NHẤT ĐĂNG ĐẠI SƯ TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG TỪ NHẦM LẪN ĐẾN NGỘ NHẬN * Nguyễn Anh Huy Đọc bài viết “Nhân vật Đoàn hoàng gia – Nhất Đăng đại sư trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung dưới cái nhìn của các sử gia” của tác giả Anh Chương trong ấn phẩmHồn Việt Của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, tập 3 (tháng 5-2004), Tôi rất ngạc nhiên về những nhận định chủ quan cũng như những phóng bút của tác giả. Tác giả cho rằng: “có một khám phá khá thú vị…”bởi vì “có một sự thật đáng làm buồn lòng những bạn đọc vốn rất hâm mộ nhân vật Đoàn Nam Đế-Đoàn Trí Hưng trong tiểu thuyết Kim Dung. Sự thật ấy là khi bị quân Mông Cổ bắt, Đoàn Trí Hưng đã cam tâm đầu hàng giặc và còn tình nguyện dẫn 2 vạn quân… của hắn cùng đạo quân Mông Cổ tiến đánh Đại Việt ta. Đây là sự kiện có thật…sự kiện khá mỉa mai…”
Và tác giả đã có “ lời kết: Vậy là đã rõ, Đoàn Nam Đế hay Nhất Đăng đại sư trong chính sử chỉ là một tên vua tay sai hèn hạ…nhưng có một điều đáng nói, đấy là sự kiện tên vua Đại Lý Đoàn Trí Hưng (Nguyên sử và một số sử liệu dịch là Đoàn Hưng Trí)đã cúc cung tận tụy góp sức khuyển mã cho kẻ thù của chính mình tấn công nước Đại Việt yêu dấu của chúng ta – sự thật này chắc chắn sẽ làm thất vọng nhiều bạn đọc trước đây đã thần tượng nhân vật Đoàn Nam Đế – Nhất Đăng đại sư trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung”. Thật ra, những lời “khá mỉa mai…” của Anh Chương là kết quả của việc nhầm lẫn và suy diễn tùy tiện khi trích dẫn từ sách Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, NXBKHXH. Hà Nội, 1968 của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm. Anh Chương đã trích lại sách trên như sau: “Năm 1253, Hốt Tất Liệt và tướng U-y-rang-kha-đai vượt sông Kim Sa đánh chiếm thủ đô nước Đại Lý. Vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí (trong tiểu thuyết Kim Dung là Đoàn Trí Hưng) bỏ trốn. Năm 1254, Hốt Tất Liệt trở về Bắc, U-y-rang-kha-đai ở lại tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược. Đoàn Hưng Trí bị bắt ở Thiện Xiển và đầu hàng Mông Cổ…Cánh quân của U-y-rang-kha-đai được lệnh từ Đại Lý đánh thẳng xuống Đại Việt…Ngoài số quân Mông Cổ, tên vua Đại Lý còn đem 2 vạn quân…làm đội quân tiên phong…tiến vào Đại Việt…Hưng Trí…đánh Giao Chỉ…chết ở giữa đường…” Từ đoạn trên, tác giả Anh Chương giải thích về Nhất Đăng đại sư Đoàn Trí Hưng: “Về nhân vật này Nguyên sử và một số sử liệu khác dịch là Đoàn Hưng Trí, có lẽ do khác nhau trong phiên âm và từ tiếng Đại Lý ra tiếng Hán?”. Và vì lòng tự hào: “Đại Việt yêu dấu của chúng ta”, Anh Chương đã nâng bút: “Hy vọng rằng, một ngày nào đó không xa, một tiểu thuyết gia người Việt nào đó sẽ cho ra đời một bộ tiểu thuyết dã sử, và tại sao không, một bộ tiểu thuyết kiếm hiệp “Made in Việt Nam”, và hay lắm chứ nếu trong đó sẽ có nhiều nhân vật là những viên tướng của Đại Việt ta thời ấy…và đối thủ của họ sẽ là…Đoàn Trí Hưng…tất nhiên, trong các cuộc thư hùng của các đại cao thủ Đại Việt-Mông Cổ, Đại Lý, võ cổ truyền của Việt Nam ta…sẽ đấu với, và đánh bại…họ Đoàn nước Đại Lý (sự thật thì quân xâm lược Mông Cổ và bọn tay sai Đại Lý chẳng đã bị ta đánh bại đó sao?)”