Nhận xét đánh giá đề tài: NỘI DUNG CÂU ĐỐI CHỮ HÁN TRONG MỘT SỐ CHÙA TIÊU BIỂU CỦA NGƯỜI HOA TẠI THÀNH PHỐ BẠC LIÊU của Ngô Hoàng Dũng và Nguyễn Hoàn Em * Trần Văn Chánh A. ƯU ĐIỂM – Với tinh thần ham mê nghiên cứu khoa học, trong bối cảnh Bạc Liêu, các tác giả đã có sự mạnh dạn đi vào loại đề tài nghiên cứu tương đối mới, mang tính thực tiễn cao. Đúng như đã tự nhận xét, qua việc nghiên cứu đề tài này, các tác giả cũng được tích lũy thêm vốn kiến thức cần thiết về văn hóa cũng như về thực tiễn địa phương, nhằm phục vụ cho nhu cầu học tập và công tác sau này. “Kết quả của đề tài còn có thể làm cho người đọc ít nhiều thấy được vai trò và ý nghĩa của câu đối chữ Hán như thế nào, từ đó góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc” (tr. 3). Theo sự hiểu biết của chúng tôi thì đây hầu như là lần đầu tiên loại hình văn học câu đối tại các miếu thờ người Hoa đã được ghi chép lại và trình bày một cách tương đối có hệ thống, góp phần cung cấp và bảo tồn tư liệu, giúp tăng thêm sự hiểu biết về đời sống văn minh tinh thần đặc sắc của cộng đồng người Hoa nói riêng và của người Việt tại thành phố Bạc Liêu nói chung. – Làm đúng quy cách của đề tài nghiên cứu khoa học, trên cơ sở đã nêu rõ được: lý do chọn đề tài, mục đích-nhiệm vụ nghiên cứu, đối tượng-phạm vi nghiên cứu, lịch sử vấn đề, phương pháp nghiên cứu, và giá trị đóng góp của đề tài đối với việc tôn vinh, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của địa phương Bạc Liêu cũng như của dân tộc. – Phương pháp nghiên cứu điền dã là thích hợp, đã có nhiều cố gắng qua việc khảo sát thực địa và ghi chép, kết hợp sử dụng các phương pháp liên ngành như ngữ văn học, văn bản học, và phương pháp so sánh đối chiếu, thống kê,… trong đó trọng tâm là phương pháp ngữ văn học với các thao tác phân tích, tổng hợp. – Cung cấp được một số kiến thức liên quan về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán… địa phương giúp đọc hiểu sâu sắc hơn những câu đối ở các miếu thờ người Hoa. B. KHUYẾT ĐIỂM Ngoài những ưu điểm khá cơ bản như trên, sau khi đọc kỹ đề tài, chúng tôi có một số nhận xét-đánh giá về một số mặt khuyết điểm như sau: 1. Tính mất cân đối Biểu hiện ở một số điểm cụ thể như sau: – Đề tài là “Nội dung câu đối chữ Hán…chùa Hoa Bạc Liêu” nhưng phần chính “Nội dung câu đối” lại rất ít, chỉ chiếm có 10 trang (từ trang 29 đến 39), trong tổng số 55 trang của đề tài. Lẽ ra các phần trình bày có tính chất khái quát ở trước (như “Khái quát về câu đối chữ Hán”, về Nguồn gốc, Khái niệm, Phân loại…) và ở sau (“Sơ lược quá trình hình thành và phát triển các chùa…”) chỉ nên trình bày sơ lược đủ hiểu thôi, nếu không thì đây sẽ trở thành một chuyên khảo về câu đối nói chung hơn là về câu đối chuyên biệt của chùa người Hoa Bạc Liêu. – Phần Phân loại câu đối quá dài (từ trang 10 đến trang 17), đến mức không