PHÂN GIẢI ĐIỀU NGỘ NHẬN VỀ NGÀY SINH CỦA MẠC THIÊN TÍCH * Trương Minh Đạt Tìm hiểu về giai đoạn lịch sử hình thành đất Hà Tiên, người ta cần biết rõ về ông Mạc Thiên Tích. Tự nhiên, vấn đề niên đại chào đời của ông Tổng binh Đại đô đốc quốc lão quận công cũng cần được ghi cho đúng. Vậy mà lâu nay người ta đã ghi sai, nhất là năm tuổi chính xác của ông !(1) A- NGUYÊN NHÂN TẠO SỰ NGỘ NHẬN 1. Điều ngộ nhận nảy sinh từ quyển Z Mạc thị gia phả: chính Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh ghi sai lệch năm sinh của Mạc Thiên Tích trước tiên. Tại trang 3 (dòng 3 + 4) sách chép: “… ngã công gia phủ đản Canh Tuất niên”(2) (Ông tôi chào đời năm Canh Tuất). Nhưng tác giả họ Vũ biết rõ điểm yếu của mình, nên sau sách, ở phần phụ ngoại bản, ông có thú nhận: “Đây đều là những việc xưa nay mắt thấy tai nghe, nhưng không nhớ rõ ngày tháng năm nào… Nếu các bậc quân tử có điều nhớ đích đáng hơn, thì xin đính chính cho, điều nào đáng để, điều nào đáng bỏ, thì tôi lấy làm may lắm…”(3) 2. Điều ngộ nhận nảy sinh từ sách Hà Tiên Mạc thị sử: cố thi sĩ Đông Hồ căn cứ vào Mạc thị gia phả của họ Vũ để viết lịch sử họ Mạc. Tác giả viết: “Sách Mạc thị gia phả chép: ông Mạc Tứ (Tích) sinh năm Canh Tuất; nay tra đối với Tây lịch: Canh Tuất một lần nhằm năm 1670, thì trước năm Xiêm sang đánh Cao Miên; một lần nhằm năm 1730, thì sau năm ông Mạc Cửu quy phục Nam triều, đều sai cả. Vậy trong hai chữ Canh Tuất ấy, có lộn một chữ: hoặc Bính Tuất (1706) hoặc Canh Dần (1710), là hai năm gần với năm 1714 (sic), là năm ông Mạc Cửu thần phục chúa Nguyễn. Lại sau này, năm 1780 là năm ông Mạc Tứ mất, chép rằng “thọ hơn bảy mươi tuổi”, thì nếu lấy năm 1706 sinh ông, thì ông 75 tuổi; còn lấy năm 1710 sinh ông, thì ông 71 tuổi, cũng vừa đúng. Duy có sách, khi ông Mạc Cửu mất (1735), thì ông Mạc Tứ mới 13 tuổi, hay có chỗ 18 tuổi, thì sai cả.”(4) ý kiến trên được lược ghi trong chính văn để cầu chất chính (xem Nam Phong số 143, trang 327 tháng 10-1929): “Ông đặt tên là Mạc Tông, sau đổi là Mạc Tứ, nhằm năm Bính Tuất (1706), hay là năm Canh Dần (1710)”. Về sau tác giả quyết năm 1706 (xem Tiểu truyện Mạc Thiên Tích – Chứng chỉ văn chương quốc âm, Đại học Văn khoa Sài Gòn, năm 1965 – 1966, khi thi sĩ được mời thỉnh giảng, từ 1965 đến 1969). Tác giả Hà Tiên Mạc thị sử yên chí đưa vào khóa giảng cái kết quả suy tưởng chủ quan. Từ 1970 về sau, ý kiến của ông trở thành tư liệu phổ biến khi sách Văn học miền Nam – Văn học Hà Tiên ra đời: Mạc Thiên Tích sanh đêm mồng bảy tháng ba năm Bính Tuất (1706) ở Trũng Kè (Réam)”(5). Ta chú ý cụm từ ngày tháng “mồng 7 tháng ba” là chép trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (Quyển II, Danh mục Lũng Kỳ Giang)(6), còn “năm Bính Tuất (1706)” do Đông Hồ Lâm Tấn Phác đoán định. Năm này, không phải do Gia Định thành thông chí nêu lên. Đây là vấn đề cần mổ xẻ ở phần sau. 3. Điều ngộ nhận nảy sinh từ sách Hà Tiên địa phương chí (1962) của Trần Thiêm Trung. Năm 1962, sau khi đọc Hà Tiên Mạc thị sử của Đông Hồ, ông Trung chọn năm 1710 (Canh Dần), thay vì năm 1706 (Bính Tuất). Ông viết: “Bà Mạc Cửu họ Nguyễn, gốc gác tại Biên Hòa, hạ sanh Mạc Thiên Tứ vào năm Canh Dần (1710)”(7). Sau khi phổ biến Hà Tiên địa phương chí, ông Trung cho gắn