NGHỀ ĐƯƠN ĐỆM Ở ĐỒNG THÁP MƯỜI * Lê Công Lý (*) Đồng Tháp Mười là một tiểu vùng thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích khoảng 700 ngàn ha, được giới hạn đại khái bởi sông Tiền, sông Vàm Cỏ Đông và biên giới Việt Nam – Campuchia, bao gồm một phần diện tích các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Nhìn chung địa hình Đồng Tháp Mười là một lòng chảo, rải rác có các giồng đất cao ráo dọc theo Quốc lộ 1 và sông Tiền. Chính địa hình trũng ấy tạo môi trường sinh thái thuận lợi cho các loại cây hoang dại, mà chủ yếu là tràm và năn lác vốn thích hợp với vùng đất nhiêm phèn nặng như Đồng Tháp Mười Có thể nói, cây bàng là một trong những loài cây chủ đạo ở Đồng Tháp Mười thuở còn hoang vu. Chính vì thế mà trong các tài liệu cũ của người Pháp, Đồng Tháp Mười được gọi là “Plaine des Joncs”, tức “ Đồng cỏ lác” mà Nguyễn Đình Đầu cho rằng để đúng thực với địa lý đương thời thì nên dịch là “Đồng Cỏ Bàng”([1]). Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí cũng ghi nhận rằng thuở hoang sơ, từ ngọn Rạch Chanh (thị xã Tân An – tỉnh Long An) đến gò Tháp Mười có rất nhiều loại cây “không tâm bồ, tục danh cỏ bàng mọc lan tràn”. Theo Phạm Hoàng Hộ thì cây bàng có tên khoa học là Lepironia articulata và được miêu tả như sau: “Căn hành (thân dưới) cứng nằm trong bùn, to 8-10 mm; thân đứng cao khoảng 1m, có ngấn ngang, đáy có 3-4 bẹ, bao cao 15-20 cm. Gié hoa ở chót thân, cao 1,5 – 2 cm, rộng đến 1cm. Bế quả (trái) cao 3 – 4 mm.Vòi nhuỵ chẻ hai. Thông thường mọc ở vùng trũng phèn như ở Đồng Tháp, Hà Tiên. Ra bông quanh năm”([2]). Định nghĩa khoa học thì phức tạp, nhưng thực tế cây bàng rất dễ nhận diện: đó là loại cây thân cỏ, rễ chùm, giống như năn nhưng thân to cao và chắc hơn, ruột rỗng, có hoa khép kín ngọn khoảng cách đỉnh vài cm. Cây bàng có thể làm rất nhiều việc, từ chất đốt đến làm lạt (để buộc) hay lợp nhà (vì thế có địa danh Nhà Bàng). Củ bàng có thể ăn thay cơm những khi đói kém: Hỏi ai còn nhớ Bảy Ngàn
Củ co ăn với củ bàng thế cơm. (Ca dao) Tuy nhiên, cây bàng chủ yếu dùng để đươn([3]) đệm. “Đươn đệm” là từ dùng để chỉ nghề đươn nói chung có sử dụng nguyên liệu bàng. Nhờ nguồn nguyên liệu phong phú nên đươn đệm sớm trở thành nghề phổ biến ở Đồng Tháp Mười và các khu vực lân cận như Tây Ninh, An Giang, Gia Định (tức Sài Gòn sau này)([4]). Nhưng nghề đươn đệm có từ bao giờ thì không ai biết, cũng không hề có tổ nghề như những nghề khác. “Cùng nghề đươn thúng, túng nghề đươn mê ([5])” (Tục ngữ). Đươn đệm quả là cái nghề bạc bẽo của những con người bần cùng. Mà dân nghèo thì đầu óc rất thực tế, ít khi chú ý đến lý thuyết, đến lịch sử xa xôi. Sống ở vùng “nê địa” khắc nghiệt, họ chỉ còn biết đối phó với bao trở ngại trước mắt, không còn thì giờ để nghĩ đến những chuyện sâu xa khác. Thế nhưng, dựa vào một số tư liệu cũ ta cũng có thể nhận ra cái lịch sử lâu đời của nghề đươn đệm. Vương Hồng Sển có ghi: “Đất phèn… không trồng lúa