PHẬT GIÁO VÀ TUỎI THƠ * Thích Phước Ngọc Hai từ “tuổi thơ” thường đưa chúng ta về một miền ký ức với những tháng ngày tinh khôi, vô tư cười, ngây thơ khóc và luôn hằng ước ao được trở về với tuổi thơ: “Con đường khuya ngã tư không đèn. Những đêm vắng dẫn lối ta về với tuổi thơ. Ôi ngày xưa như một bài hát ru tâm hồn ta bay trong những giấc mơ…”. Nhìn về mặt xã hội là như vậy, còn qua cái nhìn của Phật giáo thì tuổi thơ được quan niệm như thế nào khi trong giáo lý cũng như kinh điển Phật, hiển hiện cũng có, lần khuất cũng có những hình ảnh về “tuổi thơ” điểm lại thì quả là không ít. Trước hết trong kinh Phật có dạy: “Bốn điều không nên xem thường: Một đốm lửa nhỏ, một con rắn nhỏ, một tu sĩ trẻ và một vị Thái tử”. Điều nầy chứng minh rằng Đức Phật rất coi trọng trẻ thơ, thế hệ trẻ. Thấy nhỏ nhưng tương lai sẽ là một sức mạnh khó lường. Chớ coi thường một con rắn nhỏ, mai kia mốt nọ con rắn lớn lên, đẻ ra biết bao con rắn khác, biết đâu sẽ cắn, giết hại nhiều người. Một đốm lửa nhỏ cũng có thể bùng cháy, thiêu đốt, tiêu hủy bao nhiêu tài sản, công trình. Một tu sĩ trẻ nhưng nếu tu sĩ ấy tu hành tinh tấn chuyên cần, mai sau sẽ là một vị Thầy, vị Sư, vị Phật hướng dẫn, lãnh đạo tôn giáo. Một Thái Tử dẫu hiện tại chỉ là một cậu bé nhưng là con vua, rồi sẽ nối ngôi trị vì thiên hạ. Quả thật là một tầm nhìn, một sự quan tâm cho mầm non tương lai vô cùng vi diệu! Bên cạnh đó, Phật giáo dạy chữ HIẾU với Tứ Ân : Cha Mẹ, Thầy Cô, Tam Bảo, Tổ quốc xã hội. Dạy nhẫn nhịn, bố thí, thương người như thể thương thân, tình thương bao la, tôn trọng thương yêu vạn loại, tình thương bình đẳng không phân biệt giai cấp sang hèn, quyền lực hay thấp kém. Dạy làm lành lánh ác bằng cách phát triển tâm từ lòng thiện. Phật giáo đã phát huy được lòng Từ Bi, đi theo hướng đức Phật đã chỉ dạy để có được ngày nay. Dân chúng các nước Âu Tây, vốn có truyền thống theo các tôn giáo khác, đã dần dà hiểu ra tính khoa học, Từ bi và trí tuệ của Phật giáo nên ngày càng hướng, càng theo về Phật giáo nhiều hơn. Và Phật giáo đối với trẻ em, với những quảng đời tuổi thơ cũng ngày càng gần gũi. Hình ảnh ông Bụt, bà Tiên trong những câu chuyện cổ tích thường xuất hiện giúp đỡ những người nghèo khó, bất hạnh hầu như luôn ngự trong tâm trí non nớt của các em. Hơn thế nữa, những biểu tượng Phật mà chúng ta thường được chiêm ngưỡng đó đây; lộ thiên hay trong khuôn viên chùa: Tượng Phật Thích Ca, Tượng Quan Thế Âm, Phật Di Lặc, và nhiều… nhiều nữa,tượng nào cũng hiện đầy vẻ từ bi, phúc hậu. – Đức Thích Ca Mâu Ni với nụ cười mĩm nhẹ nhàng – Quan Thế Âm Bồ Tát thướt tha, dịu dàng tưới nước Cam Lồ – Tượng Phật Di Lặc còn được gọi là Phật Từ Bi, Phật Tương Lai hay