cần thiết. Phần “Sơ lược sự hình thành và phát triển chùa người Hoa tại Thành phố Bạc Liêu” (tr. 25-29) có lẽ cũng hơi dài, có thể viết ngắn lại được. 2. Bố cục lộn xộn, trùng lắp – Tiết 3 (“Sơ lược về câu đối chữ Hán ở chùa người Hoa”, tr. 17) và tiết 4 (“Tổng quan về chùa người Hoa và câu đối tại chùa…”, tr. 19) thuộc Chương I tốt hơn nên cho nhập chung vào tiết 1 Chương II (“Sơ lược quá trình hình thành và phát triển các chùa người Hoa…”, từ tr. 25) thì sẽ hợp lý hơn. – Chương II chuyên khảo sát nội dung câu đối chữ Hán thì tiết 3 của chương II này bàn về nghệ thuật của câu đối chữ Hán cần được tách riêng. Nếu muốn gộp chung (Nội dung, Nghệ thuật) thì tên Chương II nên đổi lại thành “Nội dung và nghệ thuật câu đối chữ Hán ở chùa người Hoa tại Thành phố Bạc Liêu”. – Phần Phân loại câu đối ở tiết 2 Chương I (từ trang 10) dài dòng và trùng lắp. Thật ra không có sự phân biệt giữa cách phân loại theo Trung Quốc (tiểu tiết 2.1, tr. 10) và cách phân loại theo Việt – Bàn về câu đối nhập nhằng với bàn về thể loại hoành phi, do bị sai kiến thức, lẫn lộn khái niệm, như sẽ trình bày thêm ở mục 3 phía dưới. – Có những chỗ cần nêu thí dụ để minh họa thì lại không nêu, như mục “Phân loại theo đặc điểm nghệ thuật” (tr. 13), không cho thí dụ về các trường hợp Điệp tự liên, Phức tự liên…, làm cho người đọc rất khó hiểu. Ngược lại, có những chỗ khác lại cho thí dụ quá nhiều. Những thí dụ này ở các phần về sau còn được lặp lại nhiều lần thêm nữa. – Chương III “Thực trạng tồn tại và vấn đề bảo tồn…” lặp lại nhiều lần nhiều ý chung chung đã được trình bày ở các phần trước. Nội dung riêng của chương này cũng bị trình bày một cách dài dòng, trùng lặp, làm cho bài chuyên luận trở nên kém súc tích và không đảm bảo được tính trong sáng, ngắn gọn của ngôn ngữ khoa học. Có những câu, đoạn văn viết khá ngô nghê, về ý nghĩa, cũng như về câu chữ, phong cách diễn đạt-hành văn, chẳng hạn: “Bởi thế mới thấy việc làm ra câu đối là việc làm khó khăn và việc tìm hiểu về nội dung câu đối lại càng khó khăn hơn và việc bảo tồn và phát huy câu đối và một việc làm càng khó khăn hơn nữa, đòi hỏi phải có thời gian công sức không nhỏ. Như vậy, từ việc không biết về chữ Hán mà dẫn đến việc không đọc được cũng như không hiểu được nội dung câu đối đã ảnh hưởng rất lớn giá trị của câu đối trong đời sống đương đại. Câu đối chỉ dừng lại ở việc trang trí thêm cho kiến trúc ngôi chùa mà nội dung của câu đối mới có giá trị lớn lao.” (trang 45) 3. Sai kiến thức – Do lẫn lộn giữa khái niệm câu đối (đối liên) với hoành phi nên các tác giả đã dẫn ra đến mấy chục câu chữ trong hoành phi mà cho đó là câu đối. Sai lầm này bị phạm phải trong suốt tập chuyên luận khoa học. Đại khái những thành ngữ, quán dụng ngữ (cụm từ quen dùng) hoặc câu như sau đã bị nhận lầm làm câu đối: VẠN SỰ NHƯ Ý (tr. 10), HỘ QUỐC TÍ DÂN, ĐẨU TINH CAO (tr. 11), ĐỨC LƯU QUANG, HẢI ĐỨC SƠN CÔNG, KHẮC XƯƠNG QUYẾT HẬU, SINH KÝ TỬ QUY, AI TÍCH VÔ BIÊN (trang 12), VÂN ÁM DAO TRÌ, THIÊN THU VĨNH BIỆT (tr. 13), QUỐC THỚI DÂN AN… Có lúc không nhận lầm, nhưng liệt kê chung câu đối xen kẽ với hoành phi làm cho nội dung bài viết trở nên nhập nhằng, hỗn loạn. Cần xác định, câu đối phải luôn có hai vế đối nhau, như chính các tác giả đã nêu trong phần khái niệm-định nghĩa mở đầu: “Câu đối thuộc thể văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Cần nói thêm, đối (對) ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi. Câu đối là một trong những thể loại tiêu biểu của văn học Trung Quốc và Việt Nam” (tr. 13). Nhưng ngay cả định nghĩa trên đây của hai tác giả bài chuyên luận cũng không rõ ràng cụ thể và dễ hiểu bằng định nghĩa của giáo sư Dương Quảng Hàm, xin tiện nêu luôn để tham khảo: “Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng nhau. Một câu đối có hai câu đi song nhau, mỗi câu là một vế… Khi treo câu đối thì phải treo vế trên bên tay phải, vế dưới bên tay trái” (Văn học Việt – Dịch sai, dịch thiếu và bỏ sót những chỗ không hiểu. Vài thí dụ: + Câu đối thờ Chủ tiên Nương nương: 主 意 粉 花 紅 傾 紫 仙 娘 春 色 赤 白 蓮 Chủ ý phấn hoa hồng khuynh tử. Tiên nương xuân sắc xích bạch liên. Nghĩa : Cái ý của bà là thích được hoa hồng sắc tía. Người tiên có sắc đẹp mãi như hoa sen trắng hồng. Ở câu vừa dẫn, các tác giả không tra nghĩa 2 chữ “phấn hoa” nên mới dịch là “hoa hồng sắc tía”. Trong khi đó “phấn hoa” là đồ trang sức trên trán của phụ nữ thời cổ. Chữ tử 紫 cuối vế trên phải coi như danh từ với nghĩa “áo quần màu tía” thì mới đối được với danh từ liên 蓮 (hoa sen) ở cuối vế dưới. Chữ “khuynh” 傾 ở vế trên nghĩa không rõ và không thể đối lại với chữ “bạch” ở vế dưới, nhưng các tác giả cũng không giải thích rõ mà “dịch đại”. Chỗ này dường như có một khoản tồn nghi, mà chúng tôi đã tra sách, cũng như hỏi thêm vài bạn từng khảo sát về chùa người Hoa, vẫn chưa xác định được rõ. Hay có bị ghi sai chi tiết gì chăng? + 為 二 嫂 約 三 事 重 節 烈 原 氏 得 己 過 五 關 斬 六 將 恩 義 勢 在 當 行 Vị nhị tẩu ước tam sự trọng tiết liệt nguyên thị đắc kỉ Quá ngũ quan trảm lục tướng niệm ân nghĩa thế tại đương hành. – Tạm dịch : Phò hai chị dâu trọng ba điều tiết liệt không vì lợi riêng. Qua năm cửa quan trảm sáu tướng trên đường đi Chữ thị 氏 trong cụm từ “nguyên thị đắc kỷ” không rõ nghĩa (và không thể đối lại với chữ tại ở vế dưới). “Thế tại đương hành” dịch “trên đường đi” cũng không ổn. + Cụm từ “Nhân khang vật phụ” 人 康 物 附 (trang 35) mà dịch “người mạnh, vật khỏe” là sai hẳn, vì “phụ” 附 trong trường hợp này có nghĩa là “tăng thêm” (xem mục từ này ở Từ hải hoặc Hán ngữ đại từ điển), ý nói người mạnh khỏe của dồi dào… Câu “Đức quán càng khôn” 德 貫 乾 坤 (ở cùng trang 35) dịch “Cái đức có thể thay đổi cả càn khôn” cũng sai, vì “quán” có nghĩa “thông suốt, suốt qua” như nói “Trung quán nhật nguyệt”, “Nghĩa quán kim thạch” chứ không có nghĩa “thay đổi”. + Câu Khí tại Xuân Thu công tại Hán 氣 在 春 秋 功 在 漢 dịch “Khí phách và công lao hiển hách thì chỉ có tại Xuân Thu mới có được như ông” (tr. 39) thì dài dòng và vô nghĩa. – Ghi sai, đọc sai, như “hiến thoại” (thay vì “hiến thụy”) (tr.36). “Hiến thụy” là mang đến điều lành. Cũng vậy, câu Thoại khí trường quang 話 氣 長 光 (ở các trang 20, 30), nghi là “thụy khí” (khí lành), nghĩa là “khí lành sáng mãi”, chứ dịch “Lời nói và khí phách của ông sáng như ánh hào quang” (trang 30) là hoàn toàn sai cả về chữ lẫn nghĩa. Được biết, Hán ngữ đại từ điển cũng chỉ có mục từ “thụy khí” chứ không có “thoại khí” 話 氣… – Nhận định sai hoặc không sát thực tế: + Nói “đi kèm với nền Hán học là văn học, mà trong đó câu đối là một trong những nhân tố hạt nhân” (tr. 9), có vẻ như chưa ổn, không sát thực lắm. Cụm từ “cả một kho tàng” chỉ vào câu đối được lặp lại đến 3 lần trong bài. Đúng là Việt Nam có nhiều câu đối (như đã có bộ sưu tập 5000 hoành phi câu đối Hán Nôm do Trần Lê Sáng chủ biên, NXB Văn Hóa Thông Tin 2006), nhưng theo cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc viết trong sách Thú chơi câu đối (NXB Văn Hóa Thông Tin, 2001) thì câu đối chưa đến nỗi thành “hạt nhân” trong văn học như vậy. Theo Nguyễn Văn Ngọc “Câu đối cứ kể, không đáng đứng làm một loài văn thư Thơ, Phú, Văn bia, Văn tế…Câu đối, chẳng qua, chỉ là một lối văn vụn vặt, tính từng chữ, chớ không đếm từng trang, từng tờ…” (trích Lời tựa). + Nói trong “Trong đạo nhà Phật có thờ Tam Hoàng và Ngũ Đế. Vua Nghiêu, vua Thuấn là trong Tam Hoàng…” (tr. 36) là không đúng. Cũng như nói “Qua các câu đối trên, ta thấy được mỗi câu đối đều mang một hàm ý riêng, nhưng nó có một điểm chung là muốn khuyên răn và dẫn dắt con người đi vào cái thiện, từ bỏ con đường xấu. Nó không những mang một triết lý mà còn chứa cả một đạo lý làm người như thế nào của Phật giáo” (tr. 37) là sai. Những câu đối tác giả nêu ra chỗ này để minh họa cho tiểu mục 2.1 “Câu đối truyền tải đạo lý Phật giáo” (tr. 35) không có một câu nào có nội dung liên quan đến Phật giáo cả! Nếu có thì chỉ có một chút hơi hướm của Phật giáo qua việc sử dụng một vài từ ngữ nào đó mà thôi. Vì vậy có lẽ nên bỏ hẳn tiểu mục 2.1 (tr. 35) của chương II này thì phải hơn 4. Hành văn, câu chữ Diễn đạt tối nghĩa, nhập nhằng, thậm chí còn có những câu viết sai cả ngữ pháp, làm giảm bớt giá trị của đề tài khoa học vốn đòi hỏi một thứ ngôn ngữ thật gọn ghẽ, trong sáng. Thử nêu vài thí dụ: – “được ẩn chứa bên trong của nó” (tr. 7 ), nên bỏ “của nó”. – “đã thể hiện lên” (tr. 31và nhiều trang khác), nên bỏ chữ “lên”. – “Văn hóa là không biên giới, ở nơi đâu có con người sinh sống là ở nơi đó có nét văn hóa đặc trưng của dân tộc họ” (tr. 25 ). Chỉ cần