tại mộ của Mạc Thiên Tích một cái bia xi-măng, khắc năm sinh và năm mất của ông “1710 – 1780”. Cái bia “chỉ dẫn mộ” này tồn tại đến năm 2000 mới được thay”(8). Đến đây, vấn đề “năm sinh” có nhiều khuynh hướng: Một, tin theo Đông Hồ, khuynh hướng này có thể tác động tạo sai lệch ở sách Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả; Hai, tin theo Trần Thiêm Trung. Ngoài ra còn một ý kiến thứ 3 của ông Trần Kinh Hòa (Chen Ching – Ho), ông nói: “Ông Thiên Tích sanh 1700”(9), nhưng không có mấy người biết và cũng không gây ảnh hưởng trong giới học giả nước ta. Nhưng ý kiến ông Hòa cũng thuộc dạng suy tưởng chủ quan, thiếu tính chân thực, xin thông qua. B- VỀ MỘT CHỮ "BÍNH" GHI THÊM TRONG VĂN BẢN A.30 CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM 1. Gần đây xảy ra một hiện tượng lạ gây phiền nhiễu cho giới nghiên cứu ở Kiên Giang khi sao chụp một bản văn Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh (Bản A.39, 35 tờ, 70 trang. Mỗi trang có 9 dòng, mỗi dòng dài nhất 21 chữ. Từ trang thứ 68, tức là trang có ghi “Tam thập nhị hiệt tiền tứ hàng dĩ hạ / Phụ ngoại bản” trở đi, mỗi trang có 10 dòng, mỗi dòng 23 chữ). Bản văn này mang dấu “Bibliothèque-École Française D’ Extrême Orient”, được sao chụp năm 1986. Tại trang 3, (tức tờ 2a), dòng 4, khởi đầu bằng câu: “Công gia phủ đản (Canh Tuất niên)” cạnh chữ Canh ở phía bên phải, có ai đã ghi thêm chữ Bính nhỏ hơn. Chữ Bính này mới được ghi thêm vào trong văn bản gốc đem phổ biến thời gian gần đây. Chữ này không có trong chánh bản văn xưa. Tôi dám cả tin như vậy, vì căn cứ vào những chứng cớ mà tôi đang có: a. Bản Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả chú thích của Trần Kinh Hòa(10). Ông Hòa phân chia tác phẩm của họ Vũ thành từng đoạn, từng ý, để chú giải. Ở trang 86 và 87 sách đã dẫn, tác giả chép lại đoạn văn liên hệ đến năm ông Thiên Tích ra đời: “Nhi ngã công gia phủ đản (Canh Tuất niên) dị tường triệu kỳ thuộc địa hữu thanh đàm…” Đoạn văn này thuộc chú thích số 6. Trong chú thích 6 (trọn trang 87 Sđd), không chỗ nào có nhắc đến chữ Bính cạnh chữ Canh. Như thế, trong bản văn số A.39 mà ông Trần Kinh Hòa sử dụng, rõ ràng không có chữ Bính ghi cạnh chữ Canh. Ông Hòa nói rõ: ông sử dụng bản văn A.39, tại “Lời đầu sách”, trang 79 Sđd, như sau: “Bản văn mà tôi giới thiệu là quyển “Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả, nguyên của danh nho nước Pháp Henri Maspero sưu tầm bản chép xưa… khi ông đáo nhậm tại “Pháp quốc Viễn đông học viện” (École Française D’ Extrême Orient). Bản gia phả được kể đây, hiện lưu giữ tại thư xá của Viện, chỉ 1 bản, mang mã số Fonds Annamite 39 (A.39) (HTT/HTMTGP/CT- Tiền Ngôn -tr.79). “Năm 1935, ông É. Gaspardone cũng có kể đến quyển này trong sách An Nam thư mục. Cho đến năm 1952, khi thuật tả đời Mạc Cửu, ông ấy cũng sử dụng một phần (trong “Un Chinois des Mers du Sud le fondateur de Hatien”)(11). Chúng ta hãy tìm xem câu văn liên hệ năm sanh của Mạc Thiên Tích, trong sách. b. Sách của Émile Gaspardone trích từ Journal Asiatique, năm 1952, tại Paris, trang 378-380 có in một đoạn văn chữ Hán, trích từ Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả của họ Vũ, từ câu đầu: (Hà Tiên chấn giả nãi chân lạp cao miên quốc