được, để cho cây bàng cây đưng mọc…, bàng loại như lác nhưng thô xấu hơn, củ ăn thế cơm được, lá dùng đươn đệm, đươn bao gọi là đệm bàng, bao bàng, giúp cho đàn bà con trẻ vào mùa nghỉ việc ruộng bắt qua đươn đát đắp đổi hột cơm”([6]). Và người dân Đồng Tháp Mười đến giờ vẫn còn truyền miệng câu ca dao: Bàu Gõ trên cỏ dưới bưng Nhổ bàng đươn đệm em đừng đi đâu. Căn cứ vào các cứ liệu nói trên, có thể ức đoán rằng nghề đươn đệm có từ rất sớm, ít nhất là từ khi lưu dân người Việt đặt chân đến Đồng Tháp Mười (khoảng cuối thế kỉ XVII), khi mà Đồng Tháp Mười còn hoang vu mờ mịt. Một số người dựa vào các từ như “cà-ròn”, “nóp” (vốn là từ gốc Khmer dùng để chỉ các sản phẩm của nghề đươn đệm) để khẳng định rằng người Việt đã kế thừa nghề này từ người Khmer vốn là cư dân bản địa. Nếu quả thật như vậy thì nghề đươn đệm còn có lịch sử sâu xa hơn nhiều. Nghề đươn đệm phân bố rải rác khắp Đồng Tháp Mười, nhưng tập trung nhất là khu vực thuôc hai huyện Tân Phước (Tiền Giang) và Thủ Thừa (Long An) ngày nay. Bởi lẽ địa hình vùng này vốn ngập nước quanh năm([7]), rất phù hợp cho cây bàng phát triển. Theo cuốn État civil indigène (Bộ đời người bổn quốc), hiểu là sổ khai sinh, trong các năm 1909 và 1911, chỉ tính riêng làng Tân Hội Tây, tổng Hưng Nhơn thuộc trung tâm hành chánh Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) thì hầu hết dân số của làng này đều làm nghề đươn đệm/nhổ bàng: – Năm 1909 có 30 bản khai sinh, trong đó 100% người mẹ đều làm nghề đươn đệm; 3/30 người cha làm nghề nhổ bàng. – Năm 1911 có 32 bản khai sinh, trong đó 100% người mẹ làm nghề đươn đệm. Mãi đến cuối thập niên 80 của thế kỉ XX, khi kế hoạch khai thác tiềm năng Đồng Tháp Mười của Nhà nước được xúc tiến, thì nhờ kinh rạch được khai thông mà vùng này mới bớt ngập úng, cũng từ đó lượng bàng mọc ở đây cũng ít dần. Hiện nay tại ấp Phú Xuân (xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) còn địa danh Xóm Đệm. Bên cạnh là xã Hưng Thạnh (cùng huyện) còn có tên cũ Kiến Vàng với câu ca dao quen thuộc: Lòng thương con gái Kiến Vàng Đầu đội neo bàng, tay xách mo cơm. Do đó có thể xem đây là một trong những trung tâm của nghề đươn đệm ở Đồng Tháp Mười. Nghề đươn đệm ở Đồng Tháp Mười tạo ra rất nhiều loại sản phẩm thiết thân với cuộc sống thường nhật của người dân. Các sản phẩm bao gồm: đệm bàng, bao bàng, bị bàng, cặp bàng, nón bàng, bao nhãn, võng bàng, áo bàng, buồm ghe, nóp,v.v. Đệm bàng dùng để làm đệm ngủ hoặc phơi nông sản hay giữ vai trò tấm liếp che mưa chắn gió. Bao bàng dùng để đựng nông sản, đặc biệt là đựng muối rất bền. Bị bàng là giỏ xách nhỏ dùng để đựng các vật nhỏ rất tiện. Cặp bàng có thể gấp lại gọn gàng, vừa có thể giúp học sinh đựng sách vở vừa có thể đội lên đầu che nắng. Nón bàng có vành rộng, lại nhẹ, nên đội rất mát, lại bền. Bao nhãn có hình thức một túi nhỏ dùng để bao bọc chùm trái nhãn tránh chim, dơi phá. Võng bàng có độ trải rộng nên nằm rất thoáng mát. Áo