viết lại “ở nơi đâu có con người sinh sống là ở đó có nét văn hóa đặc trưng”… – “biến cố đạo lý” (tr. 25), từ dùng khó hiểu. – “mang thể hiện” (tr. 24), nên bỏ “mang”. – “của người đương thời” (tr. 7), đúng hơn là “của người đời sau”. – “Phân loại theo cách dùng” (tr. 10), nên nói “Phân loại theo trường hợp (hoặc hoàn cảnh/ bối cảnh) sử dụng”. – “được phối hợp với bút hoạch (thư pháp)” (tr. 12), “bút hoạch” không phải “thư pháp”. – “Nhiều nước Á Đông đã xem câu đối là một loại hình nghệ thuật dùng để trang trí, nêu lên vẻ đẹp hài hòa, câu đối của các công trình kiến trúc” (tr. 17), viết thiếu chữ, tối nghĩa… – “Từ khi người Hoa đến định cư, làm ăn trên vùng đất Nam về tín ngưỡng, những ngôi chùa thờ Phật thường bị đồng hoá với những miếu thờ thần linh từ nguồn tín ngưỡng dân gian” (tr. 26), phải có dấu phẩy sau chữ “Nam”, câu mới có nghĩa. – “Nơi đâu có cộng đồng người Hoa sinh sống thì nơi ấy nhất định có ngôi chùa để thờ các vị thần. Hầu hết, các ngôi chùa người Hoa là thờ thần” (tr. 27), nên bỏ bớt đoạn “Hầu hết, các ngôi chùa người Hoa là thờ thần”, vì lặp ý không cần thiết. – “Trên bước đường di dân lập nghiệp, nguy nan luôn luôn đe doạ bởi sóng gió, bão tố” (tr. 27), sai ngữ pháp, tối nghĩa… – Câu sai ngữ pháp cũng khá nhiều (3, 4 trường hợp), chẳng hạn: “Nếu sự thờ ơ của nhiều bộ phận người dân trước những giá trị văn hóa đó thì sẽ dẫn đến tình trạng phai mờ và…” (tr. 45), chữ “nếu” nêu lên trạng ngữ chỉ điều kiện làm cho đoạn câu sau không có chủ ngữ; phải bỏ chữ “nếu”, và bỏ luôn chữ “thì” phía sau… 5. Thiếu sự cẩn trọng và kiểm tra Do thiếu cẩn trọng và tự kiểm tra bản thảo nên còn để lại rất nhiều sai sót không đáng có: – Nặng nhất là đọc ngược các câu đối, đưa vế dưới lên vế trên và ngược lại, như ở những câu: +Thần thông quảng đại vạn dân an Kim long hiến thoại thiên thu thánh (tr. 36) + Kì thiên hải ngục quỷ thần kinh Bát quái trường lưu thiên địa động (tr. 38) + Trung đồng nhật nguyệt nghĩa đồng thiên Khí tại Xuân Thu công tại Hán (tr. 39) (….) – Trích dẫn thiếu chữ: có 2 trường hợp trích dẫn câu đối nhưng số chữ của vế trên và vế dưới chênh lệch nhau 1 chữ. – Do bất cẩn không đọc lại, nên ở mục Tài liệu tham khảo, có tài liệu bị ghi lặp lại tới 3 lần (ở các số 13, 14, 15). – Trình bày chữ viết không nhất quán, như: Quan Công có lúc viết Quan công, “hộ quốc tí dân” có lúc viết “hộ quốc tỳ dân”… – Sai chính tả và lỗi morasse phổ biến, như: đặc tại (đặt tại), đặc ở (đặt ở), đức tín (đức tin), ra sau (ra sao), các chết (cái chết), mãnh đất (mảnh đất), người Hệ (người Hẹ), có khoản từ (có khoảng từ), cữu thiên (cửu thiên), tổng quang (tổng quan), lại thần an (lại thần ân), hoặt có (hoặc có), hạo đảng (hạo đãng), tính ngưỡng (tín ngưỡng)…(còn sai nhiều nữa). Bài nghiên cứu khoa học, sau khi viết xong, cần đọc đi đọc lại nhiều lần để sửa cho