Phật Giáo Bạc Liêu
Chủ Nhật, Tháng Ba 26, 2023
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Ban Chứng Minh
    • Ban trị sự
    • Các ban trực thuộc
  • Tin tức – Phật sự
  • Từ thiện xã hội
  • Lịch sử – văn hóa
    • Văn hoá phật giáo
    • Lịch sử văn hoá
  • Nhân vật – Sự kiện
    • Nhân vật
    • Sự kiện
  • Phật học
    • Tự viện
  • Trung cấp phật học
No Result
View All Result
Phật Giáo Bạc Liêu
No Result
View All Result

PHẬT GIÁO BẠC LIÊU TRONG DÒNG CHẢY SINH MỆNH CỦA BA DÂN TỘC

Phật Giáo Bạc Liêu Đăng bởi Phật Giáo Bạc Liêu
1 năm trước
in Lịch sử - văn hóa, Tin tức - Phật sự
A A
0

Thượng toạ Thích Phước Chí

Tóm tắt

Dễ sinh tồn và phát triển, trong quá trình khai hoang mở đất, lưu dân xứ Bạc Liêu đã liên kết thành một đại gia đình, để cùng nhau cải tạo rừng thiêng nước độc, đối đầu với thú dữ đồng hoang, vượt qua muôn ngàn gian khổ, kiên cường anh dũng đứng lên chống lại mọi sự áp bức, cường quyền giữ gìn từng tấc đất, ngọn rau. Qua năm tháng miệt mài trong lao động sản xuất và chiến đấu, các nền văn hóa đã hòa quyện cùng nhau, tạo thành nguyên khí lưu chuyển trong dòng chảy sinh mệnh của ba dân tộc mang chung tính chất Bi – Trí – Dũng. Tính chất văn hóa Phật giáo này đã phát sinh giao hòa, cộng hưởng và đồng hành suốt quá trình mở mang châu thổ Cửu Long.

Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
  1. 1.     BỐI CẢNH LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ DÂN TỘC

Vùng đất Bạc Liêu kể từ khi khai đất lập làng cho đến khi thành lập tỉnh và đến ngày nay đã trải qua nhiều đợt di dân. Trước thế kỷ XIX, vùng đất Bạc Liêu có nhiều tài nguyên và điều kiện thuận lợi, nên phiêu dân nhiều nơi tìm về đây để sinh sống. Những cuộc di dân tự phát của người Việt bởi sự đói nghèo do bị bóc lột của cường hào ác bá ở các nơi, người Hoa trốn chạy triều đình Mãn Thanh, người Khmer di tản để tìm vùng đất mới[1].

  1. 1.1.    Sơ lược lịch sử hình thành và khái quát địa giới tỉnh Bạc Liêu

Mạc Cửu người ở Lôi Châu, Qụảng Đông, Trung Qụốc. Sau khi nhà Minh sụp đổ, vì không phục tùng nhà Thanh, chạy xuống phương Nam, qui tụ nhiều di dân, đến đất Mang Khảm (Hà Tiên) khai khẩn đất hoang, cải tạo đầm lầy tạo lập 7 thôn, ấp thuộc vùng đất Bạc Liêu. Tháng 8 năm 1708[2], Mạc Cửu dâng thư lên Chúa Nguyễn Phúc Chu xin được quy thuận và sáp nhập những vùng đất trên vào lãnh thổ đàng trong. Chúa nhận lời và phong Mạc Cửu là Tổng binh, tước Cửu Ngọc Hầu. Truyền thuyết cho rằng trên sông thường có Tiên xuất hiện, nên đặt nơi này là Hà Tiên. Phố xá, đô thị mới mọc lên, chợ búa buôn bán ngày một sầm uất, đời sống cư dân ngày một phát triển[3].

Năm 1757, Vua nước Chân Lạp là Nặc Nguyên qua đời nên xảy ra tình trạng tranh giành quyền lực trong vương họ. Để ổn định tình hình, Chúa Nguyễn Phúc Khoát chấp thuận cho Nặc Tôn lên ngôi. Để tỏ lòng biết ơn, Nặc Tôn dâng những vùng đất như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang[4].

Năm trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên dưới sự cai quản của thành Gia Định được đổi từ trấn Gia Định vào năm 1808. Thành Gia Định tồn tại đến năm 1832 và được chia thành 6 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên dưới thời Vua Minh Mạng. Phần đất Hà Tiên đến Cà Mau thuộc Hà Tiên. Phần Châu Đốc đến Sóc Trăng và Bạc Liêu thuộc An Giang[5].

Sáu tỉnh Nam kỳ bị thực dân Pháp xâm lược toàn bộ vào ngày 5 tháng 1 năm 1867 và 5 tháng sau chia thành 24 khu tham biện. Sau đó, điều chỉnh lại còn 20 vào năm 1877. Địa hạt Bạc Liêu được thành lập từ 3 tổng Quảng Long, Quảng Xuyên, Long Thủy của đại lý Cà Mau thuộc địa hạt Rạch Giá và hai tổng Thạnh Hòa, Thạnh Hưng của đại lý Châu Thành thuộc địa hạt Sóc Trăng vào ngày 18 tháng 12 năm 1882. Đây là địa hạt thứ 21, khi ấy chỉ có 2 đại lý Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu[6].

Trên toàn Nam kỳ, danh xưng địa hạt được đổi thành tỉnh, đại lý đổi thành quận vào ngày 01 tháng 01 năm 1900. Tỉnh Bạc Liêu có thêm quận Giá Rai do từ phần đất phía nam quận Vĩnh Lợi và phía bắc quận Cà Mau, năm 1918[7].

Tỉnh Ba Xuyên được thành lập từ các quận Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu của Bạc Liêu và Sóc Trăng. Tỉnh An Xuyên được thành lập từ quận Cà Mau dưới Sắc lệnh 143/NV của Ngô Đình Diệm ngày 22 tháng 12 năm 1956[8].

Tỉnh Bạc Liêu được tái lập từ các quận Phước Long, Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi và Giá Rai từ Sắc lệnh số 254/NV của Chính quyền Sài Gòn vào ngày 8 tháng 9 năm 1964 và tồn tại cho đến ngày 30 tháng 4năml975[9][10].

