NỖI NHỚ BẠC LIÊU * Trần Xuân Linh Những ngày bắt tay thực hiện tờ báo xuân đầu tiên khi tỉnh Bạc Liêu tái lập, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã gặp anh nhạc sĩ Thanh Sơn. Mười sáu năm rồi, khi ngồi viết lại những dòng này nhân lúc ngồi sắp xếp lại mớ giấy tờ trong ngăn tủ sau gần một năm làm việc, chợt gặp lại ca khúc “hoài cổ” của Thanh Sơn với chữ ký của anh để tặng tôi trên góc tờ photocoppy đã nhạt qua năm tháng. Chí ít cũng đã trên năm năm rồi. Nhớ hình ảnh buổi trưa hôm đó, anh ngồi dưới tán lá trước cơ quan tôi, say sưa hát và thỉnh thoảng dừng lại để kể, đã thương… Đọc những dòng cuối của ca khúc, nhớ anh, nhớ câu chuyện bắt đầu từ anh với quê hương Bạc Liêu. “Cho nhắn gởi Bạc Liêu mấy lời, sông có cạn tình không đổi đời, dù đi xa trăm hướng, ai người thấu nỗi hoài hương, Bạc Liêu thương quá, hình bóng quê nhà”. Mười bảy năm trước, trước ngày tỉnh Bạc Liêu công bố tái lập – năm một ngàn chín trăm chín mươi bảy – tôi được cơ quan phân công lên Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ cho việc thực hiện vài số báo đầu tiên để kịp ra mắt ngay ngày đầu công bố tái lập tỉnh Bạc Liêu. Thời gian này, tôi có dịp đến thăm nhiều anh em ở Thành phố Hồ Chí Minh cộng tác với Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông. Trong số những người tôi quen biết, Thanh Sơn là người hỏi thăm tôi nhiều nhất về việc tỉnh Bạc Liêu sắp tái lập. Ban đầu, tôi nghĩ chuyện hiểu biết, nhớ nhiều kỷ niệm về Bạc Liêu của anh, như với hầu hết các anh em viết lách, chuyện đi khắp chốn cùng nơi trong đời và có nhiều kỷ niệm với vùng đất mình qua không phải là điều lạ. Sau này, anh mới nói, Bạc Liêu là quê nội của anh chưa có dịp trở về. Anh hỏi tôi những địa danh, từng ngã ba, ngã tư và những con đường xưa cũ. Những ngôi nhà cổ kính, trầm mặc anh đã từng đi ngang qua, ngẩn ngơ nhìn vẻ bề thế anh còn nhớ từ thưở còn cắp sách. Đôi khi sau này gặp nhau, anh lại hỏi thêm những nơi khác mà anh bất chợt nhớ lại. Anh hỏi thăm nhà Mát và con đường ra biển. Anh hỏi vườn nhãn bây giờ ra sao, hỏi chợ Bạc Liêu nằm cạnh bờ sông, hỏi về cây cầu Quay Bạc Liêu. Những điều anh hỏi, anh điều bảo tôi tả lại một cách tỉ mỉ, rồi thi thoảng anh lại thêm vào câu chuyện nhiều chi tiết lý thú, gắn với kỷ niệm cuộc đời anh. Rằng hồi trước, chỗ này, con đường đó, ngã tư kia còn những hình ảnh đọng lại trong ký ức anh đến bây giờ. Anh nhớ Bạc Liêu qua ký ức và nhiều kỷ niệm thưở thiếu thời. Tôi đến Bạc Liêu là người tìm về quê mới, sau anh. Những điều tôi tả lại qua ký ức của anh, đã khác xa xưa. Anh kể cho tôi nghe lai lịch, hình ảnh của những cảnh quan mà anh còn nhớ. Qua lời anh, tôi cảm thấy chạnh lòng. Anh nhớ rất kỷ, rất rõ từ tấm lòng yêu quý quê hương mình dù đã vài chục năm rồi anh chưa trở lại. Trong câu chuyện, anh nhắc đến một quán nhỏ ở một