hành với xã hội hiện tại. Do vậy với chút thiển cận, xin đại diện Ban hoằng pháp Tỉnh hội Phật giáo Ninh Thuận có vài ý kiến đóng góp cho phong trào phát triển của thanh thiếu nhi Phật tử trong sự hội nhập giữa Phật giáo và giới trẻ như sau:
1. Đối với tuổi trẻ khi còn đi học:
Mỗi gia đình nên tạo điều kiện thuận duyên động viên cho các con trong gia đình tham gia vào các tổ chức Gia đình Phật tử, các hội đoàn, khóa tu học do các tự viện đề xuất.
Quy y Tam bảo là điều kiện tiên quyết không thể thiếu đối với các em từ tuổi nhỏ đến trưởng thành.
Nên cấp thẻ thanh thiếu nhi Phật tử cho mỗi con em ngay khi về chùa hay Hội đoàn Phật giáo đề xướng.
Luôn có sự liên kết phối hợp gắn kết giữa lớp trẻ và các tự viện Hội đoàn Phật giáo liên tục xuyên suốt theo định kỳ hằng tuần.
Theo dõi đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn giáo lý và tổ chức thi đua học tập cho các em.
Nhất là tổ chức các khóa tu học dành cho giới trẻ vào những dịp hè hay định kỳ vào các ngày lễ lớn của Phật giáo, tạo điều kiện cho các em tìm hiểu về văn hóa tín ngưỡng Phật giáo qua các kỳ hội hè, bằng thực tế thiết thực tổ chức cho các em tham gia vào các khóa tu học, các công tác từ thiện lợi đạo ích đời, biết áp dụng lời Phật dạy vào thực tế gia đình và xã hội nhằm thúc đẩy cho mỗi gia đình Phật giáo là những thành viên gương mẫu tích cực.
Qua các kỳ tu học lễ hội, nên tổ chức cho các em tìm hiểu, tham gia nhiều đề tài phong phú như: đố vui, tìm hiểu về các Chùa, các vị danh tăng trong Phật giáo qua các thời kỳ, về các phong tục tín ngưỡng phù hợp với Phật giáo, tìm hiểu về ý nghĩa hình ảnh các vị Phật Bồ tát, tổ chức các trò chơi nhân gian, lễ hội hóa trang, triễn lãm nghệ thuật, thư pháp… mang tính cách Phật giáo và Dân tộc, tổ chức các hội thi kể chuyện, sáng tác thơ văn, văn nghệ Phật giáo, tổ chức các hình thức giao lưu tìm hiểu qua chương trình Gane-show nhằm tạo sân chơi bổ ích giúp các em có them kiến thức Phật giáo và ý thức được vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước và xã hội.
2. Đối với lớp thanh thiếu niên Phật tử và Phật tử trung niên đã lập gia đình.
Các chùa và Hội đoàn Phật giáo cần quan tâm ở lớp này nhiều hơn. Trong thực tế các vị thanh niên là những người nòng cốt trưởng thành bước vào thực tế cuộc sống hiện tại gắn liền giữa đạo và đời để xây dựng cuộc sống và con người mới.
Do vậy lớp thanh niên Phật tử chưa lập và đã lập gia đình cần phải có Quy y Tam bảo và thọ trì Ngũ giới.
Đối tượng lựa chọn người bạn đời là điều quan trọng cần phải cân nhắc, không tự nghĩ theo ý tưởng “đạo ai nấy giữ”. Khi đã lập gia đình đã có hay chưa có con cháu vẫn nên thường xuyên dành thời gian tham gia các khóa tu học sinh hoạt do chùa và các Hội đoàn Phật giáo tổ chức.
Luôn phải xác định cho mình và người bạn đời phải có trách nhiệm, bổn phận giữa mình và con cái trong sự liên kết tu học và sinh hoạt ở các Tự viện và Hội đoàn Phật giáo.
Thực tế cho thấy phần lớn các gia đình con cháu đi học, vui chơi sinh hoạt là chính, ít quan tâm đến vấn đề tâm linh đạo đức cho con cháu. Thậm chí chính bản thân của những người làm cha làm mẹ cũng không thường xuyên quan tâm đến sự tu tập, tìm hiểu về nguồn gốc của Phật giáo dẫn đến tình trạng mê tín, không hiểu Phật pháp. Vì thế cần có sự quan tâm lẫn nhau ở sự hướng dẫn của các vị trụ trì đối với các gia đình Phật tử mới và đã lập gia đình có nguồn gốc là Phật giáo.
Nên có những ngày hội thảo luận đàm về gia đình và Đạo pháp chùa chiền, lồng vào những ngày lễ lớn hoặc các ngày ằm vía để các Phật tử ở mọi tầng lớp có sự hiểu biết rộng rãi hơn.
Trên đây là vài ý kiến nhỏ đóng góp, hầu mong ngôi nhà chánh pháp luôn được bền vững truyền thừa qua các thế hệ, nhất là các lứa tuổi thanh thiếu nhi Phật tử.
|
Cập nhật ( 03/05/2011 ) |