MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ ĐẶC ĐIỂM CỦA PHÉP TU TỪ NGHỊCH NGỮ TRONG TIẾNG HÁN I. GIỚI THUYẾT KHÁI NIỆM Trong lịch sử Tu từ học tiếng Việt, lần đầu tiên thuật ngữ nghịch ngữ được Phó Giáo sư Đinh Trọng Lạc dùng trong Giáo trình Phong cách học tiếng Việt để chỉ một phép tu từ và phân biệt nó với thuật ngữ phép tương phản [6, 267-268]. Tuy không nói rõ ra, nhưng cách hiểu của tác giả Đinh Trọng Lạc về phép nghịch ngữ trong quyển sách trên là theo nghĩa hẹp, tương ứng với thuật ngữ oxymoron (nghịch hợp) trong tu từ học tiếng Anh. Kế thừa những nghiên cứu mở đầu của tác giả Đinh Trọng Lạc và sau khi điểm qua cách hiểu của một số tác giả trong và ngoài nước về thuật ngữ nghịch ngữ, cũng như trên cơ sở phân tích khoảng 350 ngữ liệu nghịch ngữ, trong bài viết đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ số 8/2005 với nhan đề “Nghịch ngữ – phép tu từ của những mâu thuẫn thống nhất”, chúng tôi đã giới thiệu quan niệm của mình về phép nghịch ngữ như sau: “Nghịch ngữ là phép tu từ kết hợp các khái niệm hoặc mệnh đề mâu thuẫn nhau về lôgic hình thức, biểu đạt một nghịch lí của cuộc sống hoặc của nhận thức, nhằm gây ấn tượng, tạo sắc thái biểu cảm và khêu gợi những suy nghĩ có tính chất trí tuệ lí thú về vấn đề trình bày từ những phương diện khác với quan niệm thông thường.” Như vậy, theo quan niệm của chúng tôi, hai điều kiện có tính chất cần và đủ để tạo nên một phép nghịch ngữ là: sự kết hợp của những từ ngữ (khái niệm) hoặc tư tưởng (mệnh đề) mâu thuẫn, đối nghịch nhau; và sự kết hợp đó tạo nên một nghịch lí (tức là tạo nên một quan niệm, một nhận định trái với lẽ thường nhưng được chấp nhận). Nghịch ngữ theo quan niệm của chúng tôi là một khái niệm hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm hai dạng là nghịch hợp (oxymoron; cấu trúc là một cụm từ gồm một cặp từ ngữ mâu thuẫn, đối nghịch) và nghịch cú (paradox; cấu trúc là một mệnh đề đơn hoặc phức, gồm hai vế mâu thuẫn, đối nghịch lẫn nhau). Sách “現代漢語修辭學” (Tu từ học tiếng Hán hiện đại) của 黎運漢 – 張維警 (Lê Vận Hán – Trương Duy Cảnh) giới thiệu về phép mâu thuẫn như sau: “在修辭活動中, 有一種前後矛盾的說法” … “表面看起來似乎不合事理, 但仔細一想, 卻覺得生動有趣, 含意深遠, 餘味不盡о 像這類有意違反常理, 用互相對立的語句構成相反相成說法的修辭方式о 可叫作矛盾о” [24, 171] Dịch: “Trong hoạt động tu từ, có một loại cách nói trước sau mâu thuẫn” và những ngữ đoạn (語句) chứa cách nói đó “bề ngoài thấy giống như không hợp lí lẽ, nhưng suy nghĩ kĩ một chút thì lại cảm thấy sinh động, thú vị, hàm ý sâu xa, dư vị bất tận. Các ngữ đoạn có ý trái với lẽ thường và dùng đối lập với nhau như loại này tạo thành phương thức tu từ mang cách nói vừa tương phản vừa tương thành. Có thể gọi đó là phép mâu thuẫn.” Hai tác giả Lê Vận Hán và Trương Duy Cảnh (trong quyển sách trên) chia phép mâu thuẫn ra làm hai loại: (1)詞語的矛盾配搭 (Cụm từ mâu thuẫn) Ví dụ: 美麗的錯誤 (Sự lầm lẫn đáng yêu); 甜蜜的傷心 (Nỗi đau khổ ngọt ngào). (2)句子的矛盾構成 (Câu mâu thuẫn) Ví dụ: 他的心情好像沉重, 又好像輕鬆, 