NGÔN NGỮ VĂN HOÁ TRONG ĐỊA DANH BẠC LIÊU * Hồ Xuân Tuyên Địa danh là một khoa học có mối quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ học. Trong địa danh Bạc Liêu, chúng ta cũng thấy có hiện tượng biến âm lịch sử, biến âm do văn hoá, biến âm do quá trình phát âm trong ngữ lưu, hiện tượng mượn âm, rút gọn âm… Đặc điểm ngữ âm của phương ngữ Nam Bộ (PNNB) nói chung thể hiện rất rõ trong địa danh Bạc Liêu. 1. Biến âm – Biến âm lịch sử: Quý thành Quới trong: cầu Ba Quới, sông Ninh Quới, xã Ninh Quới… Thịnh thành Thạnh trong: ấp Vĩnh Thạnh, xã Phong Thạnh, xã Ninh Thạnh Lợi, ấp Ninh Thạnh Tây, xã Tân Thạnh, ấp Thạnh 1, ấp Thạnh An… (nhưng cũng vẫn còn xã Vĩnh Thịnh… ). Các từ “Quý”, “Thịnh” có hình thức ngữ âm ban đầu là “Quới”, “Thạnh”. Trong quá trình biến đổi ngữ âm, khi đến vùng đất phương – Biến âm văn hoá: Chẳng hạn, biến âm do kiêng kị: Hoa thành Huê (trong: ấp Huê 1, ấp Huê 2, ấp Huê 2 B, ấp Huê 2 A, ấp Huê 3…) do kiêng kị tên huý của bà Hồ Thị Hoa – mẹ vua Thiệu Trị. Phúc thành Phước (trong: huyện Phước Long; các ấp: Phước Điền, Phước Ninh, Phước Tân, Phước Thắng, Phước Thọ, Phước Thuận, Phước Trường…) để tránh họ tên chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc). – Biến âm trong ngữ lưu: Cầu Dần Xây là địa danh mượn tên loài cây Dằng Xay hay Giằng Xay. Ở đây có sự chuyển đổi từ “Dằng” hay “Giằng” sang “Dần”; “Xay” sang “Xây”. Từ “Dằng” hay “Giằng” sang “Dần”, ta thấy: nguyên âm “ă” trong “Dằng” (/“Giằng”) và nguyên âm “ă” trong “Xay” (hình thức chữ viết là “a” nhưng là âm vị “ă”) đi với nhau sẽ khó đọc hơn (vì cùng độ mở), do vậy, “ă” trong “Dằng” (/ “Giằng”) sẽ bị biến đổi theo hướng dị hoá thành “â” trong “Dần” cho dễ đọc hơn (vì khác độ mở). Riêng phụ âm cuối của “Dằng” (hay “Giằng”) sang “Dần” vì còn do có sự lẫn lộn trong phát âm của người địa phương giữa N và NG. Như vậy, địa danh này ghi đúng như tên ban đầu phải là Dằng Xay. Sở dĩ gọi “Dần Xây” (“Xây” chứ không phải “Xay”) vì còn liên quan đến một cái tên khác của cầu nữa: cầu Sập. Cầu được xây vào khoảng năm 1917, do một kĩ sư người Pháp phụ trách. Cầu xây lên được một thời gian, nhưng do bờ sông lở nên cầu như muốn sập nên phải xây lại. Có thể tiến độ xây dựng cầu chậm: xây dần dần nên mới có yếu tố “dần”. Đây còn là lí do nhầm từ ngữ (“giằng xay” và “dần xây”) trong quá trình sử dụng. Xung quanh địa danh Giá Rai còn có nhiều cách lí giải nguồn gốc tên gọi. Gần đây, có người cho rằng “gia rai” xuất phát từ tên một loài cây khác “lá gai” (ô rô) rồi nói chệch đi mà thành. Người khác lại bảo: nơi đây, dưới mé sông mọc nhiều cây dừa nước (bà con gọi là “lá dừa nước” – đúng là chỉ thấy lá), và trên bờ có nhiều loài cây gai bia (còn gọi là xương rồng gai) mọc; ghép tên hai loại cây này để có tên “lá gai”, lâu dần gọi thành “Giá Rai”. Cũng khó để khẳng định rằng “giá rai” do đọc chệch từ “lá gai”. 2. Mượn âm Hàu thành Hào trong trị trấn Gành Hào. Có thể do hiện tượng mượn âm “hào” (rãnh đào dưới đất rộng và sâu) thay “hàu” (loại trai có vỏ xù xì sống ở ven biển mà vùng này có rất nhiều). Cũng có thể đây còn là hiện tượng ghi địa danh theo phát âm địa phương (người địa phương phát âm không phân biệt vần ao và au). 