Phật Giáo Bạc Liêu
Thứ Ba, Tháng Ba 28, 2023
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Ban Chứng Minh
    • Ban trị sự
    • Các ban trực thuộc
  • Tin tức – Phật sự
  • Từ thiện xã hội
  • Lịch sử – văn hóa
    • Văn hoá phật giáo
    • Lịch sử văn hoá
  • Nhân vật – Sự kiện
    • Nhân vật
    • Sự kiện
  • Phật học
    • Tự viện
  • Trung cấp phật học
No Result
View All Result
Phật Giáo Bạc Liêu
No Result
View All Result

NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ CỦA CỔ NHẠC VÀ PHẬT GIÁO (Trần Phước Thuận)

Phạm Hảo Đăng bởi Phạm Hảo
5 năm trước
in Lịch sử - văn hóa
A A
0

NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ CỦA CỔ NHẠC NAM BỘ VÀ PHẬT GIÁO BẠC LIÊU

* Trần Phước Thuận

          Cổ nhạc Nam bộ ngày nay đã có một vị trí khá lớn trong kho tàng văn hóa nghệ thuật Việt Nam, không những nó có một phạm vi lựu hành rộng rãi trong nước mà còn lan rộng ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu về cổ nhạc, nhưng đa số chỉ đi sâu vào nghệ thuật, còn về lịch sử thì có nhiều điểm bất nhất, nhất là mối quan hệ lịch sử giữa Phật giáo và cổ nhạc Nam bộ thì chưa có tài liệu nào chính thức nói đến. Bài viết hôm nay cũng không thể bao quát vấn đề rộng lớn này, chỉ nêu ra một số phát hiện về những dấu ấn lịch sử của cổ nhạc Nam bộ và Phật giáo Bạc Liêu mong đóng góp một phần nào trong mối tương quan giữa Phật giáo và cổ nhạc Nam bộ.

