NGƯỜI CÂM KHÓC * Phan Trung Nghĩa Ngôi làng ngày bé của tôi nằm ven một con sông, ở vùng heo hút, cuộc sống thuần nông và nghèo lắm. Đời người cứ kéo dài lê thê trong những ngày tháng tẻ nhạt. Những người từ đây ra đi thường bảo với nhau rằng: làng mình nghèo quá, không có gì để nhớ, chỉ mỗi chuyện ông câm là không sao quên được. Nhà tôi cách nhà ông câm chỉ có một con mương nhỏ. Ông ở cùng bà mẹ già khoảng hơn 70 tuổi, trong một căn nhà lá, cột dầu và sau hậu là hơn 10 công đất. Tên trong khai sinh của ông là Hứa Văn Năm ( tính đến bây giờ ông đà chòm chòm 90 tuổi, mới mất vì bệnh già cách đây 6 năm) ngụ tại ấp Bờ Xáng, làng Vĩnh Trạch, Quận Vĩnh Lợi…hẳn hoi. Thế nhưng cuộc đời ông chưa được nghe ai gọi tên thật bao giờ, người của làng cứ nhắm ngay nổi mặc cảm lớn nhất cuộc đời ông mà gọi: ông câm, thằng câm, chú câm… căn nguyên của tên gọi đó là tại vì ông bị tật câm, điếc bẩm sinh. Làng nghèo nên đời sống tinh thần nghèo, ông câm trở thành “ nguồn” giải khuây của đám thanh niên mới lớn, mặc dù người lớn la rầy rất dữ. Ông câm có một “nhược điểm” hễ thấy có con gái đẹp, chưa chồng là ông mắc cỡ đến đỏ mặt tía tai. Nhà ai có con gái đẹp nhờ ông bửa củi, gánh nước hay bất kỳ chuyện gì ông cũng làm. Thế là bọn trai làng nhắm ngay cái nhược điểm ấy mà ra dấu cáp đôi ông với cô này, cô nọ rồi ra dấu tục tiểu. Ông câm đùng đùng nổi giận, chửi bới om sòm. Tất nhiên là chửi bằng thứ ngôn ngữ của ông, không ai hiểu được. Có bữa giận quá ông xách dao đòi chém, đòi giết, ấy là làm cho đã nư thôi chứ ông có chém giết ai bao giờ, có hôm uất ức quá thì ông bưng mặt khóc như cha chết. Sau giải phóng năm 1975, tôi đi khỏi làng thì cũng là lúc ông câm lâm vào cảnh khốn cùng. Mẹ ông mất chưa đầy một tháng thì đám cháu, con anh ruột của ông nhảy vào chiếm nhà, đoạt ruộng và tống ông ra sân. Ông câm không biết chữ, không nói được tiếng người nên không cãi lý không thể đi thưa, mà đã không có tố thì làm sao có tụng, từ đó ông câm trở thành kẻ vô gia cư. Đi lang thang trong làng để làm thuê. Phát cỏ, sên mương, ở nhà nào thì ông ăn ở nhà đó. Đó là nói thời ông còn sức lực, mấy năm sau này ông lâm vào cảnh khốn nạn hơn. Khoảng 70 tuổi mắt ông câm yếu lắm, người quen đi trước mặt nhìn cũng không ra. Chuyện nặng nhọc ông không còn làm nổi, chỉ có thể giúp nhà này nhà nọ xách nước, chẻ củi để đổi lấy bữa cơm. Từ đó làng tôi có cái lệ hễ nhà nào có đình đám giỗ chạp là người ta lập tức nhớ đến ông câm, họ nhờ ông chẻ củi, nấu nước, kê bàn… thế như khi bàn tiệc dọn lên, niềm hoan hỷ diễn ra là người ta quên ông câm ( ông được an bài một bữa cơm tô nồi chái bếp ). Ông câm không nói được tiếng người nên ông không thể sinh hoạt lễ nghĩa văn hóa của con người. Ông câm sống ở làng tôi mà như không có sống, rất giống một chiếc bóng. Một điều lạ lùng là ông câm cứ cố tình sống quanh quẩn ở làng tôi dù ông có một người em gái ở cách làng tôi 7 – 8 cây số, cũng khấm khá, nhiều lần cô nầy đến rước ông câm đi để nuôi nấng, chăm sóc tuổi xế chiều. Ông câm đi rồi 5 – 7 ngày cũng quay trở lại. Và cứ tiếp tục sống quanh quẩn ở làng tôi như một chiếc bóng. Cách đây 16 năm, thấy ba tôi yếu quá, tôi dẫn vợ con về ăn Tết quê một năm. Người bơi xuồng rước tôi qua sông hôm đó chính là ông câm. Gặp tôi ông mừng ríu rít. Được biết đám cháu sang đoạt ruộng vườn của ông ngày xưa giờ khốn nạn lắm. Chúng cầm cố hết đất đai, rồi dắt díu nhau đi làm mướn, bỏ nhà bỏ cửa. Người của làng tôi nói: “Quả báo nhãn tiền”. Làm lễ cúng giao thừa, lạy ông bà xong tôi tản bộ dài trên con đê dọc xóm. Gió Tết mát rượi lao xao những hàng dừa. Trong xóm những tiệc nhậu, những sòng bài cào rộ lên từng chập, một gã nông dân say ruợu hát nghêu ngao ngoài đồng. Bỗng tôi nghe trong tiếng gió có xen lẫn tiếng khóc. Tôi định thần nhìn kỹ thì đây là khu vườn nhà của ông câm. Tôi bước tới một ngôi nhà xiêu vẹo, cửa mở trống hoang, rồi nhìn vào trong cái sáng mờ mờ của cây đèn cóc. Trên bàn thờ nhà ông câm, di ảnh của bà Hai (má ông câm), đôi mắt thật buồn.Và trên bàn thờ ấy không có bất cứ một thứ hoa quả bánh trái nào cúng đêm giao thừa, nhang khói lạnh tanh giống như nhà hoang chết chủ. Tôi giật bắn người, dưới bàn thờ ông câm đang quỳ thủ phục như một tội đồ sám hối. Từ đó vọng ra tiếng khóc. Ông câm không nói được tiếng người mà tiếng khóc thì y chang tiếng người, nghe mà dựng tóc gáy vì nó thẩm sâu đau đớn đến tột cùng. Bất chợt tôi đánh rơi nước mắt. Tôi khóc cho một gia cảnh. Tôi khóc vì tiếng khóc của ông Hứa Văn Năm, nó giống một thứ tiếng lòng của đất mẹ. Ôi làng quê, ôi cố thuở của ta, muôn đời vẫn con đó những ân tình nhân nghĩa./. |
Cập nhật ( 14/12/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com