Ông chủ đò 10 năm chở chữ qua sông * Nguyễn Quốc Ngữ Mong muốn mang con chữ đến với trẻ em nghèo vùng sông nước, ông Huỳnh Văn Thôn (Bảy Thôn) ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đã đưa đò miễn phí cho học sinh (HS) hơn 10 năm qua. Ngần ấy thời gian đã có biết bao thế hệ học trò nghèo đã được ông đưa đón qua sông để tiếp bước trên hành trình đi tìm con chữ. 10 năm đưa trò nghèo qua sông Chúng tôi về bến đò Vàm Xáng, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền trong những ngày trời mưa gió vì ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Dù trời mưa nhưng ông Huỳnh Văn Thôn vẫn đứng chỉ đạo cho các lái đò đưa HS qua sông kịp giờ đến trường. Hình ảnh đó giờ đã rất đổi quen thuộc với bà con xã Nhơn Nghĩa này, bà con gọi ông là ông Bảy Thôn hay còn cái tên thân mật khác là “Ông chủ đò khuyến học”.
Ông Huỳnh Văn Thôn sinh ra trong một gia đình hơn chục anh chị em ở xã Thạnh Thắng huyện Vĩnh Thạnh. Hoàn cảnh nghèo khó đã khiến ông sớm rời xa mái trường và làm nhiều nghề để kiếm sống. Do gia đình có truyền thống làm nghề thương hồ, biết khá tốt về sông nước nên sau khi lập gia đình ông quyết định làm nghề đưa đò ngang qua sông ở khu vực Thạnh Thắng để kiếm sống kể từ năm 1995. Ông cho biết: Ngày đó người dân đưa đò bằng xuồng nhỏ, mỗi khi sóng to gió lớn thì hay bị chìm, rất nguy hiểm. HS qua sông có em bị chìm đò quần áo, tập vở ướt hết nên phải nghỉ học. Ban đầu không có vốn, ông quyết định vay mượn tiền để đóng một chiếc trẹt (chẹt) to, vững chảy để đưa khách qua sông. Ban đầu chỉ dùng sức chèo, sau này mới đầu tư mua được động cơ. Năm 1999 ông dời nhà về xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền và lập thêm 1 bến đò ngay cạnh nhà. Nhờ có bến đò này nên khoảng 18.000 người dân ở xã Nhơn Nghĩa đã đi lại thuận tiện hơn, không còn cảnh nguy hiểm phải qua đò nhỏ hay bơi xuồng qua sông. Đây là vùng ven của Cần Thơ, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông, rạch, người dân còn nghèo khó, nhiều em HS nhà xa không có tiền qua đò nên đành bỏ học. Trước hoàn cảnh đó, ông quyết định đưa HS qua sông miễn phí để các em có điều kiện đến trường. “Nói thật, trước giờ tôi thấy những người làm nghề đưa đò thường nghèo khó lắm, chẳng có dư giả gì. Nhưng tôi có điều kiện kinh tế, có thu nhập ổn định nên nghĩ mình may mắn hơn những người khác. Vì vậy làm việc có ích cho xóm giềng, làng xóm và xã hội để chia sớt những khó khăn trong cuộc sống của họ”, ông Bảy Thôn tâm sự. Thời gian hơn 10 năm qua không biết có bao nhiêu học trò được ông đưa qua sông. Nhưng đối với ông thì: “Vui nhất là nhìn thấy học trò nghèo được đi học. Và chỉ có con đường học mới giúp các em thoát nghèo, lo cho bản thân, gia đình và xã hội. Có cái chữ rồi sẽ nhận thức được cái hay, cái đẹp, điều hay lẽ phải trong cuộc sống”. Như các em HS ở xã Nhơn Nghĩa và khu vực thị trấn hằng ngày phải qua đò để đi học các trường TH Nhơn Ái 2, TH Nhơn Nghĩa 1, THCS Nhơn Nghĩa, THPT Phan Văn Trị. Ở mỗi bến đò có hơn 100 lượt HS đi qua, có bến khoảng 1000 HS, nếu quy ra tiền ông thu được hàng triệu đồng. Ở đây hầu hết HS gia đình còn khó khăn, miễn phí được tiền đò giúp các em và gia đình rất nhiều trong chi phí học tập. Em Lê Thị Mỹ Phượng- HS lớp 12 cho biết: “Nhà em ở xã Nhơn Nghĩa, hằng ngày phải qua đò của bác Bảy để đi học. Gia đình khó khăn, nhờ đi đò miễn phí nên nhiều em HS hoàn cảnh như em yên tâm đến trường. Hằng ngày Bác Bảy còn chỉ dạy việc học hành, đứa nào bác cũng nắm rõ tình hình học tập và gia đình”. Còn trường hợp của em Nguyễn Thị Ý Nguyện ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai. Vì nhà nghèo, chuyển lên học cấp 3 xa nhà mà gia đình không có tiền nên em định bỏ học. Biết tin, ông bảy Thôn đến vận động, hỗ trợ cho em đi học lại trở lại. Nhờ đó em đã vượt qua khó khăn, học hoàn thành chương trình phổ thông và đỗ vào ĐH được 3 năm. Ngoài những trường hợp trên, ông Bảy Thôn còn giúp đỡ nhiều HS nghèo được cắp sách đến trường vào dịp đầu năm học hay mùa tết Trung thu. Nhờ chí thú làm ăn, hiện nay ở tuổi 51 ông Bảy Thôn là chủ của 5 bến phà lớn nhỏ với 70 công nhân lao động. Tại gia đình ông còn có cơ sở đóng các loại phà nhỏ và trẹt để phục vụ đưa khách qua sông. Ông quan niệm rằng “Đạo đức nghề nghiệp phải đặt lên hàng đầu. Những việc bản thân thấy có khả năng làm và đóng góp cho xã hội thì làm chứ không bao giờ đặt nặng vấn đề tiền bạc”. Cảm thông trước những mảnh đời nghèo khó Ngoài việc đưa đò cho HS qua sông, ông Bảy Thôn luôn tích cực tham gia công tác xã hội như làm đường giao thông nông thôn, làm cầu, phát thuốc cho người nghèo. Mỗi dịp khai giảng, ông phát tập cho HS nghèo, xây sân trường, xây dựng nhà vệ sinh trường học. Trước kia đường còn lầy lội, nhiều em HS đi học xa khoảng 9km, đạp xe rất vất vả. Mùa mưa HS quần áo lấm lem bùn đất, nhất là các em HS nữ mặc áo dài. Thấy vậy ông đã đóng góp và đi vận động bà con làng xóm cùng làm đường, xây dựng cầu. Nhiều gia đình nghèo nên việc học tập của con em thường thiếu thốn đủ thứ. Lễ khai giảng có em mặc áo rách, nhiều em không có dép hay mang dép rách thấy rất tội nghiệp nên ông luôn sẵn lòng giúp đỡ. Ông chia sẻ: Của ít lòng nhiều, khi có điều kiện thì giúp đỡ những người nghèo khó, giúp các cháu HS được đến trường là vui lắm! Ông Nguyễn Văn Út ở xã Nhơn Nghĩa cho biết: “Ông Bảy Thôn rất có tình người, tuy có của ăn của để nhưng rất gần gũi với người nghèo khó. Làng xóm có hữu sự gì ông cũng nhiệt tình giúp đỡ. Con cháu chúng tôi đi học hằng ngày cũng nhờ một phần giúp đỡ của ông đưa đò qua sông”. Mỗi khi người dân ở khu vực của xã Nhơn Nghĩa ban đêm bệnh tật ông cũng nhiệt tình đưa qua sông, lấy xe ôtô của gia đình đưa đi cấp cứu. Nhiều người trong cơn nguy kịch đã được ông cứu sống kịp thời. Ông Bảy Thôn kể lại: Tôi nhớ có trường hợp một người nông dân ngoài đồng bị đau ruột thừa cấp tính. Vừa đưa qua đò thì sức khoẻ rất yếu, đau bụng dữ dội nên tôi lấy xe ôtô của gia đình đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Đi bệnh viện kịp thời nên đã được cứu sống, khi khoẻ mạnh người này đã bê 1 thúng trứng vịt tìm đến nhà để đền ơn. Hỏi ra mới biết người nông dân này làm nghề giữ vịt ở ngoài đồng. Làm tốt công tác xã hội, luôn giúp đỡ người nghèo khó nên ông bảy Thôn được bà con yêu mếm và bầu vào Hội đồng Nhân dân huyện Phong Điền. Năm 2006 ông được vinh dự kết nạp vào Đảng. Hiện nay ông còn kiêm chức Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện. Đối với ông sự học không bào giờ là muộn, gần 50 tuổi nhưng cần có thêm kiến thức để làm ăn và hướng dẫn công nhân làm việc. Thời gian rãnh hằng ngày ông đã đi học bổ túc văn hóa cho đến năm 2008 đã học xong lớp 12. “Mình là người Đảng viên, là Hội khuyến học thì phải học tập để cập nhật kiến thức và làm gương để động viên HS, SV học tập. Ông Tô Văn Trương- Phó Ban Tuyên giáo, Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Phong Điền cho biết: Tấm lòng của ông Bảy Thôn xuất phát từ cuộc sống nghèo khó và nghị lực bản thân đã vươn lên. Thấy hoàn cảnh người nghèo, nhất là HS nghèo nên ông rất thông cảm, sẵn lòng sẻ chia. Mỗi bến đò hàng trăm em HS qua lại mỗi ngày, nếu nhân số tiền thu được hàng tuần, hàng tháng, hằng năm thì rất lớn. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa trong công tác khuyến học, khuyến tài và giúp đỡ người nghèo. Ông còn cứu giúp người hoạn nạn, bệnh tật hiểm nghèo. Đó chính là đạo lý kinh doanh gắn với đạo đức nên ông được chính quyền địa phương và bà con rất yêu mến, tinh tưởng. |
Cập nhật ( 10/12/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com