NHỮNG NGÔI CHÙA BẮC TÔNG XƯA NHẤT Ở NAM BỘ * Phan Đình Dũng Đại học Văn Hóa Thành phố Hồ Chí Minh Vào thế kỷ thứ XVII, đất Biên Hòa – Đồng Nai còn hoang vu. Sử sách đề cập nơi đây cảnh núi bạt ngàn, sông rạch chằng chịt, muôn ngàn thú hoang. Ven sông Đồng Nai (tên gọi xưa là Phước Long Giang) có những tộc người Chơ ro, Mạ, Xtiêng sinh sống. Vùng đất rộng, người thưa này trở thành mục tiêu cho những cuộc di dân từ nhiều nơi. Người Việt ở miền Ngũ Quảng và một số người Hoa đã tìm đến nơi này khẩn khoang sinh sống. Cho đến nay, dù chưa biết đích xác những lưu dân Việt đặt chân lên xứ Đồng Nai vào thời điểm nào, nhưng chắc chắn, họ đã có mặt trước năm 1623, khi chúa Nguyễn thiết lập đồn thu thuế tại Preikor (địa điểm được xác định thuộc nội ô thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Sự có mặt của nhóm cộng đồng người Hoa được sử sách chép với mốc thời gian định vị rõ ràng. Sách Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết: “Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1679), quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ ở Long Môn thuộc Quảng Đông nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tấn, quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, phó tướng Trần An Bình dẫn quân và gia nhân hơn 3.000 người với chiến thuyền hơn 50 chiếc xin được vào Kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẵng (…)họ không thể thần phục nhà Minh nên chạy sang nước Nam nguyện được làm dân mọn (…) Triều đình mới tổ chức khao đãi ân cần, chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh cho tới Nông Nại (Đồng Nai) làm ăn, gắng sức khai phá đất đai (…). Bọn tướng Long Môn họ Dươngđem binh thuyền tiến nhanh vào cửa Xoài Rạp và cửa Đại, cửa Tiểu dừng trú tại xứ Mỹ Tho. Bọn tướng các xứ Cao, Lôi, Liêm họ Trần thì đem binh thuyền vào cửa Cần Giờ Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ rồi đồn trú tại xứ Bàn Lân thuộc Đồng Nai” (1). Vùng đất Đồng Nai vốn “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” đón thêm những lớp di dân Việt đến tạo lập cuộc sống mới. Từng hồi, người dân mở làng trước rồi hệ thống nhà nước thiết lập quản lý sau, đất Biên Hòa – Đồng Nai trở nên vùng đất mới đầy sức sống. Trong quá trình di dân đến xứ Biên Hòa – Đồng Nai, có những nhà sư và họ đặt cơ sở cho việc xây dựng những ngôi chùa, đáp ứng nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, đối với những người dân “xa quê cũ” đến tụ nghiệp “vùng đất mới”. Tương truyền, lúc mới khởi dựng, hầu hết những ngôi chùa ở Biên Hòa – Đồng Nai được làm bằng cột gỗ, vách ván, mái lợp lá dừa nước, nền đất. Đây là những nguyên vật liệu sẳn có của vùng đất này; đồng thời thuận lợi cho người dân trong điều kiện sinh sống trên vùng đất mới còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, trên địa bàn Biên Hòa có rất nhiều chùa. Một số chùa được nhắc đến trong sử sách của Quốc sử quán triều Nguyễn. Chắc chắn, những ngôi chùa được nhắc đến đó có lịch sử tạo dựng khá sớm. Có ba ngôi chùa được xem là cổ nhất Biên Hòa và đã được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia: Chùa Long Thiền, chùa Đại Giác và chùa Bửu Phong.