3. Rút gọn âm để đặt địa danh Địa danh nói riêng, ngôn ngữ nói chung đều có xu hướng tiết kiệm, tiết kiệm bằng cách rút gọn. Địa danh ban đầu thường đặt dài, sau đó được rút gọn lại cho dễ nhớ, dễ đọc. Ở Bạc Liêu, có địa danh theo cách này như trường hợp “Hoàng Quân” (trong: ấp Hoàng Quân 1, ấp Hoàng Quân 2, ấp Hoàng Quân 3 – xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi), người dân thường chỉ phát âm là “Hoàng” (Hoàng 1, Hoàng 2, Hoàng 3…); hoặc trường hợp khác, “Béc Lờ Hen” rút gọn thành “Béc Hen” (trong ấp Béc Hen Lớn, ấp Béc Hen Nhỏ) v.v. Tuy nhiên, cách rút gọn kiểu như địa danh Chắc Băng được rút từ câu nói của chúa Nguyễn “Trẫm chắc băng hà…” là không đáng tin cậy vì không đúng với quy luật rút gọn của tiếng Việt. Trường hợp Giá Rai cũng không thể là do rút gọn từ “cây giá mọc lai rai” thành “giá rai”, hoặc không thể rút gọn “giá lai rai” thành “giá rai”. Đúng luật thì chỉ có thể là “cây giá” hoặc “giá lai rai” hay “giá lai”. 4. Hiện tượng ghi địa danh theo phát âm của người địa phương (phương ngữ) Đó là các trường hợp: + Thanh ~ (ngã) thành thanh ? (hỏi): Xẽo -> Xẻo (trong ấp Xẻo Dừng…), Hổ và Hỗ (trong ấp Bình Hổ). + Vần ƯƠU thành ƯU: Hươu -> Hưu (trong rạch Cái Hưu…). + Vần ƯƠ thành Ơ: Bướm -> Bớm (trong ấp Giồng Bớm…). + Vần AU thành AO: Hàu -> Hào (trong thị trấn Gành Hào), Bàu -> Bào (trong ấp Bào Sàng, ấp Bến Bào, đường Bào Sén…) . + Nhầm lẫn vần IÊU/ ƯU/ ÊU: Cửu -> Kiểu (ấp Vĩnh Cửu thành ấp Vĩnh Kiểu…), Chiêu Liêu (cây chiêu liêu) -> Chêu Lêu (xóm Chêu Lêu, ấp Văn Đức, xã An Trạch, huyện Đông Hải…) + Vần AO thành ƯU: Bảo -> Bửu (trong ấp Bửu 1, ấp Bửu Đông…) + Am U thành vần ÂU: Chu -> Châu (trong xã Châu Hưng, xã Châu Thới, ấp Châu Phú…) + Vần ĂNG thành INH: Bằng -> Bình (trong ấp Bình Lộc, ấp Bình Minh, ấp Bình Điền…) + Vần YÊN thành AN trong ấp An Khoa, xã An Phúc, xã An Trạch… + Âm Ê thành I: Kênh -> Kinh (trong Kinh Xáng…) + Vần ÊT thành ÊCH: Chệt -> Chệch (trong cầu Điều Chệch, cầu Chệch Trịnh…) + Âm A thành Ơ: Thái -> Thới (trong ấp Do Thới – xã Vĩnh Mĩ A, huyện Hoà Bình)… + Âm O thành Ô: Rong -> Rông (trong ấp Lung Rông, Định Thành, Đông Hải). + Nhầm lẫn phụ âm đầu D/ G, phụ âm cuối NG/ N: Có thể kể các trường hợp: Ngan Gừa thành thị trấn Ngan Dừa (có khi được viết thành Ngang Dừa) do có sự lẫn lộn phụ âm đầu D/ G trong phát âm của người địa phương. Thực ra, địa danh này phải là Ngan Gừa. + Nhầm lẫn giữa âm cuối N và NG: + Nhầm lẫn phụ âm đầu S/ X: Xáng -> Sáng trong Kinh Sáng thực ra phải ghi là Kinh Xáng (con kinh do xáng múc lên mà thành). Ở đây, có sự nhầm lẫn giữa phụ âm đầu S/ X trong PNNB nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Những tiếng có âm đầu là X đều được người Bạc Liêu phát âm thành S (Ví dụ: “sản xuất” phát âm thành “sảng suấc”, “xác định” thành “sác địn”…). Điều này, ngược lại với phương ngữ Bắc Bộ: tất cả các âm tiết có phụ âm đầu là S lại được phát âm thành X. + Phụ âm đầu TR thành CH: cầu Trâu thành cầu Châu, ấp Chủ Trí thành Chủ Chí… + Phụ âm cuối T thành C: Tắt -> Tắc (trong Tắc Sậy, Cái Tắc…). 5. Hiện tượng biến đổi địa danh do biến đổi ngôn ngữ Đó là những địa danh Hán Việt có gốc từ địa danh Nôm: Cái Ram (Cái Tràm), rạch Gia (rạch Bà Già), Giồng Kì (Giồng Ke), Giồng Tri (Giồng Tre), Câu Nạn (Nọc Nạng), rạch Bạch Lão (rạch Ông Ta), Trương Lãng – Trường Láng (Láng Giài) v.v. 6. Đặc điểm phong cách giao tiếp của người Xưng hô bằng tên thứ, dùng danh từ để xưng hô (như “ông”, “bà”, “thầy”… ) không chỉ được thể hiện ở sự giao tiếp trong cuộc sống thường nhật mà còn đi vào cả trong cách định danh tên đất của người Bạc Liêu. Loại địa danh này thường được sử dụng ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nó thể hiện đặc điểm của PNNB, đặc điểm về lời ăn tiếng nói của người bình dân Nam Bộ. |
Cập nhật ( 07/06/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com