18/05/2008 |
NƯỚC TRONG LỜI ĂN TIẾNG NÓI NGƯỜI VIỆT Nước là yếu tố quan trọng trong cuộc sống. Nước chính là sự sống của con người. Nước có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, trong môi trường tự nhiên, trong mỗi cơ thể con người, cơ thể động thực vật. Nước còn có mặt trong tâm thức, trong lời ăn tiếng nói của con người. Là một đất nước có nền văn minh lúa nước lâu đời, có biển rộng, sông dài thì nước trở thành một biểu tượng đậm nét trong văn hoá Việt cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta có thể thấy nó được thể hiện rất rõ trong những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, những cụm từ quen dùng và qua cả cách định danh của người Việt. Từ lâu, nước đã gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần của người Việt. Nhìn chung, trong tâm thức người Việt, nước có tính “lành”, tính tích cực. Nhưng cũng có khi nước mang tính trung hoà và thậm chí mang tính tiêu cực trong những hoàn cảnh cụ thể, trường hợp cụ thể. <!–[if !supportLists]–>1. Nước mang dương tính Nước theo quan niệm của phương Đông mang tính tích cực: “Nước là nguồn gốc của sự sống, là yêu tố tái sinh thể xác và tinh thần, là biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở, của tính thanh khiết, tính hiền minh, tính khoan dung và đức hạnh” (Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới”, tr. 709). Chính xuất phát từ quan niệm này mà người Việt đã lấy “nước” để định danh cho quốc gia của mình: NHÀ NƯỚC, ĐẤT NƯỚC, NƯỚC NON, NƯỚC. Nước kết hợp với yếu tố thứ hai – một yếu tố quan trọng khác là đất (trong đất nước) hoặcnon (trong nước non) để tạo tên, nhưng có khi nước chỉ cần một mình nó vẫn có thể định danh cho quốc gia. Như vậy, nước đã được sử dụng một cách ẩn dụ để quy chiếu một đối tượng hết sức thiêng liêng: Tổ quốc. Nước còn biểu trưng cho sức mạnh, thế mạnh của con người qua câu nói “Nước chảy đá mòn”. Từ một thực tế quy luật khách quan “Nước chảy đá mòn” ta thấy có tinh thần của “lấy nhu thắng cương”, của lấy sự dẻo dai, bền bỉ để tạo sức mạnh. Tinh thần này từng được biểu hiện rất rõ nét trong hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Nếu câu tục ngữ “Mạnh về gạo, bạo về tiền” mang nét gì đó tiêu cực thì ngược lại “Sống về gạo, bạo về nước” lại có tính chất tích cực hơn. Nhu cầu thiết yếu của con người để duy trì sự sống là gạo và nước. Có gạo, có nước là yên tâm rồi. Nước trong những câu tục ngữ này được người Việt sử dụng với nghĩa đen. Người Việt mượn tính chất của nước bị dồn nén quá ngưỡng sẽ tạo nên sức mạnh về lực áp suất để xây dựng câu tục ngữ: “Tức nước vỡ bờ” nhằm biểu đạt sức mạnh phản kháng của con người trước sự đè nén, áp bức của thế lực bạo tàn. Người Việt đề cao sức mạnh của nước cũng là đề cao sức mạnh của sự phản kháng chống lại cái xấu, cái ác. Ở vùng Nghệ – Tĩnh có câu tục ngữ: “Trăm rác lấy nác (nước) làm sạch”. Nước làm cho mọi vật trở nên sạch sẽ hơn, thanh khiết hơn. Nước còn có tác dụng tẩy sạch sự ô uế, dơ bẩn. Đấy cũng là một thế mạnh của nước mà không có thực thể nào có được. Nước là nguồn gốc của sự sống: “Cây có cội, nước có nguồn”. Từ chân lí này người Việt đã coi nước là nguồn cội, là ngọn nguồn của mọi vật. Qua nước, người Việt gửi gắm đạo lí tri ân của mình: “Uống nước nhớ nguồn”, “Uống nước nhớ kẻ đào giếng”… Nước còn là biểu tượng cho phước, lộc theo quan niệm nhà Phật. Trong các lễ vật để dâng lên thần thánh, để cúng vái ông bà trên bàn thờ không thể thiếu chén nước. Thậm chí, chỉ cần chén nước là đủ, bởi vì người Việt quan niệm: “Thí một chén nước, phước chất bằng non”. Thật kì diệu, nước còn được mượn để diễn đạt tình cảm, tư duy của con người: “Đối xử (/ ăn ở) với nhau như bát nước đầy”, “Tình anh như nước dâng cao, Tình em như dải lụa đào tẩm hương”, “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”… Sự lênh láng, tràn đầy được ví như sự tròn đầy, đậm đà trong cảm, trong nghĩa tình, trong lối ứng xử, cách đối xử với nhau. Lúc này, nước trở thành biểu trưng cho tình cảm đẹp, cho tình yêu con người. Khi nói: “hết nước”, “đến nước này”, “nước lép”, “chẳng nước mẹ gì”… thì lúc này, nước đã được chuyển nghĩa thành kết quả, thành phương thức, thành tư duy. Nước có khi lại được coi như là ngôn ngữ: “nói nước đôi”… <!