MỘT SỐ VẤN ĐỀ Về cách thức phát triển Bạc Liêu theo hướng phải chú trọng và đề cao văn hoá, đạo đức, gọi tắt là “Bạc Liêu đi lên từ văn hoá” 1- Lý do để đề ra cách thức phát triển “Bạc Liêu đi lên từ văn hoá” Bạc Liêu xưa là một xứ sở sớm phát triển; từ năm 1928, chính quyền thực dân Pháp đã xem Bạc Liêu là 1 trong 4 thành phố của miền Tây Nam Bộ (Cần Thơ, Mỹ Tho, Rạch Giá, Bạc Liêu). Nhưng vì nhiều lí do, trong đó có lí do chiến tranh, địa giới hành chính tỉnh bị thay đổi nhiều lần, cho nên hiện nay, Bạc Liêu là một địa phương nghèo; tiềm năng kinh tế của Bạc Liêu không hơn các địa phương khác, điều kiện mọi mặt vẫn thua kém các tỉnh bạn. Có thể thấy rõ điều đó qua một vài số liệu so sánh: Bạc Liêu có 56 km bờ biển, trong khi Sóc Trăng có 73 km và Cà Mau có trên 200 km; Bạc Liêu mỗi năm sản xuất được gần 01 triệu tấn lương thực, trong khi An Giang, Kiên Giang từ 5 – 6 triệu tấn, Sóc Trăng 02 triệu tấn. Tổng GDP 2010 là 8.773 tỷ, trong khi đó Cà Mau 14.650 tỷ, Kiên Giang 18.790 tỷ, Cần Thơ 17.292 tỷ, Tiền Giang 13.699 tỷ, Long An 12.773 tỷ. Thu Ngân sách năm 2013 của Bạc Liêu là 1.300 tỷ, trong khi Cà Mau 4.700 tỷ, Sóc Trăng 2.669,5 tỷ, An Giang 3.586,6 tỷ, Kiên Giang 3.335 tỷ, Cần Thơ 10.396,4 tỷ. Nói về tiềm năng kinh tế nổi bật của Bạc Liêu, ngoài nuôi trồng thuỷ sản thì không còn gì khác, tuy nhiên xét về khía cạnh diện tích nuôi trồng thủy sản thì Bạc Liêu vẫn không bằng Cà Mau. Đó là chưa nói cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh còn thấp kém, xa các trung tâm kinh tế lớn, không nằm trong các trọng điểm kinh tế của phía Nam, không có lợi thế trong thu hút đầu tư. Tuy tiềm năng kinh tế nhỏ bé như vậy, nhưng để Bạc Liêu phát triển đi lên, không có cách nào khác hơn là đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng kinh tế này. Nhưng muốn phát triển kinh tế phải hội đủ các điều kiện cần và đủ (có tiềm năng và có cả vốn liếng, nguồn nhân lực, gọi chung là nguồn lực). Trong khi tỉnh còn nghèo, vốn liếng không có, xa trung ương, xa các trung tâm kinh tế của quốc gia, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, điều kiện thu hút đầu tư rất khó khăn, mời gọi được một nhà đầu tư đến với địa phương không phải dễ. Do đó, làm thế nào để kinh tế Bạc Liêu phát triển, đó là một bài toán hóc búa. Để có nguồn lực phát triển tỉnh nhà, Đại hội 14 của Đảng bộ tỉnh đã đề ra chủ trương cần phát huy tối đa nội lực, thu hút tối đa ngoại lực. Để phát huy được nội lực, phải khơi dậy được lòng yêu quê hương, khát vọng phát triển của cán bộ và nhân dân, khơi dậy được quyết tâm vươn lên không chịu đói nghèo của nhân dân, nâng cao trách nhiệm cống hiến của đội ngũ cán bộ và người dân đối với tỉnh nhà. Để làm được điều này phải giáo dục đạo đức, xây dựng con người Bạc Liêu có được những đức tính, phẩm chất cần thiết, có tri thức, hiểu biết cần thiết, có nghị lực và quyết tâm cần thiết. Những điều ấy được gọi chung là văn hóa, đạo đức; và làm cho văn hóa thấm sâu vào từng người, từng gia đình, khi ấy nó không chỉ là nền tảng tinh thần xã hội, mà sẽ trở thành sức mạnh nội sinh để phát triển tỉnh nhà. Để thu hút được ngoại lực (mà ngoại lực đối với một tỉnh nghèo như Bạc Liêu có vai trò rất quyết định), phải trước hết thu hút được tình cảm, sự ủng