Phật Hoan Hỷ dường như “bắt mắt” và gây ấn tượng lớn nhất đối với trẻ em. Vì có hình bóng trẻ con quanh Phật. Một vị Phật phương phi ,mập tròn, ngồi an nhiên với nụ cười rạng rỡ, tươi vui, an lạc và chân thật. Có khi Đức Di Lặc ngồi phơi bụng cười một mình, có lúc cười thoải mái với lũ trẻ (lục lăng) ngộ nghĩnh đáng yêu leo trèo trên mình, trên vai Ngài, sờ mắt, véo tai, vặn mũi…tượng trưng cho sáu căn (mắt, tai,mũi, lưỡi, thân,ý. Nhận biết: màu sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc cảm và tâm lý), là nguồn gốc của: chú ý, đánh giá, vui, buồn, thương yêu, sợ hãi, thèm khát, chán chường…Những đứa bé tinh nghịch bu quanh tượng trưng cho lục tặc quấy phá ngũ uẩn nhưng Bồ Tát Di Lặc vẫn cười như KHÔNG nghe, KHÔNG thấy điều gì phiền muộn, vẫn nụ cười tươi vui thoải mái… biểu lộ ý nghĩa là khi làm chủ được mình thì dù có tiếp xúc với bao nhiêu tác động bên ngoài đều không ảnh hưởng, không thể bị lôi cuốn hay hoành hành thì sự khổ đau phiền muộn không đến. Trái lại đối với một người đã thấu rõ bản tính chân thật , tự nhiên của vạn vật, vạn pháp thì những tác động đó sẽ trở thành động cơ kỳ diệu có khả năng duy trì niềm an lạc, tỏa sáng sự cảm thông của tự tâm một cách vững vàng, thêm thoải mái, an nhiên trong cuộc đời cuồng nhiệt, biến thiên vô thường. Riêng hình ảnh các bé vô tư, thật dễ thương cho ta thấy sự ngây thơ trong sáng của tuổi thơ. Đồng thời tính hiếu động, thích tìm tòi khám phá điều mới lạ cũng như đòi hỏi được người lớn chú ý, quan tâm. Nhắc chúng ta, những người mang trách nhiệm trao truyền giáo lý Phật đến thế hệ sau, có bổn phận hướng dẫn các em được sống trong niềm vui, trong bình an, hạnh phúc. Hãy nhìn chung toàn cầu hiện tại, cũng vì sự lôi cuốn đầy quyến rũ của nhu cầu vật chất, của sự u mê vốn sẵn mầm trong tâm thức thế nhân nên Phật giáo cần phải có những phương cách thực tiễn giúp thế hệ non trẻ hấp thụ, thấm nhuần những tri thức & đạo đức thông qua tư tưởng, giáo lý Phật Đà. Bằng tình thương :”Dạy con dạy thuở còn thơ”, tạo điều kiện cho lứa tuổi ngây thơ quen dần với hình ảnh Phật, Pháp, Tăng một cách thật tự nhiên, không ràng buộc, không cưỡng ép. Tâm hồn các em còn như tờ giấy trắng. Những hình ảnh hiền hòa, điềm đạm, đứng đắn, những lời hướng dẫn ý nghĩa vui tươi của quý Tăng Ni Phật tử trong chùa sẽ là những nét mực, những dòng chữ đầu tiên viết trên những trang giấy ấy. Chắc chắn sẽ đậm nét trong tâm trí các em suốt cả cuộc đời. Qua đó từng bước giáo dục Từ Bi thánh thiện để hình thành và phát triển nhân cách từ tấm bé cho trẻ. Một minh chứng hùng hồn là lịch sử nước ta có Lý Công Uẩn, lớn lên trong chùa với sự dưỡng nuôi dạy dỗ của Thiền Sư Vạn Hạnh trở thành vị vua