Trong công cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chính quyền cách mạng cũng đã phân định ranh giới tỉnh Bạc Liêu. Hai làng Vĩnh Hưng, Vĩnh Phú của quận Hồng Dân tỉnh Rạch Giá được sáp nhập vào quận Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu năm 1947. Làng Hưng Hội và quận Vĩnh Châu được sáp nhập về tỉnh Sóc Trăng, đồng thời Bạc Liêu nhận về làng Châu Thới. Thị xã Bạc Liêu được thành lập từ 2 làng Vĩnh Trạch và Vĩnh Lợi năm 1948. Hai huyện An Biên và Hồng Dân của tỉnh Rạch Giá được chuyển qua tỉnh Bạc Liêu năm 1951.

Bạc Liêu nhận lại Vĩnh Châu và chuyển huyện An Biên và Hồng Dân về lại Rạch Giá, năm 1955[11]. Thị xã Bạc Liêu và các huyện Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai phân tách về Sóc Trăng năm 1957. Tỉnh Cà Mau nhận về huyện Giá Rai năm 1962[12]. Bạc Liêu được tái lập có 4 huyện Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân và thị xã Bạc Liêu do Khu ủy Tây Nam Bộ quyết định, tháng 11 năm 1973. Tỉnh Minh Hải ra đời do sự sáp nhập của hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau bởi Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam vào giữa đầu năm 1976[13].

Ngày nay, tỉnh Bạc Liêu được xác nhận là một trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là do phân tách khỏi tỉnh Minh Hải vào ngày 01 tháng 01 năm 1997.

  1. 1.2.    Văn hóa và dân tộc

Qua đời sống sinh hoạt xã hội, tất cả những đặc trưng riêng của văn hóa mỗi dân tộc sẽ được hiển hiện trong từng thành tố. Văn hóa vùng đất Bạc Liêu là hình thái văn hóa tổng hòa của 3 dân tộc anh em Kinh, Hoa và Khmer.

Từ lâu, chùa là điểm sinh hoạt văn hóa, giáo dục của cộng đồng người dân tộc. Để trau dồi kiến thức và đạo đức, trước khi trưởng thành, thanh niên Khmer thường đến chùa xuất gia. Người Khmer Bạc Liêu là Môn Khmer có tiếng nói và chữ viết riêng, thuộc ngữ hệ Nam Á, sống cùng với đồng bào Kinh, Hoa trong các làng xã, phum sóc. Hằng năm có nhiều ngày hội, ngày tết dân tộc, ngày lễ lớn như: Choi Thnam Thmay, Đôl Ta, Óc Om Bóc… Qua những lễ hội trên tình đoàn kết 3 dân tộc càng thêm khắn khít, hiểu nhau, thông cảm chia sẻ nhau nhiều hơn, cùng chung tay xây dựng xóm làng.

Cộng đồng người Hoa đến Bạc Liêu từ rất sớm, họ khai hoang lập nghiệp, và mang theo những lễ hội, phong tục truyền thống, ngôn ngữ, tôn giáo. Người Hoa Bạc Liêu bao gồm nhiều gốc người khác nhau như: Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Phúc Kiến… Mặc dù mỗi gốc người đều có tiếng nói riêng của mình, nhưng tiếng Triều Châu vẫn được coi là thứ ngôn ngữ chính được sử dụng nhiều nhất trong giao tiếp. Xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt và trao đổi mua bán, họ cũng nói tiếng Việt, tiếng Khmer.

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (tập 1), đa số cư dân ở Bạc Liêu là di dân nghèo ly hương. Người Kinh, Hoa, Khmer sống đan xen nhau, luôn tương trợ, hài hòa giúp đỡ, đoàn kết khi hoạn nạn, chân thành cởi mở, phóng khoáng và hào sảng không phân biệt đối xử giữa các tộc người, cùng chung sinh sống trong một cộng đồng. Với đời sống lao động lam lũ, tay lấm chân bùn, nên “đủ tinh thần thực tiễn, nhưng thiếu chữ; đủ đạo đức làm dần mà ít thuộc kinh truyện”. Khi bị áp bức bất công, họ sẵn sàng đứng lên bảo vệ từng hạt lúa, bát cơm. Đó là khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, đặt ách cai trị nhân dân ta, người dân Bạc Liêu đã không nhượng bộ, nhiều cuộc nổi dậy của nông dân chống thực dân[14] như:

  • –    Cuộc nổi dậy ở Tân Hưng năm 1924.
  • –    Cuộc nổi dậy ở Ninh Thạnh Lợi[15]1927, do Trần Kim Túc (chủ Chọt) khởi xướng.
  • –    Sự kiện anh em ông Mười Chức đấu tranh chống lại bọn thực dân và tay sai cướp đất, cướp lúa của gia đình, tại cánh đồng Nọc Nạng[16], mà đỉnh điểm là trận quyết tử ngày 17 tháng 02 năm 1928[17].

Có thể nói tuy không thành công, nhưng những cuộc đấu tranh nông dân tiêu biểu này đã gây tiếng vang lớn. Mỗi cuộc nổi dậy có hoàn cảnh và tính chất khác nhau nhưng đều giống nhau ở lòng yêu quê hương, yêu đất nước nồng nàn và sâu đậm.

  • 2.     KHÁI QUÁT PHẬT GIÁO TỈNH BẠC LIÊU

Với nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan, Giáo hội Phật giáo Bạc Liêu còn rất non trẻ so với các tỉnh, thành bạn trong khu vực. Từ địa giới thành lập, phân tách, sáp nhập của tỉnh nhà đến mặt nhân sự Giáo hội. Năm 2000, Phật giáo Bạc Liêu bắt đầu trở mình vươn lên khi Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ nhất thành công tốt đẹp với tinh thần nghị quyết Đại hội là làm sao để Phật giáo Bạc Liêu sánh vai cùng các tỉnh bạn.

Quang cảnh Quán Âm Phật Đài, phường Nhà Mát, Tp. Bạc Liêu

2.1. Phong trào tham gia cách mạng của các nhà sư yêu nước Bạc Liêu

Sư Nhật Quang – Nguyễn Văn Nhẫn là người tổ chức chi bộ Đảng đầu tiên ở thành phố Bạc Liêu, được ông La Kim Lý giới thiệu với ông Phan Kinh Cân[18] tại chùa Ông Ký[19] ở xóm Ao Làng khi đến Bạc Liêu, năm 1936. Sư Nhật Quang thường liên lạc với các chùa: Chùa Cô Bảy[20] (chùa Long Phước), chùa Ông Mẹo[21] (chùa Vĩnh Hòa), chùa Bà Hai Ngó[22] (chùa Giác Hoa) và được các vị trụ trì ủng hộ làm cơ sở hoạt động cách mạng. Qua hơn 2 năm đầy gian nan, bám trụ nội thành Bạc Liêu, sư Nhật Qụang cùng những cán bộ khác đã gầy dựng được những cơ sở cách mạng đầu tiên làm nền móng cho tổ chức cách mạng sau này. Đây cũng là hạt nhân cho sự kiện ngày 23 tháng 8 năm 1945[23].

