Mỹ Tho – Cái nôi của sân khấu cải lương Nam kỳ * ThS. Nguyễn Thanh Lợi (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương – TpHCM) Những tiền đề hình thành sân khấu cải lương ở Nam Kỳ Đầu thế kỷ XX, khi căn bản bình định xong Đông Dương, người Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa. Xã hội Việt Nam có sự thay đổi về nhiều mặt, xuất hiện nhiều giai tầng mới, giới chủ kinh doanh người Việt cũng tách ra làm ăn riêng. Giai cấp tư sản Việt Nam được hình thành và phát triển. Tầng lớp tiểu tư sản thành thị gồm những người làm tiểu công nghệ, tiểu thủ công, buôn bán nhỏ, làm việc cho nhà nước, tư nhân, hành nghề tự do.
Từ năm 1897, thực dân Pháp cho mở trường Hậu bổ (Hà Nội), trường Quốc học (Huế) nhằm đào tạo các viên chức, phục vụ cho bộ máy cai trị. Các trường Pháp – Việt ở các địa phương chủ yếu dạy chữ Pháp. Văn hóa tư sản, chủ yếu văn hóa Pháp được truyền bá rộng rãi trong các tầng lớp học sinh, sinh viên. Báo chí, xuất bản cổ xúy cho nền văn minh Pháp. Thế của Nho học ngày càng suy tàn, nhất là từ năm 1919, kỳ thi Hội và thi Đình cuối cùng được tổ chức ở Huế báo hiệu sự cáo chung của nền giáo dục Nho học ở nước ta. Nước Nhật với công cuộc duy tân năm 1868 trên con đường đi lên chủ nghĩa tư bản nhanh chóng đã thổi một làn gió mới đến Việt Nam. Phong trào cải cách diễn ra sôi nổi khắp cả nước, trên nhiều lĩnh vực. Nguyễn Chánh Sắt với bài Thiết nghiệp yếu luận kêu gọi cải lương nông nghiệp và ông cũng đề nghị cải lương tập tục. Hồ Biểu Chánh với loạt bài Văn học thời đàm nêu vấn đề cải lương văn học và bài Việt Nam giáo dục luận yêu cầu cải lương giáo dục. Nguyễn Tử Thức trên báo Nữ giới chung đề cập đến cải lương nếp sống phụ nữ. Trần Văn Phát đưa ý kiến cải lương cách đọc tiểu thuyết qua truyện dài Nghiêu khê tình sử. Trên báo Nông cổ mín đàm (số 26, 23/10/1906), Trần Chánh Chiếu mở cuộc thi viết tiểu thuyết theo kiểu mới:”Đặt ra một cuốn truyện tùy theo nhân vật phong tục trong xứ dường như truyện có thật. Phần kết luận phải đề cao cương thường đạo lý”. Quan niệm sáng tác này đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc soạn kịch bản cải lương trong thời kỳ đầu.(1) Từ ca ra bộ đến nghệ thuật cải lương Năm 1907, ban nhạc tài tử của Tư Triều (Nguyễn Tống Triều) ở Mỹ Tho tập hợp nhiều danh cầm, danh ca như Tư Triều (đàn kìm), Chín Quán (đàn bầu), Mười Lý (tiêu), Bảy Võ (nhị), Hai Nhiễu (đàn tranh), cô Ba Đắc (ca)…Năm 1910, ban nhạc nổi danh này được ông chủ giàu nhất nhì Mỹ Tho, mang quốc tịch Pháp là Pierre Châu Văn Tú đưa sang Pháp biểu diễn ở Hội chợ đấu xảo thuộc địa tại Paris. Ban nhạc được mời ngồi đàn ca trên sân khấu. Năm 1911, Gilbert Trần Chánh Chiếu, một tư sản dân tộc cấp tiến, đã mời ban nhạc Tư Triều đến trình diễn ở khách sạn Minh Tân của mình ở Mỹ Tho, được khách hàng ủng hộ nồng nhiệt. Chủ rạp chiếu bóng Casino ở sau chợ Mỹ Tho là thầy Hộ hợp đồng với ban nhạc biểu diễn vào mỗi tối thứ tư và thứ bảy trước khi chiếu phim. Người đàn và ca đều ngồi trên bộ ván trên sân khấu. Như vậy, từ ca nhạc thính phòng, ca ra bộ đã lên sân khấu, ra mắt đông đảo khán giả.(2) Vương Hồng Sển đã ghi lại trong hồi ký của mình:”Lúc bấy giờ, lối năm 1912, chúng tôi tòng học tại tỉnh lỵ Mỹ Tho, có đến xem. Cách chưng dọn sân khấu còn đơn sơ. Cái màn bạc dùng tấm phông (fond), kế đó có lót một bộ ván, trước bộ ván để một cái bàn chưn chưa cheo. Hai bên sân khấu có để cây kiểng xem rậm đám và khán giả có cảm giác đứng trước một cái phòng khách hạng trung lưu. Các tài tử đều ngồi trên bộ ván và mặc quốc phục xem nghiêm trang. Cô Ba Đắc ca rất hay và biết đủ các bài cổ điển. Nhất là cô ca bản Tứ đại oán “Bùi Kiệm Nguyệt Nga” rất duyên dáng”.