NGUYỄN CÔNG TRỨ VÀ PHONG THÁI AN VI * Nguyễn Minh Triết Tháng giêng ăn tết ở nhà Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè… Hai câu ca dao cho thấy thái độ vui hưởng nhàn lạc rất phổ biến trong dân gian của dân tộc ta. Nhân ngày đầu năm sau khi gặt hái đã xong, thóc lúa đã chứa đầy kho người dân quê không còn phải lo gì nữa nên yên lòng mà hưởng mừng xuân mới những ba tháng. Quan niệm vui chơi trong cuộc sống này đã ăn sâu vào tinh thần của dân tộc từ bao ngàn năm để trở thành một triết lý sống mà triết gia Kim Định gọi là triết lý "sống như chơi". Sinh ra trên đời con người bắt đầu cuộc sống bằng một quãng thời gian dài chỉ toàn là chơi. Chơi chiếm trọn mấy năm đầu của tuổi thơ, mấy năm hạnh phúc nhất và đầy tăng trưởng nhứt của đời người. Về sau khi lớn dần lên con người phải làm lụng càng lúc càng vất vả nên không còn thì giờ để chơi như thuở tuổi còn thơ nữa nên chơi lúc nào cũng được con người trân trọng và mơ tưởng. Cho nên, chơi được coi như cứu cánh của cuộc đời. Hễ có chút thì giờ dư thừa trong những chuỗi ngày làm việc mệt nhọc là ai ai cũng dùng ngay vào việc chơi. Chơi đây không có nghĩa là chơi bời sa đoạ mà chơi ở đây có nghĩa cao sâu hơn và gồm nhiều nghĩa. Chơi trước hết là không làm gì, chơi cũng có nghĩa là giải trí để làm việc tốt hơn. Chơi cũng còn có nghĩa bao la lớn rộng nói lên một quan niệm sống, sống như chơi mà chết cũng như chơi. "Hoá nhi đa hí lộng", trẻ tạo hoá chơi rất nhiều. Con người là sản phẩm của tạo hoá tại sao con người không theo gương của tạo hoá mà chơi cho thoả chí. Chơi giúp ta thư giãn tinh thần, chơi giúp ta tìm lại sinh lực đã hao mòn vì công ăn việc làm khổ nhọc. Chơi giúp cho ta thanh thoát tâm hồn mà tìm đường ngay nẻo chánh trong cuộc sinh sinh hoá hoá của vũ trụ càn khôn. Nhưng phải chơi như trẻ thơ, chơi chỉ để mà chơi, chơi không nhằm đạt một mục tiêu nào khác ngoài chơi. Chơi phải là một động tác tự tại, không cần một động cơ vụ lợi nào bên ngoài thúc đẩy. Đó mới thực là chơi trong ý nghĩa tinh tuý của nó. Nếu để bị thúc đẩy vì một lợi ích nào khác thì không còn là chơi như "hoá nhi" mong muốn ta chơi nữa. Theo triết gia Kim Định thì có ba loại động cơ thúc đẩy con người hành động là cưỡng hành, lợi hành và an hành. Cưỡng hành là làm vì sợ, vì bị bắt buộc mà làm nên thiếu tự cường tự lực. Lợi hành là làm vì danh vì lợi. Lối làm này có tự lực nhưng chưa có tự cường vì còn do bên ngoài thúc đẩy. An hành là thấy gì đáng làm thì làm, không vì sợ mà cũng không vì lợi. An hành gồm cả tự lực lẫn tự cường, việc làm và động cơ đều tự nội. Làm cũng như chơi mà được như vậy có nghĩa là đạt được cuộc sống tròn đầy tức là đạt được Đạo. Chánh trong ý hướng đó mà chơi mang một chiều kích triết lý mà triết gia Kim Định gọi là triết lý An Vi. Đại cương quan niệm An vi của triết gia Kim Định khác với quan niệm Hữu vi và Vô vi của các triết thuyết khác. Hữu vi nghĩa là có làm, nhưng làm của Hữu vi có đối tượng nên con người bị đối tượng hoá. Người hoá ra vật thể dẫn tới hậu quả là làm tiêu tan cái vi tế linh thiêng trong tâm hồn. Vô vi là không làm. Không làm nên không có đối tượng và không bị đối thượng hoá như Hữu vi. Nhưng con người muốn sống phải ăn, phải uống mà muốn ăn uống phải làm mới có, mà làm thì hết vô vi. Nhận thấy khuyết