NGUYỄN ĐỔNG CHI MỘT HỌC GIẢ ĐÁNG KÍNH * Giáo sư Trần Hữu Tá Lớp hậu sinh chúng tôi rất vui khi biết tin cố giáo sư Nguyễn Đổng Chi được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Xét cả về tài và đức, ông xứng đáng với sự tôn vinh đó. Nguyễn Đổng Chi thuộc loại những học giả “trước các đảng thân”(công trình viết ra cao bằng người). Trong hơn nửa thế kỷ, tính từ lúc mới thành niên cho đến khi qua đời, ông say mê cả sáng tác lẩn nghiên cứu. Trong sáng tác, ông viết cả phóng sự lẫn truyện ngắn, tiểu thuyết. Trong nghiên cứu, ông chú ý đến nhiều lĩnh vực khác nhau: dân tộc học, khảo cổ học, lịch sử, văn học, folklore học… và thật đáng phục, lĩnh vực nào đã để tâm sức tới,ông đều có đống góp, thậm chí có những đóng góp xuất sắc. Nguyễn Đổng Chi khởi đầu nghiệp cầm bút bằng việc viết văn. Mười bảy tuổi, ông là tác giả những tập truyệ thiếu nhi như Chí quả quyết, Một nhà phan hợp. Tròn 20 tuổi (1935), tác phẩm Yêu đời của ông được giải nhì của báo Bạn trẻ. Thời kỳ Mặt trận dân chủ, người đọc đã xúc động, khó ngăn nước mắt khi đọc phóng sự Túp liều nát của ông. Người thanh niên vốn giòng nho gia ấy đã mở lòng, hòa cảm với nổi thống khổ của những người áo nâu lam lũ. Ông đã điều tra tỷ mỷ tình hình nông thôn Nghệ Tỉnh và phơi bày khá sắc sảo trên 13 chương sách bộ mặt tàn bạo của bọn địa chủ cường hào, những thủ đoạn cướp đoạt trắng trợn hoặc thâm hiểm, cũng như nhiều tội ác ghê tởm của chúng. Tập phóng sự là tiếng nói tố cáo dũng cảm, hòa vào cảm hứng đấu tranh chung của của các tác phẩm Tắt đèn (Ngô Tất Tố) Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan) thời ấy. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, như vẫn còn quyến luyến với “mối tình đầu” này, Nhuyễn Đổng Chi đã dành thì giờ hoàn thành cuốn truyện dài Gặp lại một người bạn nhỏ (1949-1952). Giờ đây khi có dịp đọc lại, ta vẫn còn bị cuốn đi bởi giọng kể chân thành, hấp dẫn của tác giả về cuộc chiến đấu của một trung đội tự vệ khu nam Hà Nội với tất cả những mặt dũng cảm, khi kiên cường, pha lẫn với những nét ngang tàng, “hảo hán”, thậm chí thiếu tính tổ chức, đậm tính tự phát của các tầng lớp nhân dân trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quyết sống chết với Thủ đô. Thế nhưng, nghỉ về ông, chủ yếu ta nhớ đến nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi. Chỉ trong lỉnh vực này, ta mới thấy hết sở đắc, bản lĩnh cũng như sự cống hiến vừa rộng vừa sâu của ông. Ngay khi nới 22 tuổi (1937), Nguyễn Đổng Chi đã cùng Nguyễn Kinh Chi, người anh ruột, cho ra đời cuốn Mọi Kontum – một công trình điều tra dân tộc học công phu, tư liệu phong phú, phương pháp mới mẻ và thái độ khoa học đúng mực. Ông đã dành nhiều công sức nghiên cứu di sản văn học cổ của cha ông. Đồng điệu với Dương Quảng Hàm (Việt Nam văn học sử yếu), Ngô Tất Tố (văn học đời Lý, Văn học đời Trần), năm 1941, khi mới 26 tuổi, Nguyễn Đổng Chi đã hoàn thành công trình Việt nam cổ văn học sử. Ông nghiên cứu giai đoạn mới hình thành và phát triển của nền văn học thành văn của nước ta, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, nhằm khẳng định