hộ của Trung ương, của các tỉnh thành, của các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người Bạc Liêu ở ngoài tỉnh. Nếu Bạc Liêu được tình cảm của Trung ương, của các địa phương, doanh nghiệp thì đồng nghĩa với việc sẽ có được nguồn lực (vốn, trí tuệ, nhân lực, vật lực). Để làm được điều đó, Bạc Liêu phải nỗ lực nhiều việc, trong đó phải biết trân trọng Trung ương, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, nghĩa tình, trách nhiệm, hiếu khách với các địa phương, biết cầu thị, ân cần với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Những nghĩa cử đó có thể gọi là ứng xử văn hóa, đề cao đạo đức, trân trọng mọi người. Mặt khác, trong khi tiềm năng kinh tế khiêm tốn, điều kiện để phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, thì Bạc Liêu “Trời cho” là cái nôi lớn của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; xứ sở của bản Dạ Cổ Hoài Lang bất hủ; quê hương của bản Vọng cổ… Bạc Liêu cũng là quê hương của những tên tuổi văn nghệ sĩ lớn: Nhạc Khị, người hệ thống lại 20 bài bản tổ thuộc 3 Nam, 6 Bắc, tứ Oán, 7 bài, được suy tôn là Hậu tổ cổ nhạc; Trịnh Thiên Tư, Năm Nghĩa, Mộng Vân, Trần Tấn Hưng, Lý Khi – những người phát triển bản Dạ Cổ Hoài Lang thành bản Vọng cổ – “bài ca vua” của sân khấu cải lương Nam Bộ. Tuy kịch tác giả của Bạc Liêu không nhiều, nhưng Trọng Nguyễn, Yên Lang là những soạn giả cải lương nổi tiếng của Việt Nam được nhiều người biết đến. Bạc Liêu là miền đất của văn nghệ, của văn hoá truyền thống, đồng thời, người Bạc Liêu lại luôn mở rộng vòng tay đón nhận và sáng tạo nên những sản phẩm văn hoá có giá trị bằng những loại hình nghệ thuật đương đại. Tiềm năng sáng tạo văn học nghệ thuật của tỉnh nhà hiện nay tương đối lớn, cả trong nhiếp ảnh, hội hoạ, sân khấu, múa, âm nhạc… Điều quan trọng hơn, Bạc Liêu là vùng đất của những con người phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa tình, nhân hậu, khoan dung; là nơi có lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng và hết sức nhân văn; hai lần giành chính quyền từ tay giặc mà không đổ máu; là vùng đất mà văn hoá tâm linh được hết sức chú trọng. Bạc Liêu còn có giai thoại và sự thật về Công tử Bạc Liêu… Đó là tiềm năng văn hoá quí giá của Bạc Liêu. Với tiềm năng và lợi thế này, chúng ta phải biết khai thác nó để tạo ra nguồn lực phát triển quê hương. Thực tế cho thấy, một địa phương muốn phát triển đi lên, phải khai thác tổng hợp tất cả các tiềm năng, lợi thế của mình. Từ thực tiễn của chính mình, để kinh tế – xã hội tỉnh nhà có điều kiện phát triển nhanh, nhưng bền vững, chúng ta phải có phương cách phù hợp, đó chính là việc chọn vănhoá làm khâu đột phá, mà văn hoá ở đây bao gồm cả đạo đức, nhân tâm và văn hóa, nghệ thuật. 2- “Bạc Liêu đi lên từ văn hoá” là gì? “Bạc Liêu đi lên từ văn hoá” là cách nói tắt về cách thức để Bạc Liêu phát triển bền vững, muốn nhấn mạnh yếu tố “văn hoá” trong lãnh đạo, điều hành và trong tất cả mọi hoạt động của đời sống xã hội, nói đến cách để kinh tế – xã hội Bạc Liêu phát triển. Một nền kinh tế Bạc Liêu mạnh, một Bạc Liêu giàu có, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, đó chính là mục tiêu phấn đấu của tỉnh. Nói Bạc Liêu đi lên từ văn hoá có nghĩa là Bạc Liêu phải biết lấy văn hoá