26/01/2011 |
NĂM MÃO SAO KHÔNG LÀ THỎ MÀ LẠI MÈO * Nguyễn Hữu Hiệp Về tuế thời lịch pháp, các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Mông Cổ, Lào Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều giống nhau ở điểm có “Thập nhị địa chi” (Ấn Độ thì không). Ở Trung Quốc, các nhà lịch pháp cổ đại có ba phép ghi năm, đó là: phép ghi năm Tuế tinh, phép ghi năm Thái tuế, và phép ghi năm Can chi. Phép Can chi tuy được tính toán trừu tượng, chẳng liên hệ gì với thiên tượng, nhưng được đem sử dụng từ rất sớm để thay cho hai phép kia. Trước hết Can chi dùng biểu thị cho chu kỳ mà đơn vị tính là ngày. Đến đời Đông Hán Quang Vũ Đế, năm Kiến Vũ thứ 30 (năm 54) mới chính thức lấy Can chi biểu thị chu kỳ 12 năm. Can là 10 thiên can (Giáp, Ất, Bính, Đinh…), còn Chi là 12 địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão…). Từ thời Đông Hán, người ta lấy Chi mà gọi năm, như “năm Tý”, “năm Sửu”… Và có lẽ từ thời ấy, người ta cũng gọi năm theo một cách khác là, lấy con vật biểu thị của Chi để gọi năm như “năm Chuột”, “năm Thỏ”… (có ghi trong Kinh Đôn Hoàng). Cho đến nay dân gian vẫn thường gọi theo cách này. Cổ nhân ghép từng can trong 10 thiên can với từng chi trong 12 địa chi, lẻ với lẻ, chẵn với chẵn để có chu kỳ 60 cặp, khởi đầu là Giáp Tý, rồi Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão…, phối hợp đan xen nhau, cộng được 60 nhóm gọi là “lục thập Giáp Tý”, hay “hội” hoặc “nguyên” (về nguyên, chu, hội, vận… các sách đều nói khác nhau, sai biệt cả trăm, ngàn, vạn năm!). Hết 60 năm thì quay lại từ đầu. Khảo về 12 động vật thuộc số “thập nhị địa chi” (còn gọi là “thập nhị sinh tiêu”) thiên Sinh tiêu luận (một thiên trong sách Luận hành của Vương Sung soạn đời Đông Hán, gồm 30 quyển) nói: “Kỷ thổ ở trên trời là nguyên khí, ở thân thể là môi, sinh ở Dậu, bệnh ở Mão; ất mộc lộc dương, kỷ thổ bệnh tuyệt thuộc âm, cho nên giống thỏ 4 móng, tai dài, mà khuyết môi…”. Và sách Dương cốc mạn lục: “Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi là âm, cho nên lấy số chẵn tương thuộc mà đặt tên, như trâu 4 móng, thỏ 2 móng, rắn 2 lưỡi, dê 4 móng, gà 4 móng, heo 4 móng”. Sách xưa giải thích xem ra khá tận tường, nhưng người đời nay mấy ai thông hiểu được cách lý luận như thế? Con thỏ từng thời có khác nhau về số móng? (sách này nói 4 móng, sách kia nói 2 móng – hay mỗi tác giả ghi nhận ghi theo giống thỏ thấy tại địa phương mình? Thí dụ con gà thường thì 4 ngón, nhưng gà tre có đến 5 ngón). Dù sao các sách cũng đều ghi thỏ là một trong 12 con vật “Thập nhị địa chi”. Cũng như thế đó, ở Campuchia tự thuở còn mang danh Chân Lạp, những nhà thiên văn bói toán của các triều đại quân chủ (gọi Hôra), khi sắp đặt 12 con vật biểu thị cho chu