1. Nhạc Khị đào tạo lưc lượng kế thừa tại chùa Vĩnh Phước An.

          Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Bạc Liêu có xuất hiện một danh cầm tên Lê Tài Khí (1870 – 1948) thường được gọi là Nhạc Khị, ông là người có khả năng vượt bực về cổ nhạc, một bậc thầy cổ nhạc đương thời, công lớn nhất của ông là đào tạo được một lực lượng lớn nhạc sĩ cổ nhạc và soạn giả cải lương ngay trong buổi bình minh của phong trào đàn ca tài tử và cải lương Nam bộ. Vào đầu thế kỷ XX Nhạc Khị đã thành lập ban nhạc lễ, do uy tín và tài năng của ông nên chẳng bao lâu đã quy tụ hầu hết những nghệ nhân cổ nhạc nổi tiếng lúc bấy giờ như : Sư Nguyệt Chiếu, Quốc Ân, Chơn Truyền (Bảy Kiên) Sáu Thìn, Hai Huá, Thầy Thống (Trần Xuân Thơ), Ký Tấn, cô Ba Phấn, cô Ba Chương… Ban nhạc này cũng vừa là “cái lò” đầu tiên đào luyện ra những nhạc sĩ, ca sĩ, soạn giả tên tuổi của đất Bạc Liêu như : Cao Văn Lầu, tác giả bản Dạ cổ hoài lang; Lê Văn Túc (Ba Chột), tác giả bản Liêu giang; Lê Văn Bình, tác giả bản Hứng trung thinh; Trịnh Thiên Tư, tác giả sách Ca nhạc cổ điển, ông đã đặt lời cho hai mươi bản Tổ và hầu hết các bài bản do người Bạc Liêu sáng tác;  Mộng Vân, một tác giả đã chiếm kỷ lục trong 16 năm cuối đời đã sáng tác 68 kịch bản cải lương và hàng trăm bản vắn cho các loại tuồng tích lúc bấy giờ, một tác giả viết nhiều tác phẩm nhất trong một thời gian ngắn nhất ở Việt Nam; Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ), người khai sinh ra sáu câu vọng cổ nhịp 32; Lý Khi, người đề xuất ra bản vọng cổ nhịp 64; Bảy Cao, người có sáng kiến gắn ghép phim ảnh phương Tây vào kịch bản cải lương; Mười Đờn, một thầy đờn nổi tiếng ở miền Tây… Những vị này đều có những đóng góp lớn trong quá trình phát triển đàn ca tài tử và cải lương Nam bộ. Nghệ sĩ nhân dân Lê Long Vân (Ba Vân) khi viết tác phẩm Kể chuyện Cải lương đã xác nhận “Bạc Liêu là cái nôi của phong trào đàn ca tài tử, vùng đất sản sinh rất nhiều tài tử, nhạc sĩ nổi tiếng. Người được xem là thầy của cổ nhạc là ông Hai Khị (Nhạc Khị) cũng là người Bạc Liêu, con của ông là anh Ba Chột cũng đã trở thành nhạc sĩ tài danh…” (1). Những nghệ nhân khác cũng được nhà nghiên cứu Huỳnh Minh đánh giá “Kế đó phải kể Ngô Mộc Thái, Phú Quới, Bùi Hữu Trí, Tư Biện, Tư Nho, Tư Bình, Năm Nhỏ đều là cac nhạc sĩ ưu tú của Bạc Liêu. Tư Bình điêu luyện nhị hồ…. Năm Nhỏ sở trường lục huyền cầm, ai ai cũng biết tiếng tài tình. Về mặt soạn tuồng, Bạc Liêu khét tiếng với soạn giả Mộng Vân, ngày nay nói đến Mộng Vân không ai không tỏ niềm kính mộ… chẳng tiếc lời tán tụng… các công trình của ông đã bồi đắp và xây dựng cho nền kịch nghệ nuớc nhà… Trịnh Thiên Tư rất tận tâm xây dựng nền âm nhạc dân tộc…. lúc nào cũng tỏ ra hăng say tô điểm sân khấu cải lương, phô bày ý chí thức tỉnh đồng bào bằng sóng nhạc lời ca chan chứa tình yêu đất nước, lay động hồn thiêng dân tộc” (2). Riêng đối với Cao Văn Lầu, viện sĩ Lưu Hữu Phước đã mạnh dạn phát biểu “Chúng ta nên suy  tôn nhạc sĩ Cao Văn Lầu là Hậu tổ,  nhạc sĩ Cao Văn Lầu là người Minh Hải (Bạc Liêu), cái tài năng đó thành tựu đó phải toả ra cả nước và cả thế giới” (3).

Những tài danh nghệ thuật Bạc Liêu này đã được đánh giá cao như những ngôi sao sáng trên vòm trời cổ nhạc, nhưng có một điều ít ai để ý, đó là những ngôi sao sáng này đều được Nhạc Khị đào tạo tại chùa Vĩnh Phước An, đây là một ngôi chùa cổ ở Bạc Liêu có nhiều giá trị về văn hóa truyền thống. Hòa thượng Minh Bảo người trụ trì chùa Vĩnh Phước An lúc bấy giờ nguyên là chú ruột của Nhạc Khị, Hòa thượng rất hâm mộ cổ nhạc và nhạc lễ cổ truyền, nên đã tạo điều kiện cho Nhạc Khị dạy học trò hằng đêm tại chùa trong một thời gian rất dài. Chính ngôi chùa cổ này là cái nôi của cổ nhạc Bạc Liêu mà cũng là một trong những điểm xuất phát của cổ nhạc Nam bộ trong đầu thế kỷ XX, hiện nay đã được UBND tỉnh Bạc Liêu ra quyết định bảo vệ di tích lịch sử văn hóa.

 

2. Ông Cao Văn Lầu sáng tác bản Dạ cổ hoài lang tại chùa Vĩnh Phước An và Sư Nguyệt Chiếu đã đặt tên cho bản nhạc này.

