NGHỊCH NGỮ – PHÉP TU TỪ CỦA NHỮNG MÂU THUẪN THỐNG NHẤT * TS Nguyễn Thế Truyền
I.Vấn đề Nghịch ngữ (tiếng Anh : oxymoron) là phép tu từ chứa đựng nhiều nét độc đáo. Cách đây khoảng 2.500 năm, Lão tử đã sử dụng nghịch ngữ (NN) (1) như một thủ pháp nghệ thuật chủ yếu để viết bộ “Đạo Đức kinh” (61 lần dùng NN). Sách “Tứ thập nhị chương kinh” cũng ghi lại lời của Phật Thích Ca có sử dụng NN đặc sắc : “Ngô Pháp : niệm Vô niệm niệm, hành Vô hành hành, ngôn Vô ngôn ngôn, tu Vô tu tu ; hội giả cận nhĩ, mê giả viễn hồ” (Cái Pháp của ta là : nghĩ cái điều nghĩ không nghĩ, làm cái việc làm không làm, nói cái lời nói không nói, tu cái sự tu không tu. Ai tỉnh thì gần nó, ai mê thì xa nó) . Nói chung, NN cũng cổ xưa như các phép tu từ khác và có vai trò đặc biệt trong sáng tác nghệ thuật cũng như trong giao tiếp thông thường. Thế nhưng, trong các tài liệu phong cách học tiếng Việt, NN chưa được dành cho một sự quan tâm đúng mức. Giáo trình phong cách học đầu tiên chính thức ghi nhận NN như một phép tu từ là quyển “Phong cách học tiếng Việt” của Đinh Trọng Lạc . Trước đó, các tài liệu tu từ học, phong cách học tiếng Việt đều không phân biệt NN với phép tương phản ( antithesis). Thực chất, NN là một trường hợp đặc biệt của phép tương phản. Nhưng phép tu từ này có những giá trị biểu đạt độc đáo, cần tách riêng để tìm hiểu, như truyền thống tu từ học đã từng làm với phép nhân hoá (personification), vật hoá (objectivization), phúng dụ (allegory), xét trong quan hệ với phép ẩn dụ (metaphor). Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu những kết quả nghiên cứu bước đầu của mình về phép NN từ 3 phương diện : khái niệm và phân loại, cơ sở lôgic ngữ nghĩa, giá trị biểu đạt – dựa trên khoảng 350 dẫn liệu thu thập được về NN. Hy vọng bài viết này sẽ có những đóng góp cho việc hiểu biết sâu thêm về phép tu từ nhiều lý thú này. II. Khái niệm và phân loại nghịch ngữ
II.1. Khái niệm
II.1.1.Theo tìm hiểu ban đầu của chúng tôi, đã có các tác giả sau đây định nghĩa NN (dưới tên gọi nghịch ngữ, nghịch dụ hoặc oxymoron) : II.1.1.a. Đinh Trọng Lạc :”Nghịch ngữ (còn gọi là : nghịch dụ) là một biện pháp tu từ ngữ nghĩa cốt ở việc kết hợp liền nhau hoặc gần nhau những đơn vị cú pháp đối lập nhau về nghĩa trong mối quan hệ ngữ pháp chính phụ, để tạo nên sự khẳng định đôi khi rất bất ngờ, nhưng lại rất tự nhiên, thuận lý, biện chứng (…). Ví dụ : Bi kịch lạc quan (của Tuốcghênhép), Âm thanh im lặng (của Vũ Quần Phương), Kẻ sát nhân lương thiện (của Lại Văn Long)”. (Đinh Trọng Lạc 1999, 267 – 268) II.1.1.b. Lê Đức Trọng : “Nghịch dụ (phép) A. oxymoron, F. oxymoron, Ví dụ: cái chết bất tử ; sự cay đắng ngọt ngào ; sự im lặng hùng hồn”. (Lê Đức Trọng 1993, 140 – 141) II.1.1.c. Nguyễn Như Ý (chủ biên) : “Phép nghịch dụ : Biện pháp tu từ nhằm tăng cường sắc thái, hình ảnh lời nói thể hiện trong sự phối hợp của hai khái niệm trái ngược nhau (bằng hai từ có ý nghĩa đối lập với nhau). Ví dụ : sự rã rời thú vị, niềm vinh quang cay đắng” (2) (Nguyễn Như Ý (chủ biên) 1996, 209) II.1.1.d. Della Thompson : “OXYMORON . n . figure of speech in which apparently contradictory terms appear in conjunction (eg : faith unfaithful kept hem falsly true)”. (Della Thompson 1993, 637) Tạm dịch : Nghịch ngữ : dt : phép tu từ liên kết các từ ngữ bề ngoài mâu thuẫn. (Ví dụ : Niềm tin sai lạc giữ cho hắn một sự thật giả dối). II.1.1.e. Victoria Neufedt : “oxymoron . n . a figure of speech in which opposite or contradictory ideas or terms are combined (ex : thunderous silence, sweet sorrow)”. (Victoria Neufedt, 967) Tạm dịch: Phép tu từ kết hợp các từ ngữ hoặc ý tưởng mâu thuẫn, đối nghịch nhau (Ví dụ : Sự im lặng hùng hồn, nỗi đau khổ ngọt ngào). II.1.2.Nhận xét: Trong năm định nghĩa trên, định nghĩa của Lê Đức Trọng, của Della Thompson và của Victoria Neufedt chuẩn xác hơn, lột tả được đặc trưng cốt lõi của NN : sự kết hợp của các khái niệm (từ ngữ) mâu thuẫn nhau, loại trừ nhau về mặt lôgic (tức phủ định lẫn nhau). Tất nhiên, ở đây chỉ xét trên cấu trúc nổi, vì ở cấu trúc chìm chúng lại thống nhất biện chứng với nhau, tương tự điều mà trong triết học và trong văn học gọi là nghịch lý (paradox). Tuy nhiên cả năm định nghĩa ở trên đều giới hạn NN trong phạm vi kết hợp của các cặp khái niệm (cặp từ ngữ). Tức là trong phạm vi cụm từ. Trên thực tế, NN còn thể hiện ở phạm vi mệnh đề (cụm chủ vị), và liên hợp mệnh đề (liên hợp cụm chủ vị). Tức là NN hiểu theo nghĩa rộng. Một số tác giả gọi trường hợp thứ hai này của NN là nghịch cú. Trong bài viết này, chúng tôi hiểu NN theo nghĩa rộng (3), gần tương ứng với khái niệm nghịch lý của lý luận văn