Nghệ sĩ PHẠM NGUƠN KIÊN * Trần Phước Thuận Phạm Nguơn Kiên nghệ danh là Bảy Kiên, một nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời với Nhạc Khị, Sư Nguyệt Chiếu; ông là người đã từng giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn hình thành phong trào đờn ca tài tử ở Bạc Liêu, với giọng ca độc đáo của mình, ông đã trực tiếp cổ vũ và phát huy phong trào này lớn mạnh một cách mau chóng. Vào những năm cuối thế kỷ XIX nếu Nhạc Khị với tiếng đờn đã từng chiếm vị trí hàng đầu trong giới cổ nhạc ở Bạc Liêu thì Bảy Kiên với lời ca cũng đã từng không gặp đối thủ ở đây trong thời gian đo. Theo một số người lớn tuổi kể lại Bảy Kiên cùng tuổi với sư Nguyệt Chiếu, ông sinh năm Nhâm Ngọ (1882) tại thôn Láng Giài (Vĩnh Lợi) một địa phương có truyền thống đờn ca tài tử rất nổi tiếng ở tỉnh Bạc Liêu. Cha ông là Phạm Văn Chỉ, lúc sinh thời từng làm Hương lễ trong Ban Hội tề làng nên thường được gọi là Hương lễ Chỉ. Cũng do cha ông được phụ trách các việc lễ lạc tế tự trong làng nên ngay từ nhỏ Bảy Kiên đã sớm gần gũi với nhạc lễ; ông cũng thích bộ môn nghệ thuật này và do duyên may gặp gỡ ông đã thọ giáo với một thầy đờn họ Lưu người Minh Hương. Vị thầy đờn này là một nhạc công lớn tuổi có uy tín khá lớn về nhạc lễ ở Bạc Liêu lúc bấy giờ, ông thông hiểu cả nhạc Tàu lẫn nhạc Việt, nhận thấy Bảy Kiên rất thông minh và siêng năng học tập nên đã tận tâm truyền dạy cách sử dụng của hầu hết các loại nhạc khí của nhạc lễ cổ truyền ; hướng dẫn cả những kinh nghiệm qúy báu về nghề nghiệp của ông; do vậy chẳng bao lâu Bảy Kiên đã trở nên một nhạc công tài giỏi được nhiều người biết tiếng. Danh tiếng của Bảy Kiên càng ngày càng lớn, tiếng đờn của ông càng lúc càng hay, trong hàng nhạc lễ lúc ấy khi nhắc đến tên ông đa số đều tỏ ý thán phục. Tuy ông thực sự tài giỏi nhưng tính rất khiêm cung, kính trên nhường dưới nên rất được lòng mọi người, nhất là thầy ông xem ông như con đẻ ; nhận thấy không còn gì để truyền dạy thêm được nữa và cũng không muốn Bảy Kiên phải dừng lại trong cái khuôn khổ của nhạc lễ nên vị thầy này đã giới thiệu với Nhạc Khị để Bảy Kiên được theo học đờn ca tài tử. Trong môi trường mới lại hợp với khả năng ý thích của mình, Bảy Kiên như cá gặp nước mặc tình thi thố, Nhạc Khị thấy ông chỉ nhỏ hơn mình chút ít, vả lại cũng vừa là một nhạc sĩ đã thành danh nên chỉ xem ông như là một người bạn; mặc dù vậy cũng hết lòng hướng dẫn ông những điều mới lạ của nghệ thuật đờn ca tài tử. Bảy Kiên đã có căn bản sẵn nên tiến bộ rất nhanh, ông giỏi cả đờn lẫn ca, nhất là giọng ca của ông thì khó có người so sánh, giọng ca vừa êm vừa trong vừa mùi lại vừa chắc nhịp. Nhạc Khị có lần nói với các môn đệ “nếu kể về ca thì ở đây không có ai vừa ca hay vừa chắc nhịp như Bảy Kiên”. Bảy Kiên còn sáng tạo ra một lối ca lướt nhịp rất độc đáo, lối ca này rất khó đờn, những người đờn yếu thường bị sai nhịp nên có một số người nói “Bảy Kiên có lối ca phá đờn”, thực ra đây là một thành quả nghệ thuật có nhiều điểm ưu việt, chính lối ca này có thể luyện kỹ năng cho cả người ca lẫn người đờn; trong lúc thực hiện đờn ca tài tử hoặc ca ra bộ nếu áp dụng lối ca này sẽ tăng thêm phần hấp dẫn cho người nghe, người xem và cả các nghệ nhân đang diễn