NHÀ THƠ TẠ QUỐC BỬU VỚI NHỮNG BẢN DỊCH THƠ ĐƯỜNG MỚI PHÁT HIỆN * Trần Phước Thuận
Bạc Liêu là một vùng đất có nhiều thế mạnh ở Nam bộ, không những là nơi có nhiều tiềm năng kinh tế, có tài nguyên phong phú đa dạng, một nơi đã từ lâu nổi tiếng với truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường, mà còn là nơi sản sinh ra lắm nhân vật lịch sử văn hóa kiệt xuất, trong số đó có Tạ Quốc Bửu – một nhà thơ lỗi lạc, từng là Hội chủ của Thi đàn Giá Rai trong những năm đầu thế kỷ XX. Ông là người có dòng họ nhiều đời ở Bạc Liêu, họ Tạ tên Anh tự Quốc Bửu, hiệu là Tinh Anh, sinh vào năm Kỷ Mão (1879) tại thôn Láng Giài, làng Hòa Bình tổng Thạnh Hòa, thời điểm đó thuộc hạt Sóc Trăng, nhưng sau khi trưởng thành cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gắn liền với vùng đất Giái Rai. Ông mất ngày 16 tháng 11 năm Ất Dậu (1945) tại nơi sinh quán. Đã để lại cho đời một tác phẩm nghệ thuật rất có giá trị, tác phẩm mang tên Tinh Anh thi tập với trên 600 bài thơ được chia thành 7 quyển, trong đó có cả các bản dịch thơ Đường và một số bài văn tế, câu đối do ông sáng tác. Tạ Quốc Bửu có khiếu làm thơ từ lúc thiếu thời, không những làm thơ rất hay mà dịch thơ Đường cũng rất giỏi, gần xa đều biết tiếng, không những nơi quê hương của ông mà cả những địa phương xa cũng biết đến nghệ thuật độc đáo của con người tài ba này. Trong số những người hâm mộ và có liên hệ với ông có những người rất nổi tiếng như Đồ Nam, Nguyễn Trung Hòa, Vũ Thượng Chi, Trần Thế Hanh, Dương Minh Chí, Nhiêu Tân, Tản đà, Cao Hải Để… và nhiều nhà báo lớn lúc đó đã đến gặp ông để mời hợp tác như : Nguyễn Chánh Sắt (chủ bút Nông Cổ Mím Đàm), Nguyễn Tử Thức (chủ bút Lục Tỉnh Tân Văn), Nguyễn Kim Đính (chủ bút Đông Pháp thời báo)… Nhưng ông đều từ chối mọi sự hợp tác – không gởi một bài thơ nào đăng báo. Theo những người hiểu biết kể lại thì thơ của ông chủ yếu chỉ để ngâm vịnh với những người tri âm tri kỷ mà thôi. Điều này nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu đã xác định trên Đồng Nai văn tập số 6 –1966 “Sáng tác của cụ rất phong phú, nhưng cụ chỉ trao qua cho bè bạn ngâm bình đối họa chớ không mấy khi chịu đưa cho đăng”. Có lẻ vì vậy nên tác phẩm của ông mặc dù có nhiều nét độc đáo nhưng rất sớm bị mai một. Năm 1909 ông thành lập Thi đàn Giá Rai quy tụ rất nhiều thi nhân của xứ Bạc Liêu lúc bấy giờ, nhưng nhóm của ông cũng chỉ sinh hoạt trao đổi tác phẩm với nhau, không phổ biến rộng ra bên ngoài. Sau khi ông qua đời, Tinh Anh thi tập do con cháu ông bảo quản – xem như một bảo bối của dòng họ Tạ , tuy nhiên cũng có người cho rằng nếu cứ khư khư cất giữ thì sẽ có một ngày di vật này phải bị hư mục vì dù sao nó cũng chỉ là một quyển sách viết tay; có lẽ nghĩ như thế là đúng nên bác sĩ Hồ Văn Nhựt – một trong những thân nhân của ông đã mạnh dạn giới thiệu Tinh Anh thi tập với nhóm Đồng Nai văn tập vào năm 1966; tiếp theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu viết một bài về Tạ Quốc Bửu đăng trên tạp chí này; kể từ đó người ta mới biết ở tận vùng