Ông Cao Văn Lầu vốn là một chú tiểu tại chùa Vĩnh Phước An, sau khi hoàn tục lập gia đình và thọ giáo với Nhạc Khị vào năm 1908 cũng tại ngôi chùa này. Năm 1913, Cao Văn Lầu vâng lệnh cha mẹ đi cưới vợ, đó là cô Trần Thị Tấn một cô gái nết na hiền lành ở điền Tư Ô (Chung Bá Khánh) gần đấy. Có lẽ đây là thời gian vui nhất của ông, vừa hưởng hạnh phúc bên người vợ trẻ đảm đang vừa vui mừng khi thấy ban cổ nhạc của thầy mỗi ngày một tiến bộ. Lúc này Nhạc Khị thấy khả năng các môn đệ đã đến độ chín muồi, nên ông bắt đầu hướng dẫn mọi người sáng tác, vì ông tuy là một người tật nguyền nhưng lại là một thầy đờn có tinh thần yêu nước rất cao, mục đích của ông thành lập ban nhạc là để tuyên truyền những bài ca yêu quê hương đất nước hoặc phản ánh những nỗi thương đau mà người dân đang gánh chịu lúc bấy giờ. Ý của ông muốn các đồ đệ cũng phải sáng tác như ông, nhưng để dễ dàng trong bước đầu sáng tác theo loại hình này, ông đã chọn một chủ đề đầy tính bi kịch để gợi cảm hứng cho người sáng tác đồng thời cũng phản ánh rất trung thực một hình ảnh rất quen thuộc trong thời kỳ ấy. Đó là hình ảnh người  phụ nữ mỏi mắt trông chồng ngoài mặt trận, chủ đề Chinh phụ vọng chinh phu được ông rút ra từ nội dung bài Nam ai Tô Huệ chức cẩm hồi văn để hướng dẫn các môn sinh sáng tác.

          Giai đoạn sáng tác này rất quan trọng nên ông Nhạc Khị thường theo sát để sửa chữa hoặc khuyến khích thành quả của môn sinh và các thành viên của ban cổ nhạc. Cũng vì lý do đó, nên Cao Văn Lầu và các bạn đồng học đều gắng công sáng tác, kết quả được nhiều nhạc khúc, ca khúc rất hay; riêng Cao Văn Lầu vào năm 1917 đã sáng tác một nhạc khúc gồm 22 câu rất độc đáo. Nhưng chưa kịp  sửa chữa để trình thầy và các bạn thì phải chứng kiến một cảnh đau lòng – có thể nói đau lòng nhất trong cuộc đời của ông, vì người vợ trẻ từ lúc về nhà chồng đến nay đã tròn ba năm mà chưa có dấu hiệu thai nghén, theo phong tục xưa thì người phụ nữ như thế đã phạm vào một trong bảy đại tội, gọi là Thất xuất (4) theo lệ thường phải bị đuổi ra khỏi nhà. Ông bà Chín Giỏi mặc dù rất thương con thương dâu nhưng lại bị ám ảnh quá nặng nề bởi cái cổ lệ này, sợ con trai của mình bị tuyệt tự phải mang trọng tội với tổ tiên, lại sợ bà con lối xóm đàm tiếu nên đành cắn răng trả con dâu về nhà cha mẹ ruột. Cao Văn Lầu mặc dù rất thương vợ nhưng vì chữ hiếu phải đành ngậm ngùi chia tay với người bạn đời, người đã từng chia sẻ ngọt bùi với ông trong ba năm chăn gối. Sau khi vợ ra đi Cao Văn Lầu như là một kẻ mất hồn, làm lụng không nổi, ăn uống lơ là, việc đờn ca cũng không ngó tới, bản nhạc 22 câu do ông sáng tác dở dang cũng bị quên mất trong lúc này; cha mẹ và bạn bè khuyên lơn cách nào cũng không lay chuyển được. Cô vợ cũng không hơn gì chồng, từ ngày trở về nhà mang theo nỗi đớn đau hờn tủi không trút được vào đâu, chỉ biết khóc rưng rức suốt ngày.