+ Chùa Long Thiền Chùa Long Thiền nằm bên hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa ( trước kia thuộc thôn Bình Long, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên ). Theo tài liệu lưu tại Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai, chùa Long Thiền được xây dựng vào năm 1664 do tổ sư Thành Nhạc, người miền Trung vào khai sáng. Địa điểm chùa tọa lạc được xem nằm trên cung long mạch giữa thân rồng . Trước chùa có sông Đồng Nai, sau lưng chùa có núi Châu Thới. Núi Châu Thới dựng lên như cánh đuôi rồng, núi Long Ẩn biểu trưng miệng rồng ngậm trái châu là núi Bửu Phong. Cho đến nay, chùa Long Thiền trải qua nhiều đợt sữa chữa; trong đó có ba lần trùng tu với quy mô lớn. Lần thứ nhất vào năm 1748, đời tổ Phật Chiếu dòng Lâm tế thứ 35 xây dựng thêm chánh điện bằng gỗ ba gian, hai chái, có thêm nhà Tổ làm bằng vách ván. Gần một thế kỷ sau, vào năm 1842, đời tổ Tiên Đức dòng Lâm Tế thứ 37 trùng tu chùa lần thứ hai. Lần này, Tổ đường được tu bổ lại, cất thêm khách đường và nhà trù (nhà bếp), tường ,nền làm bằng gạch, mái lợp ngói âm dương. Hơn một trăm năm sau, chùa được trùng tu lần thứ ba do hòa thượng Thích Huệ Thành dòng Lâm tế thứ 40 chủ trì. Nguyên do trùng tu lần này là chùa bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận bão lụt lớn gây hậu quả nặng nề vào năm 1952 (Nhâm Thìn) . Năm ấy, hơn một tuần lễ, Biên Hòa chìm trong biển nước mênh mông, chùa Long Thiền chỉ còn cái nóc nhô trên mặt nước và có nguy cơ sụp đổ. Lần trùng tu này đem lại cho ngôi chùa diện mạo mới. Giảng đường, khách đường, tăng đường được xây, mở rộng thêm. Mái lợp ngói tây, riêng nhà trù lợp tôn xi măng. Tường được xây dựng lại hoàn toàn bằng gạch thẻ với chất liệu mới vững chắc. Nền lót gạch tàu và gạch bông, giảng đường có thêm gác lửng. Chánh điện được tôn cao, hành lang, sảnh mở rộng thêm ra hai bên. Chùa được xây theo lối kiến trúc hình chữ tam (三). Mặt chính chùa hướng ra sông theo hướng Đông Bắc. Khoảng sân rộng của chùa có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát. Những nét chạm trỗ công phu của tiền đình khi có ánh nắng của buổi áng xuyên qua tán lá trông lung linh, tuyệt đẹp. Dưới gốc cổ thụ có tượng Phật Di Lặc tọa thiền. Bên tả là nhà tăng, bên hữu là hòn giả sơn phổ đá, tượng Phật Quan Âm đứng uy nghi với nét mặt nhân từ, khoan dung, chan chứa và từ bi. Khuôn viên chùa là khu vườn rộng, còn lưu lại những bảo tháp cổ trong đó có bảo tháp của tổ sư Thành Nhạc khai sáng với tấm bia bằng đá xanh chạm trỗ tinh vi. Ngoài ra, còn có hai ngôi mộ cổ –“ mộ Song hồn “ – của vị đại thần và phu nhân có công với việc khai hoang lập ấp, xây dựng Long Thiền tự. Từ ngoài nhìn vào, ta thấy sự uy nghi, bề thế của ngôi chùa. Chánh điện, nhà thờ Tổ, giảng đường, tăng đường, nhà trù tiếp nối nhau. Tuỳ theo chức năng của từng nơi trong chùa mà cách bài trí từng mảng hài hòa nhau. Phần chánh