Sau đó là phong trào tham gia cách mạng của nhiều nhà sư yêu nước và nhiều chùa đã đóng góp công sức cho cách mạng ở Bạc Liêu. Trong đó có Hòa thượng Huệ Viên (chùa Châu Viên), sư Nguyệt Chiếu (chùa Vĩnh Đức), Hòa thượng Chí Hiếu (chùa Long Phước)….

Trước khi tham gia cách mạng, Hòa thượng Chí Hiếu kế vị trụ trì chùa Long Phước, sau khi Hòa thượng Phổ Chí viên tịch ngày mùng 3 tháng 11 năm Đinh Sửu 1937. Công binh xưởng của Tỉnh đội Bạc Liêu đã đồn trú và hoạt động tại đây năm 1945. Chiến trường thuộc địa phận quân khu IX, được cung cấp nhiều loại vũ khí từ công binh xưởng này. Có lệnh dời về Cây Vang, sau 6 tháng hoạt động, sau đó rút về Cạnh Đền… Để thuận tiện tham gia cách mạng, Hòa thượng đã theo đoàn công binh xưởng. Sau khi Hòa thượng Chí Hiếu chính thức gia nhập cách mạng, một trong những vị đệ tử của Hòa thượng Phổ Chí là Hòa thượng Chơn Pháp được mời về làm trụ trì chùa Long Phước. Chùa vẫn là cơ sở hoạt động cách mạng, là nơi họp phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ Thị ủy vào ngày 26 tháng 01 năm 1955[24].

Chùa Bạch Liên, chùa Vĩnh Hòa là những nơi tổ chức úy lạo, cứu tế xã hội, thăm nuôi tù chính trị tại trung tâm cải huấn, lãnh đạo học sinh, sinh viên biểu tình chống chế độ Mỹ -Thiệu, yêu cầu thay đổi chế độ lao tù, do Ni sư Diệu Hữu và Hòa thượng Thích Trí Đức phụ trách[25].

Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch vào lúc 14 giờ đến 16 giờ ngày 9 tháng 9 năm 1969 tại chánh điện chùa Vĩnh Đức[26]. Trụ sở nội thành của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu cũng đặt tại nơi đây[27].

Chùa Giác Hoa đã đóng góp rất lớn trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Trước khi hành quân vào Bạc Liêu, quân đội của ông Trần Văn Sớm, đã đồn trú tại chùa, trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, 1940. Chùa đã ủng hộ rất nhiều lúa gạo, thuốc men, văn phòng phẩm, nhiều đồ dùng cần thiết khác và nuôi giấu cán bộ cách mạng[28].

Ngoài ra chùa Vĩnh Phước An, chùa Khánh Long An, chùa Hưng Thiện, chùa An Thạnh Linh, chùa Kos Thum… đều là những cơ sở góp phần rất lớn trong sự nghiệp thống nhất đất nước.

  • 2.2.     Sự phát triển của Phật giáo tỉnh Bạc Liêu qua các thời kỳ

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo Tây Nam bộ nói chung hay Bạc Liêu nói riêng, Hòa thượng Huệ Viên là một trong những thành viên lãnh đạo tâm huyết nhất. Với tâm nguyện phục hưng Phật giáo, phát triển nền giáo học Phật đà, năm 1934, Hòa thượng được thỉnh về làm trụ trì chùa Vĩnh Hòa. Nơi đầy hoài bão của Ngài được thực hiện. Hòa thượng liên kết được rất nhiều nhà sư yêu nước, tạo nên một thế hệ tiền bối hữu công, làm nền móng vững chắc cho sự phát triển Phật giáo Bạc Liêu về sau.

Ngày 07 tháng 11 năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời. Riêng tại Minh Hải, năm 1984, Đại hội Phật giáo tỉnh Minh Hải bầu Hòa thượng Thích Hiển Giác làm Trưởng Ban Trị sự và Hòa thượng Thích Huệ Hà là Phó Trưởng ban Thường trực, khi ấy thành phố Bạc Liêu còn là thị xã Bạc Liêu thuộc tỉnh Minh Hải. Đến năm 1992, Hòa thượng Thích Hiển Giác viên tịch, vì quá bận công việc tại Bạc Liêu, Hòa thượng Thích Huệ Hà chỉ nhận đảm trách chức vụ Chánh đại diện Phật giáo thị xã Bạc Liêu. Do đó, Hòa thượng Thích Hoằng Quang được cử làm quyền Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Minh Hải.

Năm 1997, tỉnh Minh Hải chia ra thành hai đơn vị hành chánh Cà Mau và Bạc Liêu. Hòa thượng Thích Hoằng Quang được cử làm Trưởng ban Trị sự lâm thời tỉnh Bạc Liêu. Mãi đến cuối năm 1999, Phật giáo Bạc Liêu mới thành lập được Ban Tổ chức Đại hội, Hòa thượng Danh Phen, trụ trì chùa Hòa Bình được đề cử làm Trưởng Ban Tổ chức Đại hội. Trong quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội thì Hòa thượng Danh Phen lâm trọng bệnh và viên tịch.

Năm 2000, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bạc Liêu lần thứ nhất mới được tiến hành. Hòa thượng Thích Huệ Hà được bầu làm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu. Trải qua gần 2 nhiệm kỳ đến tháng 4 năm 2009, Hòa thượng viên tịch. Hòa thượng Lý Sa Mouth và Thượng tọa Thích Minh Lành được đề cử thường vụ để điều hành công việc Phật sự của tỉnh nhà trong thời gian tiến tới Đại hội Phật giáo tỉnh lần thứ IV năm 2012. Tại Đại hội này, Thượng tọa Thích Minh Lành được bầu làm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh. Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ V, bầu Hòa thượng Thích Huệ Trí làm Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Bạc Liêu cho đến nay. Qụá trình lịch sử Phật giáo tỉnh nhà, từ Minh Hải cho đến Bạc Liêu, dưới sự lãnh đạo của các vị trưởng lão Hòa thượng Hiển Giác, Hòa thượng Huệ Hà, Hòa thượng Hoằng Qụang, Hòa thượng Lý Sa Mouth, Thượng tọa Minh Lành và hiện nay là Hòa thượng Thích Huệ Trí, đã cho chúng ta thấy được những thành tựu Phật sự trong thời gian qua. Thành quả đó là do sự chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương Giáo hội và sự giúp đỡ tận tình của chính quyền các cấp, sự đoàn kết hòa hợp của các tổ chức hệ phái Phật giáo trong tỉnh, đường lối đúng đắn của Ban trị sự Phật giáo tỉnh. Những nhiệm kỳ qua, Phật giáo tỉnh nhà luôn làm tròn trách nhiệm lãnh đạo và hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử sống và tu tập đúng với Chánh pháp Phật đà và Hiến pháp Nhà nước.