tấu cũng hào hứng như đang thi thố nghệ thuật của mình; lối ca rất hay nhưng cũng rất khó cho nên ít có người học hỏi được. Trong những năm cuối của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, phong trào sáng tác cổ nhạc ở Bạc Liêu đã xuất hiện, Nhạc Khị là người tiên phong đã cho ra đời một loạt các bản Ái tử kê, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên, Minh hoàng thưởng nguyệt được người ta tôn xưng là Tứ Bửu và Bảy Kiên cũng tiếp theo bằng một bản rất có giá trị đó là bản Bát Man tấn cống bản này rất dài gồm 48 câu nhịp 4 (miền trên cũng có một bản Bát man tấn cống, nhưng không biết bản nào ra đời trước), theo lời kể của ông Sáu Diệu một nghệ sĩ lão thành ở Giá Rai – Bạc Liêu thì ngoài việc sáng tác đó Bảy Kiên còn góp phần cải sửa bản Tương tư ngự thành bản Trường tương tư như hiện nay. Vào năm 1928, ông tiếp tục sáng tạo bài Cổ Thi nhịp 4, nội dung của bản này gồm bản Dạ cổ hoài lang đã được Trịnh Thiên Tư cải biên sang nhịp 4 rồi xen lẫn vào đó ba lớp Tây thi, lúc mới ra đời tác phẩm này đã được chính tác giả ca phục vụ trong đám ma của cai tổng Tôn tại Bạc Liêu; đây là một sáng tạo rất mới, trong một bản nhạc có cả các điệu thức Bắc và Óan, làm tiền đề cho các nhạc sĩ đời sau sáng tác những bản kết hợp nhiều điệu thức, ông Cao Văn Lầu khi sáng tác bản Giọt mưa đêm cũng căn cứ vào cách làm này của Bảy Kiên. Có thể nói Bảy Kiên là người cộng sự đầu tiên của Nhạc Khị trong giai đoạn này, ông hoạt động rất năng nổ và nhiệt tình, đã tạo mọi điều kiện để giúp cho Nhạc Khị gầy dựng phong trào đờn ca tài tử ở Bạc Liêu. Bảy Kiên lúc đương thời là một chàng trai khôi ngô tuấn tú lại ca hay đờn giỏi nên được rất nhiều người ái mộ, nhất là các cô gái tuổi đang xuân lúc bấy giờ có lắm người đã gởi gắm trái tim mình cho chàng nhạc sĩ tài hoa này. Cái diễm phúc của Bảy Kiên khiến cho nhiều người ao ước; nhưng đúng như Nguyễn Du đã nói “Chữ tài đi với chữ tai một vần”, trong số những cô gái đeo đuổi Bảy Kiên có một cô vì quá hờn ghen ganh tỵ đã nhờ người pha thuốc độc vào thau nước rửa mặt của ông và chính thau nước oan nghiệt kia đã làm cho Bảy Kiên phải lâm vào cảnh gần như mù lòa suốt cả cuộc đời. Tai nạn này đối với Bảy Kiên như một cú sốc tinh thần quá nặng làm ảnh hưởng đến cuộc đời nghệ sĩ của ông, ông mất hết ý chí phấn đấu nên đã xuống chùa An Thạnh Linh ở Hòa Bình xin Hòa thượng An Hóa cho ông được xuất gia, lúc đó Bảy Kiên khoảng 30 tuổi, cái tuổi đầy hứa hẹn của một nhạc sĩ tài ba. Cái nghệ danh Bảy Kiên giờ đây được thay bằng pháp danh Chơn Truyền và một đời tài tử của ông từ đó đã được phủ trong lớp áo cà sa. Nhưng cái nghiệp dĩ của ông có lẽ đã gắn liền với ca và nhạc nên chỉ ít lâu sau, ông lại tham gia vào các ban nhạc lễ cổ truyền; ông đã gặp sư Nguyệt Chiếu ở chùa Vĩnh Phước An, hai bên rất tâm đầu ý hợp nên thường đi lại với nhau, cả hai ông đều là những kinh sư giỏi trong Phật giáo, thường được mời đi tế lễ ở nhiều nơi, nên cũng có nhiều cơ hội để phát huy nhạc lễ cổ truyền; nhất là Bảy Kiên ông đã sử dụng giọng ca ấm áp truyền cảm có một không hai của mình để phát huy những thành quả nghệ thuật của sư Nguyệt Chiếu; cho nên bảy bản Bắc Lớn được nhiều người biết đến, một phần nào cũng là