MỘT SỐ Ý KIẾN * AN CHI Trả lời: Bài “Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều” đăng trên tạp chí Văn học số 3 năm 1997 là một bài thú vị và có nhiều giá trị tham khảo nên chúng tôi đã trân trọng giới thiệu để bạn đọc tìm đọc. Tuy nhiên, bài đó cũng có một số điểm không thoả đáng. Ngoài những điểm mà Nguyễn Quảng Tuân đã nêu trên báo văn nghệ, còn có một số điểm khác mà chúng tôi xin mạo muôi trình bày như sau. 1. Hoàng Xuân Hãn nói: “Cuối cùng tôi thấy trong những bản còn lại, có một bản hội đủ điều kiện để mình tái lập phần lớn văn Kiều đời xưa, có thể nói là nguyên lời Nguyễn Du, chứ không phải là nguyên bản vì nguyên bản không tìm ra được nữa” (Bđd, tr.3). Có lẽ do thấm nhuần ý tưởng này mà tác giả Thu Trang cũng đã viết như sau: “Đặc biệt tác phẩm của Nguyễn Du (Truyện Kiều- AC), học giả Hoàng Xuân Hãn đang xem lại tất cả những bản đã in. Những sai sót trong chữ Nôm khi tái bản, ông đang tìm cách sửa lại cho đúng nguyên văn bản gốc của Nguyễn Du” (“giáo sư Hoàng Xuân Hãn, một học giả lớn của Việt Thật ra cách khẳng định trên đây của Hoàng Xuân Hãn rất khó tin: không có nguyên bản của Nguyễn Du thì làm sao biết được văn kiều mà mình tái lập “có thể nói là nguyên lời của Nguyễn Du” được? Huống chi, giả sử có được nguyên bản của Nguyễn Du ở trong tay thì văn Kiều mà mình tái lập cũng đâu đã hẳn là nguyên lời của Nguyễn Du! Lý do rất đơn giản: chữ Nôm không phải là một thứ chữ ghi âm như chữ quốc ngữ: nó thuộc loại hình chữ vuông (phương khối tự) mượn ở chữ Hán nhưng lại không có quy củ như chữ Hán cho nên có nhiều chữ rất khó đọc và có những chữ có nhiều âm mà mỗi người đọc một cách. Trong những trường hợp này, ai cũng muốn có nhận rằng âm mà mình phiên mới đúng là âm của Nguyễn Du. Vậy chỉ có Nguyễn Du tái thế thì may ra mới biết được ai đúng ai sai mà thôi! Người ta có thể viện đến những nguyên tắc và phương pháp của văn bản học ra để phản bác nhưng chúng tôi vẫn thưa rằng đối với chữ Nôm thì lý thuyết của bộ môn này xem ra phải được bổ sung một cách thích đáng thì mới có thể tin tưởng được. 2. Hoàng Xuân Hãn nói: “Trong các bản, có một bản ở trong Sở dĩ Hoàng Xuân Hãn chưa muốn nói rõ đó là bản nào có lẽ là vì ông còn muốn giữ bí mật về bản Nôm “tẩy” của mình cho đến khi ông công bố bản Kiều quốc ngữ do mình phiên âm chăng? Nếu đúng thế, thì chúng tôi rất tán thành ý kiến sau đây của Nguyễn Quảng Tuân: “Làm gì mà phải nói mập mờ như muốn giử kín không cho ai biết rõ ràng” (Trả lời ông Đào Thái Tôn…”, Văn nghệ, Hà Nội, s.38,20.9.97, tr.5). Huống chi, cũng theo Nguyễn Quảng Tuân, thì bản của Duy Minh Thị, “các nhà nghiên cứu đều biết cả và năm 1883, chính Abel des Michels đã dùng để phiên âm sang Quốc ngữ và dịch sang tiếng Pháp” (Bđd, tạp chí Văn học, s.6-1997, tr.13). Chúng tôi cũng xin nói thêm rằng, gần đây, trong Truyện Kiều đối chiếu chữ Nôm – Quốc ngữ (Viện Bảo tàng lịch sử TP.HCM, 