NƯỚC MẮT VẪN CHƯA ĐƯỢC HIỂU HẾT *BS. Nguyễn Minh Tuấn Thú vật cũng có nước mắt, nhưng khóc dường như là đặc quyền chỉ loài người mới có. Và cả khi bạn không hề khóc, nước mắt vẫn liên tục được tiết ra. Từ nước mắt trẻ thơ đến nước mắt người giàu Có ai sinh ra mà không cất tiếng khóc chào đời? Có đứa bé nào không khóc khi đòi bú mẹ? Khi khóc thấy mắt bé ươn ướt, có khi được vú mẹ rồi vẫn còn thổn thức, khoé mắt ứa ra vài giọt nước trong vắt. Bé nín khóc, mẹ yên lòng. Càng yên lòng hơn vì bé khóc có nước mắt. Bởi trẻ sinh ra mà mắt ráo hoảnh không có nước mắt là chuyện bất thường. Trẻ lớn lên, biết thêm được nhiều điều. Nước mắt lại chảy ra khi bị đòn, té đau, sợ hãi, khi điều đòi hỏi không được thoả mãn, thậm chí có lúc khóc nhè dai dẳng chẳng do cớ sự gì. Người lớn chúng ta cũng khóc. Có cái khóc “vị kỷ” gần với bản năng sinh tồn của cá nhân; cũng có cái khóc “vị tha” hơn cái khóc vì người khác. Vui khóc, buồn khóc; sướng khóc, khổ khóc; biệt ly khóc, hội ngộ khóc; gần chết cũng khóc, thoát chết cũng khóc, người nghèo khổ khóc đã đành, ngay cả… người giàu cũng khóc. Nhưng dù cho nguyên nhân gì và người khóc là ai, thì nước mắt vẫn chảy ra, như một phương thuốc thần diệu làm “vơi đi những nỗi niềm chất chứa trong lòng". Nhưng đâu chỉ dành để khóc Thật vậy, cả lúc bình thường không khóc vẫn có một ít nước mắt được tiết ra để tráng ướt hai tròng mắt của bạn. Nước mắt được tiết ra từ tuyến lệ, mỗi bên mắt có một tuyến, nằm ở phía trên ngoài của tròng mắt. Mỗi tuyến lệ có từ 6 đến 12 ống tuyến nhỏ dẫn nước mắt trên. Khi bạn nháy mắt, mí trên chuyển động lên xuống sẽ tráng đều lượng nước mắt này lên cả bề mặt tròng mắt của bạn. Nước mắt có chứa một ít chất nhầy, muối (tạo nên vị mằn mặn của nước mắt), các khoáng thể và lysozym – một chất có tính sát khuẩn giúp làm sạch mắt nhờ nước mắt mà tròng mắt bạn luôn được giữ ẩm ướt và trơn láng. Sự tiết nước mắt tăng lên khi mắt bị viêm nhiễm; bị kích thích bởi khói, bụi, hơi hoá chất, hoặc côn trùng nhỏ bay vào mắt. Mục đích là nhằm rửa sạch mắt, ngăn bớt các kích thích gây tác hại cho mắt. Dĩ nhiên, nước mắt cũng được tiết nhiều khi khóc, nhưng đó lại là chuyện khác. Nước mắt chảy đi đâu? Bình thường nước mắt sẽ chảy vào… bao tử của bạn. Bạn ngạc nhiên lắm sao? Nhưng sự thật là vậy. Động tác nháy mắt vừa giúp tráng đều nước mắt lên tròng mắt, lại vừa có tác dụng “thu gom” nước mắt vào khoé trong của mắt. Tại đây, nước mắt sẽ được thoát đi qua hai lỗ nhỏ, một lỗ ở đầu bờ mi trên, lỗ kia ở đầu bờ mi dưới. Hai lỗ này dẫn vào hai ống lệ, nước mắt theo đó đi tiếp vào túi lệ nằm ở phía trong mắt, cạnh bên sóng mũi; sau đó từ túi lệ, nước mắt được dẫn thẳng theo ống lệ-mũi xuống ngách mũi dưới của hốc mũi. Đến đây, nước mắt sẽ hoà lẫn với dịch nhầy mũi, đi ra sau, xuống họng và được bạn nuốts vào bao tử. Bình thường là vậy. Chỉ khi khóc, hoặc khi mắt bị kích thích, nước mắt tiết ra nhiều, thoát không kịp ra hai ống lệ, mới chảy thành giọt xuống má. Cũng vì có đường thông giữa mắt và mũi mà khi khóc, nước mắt chảy nhiều xuống mũi làm mũi bạn cũng “sụt sùi” theo; và khi mũi bị viêm (do cúm, sởi chẳng hạn), mắt cũng dễ bị viêm theo. “Chảy nước mắt sống” là sao? Đôi khi không khóc, cũng chẳng do mắt bị kích thích, nhưng nước mắt vẫn tự động trào ra thành giọt mà ta hay gọi là “chảy nước mắt sống”. tình trạng này thường xảy ra ở trẻ nhỏ và người già chỉ ở một bên mắt. Nguyên nhân là do có sự tắc nghẵn ở một chỗ nào đó trên đường dẫn từ mắt xuống mũi, thường gặp là tắc ống lệ-mũi, viêm tuyến lệ, hẹp túi lệ bẩm sinh. Điều này khiến nước mắt không dẫn xuống mũi được nên trào ngoài khoé mắt. Một trường hợp chảy nước mắt sống đặc biệt mà y học gọi là “Hội chứng nước mắt cá sấu” (Crocodile tears syndrome). Ở đây không có ý nói về loại nước mắt giả dối mà vẫn là “nước mắt thật”. Trong trường hợp này, không bị tắt đường dẫn lệ, nhưng có, một sự phân phối bất thường