          Tình cảnh như vậy kéo dài khoảng một năm, đáng lẽ thời gian sẽ làm cho người ta nguôi ngoai thương nhớ, nhưng ở đây thời gian càng dài thương nhớ càng tăng, đến nỗi không còn kềm chế được nên hai người đã tự động gặp nhau. Mặc dù chỉ gặp nhau trong lén lút, nhưng những lần gặp mặt này đã vơi bớt phần nào nỗi nhớ thương đoài đoạn của đôi vợ chồng trẻ sau bao ngày xa cách. Lúc này tinh thần của Cao Văn Lầu như nắng hạn gặp mưa rào, ông đã trở nên tươi vui và trở lại sinh hoạt trong ban cổ nhạc để tiếp tục công việc sáng tác do thầy giao phó. Đang lúc sửa chữa bản nhạc 22 câu do ông sáng tác từ năm trước, được sự góp ý của người bạn đồng môn là Ba Chột, nên ông bỏ bớt 2 câu trùng lắp, còn chẵn 20 câu nhịp đôi. Ông lại tiếp tục đặt lời ca theo đúng chủ đề Chinh phụ vọng chinh phu do thầy đã chọn, nhưng khi đặt được vài câu thì hình bóng của người vợ hiền lại lóe lên rõ mồn một trong tâm trí ông như than vãn dặn dò “Lòng dầu say ong bướm, xin cũng đừng phụ nghĩa tào khang” hoặc nhắn nhủ tình lang như “Xin đó chớ phụ phàng, chàng – chàng có hay”. Mặc dù ông Cao Văn Lầu cố gọt giũa, nhưng trong lời ca của ông vẫn là sự hòa nhập giữa hình bóng người chinh phụ đang chờ chồng nơi biên ải và hình bóng người vợ bình dị yếu đuối của ông. Cuối cùng, bản nhạc 20 câu do ông sáng tác cũng được chỉnh lý hoàn tất nhưng chưa tìm được đề tựa nào tương xứng để đặt tên.

          Lúc đó cũng vừa đến tết Trung Thu, ông cùng các bạn đến thăm thầy, luôn tiện trình bản nhạc do ông sáng tác. Trong buổi liên hoan, ngoài Nhạc Khị và các môn đồ còn có nhà sư Nguyệt Chiếu, người bạn thân của Nhạc Khị cũng vừa đến chơi. Đêm đó thầy trò, bè bạn họp mặt đông đủ vừa ăn bánh Trung Thu vừa kể chuyện đông tây, không khí thật vui vẻ. Nhạc Khị muốn giới thiệu nhạc phẩm mới của đồ đệ mình nên cho người nhà mang chiếc đờn tranh ra bảo Cao Văn Lầu độc tấu 20 câu vừa sáng tác. Cao Văn Lầu vâng lời, vừa khảy đờn vừa cất tiếng ca, lời ca tỉ tê mang theo tâm sự một thời của ông đã làm mọi người xúc động thật sự. Im lặng một chút, Nhạc Khị từ từ nói : “Tưởng đâu hoàn cảnh gia đình của con đã làm dở dang việc sáng tác, ai ngờ lại đạt được thành quả lớn lao như thế này, quả là con không phụ công dạy dỗ của thầy, thầy chúc mừng con và mong rằng sau này con sẽ có một tương lai xán lạn”. Nói xong, ông lại xoay lại nói với Sư Nguyệt Chiếu : “Cháu nó sáng tác xong nhưng cả nhạc và lời đều chưa có tên, nay nhân thầy đến chơi, nhờ thầy đặt cho cái tên phù hợp với lời ca và bản nhạc, trước là để kỷ niệm buổi gặp mặt hôm nay sau đó kể như làm quà cho cháu”. Sư Nguyệt Chiếu mỉm cười chậm rãi nói “Đã gặp nhau là có cái duyên, nay nhạc sư nói thế thì tôi xin vâng lời”. Ngưng lại một chút ông nói tiếp “Cái ý chính là Chinh phụ vọng chinh phu mà nhạc sư đưa ra để làm kim chỉ nam cho các đồ đệ sáng là căn cứ vào nội dung của bản Nam ai Tô Huệ chức cẩm hồi văn, mà theo nội dung này thì nàng Tô Huệ đêm đêm ngồi dệt gấm hễ nghe tiếng trống vọng về lại liên tưởng đến hình bóng của chồng. Bản nhạc và lời ca của cháu Lầu tuy cũng còn vài điểm bất nhất nhưng cái chung vẫn diễn tả được tâm tư của nàng Tô Huệ. Vậy cứ theo tích này mà đặt tên chung cho cả bản nhạc và lời ca của cháu là Dạ cổ hoài lang”. Mọi người sau khi nghe xong đồng vỗ tay hoan nghinh nhiệt liệt, ông Nhạc Khị cũng vui mừng đứng dậy thay mặt đồ đệ tỏ lời cảm ơn nhà sư.  Riêng Cao Văn Lầu rất hân hoan và tâm đắc cái tên mới này. Kể từ đêm đó : Rằm tháng Tám năm Mậu Ngọ (1918), được kể như là thời điểm chính thức của bản Dạ cổ hoài lang ra đời tại chùa Vĩnh Phước An.