1993), Vũ Văn Kính cũng đã có sử dụng bản của Duy Minh Thị để làm khảo dị. Thế mà lâu nay nhiều người cứ ngỡ là Hoàng Xuân Hãn có một bản nào đó rất bí mật! 3. Để bảo vệ quan điểm của mình cho rằng Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều trước khi ra làm quan cho nhà Nguyễn, Hoàng Xuân Hãn có đưa ra một luận cứ như sau: “Tôi chắc cũng không phải (Nguyễn Du viết Truyện kiều – AC) đời Gia Long, cụ Nguyễn Du đã bị gọi ra làm quan, tri phủ Thường Tín hay tri phủ gì ở ngoài Bắc. Lúc đã ra làm quan rồi thì không có thì giờ ngồi viết Kiều (chúng tôi nhấn mạnh – AC)” (Bđd, tr.5). Hoàng Xuân Hãn biện luận như trên e là quá dễ dãi chăng? Làm vua như Tự Đức mà còn viết được những Việt sử tổng vịnh thư tập, Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca, Luận ngữ diễn ca, Từ huấn lục, Thập điều diễn ca,… thì lo gì làm quan như Nguyễn Du – mà làm quan cũng không “hết mình” – lại “không có thì giờ ngồi viết Kiều”! 4. Hoàng Xuân Hãn nói: “Trong truyện Tàu (tức Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân – AC) không có chuyện bể dâu gì cả. Không có sự thay đổi gì cả. Đó là một histoire sociale (truyện xã hội – AC) bên Trung quốc, đời nhà Minh (…) không phải là cuộc bể dâu. Đời nhà Minh vẫn êm thấm, không có gì cả” (Bđd. Tr.6). Ông cho rằng chỉ trong Truyện Kiều mới có cuộc bể dâu (vì chính Nguyễn Du đã viết “Trải qua một cuộc bể dâu”!) Thực ra, chính cái “histoire sociale” trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã được Nguyễn Du gọi là “cuộc bể dâu” trong Truyện Kiều đấy chứ. Đó chính là cái tai biến đau thương và kinh hoàng đã làm cho gia đình họ Vương từ chổ đầm ấm, vui vầy bổng chốc phải trở thành gái lầu xanh và dấn thân vào bước đường mười lăm năm lưu lạc đấy tủi nhục. Không thay đổi thì là gi? Không phải là “cuộc bể dâu” thì là gì? Và đây chính là cái khung toàn cảnh của truyện Tàu mà Nguyễn Du đã đưc vào truyện ta. Ngặt một nỗi là Nguyễn Du thì dùng ngữ danh từ “cuộc bể dâu” còn Thanh Tâm Tài Nhân thì lại không nhắc đến mấy tiếng “thương hải tang điền”, khiến cho Hoàng Xuân Hãn mới ngỡ rằng trong truyện Tàu chỉ có “histoire sociale” còn trong truyện Kiều thì mới có “cuộc bể dâu”! Vả lại, Thanh Tâm Tài Nhân cũng đã viết về cái tai biến của gia đình họ Vương như sau: “Ái ngại thay cho một gia đình đang yên vui, phút chốc biến thành non băng bể tuyết” (Bản dịch của NKHanh, NĐVân, tr.75). “Non băng bể tuyết” chính là “cuộc bể dâu” đấy. 5. Hoàng Xuân Hãn còn ngộ nhận thêm một điều khác nữa. Ông nói: “Vậy cuộc bể dâu ấy (trong Truyện Kiều – AC) là gì? Tức là Tây Sơn phá Trịnh với Lê và cụ, tức là cái họ của cụ không biết bao nhiêu người làm quan đầu triều hết cả – thượng thư đầu triều hay là đương còn trẻ, trong họ của cụ có hàng chục người như thế. Một cuộc bể dâu mà Tây Sơn đánh đổ Lê Trịnh và làm đổ hết cả họ về mọi mặt ở Tiên Điền” (Bđd, tr.6). Thực ra, như đã nói, cuộc