thuộc địa…) đến (… Ban hồng sắc mãng bào cập ấn thụ) (tức là từ trang đầu đến trang 6, sách HTT/HTMTGP). Câu văn liên hệ, ta đang tìm, nằm giữa trang 379, dòng thứ 16, từ trên đếm xuống, đọc theo hàng ngang, từ bên trái sang: “Nhi ngã công gia phủ đản (Canh Tuất niên)”. Ông É.Gaspardone đã dịch câu này ra Pháp văn: “… òu notre maitre vint au monde (l’année Keng Siu)”. Suốt đoạn văn dịch, ông không hề nói đến chữ Bính Tuất, vì bản văn hồi ấy không có chữ Bính nằm bên chữ Canh Tuất: Ông É. Gaspardone cũng phủ nhận ý kiến của ông Đông Hồ, nơi phụ chú 5, trang 384, Sđd: “… Sanh năm 1718, Mạc Thiên Tứ (Tích) chỉ có 62 tuổi thôi. Có lẽ phải sửa lại là “Niên lục thập dư”. Sự chấp nhận 70 tuổi, và sự sửa đổi can chi thành Bính Tuất hoặc Canh Dần đã gieo sự phân vân giữa 1706 và 1710, và cuối cùng phải chọn 1710, của một tác giả Việt Nam ký tên Đông Hồ (tức Lâm Tấn Phác ở Hà Tiên), trong bài viết nhan đề Hà Tiên Mạc thị sử… Nhưng trong trường hợp này, người ta mất chỗ tựa thực tiễn là thời kỳ cư ngụ (của Mạc Cửu – TMĐ) ở Réam, sau cuộc xâm lược năm 1715” (Chúng tôi sẽ trở lại ý “Mạc Thiên Tích sinh năm 1718” sau). Ông Gaspardone cũng có nói về quyển Mạc thị gia phả mà ông ấy sử dụng: “Về tác phẩm này, tôi chỉ biết những bản chép tay, nhất là ở Trường Viễn đông Bác cổ (Fonds Annamite 39) mà tôi hiện cứ đây” (Sđd. tr.378, chú thích 4). c. Hai trang hình chụp quyển Mạc thị gia phả A.39 không có chữ Bính – Năm 1961, Nha Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục Sài Gòn, ấn hành Văn hóa nguyệt san số 61 và 62 có loạt bài: Lịch sử người Hoa kiều tại Việt Nam, Chương III: Họ Mạc tại Hà Tiên, in nguyên bản dịch Việt ngữ tập gia phả của Vũ Thế Dinh, có kèm phụ bản 2 trang ảnh, chụp 3 trang sách Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả, (giữa trang 554 và 555). Trang đầu mang rõ tựa sách ở dòng bìa phải, nếu tính cả là 9 dòng. Các trang sau cũng đều có 9 dòng, mỗi dòng nhiều nhất 20 hoặc 21 chữ. Trang đầu có 3 khoảng trống (dòng 3 sau chữ Ngã, dòng 6 sau chữ ủy và chữ Hà), trang 2 có 4 khoản, sau các chữ Hứa, chữ Thị, chữ Kiên và chữ Quốc. Chữ Phương của địa danh Phương Thành không có bộ Thảo. Ta chú ý nhất là trong trang đầu, câu văn nói về thời điểm ông Mạc Cửu chào đời: “Ư minh Vĩnh Lịch cửu niên, ất vị ngũ ngoạt sơ bát nhật sanh” được viết theo lối gạch dòng (phụ), hai chữ cuối câu “nhật sanh” phải sang dòng 3, cũng được tách đôi, chép gạch dòng. Điều mọi người thấy rõ, đây là hình rút từ vi phim, chụp quyển sách HTT/HTMTGP A.39, chứ không phải quyển nào khác. Cái điều quan hệ đáng chú ý trong ảnh, trang thứ 3, dòng thứ 4, câu “Công gia phủ đoản Canh Tuất niên” bên chữ Canh không có chữ Bính. Như thế, vi phim sách Mạc thị gia phả được đưa vào Sài Gòn trước năm 1961, tập sách A.39 vào thời đó không có chữ Bính ghi cạnh chữ Canh. d. Quyển Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả bằng chữ Hán do bà Mộng Tuyết lưu giữ, ông Vũ Văn Kính mô tả trong tập Thư mục và văn bản Chiêu Anh Các như sau: “… bản chép tay bằng bút lông, giấy bản đã ngả màu, còn tốt, khổ 14 x 20cm, 53 tờ đôi (106 trang)(12). Bà Mộng Tuyết đã cho phép chúng tôi sao chụp nguyên bản văn. Chúng ta hãy xem quyển này. Tại trang 4, dòng 3+4, câu “Nhi ngã công