điện uy nghiêm tôn kính. Bệ thờ chính thờ Phật Di Đà, Thích Ca, Ngọc Hoàng, Tam Thế Phật, Đức Địa Tạng, Ông Tiêu… và các vị Bồ Tát. Đối xứng hai bên thờ Già Lam, Linh Sơn cùng Thập điện Diêm Vương. Dối diện bàn thờ chính là bàn thờ bằng xi măng hai mặt thờ Tiên Diệu Đại Sĩ, Tam châu Hộ pháp cùng đức Thiên Thủ, Thiên Nhãn. Những hàng cột chính trong chánh điện chạm khắc tinh tế đề tài hoa điểu, bát tiên, lý ngư hóa long, nhựt nguyệt, tứ linh được sử dụng trang trí một cách tinh tế trong chánh điện tăng thêm nét cổ kính cho ngôi chùa. Trên khắp xà ngang treo hoành phi khắc chữ Hán sơn son thếp vàng sắc sảo với nội dung về chánh pháp, khuyên nhủ con người với lòng từ bi bác ái. Hiện nay chùa Long Thiền là trụ sở của Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Hàng năm, vào các dịp lễ lớn: Phật Đản, ngày vía, ngày giỗ tổ (18 /12 âm lịch) … rất đông thiện tâm tín hữu, tăng ni Phật tử đến cúng. Với một lịch sử ra đời khá lâu- 1664 – Long Thiền tự được xem như là cái nôi của trung tâm truyền bá Phật giáo vào vùng đất Nam Bộ. Không những thế, nơi đây còn minh chứng cho sự hiện diện của người Việt ở đất Đồng Nai từ giữa thế kỷ XVII, họ khai hoang lập ấp ở xứ Đồng Nai trước khi nhóm khai khẩn Trần Thượng Xuyên đến (1679) đặt cơ sở nền tảng cho thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phía Nam (1698) thiết lập bộ máy hành chánh trên vùng đất Đồng Nai. Là một kiến trúc tôn giáo, là một cái nôi của trung tâm Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa Long Thiền có một vị trí trong lịch sử của vùng đất Đồng Nai. + Chùa Đại Giác Chùa Đại Giác tọa lạc tại ấp Nhị Hoà, xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố), thành phố Biên Hòa. Đây là vùng đất thanh tịnh giữa Cù lao Phố, địa cảnh phong quang. Chùa được khởi dựng năm nào chưa rõ. Tương truyền, chùa do nhà sư Thành Đẳng lập dựng.Đến nay, chùa Đại Giác truyền nhiều đời trụ trì, trong số có 3 vị sư tổ có nhiều công đức được nhiều đời truyền tụng: Hòa thượng Thành Đẳng, hiệu Minh Lượng (1686-1769), Thiền sư Linh Nhạc, hiệu Phật Ý, đặc biệt là nhà sư Tổ Ấn, tức Mật Hoằng (1735-1835) được nhà Nguyễn phong Tăng Cang, rước ra trụ trì tại nhiều ngôi chùa danh tiếng ở kinh đô. Ông là một danh tăng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.Chùa Đại Giác trải qua nhiều lần trùng tu. Kiến trúc thờ tự hiện tồn của chùa theo lối chữ nhị (=), kiểu thức mặt tiền theo lối lầu chuông, lầu trống. Phần chánh điện với không gian thoáng rộng nhô lên. Chánh điện là căn nhà ba gian rộng lớn. Gian ở giữa là điện thờ trang nghiêm, ở trên cao là tượng Phật Di Đà bằng gỗm cao 2,25 m được cho là của vua Gia Long cúng dường, phía dưới là bộ Di Đà Tam tôn, tượng Phật Thích Ca, Ca Diếp, A Nan Đà, Hộ Pháp. Phía trước (gần cửa ra vào ) là giàn đèn Phật Dược Sư gồm 49 cây đèn dầu nhỏ với 49 tượng Phật bằng gỗ nhỏ, chân giàn đèn chạm trổ rất mỹ thuật. Gian