PHẬT GIÁO SÀI GÒN – THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH * TS. Trần Hồng Liên Trong đoàn di dân vào khai phá vùng đất phía Nam tổ quốc ba thế kỷ thế trước, đã có những nhà sư từ miền Trung thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên, Quảng Nam…, nhưng Thiền sư người Việt và người Trung Hoa đến Cù Lao Phố, dựng những am tranh bên bờ đất thuộc khu vực phù sa sông Đồng Nai, nay xuôi về cùng Gia Định dựng thảo am trên gò cao, hoặc ven sông rạch nhỏ! Tín ngưỡng Phật giáo đã là hành trang của cư dân đi mở đất, đã cùng họ và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử ngót ba trăm năm qua ở vùng đất Gia Định xưa, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Dấu ấn sâu đậm này còn động lại trên nhiều mặt, từ sự phong phú đa dạng của các dòng thiền, từ sự hình thành nhiều vẻ của ngôi chùa, từ trên những đường nét tinh xao tài hoa của nghệ nhân gửi lại trên các pho tượng; và hơn thế, trong dòng chảy sinh động ấy, mãi mãi, tín ngưỡng Phật giáo đã đi vào trong tâm thức người dân thành phố như là một thành tố tất yếu. Dòng chảy văn hoá Phật giáo ấy đã lan toả, hoà hợp vào từng tập tục lâu đời, trở thành phong cách sống mang đậm dấu ấn tín ngưỡng Phật giáo. Thế kỷ XVII, với sự nhập cư của người Việt và nhiều tộc người khác, khu vực Gia Định – Tân Bình đã sớm trở thành một trung tâm thương mại trù phú: diện tích khẩn hoang được mở rộng để sản xuất nông nghiệp; phát triển tiểu thủ công nghiệp. Sự phát triển văn hoá, trong đó các hình thức tín ngưỡng. Nhiều ngôi chùa của người Việt, miếu thờ thần, hội quán của người Hoa kiều cũng được mọc lên, sôi động và thị tứ sau khi Nguyễn Hữu Cảnh đặt phủ Gia Định và lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình thiết lập cơ cấu hành chính (1698)… Sách sử triều Nguyễn còn ghi lại khá nhiều ngôi chùa ở Gia Định lúc ấy đã là những đại già lam như chùa Kim Chương, được thành lập năm 1755. Chùa Giác Lâm được thành lập năm 1744, nhưng đến 1774 mới có Thiền sư về trụ trì… Ngoài các chùa được xây dựng quy mô có kiến thức mỹ lệ, còn rất nhiều chùa cũng dược vua chúa, hoàng hậu, quan quân đứng ra xây dựng, trùng tu, ban cho bản ngạch biển vàng. Chùa Mai Sơn còn được đón tiếp quan quân đến lễ bái vào hai ngày sóc vọng cho đến khi Pháp xâm lược 2. Cùng sự phát triển của các ngôi chùa, tạo điều kiện cho Phật giáo có điều kiện bám rễ vững chắc trên vùng đất mới, còn phải kể đến công lao to lớn của nhiều Thiền sư ở buổi đầu “khai sơn tạo tự’. Từ một vùng đất hoang vu, nhiều kênh rạch, lắm côn trùng, cuộc sống buổi đầu trên nền cảnh quan u tịch ấy đã không làm các Thiền sư chùn bước. Cảnh quang “cỏ thơm mọc dầy như trải đệm (…), sáng chiều âmy khói nổi bay quanh quất”… của chùa Giác Lâm, hay bầu trời mênh mông trên đầu và dưới đầm sen nở đỏ (Chùa Giác Viên) đã được Trịnh Hoài Đức cảm tác qua bài “Liên chiễu âu” Âm âm hàm đạm thuỷ trung tiêu Dục hải sa âu liễm ngọc kiều Tấm mộng phù tung y lục cái Vong cơ nhàn khách chấm hương miêu” Tạm dịch: “Lô nhô sen vịt rợp trong đầm Thôi tắm, chim le xếp cánh nằm Lọng biết đưa chân trôi vết mộng Cỏ thơm làm gối dứt trần tâm) (Cao Tự Thanh dịch) Đã giúp các Thiền sư trụ tích lại và bắt đầu công việc hoằng dương chánh pháp lâu dài. Khá nhiều ngôi chùa trong thành phố