học. Nhóm tác giả Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi định nghĩa nghịch lý như sau : “Nghịch lý : Trong lôgích học, là những suy luận đưa đến những kết luận không thể coi là đúng hay sai, bởi vì các lời nói hay phán đoán đó trái hẳn với kiểu lý giải truyền thống hay trái với lẽ phải thông thường, nhưng đồng thời lại cho thấy những chân lý nào đó. Trong văn học, nghịch lý là một biện pháp gây ấn tượng bất ngờ, khêu gợi những suy nghĩ có tính chất trí tuệ lý thú. (…). Ví dụ : –Địa ngục được lát bằng các ý định lương thiện (Tục ngữ Anh) –Đức Chúa Trời của chúng mặt Satăng (Chế Lan Viên)”. (Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) 1997, 175) NN cũng không chỉ xuất hiện “trong mối quan hệ ngữ pháp chính phụ” như quan niệm của Đinh Trọng Lạc. Theo thống kê của chúng tôi, có khoảng 2,5% NN có quan hệ ngữ pháp đẳng lập (bao gồm cả cụm từ và cụm chủ vị). Tác giả Đinh Trọng Lạc không ghi nhận điều này có lẽ do tư liệu thu thập quá ít. Nhưng nói chung, kết cấu ngữ pháp chính phụ dễ làm nổi bật quan hệ mâu thuẫn về mặt lôgic hơn kết cấu đẳng lập, bởi vì tính thống nhất về chỉnh thể của quan hệ chính phụ là hiển nhiên hơn. Nói về giá trị biểu đạt, NN có 3 tác dụng cơ bản : -gây ấn tượng bất ngờ, thu hút sự chú ý cao độ của người đọc, người nghe vì vấn đề được diễn đạt trái với lôgic thông thường -tạo sắc thái biểu cảm (ít hoặc nhiều) -kích thích suy nghĩ của người đọc, người nghe, bắt họ phải tìm tòi để giải mã vấn đề, từ đó phát hiện hạt nhân hợp lý nằm sâu kín đằng sau những điều tưởng chừng vô lý. NN không có tác dụng tăng cường “hình ảnh của lời nói” như quan niệm của Nguyễn Như Ý, trừ trường hợp nó được dùng phối hợp với ẩn dụ, hoán dụ hoặc so sánh.
II.1.3. Định nghĩa: Đến đây, có thể nêu một định nghĩa về NN theo quan điểm của chúng tôi (và dùng làm cơ sở cho bài viết này) : II.2. Phân loại
Có nhiều cách phân loại NN, nhưng sau đây là 3 cách quan trọng giúp hiểu sâu kết cấu và quan hệ ngữ nghĩa của NN. II.2.1. Phân loại theo cấu trúc : Có hai kiểu NN : II.2.1.a. Cấu trúc cụm từ II.2.1.a.1. Cụm từ chính phụ. Ví dụ : Tôi muốn tiếng thác sông Đà trả lại cho tôi cái bài đồng ca lặng ngắt của cái đoàn thợ gặt đau khổ này. (Nguyễn Tuân, Xoè) II.2.1.a.2. Cụm từ đẳng lập. Ví dụ : Nhan đề bài báo :”Những cô gái độc thân và thiên chức người mẹ” (PN TPHCM, 17 – 3 – 1993) II.2.1.b. Cấu trúc mệnh đề II.2.1.b.1. Mệnh đề đơn. Ví dụ : Thuốc còn hại hơn cả bệnh. (Tục ngữ Anh: Remedy is worse than the disease) II.2.1.b.2. Mệnh đề phức II.2.1.b.2.1. Quan hệ chính phụ. Ví dụ : -Các danh y đã ra sức điều trị cho ông, thế mà ông vẫn thoát chết như thường. (Theo L. Tolstoj, Chiến tranh và Hoà bình) –Hiểu ta ít kẻ, nên ta mới quý. (Lão tử, Đạo Đức kinh : Tri ngã giả hy, tắc ngã giả quý) II.2.1.b.2.2. Quan hệ đẳng lập. Ví dụ : Có hai bi kịch trong cuộc sống : một là không đạt được ước mơ của tâm hồn, hai là chiếm được nó. (Bernard Shaw ) II.2.2. Phân loại theo quan hệ mâu thuẫn Xét theo quan hệ mâu thuẫn giữa hai vế của NN, ta thường gặp các loại NN biểu thị các quan hệ mâu thuẫn sau đây : II.2.2.a. Mâu thuẫn giữa hành động với mục đích hoặc giữa hành động với đối tượng. Ví dụ : –Dù nó là con cháu địa chủ, nhưng con hứa với ông bà nông dân cố gắng nuôi dạy nó thành người nghèo khổ. (Lời mụ Hơn, vợ địa chủ Hào. Dương Hướng, Bến không chồng) –Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (Lời Chúa Giêsu, Kinh thánh Tân ước) II.2.2.b. Mâu thuẫn giữa hành động (trạng thái) với cách thức. Ví dụ : -(…) ba người của cái gia đình hành khất thì bắt chấy rận cho nhau một cách nên thơ. (Vũ Trọng phụng, Số đỏ) -Lạc quan được, cho đời là vui, là không cần cải cách, cho cái xã hội chó đểu là hay ho, tốt đẹp rồi ngồi mà đánh phấn bôi môi hình quả tim để đi đua ngựa, chợ phiên, khiêu vũ, là tự lừa dối mình và di hoạ cho đời, nếu không là vô liêm sĩ một cách thành thực. (Vũ Trọng Phụng, Để đáp lại báo Ngày nay : Dâm hay là không dâm ?) II.2.2.c. Mâu thuẫn giữa trạng thái ( sự vật ) và hoàn cảnh. Ví dụ : Có điều đáng mừng là con lừa của tôi vẫn được bình an vô sự trong lúc chúng ta bị đánh gãy cả xương sườn. (Xervantêx, Đôn Kihôtê nhà quý tộc tài ba xứ Mantra) II.2.2.d. Mâu thuẫn giữa người (vật) với đặc tính, chức năng. –Nghe tôi nói nhé : lớn lên chú đừng sa vào con đường văn chương chữ nghĩa. (…) Chú không chống nổi sự ngu dốt của bọn có học đâu. (…) Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân. (Nguyễn Huy Thiệp, Những bài học nông thôn) -Tôi chẳng thể hiến tặng gì ngoài ánh hào quang tăm tối ấy… (Louis Aragon. Je ne peux plux vous faire d’autres caudeaux que ceux de