công của Bảy Kiên. Tính tình của Bảy Kiên rất hiền hòa điềm đạm nhưng ông rất cởi mở và phóng khoáng không thích bị câu thúc trong giới luật; vì vậy sau vài năm tu hành, ông đã xin giải giới để trở lại cuộc đời thường. Ông về ở xóm Nhà Thờ (hiện nay thuộc phường 2 thị xã Bạc Liêu) và ít lâu sau có vợ, vợ của ông là bà Lê Thị Hiến vốn là chị thứ ba của ông Lê Văn Tượng, chánh bái của đình Tân Hưng lúc bấy giờ; bà Hiến còn có hai người em khác là Lê Văn Sĩ và Lê Văn Phước đều là những tác giả có tên tuổi ở Bạc Liêu trong tiền bán thế kỷ XX (tác giả sách Phu thê ngôn luận). Vợ chồng Bảy Kiên có hai người con rất thông minh tên Phạm Thị Hai và Phạm Trung Tâm, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng về ca cổ, nhưng chẳng may chết sớm khiến vợ chồng ông phải sống trong cảnh quạnh hiu trong lúc tuổi già. Vào khoảng năm 1940, trong khi nghiên cứu lại nội dung của các bản nhạc cổ, Bảy Kiên nhận thấy đối với ba bản Nam đã có lối ca liên Nam, nhưng riêng về sáu bản Bắc là những bản rất thông dụng nhưng chưa có lối ca liên Bắc; vì vậy ông đã có ý nghĩ sáng tạo một lối ca liên Bắc; Sau nhiều ngày đêm nghiên cứu, cuối cùng ông đã thành công bằng cách tổng hợp các câu đầu của sáu bản Bắc thành một bản riêng biệt gọi là Liên Bắc Thủ, bản này có 62 câu nhịp 4 gồm: 12 câu đầuLưu thủy trường + 8 câu đầu Phú lục + 8 câu đầu Bình bán chấn + 14 câu đầu Xuân tình + 9 câu đầu Tây thi + 11 câu đầu Cổ bản. Riêng về bản Cổ bản theo xưa có 67 câu nhịp 2, ông cũng đã đặt thêm câu 68 rồi cải biên thành Cổ bản 34 câu nhịp 4 cho phù hợp với các bản Bắc khác và cũng để dễ dàng khi lấy các câu đầu phối hợp lập thành bản Liên Bắc Thủ của ông. Trong những năm cuối đời, Bảy Kiên đã theo lời mời của sư cụ Huệ Viên về ở chùa Vĩnh Hòa (nay thuộc phường 3, thị xã Bạc Liêu) để phụ giúp điều hành ban nhạc lễ ở đây; nhưng tiếc thay trong thời gian này ông bị đau yếu luôn nên thường vắng mặt trong các buổi sinh hoạt nhạc lễ; người trong chùa cũng đã tận tình chạy chữa cho ông, thậm chí đã đưa đi điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn, nhưng bệnh của ông càng ngày càng nặng và ông đã trút hơi thở sau cùng tại chùa Vĩnh Hòa vào ngày 14 tháng 9 năm Kỷ Sửu (04 – 11 – 1949) và sau đó được an táng ở sau chùa Vĩnh Phước An. Bảy Kiên thực sự đã góp công rất lớn cho Nhạc Khị và Nguyệt Chiếu trong thời kỳ đầu để hình thành phong trào đờn ca tài tử và chấn hưng nhạc lễ cổ truyền ở Bạc Liêu – đã tạo dựng một lực lượng ca nhạc hùng hậu ở Bạc Liêu trong đó có nhiều người đã thành danh như: Bảy Cao, Ba Khuê, Ba Lất, Lý Hưng…, ông cũng đã chế tác ra lối ca lướt nhịp để làm phong phú thêm nghệ thuật ca nhạc cổ, và nhất là đã để lại cho đời bản Cổ thi một tác phẩm tuyệt vời góp phần phát triển bản Dạ cổ hoài lang, kể như ông là một trong những người đầu tiên đã đóng góp nhiều công sức khai mở trường phái cổ nhạc Bạc Liêu. Ông đã được, UBND tỉnh Bạc Liêu đã truy tặng bằng Tuyên Dương tại lễ Khánh thành Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu ngày 25 tháng 4 năm 2014, trong thời gian Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất đang diễn ra tại Bạc Liêu. |
Cập nhật ( 22/08/2015 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com