bàng có hình thức như “áo ba lỗ” ngày nay, mặc khá bền mà lại mát. Buồm ghe làm bằng một tấm đệm lớn căng lên cao và rộng để đón gió đẩy ghe (thuyền) đi. Chiếc nóp là một vật dụng hết sức đơn giản: dùng tấm đệm lớn gấp đôi rồi khâu rìa hai cạnh đầu lại, chỉ chừa một cạnh để chui vào ngủ cho ấm và tránh muỗi đốt. Các sản phẩm trên có chung một đặc điểm là đơn giản, dễ làm, lại sẵn có nguyên liệu phong phú là cây bàng. Chúng có thể dùng tại chỗ hoặc bán đi các vùng khác. Tại xã Tân Túc (huyện Bình Chánh – TP HCM) hiện còn địa danh Chợ Đệm là nơi thu mua đệm tập trung khi xưa. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức có miêu tả khu vực Chợ Đệm như sau: “Dọc theo sông, phố xá trù mật, bán các thứ như xuồng gỗ than, dầu rái, bao cà ròn và buồm…”([8]) Có thể nói không ngoa rằng, sản phẩm của nghề đươn đệm xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống của người dân Đồng Tháp Mười. Ngay từ lúc mới lọt lòng, đã là dân Đồng Tháp Mười, ai lại chẳng được nằm trên chiếc “manh em” (manh đệm nhỏ) xinh xắn; ai lại chẳng nằm trên chiếc võng bàng ấm áp lời ru của mẹ. Rồi lớn lên, trong lao động sản xuất nông nghiệp, bàng đệm là người bạn đồng hành trung thành và đắc lực của họ trong mọi công việc. Cuối cùng, lúc từ giã cõi đời, manh đệm lại quấn lấy thân thể họ như để âu yếm, chở che. Cho nên ở Đồng Tháp Mười đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp các sản phẩm bàng đệm, đến nỗi đã hình thành câu nói dân gian đầy thú vị: Chim đại BÀNG bay qua chợ ĐỆM Ông lưu BỊ nói chuyện chiêm BAO.([9]) Có điều, cùng với đà phát triển của công nghệ mới, nghề đươn đệm đã từng bước bị thu hẹp dần (cả về phạm vi lẫn các chủng loại sản phẩm) để nhường chỗ cho các sản phẩm bằng các chất liệu mới như nhựa, sợi,… Vì vậy, ở một số nơi, nghề đươn đệm chỉ còn trong kí ức xa mờ, thấp thoáng ẩn hiện qua ca dao. II. CÁC CÔNG ĐOẠN CỦA NGHỀ ĐƯƠN ĐỆM Nghề đươn đệm ở Đồng Tháp Mười gồm khá nhiều công đoạn để biến loài cây hoang dại thành những thứ đồ dùng quen thuộc, gần gũi với cuộc sống. Nhìn chung gồm các công đoạn sau: 1. Nhổ bàng Bàng thường mọc ở những vùng trũng phèn ngập nước. Khi đạt chiều cao khoảng gần bằng đầu người là có thể sử dụng. Đầu tiên người ta vơ lấy một cụm nhỏ (khoảng vừa nắm tay), nắm thật chặt lấy ngọn bàng rồi giật mạnh một cách thật dứt khoát theo chiều nghiêng khoảng 450 so với mặt đất. Thế là bàng sẽ bị bật gốc lên([10]). Chú ý, nếu khi giật mạnh mà nắm không chặt thì bàng sẽ cứa vào tay chảy máu, vết cắt có khi rất sâu và rất đau. Nhổ bàng xong người ta sẽ bó bàng lại thành từng bó, mỗi bó to khoảng bằng cột nhà, gọi là “neo bàng” (hay “néo”), hai hoặc ba neo sẽ thành một “đôi bàng”.