好像難過, 又好像掁奮о 發生的這一 塲鬥爭好像出乎他的意料之外, 又好像都在他的意料之中. Tâm tình của nó dường như rất nặng nề, lại dường như rất nhẹ nhàng; dường như rất khó chịu, lại dường như rất phấn khởi. Cuộc đấu tranh (nội tâm) này xảy ra dường như nằm ngoài dự kiến của nó, nhưng cũng dường như nằm trong dự kiến của nó. [24, 171] Sách “汉语修辞格鉴赏辞典” (Từ điển thưởng thức các phép tu từ tiếng Hán) do 黄建霖 (Hoàng Kiến Lâm) chủ biên cũng có cách quan niệm tương tự như 黎運漢 – 張維警 (Lê Vận Hán – Trương Duy Cảnh) về phép mâu thuẫn. Xem [21, 170]. Qua hai tài liệu vừa nêu, chúng tôi thấy phép mâu thuẫn mà các tác giả Trung Quốc đưa ra giống với phép nghịch ngữ mà chúng tôi đang nghiên cứu. Đó là dấu hiệu “lời nói tự mâu thuẫn 自相矛盾的话” và “cách nói tương phản tương thành 相反相成說法”, tức là đặc trưng nghịch lí; và hai dạng cấu trúc thể hiện: cấu trúc cụm từ mâu thuẫn 詞語的矛盾配搭 – oxymoron (nghịch hợp) và cấu trúc câu mâu thuẫn 句子的矛盾構成 – paradox (nghịch cú). Ở phần tiếp sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu một số nhận xét của mình về đặc điểm của của phép tu từ nghịch ngữ trong tiếng Hán với cách hiểu thuật ngữ phép nghịch ngữ đồng nhất với thuật ngữ phép 矛盾 (mâu thuẫn) trong quan niệm của các nhà tu từ học tiếng Hán, đặc biệt là trong quan niệm của hai tác giả 黎運漢 – 張維警 (Lê Vận Hán – Trương Duy Cảnh) trong sách “現代漢語修辭學” (Tu từ học tiếng Hán hiện đại). Các kết luận đã được rút ra từ sự phân tích gần 200 ngữ liệu nghịch ngữ lấy từ các tác phẩm văn học, triết học hoặc dẫn lại từ các tài liệu tu từ học tiếng Hán. 1. Đặc điểm hình thành và phát triển 1.1. Người Trung Quốc biết sử dụng phép nghịch ngữ từ rất sớm. Theo tư liệu chúng tôi thu thập được, văn bản tiếng Hán có niên đại sử dụng nghịch ngữ sớm nhất là Luận ngữ (khoảng 551-479 tr. CN) và Nam hoa kinh (thời Xuân Thu 770-476 tr. CN). Như vậy phép nghịch ngữ đã được sử dụng trong tiếng Hán cách đây ít nhất 2.500 năm. Mốc thời điểm này tương đương với thời điểm lịch sử mà nhà triết học cổ Hi Lạp Heraclite (khoảng 540-480 tr.CN) phát biểu câu nghịch ngữ: “Người ta không tắm hai lần trong cùng một dòng sông”, hoặc Socrate (470-399 tr. CN) – một nhà triết học thời cổ Hi Lạp khác – nói câu nói nổi tiếng trong lịch sử tư tưởng phương Tây và cũng là một nghịch ngữ: “Tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả” (As for me, all I know is that I know nothing). Niên đại này cũng trùng với thời điểm lịch sử của những nghịch ngữ mà Thích Ca Mâu Ni (khoảng 566-486 tr. CN) dùng trong các lần thuyết pháp ở Ấn Độ và đã được ghi lại trong những bộ kinh. Nói chung, có thể khẳng định là người Trung Quốc là một trong những dân tộc biết sử dụng nghịch ngữ sớm nhất trong lịch sử loài người. 