PHẬT GIÁO GÓP PHẦN VÀO 2 SỰ KIỆN GIẢI PHÓNG BẠC LIÊU 23/8/1945 VÀ 30/4/1975 * Cư sĩ Quảng Thiệt Sự kiện 23/08/1945 giải phóng Bạc Liêu không đổ máu Bạc Liêu cùng chung với một số tỉnh ở miền Tây Nam Bộ có chiều dài lịch sử 300 năm kể từ khi mở đất và cũng có cùng chung đặc điểm 3 dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer tín ngưỡng tôn giáo là đạo Phật. Họ sống đoàn kết cùng nhau, chung sức, chung lòng chiến đấu với thiên nhiên, với thú rừng nước độc với biết bao nổi khó khăn cực nhọc để sinh tồn. Họ bảo vệ nhau để xây dựng và phát triển vùng đất mới, vượt qua muôn ngàn gian khổ, đặc biệt là trong hai cuộc đấu tranh bằng mồ hôi nước mắt và máu chống ngoại xâm để bảo vệ và giữ gìn những thành quả đã có được mảnh đất Bạc Liêu cho đến hôm nay.
Lịch sử Bạc Liêu trong suốt chiều dài 300 năm, người dân Bạc Liêu trong quá trình khai hoang mở đất có nhiều sự kiện đứng lên đấu tranh chống áp bức, cường quyền để đòi quyền lợi và sự sống như sự kiện chủ chọt Trần Kim Túc – Ninh Thạnh Lợi, sự kiện Nọc Nạng Mười Chức Giá Rai,… đặc biệt Bạc Liêu còn có 2 sự kiện nổi bậc rất quan trọng vì 2 sự kiện này là quá trình đấu tranh bằng xương máu của các tầng lớp nhân dân Bạc Liêu kháng chiến đòi quyền độc lập tổ quốc đó là sự kiện 23 tháng 8 năm 1945 và sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng Bạc Liêu. Những thập niên đầu thế kỉ XX các nhà Điền chủ và Hương chức của Bạc Liêu có ý tưởng xây dựng chùa để tộc họ tu thân như: – Chùa Long Phước của tộc họ Chung Bá – Chùa Vĩnh Phước An của bà Chủ Đường – Chùa Vĩnh Hòa của ông Cả Phượng và Chủ Mẹo – Chùa Vĩnh Đức của ông Tạ Thái Hòa và bà Lý Ngọc Thể – Chùa Giác Hoa của bà Huỳnh Thị Ngó – Chùa Vĩnh Bình của ông Trần Trinh Trạch – Chùa Khánh Long An của ông Phủ Mỹ – Chùa Phước Bửu của ông Bái Ngọ – Chùa Hưng Thiện của ông Trần Công Muôn – Chùa Châu Viên của bà Hai Ngó – Chùa Hổ Phù của ông Phủ Phẩm… Sau khi xây dựng chùa các Điền chủ và Hương chức thỉnh các nhà Sư trụ trì. Trong số đó các nhà sư trụ trì có những vị có tinh thần yêu nước như: Hòa thượng Huệ Viên chùa Vĩnh Hòa, sư Nguyệt Chiếu chùa Vĩnh Đức, Thượng tọa Chí Hiếu chùa Long Phước, Hòa thượng Thiện Thành chùa Vĩnh Bình, Yết Ma Hồng Hạnh chùa Hưng Thiện, Thượng tọa Thiên Dương chùa Hổ Phù, Hòa thượng Huệ Quang chùa Vĩnh Phước An, thượng tọa Thanh Ân chùa Khánh Long An. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu tập 1. chương hai giai đoạn 1932 đến 1939 ghi lại, người tổ chức chi bộ Đảng đầu tiên ở thành phố Bạc Liêu là sư Nhật Quang Nguyễn Văn Nhẫn. Theo lời của ông Phan Kinh Cân một trí thức yêu nước ở Bạc Liêu nói với chúng tôi, chính ông được sư Nhật Quang giác ngộ theo Cách mạng “Khi sư Nhật Quang đến Bạc Liêu vào năm 1936 anh La Kim Lý giới thiệu tôi với sư Nhật Quang tại chùa Ông Ký ở xóm Ao Làng (chùa Vĩnh Đức) nơi đây tôi mới biết được sư Nhật Quang và sư Nguyệt Chiếu có quen nhau từ trước, ngoài việc tu hành các ông còn làm quốc sự”. Cũng theo lời của ông La Kim Lý nói với chúng tôi: “Anh Nhẫn (tức sư Nhật Quang) đến Bạc Liêu thường liên hệ với các chùa Cô Bảy (tức chùa Long Phước), chùa Ông Ký (tức chùa Vĩnh Đức), chùa Ông Mẹo (tức chùa Vĩnh Hòa), chùa Bà Hai Ngó (tức chùa Giác Hoa) được các sư trụ trì nuôi ăn ở để hoạt động Cách mạng. Trong quyển “Một thời để nhớ” của Hội Văn Học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu có bài viết của tác giả Nguyễn Khánh Hồng (một trong những người viết lịch sử Bạc Liêu ) “Người Cộng sản đầu tiên vào hoạt động nội thành Bạc Liêu “trong đó có đoạn kể: “Hơn 2 năm bám trụ trong thành Bạc Liêu để hoạt động cách mạng các đồng chí Nguyễn Văn Nhẫn (sư Nhật Quang), Bùi