gia phủ đản dị tường tiên triệu kỳ thuộc địa…” không có các chữ “Canh Tuất niên” sau chữ “Phủ đản”. Nhưng chúng ta thấy, người chép còn cẩn thận ghi riêng ở khoản trống dưới dòng thứ 3, giữa chỗ ngắt dòng (“Nhi Ngã…”) 3 chữ “Canh Tuất niên”. Ở bên cạnh không có chữ Bính, mặc dù quyển sách này đã được thi sĩ Đông Hồ bảo quản, sử dụng khi viết Hà Tiên Mạc thị sử. Ông ấy là người suy luận và chọn lựa giữa Bính Tuất và Canh Dần. Nếu chữ Bính đã xuất hiện trong sách HTT/HT MTGP thì Đông Hồ đâu mất công trước chọn Canh Dần (1710) sau đổi Bính Tuất (1706)? Chúng tôi có thể nói được rằng: Trong chánh gốc bản văn xưa của Vũ Thế Dinh không hề có chữ Bính nằm kề chữ Canh Tuất, tại câu văn “Nhi ngã công gia phủ đản Canh Tuất niên”. Gần đây có một luồng dư luận cho rằng chính văn bản Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả của họ Vũ ghi chép năm sanh của Mạc Thiên Tích là Bính Tuất (1706). Người ta viện dẫn chữ Bính nằm kề chữ Canh, trong bản sao chụp năm 1986 mà tôi có nói phía trên. Tôi nghĩ rằng: Một nhân vật nào đọc thấy “tư liệu” của Đông Hồ, tin vào đó, không kiểm chứng kỹ, đã vội ghi thêm chữ Bính vào. Việc này không thể xảy ra trước năm 1986. Xin hãy xóa bỏ chữ Bính tệ hại này. C – VỀ XUẤT XỨ CÂU" "MẠC THIÊN TÍCH SANH ĐÊM MỒNG BẢY THÁNG BA" Ý này được hai quyển sách ghi chép: Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1820) và Đại Nam nhất thống chí (1865 – 1882). Điều rõ ràng là 2 quyển sách chép đoạn tư liệu của đề mục Sông Lũng Kỳ: “Hà Tiên không phòng bị, giặc Xiêm chợt đến, đánh một trận không địch nổi, Mạc Tông binh chạy về Lũng Kỳ, vợ là Bùi Thị Lẫm (người xã Đồng Môn, Trấn Biên Hoà) đương có thai, đêm mồng 7 tháng ba sinh Mạc Tông; chỗ ở trong sông có ánh sáng rực rỡ, xem ra có người vàng 7 thước chiếu sáng tự đáy nước…”(13) Trước đoạn văn này đôi dòng, sách có viết: “mùa xuân tháng 2, Nặc Ông Thâm nước Cao Miên mượn quân nước Xiêm về đánh. Thủy sư đến ăn cướp Hà Tiên… Mạc Cửu chống không nổi, chạy về giữ Lũng Kỳ”. Cũng sau đoạn văn ấy đôi mươi dòng, thuộc đề mục Sông Lũng Kỳ, tác giả chép một đoạn “Biên niên sử Cao Miên” (Xét quốc sử Cao Miên…) “Tháng hai mùa xuân năm Mậu Tuất (1718), Cù Sa đem 5000 thuỷ binh cùng Nặc Ông Thâm tiến về Hà Tiên, nhân thế mà cướp bóc. Mạc Tông binh không địch nổi, chạy về Lũng Kỳ…”(14) Như cách ghi chép của ông Trịnh Hoài Đức, ta rút ra một điều duy nhất: Xiêm đánh phá Hà Tiên chỉ một trận, thời gian là “mùa xuân tháng 2”, kết quả “Mạc Cửu thua chạy về Lũng Kỳ”, và “Bà vợ ông Mạc Cửu sinh ông Mạc Tông, đêm mồng bảy tháng ba”. Năm ấy, sử Cao Miên nêu rõ là năm Mậu Tuất (1718)(15). Về ngày tháng năm sanh của ông Mạc Thiên Tích, như vậy là quá rõ ràng. Sách Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh thì nói ông ấy sinh năm Tuất – nhưng lầm Can, thay vì Mậu Tuất, cố họ Vũ ghi lầm Canh Tuất – sách này cũng ghi rõ “Ông (Mạc Cửu) mất năm ất Mão (1735)… Con ông là Mạc Thiên Tích đã 18 tuổi, phàm việc tang tế hết lòng hiếu kính”. (ất Mão ngũ ngoạt nhị thập thất nhật Thái Công bệnh khảo… Tích công danh Thiên Tích tự thập bát tuế thời, phàm tang tế chi sự kiện hiếu kính chi thành”(16). Tính theo dương lịch (1735-17=1718): Vấn đề làm cho chúng ta hoang mang là niên đại xảy ra cuộc chiến