bên trái là khánh thờ Tổ Sư Bồ đề Đạt Ma. Gian bên phải là khánh thờ Quan Thánh Đế Quân. Hai bên tường (tả, hữu) có bệ thờ 5 vị Diêm Vương và hai vị Phán Quan. Nhìn chung tượng thờ ở chùa Đại Giác khá cổ, chủ yếu là tượng gỗ, tượng đất rất hiếm tượng tạc bằng chất liệu xi măng. Nội thất chánh điện có nhiều bức hoành phi ghi những câu như: “Chánh pháp xương minh”, “Pháp vũ triêm ân”, “Từ vân phổ phú”, “Ngũ diệp lưu phương”…Phía sau chánh điện là bàn thờ Tổ Sư hoằng hóa ở chùa Đại Giác, gồm nhiều long vị của các thiền sư phái Lâm Tế, trong đó có long vị của chư Tổ xưa nhất là Thiền sư Thành Đẳng (phái Lâm Tế đời 34), Thiền sư Phật Ý – Linh Nhạc và Giác Liễu Thiệt Truyền (đời 35), Tổ Ấn – Mật Hoằng (đời 36 ). Trong lịch sử xứ Biên Hòa, chùa Đại Giác gắn liền với những sự kiện được sử sách ghi chép như: Vào năm 1779, trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn, người con gái thứ ba của Nguyễn Ánh đến nương náu chốn cửa thiền Đại Giác, được bình yên vô sự. Sau này, khi Nguyễn Ánh lập nên thanh thế, xưng vương đã nhớ đến mà ban chỉ trùng tu chùa. Vua Gia Long chỉ dụ cho quan quân địa phương (trấn Biên Hòa) cho binh thợ đến xây cất và cho tượng binh đem voi đến dặm nền chùa. Vì vậy, sau này gọi chùa Đại Giác là “Chùa Tượng” (Chùa Voi). Dịp này, Gia Long còn cúng cho chùa Đại Giác một pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít rất lớn, cao 2,25 mét, nên nhân dân địa phương còn gọi chùa Đại Giác là “Chùa Phật lớn”. Hiện nay, pho tượng này vẫn còn thờ tại chánh điện của chùa. Năm 1820, vua Minh Mạng tiếp tục cho tu sửa mở rộng nhà chùa. Dịp này, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã cúng cho chùa tấm biển “Đại Giác Tự” sơn son thếp vàng, bên phải có khắc: “Tiên triều Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh”. Tiếc thay, bức hoành phi thếp vàng thật không còn nữa bởi những kẻ coi trong sự tham lam hơn lòng thành chốn cửa thiền lấy mất. Ngày nay, một tấm hoành phi với nội dung như trên treo trước chùa chỉ là “ bản sao” như gợi nhớ về một người thuộc dòng hoàng gia công đức cho chùa. Đặc biệt ở mặt tiền chùa có hàng hiên rộng rãi. Các cột phía trước đều có câu đối. Các cặp câu đối đều được bắt đầu bằng chữ Đại và chữ Giác ở mỗi vế: – Đại điện huy hoàng ưu bát hoa khai ngưỡng thụy nhựt – Giác lâm tịch tĩnh bồ đề thụ trưởng tống xuân phong (Đại điện huy hoàng hoa ưu bát nở đón ngày lành chào bóng dương. Rừng thiền yên lặng, cây bồ đề lớn tiễn gió xuân). – Đại thể Di Đà, kim tướng quang minh chu cực lạc. – Giác quang Phật Tổ, pháp thân thanh tịnh hóa Sa Bà. (Đại thể Di đà, tượng Phật sáng rực miền cực lạc, Giác quang Phật Tổ, pháp thân thanh tịnh cõi Ta Bà) Dấu tích kiến trúc chùa xưa Đại Giác không còn được bảo lưu qua các lần trùng tu. Kiến trúc hiện tồn được xem như nét chấm phá làm đa dạng cho kiến trúc chùa chiền ở vùng đất Biên Hòa. Với lịch sử khai sơn khá