(3) Trong phong trào cải cách (lúc ấy gọi là cải lương), vấn đề cải lương sân khấu được nêu lên, với đối tượng là sân khấu hát bội, loại hình sân khấu phổ thông lúc bấy giờ. Lương Khắc Ninh trong bài diễn thuyết về cải lương hí nghệ tối 28/3/1917 tại Hội Khuyến học Nam Kỳ (Société d’Enseignement Mutuel de Cochinchine) đã lập luận:”Như văn chương Lang sa là khó, mình học được. Bác vật có người học rồi. Có lý nào các môn học thức ấy ta theo Đại Pháp được mà nghề hát ta chẳng theo Đại Pháp được sao? Vậy thì làm vậy, phải có người biết học đi hát, chẳng phải hát tuồng xưa, không vẽ mặt vẽ mày, cũng không ăn mặc đỏ đen như kép hát bấy giờ đó”.(4) Sau buổi thuyết trình này, nhà văn Hồ Biểu Chánh là người nhiệt liệt hưởng ứng, đã viết hàng loạt vở tuồng ngắn như Vì nghĩa quên nhà, Báo nghĩa, Thấy không, Một tấm lòng thành, Phú nhi háo nghĩa, được giới trí thức và công chức miền Tây Nam Kỳ biểu diễn thông qua các nhóm văn nghệ nghiệp dư, rồi lan dần về Sài Gòn. Nhưng Hồ Biểu Chánh vẫn gọi đây là tuồng hài kịch, tuy có chịu ảnh hưởng của ca ra bộ, chưa phải nghệ thuật cải lương.(5) Khoảng năm 1913-1914, Nguyễn Phong Cảnh, chủ nhà hàng Cửu Long Giang ở sau chợ Sài Gòn mời ban nhạc tài tử của Tư Triều lên diễn ở nhà hàng của mình. Ngoài cô Ba Đắc ca hát còn có cô Hai Nhiễu (con ông Tư Triều) vừa hát vừa đàn tranh, ông Tư Triều thì chơi đàn kìm. Bài Tứ đại oán Bùi Kiệm Nguyệt Nga của cô Ba Đắc dần dần được phổ biến ở Vĩnh Long, Sa Đéc, Mỹ Tho… Năm 1915, ông Tống Hữu Định (Phó Mười Hai) ở Vĩnh Long tập hợp anh em tài tử, 3 người thủ vai Bùi Ông, Bùi Kiệm và Nguyệt Nga, đứng trên ván vừa ca vừa ra bộ. Năm 1916, Lê Văn Thận (André Thận) là chủ hãng tàu, người Sa Đéc, sau khi được xem ca ra bộ ở Sài Gòn liền lập một gánh trình diễn xiếc và ca nhạc, chính thức trưng biển quảng cáo ca ra bộ, có màn ca đối đáp nhau. Bảng hiệu và chương trình ghi:”Gánh hát Thầy Thận. Cirque jeune Annam Ca ra bộ. Sadec-Amis. Các diễn viên của gánh gồm có Bảy Thông, Tám Cang, Tư Hương, Hai Cúc, Năm Thoàng, Hai Biêu, Ba Vui ca toàn những bài lớn như 6 bài Bắc: Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản, và 3 bài Nam: Đảo ngũ cung, Nam xuân, Nam ai”.(6) Tết năm 1917, vở cải lương đầu tiên trên sân khấu xiếc Tân Nam Việt (Cirque du jeune Annam) của André Thận ra mắt công chúng ở Sa Đéc. Nhằm thu hút công chúng, mỗi đêm ngoài các tiết mục như chiếu phim thời sự (phim câm) và các tiết mục đu bay, chun thùng, che dù đi dây…đoàn xiếc của ông còn xen vào các vở ca ra bộ với lối trình diễn rất gần nghệ thuật cải lương. Các vở thường diễn là Lâm Sanh Xuân Nương, Trần Đại lang, Thằng Lãnh bán heo, Trần Thế Mỹ, Tồn tâm cải hối, Mua giấy quốc trái…Đoàn xiếc lưu diễn rất ăn khách suốt từ Sa Đéc đến Vĩnh Long, Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Giữa, Mỹ Tho…(7) Vở Lục Vân Tiên của Trương Duy Toản dựa trên bài ca ra bộ Bùi Kiệm-Nguyệt Nga được trình diễn sau khi chiếu bộ phim câm Charlot tìm vàng. Đào kép là những người nổi tiếng trong loại hình ca ra bộ như Hai Cúc, Hai Mão, Bảy Thông, Tám Cang…Vở diễn này được Trương Duy Toản sáng tác vào khoảng 1914-1915 khi ông bị an trí ở Phong Điền (Cần Thơ). Tiết mục chỉ có một bài ca là lớp đầu của bài Tứ đại oán, lời ca được minh họa bằng động tác của người ca, nên vẫn mang hình thái biểu diễn âm nhạc. Nhưng do xuất phát từ việc chọn một tác phẩm gốc ở Nam Bộ và có sự phối hợp với ca nhạc tài tử mà tác