(“Đôi bàng” là lượng bàng để đươn một tấm đệm, do đó nếu bàng thấp thì phải ba neo mới thành một “đôi”, còn bàng cao thì chỉ cần hai neo). Một “chục bàng” gồm 12 hoặc 14 neo, tuỳ nơi. Khi đã bó thành neo, người ta tiến hành tề gốc bàng bằng cách dùng liềm cắt. Bàng thường mọc nơi hoang vu nên mỗi chuyến “đi bàng” phải kéo dài nhiều ngày, phải chịu bao vất vả gian truân: muỗi mòng, rắn rít, nắng mưa,… Ngày nay bàng hoang không còn bao nhiêu nên người ta phải chăm bón cho nó (tập trung nhất là ở xã Mỹ Hạnh Bắc – huyện Đức Hoà – tỉnh Long An). Và người ta cũng không nhổ bàng nữa mà dùng liềm cắt sát gốc để cho nó sẽ đẻ nhánh mọc lên như cũ sau vài tháng. Thế nhưng từ “ nhổ bàng” vẫn còn mãi cho đến ngày nay, đủ thấy dấu ấn sâu đậm của một thời vẫn còn ăn sâu vào tâm trí của thế hệ hôm nay. 2. Tót bàng Đây là công đoạn phân loại bàng theo chiều cao. Đầu tiên người ta dựng một cái cọc đứng cao khoảng đầu người (hoặc dựa vào cột nhà hay thân cây) rồi cột nhiều neo bàng lại dựa vào cái cọc thành một bó lớn khoảng bằng một vòng tay ôm. Sau đó người ta sẽ nắm lấy những cọng bàng trên cùng của bó lớn rút nhẹ lên và để nằm xuống đất. Và cứ rút tiếp tục như thế người ta sẽ được một dãy bàng từ cao đến thấp dần. Xong, người ta bó dãy bàng này lại thành từng neo như cũ. Các neo bàng này khác các neo bàng trước kia ở chỗ các cọng bàng đã được chọn lọc với chiều cao tương đối đồng đều nhau. 3. Phơi bàng, giã bàng Bàng mới nhổ về gọi là “bàng tươi”. Muốn dự trữ lâu thì phải phơi ngay, nếu không chúng sẽ ngả màu đen, xấu không dùng được. Người ta phơi bàng bằng cách trải từng neo ra như hình rẽ quạt, phơi nắng khoảng vài tiếng đồng hồ thì trở bề một lần. Phơi khoảng hai nắng là được. Bàng chưa giã gọi là “bàng cây”, bàng giã rồi gọi là “bàng đâm”. Thông thường bàng cây khô được giã lần một rồi lại đem phơi nắng tiếp tục (khoảng một nắng). Muốn cho cọng bàng mềm dễ đươn thì phải giã lại lần hai. Công cụ để giã bàng gồm “mục bàng” và chày. Chày có hình dáng như chiếc chày đâm tiêu nhưng to và cao khoảng bằng đầu người. Mục bàng là một tấm gỗ dày khoảng trên 1dm, rộng khoảng 3-4 dm, dài khoảng 2 m. Cả chày và mục bàng đều làm bằng các loại danh mộc, chắc, bền và nặng (thường là cây sao). Khi giã bàng, người ta đặt neo bàng lên trên mục bàng rồi đứng lên nó, hai tay nắm chặt chày nện đều xuống. Vì giã bàng là công việc nặng nhọc nên thường được tiến hành vào ban đêm (cho mát mẻ, đỡ nóng bức; hơn nữa, ban ngày họ bận việc đồng áng hoặc đươn đệm). Cứ thế, giữa đêm khuya, tiếng giã bàng với âm thanh “cùm cụp” nhịp nhàng vang vọng khắp xóm làng. Ngày nay ít ai giã bàng bằng tay nữa vì đã có máy ép bàng (như ép mía) nhanh gọn mà bàng lại mềm đều. Nhưng các mục bàng và chày vẫn còn tồn tại như chứng nhân của một thời gian khó. 4. Đươn Sau khi bàng đã được giã (hoặc ép) hai lần thì có thể tiến hành đươn. Tuỳ theo từng loại sản phẩm mà có kiểu đươn khác nhau. Đươn “long mốt” là kiểu đươn xen kẽ đều đặn một cọng bàng ngang – một cọng bàng dọc. Đươn “long hai” là kiểu đươn xen kẽ hai cọng bàng ngang – một cọng bàng dọc. Đươn “long mốt” thì manh đệm dễ khít nhưng chậm, còn đươn “long hai” thì manh đệm không khít bằng nhưng nhanh