NƯỚC TRONG TÂM THỨC CỦA NGƯỜI KHMER * ThS Hứa Sa Ni Tuy là dạng vật chất chưa phân hóa, không mùi, không vị, nhưng nước lại là nguồn sống, là phương tiện thanh tẩy và là trung tâm của sự tái sinh (tất nhiên nước cũng có khả năng trở thành kẻ hủy diệt). Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi xin trình bày một số nét về cách nhìn nhận, những suy nghĩ của người Khmer đối với nước mà từ lâu đã gắn chặt với phong tục tập quán của dân tộc. 1. Quan niệm về nước. Người Khmer cho rằng, nước là một dạng vật chất, có mặt trong vũ trụ từ rất sớm – nước kết hợp với ba dạng vật chất khác là đất, lửa và gió tạo nên mọi thứ trên thế gian, trong đó có cả con người. Nói cách khác, bốn yếu tố đất, nước, lửa, gió đã cấu thành nên vạn vật. Nước còn là biểu tượng của sự tinh khiết, trong trắng, mềm mại, hiền hòa, tự do … Và, vì thế mà người phụ nữ trong cách nhìn của người Khmer được xem như một biểu tượng của nước. Trong truyền thuyết Pres Thong – Neang Neak[1], kể về nguồn gốc tộc người, thì nước là thành tố không thể tách rời, thoát ly sự phát triển của dân tộc. Neang-Neak (Neang-Teavatey) là công chúa con vua Thủy Tề (Sa-đach Pha-chong-Neak) và là tổ mẫu của người Khmer, có cội nguồn từ thế giới của loài thủy tộc (Thal-pha-chong-neak)[2] thuộc xứ sở Bat-ta-đal – “xứ sở của đại dương”; Neang Neak có một nửa thân hình là người, một nửa là loài rắn bảy đầu đã kết duyên với Pres-Thong trên “hòn đảo Kôk-thlôk”[3], cùng sáng lập nên vương triều Khmer đầu tiên. Chính họ đã mang lại cho dân tộc Khmer những tri thức cần thiết và nhiều yếu tố tạo nên nền văn hóa Khmer. Ngày nay, hình ảnh về sự kết duyên này vẫn còn in đậm trong đám cưới Khmer (nghi thức chú rễ níu vạt áo choàng cô dâu vào phòng hoa chúc, nghi thức nhuộm răng cô dâu, …). 2. Phân loại nước. Trong quan niệm của người Khmer, nước trong vũ trụ gồm ba loại cơ bản: – Tưk-om-rach: là loại nước của tầng trời, nước thiêng, nước của thánh thần, đó là thứ nước mầu nhiệm, chỉ dành cho các vị Tê-vô-đa, thánh thần sử dụng, nó có thể làm cho con người trường sinh bất tử, chết đi sống lại, xấu xí trở nên xinh đẹp, yếu đuối trở nên mạnh mẽ. Loại nước này thường được đặt tại nơi thiêng liêng trong vũ trụ, được canh giữ cẩn trọng, người phàm khó có khả năng tìm thấy, thậm chí đối với các bậc thánh thần, nếu chưa được phép dùng mà cố tình sử dụng bị xem đã phạm “luật trời” và tất nhiên sẽ bị trừng phạt. Hình ảnh Reahu mà ngày nay ta thấy chỉ có cái đầu, chính là bị chiếc chong chóng (cánh quạt thần) chém đứt, do cậy mình có sức mạnh, lén uống nước thánh tại giếng thiêng ở trên cõi trời. Trong kho tàng văn học dân gian Khmer và trong cách hành lễ của các vị đế vương trước đây cũng có khá nhiều truyện kể về loại nước này. Trong số đó, có câu chuyện kể về nguồn gốc loài người rằng, ngày xưa có vị thần Ây-sây (một hóa thân của thần Visnu) đã lên “đỉnh của trái đất”, lấy một thứ nước thiêng tại giếng A-nod-ta-săh cho hai đứa trẻ uống (một nam, một nữ do chính thần tạo ra) để được khỏe mạnh và trường sinh, nhằm duy trì nòi