và ở các nơi khác đều có đặt bài vị thờ tự trên bàn Tổ các Thiền sư có công đầu tại vùng đất Gia Định xưa như Tổ Phật Ý, Phật Chiếu, Trí Tâm, Viên Quang, Hải Tịnh, Minh Khiêm, Tiên Tín, Đạt Bổn… Dưới các triều đại như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, chùa ở Gia Định còn được sắc tứ như Long Huê, Tập Phước, Từ Ân, Khải Tường, Pháp Vũ, Huệ Lâm (đời Khải Định)… Qua hoạt động của các Thiền sư, dưới mái chùa cổ kính, nhiều dòng thiền khác nhau đã nhập vào vùng đất Gia Định, đem lại sự phong phú đa dạng cho sinh hoạt nghi lễ Phật Giáo như các dòng phái Tổ Đạo, đạo Bổn Nguyên, Chúc Thánh, Liễu Quán của chi phái Lâm Tế và có cả phái Tào Động trong người Hoa và người Việt. Nhiều hoạt động Phật sự tại đất Gia Định với các nơi khác được đẩy mạnh qua các Phật học viện ở chùa Giác Lâm, chùa Long Thạnh (thế kỷ 18 19), ở chùa Mai Sơn, Liên Hải, Sùng Đức, Ấn Quang (đầu thế kỷ 20). Viện Phật học Vạn hạnh, Viện Nghiên cứu Phật học, trường Cao cấp Phật học… những năm gần đây cho thấy tầm quan trọng của vùng đất gia Định xưa, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay trong việc thúc đẩy quá trình giao lưu văn hoá Phật giáo phát triển. Và chính trên mối quan hệ giao lưu với các nơi ấy đã góp phần tạo nên sự hưng thịnh, trù phú trên lĩnh vực văn hoá, phong tục tập quán, đưa đên sự đa dạng cho một trung tâm quan trọng về chính trị, kinh tế và văn hoá của miền 3. Đến những năm Pháp xâm lược nam Kỳ, Gia Định lại là trung tâm dấy lên phong trào chư tăng kháng chiến chống Pháp. Ngôi chùa giai đoạn này tuy chưa trở thành một nơi có hoạt động cách mang, nơi hội họp, nuôi chứa cán bộ… như những giai đoạn sau này, nhưng cũng là nơi liên lạc giữa các Tăng sĩ yêu nước từ Gia Định có quan hệ với các nơi khác vùng đồng bằng sông Cửu Long, như chùa Long Thạnh (huyện Bình Chánh), Trường Thạnh (quận 1)… Giai đoạn Phật giáo có cuộc chấn hưng lớn vào đầu thế kỷ 20, Gia Định lại chính là trung tâm bộc phát mạnh mẽ hoạt động của các nhà sư Khánh Hoà, Thiện Chiếu, Khánh Anh, Huệ Quang… Từ Gia Định, phong trào có quan hệ chặt chẽ với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cũng từ đây, một hội Phật giáo đầu tiên trong cả nước được thành lập: Ngoài sự hiện diện rộng khắp của hệ phái Bắc tông ở miền Nam, cũng tại Gia Dịnh, lần đầu tiên có sự xuất hiện của hệ phái Nam tông từ Campuchia truyền sang năm 1938 và xây dựng ngôi chùa Bửu Quang ở Gò Dưa (Thủ Đức), do nhà sư Hộ Tông khai sáng. Và cũng từ địa điểm ban đầu này, ngôi chùa Kỳ Viên thuộc hệ phái, đã được xây dựng tại Sài Gòn để đón tiếp nhiều phái đoàn quốc tế thuộc hệ phái đến viếng thăm Việt Nam, ngoài hai hệ phái trên, vùng đất gia Định còn là trụ sở trung ương của hệ phái Khất sĩ, xuất hiện từ năm 1944, do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập. Hai trung tâm dành cho Tăng sĩ (tịnh xá Trung Tâm) và Ni giới (tịnh xá Ngọc Phương) đều được đặt tại Sài Gòn. 4. Về tư liệu Phật giáo cũng như các loại kinh sách được in ấn phổ biến phục vụ cho sinh hoạt nghi lễ, cho thấy nhiều ngôi chùa ở Gia Định đã đảm nhận chức năng này, như chùa Giác Lâm, Giác Viên, Phụng Sơn, Trường Thọ, Từ Ân… ở thế kỷ 19; Chợ Lớn cũng có trung tâm phát hành số kinh sách được trùng khắc hoặc in ấn ở Trung Quốc. Đa số các báo chí Phật