kỳ 12 năm, giống như sách Thập nhị tiếu trong lịch thư Trung Quốc, nước này cũng cho tuổi Mão là con thỏ chứ không phải mèo (và tuổi Sửu là con bò chứ không phải trâu), tức cũng 12 chi (và 10 can, gọi Sak). Như vậy các quốc gia trong khu vực đều cho người sinh năm Mão cầm tinh con thỏ. Chỉ riêng ở Việt Tuổi Tý con Chuột trong nhà, Tha gạo, tha nếp, tha dồn xuống hang; Tuổi Sửu con Trâu kềnh càng, Cày chưa hết buổi đã mang cày về; Tuổi Dần con Cọp dữ ghê, Bắt người ăn thịt đem về non cao; Tuổi Mẹo là con Mèo ngao, Hay quấu hay quào ăn vụng thành tinh; Tuổi Thìn ông Rồng ở trên thiên đình, Hô phong hoán vũ ỷ mình trên mây; Tuổi Tỵ con Rắn ở với cỏ cây, Nằm khoanh trong bọng không hay điều gì; Tuổi Ngọ con ngựa ô đen xì, Ỷ mình sức mạnh kể gì đường xa; Tuổi Mùi là con Dê chà, Có sừng có gạc râu ria um tùm; Tuổi Thân con Khỉ ở lùm, Chuyền qua chuyền lại té ùm xuống sông; Tuổi Dậu là con Gà vàng, Có mồng, có tít gáy ò ó o; Tuổi Tuất là con Chó cò, Nằm khoanh trong lò lỗ mũi lọ lem; Tuổi Hợi là con Heo ăn hèm, Ăn no rồi ngủ chẳng thèm lo chi. Nay nhân đúng dịp “con mèo đăng quang”, chúng ta hãy thử đi tìm duyên cớ xem vì sao “thỏ đã hóa mèo”? Phải chăng do Mão cũng đọc Mẹo, rồi ai đó đã lấy mèo là con vật có tên gọi na ná mà sửa lại cho “hợp lý”? Có lẽ không quá đơn giản như vậy. Bởi nếu thế thì, năm Dần người ta đã thay cọp bằng con lân; năm Dậu thay gà bằng con sấu… Hay do một huyền thoại lý thú nào? Đi tìm sự suy nghĩ của người xưa không khác mò kim đáy biển, cho nên những gì nêu ra ở đây, xin quý bạn đọc hiểu cho là giả định, chỉ mang tính phiếm luận mà thôi. Người viết không dám tham vọng làm hài lòng quý bạn đọc, nhưng lại tin rằng, theo thông lệ, nhân đón mừng năm Mão này, xin nhắc lại một giai đoạn lịch sử đầy tự hào của dân tộc của năm Mão xưa, tưởng không chỉ là điều hợp lẽ, mà có khi còn đậm đà thêm hương vị chén trà xuân trong những ngày thiêng liêng đầu năm đầu tháng. Chuyện có thể được bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử đã xảy ra cách nay ngót nghét 2000 năm, tận từ những thập niên đầu thế kỷ thứ nhất. Việt sử tiêu án chép về vị nữ vương “dọc ngang trời đất”: Bà họ Trưng, tên Trắc, con của Lạc tướng ở huyện My Linh, Phong Châu, là vợ Thi Sách, người huyện Chu Diên, khởi binh 2 năm, đóng ở My Linh. Vương là người con gái, hô một tiếng mà đuổi được Thái thú nước Tàu, như đuổi đứa nô bộc, lấy lại được đất Ngũ Lĩnh, kiến quốc tự xưng làm vua, cũng là bậc hào kiệt trong hàng nữ lưu (…). Khi bà Trắc ra quân, chưa hết tang chồng, bà mặc quần áo đẹp. Các tướng hỏi, bà trả lời rằng: “Việc binh phải tòng quyền, nếu giữ lễ làm dung nhan xấu xí, thì tự làm giảm nhuệ khí, nên ta mặc đẹp để làm cho thế quân hùng tráng; vả lại lũ kia thấy thế, tâm động, nhụt bớt chí khí tranh đấu thì ta dễ có phần thắng”. Mọi người tạ rằng không nghĩ kịp. Nhà Hán thấy bà Trưng công hãm được thành ấp, bèn sai quận Tràng Sa, Hợp Phố sắm đủ xe thuyền, sửa chữa cầu đường, khơi đầm khe, chứa sẵn lương thực, cho Mã Viện làm Phục ba tướng quân, Lưu Long làm Phó tướng, đưa quân sang đánh. Mã Viện theo bờ biển mà tiến quân, trèo núi, chặt cây, đi hơn nghìn dặm, đến hồ Lãng Bạc, đánh nhau với Trưng Vương. Trưng Vương thấy quân nhà Hán thế mạnh, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi bèn lui về giữ ở Cẩm Khê. Quân lính cũng nghĩ Vương là người con gái, không thể địch với tướng Hán được, đều tự vỡ chạy. Hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị hy sinh. Sách Thông luận bàn rằng, Trưng Vương là đàn bà góa, búi tóc đứng lên, con trai trong nước đều cúi đầu chịu bà chỉ huy, các quan to ở 50 thành cũng đều nín hơi, không dám kháng cự (…). Mã Phục ba làm cỏ nước Tiên Linh, phá tan đất Tham Lang, mà khi đóng quân ở Lãng Bạc cũng phải lo xa nghĩ kỹ, náu hình ở bên hồ sâu. Tiếng tăm hùng dũng của bà chấn động cả Trung Hoa, cơ nghiệp mở mang của bà dọc ngang trời đất, thật là anh hùng (…). Vua tôi Văn Thúc (tướng Hán) không làm gì nổi. Chết rồi mà tiếng thơm vẫn còn. Thế mới càng kỳ nữa. Than ôi! Hồng nhan trẻ đẹp xưa nay chôn vùi đã biết bao người. Nhưng từ Nữ Oa có việc động trời đến giờ, chỉ có hai chị em bà Trưng nữa đấy thôi! Dấu mốc của sự kiện lịch sử oai hùng này được kết thúc đầy bi tráng vào ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão, tức năm 43 TL. Ta biết Mão là mậu (tươi tốt), cũng có nghĩa là mạo (trùm đội). Và cũng có thể còn một cách hiểu nữa của dân gian về “con giảo thố” Mã Viện: Ngày xưa, thời “văn tự chưa phổ cập”, nhà vua không ban chiếu thư, mà ban phù. Phù là vật bằng tre, gỗ hay vàng, bạc, đồng… trên ấy có chạm khắc hình hoặc chữ đặc biệt để làm tin, nhất là trong việc binh. Các quan mới được thăng bổ, khi trình diện để nhận nhiệm sở mới tại nha môn, chỉ cần nộp nửa miếng bên tả của phù (gọi tả phù). Quan châu, quận chỉ việc lấy hữu phù trong kho ráp lại, thấy ăn khớp nhau là xong (theo thứ tự đã có quy ước trước). Như vậy không phải đi lại vừa nhọc vừa tốn. Về hình thức của phù, Hán Văn Đế cho chạm hình con hổ, bằng đồng, gọi hổ phù. Đến đời Hán Cao Tổ thay hổ bằng ngân thố phù, tức phù hình con thỏ bằng bạc (sau nữa mới thay thố phù bằng ngư phù, hình con cá bằng đồng; đến đời Chu Thế Tôn mới bỏ hẳn mà thay bằng chiếu thư). Có thể dân gian hiểu vua Trung Quốc ban thố phù cho Mã Viện khi y lãnh lệnh xua quân qua Giao Chỉ, nên đã đồng nghĩa y (Mã Viện) là thỏ (?). Như trên đã nói, năm Mão vốn là “năm thỏ”. Theo điển cố, con thỏ (Tàu) là con