Tinh thần Đoàn kết – Hòa hợp luôn được đề cao. Qua bao nhiệm kỳ, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã cơ cấu đầy đủ nhân sự thuộc 3 dân tộc và các tổ chức hệ phái Phật giáo. Bạc Liêu là tỉnh duy nhất có Trường Trung cấp Phật học cho cả hai hệ phái Nam tông và Bắc tông. Đến nay, Trường đã đào tạo 149 Tăng Ni sinh có trình độ Cao đẳng Phật học, 192 Tăng Ni sinh có trình độ Trung cấp Phật học. Hiện đang đào tạo khóa V, với số lượng 70 Tăng Ni sinh Trung cấp và 35 Tăng Ni sinh Cao đẳng[29].

Qua 5 nhiệm kỳ (2000 đến 2020), trên tất cả các mặt hoạt động, GHPGVN tỉnh Bạc Liêu đã khẳng định vị thế của mình trong khu vực. Vào ngày 8 tháng 5 năm 2019, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Huệ Hà và Chư tôn đức tiền bối hữu công cũng như khánh thành Trụ sở Ban Trị sự tỉnh. Đây là một trong những công trình trọng điểm hết sức cần thiết và cũng là tâm huyết, hoài bão của bao thế hệ tiền nhiệm, thế hệ đã để lại nền tảng vững chắc và chí hướng kiên định cho Phật giáo Bạc Liêu.

  • 2.3.     Các bậc tiền bối hữu công

2.3.1 Hòa thượng Huệ Viên[30] (1S84 – 1961)

Hòa thượng Huệ Viên là một trong những bậc tiền bốihữu công trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam bộ, do Hòa thượng Khánh Anh cùng một số Hòa thượng khác khởi xướng, lãnh đạo một số tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Rạch Giá[31].

Nói đến thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở miền Tây Nam bộ, chúng ta không thể không ghi nhớ công lao to lớn của Ngài, đã suốt đời tận tụy cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.

  • 2.3.2.     Sư Nguyệt Chiếu[32][33] (1882-1947)

Sư Nguyệt Chiếu là người đi đầu trong phong trào chấn hưng nhạc lễ cổ truyền Nam bộ. Sau những năm tháng miệt mài chỉnh tu, sáng tác. Phật sự đã xong, tâm nguyện đã thành, đội ngũ kế thừa đã có, Hòa thượng lặng lẽ ra đi vào rạng sáng ngày 30 tháng 9 năm 19473.

Song cuộc đời và sự nghiệp của Ngài vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của đàn hậu thế và nhất là trang sử vàng son của phong trào chấn hưng nhạc lễ cổ truyền Nam bộ trong nửa đầu thế kỷ XX.

  • 2.3.3.     Hòa thượng Thích Trí Đức[34] (1915-l999)

Hòa thượng Thích Trí Đức là một trong những bậc tiền bối hữu công trong phong trào Phật giáo cứu quốc, tham gia kháng chiến chống Pháp, là Tuyên luật sư, Thập sư của nhiều giới đàn. Đảm nhiệm nhiều chức vụ trong Giáo hội, khai lập trường Trung học Bồ Đề. Ngài là Thành viên Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 1973 và là Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1997[35].

Hòa thượng là người khai sáng trang sử hình thành và phát triển thánh tượng Bồ tát Qụán Thế Âm tại Qụán Âm Phật Đài, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu năm 1973[36].

  • 2.3.4.     Hòa thượng Thích Hiển Giác[37] (1925-1992)

Hòa thượng Thích Hiển Giác, người cán bộ cách mạng lão thành của đất Bạc Liêu, người có công lớn trong cuộc tranh đấu giành độc lập với tinh thần bất bạo động, trực tiếp đàm phán với đại tá tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Diệp trao lại chính quyền cho cách mạng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975[38].

Hòa thượng từng giữ những nhiệm vụ quan trọng như Phó Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Minh Hải, Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Minh Hải khóa II, III, IV, Uỷ viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Minh Hải[39].

  • 2.3.5.     Hòa thượng Thích Huệ Hà[40] (1936-2009)

Sau khi thành lập Ban Trị sự năm 2000, Phật giáo Bạc Liêu phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách: đời sống kinh tế còn khó khăn, trình độ văn hóa còn thấp, không đủ cơ sở vật chất, thiếu nhân sự trầm trọng, đặc biệt là nhân sự có trình độ phục vụ Giáo hội, Hòa thượng là vị lãnh đạo Giáo hội trong bối cảnh hiện thực như thế. Với tâm nguyện “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, Ngài đã tận tụy ngày đêm với tất cả những công tác Phật sự, tha thiết kêu gọi các vị trụ trì tích cực tham gia Giáo hội, trải lòng mời gọi Tăng Ni có học vị về Bạc Liêu, “chiêu Hiền, đãi Sĩ”. Với tầm nhìn xa về kế hoạch đào tạo Tăng Ni tài đức cho Giáo hội, ngay nhiệm kỳ đầu tiên Hòa thượng đã thành lập Trường Trung cấp Phật học, đặt nền móng cho hệ thống Giáo dục Phật giáo hiện nay. Đầu nhiệm kỳ II, 2005-2010, nhân sự cũng như các công tác của Ban Trị sự đã có những thành tựu đáng kể, không thua kém các tỉnh bạn. Có thể nói Hòa thượng là bậc tiền bối hữu công đã dày công xây dựng ngôi nhà Giáo hội, làm tiền đề cho sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Bạc Liêu hôm nay[41].