cette, lumière sombre…) II.2.2.e. Mâu thuẫn giữa nguyên nhân (giả thiết ) với kết quả. Ví dụ : -Chỉ vì không tranh. Nên không ai tranh nổi với mình. (Lão tử, Đạo Đức kinh : Phù duy bất tranh. Cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.) -Khắp nơi không có ruộng hoang. Nông dân vẫn chết đói. (Lý Thân, Mẫn nông :Tứ hải vô nhàn điền. Nông dân do ngã tử. ) II.2.3. Phân loại theo tính chất của sự phủ định ngữ nghĩa Xét theo tính chất phủ định ngữ nghĩa giữa hai vế của NN, có thể chia NN làm ba loại : II.2.3.a. Nghịch ngữ phủ định toàn thể Là NN có toàn bộ nội dung ngữ nghĩa phủ định lẫn nhau. Ví dụ : -(Dùng phụ từ phủ định) Chó biết thằng này thế nào là thật ! Tao ghét cái cười mủm mỉm hiền lành không hiền lành của mày. (Lời Nguyễn Tuân nói mỉa Tô Hoài. Tô Hoài, Cát bụi chân ai) -(Dùng phụ từ phủ định) Thị vi vô trạng chi trạng. Vô vật chi tượng. (Ấy gọi là cái hình trạng không hình trạng. Cái hình trạng của cái không có vật. Lão tử, Đạo Đức kinh) -(Dùng từ ngữ tương phản lôgic) Một nửa đàn ông là đàn bà. ( II.2.3.b. Nghịch ngữ phủ định bộ phận Là NN mà hai vế chỉ phủ định một phần nghĩa của nhau. Ví dụ : II.2.3.b.1. (Phủ định một phần nghĩa hiển ngôn) Vô huyền cầm thượng tấu dương xuân
Thiên cổ vạn cổ thanh bất tuyệt. (Đàn không dây gảy khúc dương xuân Vang mãi muôn đời âm chẳng dứt. Trần Thái Tông, Niệm tụng kệ) II.2.3.b.2. (Phủ định hàm ý) Pháp lệnh tư chương, đạo tặc đa hữu. (Pháp lệnh càng rõ rệt, trộm cướp càng sinh nhiều. Lão tử, Đạo Đức kinh) II.2.3.b.3. (Phủ định tiền giả định) -The Sun Also Rises. (Mặt trời cũng mọc – Tên một tiểu thuyết của Hemingway) -Il ne manquera pas d’y faillir. (Thành ngữ Pháp: Hắn sẽ không quên sai lời đâu. Tiền giả định ngớ ngẩn : Hắn quên sai lời) II.2.3.c. Nghịch ngữ phủ định miêu tả Là NN dùng sự miêu tả sự việc để phủ định. Ví dụ : Bọn trọc phú rất rộng rãi với tri thức. Chúng nó nhường cho chúng ta cái thú vui nghiên cứu, cái vinh dự sáng tạo, tim tòi, cái khoái lạc thiêng liêng của sự hoàn thành nhiệm vụ, còn chúng nó giữ cho chúng nó những thú vui thứ yếu như : trứng cá đen ragu, gà quay, xe du lịch đời mới, sâm banh và lò sưởi băng hồi xưa và chúng nó giữ cho chúng nó sự hưởng lạc nguy hiểm ! (Marcel Pagnol – Pháp, kịch Topaze) III. Cơ sở lôgic ngữ nghĩa của nghịch ngữ
III.1. Cơ sở lôgic ngữ nghĩa Một câu hỏi luôn đặt ra cho những ai nghiên cứu NN : Vì sao những kết hợp mâu thuẫn, phi lôgic của NN lại được coi là hợp lý, thậm chí còn được coi là hay, là độc đáo ? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta phải xuất phát từ 3 phương diện hình thành nên một NN : (1) sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan (đối tượng phản ánh),(2) người phát ngôn (chủ thể nhận thức), (3) hệ thống tín hiệu ngôn ngữ (phương tiện biểu hiện). Mỗi phương diện này sẽ cung cấp cho ta những dữ kiện để lý giải cơ sở tồn tại của NN. III.1.1. Nhìn từ góc độ sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan (xuất phát từ lôgic biện chứng của thực tiễn) Như chúng ta đã biết, sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan luôn chứa đựng sự đối lập, mâu thuẫn. Đó là các mâu thuẫn giữa hiện tượng với bản chất, hình thức với nội dung, cái riêng với cái chung, khách quan với chủ quan, khả năng với hiện thực, hành động với mục đích,… Các mặt đối lập giả định lẫn nhau và là tiền đề tồn tại của nhau. Theo Diderot, mỗi mặt đối lập trong quan hệ mâu thuẫn luôn bao hàm trong mình mặt đối lập còn lại, nên mỗi mặt đối lập nào cũng “ít nhiều là một mặt đối lập khác”. Mặt đối lập này không phải là sự phủ định mặt đối lập khác mà là “sự khẳng định ít nhất của nó”. (Lịch sử phép biện chứng, tập II, 372). Điều này tương tự khái niệm đại lượng âm trong triết học Kant. Mặt khác, sự vật luôn luôn vận động và phát triển. Các mâu thuẫn cũng không đứng yên mà luôn đấu tranh và chuyển hoá cho nhau. Triết học cổ đại phương Đông đã từng khẳng định : “âm cực dương sinh” và “dương cực âm sinh” hoặc “vật cực tắc phản”. Triết học Mácxít cũng khẳng định “sự xâm nhập lẫn nhau của các mâu thuẫn đối cực và sự chuyển hoá từ mâu thuẫn này sang mâu thuẫn khác khi các mâu thuẫn đó lên đến cực độ” (F. Engels, Biện chứng của tự nhiên). Toàn bộ những điều vừa nói được triết học duy vật biện chứng gói gọn trong định đề : “sự thống nhất trong mâu thuẫn của các mặt đối lập”. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng nhất để xây dựng NN, xét từ góc độ nội dung phản ánh. Nói khác đi, NN chính là sự phản ánh lôgic biện chứng của thực tiễn vào ngôn từ. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều NN gắn liền với tục ngữ, cách ngôn, châm ngôn, gắn liền với triết học. Giá trị triết lý, nhận thức là một sắc thái đậm nét của NN so với các phép tu từ khác. III.1.2. Nhìn từ góc độ chủ thể nhận thức – phát ngôn (xuất phát từ lôgic nhận thức của người nói, viết) Cùng một sự vật, hiện tượng, nhưng cách tiếp cận khác nhau, sẽ nảy sinh những nhận thức khác nhau, dẫn đến sự đối lập về quan niệm, cách đánh giá. Đây chính là cơ sở thứ hai giúp xây dựng NN. Một số quan hệ mâu thuẫn về nhận thức thường được NN khai thác, phản ánh : III.1.2.a. Mâu thuẫn giữa cách nhìn nhận của chủ thể này với chủ thể khác. Ví dụ sự đối lập về cách đánh giá của các nhà nghiên cứu về Gogol : “Gogol được tuyên bố là một nhà văn hiện thực chủ nghĩa và một cây bút huyễn tưởng ; một người hiểu biết tinh tế trái tim con người và một tác giả của những nhân vật một chiều ; một nhà cách mạng và một tên phản động ; một kẻ yêu thích mọi thứ thấp kém và một vị tư tế của cái đẹp ; một tên nói dối bệnh hoạn và một nhà giải phẫu tối trung thực bản chất con người ; một kẻ hiếu danh tự khẳng định và một con người đau khổ giàu đức hy sinh ; một kẻ ba hoa rỗng tuếch và một nhà thơ bi tráng ; một con người Nga điển hình và một người Tiểu Nga tiêu biểu ; một tên dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi và một tinh thần vũ trụ”. (R.A. Maguite – Dẫn theo Phạm Vĩnh Cư) III.1.2.b. Mâu thuẫn giữa cách nhìn nhận một chiều với cách nhìn nhận đa chiều Cùng một sự vật, hiện tượng và cùng một chủ thể nhận thức, nhưng xuất phát từ những hướng tiếp cận khác nhau, cũng dẫn đến mâu thuẫn. Đây là loại mâu thuẫn nội tại trong nhận thức. Ví dụ tâm trạng của Nguyên Ngọc khi ở bên nhà văn Nguyễn Minh Châu trước những giờ phút cuối cùng :”Tôi có cái may mắn đau đớn được gần anh Châu trong một số ngày tháng cuối cuộc đời anh. Tôi có thể nói rõ điều này : anh đã làm việc, đã viết với ngòi bút của mình, anh đã chiến đấu cho đến giây phút cuối cùng của mình”. (Nguyên Ngọc, Lời mở đầu Hội thảo khoa học nhân ngày giỗ đầu của nhà văn Nguyễn Minh Châu) III.1.2.c. Mâu thuẫn giữa cách nhìn nhận thông thường với cách nhìn nhận triết học Đây là loại mâu thuẫn hay được khai thác để xây dựng nên những câu nói mang tính chất triết lý. Ví dụ : “Tri chi vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri dã” (Biết điều gì thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết, ấy là biết vậy . Khổng tử, Luận ngữ) III.1.2.d. Mâu thuẫn giữa hệ thống quan điểm của học thuyết này với hệ thống quan điểm của học thuyết khác Loại mâu thuẫn này được khai thác hạn chế và chỉ xuất hiện trong văn phong chính luận hoặc văn phong khoa học. Trong Đạo Đức kinh của Lão tử, có một số NN kiểu này (phản ánh sự mâu thuẫn về quan điểm của Đạo học và Nho học). Ví dụ : Thất Đạo nhi hậu Đức. Thất Đức nhi hậu Nhân. Thất Nhân nhi hậu Nghĩa. Thất Nghĩa nhi hậu Lễ. Phù Lễ giả, trung tín chi bạc. Nhi loạn chi thủ. (Mất Đạo rồi mới có Đức. Mất Đức rồi mới có Nhân. Mất Nhân rồi mới có Nghĩa. Mất nghĩa rồi mới có Lễ. Lễ chỉ là cái vỏ mỏng của lòng trung tín. Mà cũng là đầu mối của sự hỗn loạn) III.1.2.e. Mâu thuẫn giữa cách nhìn nhận của thời đại cũ với cách nhìn nhận của thời đại mới ; giữa thể chế xã hội này với thể chế xã hội khác Thời đại (hoặc thể chế xã hội) thay đổi, hiển nhiên nhận thức, quan niệm của con người cũng thay đổi. Có khi sự thay đổi dẫn đến đảo ngược các giá trị, biến các chuẩn mực thành những “danh từ trống rỗng hoặc vô nghĩa” (Vũ Trọng Phụng). Đây là loại mâu thuẫn mà các nhà văn, nhà thơ hay khai thác để xây dựng nghịch ngữ. Ví dụ, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được khi bà Phó Đoan – một goá phụ trong buổi giao thời của luân lý phong kiến và các tư tưởng cấp tiến Tây Âu – suy nghĩ : “(…) bà đã lẳng lơ theo đúng nghĩa lý của sách vở thánh hiền, nghĩa là bà đã được mừng thầm rằng mình đã trót hư hỏng một cách có tính chất khoa học” (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ) III.1.3. Nhìn từ góc độ hệ thống tín hiệu ngôn ngữ (xuất phát từ lôgic của phương tiện biểu hiện) Sở dĩ có thể dùng ngôn ngữ để tạo nên các NN – những điều hợp lý một cách vô lý – bởi do ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu có những đặc điểm uyển chuyển về cấu trúc và chức năng. III.1.3.a. Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đa trị về cấu trúc biểu hiện Đặc tính này cho phép ngôn ngữ diễn tả được những nội dung ngữ nghĩa không theo các quy luật lôgic hình thức (đơn trị, hoặc đúng hoặc sai). Các tín hiệu ngôn ngữ, về nguyên tắc, xét từ góc độ hệ thống và góc độ tiềm năng, là đa nghĩa. Trong sử dụng, các tín hiệu ngôn ngữ với bộ nghĩa đa trị của mình kết hợp với nhau theo nguyên lý “thử và sai”. Ví dụ : tín hiệu A có các nghĩa a1, a2, a3,… ; tín hiệu B có các nghĩa b1, b2, b3,… Khi kết hợp A và B, nếu nghĩa được chọn của A là a1 có sự mâu thuẫn với nghĩa được chọn của B là b1 (tức có sự bất thường, phi lý), thì lập tức nghĩa a1 phải thử kết hợp với các nghĩa b2, b3 ,…; hoặc nghĩa b1 phải thử kết hợp với các nghĩa a2, a3 ,… chừng nào tìm được sự hợp lý cần thiết. Đây là cơ chế của sự giải thích lại, hiểu lại phát ngôn mà Hoàng Phê, 1989 và Đỗ Hữu Châu, 2001 đã đề cập. NN được xây dựng trên tính chất đa trị về nghĩa và cơ chế hiểu lại này của hệ thống tín hiệu ngôn ngữ. III.1.3.b. Xét từ phương diện cấu trúc thì một phát ngôn (hình thành từ sự kết hợp các tín hiệu ngôn ngữ) cũng có những điểm đặc biệt làm cơ sở cho sự hình thành và tồn tại của NN. III.1.3.b.1. Tính chất đa thanh của phát ngôn Một phát ngôn có thể xây dựng theo kiểu đơn thanh hoặc đa thanh (nhiều giọng), nhưng nói chung hầu hết đều đa thanh :“ Lời nói thực tiễn sinh hoạt của chúng ta tràn đầy những lời của người khác” (Bakhtin, 1993, 189). Kiểu phát ngôn đa thanh thường gặp là song thanh – phối hợp cách nhìn nhận, quan niệm của hai chủ thể khác nhau. Tức là phối hợp hai điểm nhìn khác nhau (4). Khi hai điểm nhìn bình luận, đánh giá được cố ý kết hợp mâu thuẫn nhau về lôgic hình thức, ta được một NN. Ví dụ ca dao Việt Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu (Phối hợp cách nhìn của nam giới và nữ giới về đàn ông và đàn bà) III.1.3.b.2. Tính chất lôgic tình thái của biểu thức ngôn ngữ Một biểu thức ngôn ngữ thường có giá trị “có thể”, không chắc chắn đúng. Vì thế, giá trị đó có thể bổ sung, điều chỉnh. Trong lý thuyết lập luận, người ta gọi đây là tính chất có thể phản bác, tranh biện. Một số lượng lớn NN được xây dựng trên cơ sở lôgic tình thái và tính chất phản lập luận vừa nói. Ví dụ trong quan hệ đối với cái ác, người xưa quan niệm phải trừng trị đích đáng :”Sát nhân giả tử”. Trong Luận ngữ cũng có câu :”Dĩ đức báo đức, dĩ trực báo oán”. Xét về phương diện ổn định xã hội, quan niệm đó là hợp lý, nhưng nó không tuyệt đối đúng, vì không giải quyết được gốc rễ nảy sinh cái ác. Vì vậy, trong Đạo Đức kinh, Lão tử quan niệm “Báo oán dĩ đức”. Đây là một NN, và hoàn toàn có thể chấp nhận được. Thu Giang Nguyễn Duy Cần bình :”Lấy đức mà trả oán thì oán sẽ tiêu đi. Chứ lấy oán mà trả oán thì oán sẽ chập chồng biết chừng nào dứt. Đó là cái đức “Từ” của Lão tử vậy…” Vì NN thực chất là các phản lập luận nên giá trị chân lý của nó, cũng như giá trị chân lý của các lập luận gốc, không tuyệt đối đúng. NN có thể đúng trong hệ quy chiếu (trường lập luận) của riêng nó, nhưng sai trong hệ quy chiếu của lập luận gốc. Trường hợp NN chỉ bàn luận trong hệ quy chiếu của lập luận gốc thì giá trị chân lý của nó cũng chỉ tỷ lệ phần trăm đúng (thường từ 25% đến 75%). III.1.3.c. Ngôn ngữ là một hệ thống đa chức năng về hoạt động hành chức Trong hoạt động hành chức, ngôn ngữ thực hiện nhiều chức năng khác nhau. Đó là các chức năng phản ánh (thông báo, miêu tả), chức năng biểu cảm, chức năng tác động, chức năng tiếp xúc, chức năng thi ca (thẩm mỹ), chức năng siêu ngôn ngữ,… Vì thế, khi các chức năng này được người nói (viết) cố tình kết hợp mâu thuẫn với nhau ta có các NN. Nói chung, loại NN này tương đối ít gặp. Trong tư liệu của chúng tôi chỉ có hai dạng sau : III.1.3.c.1. Nghịch ngữ biểu thị quan hệ mâu thuẫn giữa chức năng siêu ngôn ngữ và chức năng phản ánh. Ví dụ nhan đề một bài báo của Tầm Dương :”Không nói”… nói gì ? (TQ, tháng 12/1987) Thực tế “Không nói” là tên một bài thơ của Nguyễn Đình Thi, và tác giả Tầm Dương đã phân tích nó trong bài báo ở trên. Lúc này, “Không nói” là ngôn ngữ dẫn (siêu ngôn ngữ) chứ không phải là ngôn ngữ dùng. III.1.3.c.2. Nghịch ngữ biểu thị quan hệ mâu thuẫn giữa chức năng thi ca và chức năng phản ánh. Đây là cơ sở để các tác giả dân gian xây dựng các bài đồng dao và các bài vè dạng nói ngược. Trong các tác phẩm này, vì mục đích thẩm mỹ, giải trí, tác giả đã cố tình vi phạm lôgic thông thường của thực tiễn phản ánh, tạo nên những hình tượng ngộ nghĩnh, sống động và gửi gắm một nỗi niềm tâm sự sâu kín (nhiều khi chỉ ở dạng vô thức). Ví dụ một đoạn trong bài vè nói ngược của Nam Bộ :
Nghe vẻ nghe ve Nghe vè nói ngược Ngựa đua dưới nước. Tàu chạy trên bờ Lên núi đặt lờ. Xuống sông bửa củi Gà cồ hay ủi. Heo nái hay bươi. Nước kém ba mươi. Mùng mười nước nhảy,…
Loại NN này rất gần với các hình ảnh phi lý trong truyện hoặc kịch phi lý. III.2. Quy tắc hiểu nghịch ngữ