anh minh, tài đức, Vua Lý Thái Tổ, đã lập nên triều Lý và cũng đã sáng suốt cho dời đô lập nên Thăng Long mà toàn dân ta đã mừng Đại lễ một nghìn năm tháng 10 năm vừa qua, năm 2010. Để hôm nay và mãi mãi sau nầy đất nước có một Hà Nội phồn thịnh, văn minh, hùng mạnh. Để tương lai của dân tộc, của thế giới ngày mai không dễ chấp nhận sự cải đạo, không dễ sa ngã theo dục vọng vật chất, vào đạo đức suy đồi. Bởi nhìn vào thực trạng xã hội hiện tại, chúng ta thấy thế giới ngày nay đang bị bủa vây bởi bao cái xấu, bao điều bất thiện. Biết bao gia đình suy sụp tan nát vì con cái vướng vào tệ nạn mà nhà trường chỉ truyền dạy kiến thức còn chưa ổn, nói chi đến giáo dục toàn diện con người. Gia đình thì hầu như bận rộn, người nghèo thì sinh kế lo toan, áo cơm chưa đủ. Người giàu thì bận lo công việc, kinh doanh, giao tế. Giao con cho người giúp việc, trông cậy cả ở nhà trường. Từ đó nảy sinh ra bao điều trái khuấy trong việc hình thành nhân cách của trẻ thơ. Vậy thì Phật giáo; Chùa, Thiền viện, Tu viện, Trung tâm cô nhi viện Phật giáo… cần nỗ lực ngày càng nhiều hơn, tích cực hơn nữa hầu đóng góp giảm gánh nặng giáo dục, thêm bông thêm hoa cho hạnh phúc gia đình bằng cách đưa giáo lý Phật giáo vào tâm hồn trẻ thơ một cách thiết thực hiệu quả. Ví dụ: Vào những ngày lễ, Tết, cuối tuần dịp nghỉ hè… biến sân chùa thành nơi sinh hoạt trật tự, vui vẻ cho gia đình Phật tử, xóm làng. Tạo không khí tươi vui, thân thiện. Khuyến khích các em mời Ông Bà Cha mẹ, rủ bè bạn cùng đến sinh hoạt. Nếu có gia đình phát tâm cúng giỗ, kỵ, phóng sanh… động viên gia đình đừng nên ngại rằng các em nhỏ đến chùa sẽ chạy nhảy làm mất vẻ tôn nghiêm. Những dịp nầy không những chú trọng thuyết giảng cho người lớn ý nghĩa việc phóng sanh, mà cũng nên dùng ngôn từ giản dị, dễ hiểu, kể những chuyện xưa có ý răn dạy sát sanh. Phương cách ngày xưa Phật thường dùng để hóa độ chúng sanh. Cốt ý cho các em hiểu về luật Nhân Quả, Nghiệp báo mà tôn trọng sự sống, yêu thương vạn vật, giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường cho người, cho bản thân, cho muôn loại sống mạnh lành ngày nay và mai sau. Bằng ca dao, truyện cổ Phật giáo hay dân gian chỉ dẫn các em tránh hiểm nguy, cạm bẩy dụ dỗ qua mạng internet hay ngoài đường, ngoài xã hội. Đôi khi ngay cả trong gia đình về lạm dụng tình dục, tệ nạn ma túy v.v… Giúp các em gần gũi với hình ảnh, với giáo lý Phật qua những món quà trao cho các em nhân Lễ Phật đản, Vu Lan, Trung Thu, ngày Tết…như tặng sách giáo lý nhà Phật dành cho trẻ em, những bọc bánh kẹo, lì xì, bong bóng trên đó có thể dùng những câu Pháp cú, lời Phật bất di bất dịch : Từ bi trí tuệ, a di đà Phật, Hiếu đạo vi tiên, Mừng Phật đản