NHỚ TÁC GIẢ “BÔNG HỒNG CÀI ÁO” * Huỳnh Ngọc Thành Hàng năm cứ đến mùa Trăng Rằm tháng bảy, ca khúc “Bông hồng cài áo” lại tiếp tục làm thổn thức bao trái tim người. Bất cứ ở đâu, từ sân diễn dưới mái hiên chùa đến các tụ điểm sân khấu ca nhạc, trên sóng phát thanh – truyền hình, các mạng diễn đàn điện tử, thậm chí ở những phòng trà sang trọng . . . đều vang lên giai điệu mượt mà và ca từ ấm áp yêu thương “Một bông hồng cho em / Một bông hồng cho anh / Và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ…” đã được người nghe của mọi thời, mọi thế hệ đều ưu ái tự nguyện chắp cánh cho tác phẩm bất tử với thời gian. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã đi về cõi vĩnh hằng vào những ngày giáp Tết Kỷ Sửu (nhằm 16 tháng Giêng, 2009). Có thể xem đây là hung tin cuối năm Mậu Tý đến cho những thế hệ yêu thích dòng nhạc quê hương của ông. Đối với tôi, ông là người thầy đầu tiên của môn nhạc từ những năm trung học đệ nhất cấp (nay gọi là phổ thông cơ sở). Đồng thời là người anh trong phong trào đấu tranh đô thị từ những năm giữa thập niên 60. Tên tuổi của ông gắn liền với những thăng trầm thế sự qua các cuộc xuống đường đòi hoà bình tự do . . . Ở cương vị Phó chủ tịch Uỷ ban tranh đấu thanh niên – sinh viên – học sinh Đà Nẵng giai đoạn 1963-1964 và chủ bút báo “Sức Mạnh” – cơ quan tranh đấu của Hội đồng nhân dân cứu quốc Đà Nẵng. Mừng Xuân Mậu Thân 1968, ông chỉ huy đêm công diễn văn nghệ tại khuôn viên trường trung học Bồ Đề Đà Nẵng với sự tham gia đông đảo nam nữ học sinh cầm đuốc sáng làm nền cho tiết mục hợp xướng “Lửa Thiêng” do ông sáng tác. Có thể thấy ông là nhạc sĩ hiếm hoi của thời ấy, vừa sáng tác ca khúc lẫn hợp xướng được chỉ huy dàn dựng công phu. Giai đoạn 1970-1975, thế hệ chúng tôi tiếp bước cha anh để làm nên những chiến công đỏ rực đường phố. Căn nhà của ông toạ lạc trong kiệt 8 đường Hoàng Diệu (TP. Đà Nẵng) đã trở thành địa chỉ thân quen để chúng tôi dừng chân trò chuyện và học hỏi kinh nghiệm đấu tranh trong lòng đô thị. Nhiều khi chúng tôi trưng dụng cả chiếc xe gắn máy hiệu Suzuki màu đỏ của ông để làm những công việc cần gấp cho phong trào. Nhớ mùa Trung thu năm Tân Hợi (tháng 10-1971) chống bầu cử độc diễn, tôi và Đặng Thanh Tịnh (nay là Phó TBT phụ trách báo Thanh Niên) ghé nhà ông để hồ hởi báo tin bom xăng đã được các toán xung kích của Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng – phong trào công khai do Đặc khu Đoàn Quảng Đà chỉ đạo – xử dụng có hiệu quả trên đường phố Đà Nẵng. Ông hỏi ai là tác giả những chai bom xăng đầu tiên này. Tịnh chỉ thẳng vào tôi đang ngồi bên cạnh. Vậy là ông lấy bút đỏ ghi tên tôi vào sổ tay và nở nụ cười độ lượng : “Mai mốt có cảm xúc mới thì viết bài hát về Thành cho vui. Lòng dũng cảm của tuổi trẻ học đường cần được khích lệ kịp thời để cho phong trào phát triển . . .” Vào khoảng giữa năm 1973, món quà chia tay bất ngờ ông tặng tôi là tập nhạc “Trái tim Việt Cuộc đời của ông gắn liền với những thịnh suy thăng trầm theo mệnh nước và trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông vẫn hiện hữu trong lòng người yêu nhạc qua những sáng tác vang bóng mọi thời : Những ngày xưa thân ái, Thương quá Việt Nam, Tóc mây . . . Đặc biệt ca khúc Bông hồng cài áo là tác phẩm bất tử với thời gian để sống trọn vẹn qua những mùa Vu Lan hiếu hạnh tình người. Chính những lúc tâm trạng chao đảo, mất thăng bằng trong cuộc sống thì tôi lại tìm nghe và thầm khẽ hát theo Bông hồng cài áo, rồi đưa mắt nhìn quanh chợt nhận ra rằng mọi thứ khác đều vô nghĩa, chỉ còn những dòng ca từ đầy ắp hình ảnh yêu thương bình dị làm nao lòng đến chơi vơi ngay lúc khởi đầu trên nền nhạc đệm : “Một bông hồng cho em / Một bông hồng cho anh / Và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ . . . Rủi mai này mẹ hiền có mất đi / Như đoá hoa không mặt trời / Như trẻ thơ không nụ cười / Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm / Như bầu trời thiếu ánh sao đêm . . .” Thời gian cứ lặng lẽ trôi và bụi thời gian đã làm mờ phai những điều được mất giữa dòng sinh diệt. Tác giả ca khúc đã trở về với cát bụi vô thường và đã để lại cho trần gian nhạc phẩm Bông hồng cài áo – như một tặng phẩm dâng đời trong muôn kíêp không hề phôi phai. Đấy là tình mẫu tử thiêng liêng và nhờ đó đã nuôi dưỡng biết bao trái tim chan chứa yêu thương trong nhọc nhằn . . . Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930 – 2009) – một người thầy, một người nghệ sĩ tài hoa đã sống và làm việc hết mình cho đại nghĩa ! |
Cập nhật ( 02/09/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com