NHÀ VĂN, NHÀ BÁO LÊ VĨNH HÒA MỘT NHÂN CÁCH NGƯỜI CẦM BÚT * Phan Vĩnh Lộc Thưở thiếu niên, tôi đã sớm yêu văn chương, tôi đọc ngấu nghiến và tôi yêu hai con người viết văn, làm báo gần gũi với Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, đó là Nguyễn Mai và Lê Vĩnh Hòa. Nếu truyện ngắn mối tình năm cũ của Nguyễn Mai được nhiều thanh niên thuộc lòng, thì truyện ngắn Tiếng hú rừng khuya của Lê Vĩnh Hòa làm đau đớn họ. Đó là một truyện ngắn đọc xong thì chảy nước mắt vì cái tài của người viết. Lê Vĩnh Hòa đã gói trong câu truyện ma quái rợn người một gia đình, một thân phận bi thương đến tột cùng của một phụ nữ do giặc Pháp gây ra.
Sau này, khi được đứng vào hàng ngũ Hội Nhà văn Việt Nam, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều cây đa cây đề trong làng văn, làng báo, thì người ta đánh giá rằng Lê Vĩnh Hòa là cây đại thụ của văn chương, báo chí miền Nam. Thế là càng yêu quý Lê Vĩnh Hòa hơn, tôi đã tìm đọc tác phẩm của ông ngày càng nhiều. Càng đọc Lê Vĩnh Hòa, tôi càng quý trọng ông bởi một nhân cách lớn: đi tới cùng lý tưởng mà mình đã chọn. Tôi tâm niệm rằng, có dịp sẽ ghé nhà ông, thắp cho ông một nén nhang. Thế rồi, cái ngày đó cũng đến. Đó là hôm tôi được mời đi dự đêm thơ Tết Nguyên tiêu năm 2013 của rỉnh Sóc Trăng. Tôi đã đánh xe xuống chợ Bãi Xàu để tìm thăm nhà văn quá cố. Đó là một ngôi nhà to, mô típ châu Âu, được xây vào thời Pháp thuộc. Tiếp tôi là bà Lê Thị Hạnh, vợ nhà văn. Bà Hạnh năm nay đã gần 80 tuổi, đầu bạc trắng. Nhìn ngôi nhà, nhìn tấm ảnh thời son trẻ rất đẹp của bà Hạnh, tôi nhận ra đây là một gia đình trâm anh thế phiệt. Thật vậy, sau khi hướng dẫn cho tôi bày hoa quả thắp nhang tưởng niệm nhà văn, bà Hạnh kể, cha bà vốn là một địa chủ lớn của vùng Bãi Xàu. Nhưng ngay khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông đã hiến hàng chục ngàn công đất cho cách mạng để chia cấp cho dân nghèo. Vì thế ngôi nhà và tài sản của ông vẫn còn được Nhà nước công nhận cho đến hôm nay. Còn bà Hạnh là con một gia đình giàu, được học hành đến nơi đến chốn. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, mặc dù còn nhỏ nhưng bà đã sớm giác ngộ cách mạng tham gia đoàn thể phụ nữ. Lúc này vào khoảng năm 1946, Lê Vĩnh Hòa đã tham gia cách mạng, rồi đến năm 1948, được cử đi học trường Nguyễn Văn Tố. Sau đó làm việc tại Văn phòng Mặt trận liên Việt tỉnh Sóc Trăng. Mối tình của bà Hạnh được bắt đầu từ việc giới thiệu của mấy chú lãnh đạo Tỉnh ủy. Khi đó Lê Vĩnh Hòa cũng đã viết văn, làm báo. Thế nhưng, bà Hạnh chỉ yêu văn của Trang Thế Hy vì văn của nhà văn này mượt mà, gợi hồn lớp trẻ, còn văn của Lê Vĩnh Hòa thì khô như viết báo. Vậy mà bà yêu Lê Vĩnh Hòa, bà yêu nhà văn bởi một phẩm chất hăng hái cách mạng. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Lê Vĩnh Hòa ở lại miền Nam công khai viết báo và bí mật phụ trách công tác vận động thanh niên, học sinh tại Sóc Trăng. Chính lúc này, nhà văn và bà hạnh cưới nhau và có một người con hiện làm việc cho một ngân hàng ở Cần Thơ. Bà Hạnh nói, cưới nhau chưa được bao lâu thì Lê Vĩnh Hòa bị Mỹ Diệm bắt (năm 1958), ông bị tra tấn dã man nhưng vẫn giữ khí tiết. Đến năm 1963 chúng thả ông ra và ông vào vùng kháng chiến tham gia công tác tuyên huấn ở Bộ tư lệnh Phân khu miền Tây. Ông tiếp tục viết văn, viết báo trên khắp chiến trường miền Tây Nam bộ để động viên, cổ vũ quân dân ta chống Mỹ Diệm cứu nước. Lê Vĩnh Hòa sinh ở Bình Định. Cha ông là một nhà nho yêu nước, tham gia chống Pháp bị truy lùng