NGHỆ SĨ ƯU TÚ BẢO QUỐC – góp với nhân gian một tiếng cười * Thuận Vũ Bước chân vào nghề ca diễn từ sự cố bất ngờ của việc thế vai, để rồi phút chốc trở thành một danh hài. Gánh hát xưa trong trí nhớ của NSƯT Bảo Quốc đã là nguồn vui sống của đạo hát mà anh tôn kính suốt nửa thế kỷ theo nghề. Gặp Bảo Quốc trong những ngày gia đình chịu mất mát bởi tai nạn cướp đi sinh mạng cháu anh – nghệ sĩ Hữu Lộc, tinh thần cuộc trò chuyện vì thế cũng xoay quanh những ám ảnh từ cuộc sống phù du… Một đời lênh đênh Ký ức tuổi thơ ghi dấu nhất của NSƯT Bảo Quốc là những ngày hè. Vì được nghỉ học ba tháng nên ngoài thú vui đi đá banh với đám bạn trai trong xóm, anh còn được ba mẹ dẫn vào đoàn hát chơi. Mẹ của anh đường đường là một bà bầu đại bang nhưng hễ đến dịp hè là tự tay may cho con trai những chiếc quần đùi để cậu đi đá banh. Chị gái anh, cố NSƯT Thanh Nga, tài sắc vẹn toàn, được cha mẹ cưng chiều vì “hái ra tiền” từ năm mới 16 tuổi, vẫn phải làm những công việc nội trợ, nhất là những tháng hè, tập làm bánh để cho các em cùng ăn. Anh cười thích thú nhắc lại kỷ niệm của tuổi thơ: “Chỉ có tôi vì mê đá banh bị đòn hoài nhưng vẫn không chừa cái tật” – anh kể trong niềm luyến nhớ, vì nhờ những trận đòn đó anh mới biết rằng mình có những suy nghĩ rất khác về nghề hát. Anh nói: “Nghề hát theo lời ba tôi nói và qua những chuyến lênh đênh theo đoàn hát với ba, tôi đã hiểu – đó là thế giới tuy cực nhưng vui, vì thế giới đó người giàu tiền lắm của cũng không mua được”. Rồi anh miên man kể, cha anh – nghệ sĩ Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa) ngày xưa hễ hè sang là dẫn anh cùng các nghệ sĩ đi về các gánh hát nghèo trên sông Hậu, sông Tiền, để thăm hỏi anh em đồng nghiệp và đưa tuồng cho các đoàn dàn dựng. Hình ảnh các anh chị nhân viên hậu đài với nghề vác gương, vác đồ cũng có nhiều chuyện vui cười mà thế giới công tử như Bảo Quốc không bao giờ tìm thấy. Còn các nghệ sĩ ghe hát thì sao? Anh cười giòn tan rồi kể: “Họ yêu nghề đến độ si mê, sắm tuồng, làm tuồng chỉ với ánh đèn leo lét nhưng ra vai lung linh, sáng đẹp. Những ngày xuân đó của tuổi 14, 15 đã theo tôi vào giấc mơ được làm ông hoàng, bà chúa trên sân khấu. Thú thật tôi mê bóng đá hơn, thích được làm cầu thủ, mê những cú sút của anh Phạm Huỳnh Tam Lang, Phạm Văn Rạng, Tư Lê, Đỗ Thới Vinh… nên mỗi khi bị cha bắt học ca vọng cổ với thầy Út Trong, tôi sợ lắm. Học thì vẫn học nhưng lại lo ra, không chú tâm như chị Thanh Nga”. Những ngày chuẩn bị vào hè, anh cùng đi với cha về các gánh hát tỉnh để hướng dẫn tập tuồng, vì cha anh là thầy tuồng, Bảo Quốc đã hình dung một thế giới màn nhung đầy huyền bí, đã vẽ nên trong anh niềm tin về một nghề nghiệp mà gia đình đã hướng. Và rồi những gánh hát nghèo trên sông đã là nơi cho anh sự mường tượng về cảnh đời “gạo chợ, nước sông”. Họ lớn lên trong gánh hát, kết hôn ở những đình miễu nơi ghe hát đi qua. Những đứa trẻ ra đời cũng bên cánh gà sân khấu. Chị đào chánh đang hát lớp Đắc Kỷ đối ẩm với Trụ Vương thì nghe tiếng con khóc, phải hát cương: “Đại vương đợi em một chút nghe!”. Rồi cô chạy vào trong cho con bú. Đại vương bên ngoài sốt ruột cũng hát cương: “Nàng đi đâu, rượu ở đây sao không uống mà còn vô trong hâm rượu làm gì?!”.
|