NN được xây dựng trên các mâu thuẫn. Thực chất chúng là sự cố tình vi phạm phương châm về chất trong nguyên tắc cộng tác hội thoại của Grice. Vì thế quy tắc hiểu NN chỉ gói gọn trong mấy chữ : “sự hiểu lại” (từ một phương diện khác, trong một hệ thống lôgic khác). Sự hiểu lại NN theo tình tự hai bước : (1) hiểu lại từ ngữ của phát ngôn, (2) hiểu lại cơ sở xác lập phát ngôn (các topos – các lẽ thường). Khi hiểu lại, nếu bước 1 tiến hành không có kết quả, người ta mới chuyển qua bước 2. Tất nhiên nền tảng của việc hiểu lại này là ngữ cảnh (context) (5) III.2.1. Hiểu lại từ ngữ của phát ngôn Ở bước này, chúng ta tạm thời coi các tiền giả định (tiền giả định ngữ dụng – các topos) có giá trị đúng. Khi đó mâu thuẫn giữa hai vế của NN chính là mâu thuẫn giữa hiển ngôn và tiền giả định. Mà “khi hiển ngôn có mâu thuẫn với tiền giả định thì vì tiền giả định có giá trị một tiền đề không thể phủ định được (6), cho nên phải “hiểu lại” hiển ngôn (nói chính xác hơn : phải hiểu lại thành tố cái mới trong hiển ngôn), tức là phải hiểu khác với bình thường, không phải hiểu từng chữ theo nghĩa đen mà hiểu theo nghĩa bóng – nghĩa ẩn dụ, hoán dụ – không hiểu theo nghĩa cơ bản mà hiểu theo nghĩa phái sinh,… làm sao cho hiển ngôn không còn mâu thuẫn với tiền giả định”. (Hoàng Phê 1989, 120). Ví dụ : -Kẻ hèn nhát chết nhiều lần trước khi chết, còn những bậc anh hùng thì chỉ chết có một lần. (J. Caesar) Hiểu lại chữ “chết” thứ nhất theo nghĩa bóng (chết về ý chí, tâm hồn). – Bất xuất hộ, tri thiên hạ. Bất khuy dũ, kiến thiên Đạo. Kỳ xuất di viễn, kỳ tri di thiểu. (Lão tử, Đạo Đức kinh) (Không ra khỏi cửa, mà biết được việc thiên hạ Không dòm ngoài cửa, mà thấy được Đạo trời. Càng ra xa, càng biết ít) Phải hiểu lại từ “biết” (tri) theo quan điểm của Đạo học ; phân biệt “tiểu tri” : cái biết vụn vặt, chi ly của lý trí, sự hiểu biết thông thường của cái học “trục vật” (đuổi theo sự vật) và “đại tri” : cái biết bao gồm tổng quát của trực giác, cái biết của “nội quan phản chiếu”, tức cái biết thực sự của Đạo học. III.2.2. Xác lập topos mới Khi không vận dụng được cách 1 (vừa nói ở trên) để hiểu NN, chúng ta phải xác lập topos mới (một hoặc nhiều topos), đối lập với topos cũ. Nói cách khác là xác lập cơ sở lập luận mới cho phán đoán đưa ra trong NN. Khi đó topos mới vừa là tiền giả định, vừa là hàm ý của NN. Ví dụ : Các danh y dã ra sức điều trị cho ông, thế mà ông vẫn thoát chết như thường. (Theo L. Tolstoj, Chiến tranh và Hòa bình). Topos cũ : Được nhiều thầy thuốc điều trị thì tốt hơn. Topos mới : Được nhiều thầy thuốc điều trị thì tệ hơn, vì họ luôn đố kỵ, ghen ghét nhau. Trên thực tế, công việc xác lập topos mới để hiểu các NN của một học thuyết triết học, tôn giáo nào đó cực kỳ phức tạp, chứ không đơn giản như minh hoạ ở trên (chẳng hạn như để hiểu lời nói của Phật Thích Ca nêu ở đầu bài viết này). Thực chất của công việc này là tìm tới cái tinh tuý, vi diệu của những học thuyết đó, giúp người giải mã đạt tới trình độ hiểu biết “thượng thừa” như cách nói của Phật giáo. III.3. Phân biệt nghịch ngữ với các khái niệm liên quan
Đến đây, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt NN với các khái niệm liên quan như : phép tương phản (antithesis), cái phi lý (preposterousness), nghịch lý (paradox). III.3.1. Nghịch ngữ và phép tương phản NN và phép tương phản đều được xây dựng trên cơ sở quan hệ đối lập (khái niệm đối lập hoặc mệnh đề đối lập). Nhưng ở NN, quan hệ đối lập đã phát triển thành quan hệ mâu thuẫn (quan hệ phủ định lẫn nhau). Vì thế, NN về thực chất chỉ là một trường hợp đặc biệt của phép tương phản. III.3.2. Nghịch ngữ và cái phi lý Trong mỗi NN, đều chứa đựng yếu tố phi lý. Phi lý là yếu tố cần thiết để xây dựng NN, nhưng điều đó chỉ dừng lại ở phương diện lôgic hình thức. Hay nói cách khác, cái phi lý là một mâu thuẫn đơn thuần, còn NN là một mâu thuẫn biện chứng. Tuy nhiên, nhiều khi giữa NN và cái phi lý không phải dễ dàng phân biệt, vì cái phi lý cũng chỉ là tương đối. Cái phi lý cũng là kết quả của sự tha hoá hoặc sự thay đổi tầm nhìn. Nhưng nói chung, cơ sở lôgic ngữ nghĩa của NN là rõ ràng, dễ nhận thấy hơn cơ sở lôgic ngữ nghĩa của cái phi lý. III.3.3. Nghịch ngữ và nghịch lý Tất cả các NN đều là nghịch lý, xét từ phương diện lôgic. Nhưng ngược lại thì không đúng. Khái niệm nghịch lý rộng hơn NN. Đặc biệt các nghịch lý trong lôgic học truyền thống rất khác với NN (ví dụ nghịch lý “Anh thợ hớt tóc của Rutxen, nghịch lý “Kẻ nói dối” của Epbulit hoặc các antinômi của Kant). Hơn nữa, cũng như cái phi lý, không phải mọi nghịch lý đều biểu thị dưới dạng cấu trúc của các khái niệm mâu thuẫn hoặc mệnh đề mâu thuẫn như cấu trúc của một NN. VI. Giá trị biểu đạt của nghịch ngữ.
