ĐẠI LỄ CẦU SIÊU CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ TẠI PHÚ QUỐC
* Tĩnh Toàn
Vào các ngày 24, 25/7 tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia huyện đảo Phú Quốc. Hội đồng Trị sự Giao1 hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang và Ban quản trị Tổ đình Vĩnh Nghiêm (TP. HCM) cùng phối hợp tổ chức Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến giành độc lập tự do tổ quốc. Dự lễ có HT Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ HĐCM GHPGVN; HT Danh Nhưỡng, Phó Pháp chủ; HT Dương Nhơn, Phó Pháp chủ kiêm Phó Chủ tịch HĐTS; HT Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban tổ chức đại lễ; HT Thích Đức Nghiệp; HT Thích Giác Toàn; HT Thích Thiện Pháp; HT Thích Huyền Thông, Phó BTS THPG Kiên Giang kiêm Phó Ban Tổ chức; Chư tôn giáo phẩm HĐTS và hơn 400 tăng ni đại diện cho PG các tỉnh thành trong cả nước cùng hàng ngàn Phật tử. Về phía chính quyền có các Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP. HCM ; Bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước, Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; ông Trương Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang; ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang; Đại tá Phạm Hoàng Thụ, đại diện Bộ Tư lệnh QK 9; các vị lãnh đạo Đảng, chính quyền, các Sở ban ngành tỉnh huyện và hơn 400 cựu tù.
Chiều ngày 24, Ban tổ chức thực hiện lễ cầu siêu tại Nấm Đấm thị trấn An Thới (nơi tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ) với 2 thời kinh Bắc và Nam tông triệu linh về lễ đài nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc. Dẫn đầu là 2 xe cộ hoa cùng hơn 30 xe du lịch lớn nhỏ và nhiều xe máy vượt qua chặng đường hơn 30 cây số. Tại lễ đài với thời kinh của Chư tôn đức, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã thắp 3 nén nhang cung kính dâng lên mười phương chư Phật nguyện cầu cho anh linh các liệt sĩ được siêu độ trong tiếng niệm Phật trầm hùng của Chư tôn giáo phẩm và tiếng mõ hồi chuông đang gióng lên giữa đại ngàn. Buổi tối, chư tăng chùa Vĩnh Nghiêm xếp thành hàng danh dự cung đón chư tôn đức, quí vị lãnh đạo chính quyền và tất cả hiện diện với mỗi người một ngọn nến thơm, một cành hoa lan đặt lên phần mộ liệt sĩ. Ba ngàn ngọn nến lung linh, trên vùng núi đồi cô tịch giờ đây thắm đẳm tình người, quyện chặt tình đồng đội, gắn kết nghĩa đồng bào, nặng tình non nước đã thể hiện sự tri ân và báo ân cho những chiến sĩ nằm xuống tại nhà lao Cây Dừa, những người đã hy sinh trong cuộc chiến đầy máu và nước mắt tại Phú Quốc đã dệt nên một Đảo Ngọc huyền thoại bởi tên anh mãi gắn liền với những chiến công bất tử.
Nhà lao Cây Dừa, trại tù lớn nhất Đông Nam Á trong những năm 1967 – 1973 đã giam giữ hơn 40 ngàn chiến sĩ cách mạng, trong đó có trên 4 ngàn người bị sát hại với những đòn tra tấn man rợ và các anh đã bị vùi lấp dưới những hố chôn tập thể rãi rác đó đây. Ba lần Phật giáo tổ chức Đại lễ cầu siêu, lần đầu nhân dịp an táng gần 400 hài cốt liệt sĩ, lần 2 với gần 1200 và lần này 293 hài cốt vừa tìm được với sự cộng tác của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Ba ngàn cành lan được đặt lên ngôi mộ của các liệt sĩ, xin tặng người nằm xuống cho đời ngát hương; đêm nay, hoa nở trên đảo Ngọc giữa muôn trùng sóng vỗ, giấc thiên thu đã nghe các anh trở mình cùng hồn thiêng sông núi khi hàng ngàn người đang ở bên các anh, thức để tâm sự cùng các anh với muôn vàn thương tiếc. Cùng lúc đoàn kinh sư của Phật giáo cũng đã thực hiện xong nghi thức vớt linh tại Hương Biển và triệu thỉnh vong linh các anh về lễ đài bắt đầu đăng đàn chẩn tế cầu siêu bạt độ.