 

3. Bản Vọng cổ nhịp 8 đầu tiên do Nghệ sĩ Năm Nghĩa sáng tác mang tên Văng vẳng tiếng chùa.

Năm Nghĩa tên thật là Lư Hòa Nghĩa, sinh năm 1911 tại vùng đất Bạc Liêu, ngay trong buổi bình minh của phong trào đàn ca tài tử. Từ buổi thiếu thời ông đã sớm có năng khiếu về cổ nhạc, vốn được thiên phú một giọng ca rất mùi, rất trầm ấm, lại may mắn được sư Nguyệt Chiếu – một danh sư cổ nhạc ở Bạc Liêu thời đó nhận dạy đàn ca. Năm Nghĩa đã theo thầy học đàn ca nhiều năm tại chùa Vĩnh Đức, ông không những ca rất hay mà đàn cũng rất giỏi. Năm Nghĩa giao du rộng nên có nhiều bạn bè, nhưng người bạn thân nhất là ông Cao Văn Lầu (Sáu Lầu), hai người tuy tuổi tác chênh lệch nhưng xem nhau như bạn đồng môn, nên thường lui tới lẫn nhau để dợt đàn ca. Năm Nghĩa thường tâm sự với bè bạn, ông rất tâm đắc bản Dạ cổ hoài lang, thể điệu của bài này rất hợp với ông nhưng mỗi câu lại ngắn qúa, ông muốn chuyển sang nhịp 8 (dài gấp đôi bản hiện hành lúc đó), chữ đàn nên thay đổi để cho mùi hơn và ông đã tốn nhiều công sức lẫn thời gian cho việc làm này; cuối cùng ông đã thành công – đã hoàn thành bản đàn Dạ cổ mới với mỗi câu 8 nhịp, nhưng chưa có lời ca nào tương xứng, vì lúc đó các lời ca cũ điều ngắn không phù hợp với chữ đàn mới.

Thế rồi vào một đêm tối trời của năm Giáp Tuất (1934) Năm Nghĩa đến hàn huyên và hòa tấu với ông Sáu Lầu, hai người mãi say sưa trong cung đàn tiếng nhạc nên trời đã khuya mà vẫn không hay, đêm đó trời mưa to, gió lớn Năm Nghĩa không về được phải ngủ lại nhà một người bạn cạnh nhà ông Sáu Lầu (vì nhà ông Sáu quá chật) nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Phước An. Năm Nghĩa cứ mãi trằn trọc không ngủ được, ngoài trời mưa cứ rơi; lúc trời gần sáng bổng dưng tiếng chuông chùa Vĩnh Phước An vang lên từng hồi như gợi ý,  như thúc giục cho ông làm một việc gì đó, rồi trong những phút giây xuất thần Năm Nghĩa đã sáng tác 20 câu ca cho bản Dạ cổ nhịp 8 và cũng do nguyên cớ này nên sau đó Năm Nghĩa đã đặt tên bài ca là Văng vẳng tiếng chuông chùa.  Chính nhạc sĩ Cao Văn Lầu lúc sinh tiền đã xác nhận: “Nhạc phẩm căn bản nhịp đôi của tôi đã được chư nhạc sĩ tứ phương lần lần mở lơi ra nhịp 8,  bắt đầu bằng lời ca Văng vẳng tiếng chuông chùa của nghệ sĩ Năm Nghiã”(5) và soạn giả Trịnh Thiên Tư là người đầu tiên đề nghị gọi bản Dạ cổ hoài lang nhịp 8 là Vọng cổ và dân mộ điệu khắp nơi nhân thấy bài ca có xuất xứ ở Bạc Liêu nên gọi là Vọng cổ Bạc Liêu.