Thị Trường, Chiêm Thị Ngó được nhân dân nội thành Bạc Liêu ủng hộ, nuôi dưỡng, che chở các đồng chí tồn tại hoạt động cách mạng… Với thời gian tuy chưa dài lắm nhưng các đồng chí đã tạo dựng từ không đến có các tổ chức cách mạng, phong trào đấu tranh của nhân dân đòi quyền lợi, dân sinh, dân chủ, có chi bộ Đảng kề vai sát cánh với nhân dân nội thành Bạc Liêu đấu tranh không mệt mỏi với kẻ thù. Chi bộ “đường phố” và các tổ chức quần chúng cách mạng nội thành Bạc Liêu là hạt nhân, là động lực, là lực lượng của phong trào cách mạng ngày 23 tháng 8 năm 1945 tại trung tâm đầu não của địch, thị xã, tỉnh lỵ Bạc Liêu. Các đồng chí Nguyễn Văn Nhẫn (sư Nhật Quang), Bùi Thị Trường, Chiêm Thị Ngó là những người đi đầu có công rất lớn gây dựng cơ sở cách mạng cho thị xã tỉnh lỵ Bạc Liêu thời bấy giờ. Cũng từ hình ảnh nhà sư Nhật Quang làm cách mạng trong những năm đầu mới có Đảng tại Bạc Liêu nên nối tiếp sau đó có nhiều nhà sư tham gia cách mạng và nhiều chùa là cơ sở nuôi chứa cán bộ hoạt động cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 tại Bạc Liêu lực lượng võ trang do ông Trần Văn Sớm chỉ huy, đóng quân tại chùa Giác Hoa của sư bà Hai Ngó trước khi vào thành Bạc Liêu . – Mặt trận Việt Minh tại Bạc Liêu tổ chức nhiều lực lượng cứu quốc trong đó có lực lượng Phật giáo cứu quốc do các nhà sư Thích Nhật Minh, Thích Nhật Tấn, Thích Chí Hiếu lãnh đạo cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công. – Thượng tọa Chí Hiếu lúc về tại chùa Long Phước có kể cho chúng tôi nghe ngày 23/08/1945 tại Bạc Liêu: chùa Long Phước là cơ sở quân sự của anh Tào Văn Tỵ (La Kim Lý), chiều ngày 22 các anh em có võ trang về đóng chung quanh chùa Vĩnh Phước An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Đức, Khánh Long An, tôi được anh Lý phân công liên lạc với các chùa để truyền đạt chỉ thị của Ban khởi nghĩa. Sáng ngày 23 Ban khởi nghĩa có lệnh cho tất cả kéo đến dinh tỉnh trưởng. Anh Tỵ và anh Năm (tú tài Năm là chú của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) làm việc với tỉnh trưởng Trương Công Thiện. Còn các lực lượng ở ngoài hô hào đả đảo khâm sai. Chừng 9 giờ anh Tỵ ra nói với đồng bào, ông tỉnh trưởng Trương Công Thiện đồng ý giao chính quyền cho Việt Minh. Dân chúng hoan hô dậy trời: Cách mạng Tháng tám thành công. Sự kiện 30/04/1975 giải phóng Bạc Liêu không đổ máu Trong kháng chiến chín năm chống Pháp, Phật giáo Bạc Liêu có nhiều tu sĩ tham gia vào chiến khu trực tiếp chiến đấu, như Thượng tọa Chí Hiếu, Huệ Tâm, Thiện Dương, Hồng Hạnh, Nhật Minh, Nhật Tấn,… và các chùa trong vùng kháng chiến như Long Thành, Hàm Hưng, Hưng Long, Long Thạnh, Hổ Phù là những cơ sở nuôi chứa cán bộ hoạt động cách mạng. Có nhiều chùa làm trụ sở, làm trường chính trị, làm bệnh viện, làm trường học, làm cơ sở luyện tập quân sự của Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ. Cũng từ đó mà mạch máu giao liên trong hệ thống Phật giáo Bạc Liêu từ chùa nông thôn ra chùa thành thị luôn luôn được chảy êm ả trong tinh thần yêu nước của các tăng ni phật tử Bạc Liêu. Năm 1954 đất nước bị chia đôi, tại Bạc Liêu trong các tu sĩ Phật giáo tham gia kháng chiến chín năm có số đã hi sinh, có số ẩn mình giấu tông tích, có số ra Thành tham gia Phật sự, vì lúc bấy giờ Giáo hội Tăng Già đã thành lập và có sức ảnh hưởng khá lớn trong nhân dân. Và bộ máy chính quyền của Ngô Đình Diệm còn trong buổi giao thời giữ hai thế lực Pháp đi Mỹ đến ở miền Nam Việt Đầu năm 1955, Ban chấp hành thị đảng bộ Bạc Liêu đã được thành lập và phiên họp đầu tiên tổ chức tại chùa Long Phước nay thuộc phường 5, thành phố Bạc Liêu, kế đến vào những năm kế tiếp: Chùa hội Phật giáo