đất “nhiều láng nhiều lung” ở phương Nam có một thi nhân tiền bối mang hoài bảo lớn, nhưng không tìm được hướng đi thích hợp, đành chôn chặt đời mình trong cái xứ cô liu tịch mịch này. Nhưng từ đó đến nay bộ Tinh Anh thi tập cũng chưa được nghiên cứu và cái tên Tạ Quốc Bửu cũng dần dần bị lãng quên, hơn 600 bài thơ do ông sáng tác qua mấy mươi năm chiến tranh đã bị thất lạc; người viết bài này may mắn sưu tập được một số bài thơ của ông, tuy với số lượng ít ỏi đó cũng đủ minh họa Tạ Quốc Bửu là một con người có chí khí thật cao khi ông tự ví mình như chiếc gối “Đỡ đầu thiên hạ khỏi co tay”, ông cũng giới thiệu mình là con người hữu dụng và có thực tài “Một lòng chất chứa lược thao đầy” và ông nói sẽ sử dụng cái tài năng ấy để “Giúp an già trẻ hồi nghiêng ngửa” hoặc “Ru khỏe tinh thần lúc tỉnh say”, nhưng rồi cái tài thao lược kia lại chẳng được đem ra thi thố. Mặc dù “Nợ lòng bốn biển cứ kêu đòi”, ông cứ mãi phân vân, chọn lựa vẫn không tìm được hướng đi; trong những thập niên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX những người yêu nước nổi lên chống Pháp đã có thật nhiều ở khắp nước ta, những con người sẵn sàng phơi gan trãi mật để sống chết với kẻ thù thì có thừa, nhưng đối với ông chắc có lẻ chưa tìm được minh chủ nên ông đã tâm sự “Trí mưu đành thiếu người khua mõ. Tài đức chưa ra mặt trổi còi” ; vì vậy ông đành im hơi lặng tiếng để mà “Ngay thảo xuôi cho trời đất biết. Ruột gan này có qủy thần soi”. Hoàn cảnh của ông lúc bấy giờ thật đúng là “Lở sanh cái lớp thằng cung kiếm. Xử sự dường như pháo nghẹt ngòi”. Cuộc sống ẩn dật của ông bề ngoài xem như một người đã trút hết bụi trần ai, nhưng thật ra tâm tư của ông không lúc nào được thoải mái vì cứ nhìn ra ngoài thì lại thấy nạn dân ách nước, ông luôn tự trách mình và ví mình như loài ốc bươu “Vỏ cứng bọc quanh hình vặn ngược. Vóc tròn uốn khúc ruột nằm co”. Từ trong sâu thẳm tâm hồn của ông luôn có những lời nhắc nhở “Tấm thân hữu dụng ông trời phó. Cái tiếng phi thường miệng thế cho. Giúp kẻ mù mờ con mắt sáng. Liều mình chi tiếc nhúm tàn tro”. Ông đã núp mình trong vỏ ốc nhưng luôn theo dõi thời cuộc, nhất là trong thời gian xảy ra thế chiến thứ I (1914 – 1918), nhiều thanh niên Việt Nam bị thực dân Pháp bắt đi làm “lính Tây Dương” ở các chiến trường châu Âu, phải bỏ lại con thơ vợ yếu nơi quê nhà – trước cái nỗi đau vời vợi này ông chỉ biết thay lời những người ở lại mà nhắn nhủ “Kiếm cung mang tới non sông lạ. Gan ruột đừng quên đất nước mình”. Nhìn cảnh vật điêu tàn trước mắt ông lại liên tưởng cái cảnh nước non đổi chủ – đang rơi vào tay thực dân Pháp “Cái cảnh này sao cảnh xác xơ. Cảnh mà vắng chủ cảnh bơ phờ” ; thấy cảnh mà không thấy người – trước mắt ông chỉ có “Đầu tường rêu phủ trông mờ mịt. Cuối dạo tre ngăn vẻ lạt lơ” và nơi nào có bóng giặc đến thì người người phải rời bỏ xóm làng nhà cửa, chỉ còn lại “Thấp thoáng đèn trăng soi ảm đạm. Lập lòe lửa đóm rọi ơ hờ”. Rồi trong phút giây bế tắc ông lại tuyệt vọng kêu lên “Vinh khuy đã thế thôi thời thế”. Ông không