những sợi thần kinh chi phối sự tiết của tuyến nước bọt và những sợi này lại chia nhánh đến chi phối cả sự tiết nước mắt của tuyến lệ. Nhánh đến chi phối cả sự tiết nước mắt của tuyến lệ. Vì vậy, những kích thích vị giác ngay trước khi ăn và trong khi ăn sẽ làm nước bọt và nước mắt tiết ra cùng một lúc. Người bị hội chứng này sẽ “khóc” mỗi khi ăn. Mắt bị khô, khổ thật! Hoạt động của tuyến lệ giảm dần theo tuổi. Mắt của người già trở nên “khô” hơn, nhạy cảm hơn với các kích thích và dễ bị viêm nhiễm hơn. Bạn nên lưu ý điều này khi chăm sóc các cụ. Khô tuyến lệ bẩm sinh là một bệnh di truyền, khi sinh ra trẻ đã không có nước mắt, khiến mắt bị khô, để dẫn đến nhiễm trùng và viêm loét giác mạc (tròng đen) gây mù loà. Đừng nhầm lẫn bệnh này với chứng “khô mắt” do thiếu vitamin A, vì thIếu vitamin A gây tổn thương giác mạc nhưng vẫn còn nước mắt. Trước đây, để chữa những trường hợp mắt khô do thiếu nước mắt, người ta thực hiện một phẩu thuật chỉnh hình đưa tuyến ống nước bọt mang tai lên mắt, dùng nước bọt làm ẩm tròng mắt thay cho nước mắt. Cũng như “hội chứng nước mắt cá sấu” nêu trên người bệnh cũng có thể “khóc” khi ăn, nhưng thay vì “trào lệ” thì lại “nhỏ dãi” ở mắt. Các loại “nước mắt nhân tạo” dùng nhỏ mắt, rửa mắt, giúp rất nhiều cho những đôi mắt bị khô, nhưng vẫn không sao tốt bằng nước mắt tư nhiên. Nước mắt cũng dễ khô trong bệnh bướu cổ lồi mắt (bệnh Basedow hay bướu độc tuyến giáp). Tròng mắt người bệnh bị đẩy lồi ra phía trước, hai mí mắt khép lại không kín cả trong lúc ngủ, khiến tròng mắt bị khô nhanh chóng. Nếu nhẹ, chỉ cần nhỏ dung dịch methylcellulose đều đặn để giữ tròng mắt được ẩm ướt. Nếu lồi mắt nặng, có khi phải khâu kín mí trên và mí dưới (gọi là “khâu co”), tuỳ mức độ có thể khâu kín hẳn hoặc khâu một phần để nước mắt đỡ bị “bốc hơi” và ngăn ngừa khô tròng mắt. Chỉ khi điều trị làm giảm bớt lồi mắt (việc này không dễ) thì mới tháo mối khâu để người bệnh nhìn lại bình thường. Mới hay, không có nước mắt là hệ trọng như thế nào, và “Chữ KHÔ liền với chữ KHỔ một vần” là vậy! Giọt nước mắt – tính người Giọt nước mắt chảy xuống trên gương mặt là một trong những hình ảnh sinh động nhất và chân thực nhất trong việc thể hiện “tính người” ở tất cả chúng ta. Dẫu đôi lúc cũng có những giọt “nước mắt cá sấu” ở ai đó, nhưng hẳn bạn đọc sẽ đồng ý rằng: bạn có thể “giả bộ” cười không mấy khó, nhưng “vờ” khóc cho ra nước mắt thì quả là không dễ. Ngay cả những giọt nước mắt trên sàn diễn hay trên màn bạc cũng phải do khổ công luyện tập và thành tâm nhập vào vai diễn mới có thể đạt được. Có thể gọi nước mắt tiết ra để tráng ướt, sát khuẩn và làm sạch tròng mắt là “nước mắt sinh học”, còn nước mắt chảy ròng ròng khi khác là “nước mắt cảm xúc”. “Nước mắt sinh học” thì ai cũng như ai. Nhưng nước mắt cảm xúc” thì thiên hình vạn trạng, mỗi người một vẻ, không thể nhìn nước để đoán hết tâm trạng người khác được. Nước mắt có khi là giải pháp Cảm xúc con người là những đáp ứng chủ quan khi đứng trước những biến cố, sự kiện xảy ra bên trong cơ thể hay môi trường bên ngoài. Cùng một sự cố gây đau buồn, có người lăn ra khóc bù lu bù loa, có người lại kềm được tiếng nấc, “nuốt nước mắt vào trong”, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của cách nói này. Những khám phá gần đây nhất cho thấy trong nước mắt có chứa enkephalin, những loại “thuốc phiện” do cơ thể tự điều chế. Phải chăng nhờ vậy mà nước mắt có thể xoa dịu được những nỗi đau thể xác và tinh thần? Khóc nhiều có hại gì cho sức khoẻ không? Hiện tượng khóc nhiều đến độ mù loà chỉ thấy trong “chuyện ngày xưa” chứ y học không thấy nói đến. Tầm quan trọng của sự tiết nước mắt do cảm xúc vẫn chưa được hiểu rõ. Người ta thấy khóc có thể giảm bớt những áp lực do stress xảy ra trong đời sống. Nhưng câu hỏi chính xác của giới khoa học vẫn còn ở phía trước |
Cập nhật ( 06/03/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com