NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI BẠC LIÊU TRONG QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐÀN CA TÀI TỬ NAM BỘ * Trần Phước Thuận Đàn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật đặc sắc ở Nam bộ, tuy chỉ mới ra đời cách đây hơn trăm năm, nhưng đã có sức lan tỏa rất lớn, chỉ trong tiền bán thế kỷ XX, không những đã phổ cập sâu rộng ở Nam bộ mà còn có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong nước, hôm nay lại đang lan dần ra các nước trên thế giới, kể cả các ước ở xa như: Phần Lan, Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Úc Châu… đều có phong trào đàn ca tài tử. Đạt được thành quả tốt đẹp này trước nhất là do tự thân đàn ca tài tử đã có những đặc điểm về khoa học và nghệ thuật, tiếp theo là do công lao xây dựng, bồi đắp của các nghệ nhân cổ nhạc tiền bối ở các tỉnh Nam bộ, sau đó lại được sự cộng hưởng nhiệt tình của nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ miền Trung, miền Bắc. Riêng người Bạc Liêu cũng đã có những đóng góp to lớn góp phần tích cực trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển đàn ca tài tử. Người ta gọi Bạc Liêu là quê hương của đàn ca tài tử là vì nơi đây đã từng sản sinh ra nhiêu nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối; từng cho ra đời những bản đờn, những bài ca bất hủ cho đàn ca tài tử, từng gây dựng thành phong trào sáng tác thật hùng hậu từ những thập niên đầu thế kỷ XX. * Hình thành một lực lượng nghệ nhân nghệ sĩ trọng yếu cho đàn ca tài tử và cải lương Vào đầu thế kỷ XX, Nhạc sư Lê Tài Khí (1870 – 1948) thường được gọi là Nhạc Khị đã thành lập ban nhạc lễ, do uy tín và tài năng của ông nên chẳng bao lâu đã quy tụ hầu hết những nghệ nhân cổ nhạc nổi tiếng lúc bấy giờ như : Sư Nguyệt Chiếu, Quốc Ân, Chơn Truyền (Bảy Kiên) Sáu Thìn, Hai Huá, Thầy Thống (Trần Xuân Thơ), Ký Tấn, cô Ba Phấn, cô Ba Chương… Ban nhạc này cũng vừa là “cái lò” đầu tiên đào luyện ra những nhạc sĩ, ca sĩ, soạn giả tên tuổi của đất Bạc Liêu như : Cao Thiên Đệ, Cao Văn Lầu, Lê Văn Túc (Ba Chột), Lê Văn Bình, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ), Lý Khi, Bảy Cao… Những vị này đều có những đóng góp lớn trong quá trình phát triển đàn ca tài tử và cải lương * Các loại bài bản được hệ thống và chỉnh tu : Nhạc Khị cũng là người đầu tiên ở Bạc Liêu có chủ trương chỉnh tu các loại bài bản cũ và hệ thống lại các loại bài bản đang lưu hành lúc bấy giờ. Vào những năm đó, phòng trào đàn ca tài tử mới được nhen nhóm, Nhạc Khị là người dẫn đầu phòng trào này đã sơm thấy các loại bài bản trong ba Nam, sáu Bắc, bốn Oán đang được sử dụng lúc ấy đa số đều bị "tam sao thất bổn", cả bảy Bài của nhạc lễ cổ truyền cũng không được nguyên vẹn, nên ông đã ra công chỉnh tu, bổ sung và hệ thống lại toàn bộ các loại bài bản; cùng thực hiện với ông còn có sư Nguyệt Chiếu và nhạc sĩ Bảy Kiên, ngay trong những năm đầu thế kỷ XX các ông hoàn thành công việc tốt đẹp này. Lúc bấy giờ chưa có điều kiện để in ấn, nên những người thừa kế của Nhạc Khị phải ghi chép và sau khi Nhạc Khị qua đời mới được Trịnh Thiên Tư tổng hợp lại trong tác phẩm Ca nhạc cổ điển của ông (4), đây chính là một thành quả