NHỮNG BỆNH THƯỜNG GẶP ĐẦU MÙA MƯA * Bs Lê Thuận Khi chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa thì độ ẩm sẽ tăng cao, đây là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển. Những bệnh thường xuất hiện bao gồm các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, bệnh tiêu chảy, viêm não Nhật Bản B ở trẻ dưới 15 tuổi và đặc biệt là bệnh có thể phát thành dịch lớn, đó là bệnh sốt xuất huyết… Thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh, từ nắng sang ẩm, khiến nhiều trẻ dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính ở trẻ dưới 5 tuổi là bệnh phổ biến nhất và có biến chứng nặng cũng là bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh của trẻ em. Triệu chứng ban đầu của bệnh là ho kèm theo sốt hoặc không sốt. Đại đa số trẻ mắc bệnh này sẽ tự khỏi nếu được cha mẹ chăm sóc đúng cách. Chỉ có một ít trường hợp diễn biến thành viêm phổi và nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây những biến chứng nặng như suy hô hấp, áp xe phổi, viêm mủ màng phổi và có thể dẫn tới tử vong. Bệnh thứ hai là bệnh tiêu chảy cấp: Do ruồi nhặng phát triển dễ gây nhiễm bẩn thức ăn… Trẻ em thì thích ăn vặt và có thể do thiếu quan tâm của cha mẹ. Bệnh có thể gây tiêu chảy ồ ạt, kéo dài. Khi phát hiện bệnh tiêu chảy nếu nhẹ thì cần cho bé uống nhiều nước, không nên kiêng ăn. Nếu phát hiện trẻ bị bệnh nặng thì cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị đúng quy định. Tiếp đó là bệnh có thể để lại di chứng nặng nề cho gia đình và xã hội đó là viêm não Nhật Bản B. Bệnh có triệu chứng như sốt, có thể viêm hô hấp như ho, khó thở hoặc triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, ói mửa… Dấu hiệu nổi bật nhất là rối loạn thần kinh như mất ngủ, quấy khóc, nhức đầu, rối loạn giao cảm, suy hô hấp, suy tuần hoàn, nhiễm trùng thứ phát và có thể tử vong trong giai đoạn này. Bệnh mà ai cũng có thể biết đến là bệnh sốt xuất huyết, vì bệnh có thể xảy ra thành dịch lớn. Bệnh có các triệu chứng chính như sốt và xuất huyết da. Nếu bệnh nặng sẽ có các triệu chứng như sốc, trụy tim mạch… Sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh sốt xuất huyết độ I và II có thể điều trị tại nhà nhưng phải theo dõi sát, đề phòng chuyển độ. Điều trị sốt bằng lau ấm, không được cắt lễ, cần cho uống nhiều nước. Nếu trẻ ói nhiều, không thể bù đủ dịch theo đường uống hoặc xuất hiện những dấu hiệu nặng, phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Cách phòng bệnh chính là cần ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ gây bệnh như: tránh để trẻ bị nhiễm lạnh đột ngột, suy dinh dưỡng, kém vệ sinh,… Cần phải vệ sinh cá nhân hằng ngày, vệ sinh môi trường sạch sẽ, phòng tránh muỗi đốt và đặc biệt là cần phải tiêm ngừa cho trẻ đối với các bệnh có vắc-xin dự phòng. Cần tích cực tham gia thực hiện tốt chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng để phòng tránh dịch sốt xuất huyết. Vấn đề phòng bệnh rất quan trọng, việc phát hiện bệnh sớm, có chế độ điều trị thích hợp sẽ ít để lại biến chứng. |
Cập nhật ( 30/04/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com