1.2. Lịch sử sử dụng phép nghịch ngữ trong tiếng Hán đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài và đạt tới đỉnh cao Lịch sử sử dụng phép nghịch ngữ trong tiếng Hán trải qua nhiều giai đoạn từ thời cổ cho đến thời hiện đại. Qua bước đầu khảo sát tư liệu, chúng tôi thấy đỉnh cao của việc sử dụng nghịch ngữ không phải nằm ở các giai đoạn phát triển về sau, mà xuất hiện ngay ở hai thời kì đầu: thời kì Xuân Thu – Chiến Quốc và thời kì văn hóa Thiền Tông (khoảng thế kỉ IX-XI). Sau đây là một vài nét về lịch sử sử dụng phép nghịch ngữ trong hai thời kì đó. 1.2.1. Thời kì Xuân Thu – Chiến Quốc Thời Xuân Thu – Chiến Quốc là thời đại hoàng kim của triết học Trung Quốc, và cũng là thời kì hoàng kim của phép nghịch ngữ trong tiếng Hán: nghịch ngữ được rất nhiều tác giả sử dụng; số lượng rất phong phú, đa dạng; có nhiều nghịch ngữ với hình thức cấu tạo và nội dung biểu đạt độc đáo, đặc sắc nhât. Điều này cũng dễ dàng lí giải vì nghịch ngữ bao giờ cũng gắn liền với vấn đề tự do tư tưởng, với sự đa chiều, đa bình diện về điểm nhìn, sự quy chiếu. Mà thời kì Xuân Thu – Chiến Quốc, thời của Bách gia chư tử (百家諸子), của “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, lại hội đủ hai điều kiện cơ bản này. Đại điện tiêu biểu nhất cho việc sử dụng nghịch ngữ trong thời kì Xuân Thu – Chiến Quốc, và cũng cho toàn bộ lịch sử sử dụng nghịch ngữ trong tiếng Hán, là Lão Tử với tác phẩm Đạo đức kinh. Trong tác phẩm này (với độ dài hơn 5.000 chữ), hơn 60 nghịch ngữ đã được sử dụng với rất nhiều hình thức và nội dung độc đáo, nhiều câu trở thành kinh điển của triết học Lão giáo. Ví dụ: 無為而無不為, 取天下常以無事о (“道德經”, 第二十八章) Không làm mà không gì không làm, Thường dùng “Vô vi” thì được thiên hạ. Đại diện thứ hai cho việc sử dụng nghịch ngữ trong thời kì Xuân Thu – Chiến Quốc là Trang Tử (khoảng 369-286 tr. CN) với tác phẩm Nam hoa kinh. Trong Nam hoa kinh gần 10 nghịch ngữ đã được sử dụng với hai nội dung chủ yếu là bàn về tính chủ quan, tương đối trong nhận thức của con người, và vấn đề bản thể của Đạo. Nghịch ngữ sau đây là một trong những câu nói hay nhất, thâm thuý của Trang Tử và cũng là triết học cổ đại Trung Quốc: 言者所以在意, Có lời là vì ý, 得意而忘言о Được ý hãy quên lời. 吾安得夫忘言之人而與之言哉о Ta sao tìm được người biết quên lời để cùng nhau trò chuyện? (“南花經”: 忘言) Hàn Phi Tử (380-233 tr. CN) trong sách Hàn Phi Tử cũng nhiều lần dùng nghịch ngữ, trong đó ngoài những câu có cấu trúc giống như cách nói của Lão Tử, Trang Tử, thì một số nghịch ngữ khác có cách cấu trúc hoàn toàn mới, riêng biệt mang dấu ấn về thuật du thuyết (xem ví dụ ở mục 2.2.3 và mục 4.4). Khổng Tử trong sách Luận ngữ cũng bốn lần dùng nghịch ngữ, trong đó có một câu rất nổi tiếng nói về vấn đề nhận thức luận, và đã trở thành cách ngôn của người Trung Quốc: 知之爲知, 不知爲不知, 是知也о Biết điều gì thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết, ấy là biết vậy. (“論語”: 為政) Nhìn chung lại, những tác giả lớn về tư tưởng và triết học của thời Xuân Thu – Chiến Quốc đều có dùng nghịch ngữ và những câu nghịch ngữ hay nhất, đặc sắc nhất trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc đều xuất hiện ở thời kì này. 1.2.2. Thời kì văn hóa Thiền Tông Thiền Tông là một tông phái Phật giáo Đại thừa của Trung Quốc (và một số nước trong vành đai văn hoá Hán học) được coi như chính thức bắt đầu xuất hiện trong thời kì của Lục tổ Huệ Năng (638-713). Thời kì hưng thịnh nhất của Thiền Tông là trong khoảng thế kỷ IX-XI. Thiền Tông tiếp thu nhiều yếu tố của văn hoá Trung Quốc và là tông phái Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống tinh thần của người Trung Quốc, để lại những dấu ấn đặc sắc trong văn hoá, văn học và nghệ thuật. Do những quan niệm đặc thù của mình về các vấn đề thuộc bản thể của Phật giáo (như Phật tính, Phật pháp, Vô, Niết bàn), về phương pháp tu hành, giác ngộ, về phương pháp truyền bá giáo lí mà Thiền Tông có một cách nói đặc trưng là hay dùng nghịch ngữ. Nghịch ngữ là một thứ “công năng đặc dị” mà các thiền sư hay dùng để khai ngộ cho các đệ tử, bắt họ phải vận dụng mọi tiềm năng tâm và trí của mình vượt qua cái cửa ải bí hiểm và trắc trở của nhị nguyên đối lập để trở thành người giác ngộ. Thực ra cách nói nghịch ngữ trong giới Phật giáo không phải bắt đầu từ khi có phái Thiền Tông mà nguồn gốc sâu xa có lẽ từ cách diễn đạt hay dùng nghịch ngữ của chính Phật tổ Thích Ca Mâu Ni và Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma. Ví dụ, trong Tứ thập nhị chương kinh có ghi câu nói của Phật Thích Ca dùng bốn nghịch ngữ với hình thức trùng điệp cấu trúc sau: 吾法唸無唸唸, 行無行行, 言無言言, 修無修修; 會者近爾,迷者远乎! Cái Pháp của ta là: niệm cái niệm không niệm, làm cái việc làm không làm, nói cái lời nói không nói, tu cái sự tu không tu. Ai hiểu thì gần nó; ai mê thì xa nó. Và trong Tuyệt quán luận, Bồ Đề Đạt Ma cũng viết những đoạn đối đáp dùng nghịch ngữ như: 問曰: 何心之知, 何目之見. 答曰: 無知之知, 無見之見о Hỏi: “Tâm nào thì hiểu được (đạo), mắt nào thì thấy được (đạo)?”. Đáp: “Hiểu bằng vô tri, thấy bằng vô kiến”. Tuy vậy có một điều phải thừa nhận là chỉ trong thời kì thịnh vượng của Thiền Tông, nghịch ngữ mới được giới Phật giáo sử dụng một cách rộng rãi, tạo thành một nét đặc biệt về phong cách diễn đạt của tông phái này. Hầu hết các nghịch ngữ của Thiền Tông được ghi lại trong tập Cổ tôn tú ngữ lục và Truyền đăng lục. 2. Đặc điểm cấu tạo Phép nghịch ngữ trong tiếng Hán rất phong phú về hình thức cấu tạo và có nhiều dạng cấu tạo rất độc đáo, đặc sắc. 2.1 Các hình thức cấu tạo thường gặp của nghịch ngữ trong tiếng Hán Gần như tất cả dạng cấu tạo nghịch ngữ có thể có ở cấu trúc cụm từ và cấu trúc mệnh đề chúng ta đều gặp trên tư liệu tiếng Hán. Sau đây là một số dạng nghịch ngữ tiêu biểu: 2.1.1. Cấu trúc cụm từ 2.1.1.1. Cụm danh từ + Có dùng trợ từ kết cấu: Trong tiếng Hán cổ dùng trợ từ 之. Ví dụ: 是謂無狀之狀 Ấy gọi là cái hình trạng không hình trạng, 無物之象о Cái hình trạng của cái không có vật. (老子, “道德經”, 第十四章) Trong tiếng Hán hiện đại dùng trợ từ 的. Ví dụ cụm từ “蜜甜的憂愁” (Nỗi đau buồn ngọt ngào) trong đoạn thơ sau: 最是那一低頭的溫柔, 像一朶水蓮花不勝凉風的嬌羞, 道一聲珍重, 道一聲珍重, 那一聲珍重裏有蜜甜的憂愁 …… 沙揚娜拉! (1) (徐志摩, “沙揚娜拉 … … 贈日本女郞”) Thật hiền hoà biết bao một cái cúi đầu, Như đoá hoa sen thẹn thùng trước làn gió mát, Nói một tiếng thật trân trọng, nói một tiếng thật là trân trọng, Trong tiếng trân trọng đó xiết bao nỗi đau buồn ngọt ngào … Tạm biệt! (Từ Chí Ma, “Sa yo + Không dùng trợ từ kết cấu Ví dụ: 無門關 (Cửa ải không có cửa) (Tên một tập công án Phật giáo, do Huệ Khai thiền sư biên soạn) 2.1.1.2. Cụm động từ Nghịch ngữ là cụm động từ trong tiếng Hán khá phong phú về số lượng và đa dạng về hình thức thể hiện. Một số dạng cấu trúc đáng chú ý: + Cấu trúc động từ – tân ngữ – Tân ngữ đứng sau. Ví dụ: 真元透徹, 方能佐灯王之法座, 拈兔角, 秉 龜毛о (“课虛錄”) Chừng nào thấu triệt chân nguyên, mới có thể hướng pháp toà của Phật mà cầm sừng thỏ, nắm lông rùa (tức là làm cái việc không thể làm, cũng có nghĩa là khai thị chân tính). – Tân ngữ đứng trước (chỉ gặp trong cổ văn) Ví dụ: 吾法唸無唸唸,行無行行,言無言言,修無修修;會者近爾,迷者远乎! (“四十二章經”) + Cấu trúc trạng ngữ – động từ Ví dụ: 勝人者有力о Thắng người là có sức. 自勝者强о Thắng mình là mạnh. (“道德經”, 第三十三章) + Cấu trúc trạng ngữ – động từ – tân ngữ Ví dụ: 問: “如何是佛法大意?”о 師曰: “虛空駕鐵船о 岳頂浪滔天” о (“傳燈錄”, 第十七卷) Tăng nhân hỏi: “Thế nào là đại ý của Phật pháp?”. Thiền sư Thần Đỉnh đáp: “Cưỡi thuyền sắt trên hư không, sóng vỗ dậy trời trên đỉnh núi”. + Cấu trúc dùng giới từ 於: Là dạng cấu trúc rất ít gặp. Ví dụ: 若夫藏天下於天下,而不得所遯о (莊子, “南花經”: 大宗師) Nếu giấu thiên hạ vào trong thiên hạ thì không có cách gì làm cho nó biến mất được. 2.1.1.3. Cụm hình dung từ Là một dạng cấu trúc ít gặp, có lẽ vì hàm nghĩa của hình dung từ đơn giản, khó tạo nên những nghịch lí. Thường gặp nhất là cấu trúc: hình dung từ + giới từ + bổ ngữ so sánh. Ví dụ: 天下莫大於秋豪之末, 而大山為小о 莫壽乎殇子而彭祖為夭о (莊子, “南花經”: 齊物論) Dưới trời không có gì lớn bằng đầu mút của cọng lông mùa thu, mà không có gì nhỏ bằng núi Thái; không có gì thọ bằng đứa bé chết yểu, mà không có gì yểu bằng ông Bành Tổ. 2.1.2. Cấu trúc mệnh đề 2.1.2.1. Mệnh đề đơn Là loại nghịch ngữ được sử dụng nhiều nhất (trong phạm vi tư liệu mà chúng tôi có được), xét theo hình thức cấu trúc. Ví dụ: 聖人不仁, Thánh nhân không có nhân, 以百姓為芻狗о Coi trăm họ như loài chó rơm. (“道德經”, 第五章) Dạng nghịch ngữ mệnh đề đơn kết cấu theo kiểu kết thúc bằng trợ từ 者 hoặc 也 cũng đôi khi gặp trong cổ văn. Ví dụ: 嗚呼 ! 灭六國者, 六國也, 非秦也о 族秦者, 秦也, 非天下也о (杜牧, “阿房宮賦”) Than ôi! Kẻ diệt lục quốc không phải là Tần mà là lục quốc. Kẻ diệt Tần chính là Tần, không phải là thiên hạ. 2.1.2.2. Mệnh đề phức Nghịch ngữ mệnh đề phức được sử dụng khá nhiều trong tiếng Hán và gồm cả hai dạng: mệnh đề phức chính phụ và mệnh đề phức đẳng lập. + Mệnh đề phức chính phụ: – Không dùng liên từ. Ví dụ: 教亦多術矣, 予不屑之教誨也者, 是亦教誨之而已矣о (“孟子”: 告子下) Dạy cũng có nhiều cách nhỉ, khi ta không thèm dạy cho ai, tức là cũng đã dạy cho người ta rồi vậy. – Có dùng liên từ. 