NN có 3 giá trị biểu đạt cơ bản : biểu cảm, nhận thức, gây ấn tượng. VI.1. Giá trị biểu cảm Giá trị biểu cảm nổi rõ nhất của NN là yếu tố hài (yếu tố gây cười). Cơ sở của yếu tố hài là các mâu thuẫn mang trong mình NN. Tiếng cười của NN có thể là tiếng cười mang sắc thái mỉa mai, châm biếm (chất trào lộng) khi những mâu thuẫn, đối lập đặt bên cạnh nhau biểu thị sự lố lăng, kệch cỡm, quái dị. Kết cấu của những cái nghịch thường, mâu thuẫn mà thống nhất biện chứng cùng nhau cũng đem lại cho tiếng cười của NN một sắc thái hài hước triết lý thâm thuý (chất uy mua). Đó là tiếng cười khi chúng ta đột nhiên bật lên thú vị, sảng khoái vì giác ngộ chân lý của vấn đề. Tiếng cười (yếu tố hài) là một dấu hiệu cơ bản của NN. Lão tử cũng đã từng nói : “Hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu, bất túc dĩ vi Đạo” (Kẻ sĩ bậc thấp nghe nói đến Đạo là cười to lên. Không cười sao đủ gọi là Đạo ! – Đạo Đưc kinh). Tiếng cười mà Lão tử muốn nói ở đây là tiếng cười về sự nghịch thường. Mà sự nghịch thường chính là cơ sở bảo đảm chắc chắn cho cái đúng, tương tự ý của câu nói của nhà bác học La Mã thồi Trung đại Tertullianus: “Tôi tin vì nó phi lý”! VI.2. Giá trị nhận thức Trong Đạo Đức kinh, Lão tử có viết : “Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn” (Đã hiểu sâu rồi lại hiểu sâu thêm một bậc nữa thì tới được cửa của các lẽ huyền diệu). Trong giáo lý Phật học, người ta cũng phân biệt ra mấy trinh độ về cách hiểu lẽ CHÂN VÔ . NN có tác dụng nhận thức y như những điều vừa nói trong Đạo học và Phật học. Kết cấu ngữ nghĩa của NN là một tổ chức của sự phủ định biện chứng gồm 3 nấc thang (giống quan niệm của Hegel): khẳng định – phủ định – phủ định của phủ định. Hai mặt mâu thuẫn trong cấu trúc NN là quan hệ giữa hai mặt khẳng định và phủ định. Còn hàm ý sâu xa (ngụ ý và ẩn ý theo sự phân loại về hàm ngôn của Hoàng Phê) rút ra từ mâu thuẫn lôgic hình thức giữa hai mặt đó, chính là sự phủ định của phủ định. Vì thế, NN giúp chúng ta hiểu sâu sắc vấn đề, tiếp cận chân lý ở một trình độ cao hơn bình thường. Bởi thế, có nhà nghiên cứu như Trần Quốc Vượng cho rằng :”con người mà còn chưa biết chấp nhận nghịch lý thì còn ở trạng thái chưa trưởng thành” (7). VI.3. Giá trị gây ấn tượng Xét theo lý thuyết thông tin, NN là một kết hợp có xác suất dự đoán thấp (gần bằng không) nên sẽ có hiệu quả thông tin cao (gần ở mức tối đa). Nói chung, một kết hợp nghịch thường luôn tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ và sự chú ý đặc biệt. Những NN đặc sắc luôn khắc sâu vào trí nhớ của con người. Nhiều người thích dùng NN vì yêu cái ấn tượng mạnh mẽ do nó gây ra. Đó là ấn tượng của cái đẹp khác lạ, độc đáo (8). Đúng như Nguyễn Tuân có lần nói :”Sách vở nào mà chép dạy cho được những lời ấy ; chỉ có cuộc đời rộng rãi, chỉ có đường đời vô thường định mới dạy cho người ta biết được những câu đẹp đẽ một cách quái dị như thế thôi”. (Chiếc va ly mới) Nói theo ngôn ngữ phê bình hiện đại, NN chính là sự “lạ hoá”, sự phá vỡ trật tự thông thường, quen thuộc, chống lại cái sáo mòn, cái mặc nhiên thừa nhận. NN thức tỉnh sự tự ý thức. Thu Giang Nguyễn Duy Cần nhận xét về tác dụng của NN :”Sự tối tăm của câu văn có cái hấp dẫn của nó là kích thích óc tò mò, sự tìm hiểu ẩn ý của người viết và nhân đó giải phóng những tiềm lực sâu thẳm của lòng người”. (Tương tự phép Đốn ngộ của Thiền tông) V. Kết luận. Karl Marx trong tiểu luận “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel” có đoạn bàn về ý nghĩa của NN :” Việc phê phán tôn giáo dẫn đến học thuyết cho rằng người là sinh vật tối cao nhất đối với con người, do đó dẫn đến cái mệnh lệnh tuyệt đối phải lật đổ tất cả những quan hệ trong đó con người là một sinh vật bị làm nhục, bị nô dịch, bất lực, bị khinh rẻ – những quan hệ mà không có gì có thể diễn tả hay hơn lời nói của người Pháp về dự án thuế nuôi chó :”Những con chó tội nghiệp kia ! Người ta muốn đối xử vói chúng mày như đối xử với con người !”