giống cho loài người. – Nước của cõi trần: đó là thứ nước của thế giới tự nhiên được “trời ban tặng” cho con người, như nước mưa, nước sông suối, nước ngầm, nước trong các loại quả (dừa, thốt nốt) …; trong đó, nước mưa và nước trong các loại quả là thứ nước tinh khiết, trong sạch, thường được dùng làm lễ vật dâng cúng cho Chư Phật, thần linh và là phương tiện để thanh tẩy, chữa bệnh nếu như nó được thiêng hóa bằng cách ướp thêm hương thơm hoặc hóa phép bằng những câu thần chú, hay các bài kinh của nhà Phật để làm tăng khả năng thiêng liêng, huyền dịu. Loại nước này hiện nay vẫn đang được người Khmer rất mực tin dùng. – Nước của thế giới ma quỷ: là thứ nước chảy ra từ các cống rãnh, xác chết, dơ bẩn, những chất thải mà con người vứt đi và chỉ dành cho loài ma quỷ sử dụng. Người Khmer cho rằng, đó là sự trừng phạt đối với những ai phạm phải tội lỗi, làm điều xấu xa, ác độc, sau khi chết biến thành ma quỷ, phải chịu cảnh đọa đày không được ăn uống. Một câu truyện dân gian kể rằng, xưa kia có một loài Quỷ dữ, thân hình vạm vỡ to lớn, nhưng miệng lại bé bằng hạt cải xanh. Lúc nào Quỷ dữ cũng khát nước. Một hôm, có một vị Tỳ-kheo (một trong những môn đệ của đức Phật) đi ngang, Quỹ dữ liền quỳ xin sự giúp đỡ. Vị Tỳ-kheo bảo Quỷ dữ nằm ngửa mặt lên và dùng bát cơm của mình múc nước ao gần đó cho uống. Uống xong 10 bát, Tỳ-kheo hỏi “còn khát không”, Quỷ dữ trả lời “vẫn còn khát”. Tỳ-kheo thấy lạ, đem câu chuyện thuật lại cho Phật tổ nghe. Đức Phật bảo, phải lấy nước mưa dâng lên các vị chư Tăng, sau đó cầu nguyện, thông qua các bài kinh phổ độ của nhà Phật thì Quỷ dữ mới cảm thọ được phước đức mà người khác cho mình, Quỷ dữ mới thấy không còn khát nữa. Như vậy, nước sau khi đã được thiêng hóa, trở nên huyền năng vô cùng. 3. Nước trong các lễ nghi, phong tục. Từ thuở hỗn mang của vũ trụ đến tận hôm nay và cả trong tương lai, nước vẫn luôn là yếu tố chiếm vị trí quan trọng trong thế giới của muôn loài, bởi nó là khởi nguyên của mọi sự sống và có sức mạnh duy trì sự sống. Điều này cắt nghĩa vì sao các nhà khoa học khi tìm kiếm sự sống ở ngoài trái đất, bao giờ họ cũng đặt trọng tâm vào nghiên cứu những biểu hiện của nước trên bề mặt hành tinh. Với người Khmer, mặc dù khái niệm về thế giới xung quanh, về các tinh tú, các cõi trời không phải xa lạ, nhưng trên đại thể người Khmer biết rằng, nước là một thành phần mang lại lợi ích thiết thực cho chính cuộc sống của mình, phục vụ đắc lực cho con người không chỉ về mặt vật chất mà cả tinh thần. Nước, trước hết là nguồn tưới tiêu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong làm rẫy, nuôi trồng thủy sản và canh tác lúa nước. Là dân tộc vốn từng sinh sống trong môi trường thường xuyên bị ngập nước bởi sự xâm thực của nước biển, từ những đợt nước lũ ở các đầu nguồn tràn về, nên ngay từ rất xưa, người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long đã biết cách làm thủy nông nội đồng, đào xẻ kênh mương, dẫn nước tháo phèn mặn cho đồng ruộng để đảm bảo mùa màng được bội thu. Tại một địa bàn thuộc xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu ngày nay vẫn còn dấu tích về hệ thống mương phai chằn chịt trước đây. Và, truyền thuyết về Ao Bà Om[4] cũng là một trong những biểu hiện của quá trình làm thủy nông nội đồng, đúng hơn là sự ngợi ca về chiến công của người Khmer trong sự đấu tranh, chống chọi làm chủ tự nhiên. Mặc dù có những bước phát triển nhất định trong sản xuất nông nghiệp, song, ở người Khmer vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên, đặc biệt là nước. Nếu như ngày nay, việc sử dụng các loại nước máy, nước ngầm từ các giếng khoan và các nhà máy nước là điều khá phổ biến trong cộng đồng người Khmer, thì trước đây để có đủ nước sử dụng trong mùa khô, nhất là trong sinh hoạt thường nhật (giặt giũ, nấu nướng, ăn uống), tại mỗi phum sróc hoặc trong mỗi ngôi chùa Khmer, người ta thường đào một cái ao thật to để tích trữ nước mưa. Những cái ao đó luôn được giữ gìn, bảo vệ cẩn thận. Người ta cấm bơi lội trong ao hoặc thả các chất dơ bẩn vào ao, khi tắm phải múc lên và bước ra xa bờ rồi mới tắm để tránh nó chảy ngược vào ao, vì người Khmer tin rằng mỗi ao đìa của phum sróc đều có một vị Arăk[5] trông coi, nếu làm vẩn đục nguồn nước trong ao cũng có nghĩa con người đã “xúc phạm” tới thần linh và chắc chắn sẽ bị trừng phạt, có thể sẽ gặp phải bệnh tật hoặc những tai ương khác xảy đến cho dân làng bất cứ lúc nào. Với quan niệm đó, hàng năm những người có trách nhiệm trong phum sróc phải mang lễ vật ra bờ ao dâng cúng cho thần. Qui định này, xét cho cùng phải chăng là cách giáo dục của người xưa đối với cộng đồng nhằm bảo vệ lợi ích chung, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Và, nếu như trong một năm nào đó, mưa không thuận, gió không hòa, trời đất khô cằn, các kênh rạch, ao đìa đều cạn kiệt, gây khó khăn cho cuộc sống, thì vị A-cha[6] sẽ tập hợp bà con trong phum sróc lại để tổ chức lễ Cầu Mưa (Bond-som-tưk-phlieng). Người ta bắt những thanh niên khỏe mạnh, ngồi trên một chiếc xuồng nhỏ đặt trên cạn ở giữa đồng trống hoặc ở giữa phum, bơi thật mạnh, thật nhanh trong cái nắng oi bức của buổi trưa cho đến khi mệt nhoài. Tại nhiều nơi, người ta còn thỉnh cả vị sư tụng kinh niệm Phật ở ngoài nắng gay gắt mà không dùng bất cứ vật gì để che nắng. Bằng cách đó, người Khmer tin rằng sẽ tác động đến tầng trên, làm động lòng các thần linh, buộc thần phải đổ mưa tức khắc. Tất nhiên không phải cứ có hạn hán kéo dài, sau khi làm lễ Cầu Mưa sẽ có mưa, nên đôi khi người ta phải sử dụng biện pháp khác thực tế và hữu hiệu hơn, đó là đào giếng thật sâu để lấy nước ngầm. Các cụ già tại xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng kể rằng, vào khoảng thập niên 40, 50 của thế kỷ trước, bà con Khmer nơi đây thường phải ra sát bờ biển (cách phum cả chục cây số), đào sâu xuống dưới lớp cát phù sa để lấy nước ngọt về dùng. Có thể nói trong cộng đồng người Khmer nước đã gắn bó mật thiết với đời sống thường nhật và tâm linh. Nước trong cách nhìn của người Khmer là một thứ rất hiền lành, nhưng cũng rất huyền năng, luôn mang đến nguồn hạnh phúc cho con người. Chúng ta rất ít gặp, thậm chí chưa từng thấy nước được hình tượng hóa bằng những điều ác, kẻ hủy diệt. Có chăng là hình ảnh duy nhất về Neang-heng-pres-thô-ni (nữ thần Đất) xõa tóc biến thành biển nước mênh mông dìm chết đội quân của Ma Vương mà ta thường thấy các họa sỹ Khmer vẽ hoặc đắp nổi trên vách tường phía trước của ngôi Chánh Điện. