NGHỆ NHÂN KHMER VỚI NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC * Châu Phát Điêu khắc là một bộ phận thiết yếu gắn liền với kiến trúc làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa của từng bộ phận cùng toàn thể công trình của ngôi chùa Khmer. Điêu khắc Khmer rất phong phú về đề tài, thể loại cũng như về chất liệu. Căn cứ theo chất liệu điêu khắc chùa Khmer làm từ nhiều loại như gỗ, đá, kim loại, xi măng … Gỗ: Thường được dùng làm tượng Phật bằng gỗ có niên đại lâu đời, hiện còn giữ lại trong một số chùa Khmer ở đồng bằng Nam Bộ. Ngoài ra, gỗ còn được dùng để chạm, khắc, phù điêu, hoa văn, khung cửa, cánh cửa, khung tượng Phật. Chánh điện nhiều chùa Khmer ở Nam Bộ có bộ cửa gỗ, chạm rất đẹp và tinh xảo, thể hiện đề tài tiên nữ đánh với chằn … Đá: Cũng được dùng làm tượng Phật gồm có các loại đá quý ở trong và ngoài nước. Những tượng Phật bằng đá để trong chùa Khmer thường là loại trung bình và nhỏ. Một số chùa có tượng Phật bằng đá có nơi có nguồn gốc và niên đại tượng Phật này chưa được xác định. Nói chung đối với chất liệu đá người Khmer ít sử dụng để làm tượng. Kim loại: Do hiếm và quý giá cho nên việc điêu khắc, tạc tượng bằng kim loại như: đồng, bạc, than, kẽm cũng rất ít, thông thường hình thành tượng qui mô nhỏ nhưng có nhiều nét tinh vi, độc đáo. Một số tượng Phật cũng được mang từ các nước Đông Nam Á sang. * HOA VĂN TRANG TRÍ: Trong hội họa với nghệ thuật vẽ có chủ đề được thể hiện qua đề tài lấy ra từ sự tích Phật Thích Ca Mâu Ni tại các điểm chùa, nghệ nhân Khmer cũng rất quan tâm đến loại hình vẽ “Hoa văn trang trí”. Cũng đồng nghĩa với cá tính đặc điểm của nghệ nhân cũng như sở thích của đồng bào dân tộc Khmer họ thích được vẽ hay trang trí dày đặc, ít chừa khoảng trống. Loại hoa văn trang trí rất đa dạng và rất phong phú thường gồm có: – Những khung trang trí hình vuông, tròn, bầu dục … – Các hình thiên thần, vũ nữ, hình rồng, rắn thần … (Tê-va-Đa, Áp-sa-ra, Naga ….) – Các loại đường viền (diềm) ở đầu cột, ở chân tường, ở riềm mái … Hoa văn trang trí được vẽ tại các điểm trong chùa Khmer có nhiều hình thức pha lẫn phức tạp phối hợp lẫn nhau. Có loại hoa văn chạm chìm, chạm nổi – bằng gỗ hay bằng đá – loại đổ khuôn bằng xi măng hay đắp trực tiếp – loại vẽ bằng sơn dầu – có loại cẩn, trám gạch màu … Nói chung, nghệ nhân Khmer thường vận dụng tất cả mọi phương tiện, chất liệu để trang trí cho ngôi chùa cốt làm sao cho thêm đẹp, thêm lộng lẫy. Để trang trí, người Khmer thường sử dụng một số đề tài phong phú. Ngoài hình ảnh của thiên thần nhân vật huyền thoại còn có rất nhiều mô-tip phản ánh thiên nhiên, hoa lá, cây cỏ … Hoa sen: Là mô-típ trang trí phổ biến nhất được thể hiện bền bỉ, lặp đi lặp lại qua tất cả mọi thời đại, lúc thì ở dạng hoa búp, lúc thì ở dạng hoa nở, lúc thì rất to dùng để làm bệ tượng Phật lúc thì rất nhỏ nằm trong những đường viền. Hoa sen đã được bàn tay tài hoa của nghệ nhân Khmer cách điệu ra nhiều kiểu loại khác nhau. Người Khmer có quan niệm “hoa sen” là biểu tượng cao quý của Phật giáo, tượng trưng cho sự trong sạch và tinh khiết của Đức Phật. Rất nhiều hình tượng hoa sen gắn liền với Đức Phật như Phật Đản sinh, Phật Đắc Đạo, Phật Nhập Niết Bàn … (đứng, ngồi, nằm trên hoa sen). Hoa Reang: (Hoa Tha-La) thường được nghệ nhân Khmer sử dụng