điểm của cả Hữu vi lẫn Vô vi, triết gia Kim Định đưa ra một quan niệm mới là An Vi. An vi nhận có đối tượng, tức là có làm, nhưng An vi đặt quan trọng vào tác động, khác với Hữu vi đặt ở đối tượng hay thành quả và khác với Vô vi là không làm. Làm với an nhiên thư thái trong nội tâm dù thành công hay thất bại đó là chủ đích của An vi. Làm như chơi, sống như chơi, sống như mẫu mực đã được tổ tiên ta ghi trên mặt trống đồng Ngọc Lữ là ‘ca múa khói đất động trời, Bồng lai tiên cảnh rạng ngời bước đi’. Như vậy tổ tiên Việt tộc từ lâu đời đã biết sống, biết chơi một cách phong lưu. Một cuộc sống thong dong như gió thoảng bay, như dòng nước chảy, gió và nước chỉ bay chỉ chảy không màng chi khác. Duyệt qua nền văn học sử nước nhà, một trong các bậc thầy của nghệ thuật "biết sống, biết chơi" đó là Nguyễn Công Trứ. Thật vậy, vì Nguyễn Công Trứ đã thấm nhuần tư tưởng của Nho giáo nên ông đã quan niệm về cuộc sống của người quân tử phải: Đã mang tiếng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông… (Đi thi tự vịnh) Danh ở đây được ông hiểu trong quan niệm của một kẻ sĩ trong đạo nho tức là biết sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống có lý tưởng và phải thực hiện cho kỳ được lý tưởng đó mà ông gọi là chí nam nhi "tang bồng hồ thỉ nam nhi trái", "quyết tang bồng cho phỉ chí trượng phu". Vì rằng trách nhiệm của kẻ có học đạo thánh hiền theo Nguyễn tiên sinh nặng nề như càn khôn, cho nên trời đất khi sản sinh ra nam nhi là đã có dụng ý muốn nam nhi phải làm tròn trọng trách của kẻ học đạo nho: Gánh càn khôn đeo nặng kẻ rừng nho Thiên phú ngô, địa tái ngô: Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý. Dã thị giang sơn chung tú khí. (Nợ tang bồng) Vì Người là một trong tam tài, Thiên Địa Nhân, và được đặt ngang hàng cùng Trời và Đất nên con người là giao hội của trời đất, là tú khí của sông núi đúc kết thành. Có thể nói con người là một tiểu vũ trụ và xét về bản thể, con người hoàn toàn đồng tính với Trời và Đất: Thiên Địa Nhân đồng nhất thể. Do đó, phận sự của kẻ làm trai thật là bao la: Vũ trụ chi gian giai phận sự …Có trung hiếu nên đứng trong trời đất Không công danh thời nát với cỏ cây. (Phận sự Làm trai) Chỉ vì sợ bị "nát với cỏ cây" mà ông ra sức hoàn thành phận sự làm trai chớ không phải vì hai chữ công danh trong nghĩa vật chất thông thường. Điều này đã thể hiện rõ ràng trong suốt cuộc đời làm quan của ông. Dù đậu Giải nguyên Nguyễn Công Trứ đã vui vẻ bắt đầu cuộc đời hoạn lộ với chức quan khiêm nhường là chức Hành tẩu ở Quốc sử quán, một chức quan được xếp hàng thất phẩm trong nấc thang 9 bậc mà thấp nhất là cửu phẩm. Vì không màng danh lợi trong ý nghĩa tầm thường nên suốt đời ông lúc nào cũng tận trung báo quốc, một lòng vì vua vì dân. Khi xã hội có loạn lạc, ông luôn luôn bình tĩnh đương đầu, đánh đông dẹp tây đem an bình cho dân; khi rảnh tay đánh giặc thì ông khẩn hoang, phá rừng, lấp biển mở mang bờ cõi cho đất nước ngày một giàu mạnh. Vì thấm nhuần phong thái an vi của đạo nho nên Nguyễn Công Trứ lúc nào cũng xem nhẹ công danh trần tục và xem trọng nghĩa khí của người quân tử. Do đó dù làm quan đại thần hay làm lính thú lúc nào ông cũng an nhiên tự tại. Mặt khác, ông có được thái độ như vậy là nhờ tâm ông lúc nào cũng sống trọn vẹn ý nghĩa của câu