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là hành động trấn áp cái ác, cái vô minh để làm tăng thêm giá trị của cái thiện, cái tốt, cái đúng, là biểu tượng cho sự chiến thắng của đạo Phật vừa mới định hình trong xã hội thời bấy giờ. Rõ ràng nước ở đây có vai trò như một thứ phương tiện để thanh tẩy, diệt trừ cái xấu xa, cũ kỹ và chứa đựng mầm móng của sự tái sinh (con người chết đi, tất phải được đầu thai, tái sinh ở kiếp sống mới). Chúng ta từng biết, ở các tín đồ Hindu giáo, trong đời người, ít nhất một lần phải được ngâm mình trên dòng sông Hằng để thanh tẩy những tội lỗi của kiếp người, gội rửa những điều xấu xa, giữ tâm trong sạch thanh khiết nhằm sớm được về với cõi Niết-bàn, với đấng tối cao. Đối với người Khmer, thì quan niệm ngược lại, nước ở các con sông, con suối là thứ nước không được trong sạch lắm, đó là loại nước hỗn tạp từ mọi thứ thải ra trên mặt đất đổ dồn vào, nó thường ít mang tính thiêng. Do đó, khi sử dụng nước như một thứ lễ vật để cúng Phật, thần linh, người Khmer chỉ dùng duy nhất nước mưa[7]. Tại các bàn thờ Phật, bàn thờ Têvôđa[8] bàn thờ ông Táo (A-răk Chong-kral), bàn thờ gia tiên trong các gia đình người Khmer lúc nào cũng có một hoặc hai ly nước trắng. Đó là nước mưa, loại nước được xem là trong sạch, tinh khiết như chính cái tâm của con người dâng lên Thần, Phật. Một số vị A-cha tại tỉnh Sóc Trăng lý giải rằng, hai ly nước trên bàn thờ Phật chính là hình ảnh tượng trưng cho Mặt Trời và Mặt Trăng, là biểu tượng của âm và dương, của cái nóng và cái lạnh, là hai yếu tố của sự đối lập, nhưng lại là động lực thúc đẩy quá trình sinh sôi, nảy nở, phát triển của muôn loài. Mặt Trăng trong suy nghĩ của người Khmer được xem là vị thần của đất và nước, chúa tể của mùa màng, có chức năng điều phối sự vận hành của thời tiết, mùa vụ. Việc thờ Mặt Trăng, Mặt Trời thực ra là hình thức tín ngưỡng có từ lâu đời không chỉ ở người Khmer mà nó có mặt khắp các cư dân làm nông nghiệp lúa nước. Tuy nhiên, vì là dân tộc đi theo đạo Phật, nên trong cách ứng xử, bày tỏ lòng tri ân của mình đối với thần linh, nhất là thần Mặt Trăng, người Khmer có nhiều cách thể hiện không giống các dân tộc khác có chung niềm tin thờ Mặt Trời, Mặt Trăng. Người Khmer cho rằng, trong cuộc sống, con người luôn gây ra tội lỗi, xúc phạm đến đất và nước. Vì sự sinh tồn, vì lòng tham lam vị kỷ, con người thường xuyên làm vẩn đục, uế tạp nước và đất. Do vậy, hàng năm người Khmer phải làm lễ để chuộc tội và tạ ơn đối với Thần. Và, lễ hội Cúng Trăng Ok-Om-Bok, Đua Ghe Ngo, Thả Hoa Đăng (Loy-pro-tuýp), Thả Đèn Trời (Kôm) chính là hình thức mà người Khmer muốn bày tỏ lòng tri ân của mình đối với Thần Nước, Thần