NGÔI CHÙA CỦA NGƯỜI KHMER* Trần Phước Thuận Đối với người Khmer, chùa là nơi tôn nghiêm nhất mà cũng là nơi thân thiện nhất, chùa hầu như gắn liền với mọi sinh hoạt trong đời sống của mọi người, chùa là linh hồn của phum sóc, là đại biểu văn hóa của một địa phương. Vì vậy việc kiến trúc chùa là một công việc rất quan trọng nó đòi hỏi không những phải có trình độ kỹ thuật xây dựng cao mà còn phải có khả năng lớn về nghệ thuật kiến trúc. Ngôi chùa Khmer luôn được xây dựng nơi cao ráo, khoáng đảng và yên tịnh; mỗi ngôi chùa là một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều khu vực kiến trúc như : Chính điện, sala, nhà tăng, nhà thiền, nhà thiêu và những tháp để cốt.
Chính điện là nơi thờ Phật được xây dựng ở trung tâm ngôi chùa, nền chính điện thường là hình chữ nhật bề dài gấp đôi bề ngang, được xây cao khoảng một mét. Hàng cột phía ngoài thường được làm theo kiểu Côrinthial, khoảng giữa đầu cột và mái ngói thường có gắn một khuôn đúc bằng xi măng hình chim (krud) hoặc một tiên nữ (kây no) hàng cột phía trong chính điện thường có hình vẽ rồng uốn quanh thân cột và trên đầu cột và chân cột thường được viền hoa văn. Cột kèo khung sườn của các ngôi chùa cổ đều được làm bằng gỗ quí, mái chùa có cấu trúc rất tinh vi, đa số đều lợp ngói những cũng có nới mái được đúc bằng xi măng có cẩn gạch âm dương và viền màu xanh màu đỏ. Mỗi mái chùa có ba bậc, mỗi bậc có ba nếp, đỉnh chùa thường là một góc nhọn 600, hai bên đầu song được đóng kín bằng miếng ván hình tam giác được trạm trổ rất công phu gọi là Hô cheang. Hai bên nóc chùa được thiết kế như hai đuôi rắn dài và cong, giữa nóc có một hoặc ba ngôi tháp thật đẹp, nóc tháp to lớn gồm nhiều tầng phía trên là tượng đầu thần bốn mặt Maha Prum và trên cùng là một thu lôi, các tầng bên dưới thường được khắc những đầu rồng thật đẹp. Phía dưới chính điện là một khoảng rộng dành làm nơi hành lễ, sự bày trí ở đây rất đơn giản, chính giữa là bệ thờ bên trên là tượng Phật Thích Ca được đặt xoay mặt về hướng Đông. Người Khmer nói riêng và các dân tộc khác theo hệ phái Nam tông đều chỉ thờ Phật Thích Ca, không thờ các Phật khác như hệ phái Bắc tông, dù cho bên trong chính điện còn thờ nhiều tượng Phật nhỏ khác nhưng cũng chỉ là tượng Phật Thích Ca trong nhiều tư thế khác nhau. Sala (giảng đường) là nhà hội của chư tăng và phật tử, là một bộ phận được kiến trúc hình chữ nhật được xây dựng đầu tiên của ngôi chùa; Sala còn là nơi tiếp khách thập phương, ở đây cũng có bàn thờ Phật được xây bệ thờ ở gian giữa sát vách hướng Tây, phía trên đặt tượng Phật ngồi thiền quay mặt về hướng Đông, nên cửa Salaluôn quay về hướng Đông. Sala ngày xưa thường là một gian nhà sàn bằng gỗ, mặt sàn cách mặt đất từ một mét trở lên, những nay đa số được xây theo kiểu dáng hiện đại, nền được xây cao. Sala được bố trí đơn giản hơn chính điện, thông thường Sala được xây thành ba gian dài, một gian có xây bệ cao khoảng nửa mét ngang khoảng ba mét, vừa đủ để các vị sư ngồi hai bên dùng cơm. Sala