. Sau khi tìm đọc đoạn trích dẫn từ sách của Hà văn Tấn và Phạm Thị Tâm để đối chiếu, thì thấy câu “Vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí (trong tiểu thuyết Kim Dung là Đoàn Trí Hưng) bỏ trốn”, trong nguyên văn không hề có câu phụ chú trong ngoặc đơn. Như vậy, câu phụ chú đã nói là do chính Anh Chương thêm vào để tăng phần hấp dẫn cho độcgiả! Điều đáng nói thứ nhất, mở đầu bài, Anh Chương viết: “…trong các bộ trường thiên tiểu thuyết kiếm hiệp do ông (Kim Dung) sáng tác, có tới bốn bộ: Vỏ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu, Thiên Long Bát Bộ, Lục Mạch Thần Kiếm đều xuất hiện nhiều nhân vật mang họ Đoàn nước Đại Lý…”.Sự thật thì Vỏ Lâm Ngũ Bá không phải do Kim Dung sáng tác, còn Lục Mạch Thần Kiếm thì lại là một thiên trong trường thiên Thiên Long Bát Bộ! Thứ hai, tên Mông Cổ của Cốt Đài Ngột Lang nguyên văn viết là “U-ri-ang-kha-đai”, song Anh Chương đã trích lại rất nhiều lần là “U-y-rang-kha-đai”! Khi tự ý móc thêm câu “(trong tiểu thuyết Kim Dung là Đoàn Trí Hưng)” để giải thích “ về nhân vật này, Nguyên sử và một số sử liệu khác dịch là Đoàn Hưng Trí, có lẽ do khác nhau trong phiên âm và từ tiếng Đại Lý ra tiếng Hán?”, Anh Chương tỏ ra không hề biết Đoàn Trí Hưng và Đoàn Hưng Trí là hai vị vua khác nhau trong cùng một nước Đại Lý-Đoàn thị! Về mặt lý luận sử học, chúng ta thấy: Trong tiểu thuyết Kim Dung, Nhất Đăng đại sư xuất hiện đầu tiên trong bộ Anh Hùng Xạ Điêu, lúc đó xuất gia đã lâu; còn Đoàn Nam đế (tức Đoàn Trí Hưng, có sách dịch là Đoàn Chí Hưng), chỉ là cái bóng dĩ vãng của Nhất Đăng đại sư được hồi tưởng bởi các danh gia đương thời như Đông tà-Tây độc-Bắc cái-Lảo ngoan đồng…Anh Hùng Xạ Điêu viết về Temujin (Thiết Mộc Chân) đang tranh ngôi Đại Hàn và xưng Cinggis Quan (Thành Cát Tư Hãn), tức trước năm 1206, mà lúc đó Nhất Đăng đại sư theo sự mô tả của Kim Dung thì ít nhất cũng đã ngoài ngũ tuần. Trong khi, quân Mông Cổ tấn công Đại Việt lần thứ nhất là vào năm 1258, trong đó có cả quân Đại Lý do Đoàn Hưng Trí tiên phong. Nếu Đoàn Hưng Trí chính là Đoàn Trí Hưng như Anh Chương giải thích, thì lúc đó Nhất Đăng đại sư đã đắc đạo thêm hơn 50 năm nữa , tức đã vượt khung bách tuế! Không biết lúc đó, tức năm 1258, Nhất Đăng đại sư có còn sống để làm “một tên vua tay sai hèn hạ…cúc cung tận tụy giúp sức khuyển mã cho kẻ thù của chính mình tấn công nước Đại Việt yêu dấu của chúng ta “không?) Chỉ bằng một lối bắc cầu rất ngắn, chúng ta dễ dàng thấy ngay Nhất Đăng đại sư Đoàn Trí Hưng và “tên vua tay sai hèn hạ” Đoàn Hưng Trí là hai nhân vật hoàn toàn khác nhau và cách nhau khoảng 50 năm! Và để chứng thực cho lý luận đơn giản trên, tôi xin cung cấp độc giả thế phổ Đại Lý-Đoàn thị như sau: 1. Đoàn Tư Bình (937-944), 2. Đoàn Tư Anh (945), 3. Đoàn Tư Lương (946-952), 4. Đoàn Tư Thông (953-968), 5. Đoàn Tố Thuận (969-984), 6. Đoàn Tố Anh (985-1008), 7. Đoàn Tố Liêm (1009-1017), 8. Đoàn Tố Long (1018-1025),9. Đoàn Tố Trinh (1026-1040), 10. Đoàn Tố Hưng (1041-1043), 11. Đoàn Từ Liêm (1044-1074), 12. Đoàn Liên Nghĩa (1075-1079), 13. Đoàn Thọ Huy (1080-1081), 14. Đoàn Chính Minh (1082-1104), nhân vật trong Thiên Long Bát Bộ, 15. Đoàn Chính Thuần (1105-1107), nhân vật trong Thiên Long Bát Bộ, 16. Đoàn Chính Nghiêm (1108-1146), tức “Đoàn Dự” nhân vật trong Thiên Long Bát Bộ, 17. Đoàn Chính Hưng (1147-1171), 18. Đoàn Trí Hưng (1172-1199), nhân vật trong Anh Hùng Xạ Điêu, 19. Đoàn Trí Liêm (1200=1204), 20. Đoàn Trí Tường (1205-1238, cùng thời với Thành Cát Tư Hãn), 21.Đoàn Tường Hưng (1239-1251), 22. Đoàn Hưng Trí (1252-1253, người đầu hàng Mông Cổ , được viết trong sách của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm. Như vậy Đại Lý-Đoàn thị khởi đầu là Đoàn Tư Bình năm 937, trong Anh Hùng Xạ Điêu cũng có nhắc lại, trải qua 22 đới vua đến năm 1253 thì bị diệt. Và Đoàn Hưng Trí (vị vua cuối cùng), Đoàn Trí Hưng (vị vua thứ 18) là hai vị vua khác nhau cách nhau hơn khoảng 50 năm.. Và khi viết bộ truyện tiếp theo là Thần Điêu Hiệp Lữ, Kim Dung cũng đã nhắc lại sơ lược họ Đoàn để cho thấy hai nhân vật đã nói hoàn toàn khác nhau. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com