Đất, cầu xin sự “tha thứ” của Thần về những hành động của con người đã làm tổn hại đến đất, nước, đến môi trường xung quanh. Mặt khác, Mặt Trăng trong quan niệm chung của nhiều dân tộc vùng Đông Nam Á mang biểu tượng của âm tính, của cái lạnh, của sự ẩm ướt, của mùa mưa. Do đó, Cúng Trăng Ok-Om-Bok, Đua Ghe Ngo, Thả Hoa Đăng (Loy-pro-tuýp), thả Đèn Trời (Bong-hos-kom) cũng chính là cuộc tống tiễn mùa mưa, đón chào mùa khô, là cuộc đưa nước trở về trời, về nơi khởi nguồn, để rồi sau đó lại tiếp tục đổ những cơn mưa xuống cõi trần, mang lại mầm sống mới cho con người và các loài. Phải nói rằng, nước rất gần gũi với người Khmer. Từ thuở ấu thơ, đến khi trưởng thành và lìa xa cõi đời, mỗi người Khmer đều luôn gắn bó với nước, nhất là “nước óp”, tức “nước thánh, nước thiêng”. Bắt đầu lọt lòng mẹ, đứa trẻ đã được người lớn tắm gội bằng nước ấm có pha chất thơm, xen lẫn những lời nguyện cầu, những câu chú huyền bí để cầu mong đứa trẻ sau này là người xinh đẹp, thông minh, lanh lợi, khỏe mạnh, tránh được bệnh tật đau ốm; đến một tháng tuổi và giáp năm, đứa trẻ lại được các vị chư Tăng, A-Cha làm phép vảy “nước thánh” lên người để xua đi những điều bất trắc, nỗi sợ hãi trong đứa trẻ mà từ lâu người Khmer luôn tin tưởng vào truyền thống này. Bước sang tuổi thứ mười hai (được một giáp), nhất là ở các bé trai, là tuổi bắt đầu trưởng thành, độ tuổi có thể xuất gia vào chùa tu hành, người Khmer lại tiếp tục thỉnh mời các vị sư đến tụng kinh chúc phúc, vảy nước thiêng cho trẻ một lần nữa, nhằm tạo ra “một lớp vỏ bảo vệ” tránh sự phá rối của tà ma quỷ dữ, giúp đứa trẻ luôn luôn khỏe mạnh. Đó cũng là hình thức thanh tẩy, làm cho tâm tịnh, trong sáng, trí tuệ quang minh trước khi bé trai bước vào chùa, vào đất Phật. Đến lúc già và chết đi, con người lại tiếp xúc với nước một lần nữa trước khi yên bề nơi chín suối. Theo phong tục của người Khmer, sau khi chết thường được hỏa táng, xương tro đem gửi vào chùa. Tuy nhiên, để cho vong linh người chết sớm siêu thoát, khi hỏa táng xong, người ta phải dùng nước mưa tưới lên bộ xương, rồi lấy nước dừa tươi rửa sạch bụi bặm trước khi bỏ vào chiếc thố đem về thờ. Việc làm này không chỉ biểu hiện sự tôn kính của người sống đối với người đã khuất, mà còn là một sự thanh tẩy cho linh hồn. Sự thanh tẩy bằng nước, làm sạch mọi thứ ô uế còn được biểu hiện trong nhiều tín ngưỡng khác của đời sống tâm linh và các tập tục của dân tộc, đặc biệt là trong ngày tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmey. Không giống các dân tộc Thái Lan, Lào … thường tổ chức “Té nước” vào dịp tết cổ truyền, như là biểu hiện của sự chúc phúc, may mắn, an lành. Người Khmer ở Ngoài ra, nước thánh trong quan niệm của người Khmer còn là thứ thuốc “linh nghiệm”, có khả năng giúp con người tai qua nạn khỏi, an bình về thể xác và yên vui trong tâm hồn. Trong cuộc sống thường nhật, khi có tâm trạng bất an, lo âu, khi trong nhà có những đứa trẻ hay khóc đêm, khi vào nhà mới, khi mua sắm các loại đồ dùng giá trị, nhất là phương tiện đi lại như ô tô, xe