phải là người khinh thế ngạo vật, cũng không phải là người tầm đạo tu tiên, nhưng vì không làm được cái việc phỉ chí bình sanh nên đành vui với cảnh nghèo, vui với cái cảnh “Nhà dột ba gian trời đẻ trứng. Vách xiêu bốn phía nhện ru con” và dù cho có thiếu thốn đủ điều ông cũng luôn tự an ủi lấy mình “Quanh năm sẵn có đèn trăng đốt. Chẳng tháng nào không quạt gió lòn” và “Thêm cái phong lưu trời sẵn chứa. Đầy mâm ngọc lộ bữa ngon ngon”. Kẻ thất chí thường về với thiên nhiên, ông cũng thế nhất là trong những năm tuổi đã xế chiều, ông thường cùng các thi hữu trong thi đàn ngâm vịnh trên sông vào những buổi chiều trên những con thuyền nhỏ “Trời chiều phẳng lặng nước trong veo. Nhẹ lướt trên sông một mái chèo”, có khi trời gần tối nhưng thi hứng chưa vơi trước cảnh đẹp của buổi hoàng hôn nhóm ông cũng chẳng chịu quay thuyền “Sảm bóng kim ô tranh ráng dệt. Thích tình du tử cánh bườm treo”. Cả những đêm trăng thanh gió mát nhất là những đêm Trung Thu, ông và các bạn đều không bỏ lỡ cơ hội – thơ, rượu, người và thuyền luôn họp mặt với nhau để cùng vui vầy “Giữa tiệc một vài bầu rượu cúc. Trên sông ba bảy chiếc thuyền tô”, rồi cứ thế mà “Nhặt khoan chèo quế quanh vòng bích” để mang túi thơ bầu rượu lên đến tận cung Hằng “Cung Thiềm lên đó mới vui cho”. Một trong những đặc điểm của Tạ Quốc Bửu là ông rất qúi trọng bạn bè nhất là những người bạn tri âm tri kỷ, ông nhớ bạn ví như một người nào đó nhớ người yêu, cũng mong đợi cũng xốn xang, cũng nóng lòng để được tao phùng “Chờ người anh võ ly lên mốc. Ngóng bạn kỳ lân bút đóng meo”, còn nếu không gặp được bạn tri âm thì lòng đau quặn thắt “Nam bắc phanh phui gan ruột thốn” hoặc “Tháng ngày rượt đuổi ruột gan teo” và ông luôn mong ngày tao ngộ với bạn hiền “Sao cho một cửa đào liên ly” để mà “Thời giặc cảm hoài mới dẹp tiêu”. Ông luôn giữ chữ tín với bạn bè nếu đã hẹn thì dù đường xa bao nhiêu ông cũng đến “Nước non cách mấy dặm trời Liêu. Quẩy niếp treo yên thẳng một chiều” để rồi lòng sầu man mác khi giả biệt “Bận bịu nhớ khi câu giục gió. Kẻ về người ở cảnh buồn teo”. Tạ Quốc Bửu là một nhà nho nhưng có đầu óc tiến bộ, có tinh thần khoa học rất cao, không gò bó thủ cựu như những nhà nho đương thời. Mặc dù ông không ưa gì thực dân Pháp nhưng vẫn không phủ nhận những phát minh khoa học của họ, có lần đi xe lửa trên đoạn đường Sài Gòn – Mỹ Tho trong khoảng cuối thế kỷ XIX, ông cũng đã công nhận “Tới lui thấm thoát mau như nháy. Cơ khí đời nay thật phát minh”. Ngoài những sáng tác thơ Nôm, Tạ Quốc Bửu còn có những dịch phẩm thơ Đường rất đặc sắc. Số lượng thơ Đường được cụ dịch ra rất nhiều, có một số được dịch theo thể Đường luật, có một số theo thể lục bát; tiếc rằng hiện nay chưa sưu tập được toàn bộ, chỉ mới sưu tập được các bài : Lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hạo), Nửa đêm ở bến Phong Kiều (Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế), Tiễn Nguyên Nhị đi sứ An Tây (Tống Nguyên Nhị sứ An Tây của Dương Duy), Cảnh Xuân trên núi (Sơn phòng xuân sự của Sầm Tham) … Tuy nhiên