PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER VÀ HỘI ĐKSSYN MÃI ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC
*Hòa thượng Lý Sa Mouth
Hội trưởng Hội ĐKSSYN tỉnh Bạc Liêu
Đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh Bạc Liêu với hơn 13 ngàn hộ, tổng số dân trên 52 ngàn người chiếm tỉ lệ khoảng 6,1% trong cộng đồng người Kinh, Hoa Khmer đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer là một trong ba hệ phái đang sinh hoạt trong ngôi nhà chung là Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu và Hội Đoàn kết Sư Sãi yêu nước là tổ chức thành viên của Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc hoạt động theo điều lệ của Hội trong phạm vi hiến pháp và pháp luật của nhà nước. Trong từng giai đoạn lịch sử nhất định, Phật giáo Nam tông Khmer và Hội ĐKSSYN với tinh thần khế lý khế cơ vận dụng mọi điều kiện có thể huy động được để ra sức đóng góp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, góp phần kiến tạo quê hương.
Trong hai cuộc kháng chiến, một số ngôi chùa Khmer đã trở thành cơ sở cách mạng, một số các vị sư sãi đã cởi cà sa khoác áo chiến bào lên đường bảo vệ Tổ quốc, một số bám chùa làm nhiều nhiệm vụ khác khi được tổ chức phân công; đồng bào dân tộc Khmer cũng đã trở thành những chiến sĩ kiên cường. Tha thiết với độc lập dân tộc, cho đến khi hòa bình được thiết lập, tổ quốc được thống nhất, non sông nối liền một dãy, nhà chùa và chư tăng cùng với đồng bào dân tộc Khmer chung sức chung lòng lo hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế.
Hội ĐKSSYN Tỉnh Bạc Liêu, hoạt động qua 4 nhiệm kỳ đại hội, với phương châm “Đạo pháp” – Dân tộc – và Chủ nghĩa – Xã hội” đã cùng với hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer được sự hổ trợ của Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Bạc Liêu, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các ngành chức năng trong nhiệm kỳ IV (2003 – 2007) đã thực hiện được một số thành tựu quan trọng. Trong tỉnh hiện có 22 chùa và 06 Saltel với 315 chư tăng trong đó có 2 vị Hòa thượng, 5 vị Thượng tọa, đã bốn lần mở Đại giới đàn truyền giới cho 150 vị. Đặc biệt rất quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo thông qua các lớp Pali Vini, sơ cấp, trung cấp cho hơn 260 chư tăng; đã tốt nghiệp đại học 13, trung cấp Pali Nam bộ 15 và sơ cấp Pali – vini tại địa phương 114 vị, ngoài ra còn mở các lớp bổ túc văn hóa các cấp cho chư tăng và con em đồng bào Khmer chiếm 60%.
Ngôi chùa bảng làng là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của cộng đồng người Khme, bởi có sự gắn kết bao đời từ nhiều thế hệ; ngoài việc chư tăng ở chùa hướng dẫn cho đồng bào Phật tử thực hiện Chánh pháp, chấp hành kỷ cương phép nước, còn phải quan tâm đến việc kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các lễ hội như tết Cholchnam Thmây, Đata, Ok Om Boc, Dâng y ca sa, lễ Dâng bông… được tổ chức và thực hiện ngày càng phong phú hơn – chư tăng rất chú ý đến việc hướng dẫn đồng bào tập trung phát triển kinh tế và cùng nhà nước đưa các chương trình 134, 135 của Chính phủ hổ trợ đời sống xây dựng nông thôn mỗi ngày có hiệu quả cao, nói chung Phật giáo Nam tông Khmer với định hướng có sẳn “phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”nên lúc nào cũng hướng đến mục tiêu chăm lo đời sống cho dân cùng góp phần xây dựng cho dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh. Trong nhiệm kỳ qua, Hội ĐKSSYN đã thực hiện công tác từ thiện xã hội với tổng giá trị gần một tỉ đồng, các chương trình phúc lợi khác trên một tỉ, tuy con số hãy còn khiêm tốn nhưng cũng nói lên được sự cố gắng nỗ lực của quý tăng trong các chùa.
Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, toàn dân đang chống thuyền ra biển lớn, thuận lợi có nhiều nhưng thời cơ và thách thức đan xen nhau, Phật giáo cả nước đang trên lộ trình xã hội hóa các hoạt động Phật sự, vì thế hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer và Hội ĐKSSYN cần có hướng đi cụ thể và thiết thực, phải có sự đồng bộ trong định hướng phát triển, đó là điều chúng ta đang trăn trở; để tiếp tục đồng hành cùng dân tộc chúng ta phải chấp nhận dấn thân, chư tăng phải ra sức tu học nâng cao trình độ tăng cường đoàn kết, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống các mặt của đồng bào, động viên mọi người thực hành tiết kiệm chăm lo lao động sản xuất, toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư đặc biệt phải làm cho nông thôn được thay da đổi thịt; phải có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng và hành động của từng vị sứ giả Như Lai, đem đạo vào đời với mục tiêu thiết thực là thực hiện được an sinh xã hội, nhà nhà ấm no, người người an lạc hạnh phúc.
Cập nhật ( 29/07/2009 )