NHỚ TẾT Ở QUÊ
* Nguyễn Vũ
Về chợ lâu rồi không thấy Tết ở quê. Lâu rồi không thấy quết bánh phồng, gói bánh tét và cái không khí rộn ràng trong xóm của những ngày giáp Tết. Nhớ hồi còn ở quê, khoảng từ hai mươi ba đưa ông Táo về trời đến chiều ba mươi Tết, gió ngoài đồng thổi rao rao, chiều se lạnh và những ngố lúa đã giăng đầy trên những cánh đồng vàng ươm gốc rạ, lòng cảm thấy lâng lâng trước cảnh thanh bình nơi chốn quê mình trong những ngày năm hết, Tết đến. Lúc này, nhà nào trong xóm cũng đã chuẩn bị một vài món để ăn Tết. Nhà thì phơi khô, những con khô lóc vàng ươm tát đìa từ tháng trước, hoặc cá kèo hoặc khô sặc bổi, nhà thì làm dưa kiệu hay mắm tép giờ này đã ăn được nhưng vẫn còn phơi thêm nắng, cho ngon.
Bọn trẻ con thì mê mẩn nhìn những bánh mứt sên trên bếp ngọt lừng, thơm phức. Nhớ những viên kẹo mãng cầu gói trong giấy kiến thật khéo và đẹp. Bàn thờ Tổ tiên ông bà được trang hoàng và chưng dĩa ngũ quả có trái mãng cầu, trái dừa, đu đủ và xoài để cầu mong quanh năm vừa đủ xài! Nước đã kéo đầy ở lu, mái trong bếp, gạo đầy khạp và muối cũng đầy trong hũ..Ngoại dặn Tết thì cái gì trong nhà cũng phải đầy để quanh năm nhà được sung túc. Những tín ngưỡng hồn hậu xưa của ông bà đã ăn vào tâm thức và trở thành tập quán rất nhân văn, vì lẻ đời yên ấm và con cháu được no đủ. Và, có lẽ cái hình ảnh, cái tình cảm khó quên nhất của thời khắc giáp Tết là chiều ba mươi Tết. Một nhành mai với rất nhiều nụ được chưng trên bàn thờ, mâm cơm cúng ông bà cuối năm có món thịt kho hột vịt, bánh tét và dưa kiệu hoặc dưa giá, khói hương trầm ấm, thiêng liêng..Không khí ấm cúng của buổi chiều tất niên gia đình sum họp nghe bồi hồi, cay cay trong mắt. Người lớn uống với nhau ly rượu mừng, chúc nhau điều tốt đẹp, trẻ con thì xênh xang áo mới..
Bây giờ thì chiều cũng đã muộn, gió mênh mang thổi dài theo xóm, nghe tiếng lá vách nhà ai kêu lạch xạch; sân nhà nào cũng tinh tươm, khói đốt lá khô trắng đục mờ mờ ở góc vườn, trông thật yên ả, thanh bình. Ở quê hay trồng mai xuống đất, trước sân hoặc bên hiên, được lặt lá để ra nụ và bông vào Tết, lúc này đã khoe những bông mai vàng xinh xắn rung rinh trong làn gió nhẹ cuối năm. Nhà trong xóm đã lên đèn và bánh tét cũng gói vừa xong, "ông táo" được kê sau vườn để có thể nấu nhiều bánh trong cái nồi thật to. Đêm, ngọn lữa bập bùng trong mắt, hồng lên đôi má và rưng rưng trong niềm vui ấm áp, đơn sơ..
Những niềm vui ấm áp đơn sơ, những hồi ức và kỉ niệm yên bình nơi quê nhà ấy cứ đau đáu trong lòng người xa quê, nhất là vào những ngày cuối năm, chiều ba mươi Tết.
Có lẽ vì vậy mà có doanh nhân lên chốn thị thành làm ăn thành đạt, sống giữa phồn hoa mà không nguôi nhớ quê, đã ra vùng ngoại ô mua đất làm một cái làng nho nhỏ, để chiều chiều về đấy cùng những người bạn vong niên làm món cá lóc nướng trui, thẩn thờ nhìn khói rơm bay vòng mà nghe mùi vị quê nhà thấm sâu vào tâm khảm. Tôi cũng có một người anh thân thiết, có cách sống rất hay, cứ mỗi năm tết đến là cả nhà từ Sài gòn kéo nhau về Bạc Liêu, quây quần trong ngôi nhà xinh xắn của mình chiều ba mươi Tết, xúm nhau gói bánh tét trong sân vườn và cùng thức canh nồi bánh đón giao thừa. Rất vui, đầm ấm và ý nghĩa! Anh nói, bây giờ bánh tét ngoài chợ bán thiếu gì, nhưng vẫn giữ cái "nếp" nhà mỗi lần về quê chiều ba mươi Tết, như giữ gìn những gì tốt đẹp trong tâm thức, cho mình và cho các con.
Mới hay, Tết ở quê và những gì rất đẹp từ ngày xưa để lại, trong tập quán, thói quen, khung cảnh yên bình nơi chốn quê mùa đơn sơ mộc mạc vẫn luôn hiển hiện lung linh trong lòng người xa xứ, trong tâm thức và tình cảm của những người đã sinh ra và lớn lên bên ruộng vườn, bến nước, đã một thời ăn những cái Tết đầm ấm, ở Quê.
|