qua nội dung các bản dịch này cũng đủ thấy rằng ông dịch rất mềm mại uyển chuyển nhưng rất sát nghĩa, lời thơ thật bình dị dễ nghe, không cầu kỳ khiên cưỡng; lối dịch của ông đã được Nguyễn Văn Hầu giới thiệu “Trong số các nhà thơ Miền Nam lúc trước mà tôi được biết tiếng, tôi chưa từng nghe thấy có vị nào mê thích Đường thi hơn cụ Tinh Anh, từ Sơ Đường, Thịnh Đường tới Vãn Đường, cụ đều thuộc nằm lòng rất nhiều bài thơ và do sự mê thích đó cụ cũng đã dịch được thơ Đường nhiều lắm. Nhưng mục đích dịch thơ của cụ thì có chỗ khác hơn thiên hạ, nếu các cụ Nguyễn Đôn Phục, Trần Trọng Kim, Nguyễn Khắc Hiếu dịch để cho được sảng khoái tinh thần, để làm chổ tiêu khiển hay để kiếm ăn thì cụ dịch để có dịp tìm chữ xếp câu, để thông cảm cổ nhân chớ không hề có ý định dịch để đưa lên mặt báo”. (1) Tạ Quốc Bửu qủa thật là một nhà thơ có nhiều điểm đặc biệt, một người “sinh bất phùng thời” bị bế tắc trước thời cuộc, có lối sống gần như một ẩn sĩ, mặc dù có tài nhưng không biết sử dụng vào đâu, lại không muốn dương danh với đời, cả các sinh hoạt của thi đàn Giá Rai vào những thập niên đầu thế kỷ cũng mang dáng vẻ sinh hoạt của Trúc Lâm thất hiền thời trước, có lẻ vì thế nên biết bao tác phẩm hay, nhiều bài thơ hiếm có đã bị vùi chôn vào dĩ vãng. Riêng về Tinh Anh thi tập của Tạ Quốc Bửu, nếu không được thân nhân của ông khéo giữ gìn bản thảo và Bác sĩ Hồ Văn Nhựt đem công bố một số bài thơ của ông với nhóm Đồng Nai văn tập thì hôm nay có lẽ tác phẩm nghệ thuật độc đáo này đã bị vùi lấp trong cát bụi thời gian. Người viết bài này cũng không có đầy đủ tư liệu về Tinh Anh thi tập và cũng không hiểu biết nhiều về tác giả lỗi lạc này, mà chỉ ghi chép lại những điều đã sưu tập được để giới thiệu một thi nhân tiền bối ở tỉnh nhà, mong rằng những người lớn tuổi ở Giá Rai (hoặc ở địa phương khác) có giữ gìn tư liệu hoặc hiểu biết về cuộc đời của nhà thơ này xin tiếp tục công bố để chúng ta cùng nhau nghiên cứu Tạ Quốc Bửu – một nhà thơ tiền bối ở Láng Giài – xứ sở của nhạc và thơ. MỘT SỐ BÀI THƠ CỦA TẠ QUỐC BỬU
HOÀI HỮU Trong thế tri âm chẳng phải nhiều Vắng anh Tử Thức dạ buồn thiu Chờ người anh võ ly lên mốc Ngóng bạn kỳ lân bút đóng meo Tháng ngày rượt đuổi ruột gan teo Sao cho một cửa đào liên lý Thời giặc cảm hoài mới dẹp tiêu LƯU NIỆM
Nước non cách mấy dặm trời Liêu Quẩy niếp treo yên thẳng một chiều Nhấp rượu dương quang buồn đắng nghét Ngâm thơ kim cốc gượng cười reo Xung xăng giữa lộ cây mong lội Chồm chụp bên xe sóng muốn trèo Bận bịu nhớ khi câu giục vó Kể về người ở cảnh buồn teo ĐỐI CẢNH VÔ NHÂN
Cái cảnh này sao cảnh xác xơ Cảnh mà vắng chủ cảnh bơ thờ Đầu tường rêu phủ trông mù mịt Cuối dạo tre ngăn vẻ lạt lờ Thấp thoáng đèn trăng soi ảm đạm Lập lòe lửa đốm rọi ơ hờ Vinh khuy đã hết thôi thời thế Thế tất lòng mình bất nghỉ vơ ! TRỜI CHIỀU BƠI THOÀN TRÊN SÔNG
Trời chiều phẳng lặng nước trong veo Nhẹ lướt trên sông một mái chèo Sảm bóng kim ô tranh ráng dệt Thích tình du tử cánh buồm treo Ngư ông vắt lưới toan về bến Hứng khách buồm khơi thẳng một chiều Thỉnh thoảng hoàng hôn trồi kéo lại Quầy thuyền nhạo thủy cảnh leo teo. THU HỨNG
