“Nước đủ nóng thì trà tự thơm, người kiên nhẫn thì tự nhiên sẽ thành công”

Một chàng trai bất mãn với cuộc đời, lặn lội xa xôi tới chùa Phổ Tề, tìm gặp sư Thích Viên để thỉnh giáo: “Cuộc đời con chẳng bao giờ như ý, sống cũng chỉ qua ngày đoạn tháng, còn có ý nghĩa gì đâu?”.
Sư Thích Viên lắng nghe chàng trai trẻ than thở, chẳng nói gì, chỉ dặn dò chú tiểu: “Thí chủ này đường xa tới đây, con hãy đun một chút nước ấm đem tới đây”.
Lát sau chú tiểu mang nước tới, sư Thích Viên túm một nắm lá trà bỏ vào tách, sau đó rót nước ấm pha trà, đặt xuống trước mặt chàng trai, cười bảo: “Thí chủ, mời uống trà!”.
Chàng trai cúi đầu nhìn vào tách, nhìn thấy mấy lá trà nổi bồng bềnh trên mặt nước. Chàng trai không hiểu hỏi sư Thích Viên: “Quý tự tại sao lại pha trà bằng nước ấm ạ?”

Thích Viên cười không nói, chỉ ra hiệu chàng trai uống trà.
Chàng trai đành bưng tách trà lên, hớp nhẹ hai ngụm. Sư Thích Viên nói: “Xin hỏi thí chủ trà này có thơm không?”.
Chàng trai liền đáp: “Đây là trà gì thế? Chẳng thơm chút nào”.
Thích Viên cười đáp: “Đây là trà Tây Hồ Long Tĩnh nổi tiếng ở Hàng Châu, sao không thơm được?”.
Chàng trai nghe nói trà Long Tĩnh thượng hạng vội bưng tách trà lên hớp hai ngụm, nhâm nhi, rồi bỏ tách trà xuống nói: “Thật sự chẳng thơm chút nào”.
Sư Thích Viên mỉm cười, dặn dò chú tiểu bên ngoài cửa: “Đun một ấm nước sôi đem tới đây”.
Một lát sau, chú tiểu mang đến một ấm nước sôi. Thích Viên đứng dậy pha một tách trà, chàng trai cúi người quan sát, thấy lá trà chìm nổi trong nước, một làn khói bốc lên thơm ngạt ngào.
Ngửi trà thơm trong xanh, chàng trai không nén nổi bưng tách trà lên, sư Thích Viên liền mỉm cười đáp: “Thí chủ chờ một lát”. Vừa nói sư vừa cầm ấm rót thêm nước nóng vào tách. Chàng trai ngửi thấy mùi hương ngào ngạt lan tỏa khắp thiền phòng.

Sư Thích Viên cười nói: “Thí chủ có biết tại sao cùng một loại trà Tây Hồ Long Tĩnh mà vị lại khác nhau không?”.
Chàng trai suy nghĩ, nói: “Một tách trà pha bằng nước ấm, một tách trà pha bằng nước sôi, sử dụng nước khác nhau ạ”.
Thích Viên cười nói: “Sử dụng nước khác nhau thì lá trà trong nước cũng chìm nổi khác nhau. Pha bằng nước ấm thì lá trà nổi trên mặt nước, không hòa quyện vào nước thì làm sao tỏa hương thơm. Còn pha bằng nước sôi, lá trà chìm nổi hết lần này đến lần khác, hòa quyện vào nước mà tỏa ra ý vị của cả bốn mùa: sự thanh tịnh của mùa xuân, cái nóng bức của mùa hè, cái mát mẻ của mùa thu, cái lạnh giá của mùa đông. Cuộc đời chúng sinh cũng giống với đạo lý pha trà. Những người không trải qua sóng gió, như lá trà pha bằng nước ấm, nổi bồng bềnh không thể tỏa hương thơm. Còn những người nếm trải đủ sóng gió, họ giống như lá trà được pha bằng nước sôi, chìm nổi trong nước, tỏa ra mùi hương ngạt ngào. Con người muốn thoát khỏi buồn chán thì không được nóng nảy, hãy kiên nhẫn chờ đợi”.

Chàng trai hiểu ra, về nhà kiên nhẫn chịu khó tu chí học hành.
(Trích trong “Tu tâm sáng suốt để giữ mình, tĩnh tâm để nghĩ xa”, Mộc Mộc, người dịch Thành Khang – Anh Nhi, Nxb. Hồng Đức, Tr.26-28)