NHẤT TỰ VI SƯ BÁN TỰ VI SƯ * Quế Trân Thật vậy, một chữ cũng là thầy, nửa chử cũng là thầy. Đối với Quế Trân, Trân kính trọng và biết sơn tất cả những cô, chú nghệ sĩ dù chỉ trong vai trò đạo diễn nhưng đã tận tình hướng dẫn, rèn luyện cho Quế Trân rất nhiều như chú Bạch Long khi Quế Trân tham gia đoàn ĐÂBL lúc 8 tuổi; như cô Bạch Mai sau khi Trân về đoàn Dạ Lý Hương Tuổi Trẻ, đoàn Kim Hương; như… Nhưng hơn hết là tình cảm của ba – NSƯT Thanh Tòng. Ba vừa là đấng sinh thành, là thần tượng trong nghệ thuật và là người thầy dạy cho Trân hát. Trân nhớ lúc 4, 5 tuổi. Quế Trân đã thuộc nằm lòng những vở ba hát ở đoàn Minh Tơ, đoàn 2-84. Tình cảm của ba đối với vai diễn chính là lúc cảm xúc của Trân dâng đầy khi đứng trong cánh gà xem để rồi cùng khóc, cùng vui theo từng lớp diễn, từng số phận nhân vật mà ba trải qua. Từ nhỏ, Trân đã có niềm đam mê với bộ môn sân khấu truyền thống của gia đình – nó như mang một thần lực vô hình cuốn hút Trân với những mơ ước. Năm lên 9 tuổi, niềm ước ao của Trân đã thành sự thực… Quế Trân đã được diễn chung với ba, với các cô, chú trong đại gia đình bầu Thắng – Minh Tơ: vở “Trảm Trịnh Ân”. Lúc đó, cảm giác mình nhỏ bé biết bao nhưng lại được tràn ngập trong tình thương yêu dạy dỗ của gia đình. Trân đã thấy được sự lo lắng của ba, mẹ qua từng lời ca non nớt, từng nét diễn ngây thơ của Trân. Đó là lúc Trân thương ba mẹ hơn bao giừ hết, vì Trân biết ba mẹ luôn mong Trân là lớp kế thừa sự nghiệp nghệ thuật của dòng họ bên cạnh các anh, chị :Xuân Trúc, Ngọc Trinh, Trinh Trinh, Tú Sương… Vai Trịnh Ấn này là bước ngoặt đầu đời giúp cho gia đình yên tâm hơn và Trân được sự tin hơn khi “làm quen với thế giới sân khấu muôn màu, muôn vẻ. Trân đã có dịp diễn rất nhiều vai từ nhỏ đến lớn, từ đào thương đến đào võ… Nhưng có lẽ bất ngờ và ấn tượng nhất với Trân là vai độc mùi: Thiên Kiều công chúa. Không thể lường được bao nhiêu công sức, trí lực ba xây dựng cho nhân vật; cũng không nhớ bao lần Trân phải khóc, có lẽ vì tình cảm của Trân với nhân vật và cũng vì sự tiếp thu chậm khiến ba buồn, chưa hài lòng. Ba luôn dạy Trân: “Xem cái hay của người khác để rồi nghiên cứu tìm ra cái hay cho mình chứ không phải bắt chước rập khuôn”. Quế Trân hiểu được cái cơ bản mà người diễn viên cần phải rèn luyện. Mặt khác, Trân hiểu được trọng trách của mình đối với dòng họ nên cần phải nỗ lực, phấn đấu, đầu tư nhiều cho vai diễn. Nếu không có ba thì không có Thiên Kiều công chúa – Quế Trân như ngày nay. Nếu không có ba, mẹ đã nghiêm khắc đã giảng dạy cho Quế Trân hiểu sự cần thiết của kiến thức văn hóa thì Trân sẽ không có niềm hạnh phúc bên giải Triển vọng THT 98 – 99. Ba, mẹ là tất cả, cảm ơn ba, mẹ. Cám ơn cô Bạch Tuyết đã “điểm” cho Thiên Kiều công chúa nét hài hòa hơn. Nhìn ba luôn tâm huyết với nghề, mỗi khi bước ra sân khấu như có nguồn sinh lực thần kỳ giúp ba quên đau đớn của căn bệnh thấp khớp, ba luôn tâm niệm truyền hết kinh nghiệm hơn nữa đời người đã xây dựng thế hệ trẻ, Trân càng thương và tôn kính ba nhiều hơn. Mẹ, anh Nhựt Tân luôn là nguồn động viên lớn nhất mỗi khi Trân nản chí vì gặp vai diễn khó. Quế Trân thật sự hạnh phúc khi được sinh ra là một thành viên trong gia đình bầu Thắng – Minh Tơ. Trân càn tự nhủ phải học hỏi, rèn luyện không ngừng để không phụ lòng gia đình, dòng họ, các thầy và niềm tin yêu của quý vị khán giả. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com