giả khá am tường nên vở diễn vẫn được xem là vở cải lương đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam. Về sau, soạn giả Trương Duy Toản tiếp tục soạn các bài ca ra bộ mang tính cách nghiêng về biểu diễn có nguồn gốc từ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu như Lão quân ca, Vân Tiên mù, Khen chàng Tử Trực, Thương nàng Nguyệt Nga. Các đoản khúc này được thiết kế âm nhạc tương tự nhau, lấy Tứ đại oán làm chủ lực, xung quanh là các bài bản ngắn, rồi kết nối những đoạn ca ra bộ này thành một vở diễn hoàn chỉnh. Trước đó các rạp chiếu bóng khi chiếu bộ phim chính, thường có diễn những đoản khúc ca ra bộ hoặc hát chập, lối hát tài tử do một người hát hay đối đáp giữa hai người ngồi trên ghế không hóa trang, lời và giọng hát được chọn trong một lớp ngắn của một tuồng hát bội.(8) Gánh hát của Lê Văn Thận ra mắt tại Sa Đéc, rồi biểu diễn ở Sài Gòn và các tỉnh, sang Phnom Pênh đều được hoan nghênh nhiệt liệt. Từ các tiết mục ngắn tiến lên diễn cả một vở như Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều. Từ ca ra bộ đã hình thành một loại hình sân khấu mới. Ngày 11/9/1917, Hội Khuyến học Long Xuyên đem vở Vì nghĩa quên nhà của Lê Quang Liêm và Hồ Biểu Chánh diễn ở rạp Eden (Sài Gòn), và rạp Cô Tám (Chợ Lớn) vào ngày hôm sau. Vở diễn mô phỏng hài kịch phương Tây (comédie), gây ra sự tranh luận giữa nhóm bảo tồn hát bội và hát bội cải tiến. Sân khấu hát bội với những tuồng tích ca ngợi trung hiếu tiết nghĩa, những động tác mang tính ước lệ, lời thoại đầy chất biền ngẫu, nhiều chữ Nho đã không còn phù hợp với ý thức hệ tư sản. Ý định thay thế hát bội bằng kịch nói như kịch phương Tây đã không thành, ca ra bộ có điều kiện xuất hiện. Phong trào “ca nhạc tài tử” vốn có gốc rễ từ trong đời sống dân gian trong các cuộc tế lễ, ma chay, cưới xin, đám giỗ…nhưng không bao giờ đờn ca trên sân khấu hay trước công chúng. Họ chơi các bài bản nhạc lễ có thêm lời ca và bài bản từ nhã nhạc cung đình Huế. Các bài ca nhạc dân gian và các bản mới sáng tác được thêm vào. Các ban nhạc tài tử có mặt khắp nơi, với những danh cầm nổi tiếng: Ba Đại (Nguyễn Quang Đại), Hai Trì, Nhạc Khị, Năm Triều, Ký Quờn, Sáu Thoàn, Năm Tịnh, Cao Quỳnh Cư…và các danh ca như Ba Đắc, Bảy Lung, Ba Niềm, Hai Nhiều, Hai Cúc, Ba Diêu, Tám Sâm, Bảy Dõng, Bảy Kiên, Ba Lễ… Từ đây, phong trào ca nhạc tài tử cuốn hút mọi giới, nhất là công chức, thợ thủ công, thợ hớt tóc…Họ sinh hoạt thường để biểu diễn, trau dồi tay nghề, sáng tác bài bản mới. Ca ra bộ là vừa ca vừa làm điệu bộ phù hợp với lời.(9) Năm 1918, giới trí thức Gò Công thành lập một đoàn hát nghiệp dư, tập tuồng Phát Việt nhứt gia của Đặng Thúc Liêng và Nguyễn Viên Kiều, nhằm mục đích kêu gọi sự đóng góp giúp đỡ nước Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đêm 16/11/1918, vở này được biểu diễn ở Nhà hát Lớn Sài Gòn và sau đó là Chợ Lớn, Gò Vấp, Thủ Đức…Vở tuồng “lai kịch nói và cải lương” kể lại câu chuyện Nguyễn Ánh nhờ Giám mục Ba Đa Lộc dẫn hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Tuồng hát dài, có nhiều màn, dùng lời thoại và ca tài tử. Lời thoại trong tuồng chưa thoát khỏi quy tắc của hát bội nhưng khác với hát bội, phục trang và hóa trang đã bắt đầu theo khuynh hướng tả thực.(10) Toàn quyền Albert Sarraut đã giao cho các đoàn hát bội đi biểu diễn ở các tỉnh Nam Kỳ nhằm “phổ thông kiểu hát bội mới” này. Sân khấu cải lương ở Mỹ Tho và Nam Kỳ Ngày 15/3/1918, Lê Văn Thận sang gánh hát cho Châu Văn Tú, gọi là gánh hát thầy Năm Tú Mỹ Tho, diễn vở Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản tại Cinéma Théâtre (rạp thầy Năm Tú, nay là rạp Tiền Giang). Dàn diễn viên gồm cô Hai Cúc (Thúy Kiều), cô Ba Đắc (Thúy Vân), cô Năm Thoàn (Hoạn Thư), Bảy Thông (Kim Trọng), Tám Danh (Tử Trực), Tám Cang (Viên Ngoại), Sáu Đỏ (Từ Hải), Sáu Nhiều (Vương Quan).