. Cũng như các nhà triết học lớn của thế giới, Marx và Engels cũng hay dùng NN. Một trong những câu nói nổi tiếng của Marx có sử dụng NN : “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần” (Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel). Một lý do hiển nhiên ở đây là : NN chính là sự thể hiện của tư tưởng biện chứng vào hình thức nghệ thuật ngôn từ. Sự gắn bó giữa nó với triết học biện chứng là lẽ tự nhiên. NN cũng là công cụ sắc bén của văn chương, báo chí, ngôn ngữ chính luận và lời nói thường ngày. NN đem lại cho ngôn từ chiều sâu tư tưởng và sự đa thanh về giọng điệu chống lại thứ ngôn ngữ “phẳng phiu”, “sạch bóng” mà Bakhtin đã từng phê phán khi nói về tiểu thuyết. NN giúp con người nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn từ nhiều hệ quy chiếu khác nhau. Nếu như thiếu NN, ngôn ngữ loài người sẽ thiếu đi một phần của cái gì đó độc đáo, đặc sắc nhất. Nhưng để hiểu được NN không phải dễ. Để giúp giải mã được NN có lẽ cần thêm nhiều đáp của các nhà nghiên cứu từ nhiều góc độ. Chú thích: (1) Kể từ đây, từ “nghịch ngữ” được viết tắt là NN, ngoại trừ khi nó xuất hiện ở các đề mục. (2) Thuật ngữ “phép nghịch dụ” không được Từ điển của Nguyễn Như Ý chú thích bằng tiếng Anh. Nhưng trong Index của Từ điển này, từ oxymoron được dịch là phép nghịch hợp. Một số tài liệu khác cũng dịch từ oxymoron là nghịch hợp. Phép nghịch hợp trong phần giải nghĩa tiếng Việt của Từ điển Nguyễn Như Ý lại không có. (3) Về bản chất, NN là cụm từ và NN là mệnh đề không có gì khác nhau. Chúng đều phản ánh một nghịch lý, nhưng dưới dạng phán đoán hoặc dạng tổ hợp khái niệm. (4) Xem thêm Nguyễn Thế Truyền 2002, 7 – 10 (5) Xem thêm cách hiểu lại các chuổi bất thường về nghĩa ở Trần Ngọc Thêm 1985, 322 – 324. Tuy nhiên cần chú ý yếu tố ngữ cảnh (theo nghĩa hẹp) không có tác dụng quyết định trực tiếp sự hiểu lại NN như với chuổi bất thường về nghĩa loại thông thường. (6) Chỉ đúng trong trường hợp bình thường, theo giới hạn của lôgic hình thức (chú thích của Nguyễn Thế Truyền) (7) Dẫn theo Đỗ Lai Thuý 1999, 293. (8) Các phẩm chất này của NN rất giống với phạm trù “sự kỳ quặc nực cười” và “trò hôn phối không tương xứng” trong cảm quan của lễ hội hoá trang (carnaval) theo sự phân tích của Bakhtin. Xem Bakhtin 1993, 118 – 119. TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH I . CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU 1. M. Bakhtin. 1992. Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. Trường viết văn Nguyễn Du. 2. M. Bakhtin. 1993. Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki. Nxb Giáo dục. 3. Cao Xuân Hạo. 1991. Quan điểm chủ toàn trong triết học Lão-Trang và trong cấu trúc luận phương Tây.T/c Văn học,số 1-1996. 4. Đinh Trọng Lạc. 1999. Phong cách học tiếng Việt (tái bản lần 1). Nxb Giáo dục. 5. Đỗ Hữu Châu. 1998. Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng (tái bản lần 1). Nxb Giáo dục. 6. Đỗ Hữu Châu. 2001. Đại cương ngôn ngữ học (tập II). Nxb Giáo dục. 7. Đỗ Lai Thuý. 1999. Từ cái nhìn văn hoá. Nxb Văn hoá dân tộc. 8. Hoàng Phê. 1989. Logic ngôn ngữ học. Nxb Khoa học xã hội. 9. Nguyễn Đưc Dân. 1996. Lôgích và tiếng Việt. Nxb Giáo dục. 10. Nguyễn Đức Dân. 1998. Ngữ dụng học (tập 1). Nxb Giáo dục. 11.Nguyễn Thế Truyền. 2002. Điểm nhìn của người nói. Tạp chí “Ngôn ngữ và đời sống”, số 11 – 2002. 12. Nguyễn Văn Dân. 1999. Nghiên cứu văn học – lý luận và ứng dụng. Nxb Giáo dục. 13. Thích Thiện Hoa. 1992. Phật học phổ thông (3 quyển). Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh. 14. Trần Ngọc Thêm. 1985. Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt. Nxb Khoa học xã hội. 15. Trần Thái Đỉnh. 1969. Triết học Kant. Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai. 16. Trịnh Sâm. 1999. Tiêu đề văn bản tiếng Việt (tái bản lần 1). Nxb Giáo dục. 17. Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. 1998. Lịch sử phép biện chứng (6 tập). Nxb Chính trị Quốc gia. II .TỪ ĐIỂN 1. Đoàn Trung Còn. 1992. Phật học từ điển (3 quyển). Nxb TP Hồ Chí Minh. 2. Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi (Đồng chủ biên). 1997. Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 3. Lê Đức Trọng. 1993. Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học. Nxb TP Hồ Chí Minh. 4. Nguyễn Như Ý (chủ biên). 1996. Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học. Nxb Giáo dục. 5. Della Thompson (Managing Editor) . 1993. The Pocket 6. Webster’s New world TM College Dictionary. (Third Edition). Victoria Neufeldt (Editor in Chief). ĐỊA CHỈ : Nguyễn Thế Truyền Khoa Xã hội & Nhân văn, Trường CĐSP Bạc Liêu ĐT ( Nhà riêng ): 0781. 953 281 |
Cập nhật ( 27/11/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com