tại Hà Tiên. Sách sử Việt Nam đều ghi nhận năm 1715. Nhưng Ông émile Gaspardone đã khảo chứng và giải quyết hộ cho chúng ta vấn đề này: “1715 (?). Giặc Nặc Thâm mặc dầu chưa làm một vấn đề nghiên cứu, đã được chứng nhận; và ở đây tôi đành dẫn khảo đến Doudart de Lagrée – Francis Garnier: “Chronique royale du Cambodge” (Biên niên sử Hoàng gia Cao Miên) – (JA. 1871, II, trang 380) xác nhận, cũng như Lịch sử Xiêm La (W . A. R. Wood: “A History of Siam”) (Bangkok, 1933, trang 227) năm 1717 do Hamilton đưa ra(17). Chúng ta nhận thức rằng tình hình lịch sử giai đoạn này liên quan đến nước Campuchia và Xiêm La. Sử sách của 2 nước này rõ ràng có sự tương hợp hơn của ta. Ta cũng tin được đoạn sử Cao Miên do ông Trịnh Hoài Đức trích dẫn: “Tháng 2 mùa Xuân năm Mậu Tuất (1718), Phi Nhã Cù Sa đem 5000 thủy binh, cùng Nặc Ông Thâm tiến về Hà Tiên, nhân thế mà cướp bóc. Mạc Tông binh không địch nổi, chạy về Lũng Kỳ”. Cuộc tấn công của Xiêm xảy ra vào tháng 2 (Mậu Tuất), bà Mạc Cửu hạ sanh Mạc Tông vào tháng 3, vì khi chạy giặc bà đang có thai. (Xem phần trên). Như vậy chúng ta thấy rõ thực chất cái ý “MạcThiên Tích sanh đêm mồng 7 tháng Ba” đã được ông Trịnh Hoài Đức nói ra là “năm Mậu Tuất”. Còn việc nêu lên niên đại 1715, như chúng tôi đã có lần giải trình(18): ấy chẳng qua tác giả Trịnh Hoài Đức nói tới giai đoạn “Nặc Ông Thâm nước Cao Miên mượn nước Xiêm La về đánh…” Việc này tiến triển như sau: – Mùa xuân năm 1715 Nặc Thâm cầu viện với vua Xiêm. – Mùa đông 1715, 1500 quân Xiêm đưa Nặc Thâm về xin giảng hòa, bất thành; quân Xiêm quay về (xuân 1716). Chiến cuộc diễn tiến trên bộ. – Mùa đông 1717, quân Xiêm đem 10000 bộ binh đồn trú ở Tầm Bôn (Battambăng), do Phi Nhã Chất Tri chỉ huy. – Mùa xuân 1718 (Mậu Tuất), Phi Nhã Cù Sa kéo 5000 thủy binh và Nặc Thâm hiệp đồng đánh Hà Tiên. Năm 1715 không xảy ra trận chiến tại Hà Tiên. Càng không thể có trận Xiêm đánh Hà Tiên năm 1705 (như có người nói Mạc Cửu chạy giặc Xiêm năm 1705, sanh Mạc Tông năm 1706). D- CÓ CHĂNG TRẬN XIÊM CƯỚP PHÁ HÀ TIÊN NĂM 1705 ? Xét toàn bộ sử sách triều Nguyễn, chỉ duy sách Đại Nam liệt truyện tiền biên (Quyển 4 truyện Nguyễn Cửu Vân và Quyển 5 truyện Mai Công Hương) nói tới cuộc tấn công của Xiêm năm 1705 (Hiến Tông thứ 14 năm ất Dậu). Các sách sử khác không nơi nào nói rõ. Chúng ta hãy đọc kỹ hai đoạn tư liệu để tìm hiểu thực chất của tình hình. a- “Hiến Tông Hoàng đế năm thứ 14, là năm ất Dậu (1705), mùa thu, gặp nước Chân Lạp có nội biến, anh em Nặc Yên, Nặc Thâm dấy quân đánh nhau. Nặc Thâm cầu Xiêm cứu viện. Nặc Yêm sợ chạy sang Gia Định, xin mệnh lệnh triều đình ta. Chúa sai Vân thống lĩnh quân thủy, quân bộ Gia Định tiến đánh Nặc Thâm. Vân đem quân đến Sầm Giang, gặp viện binh của Xiêm, Vân đánh tan vỡ. Nặc Thâm chạy sang Xiêm, Vân đem quân đưa Nặc Yêm lại về thành La Bích (Lovek)…. Bấy giờ (năm 1711) (?) Nặc Thâm từ Xiêm về, mưu hại Nặc Yêm. Nặc Yêm sai người phi báo, xin quân đến cứu. Vân cùng tướng giữ đồn là Trần Thượng Xuyên đem việc tâu lên. Chúa cho viết thư bảo lũ Vân nên tùy nghi phủ dụ, cho yên tình hình ngoài biên”(19). b- “Hiển Tông hoàng đế năm thứ 14 là năm ất Dậu (1705), mùa thu ở nước Chân Lạp Nặc Thâm và Nặc Yêm dấy quân đánh nhau. Thâm lại cầu cứu nước Xiêm