hết các lỗi chính tả và lỗi in, nếu không sẽ làm cho công trình bị giảm giá trị và mất tin tưởng nơi người sử dụng, một cách đáng tiếc và cũng không đáng có. 6. Về quy cách trình bày văn bản khoa học và ghi tài liệu tham khảo Có một số khuyết điểm đáng lưu ý sau: – Trích dẫn không nêu rõ nguồn tư liệu, như trong phần “Lịch sử vấn đề”, khi dẫn chứng ý kiến của các tác giả Nguyễn Khuê, Nguyễn Hoàng Huy, Nguyễn Xuân Kính. Trong khi đó, ở phần Tài liệu tham khảo cũng không liệt kê tài liệu của những tác giả này. – Tài liệu tham khảo có vẻ vừa thừa vừa thiếu. Chưa ghi hoặc thực tế chưa tham khảo tài liệu của một số tác giả tiêu biểu nhất như Dương Quảng Hàm (Việt Nam văn học sử yếu, Văn học Việt Nam), Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (Thú chơi câu đối)…Cũng chưa tham khảo được tài liệu nào trên báo chí của các tác giả địa phương liên quan đến đình chùa miếu người Hoa (chúng tôi được biết tác giả Trần Phước Thuận đã có viết một số bài đăng trên các báo tại Bạc Liêu). Để học hiểu câu đối, các tác giả chỉ dùng Từ điển Hán Việt hiện đại của Trương Văn Giới (ghi trong mục Tài liệu tham khảo) là không đủ và không thích hợp, vì đây là từ điển Hán hiện đại, không có các nghĩa cổ. C. KẾT LUẬN Tuy còn không ít khuyết điểm như đã phân tích ở trên, tập đề tài nghiên cứu khoa học của hai tác giả Ngô Hoàng Dũng và Nguyễn Hoàn Em vẫn là một công trình rất đáng trân trọng vì hầu như là lần đầu tiên cung cấp được cho người đọc một cái nhìn khá chi tiết và có hệ thống về thể loại câu đối chữ Hán trong các chùa người Hoa tại Thành phố Bạc Liêu, một loại di sản văn hóa đáng quý đang cần được đào sâu nghiên cứu và tìm cách bảo tồn. Với tấm lòng yêu quê hương xứ sở và tinh thần say mê nghiên cứu khoa học, hai tác giả cũng đã bỏ ra nhiều công sức thật đáng hoan nghênh trong việc đi khảo sát thực địa và ghi chép tư liệu thực tế tại nhiều chùa cổ người Hoa trong địa phương Bạc Liêu. Vì là sinh viên còn đang trong giai đoạn thực tập nghiên cứu, một số sai sót của các em về trình độ Hán ngữ cũng như những thứ khác là khó tránh khỏi và dễ hiểu, cần được hướng dẫn thêm để hoàn thiện công trình và rút tỉa kinh nghiệm cho những công việc nghiên cứu khác có giá trị hơn về sau. Trong chiều hướng suy nghĩ như trên, chúng ta nhận thấy ngoài những ưu điểm đã được thừa nhận trong phần đầu bài phản biện, những điểm tồn tại sai sót được chỉ ra của công trình này là có thể tạm chấp nhận được, để chờ đợi chỉnh lý, bổ sung. Những khuyết điểm đã được nêu ra có thể còn chưa hết, nhưng điều đó hoàn toàn không phủ nhận chút nào sự bộc lộ năng khiếu và hướng tiến trong tương lai đã trông thấy rõ của những tác giả trẻ, nếu họ có tinh thần khiêm tốn, vô vụ lợi, luôn luôn nỗ lực và thật sự cầu thị trong học tập và nghiên cứu khoa học. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com