giáo xuất bản sau giai đoạn chấn hưng đều có trụ sở tại Gia Định như tờ Phật Hoá Tân Thanh Niên, Từ Bi Âm, Từ Quang, Tự Giác, Phật Học… sau năm 1927, nhà xuất bản Thạnh Mậu, chuyên xuất bản các loại sách Phật giáo cũng đặt tại Sài Gòn. Nhiều tạp chí Phật giáo, ra đời sau năm 1954 như Tịnh Độ tạp chí, Phật giáo Việt Nam, Hải Triều Âm, Thiện Mỹ, Vạn Hạnh, Giữ Thơm Quê Mẹ, Tư Tưởng, Đất Tổ… đều đặt trụ sở toà soạn tại Sài Gòn và được hai nhà xuất bản An Tiêm và Lá Bối phát hành. Vào năm 1963, Sài Gòn là trung tâm đầu não của phong trào chống chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Nhiều cuộc biểu tình, tự thiêu đã diễn ra trong lòng thành phố; và đặt biệt tại góc đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu ngày nay còn lại ngôi tháp nhỏ, đánh dấu địa điểm đấu tranh oanh liệt nhất của phong trào: việc tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức cho đạo pháp và dân tộc. Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, mặc dù nằm ngay tại trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn, chùa Khánh Hưng đã tổ chức lễ truy điệu Hồ Chủ Tịch ngay trước mắt địch. 5. Bên cạnh các thành tựu nêu trên, không thể không kể đến sự đóng góp lớn lao của một tập thể nghệ nhân, ngoài tài năng và sức sáng tạo phong phú, còn là một tình cảm sâu đậm dành cho Phật giáo để cho ra đời nhiều kiệt tác còn lưu lại đời sau và còn được nhiều người thuộc thế hệ con cháu ca tụng: đó là một hệ thống tượng tròn và các chạm khắc trên bao lam, bàn thờ, hoành phi, liễn đối. Bằng nhiều chất liệu khác nhau, mỗi phong cách của từng giai đoạn lịch sử đánh dấu sự sáng tạo, tính dân tộc và địa phương sâu sắc, đã làm nổi bậc tính chất nhập thế của Phật giáo Gia Định nói riêng và Phật giáo Nam bộ. Những kiệt tác đó còn nói lên quá trình giao lưu văn hoá giữa các cộng đồng người cư trú trên địa bàn Nam bộ và cũng cho thấy dấu ấn của nhiều luồng ảnh hưởng của các quốc gia theo Phật giáo nằm kề cận với Việt Nam. 6. Sau năm 1975, Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đi vào một bước ngoặc mới. Tại thành phố này, giới Phật giáo đã nhanh chóng ổn định tổ chức để góp phần thúc đẩy công việc thống nhất Phật giáo cả nước, tiến đến Đại hội năm 1981 và hoạt động theo điều lệ hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lấy phương châm hành động là “Đạo pháp – Dân tộc- Chủ nghĩa – Xã hội”. Trung ương Giáo hội đặt tại thành phố. Người Việt, người Hoa theo đạo Phật đều dốc lòng hướng đến nhiều hoạt động từ thiện xã hội, mỗi người đều góp phần làm cho thành phố ngày một tươi đẹp, nâng cuộc sống ngày một lên cao và nhất là xoa dịu nhiều hoàn cảnh bất hạnh quanh mình. 7. Ngày nay, trong điều kiện là một trung tâm, văn hoá, xã hội quan trọng trong cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, những lối sống, thế ứng xử Phật giáo chắc chắn vẫn còn ăn sâu vào tâm thức cư dân thành phố, ngày càng gạn lọc để trở thành một nhu cầu văn hoá… Thanh thiếu niên, học giả… đến chùa không chỉ vì nhu cầu hành lễ, mà còn có dịp đi sâu tìm hiểu giá trị văn hoá, nghệ thuật Phật giáo nhiều năm qua đã góp phần làm đẹp cho thành phố có bề dày lịch sử ngót 3 thế kỷ, còn đọng lại qua các di tích! |
Cập nhật ( 18/03/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com