giúp mình. Yêm sợ, chạy sang Gia Định cầu cứu với triều đình. Chúa sai chánh thống cai cơ Nguyễn Cửu Vân đem quân Gia Định đi đánh, (Mai Công) Hương làm việc vận lương cho quân đi sau…”(19) Chúng tôi ngờ rằng hai đoạn sử liệu này của Việt Nam ghi nhận sai niên đại. Nếu so với “Lịch sử Cao Miên”, năm 1705 là giai đoạn trị vì của Nặc Thu (Ang Saur) là cha của Nặc Thâm ở ngôi lần thứ 4 (từ 1702 đến 1706). Mãi đến 1706 “Hoàng tử (Nặc Thâm) được 16 tuổi, Quốc vương thoái vị hẳn, nhường ngôi cho con”(20). Ông này lên ngôi với vương hiệu Thommo Réachéa I, trị vì từ năm 1706 đến 1710. Chính giai đoạn này mới xảy ra cuộc xung đột giữa Nặc Thâm và Nặc Yêm: “Năm 1708, nhóm kiều dân Lào ở tỉnh Bati nổi loạn chống chánh quyền địa phương. Chính Hoàng thân Ang Em (Nặc Yêm) sau khi bị bắt buộc phải thoái vị năm 1710, đã rời triều đình đi cầm đầu cuộc tạo phản này. (Nặc Yêm) kêu gọi người Samrè và người Kouy ở miền Bắc tỉnh Angkor và Kompongthom, đồng thời được một lực lượng Việt Nam ở miền Nam ủng hộ. Ông chỉ huy người Lào, Samrè và Kouy tiến xuống thủ đô Oudong; toán quân Việt Nam chiếm các tỉnh miền Đông. Quốc vương Thommo Réachéa I bị vây ở giữa, suốt ba tháng mới thoát được giữa đêm với người em tên là Ang Tong (Nặc Tôn), chạy qua Xiêm”(20). Sau đó Lịch sử Cao Miên lại viết tiếp: “Năm 1710, sau khi Quốc vương Thommo Réachéa bỏ thủ đô, Ang Em (Nặc Yêm) lên ngôi… Trong 3 năm 1711, 1716 và 1722 ông đẩy lui được ba lần tấn công của Thommo Réachéa, nhờ quân Xiêm trợ giúp(21). Theo đoạn sử liệu vừa dẫn, cuộc xung đột giữa Nặc Thâm và Nặc Yêm bùng nổ từ năm 1708. Nặc Thâm bị vây, rồi bỏ thủ đô trốn đi Xiêm năm 1710. Nặc Yêm lên ngôi (lần 2) trong năm này, ông trị vì đến năm 1722. Tôi cho rằng đoạn sử liệu sau đây, trong truyện Trần Thượng Xuyên (Đại Nam liệt truyện tiền biên – Tập 1 – tr.185 – Nxb. Thuận Hóa – 1993) chép chính xác hơn: “Tân Mão năm thứ 20 (1711), mùa đông, Nặc Thâm từ Xiêm về mưu hại Nặc Yêm. Nặc Yêm sai người phi báo Trấn Biên và Phiêp Trấn, xin quân đến cứu. Thượng Xuyên cùng phó tướng Nguyễn Cửu Vân đem việc tâu lên…”(19). Sự việc Nguyễn Cửu Vân chống trả Nặc Thâm (giúp Nặc Yêm) phải chăng xảy ra trong năm này? Vì lần này Nặc Thâm từ Xiêm về, với sự hỗ trợ của quân Xiêm. Có lẽ đoạn “Nặc Thâm cầu Xiêm cứu viện, Nặc Yêm sợ chạy sang Gia Định, xin mệnh lệnh triều đình ta. Chúa sai Vân thống lĩnh quân thủy, quân bộ Gia Định tiến đánh Nặc Thâm…” (Truyện Nguyễn Cửu Vân, Sđd trang 117) phải được đặt đúng vị trí và thời điểm sau năm 1708: “Bấy giờ (năm 1711) Nặc Thâm từ Xiêm về, mưu hại Nặc Yêm…” (Sđd, trang 118). Xin gút gọn lại: không có cuộc xung đột giữa Nặc Thâm và Nặc Yêm vào thời điểm 1705 vì việc này chỉ xảy ra năm 1708. Người Việt Nam hỗ trợ cho Nặc Yêm lên ngôi năm 1710… Nặc Thâm lưu vong sang Xiêm và kéo quân Xiêm về đánh Nặc Yêm, chỉ kể từ 1711. Sử ghi rõ như thế, không thể nào có việc Mạc Cửu chạy giặc Xiêm năm 1705 hay là việc bà Mạc Cửu sinh ông Mạc Thiên Tích năm 1706 (Bính Tuất) ở Lũng Kỳ. Đó hoàn toàn là do tưởng tượng. Một phần do sử liệu của Liệt Truyện căn cứ theo Gia Định thành thông chí (Trấn Phiên An: Sông Châu Phê + Sông Xá Hương) lời lẽ mơ hồ để viết ra hai mẩu chuyện Nguyễn Cửu Vân và Mai Công Hương. Đọc Gia Định thành thông chí ta không rõ thời điểm 1705 thuộc giai đoạn nào của hai anh em Nặc Yêm và Nặc Thâm. Chỗ khác, chi tiết về cuộc xung đột này, sách ghi cũng không nhất quán. Thí dụ như việc: “Nặc Thâm bị vây 3 tháng ở Oudong, rồi phải nổi lửa đốt thành mà chạy”, sách Đại Nam thực lục chép “mùa xuân 1715”(22); đồng thời lại nói “Năm Ất Mùi (1715) mùa xuân Nặc Thâm đem quân Xiêm đến đánh Hà Tiên” (?)