NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA TỤC THỜ THÀNH HOÀNG * Trần Phước Thuận Tương truyền trong thời gian Lưu Bang chưa làm vua – lúc còn đang tranh hùng với Hạng Võ, có lần bị bao vây rất nguy ngập ở Vinh Dương, cái chết đã gần kề, Kỷ Tín cứu nguy bằng cách giả dạng Lưu Bang xông ra đột phá trùng vây để chịu chết thay cho chủ. Quân Sở cứ ngỡ là Lưu Bang đã chết nên rút quân, nhờ vậy Lưu Bang mới được sống sót, nên sau khi làm vua (Hán Cao Tổ 206 TCN – 194 SCN) đã xuống chiếu phong Kỷ Tín làm Thành Hoàng đại vương là vị thần bảo vệ thành quách (ý nói bảo vệ vua). Người đời sau gọi là Kỷ Tín đại vương hoặc Đô Thành Hoàng. Danh hiệu Thành Hoàng tuy đã được xác lập từ thời Hán, nhưng các địa phương lúc đó chưa có tục thờ Thành Hoàng, việc thờ Thành Hoàng là việc làm của triều đình nhưng cũng là việc làm tượng trưng để chứng minh Hán Cao Tổ là người coi trọng ân tình. Việc thờ Thành Hoàng chỉ nằm trong phạm vi đền ơn đáp nghĩa riêng của nhà Hán nên không được các triều đại sau này lưu ý, vì vậy việc thờ Thành Hoàng bị bỏ quên trong một thời gian khá dài. Mãi đến thời Nam Bắc triều, vào năm 547 vua Bắc Tề là Văn Tuyên Đế (550 – 560) lại thực hiện cúng tế cùng lúc tám vị thần, gọi là tế Bát thần, gồm : Tiên Sắc, Tư Sắc, Điền Tuấn, Bưu Biểu Chuế, Miểu Hổ, Đê Phường, Thủy Dung và Côn Trùng. Lúc đó người ta tin 8 vị thần này mỗi vị có một trách nhiệm khác nhau : các thần Tiên Sắc, Tư Sắc, Điền Tuấn, Bưu Biểu Chuế cùng phụ trách chung về cách làm ruộng và thu hoạch vụ mùa, thần Miêu Hổ phụ trách an ninh, thần Đê Phường gìn giữ đê bờ , thần Côn Trùng là chúa tể các loại côn trùng có bổn phận giữ lúa không để bị hư hại, riêng thần Thủy Dung là vị thần mương rảnh không những có nhiệm vụ khai nước tiếp nước cho ruộng đất còn có nhiệm vụ bảo vệ thành ví như sự che chở của giao thông hào được bố trí ở chung quanh thành lũy, cũng vì vậy nên người ta thường gọi thần Thủy Dung là thần Thành Hoàng (thực ra thủy dung là hào rãnh có nước, thành hoàng là hào lũy khô có những thiết bị quân sự được dùng làm chướng ngại vật ngăn giặc thời xưa). Có lẽ trách nhiệm của Thành Hoàng nặng về cả hai mặt như thế nên dần dần được mọi người xem trọng hơn bảy vị thần kia và việc thờ Thành Hoàng cũng không còn là việc riêng của triều đình, trách nhiệm tế Thành Hoàng cũng không phải là trách nhiệm riêng của hoàng đế, mà việc thờ phụng cúng tế này đều được các châu huyện thực hiện. Thực ra từ đời Hán đến thời Ngũ Đại, tuy đã có lệ tế cúng Thành Hoàng nhưng chưa có miếu thờ Thành Hoàng, trong thời gian đó mỗi khi tế lễ người ta phải đắp một các đàn cao bằng đất để nhà vua bái tế, xong lại bỏ đi. Mãi đến thời Đường (618 – 907), Lý Đức Dụ là người đầu tiên xây dựng miếu để thờ Thành Hoàng, ngôi miếu đầu tiên được họ Lý xây dựng tại Thành Đô (Trung Quốc), từ đó các châu huyện đều bắt chước làm theo. Đến năm 1368, thì khắp nước Trung quốc đều dấy lên phong trào thờ Thành Hoàng, mỗi châu mỗi huyện đều có dựng miếu thờ phụng. Phạm vi thờ Thành Hoàng càng ngày càng rộng, tín ngưỡng Thành Hoàng càng lúc càng lớn, nhưng có điều trở ngại là mỗi địa phương đều muốn Thành Hoàng là “của riêng” của