sớm, chùa Đại Giác là một di tích có giá trị lịch sử cho sự phát triển củavùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. + Chùa Bửu Phong Chùa tọa lạc trên ngọn núi Bửu Phong – một trong danh thắng nổi tiếng của Biên Hòa xưa, nay thuộc thành phố Biên Hòa. Sách sử xưa mô tả cảnh đẹp của ngọn núi này “ Núi Bửu Phong phía Tây ngó xuống Đại giang, hộ vệ phía sau núi Long Ẩn, suối bàu tẩm nhuận, dẫn tưới ruộng nương. Trên núi có chùa Bửu Phong, phía tả có đá long đầu đứng sững, phía sau có đá thiền sàng la liệt, khói mây man mác, cây cối xum xuê. Văn nhân nghiêng bầu vịnh giai tiết, mỹ nữ nối gót đên hành hương, thật là đệ nhất thắng cảnh của trấn thành vậy” (2). Từ dưới chân núi lên đến chùa phải qua một trăm bậc tam cấp. Cảnh trí chùa tịch mịch, địa cảnh phong quang. Xung quanh chùa có nhiều cây cô thụ, cùng với những tảng đá lộ thiên tạo hình kỳ thú càng làm tăng vẻ uy nghiêm nơi thiền lâm được khai mở. Từ vị trí của chùa, phóng tầm mắt ra bốn phía sẽ thấy được cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào ghi lại chính xác năm chùa được xây dựng đầu tiên. Căn cứ vào hàng chữ Hán khắc gỗ trên hai cột ở gian giữa giảng đường thì chùa được xây dựng từ năm “Bính Thìn niên”, phía trước đề 1616 nhưng năm 1616 không tương ứng với “Bính Thìn niên” âm lịch. Có tư liệu cho rằng: Vào năm 1679, một nhóm dân binh Trung Quốc là thuộc hạ Tổng lãnh binh Trần Thượng Xuyên đến chùa tỵ nạn, đã xây cất lại bằng gạch ngói và thỉnh đại sư Hoàng Long được thượng hiệu Thành Chí đến trụ trì và tôn làm tổ khai sơn. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ Tam (三), gồm chính điện, giảng đường và nơi thờ Tổ. Tường xây gạch thẻ, vôi hợp chất, mái lợp ngói âm dương. Bộ khung vì kèo làm bằng gỗ núi tốt. Di tích cổ tự đã trải qua nhiều lần trùng tu. Dấu vết hiện tồn được xác định vào năm Kỷ Sửu (1829) được khắc trên cột đá tiền điện do Tham tướng Nguyễn Văn Hiệp và Hương bảo Nguyễn Văn Tâm phụng cúng. Trong chùa còn lưu giữ được tượng cổ Phật Di đà và một đầu phướn lục giác chạm rồng. Đặc biệt có một tượng đá cổ thể hiện một vị thần của tôn giáo xưa gắn kết bền vững ở hậu điện – tương truyền tượng có từ khi thành lập chùa. Chánh điện chia làm ba gian thoáng rộng, trên hai hàng cột đắp rồng ẩn mây sơn son thếp vàng nhìn rất uy nghiêm. Gian chính giữa thờ Tam thế Phật, tả hữu thờ thập điện Diêm Vương. Các tượng được tạc rất sống động. Ở giảng đường và nơi thờ Tổ có nhiều tấm liễn, hoành phi, bao lam được chạm khắc công phu, thể hiện nhiều đề tài phong phú được bố trí hài hòa tạo nên khung cảnh vừa rực rỡ vừa thâm nghiêm. Sự tôn tạo sau này làm cho kiến trúc chùa nổi bật lên phía bề mặt chánh điện. Mặt tiền điện được trang trí họa tiết với những bức hình đắp bằng các mảnh sành sứ đa sắc. Bên trong chánh điện, dưới các bệ thờ được trang trí loại hình sành sứ đa sắc rất tinh tế thể hiện những đề tài dân dã, bình dị.