làm chất xúc tác để tăng trưởng kinh tế và tất cả các lĩnh vực. Mặt khác, một khi kinh tế có hàm lượng văn hoá cao thì đó mới là nền kinh tế phát triển bền vững. Và như vậy, “văn hoá” ở đây phải được hiểu cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng. 3- Những việc cần làm để Bạc Liêu “đi lên từ văn hoá” Theo qui luật của xã hội, khi đời sống vật chất khá lên, người ta sẽ ngày càng có nhu cầu muốn đi thăm thú, du lịch, tìm hiểu văn hoá các vùng miền. Nơi nào đặc biệt, có những nét riêng đặc sắc, có sự hấp dẫn mời gọi, con người thân thiện, cởi mở, hiếu khách, nhân hậu.v.v… sẽ là nơi người ta tìm đến. Tận dụng lợi thế có được, Bạc Liêu phải phát huy thế mạnh “văn hoá” của mình để làm một trong những yếu tố chủ đạo để phát triển, đó là dùng “văn hóa” để thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, dùng “văn hóa” để tạo ra sự an dân, dùng “văn hóa” để tạo ra và hun đúc lòng yêu nước, yêu quê hương, tạo ra khát vọng phát triển, dùng “văn hóa” để phát triển kinh tế; quá trình ấy cũng là quá trình xây dựng, phát triển văn hóa của tỉnh, quá trình xây dựng con người Bạc Liêu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9. Theo hướng đó, chúng ta phải triển khai thực hiện rất nhiều việc xung quanh vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, đạo đức, đề cao nhân tâm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9, trong đó phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và phát huy văn hoá đạo đức, nhân tâm, đối xử, ứng xử có văn hoá giữa người với người và với khách; đề cao và phát huy tính cách phóng khoáng, hào hiệp, trọng nghĩa, trọng tình, nhân hậu, khoan dung của người Bạc Liêu xưa; biến sự hào hiệp, phóng khoáng của người xưa thành sự hào sảng, lịch thiệp, hiếu khách hôm nay; xây dựng văn hoá trong chính trị, văn hoá trong kinh tế, văn hoá trong văn hoá và trong mọi hoạt động đời sống xã hội của tỉnh. Đặc biệt phải quan tâm giáo dục và vun bồi lòng yêu nước, yêu quê hương, lòng thương người, sự thuỷ chung và đạo đức biết đền ơn, đáp nghĩa, cũng như trách nhiệm xã hội cho cán bộ và người dân Bạc Liêu; quan tâm xây dựng phong cách người Bạc Liêu hiếu khách, văn minh, lịch thiệp. Nâng cao văn hoá giao tiếp, văn hoá ứng xử của cán bộ, của người dân; nâng cao văn hoá công sở, văn hoá du lịch và văn minh thương mại, văn hoá đối ngoại; tạo dựng và phát huy sự thân thiện, chân tình giữa cán bộ, người dân với nhau và với khách du lịch, với bạn bè trong nước và ngoài nước; xây dựng đạo đức ứng xử giữa tỉnh với Trung ương, với các tỉnh thành, với các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp và nhà đầu tư.v.v… Khơi dậy và phát huy những yếu tố ấy chắc chắn sẽ tạo nên động lực và sức mạnh nội sinh của tỉnh, để đưa Bạc Liêu phát triển; tạo nên sức hấp dẫn “rất Bạc Liêu” để thu hút nguồn lực, mời mọc du khách, nhà đầu tư đến với Bạc Liêu, để đưa Bạc Liêu phát triển. “Đi lên từ văn hoá” còn phải được hiểu thêm ở một góc độ rất quan trọng nữa, đó là phải quan tâm đến giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ, nhằm nâng cao tri thức về mọi mặt cho cán bộ, nhân dân, cho doanh nghiệp và nhất là cho thế hệ trẻ, để người Bạc Liêu hôm nay và tương lai đủ tri thức, văn hóa, đạo đức để đưa tỉnh nhà phát