Vài năm sau, bài ca này được thu đĩa Asia và được đổi tên thành Vì tiền lỗi đạo (nhưng ít ai gọi theo cái tên mới này). Chỉ vài tháng sau khi dĩa phát hành thính giả khắp nơi hoan nghênh nhiệt liệt, tiếng tăm của ông vang dội khắp nơi. Danh tiếng của Năm Nghĩa càng cao, vị trí của bài Văng vẳng tiếng chuông chùa càng lớn, điệu Vọng cổ Bạc Liêu được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt và dần dần nó được xem như đại diện của các bài ca cổ ở Miền Nam. Vọng cổ đã trở thành món ăn tinh thần của người dân, nên từ đó người ta đua nhau sáng tác, rồi cứ theo đà đó bản Vọng cổ được kéo dài ra thành nhịp 16, 32, 64 như hiện nay.  Kể như bài Văng vẳng tiếng chuông chùa đã mở đầu cho kỷ nguyên Vọng cổ Nam bộ, nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa là người tiên phong mở ra cho Vọng cổ một hướng đi đúng đắn, hướng đi đó đã làm cho bản Vọng cổ có địa vị to lớn trong cổ nhạc Nam bộ hiện nay .

Như vậy trong lịch sử hình thành và phát triển bản Vọng cổ ; nếu nhạc sĩ Cao Văn Lầu là người khai sáng ra tiền thân của nó là bản Dạ cổ hoài lang – một kỳ tích trong cổ nhạc Nam bộ; thì nghệ sĩ  Lư Hòa Nghĩa chính là người mở đường cho bản Dạ cổ hoài lang biến đổi thành Vọng cổ và phát huy đúng hướng để bản Vọng cổ có vị trí như ngày nay. Có một điều trùng hợp là bản Văng vẳng tiếng chuông chùa cũng như bản Dạ cổ hoài lang đều được sáng tác tại chùa Vĩnh Phước An và bản vọng cổ đầu tiên này từ lúc ra đời đã mang cái tên đầy thiền vị, ngay câu một Năm Nghĩa với giọng hơ hơ kéo dài đã đem lại cho người nghe cái cảm giác êm ái nhẹ nhàng như vừa nghe tiếng chuông chùa ngân vang trong buổi sớm.

—————————

(1) Ba Vân, Kể chuyện Cải lương, NXB TP. Hồ Chí Minh – 1988 trang 187

(2) Huỳnh Minh, Bạc Liêu xưa và nay ­– 1966, trang 192 – 193 – 194

(3) Từ Dạ cổ hoài lang, NXB Mũi Cà Mau – 1992, trang 112

(4) Theo quan niệm xưa, bảy tội lớn của người phụ nữ gọi là Thất xuất, gồm : Không con, dâm đãng, bất kính cha mẹ chồng, nhiều chuyện (ngồi lê đôi mách), trộm cắp, ghen tuông và mắc bệnh nan y. Người nào phạm vào một trong bảy “tội” này sẽ bị đuổi ra khỏi nhà chồng. Ở miền Nam trong những ngày đầu thế kỷ XX trước khi trả người dâu phạm các “tội” đó về nhà cha mẹ, buộc phải làm một thủ tục hành chánh để người dâu “ký giấy nhận tội và đồng ý ly hôn”, gọi là làm tờ “ĐỂ”.

(5) Tạp chí Tin Văn, số đặc biệt Kỷ niệm nửa thế kỷ Sân khấu Cải lương – 1966, trang 128.

 

Cập nhật ( 14/12/2008 )

Related Posts

Hành trình đưa Khóa tụng thống nhất đến với Phật tử

2 tuần trước
0

Pháp phục Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ

2 tuần trước
0

ĐẨY MẠNH ĐỀ ÁN PHÁP PHỤC, NGÔN NGỮ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

2 tuần trước
0

Bạc Liêu: Lễ ký kết hợp tác giữa Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh

3 tuần trước
0

Tham luận 40 năm thành lập GHPGVN: Đặc trưng Văn hóa Phật giáo Việt nam (HT. Thích Thọ Lạc)

1 tháng trước
0
Thiện nam tín nữ, Phật tử gần xa thành tâm lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm tại Quán Âm Phật Đài