Bao tâm huyết chưa tròn, bao hoài bão chưa xong, duyên Ta bà đã mãn, nhưng hành trạng, công đức và đạo hạnh của Ngài vẫn còn đó. Người sau đã tiếp nối tâm nguyện của Hòa thượng và công đức của Ngài vẫn còn mãi trong lòng Tăng Ni và đồng bào Phật tử Bạc Liêu.

  • 2.3.6.     Hòa thượngDưHương

Trong những năm gian khổ kháng chiến chống ngoại xâm, nhiều cán bộ cách mạng và lương dân ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu đã được Hòa thượng Dư Hương, trụ trì chùa Kos Thum và nhiều sư sãi tranh đấu cứu thoát khỏi cảnh bắt bớ, xiềng xích, gông cùm[42].

Theo trang báo ảnh Dân tộc và Miền núi: “Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chùa Kos Thum còn là nơi đào tạo cán bộ quân sự cho khu Tây Nam Bộ, cán bộ lãnh đạo cho Mặt trận Việt Minh, giúp nước bạn đào tạo nguồn cán bộ cao cấp cho Mặt trận giải phóng Campuchia… Thực dân Pháp biết chùa Kos Thum là cơ sở cách mạng đã cho máy bay bỏ bom tàn phá ngôi chùa, làm nhiều Tăng Ni, Phật tử chết. Ngôi chùa bị tàn phá, hư hỏng gần như hoàn toàn, trụ trì Dư Hương vận động Tăng Ni, Phật tử dựng tạm cây gỗ bằng lá dừa nước để thực hiện tu hành và tham gia hoạt động cách mạng”[43]

Các Sư sãi, tín đồ Phật tử và quần chúng nơi đây đã tham gia lật đổ chính quyền Pháp dưới sự vận động của Hòa thượng và sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh ngày 2 tháng 9 năm 1945. Ngài đã cùng sư sãi, sau nhiều tháng bền bỉ, kiên trì, quyết liệt phản đối, buộc chính quyền Ngô Đình Nhiệm phải thả ngay tại chỗ, hơn 100 người bị tình nghi năm 1956 và đưa trở về 62 người bị bắt sau đợt càn quét của sư đoàn 21 vào năm 1962[44].

  • 2.3.7.     Sư bà Hai Ngó (Ni sư Điệu Ngọc, 1885-1951)

Tỳ kheo ni Hồng Nga – Diệu Ngọc. Bà tên thật là Huỳnh Thị Ngó (thường được gọi là Sư bà Hai Ngó). Thân phụ là ông Huỳnh Giang Hiệp (Chủ Chá), người Việt gốc Hoa và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiểu quê ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ông bà Chủ Chá là một trong những nhà điền chủ giàu có nổi tiếng ở Bạc Liêu thời bấy giờ, sinh được 4 người con gồm: Huỳnh Thị Ngó (cô Hai Ngó), Huỳnh Như Gia (Dù Kia), Huỳnh Như Phước[45] và Huỳnh Thị Mùi. Cô Hai Ngó có chồng là Thai Kim Chiêu, người Việt gốc Minh Hương, được thừa hưởng gia tài của cha mẹ chia cho 6.000 công đất ruộng (khoảng 7.776 ha), nên cuộc sống giàu sang sung túc, và sinh được người con trai[46].

Đêm định mệnh, 06 tháng 05 năm 1914, tai họa đã giáng xuống gia đình bà. Đó là một đêm kinh hoàng, bọn cướp đã xông vào nhà cướp của, giết chồng bà. Qụả là “họa vô đơn chí, phước bất trùng lai”, 5 tháng sau, đứa con trai duy nhất của bà cũng lâm trọng bệnh và qua đời. Qua biến cố này, bà đã đến với Phật pháp, phát tâm làm từ thiện cứu giúp dân nghèo bị thiên tai bão lũ[47].

Năm 1915, Châu Đốc bị lũ lụt lớn, bà cùng tá điền chở lúa gạo lên chùa Phi Lai để cứu giúp đồng bào. Tại đây bà đã gặp Hòa thượng Như Hiển Chí Thiền, được Hòa thượng giáo hóa. Tâm Bồ đề của bà được phát khởi. Bà cho khởi công xây dựng ngôi chùa Giác Hoa tại ấp xóm Mới vào cuối tháng 3 năm 1919. Ngôi chùa được hoàn công và khánh thành đưa vào sử dụng sau 18 tháng thi công. Sau đó, bà thế phát với Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền, được đặt pháp danh Hồng Nga, tự Diệu Ngọc. Ni sư khai mở trường gia giáo Phật học Ni tại chùa năm 1927. Với danh tiếng của chư tôn đức giáo thọ và số lượng Ni sinh tham dự, xứng đáng là ngôi trường lớn nhất và đầu tiên ở vùng Tây Nam bộ. Nhiều vị Danh Ni xuất thân từ ngôi trường này. Ngày 24 tháng 04 năm 1951, Ni sư viên tịch[48].

Theo quan niệm thế gian, hoàn cảnh cuộc đời của bà thật hết sức thảm thương, nhưng cũng chính nguyên nhân này lại là cơ duyên giác ngộ đưa bà đến với Phật pháp. Để rồi trên trang sử vàng lịch sử Danh Ni Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, bà được xướng danh là người có công đầu trong công tác giáo dục đào tạo chư Ni tài đức.

  • 2.3.8.     Ni sư Thích Nữ Diệu Hữu[49] (1915- 1986)

Hòa thượng Khánh Anh về giảng dạy lớp Ni tại chùa Giác Hoa năm 1931, đã thế phát cho Ni sư. Bà là vị khai sơn ngôi chùa Bạch Liên và thường được gọi là “Ni sư trưởng”[50]. Ni sư đã tích cực và xuyên suốt hoạt động Phật sự và nhất là đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội cả giai đoạn từ 1964 – 1975. Môn đồ pháp quyến kính ghi gương đạo hạnh, tấm gương cả đời cống hiến cho Phật giáo tỉnh Bạc Liêu[51].

  • 3.     VÀI NÉT VĂN HÓA ĐẶC THÙ CỦA PHẬT GIÁO BẠC LIÊU

Theo Lịch sử Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam tỉnh Bạc Liêu 1930 – 2000) Phật giáo có mặt rất lâu trên mảnh đất Bạc Liêu. Vào khoảng giữa thế kỷ XVI, tại ấp Thị Trấn A, thị trấn Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu, một ngôi chùa Nam tông Khmer được xây dựng năm 1556 và Phật giáo Nam tông đã hiện diện từ những năm 1300. Khoảng 300 năm sau, tại ấp Trà Kha A, phường 8, thành phố Bạc Liêu, ngôi chùa Bắc tông được xây cất vào năm 1850 và Phật giáo Bắc tông xuất hiện từ những năm 1600[52].