夫唯不争 Chỉ vì không tranh, 故天下莫能與之争. Nên thiên hạ không ai tranh nổi với mình. (老子, “道德經”, 第二十二章) + Mệnh đề phức đẳng lập: Nghịch ngữ mệnh đề phức đẳng lập xuất hiện khá phổ biến trong tiếng Hán và đây là một điều khá đặc biệt so với nghịch ngữ trong tiếng Việt. Có hai loại thường gặp: – Mệnh đề phức đẳng lập phủ định Là loại nghịch ngữ đẳng lập mà mệnh đề này phủ định mệnh đề kia bằng phụ từ hoặc từ ngữ trái nghĩa. Ví dụ: 緣門問曰: 夫言聖人者, 当断何法, 当得何法, 而云聖也о 入理曰: 一法不断, 一法不得, 即為聖也о (菩提達摩, “絕觀論”) Duyên Môn hỏi: “Nói về bậc Thánh nhân, vì bỏ Pháp gì, vì được Pháp gì, mà gọi là Thánh?”. Nhập Lí đáp: “Một Pháp chẳng bỏ, một Pháp không được, nên gọi là Thánh vậy”. – Mệnh đề phức đẳng lập miêu tả Trong loại nghịch ngữ này, mệnh đề thứ hai dùng cách miêu tả để gián tiếp phủ định nhận định đưa ra trong mệnh đề thứ nhất. Vì vậy ý nghĩa của loại nghịch ngữ này thường dí dỏm, hài hước. Ví dụ: (Lời bài hát quân sĩ của Gia Cát Lượng trêu tức Chu Du) 周郎妙計安天下, 陪了夫人又折兵о Mất không quận chúa lại còn thiệt binh. (羅貫中, “三國誌演義”) Nghịch ngữ trong ví dụ này cũng đồng thời là một phép nói mỉa (反话 hoặc 反语, irony). 2.2. Một số dạng cấu tạo độc đáo và đặc sắc của nghịch ngữ trong tiếng Hán So với tiếng Việt, nghịch ngữ trong tiếng Hán có nhiều dạng cấu tạo rất đặc biệt như nghịch ngữ kép, nghịch ngữ chuỗi, nghịch ngữ vấn đáp. 2.2.1. Nghịch ngữ kép Là loại nghịch ngữ gồm hai nghịch ngữ thừa tiếp ý của nhau. Loại nghịch ngữ này rất ít gặp. Có thể coi nghịch ngữ kép là đỉnh cao của việc sử dụng nghịch ngữ xét về chiều sâu cấu trúc (đồng thời cũng là chiều sâu về tư tưởng và điểm nhìn quy chiếu). Sau đây là hai nghịch ngữ kép xuất hiện trong cùng một đoạn văn của Đạo đức kinh: 上德不德, Đức mà cao là không có đức, 是以有德; Bởi vậy mới có đức; 下德不失德, Đức mà thấp là không mất đức, 是以無德о Nên không có đức. (“道德經”, 第三十八章) 2.2.2. Nghịch ngữ chuỗi Là một cấu trúc gồm nhiều nghịch ngữ cùng kiểu nối tiếp nhau tạo ra một hình thức diễn đạt trùng điệp, nhấn mạnh. Đây cũng là một dạng cấu tạo đặc biệt mà chúng tôi ít thấy trong tư liệu tiếng Việt. Ví dụ: 若夫乘天地之正, 而御六氣之辯, 以遊無窮者, 彼且惡乎待哉о 固曰至人無己, 神人無功, 聖人無名о (“南花經”: 逍遥遊) Đến như thuận theo cái chính của trời đất, nương theo cái biến của lục khí mà rong chơi trong cõi vô cùng: thì đó đâu còn phải chờ đợi cái gì nữa. Cho nên nói rằng: bậc chí nhân không riêng mình, bậc thần nhân không công lao, bậc thánh nhân không danh tiếng. Câu nói của Phật Thích Ca (吾法唸無唸唸, 行無行行, 言無言言, 修無修修; 會者近爾,迷者远乎!) ở phần trên và ví dụ sau đây của Trình Thế Tước đều thuộc loại nghịch ngữ chuỗi và nói chung đây là một biểu hiện về trình độ phát triển cao trong sử dụng nghịch ngữ của người Trung Quốc: 近年时事颠倒,竟有全非以为是者,只撰数语以嘲之: “京官穷的如此之阔, 外官 贪的如此之廉, 鸦片断的如此之多, 私铸禁的如此之广, 武官败的如此之胜, 大 吏私的如此之公о” 舌锋犀利, 造语亦苛о (程世爵, “笑林广記”) Những năm gần đây thời sự điên đảo, người ta hay lấy sai làm đúng, ở đây chỉ soạn vài lời để chế giễu họ, như: “Ông quan kinh đô nghèo túng xa xỉ đến như thế, ông quan tham địa phương liêm khiết đến như thế, thuốc phiện cai hút đầy rẫy đến như thế, việc đúc tiền lậu đã bị cấm tràn lan đến như thế, ông võ quan bại trận thắng lợi đến như thế, viên thư lại tư túi công bằng đến như thế.” Miệng lưỡi bén nhạy, nói ra lời nói cay nghiệt. Một kiểu nghịch ngữ chuỗi khác đặc biệt hơn là kiểu nghịch ngữ chuỗi tạo thành một văn bản hoàn chỉnh, như bài thơ độc đáo sau đây (tất cả các câu thơ đều là nghịch ngữ): 焰裏寒冰结, Trong lò, băng giá lạnh kết, 揚花九月飛о Tháng chín hoa dương liễu bay (2). 