phải mang gia quyến vào sống tại ấp Ngọc Trúc, xã Vĩnh Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiêng Giang lúc Lê Vĩnh Hòa mới 6 tuổi. Lê Vĩnh Hòa tên thật là Đoàn Thế Hối, sau này viết văn ông lấy bút danh là Lê Vĩnh Hòa, tên quê hương thứ hai của mình. Bà Hạnh nói Lê Vĩnh Hòa là một con người không màng danh lợi. Ông thành danh rất sớm. Chưa đầy 30 tuổi ông đã khẳng định tài năng văn chương, báo chí miền Nam khi ông viết cho các tờ báo công khai thời đó: Công nhân, Bông lúa, Phụ nữ diễn đàn, Tiến thủ, Nhân loại… Hơn nữa, Lê Vĩnh Hòa lại có một người anh ruột là nhà văn Võ Phiến làm bồi bút cho Mỹ ngụy. Thế nên Mỹ ngụy ra sức dụ dỗ ông, nhưng Lê Vĩnh Hòa vẫn một lòng sắt son với đất nước, với cách mạng. Vào những năm cuộc kháng chiến của quân dân miền Nam bước vào thời kỳ gian khổ, đau thương, mất mát nhất thì cũng chính là lúc Lê Vĩnh Hòa viết hăng say nhất. Ông đã theo bộ đội du kích đánh giặc, vào các vùng giặc bình định để viết về phong trào chống Mỹ của nông dân. Văn chương, các tác phẩm báo chí của ông ngồn ngộn sức sống của phong trào miền Nam đánh Mỹ cứu nước. Đó là truyện ngắn Người tỵ nạn nổi tiếng, lật tẩy bộ mặt giả trá của công cuộc bình định miền Nam của Mỹ Diệm. Đó là nhiều bút ký như Đốm lửa Mặc Đây, Khóa đít xe bọc thép, Xung kích, vài mẫu chuyện chiến đấu trong trận phá càn ở Vĩnh Hòa Hưng… Càng đọc tác phẩm của Lê Vĩnh Hòa, tôi càng cảm được nhiều điều thú vị. Trước tiên, tôi hiểu được tư cách nhà báo của ông. Ông xông xáo xuống tận trận địa để viết những gì nhân dân làm trong điều kiện khó khăn, chết chóc rình rập. Đó là những công việc như nhân dân đào hầm vót chông bẫy giặc. Đó là cách đánh hay, bất ngờ và hiệu quả của một anh du kích hiền lành. Một điều thú vị nữa là đọc tác phẩm của Lê Vĩnh Hòa, tôi nhận ra nhiều địa danh quen thuộc của Bạc Liêu như Mặc Đây, Nàng Rền, Nhà Thờ, Chắc Đốt… Qua đó chứng tỏ rằng, nhà văn đã có những năm tháng đồng hành cùng tháng năm gian khó mà hào hùng của quân dân Bạc Liêu. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lúc bấy giờ Bạc Liêu thuộc Sóc Trăng. Đọc tác phẩm báo chí, văn chương của Lê Vĩnh Hòa, ta cảm thấy như được tiếp cận một biên niên sử của cuộc chiến đấu đẫm chất anh hùng ca của quân dân Bạc Liêu và Nam bộ. Sự nghiệp văn chương, báo chí của Lê Vĩnh Hòa gắn chặt chẽ, tới cùng của kháng chiến chống thực dân đế quốc. Tháng 1/1967, khi đang cầm súng chống càn với quân dân xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, Cần Thơ thì Lê Vĩnh Hòa hy sinh anh dũng bên dòng kênh Thanh thủy. Năm đó, Lê Vĩnh Hòa chỉ mới 36 tuổi. Đây là độ tuổi sung sức nhất của một đời văn, đời báo. Mặc dù sự nghiệp viết ngắn ngủi, nhưng Lê Vĩnh Hòa đã để lại hàng trăm truyện ngắn, hàng trăm bài báo, tiểu luận và thơ… Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hội Nhà văn Việt Nam đã tập hợp truyện và ký in thành tập (tác phẩm Người tỵ nạn và tuyển tập Lê Vĩnh Hòa…). Lê Vĩnh Hòa được Hội Nhà văn Việt Nam công nhận là hội viên và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam công nhận là nhà văn quân đội. Lê Vĩnh Hòa đã được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật. Bà Lê Thị Hạnh bảo, phẩm cách và tài năng của Lê Vĩnh Hòa đã khiến bà thủ tiết đến tận bây giờ để mà yêu ông suốt đời. Còn tôi, trước thềm ngày 21/6 – Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cuộc đời Lê Vĩnh Hòa đã tặng cho tôi một nhân cách của nhà báo. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com