* Trần Phước Thuận Nhạc sĩ Nguyễn Hồng, tên thật là Nguyễn Văn Hồng, sinh ngày 12 tháng 4 năm 1956 tại Long An, anh theo cha mẹ về định cư ở Bạc Liêu từ năm 1960 và sống ở đây cho đến ngày nay. Nguyễn Hồng là người rất có năng khiếu về âm nhạc và hội họa, từ thuở còn tuổi thơ, khi mới bắt đầu vào bậc tiểu học đã được học âm nhạc song hành với chương trình phổ thông lúc bấy giờ. Khi lớn lên đến năm 1970, một người chị ruột thi đậu Tú tài được lên Sài Gòn học đại học Văn khoa, vì thương nhớ đứa em trai ở quê nhà say mê học nhạc, người chị đã mua về một cây đàn guitar hiệu Yamaha cho em mình đến lớp nhạc Khánh Giang nằm trên đường Lê Lợi (Bạc Liêu thời ấy), thế là cây đàn đã gắn liền với cuộc đời của Nguyễn Hồng từ đó.
Vào năm 1974, khi học lớp Đệ nhất (lớp 12 ngày nay) tại trường Trung học Bạc Liêu, Nguyễn Hồng được học môn Triết học do thầy Võ Hợi phụ trách giảng dạy, trong những tiết học thầy Hợi thường hay lồng ghép kiến thức âm nhạc vào trong phân môn Tâm lý học và Đạo đức học, có lần Nguyễn Hồng được nghe thầy Hợi hát một ca khúc với những ca từ rất hay và giàu giai điệu đã làm xao xuyến lòng người và bao thế hệ học sinh lúc bấy giờ: “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa. Hoàng Hạc bay bay mãi bỏ trời mơ. Về đồi sim ta nhớ người vô bờ…”. Về sau khi hiểu ra đó là ca khúc do thầy của mình sáng tác mang tựa đề là Thu, hát cho người với bút danh Vũ Đức Sao Biển. Cũng từ đó Nguyễn Hồng bắt đầu học sáng tác ca khúc và được thầy Hợi dìu dắt. Tác phẩm đầu tay của anh mang tên Lặng nghe phù sa hát. Trước năm 1975, chiến trường miền nam trở nên khốc liệt, những thanh niên trong hạn tuổi 18 đều bị bắt lính, rất may mắn anh được hoãn dịch vì lý do học vấn là học sinh sống nơi thành thị nhưng Nguyễn Hồng vẫn luôn ý thức đựơc tính dân tộc, tình yêu quê hương qua những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Việt Nam ơi! Xin hãy vùng lên, Ngày mai đây dưới bóng cờ thiêng, Ta hãy nhìn quanh tuổi trẻ đứng thành hàng, Anh bước đi, tôi bước đi, Em với chị bước theo, Tìm Việt Nam Xưa yêu dấu, Ta đi trong cách mạng tự hào. Sau ngày miền Nam được hòan tòan giải phóng, Nguyễn Hồng theo học ngành sư phạm khi ra trường ngoài việc đi dạy học anh còn tham gia các hoạt động phong trào văn nghệ ở địa phương, sáng tác những ca khúc xung kích và dòng thác nhạc cách mạng tuôn chảy trong anh, từ đó anh cho ra đời những ca khúc như: Những người bình dị quê tôi, Lặng nghe phù sa hát, Giá Rai sáng mãi tình em,Khúc hát về Bạc Liêu, Khúc ca ba dân tộc. Có lẽ vùng đất Long Điền Tây đong đầy chất thơ đã gieo vào lòng anh niềm cảm xúc ngọt ngào đã viết lên “Ai có về thăm lại Bạc Liêu, xin ghé qua Long Điền Tây nhé, Gành Hào một chiều nghe câu hát Hoài lang, qua Kinh Tư muối trắng diêm điền, em gái xuân xưa tóc dài trong gió”. Xứ Long Điền Tây một thời anh về nơi đó dạy học đã từng được ăn những trái dưa lòng tôm của người dân Xóm Rẫy, từng được ăn những hạt muối Xiêu Hẫu của diêm dân Kinh Tư – Gò Cát, trong nội dung bài thơ mang đầy tâm sự của anh: “Bao giờ ta trở lại Khâu Cây Bông. Chắc