(23). Điều chắc hơn, theo sử liệu Cao Miên, vào “Mùa Xuân 1715” Nặc Yêm đã an vị trên ngôi ở Oudong, từ năm 1710. Việc “Nặc Thâm bị vây 3 tháng rồi đốt thành mà chạy qua Xiêm” phải là tiền đề để cho Nặc Yêm trở lại làm vua (1710). Sự kiện lịch sử này không thể lẫn lộn vào đâu được. KẾT LUẬN Năm sanh của Mạc Thiên Tích, theo các ông Đông Hồ, Trần Thiêm Trung, Trần Kinh Hòa, đều do suy luận và phóng tưởng, không đủ cơ sở xác tín. Các niên đại 1700, 1706, 1710 không có chứng văn cụ thể, không đáng tin. Ông émile Gaspardone phối kiểm, đối chứng các sách: Lịch sử Cao Miên, Xiêm, tư liệu của Hamilton và Trịnh Hoài Đức, kết hợp lời văn giấy trắng mực đen của Vũ Thế Dinh (HTT/HT MTGP), nói theo chứng cứ cụ thể: “Sanh năm 1718, Mạc Thiên Tích chỉ có 62 tuổi thôi. Có lẽ phải sửa lại là lục thập dư… “Ông cho ta tư liệu về năm Xiêm cướp Hà Tiên gần thực hơn cả. Luận văn của chúng tôi chỉ minh họa thêm cho lời nói của nhà học giả khả kính của chúng ta. Nhưng thực chất của chân lý là chùm tin thuộc đề mục Sông Lũng Kỳ (xem sách Gia Định thành thông chí – Sđd – C/ t 6). Chúng ta thấy: Chính tác giả Hà Tiên Mạc thị sử và Văn học miền Nam – Văn học Hà Tiên loay hoay với những niên đại phóng tưởng, rồi phải dựa vào Trịnh Hoài Đức trong câu “Mạc Thiên Tích sanh đêm mồng bảy tháng ba… Ở Trũng Kè (Réam)”. Những năm này, nhà thi sĩ kiêm học giả của ta không tin lắm vào đoạn sử liệu do Trịnh Hoài Đức trích dẫn, mặc dù có nghi vấn về tên mẹ ông Thiên Tích là Bùi thị – vì tên bà trên bia mộ là Nguyễn thị – ông vẫn thấy cơ sở đáng tin trong sách Gia Định thành thông chí thuộc về: ngày tháng, nơi chốn, hoàn cảnh ra đời, tín hiệu điềm báo, lai lịch ngôi chùa Lũng Kỳ, là có thật. Bấy nhiêu chi tiết liên hệ đến sự ra đời của một nhân vật lịch sử tên tuổi, đủ để chúng ta ngày nay làm một “Bản lý lịch trích ngang” theo nhu cầu hiện đại, ta há không nhận thấy dụng ý sâu xa của tác giả Trịnh Hoài Đức khi nhắc đi nhắc lại một sự kiện đến 3 lần, trong một đoạn văn “Sông Lũng Kỳ”? Sở dĩ phải nhắc đoạn “Quốc sử Cao Miên” vì sách này nói đúng năm tháng trận đánh Hà Tiên hơn sử liệu của ta.
CHÚ THÍCH 1. Vì sách Mạc thị gia phả ghi không chính xác năm sinh của ông Mạc Thiên Tích nên trước đây mỗi người suy diễn theo cách riêng: – Ông Đông Hồ lưỡng lự giữa 1706 và 1710 (ý kiến năm 1929), kế ông chấp nhận 1710 (từ 1952 đến 1958), sau rốt lại chọn 1706 (ý kiến cuối cùng được đưa ra năm 1959). – Ông Trần Thiêm Trung do ảnh hưởng theo Đông Hồ từ năm 1952, nên chọn năm 1710 (Canh Dần). Khi ông Đông Hồ đổi ý, ông Trung vẫn giữ. – Ông Trần Kinh Hòa cho rằng ông Mạc Thiên Tích ra đời năm 1700. – Ông Vũ Văn Kính ghi nhận năm 1712 (Nhâm Thìn). 2. Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh, Bản A.39, Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, sao chụp năm 2001. 