hơn. Giai đoạn đầu của công đoạn đươn (khi ghép các cọng bàng ban đầu lại với nhau) gọi là “gầy” (hay “gây”). Manh đệm khi được gầy xong (còn đang dang dở) gọi là “mê”. “Mê” là manh đệm chưa hoàn thành nên cũng biểu tượng cho công việc còn đang dang dở. (Thành ngữ “đăng đăng mê mê” dùng để chỉ công việc bề bộn chưa xong). Thông thường người lớn (có tay nghề, đươn giỏi) gầy rồi bỏ mê cho trẻ con đươn. Mỗi khi đươn được một quảng chừng vài dm, người đươn bao giờ cũng ngừng lại để “nhắt”. Nhắt là dùng các đầu ngón tay (phần móng) chèn cho các cọng bàng đan xen khít khao lại với nhau. Gần đây có kiểu đươn “manh thưa” thì khỏi nhắt mà để cho các cọng bàng cách nhau khoảng 0,5cm. Mỗi manh đệm đươn xong có chiều dài khoảng 2m, rộng gần 1m, gọi là “vun”. Để cho bìa vun đệm khỏi sút sổ, người ta phải “bẻ bìa”, tức là thắt đầu các cọng bàng lại với nhau theo dây chuyền (gần giống như kiểu thắt tóc bím). Nếu manh đệm chỉ dừng lại ở một vun như vậy để dùng thì gọi là “đệm chiếc” (nghĩa là manh đệm nhỏ). Còn nếu muốn thành một tấm “đệm lớn” hẳn hoi (thông thường là 3 vun) thì người ta phải tiến hành ghim các cọng bàng mới vào một bên bìa của vun đệm trước. Và cứ thế đươn tiếp vun thứ hai rồi lại ghim vun thứ ba. Cuối vun thứ ba, người ta lại phải bẻ bìa cho khỏi sút sổ. Ghim ở đây được làm bằng vỏ tre mảnh có chiều dài khoảng 2dm, rộng khoảng 1cm, một đầu vót nhọn, đầu kia được chẻ đôi theo mặt cắt ngang để có thể kẹp cọng bàng vào khe rồi lèn cho xuyên qua một phần (khoảng 4 cm) của vun đệm trước. Đối với một số sản phẩm như võng hay giỏ xách, khi đươn xong người ta còn phải đánh dây làm dây võng hoặc quai giỏ. Cách đánh dây này cũng đơn giản như kiểu thắt tóc bím, nhưng được xiết chặt và khá chắc chắn, có thể chịu được lực căng lớn. III.NGHỀ ĐƯƠN ĐỆM TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Như trên đã nói, nghề đươn đệm gắn liền với cuộc sống lao động cực khổ của người dân bần cùng. Do đó, dấu ấn của nghề đươn đệm chính là dấu ấn của nỗi gian truân, nhọc nhằn và bạc bẽo: Trắng da vì bởi mẹ cưng Đen da vì bởi lội bưng nhổ bàng. (Ca dao) Hay: Lấy chồng về Bàu Gõ ([11]), nước mắt nhỏ hai hàng Tay bưng mâm cơm để đó, giã tám chín neo bàng mới ăn. (Ca dao) Câu hát vừa là nỗi oán than, lại vừa có phần cam chịu của những mảnh đời tối tăm, tội nghiệp. Đươn đệm là nghề có thu nhập rất thấp nên chủ yếu chỉ giải quyết nhu cầu công ăn việc làm cho người dân những lúc nông nhàn. Mỗi khi việc đồng áng đã tạm yên ổn thì họ bắt đầu rủ nhau đi nhổ bàng về để chuẩn bị đươn đệm. Do đó, có thể nói đươn đệm là cái nghề thứ hai sau nghề làm ruộng của người dân Đồng Tháp Mười: Bông xanh mà lá cũng xanh Em đi cấy lúa cho anh nhổ bàng. (Ca dao) Câu ca dao trên cho thấy sự gắn bó của hai cái nghề cơ bản của Đồng Tháp Mười như sự gắn bó bền chặt của đôi trai gái yêu nhau. Chính vì mối tình đơn sơ ấy mà cô gái đươn đệm vốn quê mùa bỗng trở nên có duyên lạ thường: Lòng thương