triển. Mặt khác, Bạc Liêu cần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá cả vật thể và phi vật thể. Cụ thể là phát triển thật mạnh trong nhân dân và làm tăng thêm sức hấp dẫn và tính chuyên nghiệp của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ mà Bạc Liêu là cái nôi lớn của bộ môn nghệ thuật đặc sắc này. Việc tổ chức thành công Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất – Bạc Liêu 2014, để lại dấu ấn đậm nét và tốt đẹp về Bạc Liêu với du khách và với mọi người là một thuận lợi rất lớn cho Bạc Liêu phát triển. Là quê hương của bản Dạ cổ hoài lang và bản Vọng cổ, cần nuôi dưỡng và làm cho nghệ thuật cải lương phát triển mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn, hiện đại và linh hoạt hơn nơi vùng đất đã sản sinh ra bài ca vua của bộ môn nghệ thuật này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển các loại hình vănhoá, nghệ thuật, thể thao đang là thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, phải xây dựng các thiết chế văn hoá, công trình văn hoá nghệ thuật, thể thao không chỉ để phục vụ nhu cầu cho người dân Bạc Liêu, mà còn phải nhắm tới mục tiêu tổ chức và đăng cai các sự kiện kinh tế, văn hoá, nghệ thuật, du lịch, các giải thể thao lớn, các hội nghị của khu vực, của quốc gia và quốc tế. Xây dựng các công trình có kiến trúc đẹp, làm điểm nhấn; kiến trúc nhà cửa phải mang dáng nét đặc trưng, độc đáo; xây dựng nhiều sản phẩm du lịch cấp vùng; bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng, kiến trúc cổ; quy hoạch đô thị hợp lí, đường phố có nét riêng; xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, nhất là Thành phố Bạc Liêu, các khu du lịch và trung tâm các huyện lỵ; xây dựng các cơ sở du lịch tâm linh mang tầm quốc gia. Từ định hướng trên, từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực sẽ cụ thể hoá thành những việc làm cụ thể để đưa “yếu tố văn hoá” thấm sâu vào tư tưởng, việc làm của từng người, từng cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn, đối xử có văn hóa đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư phải làm thật tốt 9 chỉ số thành phần của việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); đối xử văn hóa với người dân, nhất thiết phải thực hiện tốt chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, hoặc giải quyết yêu cầu, khiếu nại theo hướng đặt mình vào hoàn cảnh của người dân, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh cơ nhỡ, bất hạnh; đối xử có văn hóa với truyền thống, với lịch sử, mỗi cán bộ và người dân phải thực sự quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống, chăm lo gia đình có công với nước, chăm lo hương khói cho các anh hùng, liệt sĩ; đối xử có văn hóa với thiên nhiên, với môi trường, mỗi cán bộ và người dân phải có ý thức cao trong việc trồng và chăm sóc cây xanh, hoa kiểng, không xả rác bừa bãi, không gây ô nhiễm môi trường sống; để phát huy nội lực, xây dựng tỉnh nhà, phải giáo dục và khơi dậy lòng yêu nước, yêu quê hương và trách nhiệm xã hội của từng người dân.v.v. Không đi theo hướng ấy, Bạc Liêu sẽ không thể phát triển nhanh và bền vững được. Quan tâm cả kinh tế và văn hoá, gắn kinh tế với văn hoá, có văn hoá, đạo đức, trọng nghĩa tình, và thực sự cầu thị sẽ là chìa khoá để