NHẬT QUANG TỰ – NGÔI CHÙA ĐỘC NHÂT VÔ NHỊ
* Ninh Lộc
Xót xa trước những nghiệp cầm ca lúc xế chiều, NSND Phùng Há đã sáng lập Nghĩa trang Nghệ sĩ (sau 40 năm, đến nay đã có hơn 700 nghệ sĩ an nghỉ tại đây). Song song với việc quy tập hài cốt văn nghệ sĩ hình thành nên nghĩa trang thì một ngôi chùa cũng được dựng lên để người nghệ sĩ vốn mộ đạo có thể tìm thấy sự bình yên, tĩnh tại trong tâm hồn. Ngôi chùa tên Nhựt Quang tự nhưng chẳng mấy ai nhớ tới cái tên này mà vẫn gọi là chùa Nghệ sĩ. Lúc đầu, chùa chỉ nhỏ như cái am do ông Năm Công (Lê Minh Công), quản lý các đoàn hát, dựng lên để tu hành vào năm 1969. Đến năm 1972 thì một ban quản lý chùa và nghĩa trang chính thức được hình thành trực thuộc Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế. Ông bầu Thới (Nguyễn Văn Thới) làm chủ hội. Hội Nghệ sĩ ái hữu tổ chức nhiều đám hát hội và tích cực vận động các Mạnh Thường Quân để mở rộng, phát triển chùa. Tiếp sau ông Năm Công (đã lấy pháp danh là Thích Quảng An) thì những nghệ sĩ: Tư Thanh Tao, Bảy Bá, Ba Cẩn… cũng lần lượt khoác lên mình áo cà sa tu tại chùa. Từ khi hình thành cho đến nay có khoảng trên dưới 10 thầy tu nghệ sĩ, đặc biệt có cô Sáu Nết là ni cô duy nhất nhưng sau cô Sáu thì không thấy nữ nghệ sĩ nào muốn lánh cõi trần nữa (!?).
“Các thầy là nghệ sĩ nên ít nhiều cũng ảnh hưởng chất nghệ sĩ trong tu hành – ông bầu Xuân cười hóm hỉnh – Như ông Năm Công dựng chùa lên rồi không lâu sau bỏ chùa này đi đây đó, lên Củ Chi dựng chùa tiếp. Rồi khi đọc kinh thì cũng ảnh hưởng nghề nghiệp chút đỉnh nên âm điệu ngân nga như đang… ca vọng cổ vậy. Đặc biệt thầy Thích Quảng Minh tức nghệ sĩ Thanh Tao có giọng đọc kinh rất hay, bà con rất thích. Hồi đó khoảng 3 – 4 giờ mấy người bán rau cải gánh ngang đây thường dừng lại nghe thầy Tao đọc kinh đó”. Sư thầy chăm lo Phật sự trong chùa hiện nay là Thích Hồng Minh mà mọi người vẫn gọi là thầy Cả, cũng đã từng bôn ba theo các gánh hát ở tỉnh, giờ chọn nghiệp tu hành. “Chùa này đặc biệt lắm, không có trụ trì đâu. Chúng tôi chỉ có ban quản lý chùa chia ra 2 nhiệm vụ: “hành chính” là quán xuyến mọi việc trong ngoài chùa và “Phật sự” chỉ chuyên lo chuyện lễ nghi thờ Phật”, ông bầu Xuân cho biết. Tất cả bài vị, di ảnh của những nghệ sĩ đã an táng tại Nghĩa trang Nghệ sĩ đều được lưu giữ và thờ phụng trong chùa. Những dịp lễ tiết quan trọng hay lễ lớn của đất nước thì ngôi chùa này lại càng đặc biệt khi luôn rộn rã tiếng đàn ca do chính những nghệ sĩ chuyên nghiệp đương thời biểu diễn. Và từ lâu đây không còn là điểm đến của riêng giới cải lương nữa mà những ca sĩ tân nhạc cũng đến góp vui. Làm từ thiện chính là để trả ơn khán giả Hơn chục năm cuối đời, NSND Phùng Há cũng chuyển về chùa sống. Bà đã bỏ lại tất cả những hào quang chói lọi ngày còn là nữ vương (Mộng Hoa Vương), Mạnh Lệ Quân (Mạnh Lệ Quân), Lữ Bố (Phụng Nghi Đình), cô Lựu (Đời cô Lựu)… Bà chỉ là một cụ già lãng tai, nhớ nhớ quên quên. Nghệ sĩ Linh Châu, từng là học trò cưng của bà ở lớp đào tạo diễn viên cải lương Trần Hữu Trang, cho biết: “Mỗi lần vào thăm bà buồn lắm, bà lẫn rồi, lúc nhớ lúc quên. Chợt thấy chạnh lòng cho một tên tuổi lớn”. Duy chỉ có mối tình mặn nồng với sân khấu là bà không thể quên, đôi lúc bà còn khe khẽ hát được vài câu, lúc vui bà lại múa bộ Lữ Bố, vai diễn mà bà yêu thích nhất.
|
Cập nhật ( 29/01/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com