23/06/2008 |
HỘI THẢO VỀ SƯ NGUYỆT CHIẾU – MỘT TÁI HIỆN LỊCH SỬ VÔ CÙNG SINH ĐỘNG Đây không phải là lần đầu tiên về Bạc Liêu, nhưng thật sự là lần đầu tiên về quê nhà với tư cách một người được mời dự Hội thảo, vì vậy khi xe vừa qua cầu Nàng Rền, vừa lọt vào địa phận của tỉnh Bạc Liêu trong lòng tôi bổng nghe nao nao trong dạ, vừa mừng vui như một đứa con đi xa được trở lại gia đình, vừa lo lắng không biết phát biểu thế nào trong vai trò là một đại biểu. Đang miên mang suy nghĩ thì chiếc xe đã vào thị xã, chạy một lúc xe dừng lại trước cổng một ngôi chùa, đoàn chúng tôi gồm ba mươi đại biểu được người trong chùa đón tiếp vào hậu đường nơi thờ Tổ, tôi nhìn thấy linh vị và ảnh chân dung của Sư Nguyệt Chiếu và nhiều nghệ nhân nghệ sĩ cổ nhạc tiền bối đang được bày trí trên bàn thờ, chợt nhìn sang bên trái thấy di ảnh của cha tôi – soạn giả Trịnh Thiên Tư cũng được thờ ở đây, lúc đó trong lòng tôi vô cùng xúc động, cổ nghèn nghẹn không nói nên lời, tôi có cảm giác như vừa gặp lại người cha thân yêu sau nhiều năm xa cách, cái cảm giác trùng phùng thiêng liêng như ngự trị mọi giác quan của tôi, thời gian lúc đó cơ hồ ngưng động, tôi cứ cầm ba nén nhang đứng bất động nhìn về hướng bàn thờ, mãi đến khi người trưởng đoàn lấy nhang cắm vào lư hương tôi mới trở về thực tại. Tuy không nói lời nào nhưng lúc đó tôi thầm cảm ơn Ban Tổ chức Hội thảo, cảm ơn thật nhiều những con người đã làm công tác Phật sự đầy ý nghĩa này đã giúp tôi và các đại biểu cùng đoàn có được những giây phút tĩnh lặng để hồi tưởng tổ sư, cha mẹ, ông bà; những giây phút tưởng chừng như cảm nhận dễ dàng, nhưng trên thực tế khó có được đối với tôi và các anh em lao động hằng ngày phải lo toan cho cuộc sống, dù là lao động chân tay hay lao động trí óc. Sau khi chiêm bái Tổ sư và các vị tiền bối, chúng tôi được đưa về nhà hàng khách sạn Công Tử Bạc Liêu để bố trí chỗ ăn chỗ nghĩ. Chúng tôi đã nghe danh Công tử Bạc Liêu từ lâu qua những huyền thoại được người đời truyền tụng, nhất là cung cách hào phóng, trượng nghĩa, vị tha, thương người… lâu dần đã trỡ thành tính cách chung của người Bạc Liêu. Anh Trần Phước Thuận, anh Quảng Thiệt thay mặt Ban Tổ chức chiêu đãi chúng tôi bửa cơm tối tại đây, trên bàn bày la liệt những món ăn đặc sản của vùng biển Bạc Liêu, nào là tôm luộc, mực tươi, sò huyết… cả đến món dưa bồn bồn, cải xanh, cù nèo, rau húng… tuy không cầu kỳ nhưng đầy vị ngọt quê hương. Lần đầu tiên được ngồi ăn nơi chiếc bàn xưa, được ngủ trong ngôi nhà Công tử, được nói chuyện với những bạn đồng hương khiến lòng tôi dâng lên một nổi niềm lâng lâng khó tả. Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng chúng tôi được xe đưa về chùa Long Phước (cách đó khoảng một cây số) để dự Hội thảo. Khi hỏi ra chúng tôi mới biết chùa Long Phước do Hòa thượng Thích Huệ Hà – Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu làm trụ trì, Hòa thượng cũng chính là Trưởng ban Tổ chức Hội thảo. Tuy mới gặp lần đầu nhưng qua gương mặt hiền hòa phúc hậu và cách ăn nói từ tốn của Hòa thượng, chúng tôi đã nhận ra đây là một bậc chân tu. Khách đến càng lúc càng đông ngồi chật ních cả Hội trường, tôi đoán chừng khoảng trên dưới hai trăm người. Có lẽ Hội trường hơi nhỏ nên Ban Ttổ chức đã lắp ráp thêm một cái rạp ở bên ngoài để cho diện tích Hội trường rộng ra mới đủ chỗ ngồi cho những người đến dự. Qua phần tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu của Đại đức Thích Thiện Phúc tôi mới biết tổng số đại biểu có mặt hôm nay là 180 