Bạc Liêu nay là chùa Huệ Quang là điểm gặp gỡ của các vị trong kháng chiến chín năm như: ông Phan Kim Cân, Tạ Kim, Phan Văn Đậu, Nguyễn Tú Vinh, Phạm Thị Tý, La Thị Chịa,…Tổ chức gặp gỡ Hòa thượng Thích Hiển Giác trụ trì chùa Phật học. Chùa Bạch Liên là nơi tổ chức cứu tế xã hội, tổ chức thăm nuôi tù chính trị tại trung tâm cải huấn tỉnh Bạc Liêu, do Ni sư Diệu Hữu trụ trì phụ trách. Chùa Vĩnh Hòa là nơi tổ chức các cuộc đấu tranh, biểu tình của học sinh, sinh viên Bạc Liêu chống chính quyền chế độ Thiệu gian lận bầu cử, độc diễn Nguyễn Văn Thiệu và cải tạo chế tạo lao tù, do Hòa thượng Thích Trí Đức trụ trì, ủng hộ tổ chức. Chùa Vĩnh Đức là nơi tổ chức lễ truy điệu Hồ chủ tịch vào sáng ngày 6/9/1969. Các vị trong tổ Tư Trí vận và Tôn Giáo vận của Mặt Trận Dân Tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu tham dự. Và chùa Vĩnh Đức cũng là trụ sở nội thành của Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu trong những ngày 28 – 29 – 30 tháng 4 năm 1975. Đặc biệt nơi đây diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa Mặt trận dân tộc giải phóng và chính quyền chế độ cũ tỉnh Bạc Liêu . Ngày 14/04/1975, tỉnh trưởng Bạc Liêu gởi thơ mời tỉnh hội Phật giáo tham dự cuộc họp, nội dung trong thơ thông báo tình hình nghiêm trọng của đất nước. Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu cử Đại đức Thích Quảng Thiệt chánh thư ký tỉnh hội đi dự cuộc họp. Hiện diện trong cuộc họp, có đông đủ các thành phần của tỉnh để cử ra Ban tử thủ tỉnh Bạc Liêu. các đại diện Tôn giáo có mặt trong cuộc họp để cử Đại đức Thích Quảng Thiệt vào ghế phó chủ tịch ủy Ban tử Thủ. Ban tử thủ trực thuộc Tổng thống và có quyền quyết định tối hậu vận mệnh của tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ. Ngày 21/04/1975, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu mời Đại đức Thích Quảng Thiệt vào căn cứ Tỉnh ủy để nghe trình bày Bảng đồ phòng thủ tỉnh lỵ Bạc Liêu và cử Đại đức Thích Quảng Thiệt vào ủy viên Ban khởi nghĩa giải phóng tỉnh Bạc Liêu. Ngày 28/4/1975, Đại đức Thích Quảng Thiệt Phó chủ tịch ủy Ban Tử Thủ tỉnh Bạc Liêu rước đại diện Mặt trận dân tộc giải phóng vào nội thành Bạc Liêu đến chùa Vĩnh Đức của Hòa thượng Thích Hiển Giác – – Phó Ban đại diện Phật giáo tỉnh Bạc Liêu. Cũng là Ủy viên Ủy Ban Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng tỉnh Bạc Liêu. Ngày 30/4/1975, Hòa thượng Thích Hiển Giác là thành viên trong đoàn mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu dự những cuộc đàm phán với tỉnh trưởng Bạc Liêu Nguyễn Ngọc Điệp. Kết quả cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân không đổ máu. Kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng quê hương Bạc Liêu bằng tình thương xóa hận thù, bằng lòng từ bi của cách mạng. Từ những tư liệu lịch sử Bạc Liêu, những nhân chứng, những người trực tiếp tham gia vào 2 cuộc kháng chiến dành độc lập dân tộc giải phóng quê hương Bạc Liêu. Chúng tôi trình bày trước quý đại biểu về sức đóng góp của Phật giáo Bạc Liêu vào sự nghiệp cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là góp phần vào hai sự kiện của hai lần giải phóng Bạc Liêu không đổ máu. Theo binh pháp của đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thắng lợi trong trận đánh càng ít thương vong càng vẻ vang nhất. Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lãnh đạo nhân dân kháng chiến qua các thời kỳ đã áp dụng binh pháp của đại tướng Võ Nguyên Giáp vào hai trận đánh sau cùng tại Bạc Liêu không đổ máu nên trở thành là một kỳ tích trong lịch sử chiến tranh giải phóng của cách mạng Việt Nam. |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com