泥牛吼水面, Trâu đất rống trên mặt nước, 木馬逐風嘶о Ngựa gỗ hí phi đường dài. (曹山本寂) 2.2.3. Nghịch ngữ vấn đáp Nghịch ngữ vấn đáp là dạng cấu trúc vốn nảy sinh trong đối thoại hằng ngày: một người đưa ra vế hỏi, người kia đáp lại bằng một sự trả lời theo kiểu nghịch thường, và cả hai vế hỏi – đáp đó tạo thành một cấu trúc nghịch ngữ. Trong tiếng Hán, tư liệu cổ nhất về nghịch ngữ vấn đáp có lẽ là đoạn văn sau đây: 魏惠王謂卜皮曰о 子聞寡人之聲聞о 亦何如焉о 對曰о 臣聞王之慈惠者о王欣 然喜曰о 然則功且安得о 對曰о 王之功到於亡о (“韓非子”) Nguỵ Huệ Vương hỏi Bốc Bì: “Nhà ngươi nghe tiếng tăm của quả nhân ra sao?”. Bốc Bì đáp: “Thần nghe nói nhà vua là người nhân từ, có ân huệ với người ta”. Nhà vua mừng rỡ nói: “Như vậy thì công nghiệp của ta sẽ đi đến đâu?”. Bốc Bì đáp: “Công nghiệp của nhà vua là đi đến chỗ mất nước”. Trong câu trả lời của Bốc Bì ở trên (王之功到於亡) là một nghịch ngữ theo dạng vấn đáp. Đoạn đối thoại sau đây giữa Bồ Đề Đạt Ma và Lương Vũ Đế về vấn đề công đức là tiêu biểu hơn cho cấu trúc nghịch ngữ vấn đáp: 十月一日到金陵о 帝問曰: 朕即位已來, 造寺冩經, 度僧不可朥紀, 有何功德? 祖曰: 並無功德о (“五燈會元”, 第一卷) Một ngày tháng mười, Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Kim Lăng. Vua Lương Võ Đế hỏi: “Trẫm từ ngày lên ngôi đến nay cất chùa in kinh độ tăng không sao kể xiết, có công đức gì chăng ?” Tổ nói: “Hoàn toàn không có công đức.” “Cất chùa, in kinh, độ tăng không sao kể xiết” vậy mà bảo là “Hoàn toàn không có công đức” gì với Phật giáo thì đó là một cách trả lời trái với lẽ thường. Muốn hiểu những nghịch ngữ kiểu này, người học phải lật ngược vấn đề hoặc phải thay đổi hẳn nhận thức, quan niệm có tính chất nền tảng của mình về vấn đề. 3. Đặc điểm ngữ nghĩa 3.1. Xét theo quan hệ phủ định ngữ nghĩa Xét theo quan hệ phủ định ngữ nghĩa giữa hai vế thì nghịch ngữ trong tiếng Hán sử dụng nhiều các kết cấu ngữ nghĩa phủ định toàn thể. Nghịch ngữ phủ định toàn thể là nghịch ngữ mà toàn bộ nội dung ngữ nghĩa của hai vế phủ định lẫn nhau; cũng có thể gọi là nghịch ngữ phủ định tuyệt đối. Ví dụ: “無知之知, 無見之見” (菩提達摩). Thông thường loại nghịch ngữ này ít được sử dụng vì sự phủ định tuyệt đối như vậy ít gặp trong thực tế, và thường tạo ra sự bí hiểm, siêu hình, phải đặt vấn đề vào một bình diện cao hơn, trừu tượng hơn mới giải mã được. Nhưng vì có rất nhiều nghịch ngữ trong tiếng Hán nảy sinh từ lĩnh vực triết học, cho nên chúng ta cũng không quá ngạc nhiên khi khá nhiều trong số chúng là những nghịch ngữ phủ định toàn thể. Nghịch ngữ phủ định toàn thể sau đây là một trong nghịch ngữ khó hiểu nhất nếu suy nghĩ theo lôgic thông thường: 是謂無狀之狀 Ấy gọi là cái hình trạng