(11) Ban đầu diễn thường trực ở Mỹ Tho và tối thứ bảy ở rạp Eden (Chợ Lớn), về sau diễn thứ bảy, chủ nhật ở rạp Moderne (Sài Gòn) ở đường D’Espane (Lê Thánh Tôn) vào cuối năm 1921.(12) Thầy Năm Tú là người đầu tiên dùng danh từ “cải lương” để gọi cho gánh hát của mình “Ban hát cải lương Châu Văn Tú” và cấm các gánh khác không được dùng thương hiệu cải lương của ông.(13) Thầy Năm Tú mạnh dạn chuyển đổi rạp chiếu bóng của mình thành rạp cải lương, mua sắm trang thiết bị cho rạp hát, mời Trương Duy Toản về làm thầy tuồng. Đoàn hát thường diễn các vở Kim Vân Kiều, Trưng Nữ Vương, Tái sanh duyên, Mổ tim Tỉ Cang. Ông áp dụng một số xảo thuật trong kịch nghệ phương Tây như “chưng vivant”, toàn bộ diễn viên ra diễn đồng ca, gõ nhịp báo trước khi kéo màn, đồng ca hòa tấu khi khép màn…Thầy Tú còn nhập linh kiện lắp ráp máy hát, tổ chức ghi âm vào dĩa các bài bản, tuồng tích cải lương. Hãng dĩa Pathé của Pháp có trụ sở ở Sài Gòn sản xuất rất nhiều dĩa hát 78 vòng của thầy Năm Tú với câu giới thiệu mở đầu:”Đây là gánh hát thầy Năm Tú ở Mỹ Tho hát tuồng…trên dĩa Pathé nghe chơi”. Cũng chính nhờ vậy mà tên tuổi của thầy Năm Tú vang danh khắp ba miền. Dĩa cải lương của gánh hát Tân Thinh, thầy Năm Tú và Văn Hí Ban được quảng cáo trên nhật báo L’Ère Nouvelle ngày 18/2/1927: “DĨA HÁT! MÁY HÁT! XE MÁY ĐẠP! Theo kỳ tàu ngày 1er Décembre 1926 mới lại ít ngàn dĩa hát Văn-hí-Ban hiệu Victor hát kim sắt có nhiều tuồng thiệt hay như là: Phi-Long, Phấn Đường, Tống-Từ-Vân, Phụng Kiêu, Kỳ Duyên-Phổ, Ngũ Hổ Bình Nam, Xử tội Bàng-Quý-Phi…bán giá rẻ, mau mau kẻo hết, và cũng có dĩa hát bội Quản-lac, hiệu Victor có đủ thứ tuồng theo trong Mục-lục. Cũng có đĩa Tân-Thịnh, thầy Năm Tú và Văn-hí-Ban, hiệu Pathé hát bằng kim ngọc thạch. Máy hát đủ các hiệu như là Argentine, Odéon, la voix de son maitre, Victor, Pathé, có nhiều kiểu thiệt tốt coi rất đẹp giá bán từ 17$00 cho đến 200$00 mỗi cái. Và cũng có trữ trên 1000 cái xe máy dạp như là hiệu: L.V.D, R.P.F. Saint-Etienne, Alcylon, Armor, Culmen, Perfecta, B.C. Sport, và đủ các thứ đồ phụ tùng, bán sỉ và bán lẻ, giá rẻ hơn các nơi. Le-Van-Du Hảng chánh ở đường Sabourain số 22-24 ngang hông chợ mới Saigon. Tiệm ngán hở đường Amiral Dupré số 19-21 Saigon. Adresse télégraphique: Lê Văn Du Cycles Saigon, Téléphone No 519”.(14) Do thiếu vốn kinh doanh nên vào năm 1928, gánh hát thầy Năm Tú tan rã tại Cái Bè, việc sản xuất dĩa hát cũng bị dừng lại không lâu sau đó.(15) Gánh cải lương do cô Tư Sự ở Mỹ Tho thành lập năm 1919, đề bảng hiệu “Gánh hát kim thời Đồng Bào Nam Mỹ Tho”. Khác với gánh cải lương của thầy Năm Tú thuộc dòng cải lương tuồng cổ, gánh Đồng Bào Nam của cô Tư Sự là dòng cải lương tân thời, đề tài gắn với cuộc sống người dân, gẫn gũi với cuộc sống mới. Soạn giả của đoàn là Nguyễn Phong Sắc, người đầu tiên có khuynh hướng đổi mới sân khấu cải lương, khai sinh ra hình thức cải lương đương đại, đặc biệt là lên tiếng bênh vực cho phụ nữ.