đi đến thành công. Đây chính là cách đi lên khả thi nhất trong điều kiện cụ thể hiện nay ở Bạc Liêu. 4- Xem văn hoá như một động lực, một sức mạnh để phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà, và xem văn hoá là mục tiêu để Bạc Liêu hướng đến – đó chính là xây dựng con người Bạc Liêu có văn hoá, đạo đức, trí tuệ như tiêu chí đối với con người Việt Nam, nhưng có nét riêng của Bạc Liêu Thực tế cho thấy, thời gian qua, chính sự cầu thị, đối xử tốt với các doanh nghiệp thông qua thực hiện các nội dung cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), với quan điểm “xem doanh nghiệp là ân nhân”, “việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó dành cho cơ quan nhà nước”, thì Bạc Liêu mới có được các dự án kinh tế lớn như nhà máy điện gió, nhà máy Bia Sài Gòn – Bạc Liêu, cũng như việc tăng công suất từ 30 triệu lít đến 50 triệu lít/ năm đối với nhà máy này, khu du lịch Nhà Mát, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Khu du lịch cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Nhà máy chế biến gạo 200 ngàn tấn/năm ở Ninh Quới; mới có được doanh nghiệp Hải Nguyên nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, Tập đoàn Việt Úc với số lượng cung ứng tôm giống chiếm 22% cả nước, đồng thời cũng là đơn vị duy nhất tại thời điểm này ở Việt Nam được phép sản xuất tôm giống bố mẹ; có được các dự án của Tập đoàn dầu khí; cũng như sắp khởi công một số dự án quan trọng về thương mại, dệt may, xử lí môi trường, giáo dục quốc tế… Nếu chỉ xem việc các doanh nghiệp đến tỉnh Bạc Liêu đầu tư là điều bình thường, thì chưa hiểu rõ hoàn cảnh của Bạc Liêu lúc bấy giờ, chưa thấy hết khó khăn của Bạc Liêu so với các nơi. Các doanh nghiệp đến đầu tư, đương nhiên là vì lợi nhuận, nhưng lợi nhuận không chỉ ở Bạc Liêu mới có, trong khi Bạc Liêu xa xôi, đầu tư phải tốn kém nhiều chi phí, công sức… Nếu Bạc Liêu không thực sự cầu thị, trải lòng, không làm cho các doanh nghiệp tin tưởng và yên tâm bỏ vốn vào xứ sở xa xôi này, chắc chắn họ không đến; trên thực tế không ít địa phương có tiềm năng, nhưng việc đối sách với doanh nghiệp không tốt, doanh nghiệp cũng phải ra đi. Sự cầu thị và đối xử tốt đó chính là văn hoá, đạo đức ứng xử. Nếu không có sự đối xử, trọng nghĩa, trọng tình đối với các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà hảo tâm; nếu không thật sự có tấm lòng với người nghèo, gia đình chính sách, thì Bạc Liêu sẽ không có được hơn 500 tỉ đồng(trong 3 năm 2011, 2012 và 2013) để chăm lo gia đình chính sách, tu bổ nghĩa trang, xây dựng đền đài để tri ân những người có công với nước, chăm lo cho người nghèo. Chính từ việc chú trọng đạo đức, nhân tâm, thương người nghèo mà tỉnh đã có được phong trào xây dựng nhà tình thương cho người nghèo khá lớn rộng giai đoạn trước 2010, cũng như phong trào “đảng viên đỡ đầu hộ nghèo, doanh nghiệp giúp hộ nghèo” ngày càng lớn rộng hiện nay, với những việc làm thiết thực để mỗi năm giảm trên 3% hộ nghèo toàn tỉnh (tương đương trên 5.000 hộ). Chính việc biết trân trọng cấp trên, chia sẻ và đoàn kết, khiêm tốn với các tỉnh thành nên Bạc Liêu mới tạo được sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương và của các địa phương trong cả nước. Sự trân trọng, chia sẻ, đoàn kết đó chính