nền văn hóa mang bản sắc riêng của dân tộc. Có lẽ ông là một trong các nhà nghiên cứu hiện đại đầu tiên khẳng định những tác phẩm viết bằng chử Hán của các tác giả cổ đại là một bộ phận tinh túy của văn học dân tộc ta. Đáng ngạc nhiên hơn, có lẽ ông cũng là người đầu tiên phát hiện và khái quát nét độc đáo của văn học dân tộc ta “bao gồm trong một chữ đánh của hội nghị Diên Hồng”. Công trình này , ngay khi ra đời, đã được các nhà văn hóa lớn đương thời như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố, Đặng Thái Mai tán thưởng, đồng tình. Mười lăm năm sau, ông tiếp tục có những cống hiến với tư cách nhà văn học sử qua các công trình Nguyễn Trãi nhà văn học và chính trị thiên tài (1957, viết cùng Mai Hanh, Lê Trọng Khánh), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (5 tập, nhiều tác giả, 1957-1960). Trong bộ sách qui mô này, ông chịu trách nhiệm toàn bộ phần văn học chữ Hán. Những năm cuối đòi, với tư cách Viện trưởng Viện Hán Nôm, ông đã chủ trì, tập hợp hàng chục chuyên gia, bắt tay xây dụng hai công trình lớn: Bộ Từ điển thư tịch Hán Nôm Việt Nam và Lược thuật sách Hán Nôm. Bộ thứ nhất đã viết xong được hơn 3500 mục từ. Công trình thứ hai đã được thuật xong 8000 tên sách. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Quí, như thế có nghĩa là “ đã lược thuật xong về cơ bản những sách Hán Nôm quan trọng nhất, tiêu biểu nhất cho kho tàng Hán Nôm của ta”. (Thử soi sáng thêm mối liên quan giữa hai con người khác nhau trong Nguyễn Đổng Chi: chiến sĩ và học giả, Tham luận tại hội thảo khoa học kỷ niệm năm 80 năm ngày sinh Nguyễn Đổng Chi tổ chức tại Hà Nội). Giá mà giờ đây, Viện Hán Nôm, cao hơn nữa la Trung tâm khoa học xã hội và nhân dân Việt Nam cử người làm tiếp, hoàn thiện hai công trình đó, sẽ có lợi nhiều cho ngành nghiên cứu biết bao! Dù thời gian qua đi, người đọc khó có thể quên được các công trình nghiên cứu trên đây của Nguyễn Đổng Chi, và chắc chắn càng trân trọng hơn những cống hiến xuất sắc của ông trong lĩnh vực folklore học. Có thể kể: Lược khảo thần thoại Việt Nam (1956), Hát dặm Nghệ Tĩnh (3 tập, 1960-1961), Vè Nghệ Tĩnh (2 tập, 1962-1963), Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh (900 trang, viết năm 1980, xuất bản 1994)… và tiêu biểu hơn cả: bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập). Nhân loại đã ghi nhận công lao tuyệt vời của anh em Grimm (Đức), của Pourrat (Pháp) trong việc sưu tầm, tập hợp truyện cổ dân gian Đức, Pháp. Với chúng ta, những người nặng tình với văn hóa dân tộc, công trình đồ sộ này của Nguyễn Đỗng Chi có giá trị tương tự. Ông đã sưu tầm và viết lại khoảng 200 truyện cổ tích tiêu biểu, với rất nhiều dị bản về những mô típ đồng dạng trong văn học dân gian nhiều nước khác. Không những thế, ông còn dành hàng trăm trang để nghiên cứu, tổng kết loại hình truyện cổ tích Việt Xin nói thêm về một chút về phong cách khoa học lao động của Nguyễn Đổng Chi. Trừ ba lần in gần đây nhất (1994 và 1995), còn trong sáu lần trước, tái bản khi ông còn sống, lần nào nhà nghiên cứu cũng gia công chỉnh lý những truyện được tuyển chọn và bổ sung cho chặt chẽ, thuyết phục hơn về so sánh loại hình. Có thể nói, cho đến nay, dù nhiều bộ sưu tầm truyện cổ dân gian Việt Nam khác đã đến tay người đọc, nhưng công trình của Nguyễn Đổng Chi vẫn là bộ sách đầy đủ, hệ thống, đáng tin cậy hơn cả. Một cơ sở xuất bản của chúng ta đang xúc tiến dịch ra tiếng Anh để giới thiệu một bản tin hoa của văn hóa dân tộc Việt Là người cầm bút đam mê trong nhiều lỉnh vực học thuật, nhưng Nguyễn Đổng Chi chỉ viết cái gì mà ông hiểu biết thấu đáu, ngọn ngành. Bao giờ cũng thế, tinh thần dân tộc, tình cảm yêu nước luon là nguồn cảm hứng lớn và luôn ẩn chứa trong từng trang sách của ông. Kể cũng dể hiểu, khi ta biết ông xuất thân trong một gia đình nho yêu nước. Nguyễn Hiệt Chi, ông cụ thân sinh của Nguyễn Đổng Chi, là một thành viên tích cực của công ty Liên Thành và trương Dục Thanh ( Phan Thiết). Nguyễn Hàng Chi, ông chú ruột của Nguyễn Đổng Chi đã cầm đầu phong trào chống sưu thuế ở Hà Tỉnh và bị thực dân Pháp sử chém năm 1980. Bản thân ông cũng giác ngộ cách mạng rất sớm. Năm 1936, Nguyễn Đổng Chi tham gia phong trào Mặt trận dân chủ. Năm 1945, ông ở trong bộ phận lãnh đạo khởi nghĩa, cướp chính quyền huyện Can Lộc. Cuối năm 1946, ông tham gia tự vệ chiến đấu, chống trả quyết liệt bọn xâm lược Pháp trên từng tất đất của Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến công phu tự học của ông. Thưở nhỏ Nguyễn Đổng Chi được học chữ Nho, sau đó theo học nhà trường của Pháp, nhưng do hoàn cảnh gia đình nên chưa hết bậc Thành chung. Tất cả, Hán học và Tây học đều dang dở. Nhưng những bạn bè thân quen đã kể về tinh thần gắng gỏi học tập của ông như một giai thoại đầy xúc động: để “ hạ quyết tâm” không ra khỏi nhà, chuyên tâm đọc sách, Nguyễn Đổng Chi đã tự cạo trọc đầu suốt mấy năm liền, :nghiền” bằng hết tủ sách gia đình đầy đủ đến mức lý tưởng của cha ông. Do thời cuộc, sau này Mộng Thường thư trai của gia đình ông bị tan nát. Sách vở không còn, nhưng tinh hoa trí thức của tiền nhân đã được ghi vào “bộ nhớ” rất khỏe của Nguyễn Đổng Chi. Thiết tưởng cũng cần nhắc đến một khía cạnh đáng quý của nhân cách Nguyễn Đổng Chi: tinh thần khiêm tốn học hỏi đồng nghiệp. Giao sư Đặng Nghiêm Vạn, chuyên gia hàng đầu về dân tộc học đã nhớ lại kỷ niệm buổi đầu gặp gỡ Nguyễn Đổng Chi năm 1957. Hai ông cách bực về tuổi tác, về vị trí trong học giới. Ông Đặng mới bước vào, ông Nguyễn đã thành danh. Hai ông trên nhau đến 15 tuổi. Vậy mà khi trò chuyện, trao đổi với nhau về chuyên môn, Đặng Nghiêm Vạn có cảm tưởng “Nguyễn Đổng Chi tự coi mình như một người học trò, miệng hỏi , tay ghi” tôi nghĩ vẫn có ích cho giới nghiên cứu hôm nay. Ông đã qua đời hơn mười năm, nhưng các loạt công trình, những đứa con tinh thần của ông còn đó, tiếp tục góp phần làm giàu vốn văn hóa, tri thức cho nhiều thế hệ thanh niên. Nhớ tới Nguyễn Đổng Chi là nhớ tới một học giả khả kính, nhớ tới một tấm gương về lối sống giản dị, đôn hậu, một nhân cách trong sáng, một tinh thần say mê bảo tồn và phát huy tinh thần truyền thống của cha ông. |
Cập nhật ( 29/12/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com