Từ nguồn sử liệu trên, chúng ta có thể thấy, mỗi dân tộc đều mang theo niềm tin, tín ngưỡng của mình. Do đó, Phật giáo đã hình thành, phát triển tương đối sớm trên vùng đất này và đồng hành cùng di dần qua những năm tháng bám trụ sinh cơ lập nghiệp, tạo tiền đề cho sự phát triển văn hóa địa phương rực rỡ như ngày hôm nay.

  • 3.1.     Tháp cổ Vĩnh Hưng, ngôi tháp ngàn năm

Năm 1992, Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao[53] đã xếp hạng một ngôi tháp có bề dày lịch sử lâu đời, mà mãi đến thập niên đầu thế kỷ XX, chúng ta mới biết đến. Đó là Tháp cổ Vĩnh Hưng, tọa lạc tại ấp Trung Hưng B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Tháp còn có tên là Trà Long[54] hay Tháp Lục Hiển.[55]

Trong những năm 1911, 1917 những nhà khảo cổ người Pháp đã phát hiện và đặt tên Trà Long cũng như công bố niên đại là năm 872. Năm 1990, Bảo tàng tỉnh cũng đã đến khảo sát và thu thập một số di vật, đưa ra nhận định là vào khoảng thế kỷ VII-VIII. Sau khi được công nhận, một số cổ vật liên quan đến văn hóa Phật giáo và cả văn hóa Óc Eo được tìm thấy trong lần khai quật đầu tiên. Để xác định lại niên đại cũng như tìm hiểu đời sống văn hóa cổ ở Nam bộ, những năm 2002, 2007, 2011, Bảo tàng Bạc Liêu phối hợp với Trung tâm khảo cổ học thuộc Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ đã tiến hành khai quật trên diện rộng xung quanh ngôi tháp[56].

Qua những di vật thu được, chiếc màn quá khứ ít nhiều được vén lên, hé lộ một giai đoạn tồn tại và phát triển khá dài không những tại nơi đây mà còn cả vùng châu thổ Cửu Long. Những di tích kiến trúc khác trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long cũng có cùng niên đại hình thành với tháp cổ Vĩnh Hưng thuộc thế kỷ IV. Những vết tích văn hóa này, cho thấy cư dân Óc Eo đã cư trú, sinh sống trên toàn vùng đất này. Từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII là thời kỳ phát sinh, tồn tại và phát triển của tháp cổ Vĩnh Hưng, đã được xác định bởi các nhà nghiên cứu từ những kết quả thu thập được qua những kỳ khảo sát[57].

  • 3.2.     Văn hóa du lịch tâm linh

Tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch là một trong những nội dung trọng tâm của Nghị quyết 02 do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra giai đoạn 2011 – 2015 và những năm tiếp theo. Hưởng ứng tinh thần này, Giáo hội Phật giáo Bạc Liêu đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với đặc thù của tổ chức. Theo đó, chỉ đạo hệ thống Giáo hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tu sửa, nâng cấp, kiến thiết các công trình Phật tích để tạo điểm đến phục vụ văn hóa tín ngưỡng và du lịch. Phật giáo Bạc Liêu cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn và thiết thực, bởi văn hóa Bạc Liêu rất phong phú và đa dạng. Cần tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương và quảng bá để tạo lực hút gọi mời khách du lịch trong và ngoài nước đến để thưởng thức cái đẹp của Bạc Liêu với nhiều giai thoại mà tình người đất phương Nam đã tạo nên những di sản văn hóa kiệt tác. Bạc Liêu có hơn 180 cơ sở tự viện Phật giáo với nhiều ngôi đại tự giá trị lịch sử trăm năm, nét đẹp cổ kính với truyền thống sinh hoạt tâm linh đã thu hút một lượng khá đông du khách đến hành hương chiêm bái Thánh tích. Thời gian qua đã tạo ấn tượng sâu sắc. Du khách đến Bạc Liêu là đến với đất Bồ tát, bởi đến Bạc Liêu thì không thể không đến Quan Âm Phật Đài. Đây là điểm nhấn đặc biệt không phải của riêng văn hóa Phật giáo mà là khu văn hóa trung tâm của tỉnh, hàng năm có trên 800 ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm bái Thánh tích. Qụan Âm Phật Đài Bạc Liêu với kim thần Bồ tát Qụán Thế Âm đã đi vào lòng người bằng niềm kính tin và ngưỡng mộ. Ngài được bản địa hóa với tên gọi Quan Âm Nam Hải hay Mẹ Nam Hải, là biểu tượng của người mẹ Việt Nam chơn chất hiền hòa, tình thương bao la. Học và làm theo hạnh nguyện độ tha của Ngài đem an lạc hạnh phúc cho đời cho người. Đây cũng chính là nét đẹp văn hóa mang bản sắc truyền thống tuyệt vời của dân tộc Việt Nam. Tại Qụan Âm Phật Đài thời gian qua đã hoàn thành một số hạng mục như cổng Tam quan, Điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, Điện Địa Tạng, khu Đông lang, lát gạch sân lễ, đường nội bộ, trồng cây xanh, công trình 32 tượng Bồ tát hóa thân tại khu vực trước sân lễ cũng đã hoàn thiện mỹ mãn.

Tóm lại, đúng 200 năm kể từ ngày Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, năm 1558 đến đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát lãnh thổ Việt Nam đã đến tận mũi Cà Mau, năm 1758[58]. Quá trình di dân mở mang cương thổ về phương Nam có những điều kiện và yếu tố hết sức đặc biệt. Chính những điều này đã tạo nên thành phần cư dân trên đồng bằng Nam bộ. Bạc Liêu là một trong những nơi gặp gỡ của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Qua năm tháng cộng cư, họ đã vượt qua mọi va chạm của các nền văn hóa, trở thành một khối thống nhất, mang sắc thái tổng hòa.

Phật giáo là tín ngưỡng chủ đạo và đã có vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh của cư dân Bạc Liêu. Do có cùng một niềm tin, nên họ luôn kề vai sát cánh cùng nhau qua nhiều thời kỳ lịch sử. Tinh thần này đã được thể hiện qua những lần đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ xóm làng làm nên trang sử vàng cho mảnh đất Bạc Liêu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Quốc sử quán triều Nguyễn (2001), Đại Nam thực lục, phiên dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính: Đào Duy Anh, Nxb Giáo Dục.

Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, dịch: Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính: Đào Duy Anh, Nxb Giáo Dục.

Ban chấp hành Đảng bộ Bạc Liêu (2002), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (Tập 1), Ban thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Thích Đồng Bổn (chủ biên) (2002) (2015), Tiểu sử Danh TăngViệt Nam thế kỷ XX, tập II, III, Nxb Tôn Giáo.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu (2015), Lịch sử Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam tỉnh Bạc Liêu 1930 – 2000, Công ty Cổ phần In Bạc Liêu.

Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu (2009), Kỷ yếu lễ tang: Hòa thượng Thích Huệ Hà, Doanh nghiệp tư nhân in Qụốc Bảo.

Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, Thượng tọa Thích Minh Lành (chủ biên) (2012), Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Kỳ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 15 năm hình thành phát triển Phật giáo Bạc Liêu, Nxb Văn hóa – Thông tin.

Thượng tọa Thích Minh Lành (chủ biên) (2017), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu qua các thời kỳ, Nxb Văn hóa Dân tộc.

Hội khoa học lịch sử tỉnh Bạc Liêu: Thông tin khoa học lịch sử (2006) (2008), Bạc Liêu Xưa và Nay, Công ty Cổ phần In Bạc Liêu.


[1]  Kỷ yếu hội thảo khoa học: Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 15 nămhình thành phát triển Phật giáo Bạc Liêu, tr. 23,24.

[2] Gia định thành thông chí, quyển III: Cương vực chí, tr 5 của Trịnh Hoài Đức thì cũng ghi là năm 1708.

[3]  Đại Nam thực lục tiền biên, quyển VIII, tr. 106,107.

[4]  Sđd., quyển X, tr. 147,148.

[5]  Đại Nam thực lục chính biên, tr. 655.

[6]  Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, tr. 10.

[7]  Sđd.,

[8]  Sđd, tr. 12.

[9]  Sđd, tr. 13.

[10]  Sđd.,

[11]  Sđd, tr. 12.

[12]  Sđd, tr. 13.

[13]  Sđd.,

[14]  Trích diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm lần thứ 90 ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang của ông Võ Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.

[15]  Nay là xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

[16]  Ngày nay, tại cánh đồng Nọc Nạng, nơi anh em Mười Chức quyết tử giữ đất, giữ lúa năm 1928 đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, tọa lạc tại ấp 4, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

[17]  Thông tin khoa học lịch sử: Bạc Liêu xưa và nay, tháng 4-2008, tr. 27.

[18]  Một trí thức yêu nước ở Bạc Liêu thời bấy giờ.

[19]  Nay là Chùa Vĩnh Đức, tọa lạc tại phường 1, thành phố Bạc Liêu.

[20]  Hiện là trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Bạc Liêu.

[21]  Tọa lạc tại phường 1, thành phố Bạc Liêu.

[22]  Hiện là cơ sở II Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bạc Liêu và là Văn phòng BTS GHPGVN huyện Vĩnh Lợi.

[23]  Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, tập I, ghi lại giai đoạn 1932-1939.

[24]  Kỷ yếu hội thảo khoa học: Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 15 hình thành phát triển Phật giáo Bạc Liêu, tr. 155.

[25]  Sđd, tr.288.

[26]  Thông tin khoa học lịch sử: Bạc Liêu xưa và nay, tháng 4-2006, tr. 16.

[27]  Kỷ yếu hội thảo khoa học: Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 15 năm hình thành phát triển Phật giáo Bạc Liêu, tr. 289.

[28]  Thông tin khoa học lịch sử: Bạc Liêu xưa và nay, tháng 4-2008, tr. 26.

[29]  Dẫn theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của Ban giám hiệu Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bạc Liêu.

[30]  Xin xem chi tiết Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập III, tr. 143 – 147.

[31]  Sđd, tr 147.

[32]  Xin xem chi tiết Tiếu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập III, tr. 89 – 99.

[33]   Sđd, tr. 98.

[34]  Xin xem chi tiết Sđd, tập II, tr. 141 – 143.

[35]  Sđd.,

[36]  Kỷ yếu hội thảo khoa học: Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 15 hình thành phát triển Phật giáo Bạc Liêu, tr. 90.

[37]  Xin xem chi tiết Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập III, tr. 341 – 344.

[38]  Kỷ yếu hội thảo khoa học: Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 15 năm hình thành phát triển Phật giáo Bạc Liêu, tr. 289.

[39]  Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thể kỷ XX, tập III, tr. 343, 344.

[40]  Kỷ yếu lễ tang: Hòa thượng Thích Huệ Hà, tr. 9,10.

[41]  Kỷ yếu hội thảo khoa học: Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 15 năm hình thành phát triển Phật giáo Bạc Liêu, tr. 175-177.

[42]  Sđd, tr. 156.

[43] https://dantocmiennui.vn/chua-kosthum-ngoi-chua-co-truyen-thong-cach-mang-o-nam- bo/3223.html.

[44]  Kỷ yếu hội thảo khoa học: Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 15 nămhình thành phát triển Phật giáo Bạc Liêu, tr. 156.

[45]  Có nơi ghi là Huỳnh Công Phước hay Huỳnh Văn Phước. Ông được mệnh danh là “Công tử Bạc Liêu” đầu tiên ăn chơi tứ đổ tường có tiếng ở đất Sài Gòn và Bạc Liêu thời bấy giờ. Vị công tử ở đây không phải là cậu Ba Huy (Trần Trinh Huy) với giai thoại “đốt tiền nấu trứng” mà là công tử Huỳnh Như Phước (còn gọi là Xã Dù Hột, Bang Biện Hột). Theo nhà văn Phan Trung Nghĩa, công tử Phước chính là người khai sinh ra thành ngữ “Công tử Bạc Liêu”. Tương truyền, khi ông thấy có 5 chiếc xe tranh nhau chở khách bèn bao hết cả 5: một chiếc chở ông, chiếc chở nón, chiếc chở gậy, chiếc chở cặp da và chiếc chở mắt kính, với mục đích cho tất cả anh em có thu nhập.

[46]  Thông tin khoa học lịch sử: Bạc Liêu xưa và nay, tháng 4-2008, tr. 25.