trí tuệ của một tập thể nghệ sĩ tiền bối ở Bạc Liêu. Trong đó đã ghi lại toàn bộ nội dung của sáu Bắc, bảy Bài, ba Nam, bốn Oán và các bài bản canh tân hoặc mới sáng tác của các nhạc sĩ đương thời. * Có chủ trương sáng tác rõ ràng : Đây chính là điểm ưu việt của cổ nhạc Bạc Liêu; trong khi xây dựng lực lượng nhạc sĩ kế thừa, Nhạc Khị đã đề ra chủ trương sáng tác phải có chủ đề hẵn hòi. Đối với Nhạc Khị, người nhạc sĩ không những phải đàn hay mà còn phải sáng tác giỏi, sáng tác không chỉ lời ca mà cả nhạc bản theo một chủ đề nhất định. Cũng vì có chủ trương sáng suốt như thế nên ông đã đào tạo ra một lực lượng kế thừa đông về số mạnh về chất – có thể nói đây là lực lượng lớn mạnh nhất của cổ nhạc Các tác phẩm cổ nhạc Bạc Liêu trong tiền bán thế kỷ XX, đa số đều mang ý nghĩa nghệ thuật vị nhân sinh, mà đầu tiên là những đề tài lịch sử. Mở đầu là bài Thỉ tổ Hồng Bàng được thể hiện trong bản Lưu thủy trường, thật là tuyệt diệu khi tác giả gắn ghép trang sử đầu tiên của lịch sử Việt Nam với bản đầu tiên của 20 bản Tổ, kế tiếp là một loạt triều đại Việt Nam được trình bày theo thứ tự các bản Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây thi, Cổ bản, Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Tứ đại oán, Phụng hoàng, Phụng cầu, Giang nam. Những bản canh tân hoặc những sáng tác mới đều mang nội dung biểu dương các vị anh hùng liệt nữ, đề cao những tấm gương yêu nước, trung dũng bất khuất kiên cường, những con người đã hy sinh vì đại nghĩa. Hoặc những bài ca phản ảnh những cảnh có thực trong thời Pháp thuộc, những cảnh vợ xa chồng, cha xa con, gia đình ly tán… đặc biệt trong loại hình này Nhạc Khị đã mượn ý nghĩa Chinh phu vọng chinh phu trong tác phẩm Tô Huệ chức cẩm hồi văn để khuyến khích những người học nhạc sáng tác, thực hiện theo tinh thần này các nhạc sĩ Bạc Liêu đã cho ra đời một loạt các bản : Dạ cổ hoài lang, Giọt mưa đêm, Liêu giang, Ngũ quan, Tứ bửu Liêu thành… đều là những tác phẩm bất hủ. Nhất là bản Dạ cổ hoài lang sau đó được chuyển thành Vọng cổ – đã trở nên bản trụ cột của đàn ca tài tử và cải lương * Có phòng trào sáng tác rộng lớn : Sự ra đời của các bài bản cổ nhạc ở Bạc Liêu trong tiền bán thế kỷ XX đều có chủ trương phục vụ con người và đất nước với những đề tài lịch sử rất thiết thực, do vậy chỉ trong một thời gian ngắn đã thành một phòng trào sáng tác rộng lớn. Mở đầu là bốn tác phẩm : Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên, Ái tử kê và Minh Hoàng thưởng nguyệt của Nhạc Khị được các giới nghệ sĩ đương thời tôn xưng là Tứ bửu, tiếp theo là các sáng tác mới của Nguyệt Chiếu, Phạm Nguyên Kiên, Cao Thiên Đê, Cao Văn Lầu, Lê Văn Túc (Ba Chột)… trong đó có 12 bản của Cao Văn Lầu như: Dạ cổ hoài lang, Thu phong, Chim chiều, Giọt mưa đêm, Hậu đình lê…; 18 bản của Lê Văn Túc: Liêu giang, Ngũ quan, Từ bửu Liêu thành, Lý con sáo, Kim tiền bản… đều đã trở thành những bản nòng cốt của đàn ca tài tử và sân khấu cải lương. Về lời ca thì Trịnh Thiên Tư đã có đầu công với hơn 100 bài ca được sáng tác cho các bài bản cũ mới theo một trình tự hợp lý và một hệ thống hoàn bị, nhất là bảy Bài (bảy bản Bắc Lớn) từ trước nay rất ít có lời ca, người ta thường