sách Luận Ngữ: "quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân thường thích thích" (người quân tử thường bình thản thư thái, kẻ tiểu nhân hay luôn buồn bực) và câu: "Quân tử kiến cơ nhi tác" (người quân tử tuỳ thời mà hành động). Cho nên, dù thế thái nhân tình có ‘bạc quá vôi mà mỏng quá mây’, dù có là quan đại thần đầy uy quyền hay chỉ là tên lính thú đứng gác cho người từng là thuộc hạ của mình, ông vẫn vững niềm tin vào khả năng của mình và quyết tâm hoàn thành trọng trách của kẻ làm trai vì ‘trần ai, ai dễ biết ai’. Để vượt qua được những cơn bị đời nhận chìm xuống đáy vực, ngoài niềm tự tin sắt đá ông còn có một phong thái an vi và một tâm hồn nghệ sĩ biết tìm sự giải khuây và tha thứ qua túi thơ, bầu rượu: Thơ một túi gieo vần Đỗ Lý Rượu lưng bầu rót chén Lưu Linh Đàn Bá Nha gẫy khúc tính tinh tình Cờ Đế Thích đi về xe pháo mã. (Cầm kỳ thi tửu 2) Nguyễn Công Trứ thật là một người vừa biết làm vừa biết chơi. Theo triết gia Kim Định thì chơi trong ý nghĩa tích cực cũng có nghĩa là làm mà làm là một bản năng của con người nên làm và chơi là nhằm phát triển khả năng vô biên của con người. Nguyễn Công Trứ đã thấu hiểu ý nghĩa của ý niệm này nên ông đã hô hào: Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy Nếu chẳng chơi thiệt ấy ai bù. (Chơi Xuân) Còn hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh rất hào hùng nhưng cũng đầy nghệ sĩ như Nguyễn Công Trứ đã phác hoạ về ông: Dắt lỏng giang sơn vào nửa túi Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu. Và một nhân sinh quan cũng rất ư là an vi: Được mất dương dương người thái thượng Khen chê phơi phới ngọn đông phong Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng Không Phật, không Tiên, không vướng tục…(Bài ca ngất ngưởng) Đúng vậy, một con người hiểu đạo sống không nên quá bám vào danh lợi ô trọc của cuộc đời mà cũng không thể quây lưng lại với nhân sinh để sống ích kỷ một mình. Một người hiểu đạo sống thì khen chê, được thua nào có ý nghĩa gì. Đã một thời ngang dọc, lúc đậu thủ khoa, khi làm tham tán, lúc đãm nhiện chức tổng đốc, khi bi giáng chức làm lính thú, tất cả cũng chỉ như là ngọn gió thoảng của chốn trầm luân. Một người hiểu đạo sống phải vượt lên trên để hưởng thụ những huyền diệu của cuộc đời siêu nhiên và thoả mãn những ước vọng của tâm tư. Vì biết chọn cho mình một phong thái an vi như vậy nên khi đã ‘nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo’, ông đã biết hành tàng đúng lúc, không tham quyền cố vị, không bám vào danh lợi mà biết cùng với ‘năm ba chú tiểu đồng lếch thếch’ đi ngao du sơn thuỷ để tận hưởng nét đẹp của thiên nhiên và niềm vui của cuộc đời nhàn tản: Của trời trăng gió kho vô tận Cầm hạc tiêu dao đất nước này… Để mà mặc tình: Ngoài vòng cương toả chân cao thấp Trong thú yên hà mặt tỉnh say. (Thú ẩn dật) Và vì chủ trương "cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy" nên ông đã bị nhiều người cho là sa đoạ. Thật ra, trong xã hội của thời ông những thú ăn chơi như cầm, kỳ, thi, tửu, hát nói, cô đầu, kể cả nàng hầu cũng chỉ là những thú chơi thường tình và được xã hội chấp thuận. Hơn nữa, ông là người đa tài nên ông cũng rất đa tình vì ‘càng tài tử càng nhiều tình trái’. Do đó, khi trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, làm