sanh… Tập các em ăn chay bằng cách khuyến khích cha mẹ đưa các em đến chùa cùng dùng chung những buổi cơm chay sum họp cùng cha mẹ, bạn bè, hàng xóm, thêm cơ hội cho các em học cách ứng xử, giao tiếp. Sinh hoạt chung giúp các em chia sẻ buồn vui, tập tính nhường nhịn, nhẫn nhục. Kêu gọi những gia đình Phật tử thuận thành tổ chức sinh nhật tập thể cho các em ở chùa. Chính quý Tăng Ni cùng cha me nói lời chúc mừng sinh nhật. Mượn cơ hội tặng quà kể chuyện mang nặng đẻ đau, hy sinh dưỡng dục của mẹ cha. Ngắn, gọn, vui, dễ hiểu nhưng chứa đựng tròn đầy ý nghĩa thương yêu. Nhắc các em hiếu thảo. Thực tập các em bằng động tác cắt bánh mời mọi người, bè bạn với nụ cười, với tình thương, với lòng chia sẻ. Ở lứa tuổi còn quá non nớt, chưa đủ khả năng nghe thuyết pháp, tụng kinh thì thỉnh thoảng tổ chức tụ họp thi tô màu hình Phật, hình hoa sen, cảnh chùa, thi viết, nhớ những câu kinh , lời Phật dạy đã phổ biến trong dân gian, thật giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Tổ chức những buổi “Đố vui để học” gíao lý Phật. Dạy các em múa hát, chơi những trò chơi mang màu sắc Phật giáo, dân tộc. Tìm dịp tổ chức các chuyến từ thiện cho các em (trên 8 tuổi) cùng đi với gia đình để các em thực tế gặp thăm, tiếp xúc trực tiếp với các bạn khuyết tật. Giáo dục, nuôi dưỡng lòng bi mẫn trong tâm hồn thơ dại và sự quan tâm đến những thân phận đau khổ quanh mình. Tạo một góc thư viện có sách học, sách truyện Phật giáo cho trẻ em. (Cần có những nhà soạn thảo truyện tranh vẽ Phật giáo cho trẻ em). Tạo không khí sinh hoạt cho Tết, Trung Thu… có người đóng vai chị Hằng, nàng Xuân hóa trang đẹp, hiền từ như dáng Bồ Tát Quan Âm phát những món quà có hình Phật, có những câu cú, câu kinh Phật dạy, cùng các em nhẹ nhàng vui trong lời ca điệu nhạc dạy các em niệm Phật chẳng hạn. Tạo cho các em cảm giác thích thú đến chùa. Nếu cha mẹ thấy chùa là môi trường giáo dục đạo đức tốt cho trẻ em thì gia đình sẽ truyền nhau đưa các em đến chùa thường xuyên, hơn, đông đảo hơn. Chắc chắn với trí tuệ, với óc sáng tạo, với tình thương bao la, những đệ tử Phật sẽ có nhiều, nhiều phương cách đưa tuổi thơ đến với Phật, với giáo lý Phật với niềm an vui và lớn lên trong hạnh phúc. Từ nghìn xưa, điển hình nhất là đời Lê, Lý, Trần hầu hết người dân đều tu học theo đạo Phật. Các thời đại ấy đã là thời hưng thịnh nhất lịch sử nước nhà. Đánh thắng tất cả những thế lực giặc ngoại xâm. Xây dựng đất nước một thời vàng son thanh bình cho dân tộc. Thực tại, nhìn những gia đình có nếp sống gương mẫu Từ Bi Hỷ Xả, biết Nhân Quả, làm lành lánh dữ, tin Phật, thường đến chùa tụng kinh nghe thuyết pháp, giữ gìn chay giới, sống thủy chung lành mạnh, thì hầu hết những