Sáng ngày 25, các thời kinh cầu siêu vẫn tiếp tục, khu vực nghĩa trang đông như trẩy hội, hài cốt các anh được xếp thành hàng phủ cờ tổ quốc đỏ thắm dưới chân đài liệt sĩ. Hôm nay các nhà tài trợ gồm Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn và Công ty Phương Trang thực hiện hiện cúng dường trai tăng cho hơn 400 chư tôn đức tăng ni. Với lời tác bạch đầy xúc động của ông Phạm Đăng Quan, Phó chủ tịch HĐQT Công ty thỉnh cầu Chư tôn đức nạp thọ qua phần tịnh tài tịnh vật cúng dường và xin hồi hướng công đức này nguyện cho anh linh các anh hùng liệt sĩ siêu sanh tịnh độ; HT Thích Giác Toàn đã ban đạo từ cho buổi lễ : “. . . Đời anh theo dấu chân người, một chiều nằm xuống mĩm cười hiên ngang”. Nụ cười của những người con bất tử trong lòng dân Việt đã được Hoà Thượng nhắc đến gắn liền với sự tri ân và báo ân mà hôm nay GHPGVN, các vị Mạnh thường quân và mọi người đang thể hiện tại lễ đài và lễ giỗ đầu tiên cho anh linh các liệt sĩ được Ban kinh sư Phật giáo thực hiện theo nghi thức cổ truyền. Vào lúc 13 giờ cùng ngày, khóa Lễ cầu siêu bạt độ được Trung ương giáo hội chính thức cử hành, sau phần nghi thức chào quốc kỳ, đạo kỳ, mặc niệm, HT Thích Thiện Nhơn đọc diễn văn khai mạc Đại lễ, ngài nói sơ lược về nhà lao Cây Dừa Phú Quốc, gợi lại tinh thần chiến đấu dũng cảm của các anh và bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn cho những người quyết tử cho tổ quốc quyết sinh : “. . .Xác ai ngã xuống đất này, cho hoa dân tộc ngày ngày xinh tươi”. Trong ý nghĩa tri ân báo ân của đạo Phật, uống nước nhớ nguồn của người dân Việt là nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc và Phật giáo VN, ngài tin rằng với Phật lực gia trì, năng lực chú nguyện của Chư tôn đức tăng ni và sự thành tâm của tất cả, các anh linh anh hùng liệt sĩ sẽ luôn được thảnh thơi nơi cõi Tịnh. Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp, Tổng Thư ký HĐCM đã ban đạo từ cho buổi lễ và Đức Pháp chủ GHPGVN có một vần thơ ban tặng cho những người ra đi và những người còn lại kế tục sự nghiệp của các anh :
Nền độc lập đã thu về trọn vẹn,
Trước đã giỏi trước sau thêm giỏi nữa,
Nền cộng hòa đã phổ cập toàn dân
Hòa Thượng Thích Huyền Thông, Phó BTS THPG Kiên Giang, kiêm Phó Ban tổ chức có lời cảm tạ đến Chư tôn giáo phẩm và tất cả quí vị.
Buổi tối, cầu truyền hình trực tiếp “Nghĩa tình đồng đội”do Đài PTTH HTV9 Thành Phố Hồ Chí Minh thực hiện, những gian khổ trong cuộc chiến khốc liệt đựơc tái hiện, những tra tấn dã man của chế độ ngục tù nhà lao Cây Dừa được ông Phạm Bá Lưỡng, cựu tù Phú Quốc kể lại cho mọi người cùng nghe; người tử tù Nguyễn Dương Kế với 2 bản án tử hình vựơt ngục trở lại chiến khu làm chứng nhân cho lịch sử với bài hát Vùng lên anh em ơi sáng tác năm 1970 do ông tự biên tự diễn; trên projector của cầu truyền hình, khán thính giả được biết đến nhà văn Chu Lai mô tả nhiều vụ việc trong tác phẩm bất hủ Nhà lao Cây Dừa đã khiến nhiều người không cầm lòng với những nước mắt lăn dài trên má. Những màn trình diễn trên sân khấu thể hiện nét hào hùng bất khuất của những chiến sĩ kiên cường tại ngục tù Phú Quốc, quá khứ và hiện tại đã góp phần hình thành một tuyệt phẩm nhân gian với hào thiêng bất tử mãi mãi là bản anh hùng ca được viết bằng máu và nước mắt của những người đã hy sinh cho độc lập dân tộc. Trong dịp này ông Phạm Anh Dũng, Giám đốc Ngân hàng TMCP cũng đã trao tặng 200 triệu đồng cho các gia đình thuộc diện chính sách và các em học sinh nghèo hiếu học.
Sáng ngày 26-7, Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ được quí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cử hành trọng thể, tham dự có ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính Trị, Thường trực Ban Bí thư, các vị lãnh đạo Đảng, Chính quyền trung ương, tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc, Chư tôn giáo phẩm HĐTS GHPG VN, THPG Kiên Giang… Tại buổi lễ, ộng Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thay mặt cho lãnh đạo tỉnh ngỏ lời tri ân đến với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức, các cá nhân đã quan tâm hỗ trợ thực hiện; ông hứa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm qui tập hài cốt các liệt sĩ còn thất lạc và luôn chăm lo các gia đình liệt sĩ, ông cũng kêu gọi các tổ chức và cá nhân hãy tiếp tục ủng hộ chương trình này.
Cập nhật ( 29/07/2009 )