là văn hoá đạo đức, văn hoá ứng xử. Bằng trách nhiệm và lòng thương dân, Bạc Liêu đã có chủ trương mỗi ngày, các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố phải tiếp ít nhất 1 người dân, còn việc tiếp dân theo qui định ngày 15 hằng tháng là đương nhiên. Việc làm này cũng là văn hoá đạo đức, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Nếu không có khát vọng đưa Bạc Liêu phát triển, biết trọng dụng hiền tài, đề cao nhân tâm, Bạc Liêu sẽ không có được những doanh nhân tài năng từ các nơi đến đầu tư, để hôm nay có được những dự án kinh tế lớn, nhân dân hãnh diện; sẽ không có được những kỹ sư, kiến trúc sư, thợ lành nghề có trình độ chuyên môn cao đem hết tâm huyết, trí tuệ giúp Bạc Liêu có được những công trình với kiến trúc đẹp, là điểm nhấn của Đồng bằng sông Cửu Long và là niềm tự hào của người Bạc Liêu hiện nay. Đó cũng là đạo đức, văn hoá đối xử. Điều đó cho thấy một phương cách sống: xử sự có văn hoá sẽ được đối xử có văn hoá. Chính việc quan tâm xây dựng một quy hoạch đô thị hợp lý, xây dựng không gian và môi trường xanh – sạch – đẹp – văn minh ở Thành phố Bạc Liêu, quyết tâm để có được những công trình văn hoá, nghệ thuật, sản phẩm du lịch của vùng, bảo tồn và phát huy tốt nghệ thuật đờn ca tài tử, tổ chức tốt Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất vừa qua, nên Bạc Liêu mới được đứng vào tốp 5 các trọng điểm du lịch của vùng, cũng như có lượng khách du lịch đến đông và doanh thu du lịch tăng cao qua từng năm. Đó cũng chính là văn hoá. Tháng 9/2012, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã quyết định kết nạp Bạc Liêu vào nhóm các tỉnh có sản phẩm du lịch vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, trong chuỗi bốn địa phương Cần Thơ (du lịch miệt vườn sông nước, du lịch MICE), An Giang (du lịch tâm linh), Kiên Giang (du lịch sinh thái biển, đảo) và Cà Mau (du lịch sinh thái rừng ngập), đồng bằng sông Cửu Long đã có điểm đến thứ năm là Bạc Liêu – “điểm hẹn văn hoá”, nhưng Bạc Liêu chúng ta phải nỗ lực thêm để làm được một trong những trọng điểm du lịch MICE. Nhờ quan tâm đến “văn hoá”, du lịch Bạc Liêu đã có những tiến bộ khá nhanh, hiện tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có 21 sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng, trong đó Bạc Liêu đã có 6 sản phẩm, chiếm 35% và là tỉnh có số sản phẩm du lịch tiêu biểu nhiều nhất của vùng. Trân trọng cấp trên; hiếu khách, lịch thiệp với bên ngoài, khoan dung, nghĩa tình với bên trong; cầu thị với đối tác, doanh nghiệp theo hướng Việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó dành cho cơ quan Nhà nước, xem doanh nghiệp là ân nhân của người dân; luôn biết ơn đối tác, tổ chức, cá nhân đã giúp Bạc Liêu; hài hoà, trách nhiệm với các tỉnh, không chơi trội, không tranh giành với các tỉnh với quan điểm “nguyện là người em út dễ thương của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”; thuỷ chung, biết đền ơn, đáp nghĩa, xem các anh hùng, liệt sĩ và các gia đình có công với nước là người ơn.v.v. là những quan điểm, tình cảm, hành động, việc làm của cán bộ và nhân dân Bạc Liêu xuất phát từ cách thức “Bạc Liêu đi lên từ văn hoá” suốt thời gian qua. Từ khi quan tâm đến cách thức này, Bạc Liêu huy động được sức