thành mô-típ trang trí độc đáo và được thấy nhiều nhất ở đường riềm mái nhà, đường riềm ở đầu cột, chân tường. Hoa Chăn: (Hoa Trầm hương) thường được trang trí trong rất nhiều đường riềm mái, ở trên y phục của nhân vật. Hoa Chăn có hình 6 cánh, nhưng khi thể hiện nghệ nhân Khmer đã biến đổi thành 8 cánh hoặc 4 cánh. Hoa Cúc: Là mô-típ trang trí cũng thường thấy ở những khung cửa gỗ của Chánh điện, hoa cúc được thể hiện vẽ ở dạng nguyên cành và lá. Hoa dây leo: Người Khmer gọi hoa văn hình dây leo là Ph’nhi-voa (Voa có nghãi là dây leo). Hoa văn hình dây leo là một tập hợp gồm có sợi, dây, lá và hoa bố trí thành hình xoắn ốc, lặp đi lặp lại trong suốt chiều dài của nó. Hoa văn dây leo thể hiện những đường cong mềm mại, uyển chuyển hết sức phong phú và phức tạp. Thông thường đường cong của dây leo thoải mái và tự do, thể hiện tính chất mềm mại của dây leo. Hoa Văn Lửa: Người Khmer gọi là Ph’nhi-Ph’lơng là loại hoa văn hình ngọn lửa cháy từ những cọng rơm hay một bó đuốc. Mẫu hoa văn này thể hiện khá độc đáo biểu lộ sự sáng tạo phong phú của nghệ nhân Khmer. Ngôi chùa Khmer là một công trình trang trí công phu tỉ mỉ. Có thể nói mỗi khoảng trống của một bộ phận nào đó đều được nghệ nhân Khmer bỏ công ra để trang trí cẩn thận. Từ những cây cột, hàng rào, khuôn cửa, nóc mái, vách tường, cổng chùa bên trong bên ngoài đều được trang trí hoa văn khắc, chạm tô vẽ tỉ mỉ.
Ngoài thể loại tạc tượng điêu khắc tượng Phật ngồi thiền định, nghệ nhân Khmer còn đắp tạc tượng theo yêu cầu của nhà Chùa: – Tượng Phật cứu vớt chúng sinh: Tượng thể hiện Đức Phật trong tư thế đứng thẳng, áo cà sa buông thỏng phủ kín lưng như một tấm áo choàng. Loại tượng này thường là loại tượng gỗ, có niên đại lâu đời, hiện nay nhiều chùa ở Đồng bằng Sông Cửu Long còn lưu giữ và bảo tồn gìn giữ đặc biệt. – Tượng Phật nhập niết bàn: Thể hiện lúc Phật viên tịch, nằm nghiêng, đầu Phật nằm gối trên tay phải. Mặt quay về hướng Đông, đầu quay về hướng – Tượng Phật ngồi trên rắn thần Muchalinda: Thể loại này trông khá phổ biến và đẹp mắt. Tượng thể hiện lúc Phật ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề, được rắn thần cuốn lại nhiều vòng làm thành chiếc bệ cho tượng. Đầu rắn 7 đầu (hoặc chín đầu) phùng ra làm thành mái vòm che chở cho Đức Phật. – Tượng Phật đi khất thực: Thể hiện lúc Phật khuyến thiện trong nhân dân, hai tay ôm bình bát. Tượng Phật đứng thẳng, hình thức thể hiện như tượng Phật cứu độ chúng sinh. – Tượng Phật Đản sinh: Thể hiện lúc Phật mới sinh còn là một hài nhi mặc chiếc áo cà-sa vàng choàng chéo xuống dưới, đứng trên toà sen. Một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. Trong các Chùa Khmer ở Đồng bằng Sông Cửu Long, loại tượng này tương đối ít. – Tượng Phật khổ hạnh: Trên các bệ tượng chùa Khmer đôi khi còn thấy tượng Phật lúc tuyệt thực. Tượng thể hiện Đức Phật tham thiền, cơ thể gầy ốm vì đã nhịn ăn lâu ngày để mong tìm ra lý đạo chánh quả. Trong phạm vi điêu khắc truyền thống của nghệ nhân Khmer dưới dạng đắp tượng trám nổi hoặc dưới dạng phù điêu thường làm bằng gỗ, xi măng … được viết trình bày ở số báo trước, ngoài những tác phẩm ấy, nghệ nhân Khmer còn thể hiện điêu khắc dưới dạng trang trí trên y trang và nhiều dụng cụ khác nhau, từ đồ thờ tự (như ngai thờ, khay đựng lễ vật …) cho đến đồ dùng hàng ngày (gối, quạt, đòn cáng “Săng khức” vòng gặt, ách trâu, cây gậy …) chạm trỗ, điêu khắc Khmer rất phong phú về thể loại, về đề tài. Về thể loại, chúng ta thường thấy điêu khắc trong chùa Khmer có 2 loại: + Loại tượng tròn được thể hiện Đức Phật Thích Ca ở trong một số tư thế rất phổ biến như: – Tượng Phật ngồi thiền định: Là loại tượng Phật được thể hiện nhiều nhât và được để trên bệ thờ ở chính điện. Tượng Phật ngồi theo tư thế kiết dà, lưng thẳng, lòng ngực to, đầy đặn, eo thon, hai cánh tay tròn trịa. Hai bàn tay ngửa để lên nhau. Phật mặc chiếc áo cà sa choàng kín một bên vai trái, vai phải để trần. Gương mặt Phật ầy đặn, đôi lông chân mày cong, đôi mắt khép hờ, miệng rộng đôi môi hơi đầy, đôi tay to, dầy và dài, tóc đen và quăn. Tượng Phật ngồi trên một toà sen. Bệ tượng cao, to và có nhiều tầng, có chạm khắc hoa văn hình sóng nước hoa lá. Bên ngoài Tượng và bệ tượng được sơn và vẽ thêm nhiều chi tiết. Phần nhiều những tượng Phật để trong chính điện hiện nay không được đẹp mỹ xảo lắm. Người thợ thường đắp tượng trực tiếp, không có mẫu rập khuôn, chỉ theo một số tiêu chuẩn ước lệ nhất định đã thành khuôn thước, mẫu mực nên tượng kém phần sinh động. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật điêu khắc Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long chủ yếu tập trung tại Chùa. Với nghệ thuật điêu khắc tạc tượng của nghệ nhân Khmer cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của quỹ đạo tôn giáo để đi vào đời sống xã hội đa dạng và phong phú hơn. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni là nhân vật duy nhất được làm tượng để thờ phượng với các tư thế khác nhau của Phật. Ngoài các tượng Phật được tạc, điêu khắc theo yêu cầu của việc thờ cúng, còn có một số con vật được thể hiện trong điêu khắc Khmer là những linh vật trong tư duy đa thần của Bà-La-Môn. Những linh vật này mang một số đặc điểm và cá tính của con người, nên người nghệ nhân Khmer đã nhân hình hoá các con thú đó, gắn cho nó có những bộ phận giống người (một kiểu tạo hình thường thấy trong lịch sử mỹ thuật thế giới). Chẳng hạn như: – Tượng Krud: (người chim) là mô-típ trang trí thường thấy nhiều trong các ngôi chùa Khmer, tượng được đặt đầu cột ngoài, xung quanh chánh điện, giảng đường (SaLa) hoặc cổng Chùa …. Krud là một loại chim thần, vua các loài chim. Krud có hình dáng kết hợp giữa người và chim, mỏ ngậm một viên hòn ngọc. Có lúc Krud đứng trên đầu chằn. Trong Chùa Khmer Krud được làm bằng khuôn xi-măng, có tô màu kết hợp đậm nhạt thật là sặc sỡ. – Tượng Kây-No: Là loại hình tiên nữ với gương mặt đẹp đẽ và hiền lành, thân hình mềm mại. Cũng giống như Krud, Kây-No được đổ khuôn bằng xi-măng và đặt trang trí ở đầu cột hàng ngoài. Tuỳ theo sở thích của Lục Cả, có ngôi Chùa chỉ trang trí bằng tượng Kây-No, ngược lại có ngôi Chùa chỉ trang trí bằng Krud. – Tượng Rea-Hu: Là mô típ trang trí độc đáo thường thấy trên những tấm đà ngang trước cổng Chùa … Rea-Hu được thể hiện rất đa dạng với đặc điểm chung là gương mặt dữ tợn, không có mình. Hai tay cầm mặt trời hay mặt trăng để nuốt vào bụng, hay ở một dạng khác: miệng Rea-Hu đang phun ra một luồng cuồng phong dữ dội. – Reach Chắc-Sây: Là con vật trong thần thoại Khmer Reach Chắc-Sây có hình dáng khác thường: Đầu rồng mình sư tử. Theo