* Cho đến nay, các ngôi chùa cổ Đồng Nai đã được xây dựng khá kiên cố và khang trang. Qua nhiều lần tôn sửa, trùng tu, các di tích chùa cổ chỉ còn giữ lại rất ít vết tích cổ. Di tích kiến trúc cổ còn chăng là mô thức kiểu nhà tứ trụ – một dạng thức kiến trúc đặc biệt có gốc từ kiểu nhà rường vuông vức. Kiểu thức bốn cột cái và bộ xuyên trính có độ dài bằng nhau tạo nên một gian trung tâm vuông vắn và từ cột cái gác một đôi kèo đấm và kèo quyết đâm ra bốn hưông cân xứng để mở rộng ra bốn chái đều nhau. Mỹ thuật kiến trúc cổ ở các danh lam này còn lưu lại ở các khung kiến trúc gỗ như xà ngang, đầu cột, đòn tay và các bao lam…được chạm khắc nghệ thuật thể hiện nhiều đề tài dân gian, tôn pháp. Thế nhưng, những giai đoạn về sau, xu hướng tân tạo, gia cố bằng những vật liệu mới như xi măng, sắt thép của giữa thế kỷ XX đã làm cho phần kiến trúc, mỹ thuật cổ dường như bị bó hẹp lại. Trong quá trình tồn tại, số những ngôi chùa cổ Biên Hòa đã có những ảnh hưởng phong cách tạo tác nghệ thuật theo kiến trúc chùa Huế. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng: Chùa Long Thiền, chùa Bửu Phong với kiểu tạo tác mặt tiền thẳng, có nhiều mảng trang trí họa tiết bằng các mảng ghép sành sứ và hoa văn đắp nổi tạo ấn tượng trực quan. Chùa Đại giác xây “lầu chuông, lầu trống” nhô cao từ phía tiền điện đối xứng qua cửa vào chính (3). Âu đó cũng là “ số phần ” để các di tích chùa sống được với thời gian, với những chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội phát triển. Cùng với kiến trúc truyền thống, mỹ thuật xưa, trong một số di tích còn bảo lưu hệ thống tượng thờ khá phong phú. Tùy thuộc vào từng di tích mà có những bộ tượng được tạo tác theo quy thức nghiêm nghặt cũa mỹ thuật, có những nơi tượng được làm theo kiểu phát khởi tại tâm, cách thức dân gian không bị ràng buộc bởi quy thức nào đã trở thành những độc bản, làm phong phú về số lượng cũng như phong cách tượng thờ của xứ Biên Hòa – Đồng Nai.
Với niên đại khá sớm, những danh lam cổ tự như Long Thiền, Đại Giác, Bửu Phong được xem là một trong những cái nôi của trung tâm tuyền bá Phật giáo đầu tiên trên vùng đất Nam Bộ. Không những thế, chúng còn minh chứng cho sự hiện diện của lưu dân Việt vào Đồng Nai từ thế kỷ XVI – XVII, đặt nền móng cơ sở cho chuyến kinh lược của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh sắp đặt nền hành chánh đất Đồng Nai vào lãnh thổ nước Việt. Thời gian, khí hậu và bao biến động xã hội, cả con người (vô thức lẫn hữu thức) đã làm hư hoại, hủy hoại không ít những danh lam cổ tự của những bậc tiền nhân có công tạo dựng. Những phần mất đi xem như lẽ vô thường của vạn vật. Những di sản còn lại luôn cần được trân trọng và bảo vệ giữ gìn.
Chú thích: (1) Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.110. (2) Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí (Bản dịch của Lý Việt Dũng, Huỳnh Văn Tới hiệu đính). Nxb Đồng Nai, 2005. (3) Huỳnh Ngọc Trảng. Kịch bản Danh lam cổ tự Biên Hòa. Bảo tàng Đồng Nai, 1997.
Chùa Long Thiền
Chùa Đại Giác
Chùa Bửu Long |
Cập nhật ( 21/01/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com