mẹ giờ đây tóc bạc lưng còng. Đồng muối Kinh Tư tình diêm dân thắm đượm. Muối của biển trời có vị mặn mồ hôi”. Năm 2000 anh được mời dạy môn âm nhạc tại trường THCS Võ Thị Sáu (Thị xã Bạc Liêu). Trong thời gian này, vào một buổi chiều khi tan giờ học, hình ảnh các em học sinh trong tà áo trắng tinh khôi đã gợi cho anh một câu hát “Khi tiếng trống trường tan như những đàn chim bay về muôn hướng” và trong đêm ấy, anh đã viết ca khúc Trường Võ Thị Sáu chúng em. Sau đó ít lâu ca khúc được dàn dựng đi dự thi tiếng hát Hoa Phượng Đỏ tỉnh Bạc Liêu đoạt giải Nhất, được Ban Giám hiệu trường Võ Thị Sáu và Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Bạc Liêu công nhận làm bài hát truyền thống của trường. Tuy chưa được in ấn, nhưng Nguyễn Hồng đã có số lượng tác phẩm khá nhiều, gần 100 ca khúc với nhiều thể loại khác nhau, có những ca khúc đoạt giải được giới thiệu và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Khúc hát về Bạc Liêu, Bạc Liêu khi xuân về, Khúc ca ba dân tộc, Xuân thanh bình… Hơn ba mươi năm xa cách anh mới có dịp trở lại Gành Hào – Xóm Rẫy năm xưa, bây giờ đã thay đổi nhiều, xe chạy trên con đường lộ nhựa bê tông mà nhớ con đê còm ngày ấy mỗi lần con nước ba mươi tràn ngập qua đê. Cảnh cũ người xưa không còn nữa, nhưng Đông Hải đổi mới ngày nay đã làm cho anh vui mừng và có ấn tượng tốt đẹp về miền quê biển thân thương này, anh đã sáng tác ca khúc Đông Hải quê tôi, khi dự thi tại huyện năm 2013, anh đoạt giải Nhì (cuộc thi không có giải nhất). Nguyễn Hồng sống lặng lẽ bình dị đi tìm và góp nhặt cho sáng tác, hơn mười năm anh cộng tác trong chương trình Tiếng Thơ của Đài Truyền hình Bạc Liêu với vai trò thổi sáo Tao đàn. Ngoài ra anh còn tham gia viết thư pháp và sinh hoạt hội họa, đã từng đoạt giải nhất về Thư pháp tiếng Việt trong cuộc thi của ba tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau tổ chức tại Thành phố Sóc Trăng vào đầu năm 2013. Anh thường tâm sự về cuộc đời mình, ngoài sự đóng góp của bản thân, còn phải nuôi dạy các con nên người để góp phần cho xã hội và anh đã làm nên điều đó, hiện nay đứa con trai lớn là Thạc Sĩ – Bác Sĩ Nguyễn Đức Duy đang công tác tại bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ, đứa con trai kế là Kiến trúc sư Nguyễn Khiêm hiện đang làm việc tại Công ty Kiến trúc Alas của Anh Quốc, cô gái út Nguyễn Thị Bích Ly đang học cấp II. Tạo được thành quả tốt đẹp này cũng có một phần công lao không nhỏ của bà Nguyễn Thị Bích Vân người vợ đảm đang của Nhạc sĩ Nguyễn Hồng. Những lần đi dự trại sáng tác ĐBSCL anh được đánh giá là viết rất khỏe, những tác phẩm dự trại đều được đăng trên Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam và các tạp chí khác. Nhạc sĩ Nguyễn Hồng hiện là một thành viên của Chi hội Âm Nhạc tỉnh Bạc Liêu, anh được kết nạp Hội viên của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam năm 2014. Hy vọng niềm đam mê sáng tác tác thơ ca và âm nhạc của anh luôn tuôn chảy trong lòng để quê hương Bạc Liêu có thêm những tác phẩm mới. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com