thỏ giảo huyệt. Sách Cổ văn nói, nó biết làm hang ba ngóc (ngách) để núp ẩn đặng khỏi chết, gọi “giảo thế tam quật”. Ở đây nếu lấy tiếng “ba” trong chức Phục ba tướng quân của Mã Viện để liên tưởng đến sự làm hang có ba ngách thì hẳn là rất khiên cưỡng, nhưng chuyện Phục ba “lo xa nghĩ kỹ, náu mình ở bên hồ sâu” như chui núp dưới hang, nằm chờ để phục kích quân Việt thì rõ ràng là phường “giảo thố”. Bởi vì người xưa bao giờ cũng chân chất và rất tự trọng. Ta vẫn thường nghe biết, xưa khi đối đầu ở trận mạc, các dũng tướng đều tỏ rõ hùng khí, quân tử và rất hiên ngang. Trước hết tự xưng tên họ và danh tước mình, và khi đã biết rõ tên họ, danh tước đối phương xong, xem ra đáng đánh, họ mới chịu hươi thương, vung kiếm và không quên hét vang: “Hãy đỡ!”. Đánh lén là hèn. Trận ấy, Trưng nữ tướng (vương) của quân ta, với dung nhan và y trang lộng lẫy, bà đã đẹp, càng đẹp hơn, “dễ thương” hơn, đồng thời cũng hết sức oai hùng. Cho nên nếu vì lý do nào đó cần chọn một con vật biểu trưng bậc nữ nhi đã làm nên chuyện “dọc ngang trời đất” như vậy, thiết tưởng không “ai” đủ điều kiện hơn loài mèo, bởi đó là con vật có dáng dấp nhẹ nhàng, uyển chuyển và luôn tỏ cử chỉ thân thiện với người, rất dễ mến, nên chẳng những dân gian xưa nay thường lấy đó làm tiêu biểu cho nữ tính, mà ngay cả trong sách sử cũng từng ví von “phụ nữ như mèo”. Ngô Thời Sỹ viết trong Việt sử tiêu án, thời “Ngoại thuộc nhà Triệu”: “… Chỉ có vị sứ thần của Trung Quốc há lại không có một người nào có thể sai được mà tất phải dùng đến gã thiếu niên tình nhân của Cù Thị, có phải rõ ra cái ý đưa mỡ đến miệng mèo, còn cái gì quá quắt hơn thế nữa không?”. Sử gia Lê Văn Hưu viết về cuộc khởi nghĩa ấy: “Là đàn bà còn dám nổi lên chiếm được 65 thành trì, lập quốc xưng vương dễ như trở bàn tay”. Hai bà đã cùng các nghĩa binh vùng lên diệt bạo, đập gãy xương sống bọn người xâm lược, rượt đuổi tên Thái thú tham tàn Tô Định chạy bán sống bán chết về tuốt tận bên Tàu, làm rung rinh cả cái gọi là thiên triều của hắn, khiến họ không thể không bật ngật, run rẩy, lùa cả binh hùng tướng mạnh sang phục hận. Dù cuối cùng tuy họ “được việc”, nhưng nỗi nhục trước đó ngàn năm đâu dễ rửa?! Để đánh dấu sự kiện lịch sử “gây chấn động cả Trung Hoa” đầy tự hào ấy – tất nhiên cho đến sau thời điểm người xưa thống nhất lấy can chi biểu thị chu kỳ 12 năm – nhân dân ta, khi tính ngược về trước, thấy đúng vào năm Quý Mão (thỏ), nên phải chăng lúc bấy giờ họ đã biểu đồng tình khai trừ loài “giảo thố” ra khỏi hàng ngũ Thập nhị địa chi, không cho chúng cầm tinh năm Mão, mà thay vào đó bằng một con vật phù hợp khác dễ thương hơn, đầy nữ tính, nhưng lại rất oai hùng: Mèo?
|
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com