máy … người Khmer thường đến chùa thỉnh thị nhà sư hoặc tìm kiếm các vị A-cha tụng kinh, vảy nước lên người, lên các hiện vật để xoa dịu, trấn an tinh thần và làm cho tài sản trong nhà tránh được sự mất mát, hư hao về sau này. Thậm chí ngay cả khi bị trật khớp, bong gân hay bị côn trùng đốt, người Khmer cũng tìm đến các vị thầy A-cha để nhờ thầy “khoán”, bằng việc lấy một ly nước mưa, thắp một nén nhang, sau đó A-cha vừa đọc thần chú, vừa dùng chân nhang khuấy đều ly nước, rồi cho vào mồm và phun lên chỗ đau. Người Khmer tin rằng chỉ làm như vậy ba lần, mọi vết thương sẽ khỏi. Như thế, nước không chỉ là thứ để cúng chư Phật, thần linh, xua đuổi tà ma, quỷ dữ, rửa sạch những thứ nhơ nhuốc, tội lỗi, xấu xa mà còn là phương tiện chữa bệnh. Dù có quan niệm khác nhau về nước trong từng vùng miền, từng nền văn hóa, từng truyền thống dân tộc, song, nước luôn chiếm vị trí hàng đầu trong mọi thứ vật chất. Thiếu nước con người và các loài của thế giới tự nhiên sẽ phải đối mặt với cái chết. Nhưng, nếu nước quá nhiều, bất bình thường cũng là điều tệ hại cho con người, chưa kể đến những việc làm gây nên sự ô nhiễm môi trường nước đang diễn ra hết sức nghiêm trọng như hiện nay, mà con người đang phải gánh chịu. Đối với người Khmer, nước luôn là một thứ gần gũi, thân thiện, bởi lẽ, nước mang lại sự sống cho con người, làm cho nhân khang vật thịnh, mùa màng tốt tươi, cuộc sống sung túc./. Tài liệu tham khảo: 1. SƠN PHƯỚC HOAN (chủ biên). Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer 2. LÊ HƯƠNG. Người Việt gốc Miên . SG – 1968 3. NHIỀU TÁC GIẢ. Người Khơ-me tỉnh Cửu Long. Sở VHTT tỉnh Cửu Long xuất bản, 1987. Thạc sĩ Hứa Sa Ni Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh [1] Pres-thông – Kaundinya – một vị hoàng tử có gốc từ Ấn Độ; Neang-neak – công chúa Soma. [2] Long cung. [3] Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ngày nay hòn đảo này thuộc tỉnh Kol-đal – Campuchia. [4] Ao Bà Om ngày nay thuộc địa bàn khóm 4- phường 8 – thị xã Trà Vinh – tỉnh Trà Vinh. Truyền thuyết kể về cuộc thi đào ao giữa nam và nữ. Nhờ dùng mưu, nên cuối cùng bên nữ đã thắng cuộc. [5] A-răk là chức danh của một vị thần có chức năng tương tự Thành Hoàng làng của người Việt. A-răk là từ có nguồn gốc từ tiếng Phạn, có nghĩa là sự chăm nom, trông coi, bảo quản. Đây là tín ngưỡng rất xưa của người Khmer, trước khi họ tiếp biến tín ngưỡng Bà-la-môn giáo, Phật giáo. [6] A-cha – trí thức của cộng đồng, người có năng lực, trình độ hiểu biết sâu rộng về phong tục tập quán, lễ nghi… [7] Trong một số trường hợp cúng các vị thần linh, điển hình là cúng thần Krông-pes-ly, thì ngoài nước mưa, rượu, nước trà, người Khmer còn sử dụng nước dừa tươi. [8] Tê-vô-đa là thiên thần, là các vị tiên, trú ngụ cõi trên, thường cứu giúp con người khi gặp hoạn nạn, đồng thời cũng là vị thần chuyên chăm lo cuộc sống cho muôn loài. Vào dịp đầu năm mới đều có một vị Tê-vô-đa luân phiên nhau giáng trần thực hiện nhiệm vụ. |
Cập nhật ( 29/07/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com