NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI * Huỳnh Ngọc Thành (Tản mạn mùa Vu Lan) Một/. Ngày phụ thân tôi khép lại kiếp nhân sinh thăng trầm thì đứa cháu nội đích tôn của ông đang còn ẳm bồng trên tay và chiếc mũ tang trắng đội lên đầu thằng nhóc cứ đưa lên để xuống nhiều lần vì thấy nhột và lạ ở trên vành trán trẻ sơ sinh… Mới đó mà đã tròn ba mươi năm.
Thằng cháu nội đích tôn ngày nào còn ẳm bồng trước linh sàng ông nội, bây giờ đã tam thập nhi lập và được trời đất ban cho một đứa con gái đầu lòng: Yên Nhi! Chỉ kể mấy dòng chữ mà đã thấy một khoảng thời gian kéo dài đến ba thế hệ, từ ông nội, cháu nội đích tôn và chắt nội gái. Tính thêm người viết những dòng này là người trong cuộc thì suy ra đã bốn thế hệ cận kề. Tác giả đã trở thành ông nội. Thằng cháu đích tôn ngày xưa, giờ là chuyên viên ngành viễn thông đang công tác ở nước ngoài theo sự phân công của cơ quan quản lý giao tiếp với xã hội trở thành mối quan hệ đan xen đa chiều, mà đôi khi ngồi suy ngẫm cũng từ cội thành viên trong gia đình tự thân vận động. Tôi luôn đặt tâm thế của mình vào vị trí của con để cảm thông trước những áp lực công việc nhằm tạo dựng sự thưở mình còn trẻ… mà thứ tha những điều chưa ưng ý trong những giao tiếp cha con, tránh tạo thêm những căng thẳng không đáng có về phía con. Cứ tâm niệm rằng, lúc trẻ mình đã từng có những hành xử vô tâm chưa đúng mực với song thân để thấy nhẹ tênh mỗi khi con mình vô tình làm điều gì chưa toại nguyện… Cái gì buông xả được thì cứ làm, điều gì tha thứ được thì cứ cho qua. Vậy là sống an vui trong dòng đời trôi chảy không gánh nặng phiền toái. Tôi nhớ lời dạy của Hòa thượng Thích Trí Quảng, phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội khi tôi có duyên cận kề trong những Phật sự ở miền Trung: “Người nên gặp, điều nên nói và việc nên làm. Cứ giữ được tâm ý này là không chuốc lấy phiền não”. Hai/. Má tôi qua đời sau ba tôi đến 14 năm. Thế hệ các cháu nội ngoại đã trưởng thành và lần lượt vào đời mưa sinh. Nhớ lại ngày má mất nhằm lúc khai hạ mùa an cư theo tinh thần Phật giáo Đại thừa. Vậy là đúng ba mươi tuổi, tôi đã mồ côi cha và đến năm bốn mươi bốn tuổi thì hoàn toàn vắng bóng song thân. Có một thời gian dài, tôi thấy mình quạnh hiu trống vắng khi dòng tâm tưởng quay về hoài niệm thời đi học và sống trong vòng tay dưỡng nuôi thành người… Nói theo thuật ngữ Phật học thì thức thứ tám – hay còn gọi là A lại da thức – đã hiện về trong tâm cảm dù thời gian và không gian có đổi thay. Và mỗi mùa Vu Lan, tôi viết một bài tùy bút riêng cho má. Để rồi đúng mười năm vắng vắng bóng mẫu thân, tôi xin phép xuất bản tập tùy bút dâng người, có tựa đề Nhớ Mẹ ta Xưa (NXB. Giao thông Vận tải 2008) để làm quà tặng nhân mùa Vu Lan hiếu hạnh. Trong vòng mười năm không có má bên đời, tôi đã viết được bốn bài văn xuôi và một bài thơ 8 chữ 4 khổ. Tất cả đều được lần lượt đăng tải trên tuần báo Giác Ngộ và tập Vô Ưu, trong đó bài thơ Những ngày bên mẹ đã được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc từ năm 2006. Và cứ đến mỗi mùa Vu Lan, tôi tiếp tục tái bản tùy bút để làm quà tặng cho tăng Ni Phật tử gần xa, như nén hương lòng để tưởng nhớ má và hồi hướng công đức cho song, thân được siêu sanh tịnh cảnh, âm siêu dương thới… Với riêng ba tôi. Cuộc đời ông quá nhiều ghềnh thác. Đã từng là cựu tù chính trị Côn Đảo thời chống Pháp và cơ sở hợp pháp hoạt động nội thành thời chống Mỹ, nhưng đến giờ phút lâm chung vẫn tỉnh táo dặn dò: “Nhớ mời Thầy tụng kinh và cúng chay cho Ba là được rồi”. Tôi cố gắng viết một truyện ký với tựa đề Cha tôi và in trong tập sách Chỉ còn lại nỗi nhớ (NXB. Giao thông Vận tải 2010) để thế hệ con cháu tự hào về ông đã có một đời sống đẹp… Phần tôi. Bây giờ đã qua ngưỡng cửa lửa lục thập hoa giáp, danh lợi chẳng màng nên tĩnh nhớ lại chuyện xa gần để chiêm nghiệm kinh văn của chư Tổ thiền gia: “Cứ nhìn vào cuộc sống hiện tiền để biết quá khứ của mình. Muốn biết tương lai ra sao hãy nhìn vào cuộc sống hiện tại. Đó là định luật nhân quả!”. Ba/. Gia đình đoàn tụ êm ấm rồi cũng đến ngày con cái trưởng thành có mái ấm riêng. Bỗng dưng đến lúc tôi trở thành người “sớm mai thức giấc nhìn quanh một mình”. Bạn bè có lúc hỏi tôi nhớ gì hơn. Tôi nói đùa, nhớ con đường xưa em đi… Bà nghỉ hưu vào trông cháu giúp con đang mưu sinh ở phương xa. Thằng cháu ngoại Nguyên Vũ ngày mỗi cứng cáp và hiếu động không ngừng. Bà điện thoại than phiền mệt quá. Tôi bảo cháu có lớn khỏe mới như vậy, chứ thụ động chân tay lạii đâm lo lắng. Bà như ngộ ra nhưng vẫn nhắn thêm, hết cực vì con bây giờ nhà mình là duyên lành tiền kiếp nên vui khỏe với cháu, nước mắt chảy xuôi mà! Tôi còn nhắc lại lời người xưa đã dạy để thấy thêm ân oán không sai bao giờ: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh/ Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Nhà tích thiện nhất định phải có nhiều niềm vui/ Nhà tích chuyện không thiện, nhất định phải có nhiều ương họa). Vậy là bà cháu hoan hỷ quấn quít bên nhau ngày qua tháng tới, Xuân đến đông đi… Thỉnh thoảng, con gái gửi lời nhắn nhủ nhắn dễ thương mà đọc muốn rưng rưng: “Con chưa báo hiếu mà ba mẹ suốt đời vất vả. Giữ sức khỏe để sống vui với con cháu nghen ba…”. Còn ở tôi quê nhà. Đêm nằm một mình gát tay lên trán nhớ lại những buồn vui mà thấy thương yêu cả nhà và tự dặn lòng sống tốt hơn nữa thân – tâm an – miệng mỉm cười. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com