cũng là nơi dành riêng cho các nhà sư sinh hoạt các nghi thức lễ hội, hai gian khác để khách thập phương lễ Phật và nghe thuyết pháp, đôi khi ở đây cũng có ngăn phòng cho sư sãi nghỉ. Bốn bên vách tường và trần nhà Sala cũng như chính điện đều có trang trí hoa văn khéo léo, vẽ nhiều tranh ảnh sự tích Phật Thích Ca và tiền thân của ngài rất lộng lẫy. Ngoài các khu vực kiến trúc khác, mỗi chỗ đều có một đặc điểm thẩm mỹ riêng, như khu tháp để cốt thường là nhiều cái giống nhau gồm chân tháp hình vuông, thân tháp có nhiều tầng với nhiều hoa tiết hoa văn rất đẹp, trên cùng là đầu tháp đỉnh nhọn, đôi khi là đầu thần bốn mặt Maha Prum. Bên ngoài là cổng chùa cũng là một công trình kiến trúc rất khéo léo, mỗi nơi lại có kiểu dáng khác nhau; một số nơi cổng được xây dựng rất lớn, bên trên là ba ngọn tháp theo kiểu tháp Ăngkor, bên dưới thường là những hoa văn, hình ảnh rất tinh xảo va thường có ghế ngồi ở hai bên. Đặc điểm nỗi bật của nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer là điêu khắc, chạm trỗ, hội họa và hoa văn trang trí. Về điêu khắc ngoài các tượng Phật Thích Ca với các kiểu dáng khác nhau như tượng Phật giáng sinh (đứng) Phật tọa thiền (ngồi), Phật nhập niết bàn (nằm), Phật ngồi trên rắn thần Muchalinda, Phật đi khất thực, Phật tu khổ hạnh, Phật thuyết pháp… còn có các tượng thần Kabit maha prum, tượng chằn người chim (Krud), tiên nữ (Kây no), hung thần (Rea hu), quái thú kỳ lân (Reach cha sei), rắn thần (Naga Pôs Néc ka reach), khỉ thần Hanuman, rồng (Naga néc), vua rồng (Phu chông néc), nữ thần đất (Neang Hing Thô vă ni), vũ nữ (Ap sa ra) … Về hội họa, đa số tranh ảnh đều rút ra từ truyện tích cổ xưa, truyền thuyết Phật giáo, sinh hoạt cộng đồng, nhiều nhất là các tranh ảnh diễn tả từ lúc Phật đản sinh đến nhập niết bàn, ca ngợi sự toàn năng toàn giác của Phật. Các hoa văn trang trí thường là các hình ảnh quen thuộc trong thiên nhiên như : Hoa sen nở, hoa sen búp, hoa cúc, hoa hồi (chăn), hoa dây leo (phnhivâr), cành hoa (phnhitês), ngọn lửa (phunhipling)… Các hoa văn được kết cấu rất phức tạp nhưng cũng rất hài hòa ở từng bộ phận kiến trúc khác nhau, kể cả các bộ phận nhỏ như : Chân tường, hành lang, đầu cột, đầu hồi, diềm mái, khung cửa cái, cửa sổ … đều được trang trí rất đẹp. Chùa Khmer dù lớn hay nhỏ, dù ở địa phương nào cũng thường là một quần thể kiến trúc rất công phu, mỗi một khu vực, mỗi một vị trí kiến trúc đều là sự phối hợp bởi những đường nét nghệ thuật thật độc đáo và hài hòa, đã diễn đạt được những ý nghĩa sâu xa và thâm thúy của Phật giáo, đã minh họa những hình ảnh cổ xưa theo tín ngưỡng dân gian đồng thời đã diễn tả được những sinh hoạt cộng đồng của người Khmer Nam bộ; chùa Khmer thật sự là một sản phẩm văn hóa dân tộc đã gắn liền với cuộc sống của người Khmer trong nhiều thế kỷ qua và trong hiện tại cũng đã góp phần không nhỏ làm thẩm mỹ hóa nghệ thuật kiến trúc của các dân tộc ở các tỉnh thuộc vùng đất phía Nam./. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com