các truyền thuyết thì Reach Chắc-Sây là một con vật mạnh nhất trong các loài thú. Reach Chắc-Sây được tặng tượng thành ghế ngồi để cho các vị sư ngồi thuyết pháp. Tương rồng: Được nghệ nhân Khmer đắp tạc điêu khắc có hình dạng rất đặc biệt. Đầu rồng mọc tua tủa, bờm lông mọc ở sau gáy. Rồng thường đặt trên nóc mái, trang trí trên khung cửa. Ở một số ngôi chùa hình rồng được vẽ quấn quanh cột trong chánh điện. Tượng hình rồng được nghệ nhân Khmer điêu khắc tạc đổ khuông xi măng rất khéo. Tượng Rắn thần Na ga (Phu – Chong): Là con vật tượng trưng cho tộc người Khmer. Theo truyền thuyết tộc người Khmer là do sự kết hợp huyết thống giữa vị hoàng tử Ấn Độ và con gái Long Vương. Rắn Na Ga được thể hiện trong tư thể phùng mang có 9 đầu (có nơi làm 7 hoặc 5 đầu). Đầu rắn Na ga thường để trên mái ngói, cổng rào, cổng cửa vào chánh điện… Tượng Chằn (Yeak): Tượng Chằn là mô típ độc đáo trong nghệ thuật tạo hình Khmer. Mô típ Chằn được thể hiện với hình dáng một con người to lớn khoẻ mạnh có gương mặt hung tợn, mắt lồi mày xếch, miệng rộng, rang nanh nhọn. Toàn thân mặt áo giáp, đầu đội mũ nhọn, tay cầm chày vồ. Tượng Chằn thường để đứng trước cổng chùa, hay xung quanh hàng rào nơi chính điện với mục đích bảo vệ ngôi chùa. Tượng nữ thần Neang Hêng Thôrni: Chúng ta thường thấy hình tượng nữ thần đất Neang Hêng Thôrni đứng xoã tóc dài chấm đất. Neang Hêng Thôrni được vẽ hoặc đắp nổi đứng phía trước bệ tượng Phật.Theo Phật tích khi Đức Phật toạ thiền dưới cội bồ đề có ma vương hiện ra quấy phá. Neang Hêng Thôrni liền hiện ra che chở cho Phật, nàng buông xoã mái tóc biến thành dòng nước lũ cuốn trôi cả lũ ma vương. Từ đó ma vương không dám hiện ra quấy phá nữa. Đầu tượng thần Ka-Bâl Ma –ha Prum: Đó là đầu một vị thần giáo chủ Bà-La-Môn có 4 mặt được nghệ nhân Khmer đắp tạc tượng mô phỏng theo truyền thuyết nói về một vị Hoàng tử ở dưới trần thế người rất thông minh tuấn tú đã chiến thắng trong một cuộc đấu lý với một vị Thần bốn mặt là Ka-Bâl Ma-ha Prum vị giáo chủ Bà-La-môn chuyên xuống trần thuyết pháp dạy đời. Thua cuộc theo giao ước, thần tự chặt đầu mình, trước khi chết căn dặn 7 nàng con gái của mình hãy để đầu Thần trên một khay vàng về đặt tại đông ngọc bích núi Kảy-Lăs thuộc dẫy Hy-mã-lạp-sơn… Đến chùa Khmer ta thường thấy tượng đầu Thần 4 mặt vị thần Ka Bâl Ma Ha Prum được đặt trên đỉnh tháp ở nóc chùa hay tháp để hài cốt, tượng trưng cho đỉnh núi So-mê-ru trung tâm của vũ trụ nơi ở của các thiên thần. Theo ý kiến của một số chùa nhà nghiên cứu, câu chuyện dân gian trên là phản ánh sự thắng thế của Phật giáo đối với Bà La môn giáo trong xã hội lúc bấy giờ. Ngoài ra còn có các tượng hình Hắ-Nu-Man (khỉ giống Tề Thiên trong truyện Trung Quốc), tượng hình vũ nữ Ap Sa Ra đắp nổi gắn ghép xung quanh hàng rào chùa… và những con thú khác nữa như: cọp, sư tử, voi, phượng hoàng….. Nghệ thuật tạo hình của nghệ nhân Khmer đồng bằng sông Cửu Long là nền nghệ thuật mang tính chất tôn giáo được làm nên bởi những người dân lao động phục vụ cho mục đích lý tưởng của tôn giáo. Nhưng Phật giáo trong xã hội Khmer hiện nay không phải là tôn giáo thoát tục lánh xa cuộc đời mà cùng với mọi người xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. |
Cập nhật ( 20/05/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com