3. Văn hóa Nguyệt san số 62 năm 1961, trang 721/35; bài Người Hoa Kiều tại Việt Nam bản dịch Việt ngữ sách Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả, phần Phụ ngoại bản. 4. Tạp chí Nam Phong số 143 tháng 10 năm 1929, trang 327, bài Hà Tiên Mạc thị sử chú số 3. 5. Đông Hồ – Văn học miền Nam – Văn học Hà Tiên – Nxb. Quỳnh Lâm 1970 – Sài Gòn; trang 149; Tiểu truyện Mạc Thiên Tích. 6. Trịnh Hoài Đức – Gia Định thành thông chí – Nxb Giáo dục 1998; trang 184-185 phần Hán văn – (trang 70; phần Việt ngữ); mục: Sông Lũng Kỳ. 7. Trần Thiêm Trung – Hà Tiên địa phương chí, 1962. in Ronéo, tr.12. 8. Nhận thấy cái bia hướng dẫn di tích lăng mộ ông Thiên Tích do ông Trung cho dựng, ghi sai năm sinh của người xưa. Ban bảo vệ di tích đã cho thay thế. Bài viết này sẽ trình rõ ngày tháng năm đúng. 9. Ông Trần Kinh Hòa suy luận theo cách làm của Đông Hồ, chọn năm Canh Thìn (1700). Ông viết trong chú thích số 6 quyển Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả Chú thích: “Theo sách Phủ biên tạp lục, vào năm 1775, ông Thiên Tứ ngoài bảy mươi… tức năm sinh của ông ước khoảng từ 1697 đến 1705. Nay xem bản can chi, có thể thấy năm 1700 là năm Canh Thìn, mà Canh Thìn và Canh Tuất trong Gia phả phần Can tương đồng với nhau; thế nên Canh Thìn là năm sanh của Thiên Tứ”. HTTHT / MTGP / CT – Chen Ching Ho – Đài Loan tháng 4/1956, tr.87. 10, 11. Notes on the Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả – Chen Ching Ho – Bulletin of the College of Arts- National Taiwan University No.7, April 1956, (HTT / HTMGTP / chú thích) – Tiền ngôn: 1935 niên E.Gaspardone Giáo thụ ư kỳ trứ Annam thư mục, trung diệc hữu thuật cập – toàn ư 1952 niên, soạn tả Mạc Cửu phó ký thời phục tương kỳ nhất bộ phận, dư dĩ dẫn dụng (chú 10: Gasp. Un Chinois des mers du sud, le fondateur de Hà Tiên” Journal Asiatique, L’année 1952, p.363-385) (Sđd. tr.79). 12. Vũ Văn Kính Thư mục và văn bản – Thi văn Chiêu anh các. Sách còn dạng bản thảo – đánh máy; có 60 trang. Ở phần đầu (Phần Thư mục) trang 14-15, mục 16: Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả. 13+14. Trịnh Hoài Đức Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998; tr.70+71; Đề mục Sông Lũng Kỳ. 15+18. Xem thêm bài Về một vài niên đại bất đồng trong cuốn Lịch sử Đông Nam á, sách Nhận thức mới về đất Hà Tiên; TMĐ, Nxb. Trẻ và Tạp chí Xưa & Nay –2001, tr.72-96; hoặc Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4 (299), tháng 7+ 8, năm 1998, tr.80-90. 16. Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả Bản A.39 – Viện Nghiên cứu Hán Nôm tr.5 (3a) dòng thứ 6+7. 17. E.Gaspardone – Un Chinois des mers du sud – Le Fondateur de Ha Tien – Journal Asiatique 1952 – Paris – Imprimerie Nationale – Librairie Orientaliste – Paul Geuthner – trang377 – Chú số 8, Hamilton nói Xiêm đánh phá Hà Tiên năm 1717 trong đoạn tư liệu ở tr.371. 19 + 22 + 23. Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam liệt truyện tiền biên, Tập I – Nxb Thuận Hóa – Huế 1993 – tr.117-118 truyện Nguyễn Cửu Vân; Tr.163 truyện Mai Công Hương; tr.186 truyện Trần Thượng Xuyên; tr.174 truyện Mạc Cửu. 20 + 21. Lê Hương – Sử Cao Miên Nhà sách Khai Trí Sài Gòn – 1970; tr.167-168. |
Cập nhật ( 21/01/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com