Mười lăm tuổi đúng mat tròn vo Bẹo khách say thu ngóng cổ cò Giữa tiệc một vài bầu rượu cúc Trên sông ba bảy chiếc thuyền tô Nhặt khoan chèo quế quanh dòng bích Lờ tỏ gương Hằng rọi giếng ngô Ước gặp La Công nhờ bửu bối Cung Thiềm lên đó mới vui cho TỰ THUẬT
Ngày tháng rượt mình nhặt qúa thôi Nợ lòng bốn biển cứ kêu đòi Trí mưu đành thiếu người khua mỏ Tài đức chưa ra mặt trổi còi Ngay thảo xuôi cho trời đất biết Ruột gan này có qủy thần soi Lỡ sanh cái lớp thẳng cung kiếm Xử sự dường như pháo nghẹt ngòi. CHINH PHỤ TIỄN PHU
Hồi trống thâu canh tiếng ỏi ình Tiễn chàng thẳng dặm bước tây chinh Kiếm cung mang tới non sông lạ Gan ruột đừng quên đất nước mình Cất chén tạm dâng câu mã đáo Cầm tay này nhớ lúc thân vinh Yêu nhau san sẻ cùng nhau nặng Nầy thiếp xin đưa một chữ tình. CON ỐC BƯƠU
Tánh ưa nội quạnh chẳng ưa bò Giống ốc bươu là giống ít lo Vỏ cứng bọc quanh hình vặn ngược Vóc tròn uốn khúc ruột nằm co Tấm thân hữu dụng ông trời phó Cái tiếng phi thường miệng thế cho Giúp kẻ mù mờ con mắt sáng Liều mình chi tiếc nhúm tàn tro. VỊNH CÁI GỐI
Đỡ đầu thiên hạ khỏi co tay Cái gối khen ai cũng khéo bày Hai mặt thêu thùa văn vật đủ Một lòng chất chứa lược thao đầy Giúp an già trẻ hồi nghiêng ngửa Ru khỏe tinh thần lúc tỉnh say Giồng giống nghinh ngang trên nệm chiếu Đỡ đầu thiên hạ khỏi co tay. ĐI XE LỬA
Xe lửa người đồn trước chẳng tin
Ngày nay thấy rõ chỗ tài tình Khói tung bụi nhảy trời xanh mặt Máy động chuông kêu đất giựt mình Gục sát bên đường cây cỏ khiếp Nép ngang lề lộ ngựa người kinh Tới lui thấm thoát mau như nháy Cơ khí đời này thật phát minh. VỊNH CẢNH NGHÈO
Sang hèn bởi số chẳng hờn đon Vui đạo năm ba cứ giữ tròn Nhà dột ba gian trời đẻ trứng Vách xiêu bốn phía nhện ru con Quanh năm sẵn có đèn trăng đốt Chẳng tháng nào không quạt gió lòn Thêm cái phong lưu trời sẵn chứa Đầy mâm ngọc lộ bữa ngon ngon. LẦU HOÀNG HẠC
Hạc vàng tiên cỡi đã bao giờ Chốn ấy chỉ còn lầu hạc trơ ! Phút chốc hạc vàng bay thấm thoát Ngàn năm mây trắng nổi lơ thơ ! Hán Dương sông cách cây vòi vọi Anh Vũ bãi liền cỏ phất phơ Dầm ngấm tranh chiều quê quán khuất Trên sông khói sóng khách buồn vơ ! (Dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu) CẢNH XUÂN Ở NHÀ TRÊN NÚI
Vườn Lương ngày tối qụa bay đầy Nhà cửa trong còn ít nóc đây Cây cỏ chưa hay người bỏ vắng Xuân về bông trái cũng vung say. (Dịch bài thơ Sơn phòng xuân sự của Sầm Tham) NỬA ĐÊM Ở BẾN PHONG KIỀU
Qụa kêu trăng lặn giọt sương đầy Lửa điếu sông bàng chọi giấc ngây Hàn tự Cô Tô bao dặm cách Nửa đêm chuông gióng dội thuyền đây. (Dịch bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế) ĐƯA NGUYÊN NHỊ ĐI SỨ AN TÂY
Mưa mai thành Vị sạch bon Xanh um trước quán, liễu non khoe màu Khuê anh cạn chén rượu đào An Tây tới đó người nào đâu quen ! (Dịch bài thơ Tống Nguyên Nhị sứ An Tây của Vương Duy) Ghi chú : (1) Nguyễn Văn Hầu, Đồng Nai văn tập số 6 – 1966, trang 23. |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com