góc con đường nhỏ. Đó là quán cà phê của người Hoa. Đi theo con đường nhỏ cặp bên phải cầu Quay, tới ngã ba có đường đi về chợ nhà lồng. Con đường ấy nằm dưới và thẳng góc với cây cầu mà theo anh nói, ngày xưa nó quay thật sự theo đúng nghĩa đen mỗi khi có tàu lớn qua lại, Có lẽ vì vậy mà người ta gọi nó là cầu Quay. Anh nhớ một cái quán cà phê đã mấy mươi năm đó với một món ăn, tôi nhủ thầm, cũng bình thường như nhiều món ăn khác và ở bất cứ xứ nào cũng đều có thể có nhưng không hiểu sao anh nhớ mãi đến bây giờ. Đó là món mì khô thịt heo quay của người Hoa bán mì có chiếc xe đậu trước hàng ba quán cà phê không tên đó. Lời anh kể khiến tôi thoáng chút ngỡ ngàng và thầm thắc mắc nhưng không tiện nói ra. Anh nói, thi thoảng nhớ Bạc Liêu lại nhớ và thèm tô mì khô thịt heo quay đó. Anh hỏi tôi có biết và đã thưởng thức món mì khô thịt heo quay nổi tiếng ở đó lần nào chưa. Một người xa quê hương chỉ qua một tô mì bình thường như vậy? Hay là phong vị của món ăn nào đó làm người ta nhớ đến quê hương trong suốt cuộc đời mình? Tôi nói biết cái quán đó, nhưng vì đường đi xuống chợ đông người, cũng không thuận đường nên tôi chưa ghé quán đó lần nào. Tôi hỏi, món mì khô thịt heo quay đó có đặc điểm gì mà ấn tượng với anh như vậy, thì anh kể lại. Nó ngon chắc bởi mình cảm nhận nó ngon chớ nhìn cũng không khác mấy với các loại mì khô khác. Cũng gồm thịt lát, thịt bằm, gan, cật, phèo, tép chiên. Có khác hơn là một miếng thịt heo quay chặt đều để trên mặt, chiếm một mảng lớn trên mặt tô. Nhắc để nhớ chớ thật ra, tôi và anh đều nghĩ rằng, qua mấy mươi năm, nếu người Hoa có xe mì bán món mì khô thịt heo quay mà anh còn nhớ trước quán cà phê nhỏ nơi góc chỉ hồi nào thì có chăng, bây giờ cũng là ai đó đã bán chớ người bán mì ngày xưa, chắc đã không còn. Tôi và anh đều bất ngờ với chi tiết nhỏ này và đều đỗ lỗi cho thời gian đã đi qua nhanh quá. Nhân dịp này, tôi giới thiệu với anh một quán nổi danh không kém cũng với món mì khô thịt heo quay mà qua lời kể của anh thì tôi biết, tô mì khô thịt heo quay nơi tôi giới thiệu đầy đặn, phong phú và hấp dẫn hơn nhiều. Tiện thể, tôi giới thiệu với anh món bún bò cay không những nổi tiếng mà cũng rất riêng ở Bạc Liêu mình. Lạ đã đành, bởi anh chưa từng nghe nói dến, nhưng cái hấp dẫn của món bún bò cay ra làm sao thì không cách nào làm cho anh cảm nhận như mình nghĩ được. Hứa là vậy nhưng hơn năm năm sau anh mới có dịp quay về Bạc Liêu. Anh về tặng tôi ca khúc Hoài cổ mà anh mới viết về Bạc Liêu như lòng anh hằng mong mỏi. Anh không quên lời tôi hứa mời anh thưởng thức món bún bò cay “độc nhất vô nhị” này. Nhưng tôi đã nợ lại anh lời hứa đó, bởi anh không thể ở lại Bạc Liêu thêm một đêm, trong khi món bún bò cay như tôi giới thiệu chỉ bán vài tiếng đồng hồ vào buổi sáng. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com