(16) Nhiều gánh hát có quy mô tương đối cũng nhanh chóng ra đời vào thời điểm này như: Đồng Bào Nam, Nam Đồng Ban (Mỹ Tho), Tân Phước Nam, Nghĩa Đồng Ban, Văn Hí Ban (Chợ Lớn), Tập Ích Ban (Thốt Nốt). Những nghệ sĩ sân khấu cải lương tài hoa như Năm Phỉ (Lê Thị Phỉ), Tám Danh (Nguyễn Phương Danh), Ba Du (Phan Văn Hai) được khán giả mộ điệu trên sân khấu Đồng Bào Nam. Các soạn giả buổi đầu Trần Phong Sắc, Nguyễn Công Mạnh, Giáo Huyền viết những vở gây ấn tượng mạnh trong công chúng như Bội Thê thiên sử (Vân phong cùi), Tham phú phụ bần, Ơn đền oán trả, Thiện ác hữu báo, Châu mãi thần ly thê… Các gánh hát Đồng Bào Nam, Nam Đồng Ban ở Mỹ Tho, Tân Phước Nam ở Sóc Trăng đều lên Sài Gòn trình diễn. Tuy trên thực tế đã diễn cải lương rồi, nhưng các gánh này chưa chính thức dùng từ “cải lương”. Gánh thầy Thận vẫn còn dùng từ “ca ra bộ”, gánh Tân Phước Nam dùng tên gánh hát “Tân Thời” hay cũng gọi là “Kim Thời”. Năm 1920, với việc thành lập Đoàn hát cải lương Tân Thinh của Trương Văn Thông, đã đánh dấu sự kiện sân khấu cải lương chính thức xuất hiện và phát triển mạnh, một bộ môn “sân khấu mới” ra đời nhằm mục đích cải lương hí nghệ với những cải cách toàn diện từ văn học đến nghệ thuật biểu diễn.(17) Vào năm 1920, ông thợ bạc Nguyễn Văn Cu (Hai Cu) ở Mỹ Tho đã thành lập gánh hát cải lương đầu tiên lấy tên là Nam Đồng Ban. Gánh hát có các kép Hai Giỏi, Ba Du, Tư Xe, Sáu Ky, Tám Mẹo, đào Năm Phỉ…diễn các vở tuồng Tham phú phụ bần, Chữ thuận chữ hiếu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Gánh Nam Đồng Ban sớm tan ra khi Hai Giỏi yểu mệnh. Bà Tư Sự ở Mỹ Tho bỏ tiền ra mua gánh hát vì mến mộ tài năng của Năm Phỉ tuy mới 13 tuổi nhưng đầy triển vọng. Năm sau, gánh Tái Đồng Ban cũng tan rã. Cùng thời còn có gánh Văn Hí Ban (sau tách ra thành gánh Võ Hí Ban chuyên hát tuồng Tàu) của thầy Mười Vui. Những soạn giả trong giai đoạn tiền phong và giai đoạn kế còn có Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Đặng Công Danh (Mười Giảng), Nguyễn Công Mạnh, Trần Phong Sắc, Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở, Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi), nhạc sĩ Cao Văn Lầu…và các nghệ sĩ buổi đầu như Bảy Nhiêu, Ba Lựu, Ba Vân, Bảy Nam…(18) Năm 1926, Georges Lê Công Phước và Nguyễn Ngọc Cương lập gánh Phước Cương tại Mỹ Tho, quy tụ dàn diễn viên gạo cội như đào Năm Phỉ, kép Tám Danh, Ba Du, Tám Mẹo…Gánh hát tuy ra đời muộn nhưng lại có tiếng tăm vì sở hữu dàn diễn viên tài năng, nhất là đào Năm Phỉ, y phục, trang trí rất khởi sắc so với các ban khác. Phó giám đốc của ban là người Pháp tên Marcel Samarcelly. Gánh hát được chính quyền mời trình diễn một đêm vở tuồng cải lương nổi tiếng của ban là Nghĩa tình chị em, một tuồng vui hài xã hội ở Nhà hát Lớn (Sài Gòn), để chúc mừng và gây quỹ cho hai ông Abadie và Vairat vào đầu năm 1929 khi họ lái thành công xe hơi chạy từ Sài Gòn đi Paris trong năm 1928. Buổi trình diễn có sự tham dự của Thống đốc Nam Kỳ.(19) Do bất đồng ý kiến, năm 1927, Georges Phước tách ra lập gánh Huỳnh Kỳ, gồm các diễn viên Phùng Há, Hai Nữ, Năm Thiện…Gánh thường diễn vở Giọt máu chung tình của soạn giả Nguyễn Tri Khương do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơn, Phùng Há đóng vai Bạch Thu Hà rất thành công, gây tiếng vang lớn. Năm 1933, gánh Huỳnh Kỳ phải giải tán do hoạt động quá tốn kém từ sự chơi sang của ông bầu Bạch Công tử. Nguyễn Phước Cương tuy mất một số diễn viên nhưng sau đó đã kịp thời bổ sung. Vì là con của bà Lưu Thị Ngoạn, một diễn viên đồng thời là bầu gánh hát bội nổi tiếng, nên ông bầu này lèo lái gánh hát khá vững vàng. Năm 1930, gánh Phước Cương lưu diễn ở miền Bắc, sau đó là Pháp, được báo chí khen ngợi. Đến năm 1933, các nghệ sĩ của gánh Phước Cương gồm Tám Danh, Bảy Nhiêu, Sáu Ngọc Sương lập gánh Tiếng Chung (Tiểu Phước Cương). Cũng trong năm, Phùng Há bỏ gánh Huỳnh Kỳ cùng