sao con tim đa tình của ông không rung động cho được: Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên Trong nhất kiến tình duyên như đã… (Duyên gặp gỡ) Tuy vậy, ông là khách tao nhân nên ông đã yêu hoa không phải một cách ‘li phi’ mà rất trân trọng. Ông yêu hoa như yêu một báu vật được trời ban cho vì hoa là nguồn cảm hứng cho đời, cho cầm kỳ thi tửu: Khách thập thuý say màu hoa diễm Đối mặt hoa mà cầm, mà kỳ, mà tửu, mà thi Xin ai đừng dở chuyện li phi Trân trọng lấy hương trời cho trọn vẹn. (Yêu hoa) Vì vậy, Nguyễn Công Trứ lúc làm cũng như lúc chơi luôn luôn hơn người vì ông biết phải chơi cho đáng ra chơi, phải chơi cho lệch đất long trời mới đo được sâu độ và cường độ của nghệ sĩ tính: Chơi cho lịch mới là chơi Chơi cho đài các cho người biết tay Tài tình dễ mấy xưa nay… Hoặc Rượu Lưu Linh, thơ Lý Bạch, cờ Đế Thích, đàn Bá Nha Đủ trò thú mới là người tài tử Chơi thì chơi chẳng chơi thì chớ Đã chơi cho lệch đất long trời Tiếng thị phi gác bỏ ngoài tai Trên cõi thế mấy người tri kỷ. Qua một vài hình ảnh vừa nêu trên ta thấy cuộc đời của Nguyễn Công Trứ quả thật là một cuộc đời rất sôi động và hào hùng, nhưng cũng không thiếu những phút giây an vi nhàn tản, thật là một cuộc sống đúng theo đạo thái hoà của nho giáo. Ông vừa là văn quan biết cầm chánh đạo để thứ dân, phú dân và giáo dân, vừa là võ tướng đánh đông dẹp tây để đem lại an bình cho nước; ông vừa là một người luôn luôn ‘vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc‘ để ‘làm sao cho bách thế lưu phương’, nhưng đồng thời ông cũng là một nghệ sĩ biết thoát vòng danh lợi ô trọc, biết hành tàng đúng lúc để sống hoà mình với thiên nhiên, vui hưởng cuộc đời nhàn tản với túi thơ, bầu rượu. Trong suốt quá trình văn học sử của Việt Suốt mấy ngàn năm mở mang bờ cõi, bảo vệ và xây dựng đất nước, các triều đại vua chúa Việt nam đã đào tạo rất nhiều thế hệ kẻ sĩ để giúp vua trong việc trị nước an dân. Lịch sử dân tộc đã ghi được nhiều trang sử oai hùng và dân tộc ta còn tồn tại đến ngày nay không ai có thể phủ nhận sự đóng góp lớn lao của giai cấp sĩ phu trải qua tất cả các triều đại. Nền giáo dục Nho học này cùng với giáo lý nhà Phật trải nhiều ngàn năm đã ăn sâu vào tinh thần của dân tộc Việt nam và là nền tảng ý thức hệ cho việc cai trị đất nước. Trong suốt chiều dài của lịch sử rất nhiều nhà Nho khoa bảng đã ra làm quan để thể hiện lý tưởng của người quân tử là ‘tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’. Trong bao nhiêu kẻ sĩ tham chánh giúp vua trị dân có rất nhiều nhà nho đã thành công trong việc đem tài năng thi thố với đời và đạt đượïc những chức tước cao sang trong xã hội. Nguyễn Công Trứ là một trong các nho gia ấy, nhưng Nguyễn Công Trứ hơn hẳn các nho gia khác ở chỗ ông đã biết sống một cách an vi thư thái thể hiện tinh thần của người quân tử Việt nam một cách oai hùng và trọn vẹn xứng đáng là hình ảnh lý tưởng cho người trai thời nay tìm hiểu và suy ngẫm. ———————————— Tài liệu tham khảo: 1.Vũ Ký, Người Thanh Niên Việt Trong Tâm Thức Nguyễn Công Trứ, Kim Ý tái bản, Bruxelles, 1987. 2.Kim Định, Cửa Khổng, Nho Giáo Nguyên Thuỷ, An Việt tái bản, San Jose, USA, 1997. 2.Kim Định, Phong Thái An Vi, An Việt Houston xuất bản, |
Cập nhật ( 30/12/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com