[47]  Sđd.,

[48]  Sđd, tr. 26.

[49]  Xin xem chi tiết tại Website: http://phatgiaobaclieu.com/cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-ni-su- dieu-huu-ni-su-thich-nu-dieu-nghia/

[50]  Ni sư, Trưởng ban Ni bộ Bắc tông tỉnh Bạc Liêu.

[51]  http://phatgiaobaclieu.com/cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-ni-su-dieu-huu-ni-su-thich-nu-dieu-nghia/

[52]  Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, tr. 18. (Thông tin này cần được nghiên cứu, khảo sát thêm)

[53]  Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

[54]  Nguyên là tên hai vị trụ trì trước đây.

[55]  Kỷ yếu hội thảo khoa học: Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và 15 hình thành phát triển Phật giáo Bạc Liêu, tr. 281.

[56]  Sđd.,

[57]  Sđd, tr. 282,283.

[58]  Đại Nam thực lục tiền biên, quyển I, X.

Tags: #2021#Lịch sử-Văn hóa#Truyền Thông Phật Giáo Bạc Liêutin tức phật sự

Related Posts

sdfcas

Bạc Liêu: Phật giáo Bạc Liêu khởi công xây dựng cầu An Sinh Số 4 – Thị xã Giá Rai, do gia đình ông Phạm Thanh Hùng tại California tài trợ

3 ngày trước
0
Đạo tràng chụp ảnh lưu  niệm

Bạc Liêu: Đạo tràng chùa Bửu Thanh trở về “Quy kính Tam bảo” trong khoá tu Một ngày an lạc

4 ngày trước
0
Quang cảnh khoá tu

Bạc Liêu: Khóa tu Bát quan trai tại chùa Long Phước huyện Đông Hải

4 ngày trước
0
Phật tử lắng nghe thuyết giảng

Bạc Liêu: Buổi thuyết giảng “Ba hạng người xuất hiện ở đời” tại chùa Giác Viên

6 ngày trước
0

Bạc Liêu: Lễ khánh thành Sala và đặt đá xây dựng Chánh điện chùa Khna Rộn

6 ngày trước
0
Quang cảnh khóa tu

Bạc Liêu: Chùa Phước Huệ tổ chức khóa tu Một ngày an lạc chủ đề “Lịch sử và tư tưởng về Bồ Tát Quán Thế Âm”

6 ngày trước
0
Next Post

Bạc Liêu: Chùa Cosdon trao quà tình thương cho người dân trên địa bàn

Bạc Liêu: Chùa Buppharam trao quà cho đồng bào Khmer tại địa phương

Bài viết xem nhiều

  • Chư Tôn đức quang lâm điện Dược Sư

    Bạc Liêu: Trang nghiêm Lễ An vị tôn tượng Đức Phật Dược Sư tại chùa Giác Hoa

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Phật giáo Bạc Liêu khởi công xây dựng cầu An Sinh Số 4 – Thị xã Giá Rai, do gia đình ông Phạm Thanh Hùng tại California tài trợ

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Đạo tràng chùa Bửu Thanh trở về “Quy kính Tam bảo” trong khoá tu Một ngày an lạc

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Nghịch nghĩa – Phép tu từ (TS Nguyễn Thế Truyền)

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Kỳ thi học kỳ I năm học 2022-2023 tại Trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu

    0 shares
    Share 0 Tweet 0

Thông báo

Lưu trữ

Bạc Liêu: THÔNG BẠCH ĐẠI TRÙNG TU KHU QUÁN ÂM PHẬT ĐÀI (MẸ NAM HẢI BẠC LIÊU)

1 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thư mời Quý Phật tử tham dự Lễ đặt đá xây dựng khu Quán Âm Phật Đài

3 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thường Trực Ban Trị sự thông báo hành trì Đại bi chú-đảnh lễ Ngũ bách danh cầu nguyện xây dựng – đại trùng tu khu Quán Âm Phật Đài

3 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thường Trực Ban Trị sự thông báo hành trì Đại bi chú-đảnh lễ Ngũ bách danh cầu nguyện xây dựng – đại trùng tu khu Quán Âm Phật Đài.

3 tuần trước
0
Lưu trữ

Thông bạch: Tổ chức an cư kết hạ – Phật lịch 2567

4 tuần trước
0
Lưu trữ

Thông bạch của Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc trao tặng quà Xuân 2023 cho người có hoàn cảnh khó khăn

3 tháng trước
0

Ban trị sự

Tự viện

Từ thiện

Lịch vạn niên

03/2023
CNT2T3T4T5T6T7
 
 
 
 
 
 
1
10/2
2
11
3
12
4
13
5
14
6
15
7
16
8
17
9
18
10
19
11
20
12
21
13
22
14
23
15
24
16
25
17
26
18
27
19
28
20
29
21
30
22
1/2
23
2
24
3
25
4
26
5
27
6
28
7
29
8
30
9
31
10
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Liên kết website

  • Phật Giáo Việt Nam
  • Phật Giáo Org
  • Thư Viện Hoa Sen
  • Báo Bạc Liêu

Thống kê truy cập

  • 2
  • 515
  • 2.124
  • 193.820

GHPGVN TỈNH BẠC LIÊU

  • Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
  • Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
  • Điện thoại: 0949 111 848
  • Email: giacnghithich@gmail.com

VĂN PHÒNG & LIÊN LẠC

  • Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
  • Trụ sở: Chùa Long Phước 2/234 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Tp.Bạc Liêu
  • Điện Thoại: 0291.3696968
  • Email: phatgiaobl@gmail.com

THÔNG TIN TÀI KHOẢN:

  • Tên tài khoản: Quán Âm Phật Đài
    - Ngân hàng ACB: 949111888
    - Ngân hàng BIDV: 78510000999899
    - Chi nhánh Bạc Liêu.
  • Tên tài khoản: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
    - Ngân hàng BIDV: 78510000556869
    - Chi nhánh Bạc Liêu

© 2022 Phật Giáo Bạc Liêu - Trang Tin Điện Tử Phật Giáo Bạc Liêu

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Ban Chứng Minh
    • Ban trị sự
    • Các ban trực thuộc
  • Tin tức – Phật sự
  • Từ thiện xã hội
  • Lịch sử – văn hóa
    • Văn hoá phật giáo
    • Lịch sử văn hoá
  • Nhân vật – Sự kiện
    • Nhân vật
    • Sự kiện
  • Phật học
    • Tự viện
  • Trung cấp phật học