với Năm Phỉ lập gánh Phi Phụng. Năm 1936, gánh cải lương do hai diễn viên nổi tiếng lãnh đạo lưu diễn ở nhiều nơi, rồi cũng chia tay nhau. Một số theo Phùng Há lập gánh Phụng Hảo. Từ Anh và Năm Châu lập gánh Nam Thịnh, gánh cải lương Bắc đầu tiên. Một số diễn viên từ gánh Phi Phụng chuyển sang kết hợp lập ra gánh Đại Phước Cương với lực lượng nòng cốt là các diễn viên Năm Phỉ, Năm Châu, Từ Anh, Ba Du, Ba Vân… Gánh cải lương Trần Đắc của ông Trần Đắc Nghĩa cũng thành năm 1926, chuyên diễn tuồng xã hội như Khúc oan vô lượng (Huỳnh Thủ Trung), Lửa đỏ lòng son (Trần Hữu Trang), Áo người quân tử, Giá trị danh dự (Nguyễn Thành Châu)…Nhưng đoàn lưu diễn không thành công ở Hà Nội và bị tan rã vì sự cạnh tranh về đào kép.(20) Năm 1929, gánh Đồng Nữ Ban do bà Trần Ngọc Viện được thành lập tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang). Diễn viên của gánh gồm toàn diễn viên nữ như cô Ba Viện, cô Năm Hương, cô Sáu Nhuận, cô Ba Lợi, cô Lan…Ngoài việc biểu diễn ở Mỹ Tho, gánh còn lưu diễn khắp nơi như Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Cần Thơ, Cao Lãnh, Rạch Giá, Sài Gòn, Chợ Lớn, Đa Kao, Gò Vấp…với vở diễn ăn khách nhất là Giọt máu chung tình. Mục đích biểu diễn của gánh nhằm gây quỹ tài chính cho hoạt động của Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí hội tỉnh Mỹ Tho, nhưng bị mật thám theo dõi nên phải ngừng hoạt động.(21) Thập niên 1920 là thời kỳ phát triển rực rỡ của sân khấu cải lương khắp Nam Kỳ lục tỉnh, từ Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho cho đến Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Dĩa cải lương được bán rất chạy ở Sài Gòn và các tỉnh. Có thể mua dĩa cải lương của gánh Văn Hí Ban ở tiệm Huỳnh Văn Sơn, số 72 đường Reim (Sài Gòn) hoặc qua đường bưu điện.(22) Năm 1931, đoàn cải lương Phước Cương được mời tham dự hội chợ thuộc địa tổ chức ở Bois de Vincennes (Paris), đào chính là cô Năm Phỉ, nghệ sĩ Bảy Nhiêu, Tám Danh diễn vở Sĩ Vân công chúa dựa theo truyện Tristan et Isolde. Đây là lần đầu tiên nghệ thuật cải lương xuất hiện ở phương Tây, báo chí bên ấy hết lời ca ngợi.(23) Gánh cải lương Thanh Vân do ông Lưu Tiến Thơ thành lập ở Trà Tân (Cai Lậy) năm 1935. Gồm có 25 diễn viên nam nữ, chuyên diễn các tuồng cải biên từ hát bội như Tiết Nhơn Quý chinh Đông, La Thông tảo Bắc, Tiết Đinh San chinh Tây. Năm 1939, gánh tự giải tán rồi tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa.(24) Giai đoạn 1936-1939, sân khấu cải lương phát triển với nhiều diễn viên nổi tiếng và các soạn giả tài danh như Mộng Vân, Trần Hữu Trang…Các nhà sản xuất máy hát, dĩa hát như máy hát hiệu Colombia, dĩa hát hiệu Asia, Victoria Béka Pathé, Polyphon, Hoành Sơn, Việt Hải, Việt Nam…đưa nghệ thuật cải lương đến rộng rãi với mọi người.(25) Lời kết Vốn là mảnh đất “phát tích” ra dòng ca nhạc tài tử, nơi sản sinh ra nhiều nghệ sĩ tài danh cũng như những ông bầu tâm huyết với loại hình kịch hát dân tộc, Mỹ Tho có thể được xem là cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương ở Nam Kỳ. Từ đây đã hình thành nên những gánh cải lương danh tiếng, những đào kép tên tuổi, rạp hát cải lương đầu tiên ở Nam Kỳ. Sân khấu cải lương Mỹ Tho đã có ảnh hưởng mạnh mẽ, lan tỏa đến những trung tâm văn hóa ở khu vực, mà dễ thấy nhất đó là Sài Gòn. Cũng phải kể đến những điều kiện thuận lợi của đô thị Mỹ Tho lúc bấy giờ, nằm ngay vị trí đầu mối của tuyến đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho và nó được xem như một “đối trọng” với Sài Gòn, một trung tâm văn hóa ở Tây Nam Kỳ. Và như vậy, Mỹ Tho đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử sân khấu nước nhà. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hoàng Như Mai (1998), Sân khấu cải lương trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Tập III Nghệ thuật, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Trần Văn Khải (1970), Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn. 3. Vương Hồng Sển (1968), Hồi ký 50 năm mê hát, Phạm Quang Khai xb, Sài Gòn. 4. Trần Hoàng Diệu – Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên) (2005), Địa chí Tiền Giang, Tập I, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang – Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, Hà Nội. 5. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Hương (2007), Sân khấu cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh-Nxb Văn hóa Sài Gòn. 6. Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp (2013), Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Phương Nam Book-Nxb Văn hóa-Văn nghệ TP. HCM, tr.113. 7. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Phạm Thiếu Hương, Nguyễn Đại Phúc, Đỗ Văn Anh (1996), Sài Gòn- Gia Định xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 8. Tuấn Giang (1997), Ca nhạc và sân khấu cải lương, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 9. Đỗ Dũng (2003), Sân khấu cải lương Nam Bộ 1918-2000, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 10. Võ Trường Kỳ (2013), Đờn ca tài tử Nam Bộ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 11. Trần Văn Khê (2004), Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 12. Minh Trị (2007), 7 gương mặt nghệ sĩ cải lương Nam Bộ, Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh. 13. Đinh Bằng Phi (2005), Nhìn về sân khấu hát bội Nam Bộ, Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh. 14. Lê Tấn Chí (1993), Nghệ sĩ Năm Phỉ, Ban Tuyên giáo Tiền Giang xb. 15. Trương Bỉnh Tòng (1996), Nhạc tài tử nhạc sân khấu cải lương, Nxb Sân khấu, Hà Nội. 16. Hoài Linh, Trương Bỉnh Tòng (2008), Từ đờn ca tài tử đến hát cải lương, Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh. 17. Đắc Nhẫn (1987), Tìm hiểu âm nhạc cải lương, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 18. Hoàng Như Mai (1986), Sân khấu cải lương, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp. 19. Trương Bỉnh Tòng (1995), Những chặng đường sân khấu, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. 20. Trần Văn Khê (2001), Hồi ký Trần Văn Khê, Tập 2, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 21. Hà Văn Cầu (1994), Phong cách và thi pháp trong nghệ thuật cải lương, Nxb Sân khấu, Hà Nội. 22. Hoàng Như Mai (1982), Trần Hữu Trang soạn giả ca kịch cải lương, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 23. Hoàng Chương (1995), Chân dung nghệ sỹ, Nxb Sân khấu, Hà Nội. (1) Hoàng Như Mai (1998), Sân khấu cải lương trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Tập III Nghệ thuật, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.167-170. (2) Trần Văn Khải (1970), Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, tr.81-83. (3) Vương Hồng Sển (1968), Hồi ký 50 năm mê hát, Phạm Quang Khai xb, Sài Gòn, tr.31-32. (4) Hoàng Như Mai (1998), Sân khấu cải lương, Sđd, tr.170. (5) Trần Hoàng Diệu – Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên) (2005), Địa chí Tiền Giang, Tập I, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang – Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, tr.894. (6) Hoàng Như Mai (1998), Sân khấu cải