sử dụng bản đàn của bảy bản này trong lễ nhạc, nhờ Trịnh Thiên Tư đặt lời ca mà bảy Bài lại được áp dụng vào đàn ca tài tử, cách sáng tác đều khắp các bài bản cổ nhạc của Trịnh Thiên Tư từ trước đến nay chưa thấy có người thứ hai. Soạn giả Mộng Vân trong 16 năm cuối đời đã biên soạn 68 kịch bản và sáng tác hơn 30 nhạc khúc để làm bản gác đầu vô Vọng cổ – một sản phẩm nghệ thuật rất đặc biệt, loại hình này sau đó được chuyển thành Tân cổ giao duyên; thật là một kỳ tích ở Việt Nam. * Bản Vọng cổ được phổ cập sâu rộng và được ứng dụng nhiều nhất trong đàn ca tài tử và sân khấu cải lương : Hiện nay mọi người đều biết bản Vọng cổ là hóa thân của bản Dạ cổ hoài lang một kiệt tác của ông Cao Văn Lầu đã được ra đời tại Bạc Liêu hơn 90 năm trước. Bản Vọng cổ ngày nay đã có một vị trí gần như độc tôn trong đàn ca tài tử và cải lương Nhu cầu thưởng thức bản Vọng cổ càng ngày càng lớn, số thinh giả càng ngày càng đông; bản Vọng cổ hiện nay còn có mặt ở các nước ngoài, thậm chí còn được một số học giả phương Tây rất chú ý. Như ông G.Knops nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc cổ điển thế giới đã nói “Bài ca này phản ảnh bầu không khí áp bức mà người dân Việt Nam phải lay lất sống bên trong. Lúc đó họ chỉ có một con đường duy nhất để tự do phát lộ tâm tư, đó là âm nhạc. Những bài ca đó chính là lịch sư, là tâm trạng của một dân tộc vui ít buồn nhiều (7). Hoặc như Ghisa – Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc của CHDC Đức trong Hội thảo về nhạc sĩ Cao Văn Lầu tổ chức tại Bạc Liêu năm 1992, khi nói về bản Vọng cổ và hát cải lương bà đã phát biểu “Là một loại âm nhạc truyền thống, mặc dù mới được trình diễn trong khoảng 70 năm nay. Có thể nói nó là một trong các loại âm nhạc truyền thống mới nhất và là một trong những loại phát triển rộng rãi nhất” (8). Nhưng dù được ái mộ bao nhiêu hay có đi xa đến đâu nó vẫn gắn liền với xứ sở với con người Bạc Liêu – nó vẫn là điệu Vọng cổ Bạc Liêu. Tóm lại, cổ nhạc nói chung và đàn ca tài tử Bạc Liêu nói riêng với sự phát triển không ngừng trong tiền bán thế kỷ XX đã có nhiều đặc trưng nỗi bật, đó cũng là những tiến bộ thật tích cực của con người Bạc Liêu trong việc phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tỉnh nhà, đồng thời những đặc điểm đó cũng là những điểm đặc sắc đã điểm tô sắc màu cho cổ nhạc và cải lương Nam bộ. Những đặc điểm đó đều là những thành quả lao động trí tuệ thật tuyệt vời của các nghệ sĩ tiền bối Bạc Liêu, cũng là những niềm tự hào của người Bạc Liêu hôm nay và mai sau. Chú thích : (1) : Ba Vân, Kể chuyện Cải lương, NXB TP. Hồ Chí Minh – 1988 trang 187 (2) : Huỳnh Minh, Bạc Liêu xưa và nay – 1966, trang 192 – 193 – 194 (3) : Từ Dạ cổ hoài lang, NXB Mũi Cà Mau – 1992, trang 112 (4) : Trịnh Thiên Tư, Ca nhạc cổ điển – 1960 (5) : Từ Dạ cổ hoài lang, NXB Mũi Cà Mau – 1992, trang 114 – 115 (6) : Từ Dạ cổ hoài lang, NXB Mũi Cà Mau – 1992, trang 134 (7) : G.Knops, Histoire Encyclopédie de Lavaignac, trang 3103 (Phan Thanh Nhàn đã dẫn. Từ DCHL trang 129) (8) : Tài liệu Hội thảo Cao Văn Lầu nhân 70 năm ra đời bản Vọng cổ tổ chức tại Bạc Liêu năm 1992. |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com