–[if !supportLists]–>2. Nước mang âm tính Người Việt mượn nước để biểu hiện những gì tích cực, nhưng cũng có những trường hợp nước biểu trưng cho cả những gì mang tính chất tiêu cực nữa. Chúng ta có thể gọi đó là những trường hợp nước mang âm tính. Đó là các trường hợp: trong đối lập cái – nước trong “khôn ăn cái, dại ăn nước” (so với cái thì nước yếu hơn, thiệt hơn, thua kém hơn), đối lập giữa các cụm từ ăn cỗ – lội nước trong “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”… Tính chất tiêu cực của nước được biểu hiện rõ khi đi với các định ngữ: đục, lã, nóng, lép… trong “Trâu chậm uống nước đục”, “Đục nước béo cò”, “Chị em dâu như bầu nước lã”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Nước nóng còn có khi nguội”, “nước lép”… Đặc biệt, nước còn đại diện cho hậu quả: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, cho nguy cơ: “Nước đến chân mới nhảy”… <!–[if !supportLists]–>3. Tính chất hai mặt của nước Trong tâm thức người Việt nước có tính hai mặt: mặt tích cực và mặt tiêu cực. Vừa có tính lợi, vừa có tính gây hại. Nước vừa là người bạn nhưng cũng vừa là kẻ thù của con người. Nước là bạn khi nó mang lại cho muôn vật sự sống, mang lại những hữu ích cho con người trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Nhưng nó cũng gây nên những nỗi khiếp sợ cho con người bằng sự tàn phá khủng khiếp. Nạn hồng thuỷ, mùa lũ lụt, bão giông là một ví dụ. Tính hai mặt của nước được thể hiện qua các định tính đối lập: trong – đục, nóng lạnh, nước lã – máu đào… trong “Nước có lúc trong lúc đục, người có lúc nhục lúc vinh”, “Nước nóng còn có khi nguội”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”… Người Việt có hướng phê phán, không đồng tình với mặt tiêu cực của nước trong lời ăn tiếng nói của mình. Có khi chuyển mặt tiêu cực của nước thành mặt tích cực, khai thác mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của nước để phục vụ cho lợi ích của mình. Một ví dụ từ thực tế sinh động, ở Đồng bằng sông Cửu Long, cứ vào khoảng tháng mười âm lịch hằng năm, lũ lại về, nước dâng cao, lúa, hoa màu, nhà cửa ngập chìm trong nước. Bà con không gọi mùa này là “mùa lũ” mà gọi là “mùa nước nổi”. Mùa nước nổi làm hư hại mùa màng, nhà cửa, thậm chí thiệt hại cả về người, nhưng mùa này lại mang đến cho con người một nguồn lợi khác rất đáng kể: mùa đánh bắt tôm cá. Nước đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho con người nơi đây. Nước trở thành nguồn sống rất đáng quý. Người Việt đã mượn hình ảnh nước để gọi tên sự vật, hiện tượng khác: “ngã nước” – một bệnh do tác động của môi trường, “nước da” – chỉ bề mặt, màu sắc, hình thức bên ngoài… Lời ăn tiếng nói liên quan đên nước cho ta hiểu về cách tư duy, lối tri nhận hiện thực của người Việt. Từ những quy luật tự nhiên của nước, người Việt khái quát thành những quy luật của xã hội, của con người: “Có nước, có cá”, “Đục nước béo cò”, “Nước chảy chỗ trũng”, “Nước đổ khó bốc”, “Nước chảy lâu, đâu cũng tới”, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”… Sự gần gũi giữa nước và cuộc sống xã hội đã tạo ra những ẩn dụ độc đáo trong ngôn ngữ Việt. Tài liệu tham khảo: <!–[if !supportLists]–>1. Trần Ngọc Thêm, Văn hóa nước của người Việt – Văn hóa sông nước miền Trung, NXB KHXH – HN 2006. <!–[if !supportLists]–>2. Mã Giang Lân, Tục ngữ, ca dao Việt <!–[if !supportLists]–><!–[endif]–> 3. Nguyễn Văn Nở, Biểu trưng nước trong tục ngữ Việt HỒ XUÂN TUYÊN (Trường Đại học Bạc Liêu)
|
Cập nhật ( 14/12/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com