bể dâu trong Truyện Kiều chính và chỉ là cái tai biến đau thương và kinh hoàng của gia đình Kiều và của Kiều mà thôi. Nếu Nguyễn Du có muốn nói đến việc “Tây Sơn đánh đổ Lê Trịnh làm đổ hết cả mọi mặt ở Tiên Điền” thì cũng chỉ là ám chỉ bằng cuộc bể dâu của gia đình Kiều và Kiều chứ làm sao mà cuộc bể dâu trong Truyện Kiều lại có thể đích thị là chính việc Tây Sơn đánh đổ Lê Trịnh như Hoàng Xuân Hãn đã khẳng định? Nói như thế thì hiện tượng văn học còn ý nghĩa gì nữa? Huống chi, Nguyễn Du có thực sự “đau lòng” trước “cuộc bể dâu” đó và ác cảm với tây Sơn hay không cũng còn là chuyện mà có người đã đặt thành vấn đề phải bàn lại (Xin xem, chẳng hạn, Trần khuê, “Về thái độ chính trị của Nguyễn Du đối với các triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn Gia Long”, Nghiên cứu và tranh luận, nxb KHXH, Hà Nội, 1996, tr.97-129). 6. Hoàng Xuân Hãn có đưa ra mấy chữ Nôm để phân tích mẫu. Về cách phân tích này, Nguyễn Quảng Tuân đã có nhận xét trên báo Văn nghệ. Ở đây chúng tôi chỉ nêu thêm mấy khía cạnh nhỏ khác để chứng minh rằng cách hiểu vấn đề của Hoàng Xuân Hãn có khi hơi dễ dãi. Chẳng hạn ông cho rằng chữ thứ tư của câu 628 (Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao) phải đọc thành “trụi” và nhấn mạnh: “Trụi như trụi lông: không có một tí lông nào hết cả” (Bđd, tr.13). Có hay không có một tí nào, chúng tôi sẽ trở lại chuyện này trong một kỳ CĐCT sắp tới. Lần này chỉ xin nói về việc dùng từ. Câu 628 là một câu bát có hai vế tiểu đối, mỗi vế bốn chữ. Xưa nay ai cũng đọc chữ thứ tư của nó là nhụi và có lẽ Nguyễn Du đã an bài như thế rồi để cho “nhẵn nhụi” có thể đối với “bảnh bao” một cách mỹ mãn vì đó điều là những từ láy âm. Bây giờ mà đổi lại thành “nhẵn trụi” (không phải là từ láy) thì làm sao có thể đối với bảnh bao “cho xứng lứa vừa đôi” được? Để kết thúc kỳ trả lời này, xin nhận xét cách hiểu của Hoàng Xuân Hãn về câu 328: Trần trần một phận ấp cây đã liều. Đây là lời của Kim Trọng nói với Kiều trong lần đầu gặp nhau. Sau khi để lại tích ôm cây đợi thỏ, Hoàng Xuân Hãn đã giảng hàm ý của câu đó như sau: “Tôi là thằng ngốc đợi cô” (Bđd, tr.14). Một thư sinh “văn chương nết đất, thông minh tính trời” và “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” có lẽ nào lại thốt ra được một lời ngây ngô đến thế? Nếu quả anh ta muốn nói như thế thật thì chắc là nàng Kiều “thông minh vốn sẵn tính trời” kia đã cho anh ta “à la de” từ lâu. Chiêm Vân thị đã giảng hợp lý hơn: “Còn chí nhất quyết của chàng thì, như người nước Tống cứ bo bo giữ cây để đợi thỏ , không hề lui, không hề hối” (thuý – Kiều truyện thường chú, q. thượng, tái bản lần thứ nhất, Sài Gòn, 1973, tr.136, chth.8). Nghĩa là trong cái việc ôm cây đợi thỏ, Kim Trọng chỉ nhấn mạnh đến cái ý kiên trì, bền bỉ chứ không phải cái ý mà Hoàng Xuân Hãn đã nêu./. |
Cập nhật ( 19/07/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com