mình, mà Thành Hoàng thì chỉ có một nên không thể đáp ứng được nhu cầu rộng lớn. Để giải quyết vấn đề khó khăn này, các triều đại phong kiến đều sắc phong hàng loạt những vị tân Thành Hoàng, những người được phong thườnglà những người hy sinh vì nước, góp công lớn với triều đình, có công khai hoang lập ấp hoặc là những bậc thầy được mọi người tôn trọng. Nhưng số lượng Thành Hoàng “chính thống” đó cũng còn ít so với nhu cầu tín ngưỡng ngày càng lớn ở địa phương nên đã xãy ra nhiều trường hợp người dân tự phong tự lập, có nơi họ tôn vị tổ nghề nghiệp làm Thành Hoàng, có nơi tôn ngay ông tổ của giòng họ, những nơi không tín nhiệm “người trần gian” thì họ cứ tôn một vị thần theo truyền thuyết (hoặc tiểu thuyết) như : Hà Bá, Na Tra, Lý Tịnh, Tề thiên Đại thánh…cũng có nơi tôn cả loài vật làm thần như : thần Hổ, thầnLong, thần Qui, thần Điểu…Nói tóm lại loại Thành Hoàng khơng được sắc phong này rất đa dạng và có số lượng rất lớn, đôi lúc còn có uy tín lấn áp lại Thành Hoàng chính thống đã được sắc phong. Tín ngưỡng Thành Hoàng của người Việt đã thừa kế khá nhiều về tín ngưỡng Thành Hoàng ở Trung quốc.Ở đây cũng có đủ các loại Thành Hoàng từ loại được sắc phong của các triều đình Lê Nguyễn cho đến các loại do người dân tự phong. Mạng lưới miếu thờ Thành Hoàng ở nước ta cũng đều khắp như ở Trung quốc, về hình thức thờ cúng cũng tương tợ như thế, nhưng nội dung tín ngưỡng lại chẳng tương đồng vì tín ngưỡng Thành Hoàng ở Trung quốc là loại sinh hoạt văn hóa thị dân bao gồm cả kinh thành, châu thành và quận huyện thành trong đó mang rất đậm tính chính thống của nhà nước phong kiến và thể hiện sắc thái hào lũy rất rõ, còn tín ngưỡng Thành Hoàng ở nước ta lại thuộc phạm vi văn hóa thôn làng mang đậm tính dân gian , rất nhiều thôn làng của ta nhất là ở Nam bộ lại không có hào lũy nên Thành Hoàng ở đây không phải là vị thần hào lũy có bổn phận bảo vệ thành mà đã trở nên vị “chúa tể” trấn nhậm của một thôn làng có đủ quyền năng ban phúc lộc cho người dân trong địa phương đó. Cũng vì vậy nên những vị Thành Hoàng Trung Quốc “nhập tịch” vào Việt Nam cũng không còn ý nghĩa Thành Hoàng nguyên thủy mà đã trở thành những vị linh thần theo bảo hộ và ban phúc lành cho những người xa xứ xa quê. Điển hình như: Kỷ Tín đại vương được thờ ở đình Trà Tân (Cai Lậy) và đình Tân An (Cần thơ) hoặc Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) được thờ ở chùa Minh Hương (Quận 5 – TP. Hồ Chí Minh) và thần Thủy Dung được thờ ở Thành Hoàng cổ miếu (Bạc Liêu), những vị thần này cũng không còn trách nhiệm “hào lũy” bảo vệ thành quách như ở Trung Quốc mà đã hòa nhập vào “tập thể Thành Hoàng” tại Việt Nam – theo tín ngưỡng dân gian là những vị thần trấn nhậm ở mỗi thôn làng đem bình an cho bá tánh. Thành Hoàng Thủy Dung ở Bạc Liêu tuy không được sắc phong của triều đình Nguyễn nhưng lại tồn tại một cách vững vàng hơn trăm năm nay trong tín ngưỡng của người Minh Hương – đối với người Minh Hương thì đây mới đích thực là vị thiên thần có đủ quyền hạn và khả năng ban bố hạnh phúc cho mọi người, đem lại bình an cho làng xã. |
Cập nhật ( 24/11/2015 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com