Bạc Liêu: Tết Nguyên tiêu nơi mái chùa dân tộc

2 tháng trước
0
Next Post

NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM Ở HAI ĐẦU NGÀN NĂM VĂN HIẾN (GS Vũ Khiêu)

DI SẢN VĂN HÓA CỦA KORYEO (Thích Vân Phong)

Bài viết xem nhiều

  • Quang cảnh khoá tu

    Bạc Liêu: Khóa tu thanh thiếu nhi chủ đề “Quá trình tu học” tại chùa Hải Triều Âm

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Lớp Giáo lý Phật học tại chùa Phong Lợi chủ đề “Lược sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni”

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Trang nghiêm Lễ An vị tôn tượng Đức Phật Dược Sư tại chùa Giác Hoa

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh trao 100 phần quà tại thị xã Giá Rai

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Chùa Giác Viên trao 200 phần quà cho bà con nghèo và người già neo đơn

    0 shares
    Share 0 Tweet 0

Thông báo

Lưu trữ

Bạc Liêu: THÔNG BẠCH ĐẠI TRÙNG TU KHU QUÁN ÂM PHẬT ĐÀI (MẸ NAM HẢI BẠC LIÊU)

1 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thư mời Quý Phật tử tham dự Lễ đặt đá xây dựng khu Quán Âm Phật Đài

3 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thường Trực Ban Trị sự thông báo hành trì Đại bi chú-đảnh lễ Ngũ bách danh cầu nguyện xây dựng – đại trùng tu khu Quán Âm Phật Đài

3 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thường Trực Ban Trị sự thông báo hành trì Đại bi chú-đảnh lễ Ngũ bách danh cầu nguyện xây dựng – đại trùng tu khu Quán Âm Phật Đài.

4 tuần trước
0
Lưu trữ

Thông bạch: Tổ chức an cư kết hạ – Phật lịch 2567

4 tuần trước
0
Lưu trữ

Thông bạch của Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc trao tặng quà Xuân 2023 cho người có hoàn cảnh khó khăn

3 tháng trước
0

Ban trị sự

Tự viện

Từ thiện

Lịch vạn niên

03/2023
CNT2T3T4T5T6T7
 
 
 
 
 
 
1
10/2
2
11
3
12
4
13
5
14
6
15
7
16
8
17
9
18
10
19
11
20
12
21
13
22
14
23
15
24
16
25
17
26
18
27
19
28
20
29
21
30
22
1/2
23
2
24
3
25
4
26
5
27
6
28
7
29
8
30
9
31
10
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Liên kết website

  • Phật Giáo Việt Nam
  • Phật Giáo Org
  • Thư Viện Hoa Sen
  • Báo Bạc Liêu

Thống kê truy cập

  • 1
  • 93
  • 2.190
  • 198.063

GHPGVN TỈNH BẠC LIÊU

  • Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
  • Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
  • Điện thoại: 0949 111 848
  • Email: giacnghithich@gmail.com

VĂN PHÒNG & LIÊN LẠC

  • Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
  • Trụ sở: Chùa Long Phước 2/234 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Tp.Bạc Liêu
  • Điện Thoại: 0291.3696968
  • Email: phatgiaobl@gmail.com

THÔNG TIN TÀI KHOẢN:

  • Tên tài khoản: Quán Âm Phật Đài
    - Ngân hàng ACB: 949111888
    - Ngân hàng BIDV: 78510000999899
    - Chi nhánh Bạc Liêu.
  • Tên tài khoản: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
    - Ngân hàng BIDV: 78510000556869
    - Chi nhánh Bạc Liêu

© 2022 Phật Giáo Bạc Liêu - Trang Tin Điện Tử Phật Giáo Bạc Liêu

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Ban Chứng Minh
    • Ban trị sự
    • Các ban trực thuộc
  • Tin tức – Phật sự
  • Từ thiện xã hội
  • Lịch sử – văn hóa
    • Văn hoá phật giáo
    • Lịch sử văn hoá
  • Nhân vật – Sự kiện
    • Nhân vật
    • Sự kiện
  • Phật học
    • Tự viện
  • Trung cấp phật học