con gái Kiến Vàng Đầu đội neo bàng, tay xách mo cơm. (Ca dao) Hay: Ngó lên trên chợ Thủ Thêm([12]) Thấy em đươn đệm giắt ghim trên đầu Ngó lên trên chợ Tổng Châu ([13]) Thấy em đươn đệm trên đầu giắt ghim. (Ca dao) Và tiếng giã bàng vốn đơn điệu lại trở nên có sức vang vọng sâu xa và ấm áp như một giai điệu thanh bình, giống như nhịp chày giã gạo ở miền sơn cước: Đêm đêm trong ánh trăng mờ Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng. (Nguyễn Bính – Trường ca “Đồng Tháp Mười” ) Rồi biết bao cặp trai gái quê mùa từ chỗ cùng nhau đươn đệm, đã dệt luôn ước vọng lứa đôi. Sự gắn bó bền chặt giữa các cọng bàng trên một manh đệm luôn nhắc nhở họ lòng thuỷ chung son sắt, dẫu phải cách xa nhau biền biệt vì mưu sinh với bao cám dỗ thường tình: Đệm sút vun bàng vẫn là bàng
Anh đi ghe ơ bạn ([14]), chị ở nhà bịt cái răng vàng đợi ai? (Ca dao) Tất cả những tâm tình ấy đã được người dân Nam Bộ gửi gắm qua các điệu lý thật tình tứ, trẻ trung. Trong cuốn Ba trăm điệu lý Tuy nhiên, ấn tượng sâu sắc và độc đáo nhất về các sản phẩm của nghề đươn đệm vẫn là chiếc nóp. Chiếc nóp chính là một sáng kiến độc đáo của dân nghèo trong cuộc sống bần hàn. Trong thời buổi khó khăn, giá mùng đắt đỏ, thì chiếc nóp chính là người bạn thân thiết của dân nghèo: nó dễ làm, khỏi tốn tiền, lại tiện dụng và bền bĩ. Chiếc nóp nhỏ nhắn lại đồng thời đóng nhiều vai trò: là đệm lót để nằm, là chiếc mùng, là chiếc mền, là túp lều. Nghĩa là bất cứ nơi nào trên mặt đất, cứ trải nóp ra, chui vào ngủ là xong, tránh được cả muỗi mòng lẫn rắn rít. Ngủ xong chỉ cần gấp lại gọn gàng và nhẹ như không. Nhưng chiếc nóp chỉ thích hợp với cuộc sống ở nơi đồng hoang, rừng rú. Bởi lẽ ở trong nhà mà ngủ nóp thì quả là một cực hình: rất nóng bức. Do đó, chiếc nóp chính là biểu tượng của sự bần cùng (“Nghèo cháy nóp”– thành ngữ) và cuộc đời phong sương nơi rừng hoang sông lạnh: Vai mang chiếc nóp rách Thương con nhớ vợ, bởi phận nghèo anh phải đi. (Ca dao) Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có viết một tuỳ bút ngắn với cái tên bình dị: “Chiếc nóp”. Bài tuỳ bút ghi lại dấu ấn một thời chiếc nóp đã đóng vai trò lịch sử của nó, như một biểu tượng của Đồng Tháp Mười. “Nhắc đến chiếc nóp như nhắc đến một người bạn tri âm trong những ngày khói lửa … Người mỗi ngày mỗi lớn, mỗi già. Chiếc nóp theo người mỗi ngày một cũ. Chiếc nóp từ màu vàng óng sậm thành ra màu đen, rồi chiếc nóp rách đi. Người kháng chiến không bao giờ phụ bạc, anh chiến sĩ dùng chiếc nóp rách vá lại mái nhà dột hoặc chằm lại tấm vách hư”. Chính vì mối tình thuỷ chung son sắt đó mà nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn đã nâng chiếc nóp lên thành một biểu tượng của lòng yêu nước chân chất mộc mạc và quyết tâm chống giặc giữ nước trong những ngày đầu của phong trào Nam Bộ kháng chiến: “Thuốc súng kém, chân đi không mà giàu lòng vì nước. Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng”. Ngày nay, vì nhiều lý do khác nhau, nghề đươn đệm ở Đồng Tháp Mười đã từng bước thoái trào, nhưng sản phẩm của nó vẫn không thể thiếu vắng trong đời sống của người dân. Có những nơi đời sống kinh tế phát triển nên người dân hầu như không đươn đệm nữa, nhưng kí ức về nó thì vẫn còn sống mãi thường trực trong tâm trí họ, để rồi thỉnh thoảng lại bất chợt quay về trong từng câu hát ru hay chuyện kể như dấu ấn của một thời gian khó. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bảo Định Giang (cb), Ca dao dân ca 2. État civil indigène, Cochinchine Francaise, 1909, 1911. 3. Lê Phú Khải, Đồng Tháp Mười hôm nay, Nxb TP HCM, 2005. 4. Long Giang Tử, Người đi vào Đồng Tháp, Nhà in Dân Việt, SG, 1974. 5. Nguyễn Hiến Lê, Bảy ngày ở Đồng Tháp Mười, Trí Đăng xb, Sài Gòn, 1970. 6. Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ Việt 7. Phan Thị Yến Tuyết (cb), Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống 8. Sơn 9. Sơn 10. Thạch Phương – Lưu Quang Tuyến cb, Địa chí Long An, Nxb Long An – Nxb KHXH, 1989. 11. Trần Bạch Đằng (cb), Địa chí Đồng Tháp Mười, Nxb CTQG, HN, 1996. 12. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (Bản dịch của Lý Việt Dũng), Nxb Đồng Nai, 2005. 13. Võ Trần Nhã (cb), Lịch sử Đồng Tháp Mười, Nxb TPHCM, 1993. 14. Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền CHÚ THÍCH * Phân viện Nghiên cứu Văn hóa – Thông tin tại thành phố Hồ Chí Minh: số 2 – Trần Quý Khoách – QI, TP HCM. ĐT:0909533484. Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác, bạn cần bật Javascript để xem nó [1] Trần Bạch Đằng chủ biên, Địa chí Đồng Tháp Mười, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 113. [2] Phạm Hoàng Hộ , Cây cỏ Việt [3] Đươn (từ địa phương): đan. [4] Khu vực trung tâm Quận I – Thành phố Hồ Chí Minh vào các thế kỷ XVII, XVIII và XIX được gọi là Xóm Đệm Buồm vì nơi nay tập trung đệm buồm – thứ đệm tấm hình vuông để làm buồm ghe. [5] Mê: chỉ manh đệm. [6] Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền [7] Theo bản đồ địa hình Đồng Tháp Mười trong Địa chí Đồng Tháp Mười, Sđd, tr 22. [8] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (Bản dịch của Lý Việt Dũng), Nxb Đồng Nai, 2005, tr. 45 – 46. [9] Tên các sản phẩm: bàng, đệm, bao, bị. [10] Địa chí Long An (Thạch Phương, Lưu Quang Tuyến cb, Nxb Long An – Nxb KHXH, 1989, tr. 637) có miêu tả “Người ta dùng tay lần sát gốc nhổ từng cọng bàng” là không đúng bởi nhiều lý do: một là, nhổ như thế rất chậm; hai là, bàng mọc từ dưới lớp cây lá mục nên rất khó “lần sát gốc”; ba là, vì bàng thường mọc chung năn lác nhưng cao hơn nên nắm ngọn bàng nhổ sẽ loại ra được các cây khác mà khỏi tốn công. [11] Thuộc huyện Bến Cầu (Tây Ninh) [12] Thuộc quận Hai – TP HCM. [13] Thuộc huyện Bến Cầu (Tây Ninh). [14] Bạn ghe: người làm thuê trên các ghe buôn. [15] Lê Giang – Lư Nhất Vũ, Nxb Trẻ, TT Văn hóa TP HCM, 2002. |
Cập nhật ( 30/11/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com