người, trong đó có rất nhiều thành phần, gồm đại diện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bạc Liêu, Thường trực Đại biểu Quốc Hội tỉnh, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Văn hóa, Công an tỉnh, Trường Đại học Bạc Liêu, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Khoa học Lịch sử… Thị ủy, UBND thị xã Bạc Liêu và nhiều ban ngành, đại biểu ở địa phương. Về phía Phật giáo thì có đại diện Hội đồng Trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Nghi lễ TW, Ban Văn hóa TW, đại diện của Thành hội Thành phố Hồ Chí Minh cùng rất nhiều Tỉnh hội bạn như : Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Nai; các Ban Đại diện Phật giáo các huyện thị ở Bạc Liêu. Có rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tới dự, trong đó có sáu Đại đức Tiến sĩ tốt nghiệp ở Ấn Độ và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong, giáo sư đại học ở Hoa kỳ. Thật là một niềm vinh hạnh chung cho Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, không những được sự ủng hộ của chính quền địa phương mà còn được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học từ các nơi khác. Ban Tổ chức đã đề xuất công cử Ban Chứng Minh, gồm ba Hòa thượng Đại diện Hội đồng Trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Sau diễn văn khai mạc do Hòa thượng Thích Huệ Hà thay mặt Đoàn Chủ tọa tuyên đọc, Đại đức Tiến sĩ Thích Phước Chí thông qua Đề dẫn Hội thảo. Hai văn bản này đã bao quát và định hướng mọi vấn đề cần bàn trong Hội thảo. Sau khi xem qua danh mục trên hai mươi tham luận, tôi thấy Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê vì lý do sức khỏe không tới dự được nhưng cũng đã gởi bài tham luận. Điều này khiến cho tôi vô cùng ngạc nhiên vì trong Từ điển danh nhân âm nhạc thế giới chỉ có hai người Việt Nam đó là Giáo sư Khê và Giáo sư Phong, thế mà trong cuộc Hội thảo này có cả tham luận của hai vị ấy. Ngoài ra còn có các bài tham luận của Giáo sư Mạc Đường, Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết, các Tiến sĩ : Trần Hồng Liên, Trần Diễm Thúy, Nguyễn Thành Đức, Trần Thuận, Thích Huệ Khai…; Thạc sĩ : Trương Công Lập, Lâm Thành Đắc và nhiều nhà khoa học khác, nhiều vị tôn túc Phật giáo trong và ngoài tỉnh. Danh mục tham luận đã bao quát mọi vấn đề cần thiết để bàn bạc và thảo luận đối với chủ đề Hội thảo khoa học Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Các tham luận có thể chia làm hai loại : Khoảng mười bài có liên quan đến sự nghiệp của Sư Nguyệt Chiếu, số còn lại là những tham luận có liên quan đến nhiều vấn đề khác của nhạc lễ cổ truyền Tóm lại, Kết luận của cuộc Hội thảo đã chứng minh được thành quả của Sư Nguyệt Chiếu một con người thật xứng đáng gọi là : một nhà văn hóa của tỉnh Bạc Liêu, một danh tăng của Phật giáo, một nghệ nhân tiền bối đã đóng góp nhiều công lao trong việc hệ thống, sáng tạo, chỉnh lý các bài bản Tổ làm nòng cốt cho nhạc lễ, đàn ca tài tử và cải lương. Những người kế thừa của sư như Nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa, Soạn giả Trịnh Thiên Tư, Thượng tọa Thích Thiện Thành đều có những thành tích nổi bật trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Đồng thời còn đề xuất với các ban ngành hữu quan những việc cần phải làm để khai thác, bảo tồn và phát huy vốn quí nhạc lễ Nam bộ, phát huy thành quả của Sư Nguyệt Chiếu một tinh hoa văn hóa nghệ thuật của tỉnh Bạc Liêu. Thành phố Hồ Chí Minh |
Cập nhật ( 25/06/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com