lương, Sđd, tr.174. (7) Trần Hoàng Diệu – Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên) (2005), Địa chí Tiền Giang, Tập I, Sđd, tr.895. (8) Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Hương (2007), Sân khấu cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh-Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr.27-29. (9) Hoàng Như Mai, Sân khấu cải lương, Sđd, tr.171-172. (10) Trần Hoàng Diệu – Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên) (2005), Địa chí Tiền Giang, Tập I, Sđd, tr.895; Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp (2013), Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Phương Nam Book-Nxb Văn hóa-Văn nghệ TP. HCM, tr.113. (11) Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Hương (2007), Sân khấu cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh, Sđd, tr.29-30. (12) Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Phạm Thiếu Hương, Nguyễn Đại Phúc, Đỗ Văn Anh (1996), Sài Gòn Gia Định xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.88. (13) Tuấn Giang (1997), Ca nhạc và sân khấu cải lương, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.256-257. Tuy nhiên, theo GS. Hoàng Như Mai thì giữa năm 1920, gánh hát đầu tiên và quy mô ở Sài Gòn do Trương Văn Thông người Sa Đéc thành lập, đặt tại đường Boresse (đường Yersin), cho treo đôi liễn nêu mục đích tôn chỉ: Cải cách hát ca theo tiến bộ / Lương truyền tuồng tích sánh văn minh (Hoàng Như Mai (1998), Sân khấu cải lương, Sđd, tr.175-176). Và theo GS. Trần Quang Hải thì danh từ “cải lương” lại xuất phát từ câu:”Cải biến sự kỳ / Sử ích tự thiên lương” trên bảng hiệu của gánh Tân Thinh do Trương Văn Thông lập năm 1920 với ý nghĩa “đổi những gì cũ còn lại thành những gì mới và hay” (Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp (2013), Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Sđd tr.102-103). (14) Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp (2013), Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Sđd, tr.115. (15) Trần Hoàng Diệu – Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên) (2005), Địa chí Tiền Giang, Tập I, Sđd, tr.895. (16) Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp (2013), Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Sđd, tr.118. (17) Hoàng Như Mai, Sân khấu cải lương, Sđd, tr.176. (18) Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Hương (2007), Sân khấu cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh, Sđd, tr.33-34. (19) Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp (2013), Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Sđd, tr.126-127. (20) Đỗ Dũng (2003), Sân khấu cải lương Nam Bộ 1918-2000, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr.33. (21) Đỗ Dũng (2003), Sân khấu cải lương Nam Bộ 1918-2000, Sđd, tr.31; Trần Hoàng Diệu – Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên) (2005), Địa chí Tiền Giang, Tập I, Sđd, tr.897. (22) Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp (2013), Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Sđd, tr.122. (23) Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp (2013), Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Sđd, tr.130. (24) Trần Hoàng Diệu – Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên) (2005), Địa chí Tiền Giang, Tập I, Sđd, tr.897-898. (25) Trần Hoàng Diệu – Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên) (2005), Địa chí Tiền Giang, Tập I, Sđd, tr.896-897. |
Cập nhật ( 10/10/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com