đứa con trong gia đình nầy khó tiêm nhiễm thói hư tật xấu, khó bị tha hóa làm khổ gia đình, bại hoại gia phong, phá hoại xã hội. Phật giáo đã mấy mươi thế kỷ qua luôn thể hiện lòng Từ qua những phương cách truyền tải lời Phật dạy đến với mọi người, giúp cho mọi người tri thức tự tu tâm dưỡng tánh. Bằng tình thương bao la vô tận, qua những công tác xã hội, từ thiện: bảo bọc dưỡng nuôi, mở trường lớp dạy chữ, dạy nghề miễn phí, giúp đỡ những thân phận cơ nhỡ ,mồ côi,…luôn đồng hành cùng dân tộc đóng góp rất nhiều về mọi mặt: xã hội, khoa học, môi sinh, tinh thần v.v… để xây dựng cuộc sống an lành hạnh phúc. Phật giáo chưa hề đổ một giọt máu vì tranh chấp quyền lợi, tôn giáo cho nên bằng chứng là đã được Tổ Chức Liên Minh Thế Giới Về Sự Phát Triển Tôn Giáo và Tâm Linh tại Genève, Thụy Sĩ (ICARUS) công nhận Phật giáo là tôn giáo vĩ đại nhất thế giới vào tháng 8, năm 2009. Cha Ted O’ Shaughnessy từ Còn biết bao vấn đề cần quan tâm cho thế hệ mai sau. Chúng tôi tin rằng với tình thương và trí tuệ của những người mang sứ mạng trọng đại của Phật giáo, chúng ta sẽ cùng tìm tòi, phát huy ra nhiều phương cách để giúp cho con em Việt Nam cũng như trẻ em thế giới có tâm tư, có đời sống, có tư duy có trí tuệ và con tim nhà Phật. “..Em theo mẹ lên chùa Chùa làng em thật đẹp Có bóng cây đa mát Hoa nở đủ sắc màu Mẹ lạy em lạy theo Mẹ niệm A Di Đà Em cũng… A Di Đà Phật mĩm cười trên cao. Bắt chước Thầy và Mẹ Em lạy Phật, tụng kinh Mẹ khen, Sư Ông thưởng Quít ngọt với kẹo thơm… Đợi hoài Rằm, Mồng Một Sao mà lâu quá lâu Ước gì được mẹ dắt Lên Chùa nhiều, nhiều hơn!” Thương quá em ơi! Lời vô tư em nói, Chợt tỉnh rồi! Một mơ ước đơn sơ Là sứ giả Như Lai sao tôi đã hửng hờ Những tâm hồn thơ dại, tương lai dân tộc? Tôi xin hứa với mầm non đất nước Hướng em cùng theo chân Phật Từ Bi Để ngày sau có măng thế tre già Em sẽ là Thầy, Cô xuất gia, là Phật tử thuận thành Là nhà nghiên cứu Phật học, là cư sĩ hộ trì Phật pháp. Sẽ hướng dẫn em gìn Tam Quy Ngũ Giới Hạnh: hiếu, thiện, hiền hòa, nhường nhịn, yêu thương Nhân quả, Vô Thường để dạ hiểu, tin Giữ chánh niệm, dồi trau tâm bố thí Buông xả, vị tha, vì muôn loài cứu khổ Không sát sanh, không hận, oán, ghét, thù. Chùa làng em sẽ là nơi vui học hạnh lành Lời kinh Phật sẽ chan hòa điệu nhạc. Tâm sáng trong em tung tăng múa hát Chùa sẽ là nơi chốn khai tâm Cho em, cho xóm giềng, cho tất cả chúng sanh. Mầm thánh thiện trưởng thành trong hạnh phúc. Cầu chư Phật gia hộ Tuổi Thơ nhân loại Lớn lên trong ánh Từ bát ngát hương sen Chan hòa khắp nẻo nắng ấm bình minh Vững rường cột, sáng tương lai… đó đây ngập tràn Phật Pháp!” |
Cập nhật ( 08/04/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com