mạnh, nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực; trong mọi hoạt động lãnh đạo, điều hành và sinh hoạt xã hội đều rất quan tâm đến yếu tố văn hóa, đạo đức, nhân tâm, chính vì vậy mà tỉnh có bước phát triển vượt bật, một sự phát triển có yếu tố bền vững. Cách khai thác tiềm năng văn hoá để phát triển đã được nhiều nơi, nhiều quốc gia, nhiều tỉnh, thành áp dụng có hiệu quả, điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, Huế, Ninh Bình, Hội An của Quảng Nam.v.v. Bạc Liêu không chỉ học tập các địa phương bạn, mà còn kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố văn hoá theo nghĩa hẹp (văn hoá, văn học, nghệ thuật, thể thao, du lịch…) cùng với văn hoá nghĩa rộng (đạo đức, nhân tâm, trọng nghĩa tình, ứng xử…), làm một trong những yếu tố chủ đạo để phát triển địa phương và cũng đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) về văn hoá và phát biểu tổng kết Hội nghị Trung ương 9 của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như không trái với ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi về làm việc với tỉnh Bạc Liêu ngày 26/4/2014. Về tên gọi tắt “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” có phù hợp và hàm chứa hết nội dung diễn tả nêu trên hay chưa, sẽ tiếp tục nghiên cứu để có tên gọi hay nhất. * Tóm lại: Cách thức phát triển theo hướng chú trọng và đề cao văn hóa, đạo đức chính là nói đến việc phát huy yếu tố văn hoá trong đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, vănhoá, xã hội, để văn hoá trở thành động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất để Bạc Liêu phát triển trong giai đoạn vừa qua và sắp tới. Khi nêu cách thức phát triển này, một số cán bộ, người dân cho rằng Bạc Liêu chỉ tập trung lo cho văn hoá, đầu tư cho văn hoá, không quan tâm đến kinh tế. Như vậy là hiểu chưa đúng quan điểm của Thường trực Tỉnh uỷ và gần đây đã trở thành quan điểm của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh (tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 28, ngày 04/12/2014). Đã qua, hiện nay và sắp tới, Bạc Liêu vẫn tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị đúng với quan điểm của Đảng: “kinh tế là trung tâm”, “xây dựng Đảng là then chốt”, “văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực phát triển”, “quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu”. Với thành tựu đạt được khá ấn tượng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là thành tựu về kinh tế đủ để chứng minh cách thức phát triển của Bạc Liêu hiện nay là phù hợp. Những nội dung nêu trên cho thấy những tác động trực tiếp của văn hoá đối với kinh tế, nói cách khác là tận dụng tối đa tác dụng của văn hóa để phát triển kinh tế, không tuyệt đối hoá văn hoá mà gắn kinh tế với văn hoá một cách chặt chẽ và hài hoà, quan tâm phát triển văn hoá ngang bằng với kinh tế và chính trị để mục tiêu cuối cùng là phát triển quê hương Bạc Liêu một cách bền vững. Trong quá trình đề cao yếu tố “văn hoá” ấy, cũng chính là quá trình giáo dục, xây dựng con người Bạc Liêu hôm nay và trong tương lai theo tinh thần nghị quyết của Đảng về văn hóa. Bạc Liêu, ngày 26 tháng 12 năm 2014 BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH
|
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com