Những thành tựu của văn học Phật giáo* Lý Kiến Hân – * Tuệ Liên dịchVăn học Phật giáo là chỉ những tác phẩm vừa thể hiện giáo nghĩa, giáo lý của Phật giáo tức là tinh thần giải thoát của Phật giáo và đồng thời có tính chất thẩm mỹ của văn học. Văn học Phật giáo có 2 nghĩa là nghĩa hẹp và nghĩa rộng : nghĩa hẹp là chỉ những tác phẩm có giá trị văn học được sáng tác với mục đích hoằng dương Phật giáo hoặc để làm rõ ý nghĩa tư tưởng của Phật giáo, như kinh điển, thuyết thoại, tán tụng, pháp ngữ Phật giáo… là những tác phẩm có tính chất văn học Phật giáo; nghĩa rộng là chỉ những tác phẩm có giá trị văn học như hý khúc, luận văn, thi ca, ca dao do nhân sĩ Phật giáo sáng tác và những tác phẩm do những người không phải giới Phật giáo sáng tác, mà những người này do chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ sâu sắc tư tưởng của Phật giáo, lấy tư tưởng Phật giáo làm cơ sở lý luận trong sáng tác.
Các kinh điển thời kỳ đầu của Phật giáo, như “Kinh Pháp cú” ngắn gọn cô đọng, “Kinh Bách dụ” và “Bổn Sanh truyện” như là những truyện cổ tích, “Kinh Duy Ma”, “Kinh Pháp hoa”, “Kinh Hoa Nghiêm” với kết cấu tư tưởng hùng vĩ tuyệt đẹp, đều là những kinh điển giàu màu sắc văn học, thuộc về văn học Phật giáo với nghĩa hẹp. Nội dung “Kinh pháp cú” được diễn tả bằng những câu kệ. Kệ là những câu thơ mà Đức Phật khi thuyết xong 1 đoạn văn trường hàng, dùng kệ để kết luận đoạn văn vừa thuyết, khái quát tư tưởng quan trọng của đoạn văn này. Các câu kệ thường cô đọng ngắn gọn được chắt lọc từ trong đoạn vừa thuyết xong, ý từ sâu sắc, câu văn tinh mỹ. Thi từ của Phật giáo gọi là kệ, 4 chữ, 5 chữ hoặc 7 chữ là một câu, thường 4 câu là một bài kệ. “Kinh Bổn sanh” là bộ kinh biên tập các câu chuyện bổn sanh của Đức Phật, gồm 547 câu chuyện, gồm nhiều nội dung, có các câu chuyện về ngụ ngôn, truyện nhi đồng, châm ngôn, truyện lạ v.v… Trong đó phần lớn phát xuất từ dân gian. Bộ kinh này nói về các câu chuyện tiền thân của Đức Phật. Sau khi Đức Phật diệt độ, kinh này được kiết tập tại thành Hoa Thị, dùng tiếng Pali biên tập. Sau đó lưu truyền rất rộng, diễn biến thành rất nhiều tập. Trong đó, “Kinh Bổn sanh” bằng tiếng Pali hoàn toàn đầy đủ nhất, là bộ kinh điển quan trọng của Phật giáo Nam truyền. Phật giáo Bắc truyền đối với “Kinh Bổn sanh” cũng rất tôn sùng. Các kinh điển được viết bằng tiếng Phạn xứng danh là những tác phẩm hay, có những tác phẩm như “Phật sở hành tán” do Ngài Mã Minh sáng tác vào thế kỷ thứ 2 miêu tả cuộc đời Đức Phật Thích Ca, là tiên phong trong nền văn học cổ điển Ấn Độ; với chủ đề Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên biên thành vở tuồng “Xá Lợi Phất chi sở thuyết”; lấy cuộc đời của Nan Đà, em cùng cha khác mẹ với Đức Phật, làm đề tài sáng tác bài thơ “Tôn Đà Lợi Nan Đà thi” có giá trị văn học rất lớn. Ngoài ra, thế kỷ thứ 7 còn có vở kịch “Long vương chi hỷ” của Giới Nhật Vương. Tác phẩm Pali có “Kinh Pháp cú chú” và “Bổn sanh kinh”… của Đại học tăng Phật Âm vào thế kỷ thứ 5. Ngoài ra như kệ tụng, tán, văn xuôi, chuyện kể, tục giảng, biến văn, ngữ lục, truyện ký, du ký, văn tập… trong điển tịch Phật giáo đều là những tác phẩm văn học Phật giáo ưu mỹ. Rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng ở Trung Quốc, Nhật Bổn, Tích Lan?đều là do chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo, hấp thu hình thức nghệ thuật văn học của nước nhà, dần dần hình thành các tác phẩm có phong cách độc đáo, đem lại ý cảnh mới, văn thể mới, cách dùng từ và chủ đề mới. Sự nghiệp phiên dịch kinh điển Phật giáo tại Trung Quốc kéo dài gần ngàn năm, khởi đầu từ đời Hậu Hán, thạnh hành vào đời Đường, văn học phiên dịch kinh điển Phật giáo ảnh hưởng sâu xa đối với văn học cổ đại Trung Quốc. “Kinh Duy Ma Cật Sở thuyết kinh” do đại sư Cưu Ma La Thập đời hậu Tần phiên dịch, văn chương xuất chúng, giàu tánh cổ tích, từ trước đến nay được nhiều văn nhân học sĩ xem trọng. “Bách cú ví dụ kinh” do Cầu Na Tỳ Địa đời Tề thời đại Nam Bắc triều dịch, gồm có 100 (thực tế là 98) câu chuyện ngụ ngôn, trong đó rất nhiều câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc thâm trầm, được nhiều người ưa thích. “Phật sở hành tán” do Ngài Mã Minh, một thi nhân Phật giáo nổi tiếng, sáng tác, được Đàm Vô Sấm đời Bắc Lương dịch. Hán dịch dùng thể thơ ngũ ngôn không gieo vần, đã biểu đạt được nguyên ý của tác phẩm, lại chú ý đến đặc điểm của Hán thi, đối với sáng tác thơ ca của Trung Quốc nhất là thơ tự sự trường thiên phát sanh ảnh hưởng rất lớn. “Kinh Pháp cú” do Duy Kỳ Nan đời Ngô Tam quốc phiên dịch thành Hán ngữ, không trau chuốt màu mè mà thành ra phong cách văn học giản dị dễ hiểu. “Tu hành đạo địa kinh” do Trúc Pháp Hộ dịch, lời văn bình dị rõ ràng, rất có giá trị phong thái văn học. Thế kỷ thứ 5, một nhà dịch giả nổi tiếng Thích Bảo Vân dịch “Phật bổn hành kinh”, thay đổi phong cách thơ văn hỗn hợp của nguyên văn, chỉ dùng thơ 5 chữ, hoặc 7 chữ hoặc 4 chữ phiên dịch, lần đầu tiên khai mở thể thơ không vần trên văn đàn thời đại Lục triều. Văn học phiên dịch kinh Phật khai sáng văn phong thanh nhã và giản dị rõ ràng của văn vần và văn xuôi kết hợp. Theo sự phát triển của văn học phiên dịch, cách phiên âm của tiếng Phạn truyền vào Trung Quốc, đến đời Đường diễn biến thành 36 chữ cái của Trung Quốc. Đời Lương Nam triều, học giả Thẩm Ước căn cứ Phạn âm sáng tạo 4 thanh, đề xướng thanh vận học, Luật thơ bắt đầu yêu cầu phép đối trượng tinh xảo. Sự truyền bá tư tưởng Phật giáo càng thâm nhập, tư tưởng Bát nhã và Thiền tông ảnh hưởng sau sắc đến sáng tác của các nhà thơ. Thi tăng trong Phật giáo cũng xuất hiện ngày càng đông, như Pháp Chu đời Tuỳ ; Huệ Tịnh, Kiểu Nhiên đời Đường ; Tề Kỷ, Quán Hưu và Hy Giác đời Ngũ đại ; Tư Duyệt đời Bắc Tống ; Đàm Ngạc và Đại Khuê đời Nguyên ; Đức Ngôn đời Minh ; Trí Phác, Thánh Thông, Chiếu Huân, Độc Triệt đời Thanh, đều nổi tiếng về văn bút của mình. Các sáng tác thi ca Phật giáo không thuộc tu sĩ Phật giáo cũng không thiếu gì, như Đào Uyên Minh, Vương Duy, Bạch Cư Dị, Vương An Thạch, Tô Thức là các danh nhân nổi tiếng một thời. Theo sự phiên dịch kinh điển càng ngày càng nhiều, tín đồ càng ngày càng đông, Tăng lữ Phật giáo bắt đầu phổ cập văn học bình dân, từ đó phát sanh nền văn học biến văn. Biến văn là thay đổi nguyên văn kinh Phật mà thành văn thông tục. Đặc điểm chủ yếu của biến văn là thông tục dễ hiểu, kết hợp văn xuôi và văn vần, có sức thu hút người nghe. Đầu tiên dùng văn xuôi hoặc biền văn nói một đoạn câu chuyện, sau đó thêm vào các câu xướng 3 chữ hoặc 7 chữ, có lúc cũng dùng 5 chữ hoặc 6 chữ. Nội dung biến văn chủ yếu là tuyên truyền giáo lý Phật giáo, “Duy Ma Cật Kinh biến văn” là một tác phẩm dài nhất, phong phú nhất trong biến văn. Các tác phẩm biến văn nổi tiếng khác như “Đại Mục Kiền Liên biến văn”, “Địa ngục biến văn”, “Phụ mẫu ân trọng kinh biến văn”, “Bát tướng thành đạo” v.v… “Tục giảng” trong thời Đường, cũng là do giáo lý Đạo Phật thâm sâu vi diệu, quần chúng bình dân khó mà tiếp thu, vì thế mới thêm vào các mẫu chuyện, các hình vẽ, dùng văn vần trong những lúc thích hợp, biểu hiện bằng hình thức ca hát. “Tục giảng” ở đời Đường lại ảnh hưởng đến “Thuyết thoại” của người đời Đường, do “Thuyết thoại ” của người đời Đường mà phát triển đến gia giáo “Thuyết thoại” của Ngoã tứ đời Tống, trong đó có giảng sách sử, tiểu thuyết, nói kinh. Biến văn đang tiếp tục phát triển; cung điệu, hý văn, tạp kịch phát sanh giữa thời Tống và Nguyên đều là sự phát triển hình thành của biến văn. Cho đến các tác phẩm văn học thông tục dân gian như bảo quyển, đàn từ, đại cổ từ, lại là sự kế thừa trực tiếp của biến văn. Tiểu thuyết bất luận từ hình thức đến nội dung đều nhận sự ảnh hưởng của tục giảng, biến văn. Trong điển tịch Phật giáo có một số tác phẩm bản thân có phong cách tiểu thuyết, như miêu tả thiên nữ tán hoa, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thăm bệnh cư sĩ Duy Ma trong “Kinh Duy Ma Cật”, là tác phẩm nửa tiểu thuyết nửa hí kịch, sức tưởng tượng phong phú, tình tiết mạnh mẽ, hình tượng nhân vật phong phú. Văn học Phật giáo cống hiến cho với sự thành tựu của văn học Phật giáo Trung Quốc thật khó có thể kể cho hết được. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com