không hình trạng, 無物之象о Cái hình trạng của cái không có vật. (“道德經”, 第十四章) Cái “hình trạng không hình trạng” mà Lão Tử muốn nói ở đây là Đạo, một thực thể không thể dùng lí trí thông thuờng để hình dung, nắm bắt được, cũng như không thể dùng ngôn ngữ thông thường để gọi tên hay diễn tả được. Nó là một siêu thực thể. Chúng ta cũng có thể hiểu nghịch ngữ “無知之知, 無見之見” (菩提達摩) ở trên cùng một cách tương tự. Ngoài dạng cấu trúc cụm từ như vừa nêu ở hai ví dụ trên, nghịch ngữ phủ định toàn thể trong tiếng Hán còn gặp ở dạng cấu trúc mệnh đề. Ví dụ: 如來所說法皆不可取, 不可說о 非法, 非非法о (“金剛經”) Chỗ thuyết pháp của Như Lai thảy đều chẳng thể chấp giữ lấy, chẳng thể nói ra, chẳng phải là pháp, cũng chẳng phải là phi pháp. Cách nói “vừa khẳng định một điều ngay lập tức lại phủ định chính ngay điều đó” là cách nói đặc trưng hay gặp trong kinh điển Phật giáo. Nếu xét theo lôgic hình thức phương Tây thì cách nói này vi phạm nguyên lí cấm mâu thuẫn. Nhưng vì những thực thể và chân lí trong Phật giáo cùng một lúc thường được đề cập từ nhiều góc độ, nhiều bình diện (thường xếp theo một dãy trình độ cao thấp), nên nó vừa “hữu” vừa “vô”, vừa “phi hữu”, “phi vô” và “phi hữu vô”. Câu trên của Kinh Kim cương có thể hiểu là: cái Pháp mà Phật dùng chỉ là phương tiện quyền biến giúp chúng sinh giác ngộ (như ngón tay chỉ mặt trăng), nó không phải là cái Pháp thực sự mà phật tử phải chấp nê vào; nhưng nó cũng không phải là phi pháp hoàn toàn vì Phật cũng đã dùng nó để hành đạo. 3.2. Xét theo loại quan hệ mâu thuẫn Nghịch ngữ trong tiếng Hán thường được xây dựng trên nhiều loại quan hệ mâu thuẫn khác nhau; đặc biệt là có một số dạng quan hệ mâu thuẫn rất riêng biệt, đặc trưng, chỉ gặp trên tư liệu tiếng Hán. 3.2.1. Mâu thuẫn giữa danh – thực Đó là mâu thuẫn giữa cái danh tốt và cái thực xấu, hoặc ngược lại. Loại nghịch ngữ này thường được dùng trong văn thơ hài hước, châm biếm hoặc văn hiện thực phê phán. Ví dụ: 举秀才不知書, Đỗ tú tài không biết chữ, 举孝廉父別居о Đỗ hiếu liêm bố mẹ ra ở riêng. (Dân ca đời Hán) Nghịch ngữ danh – thực là loại nghịch ngữ phổ thông, hầu như ngôn ngữ nào cũng sử dụng. Trong tiếng Hán, loại nghịch ngữ này đã được dùng để tạo ra tiếng cười phê phán như ví dụ gồm một chuỗi nghịch ngữ của Trình Thế Tước (mục 2.2.2), hay trong câu hát chế giễu Chu Du của quân sĩ Gia Cát Lượng (mục 2.1.2.2). 3.2.2. Mâu thuẫn giữa việc – hoàn cảnh Một vế của loại nghịch ngữ này nêu hoạt động, sự việc được tiến hành và vế còn lại nêu bối cảnh không gian, thời gian, người thực hiện. Nghịch ngữ này hay gặp trong tư liệu chữ Hán của kinh điển Phật giáo Thiền Tông. Nó thường dùng để biểu thị nghịch lí trong việc tìm hiểu nhận thức các yếu chỉ của Phật giáo. Ví dụ: 言句上作解會, 泥裏洗土塊, 不向言句上會, 方木 逗圓孔о (“佛果語錄”, 第二卷) Tìm hiểu Thiền lí qua ngôn ngữ câu văn, chẳng khác nào rửa đất cục trong bùn lỏng, còn hiểu không cần qua ngôn ngữ câu văn, thì giống như dùng cây vuông tra vào lỗ tròn. 3.2.3. Mâu thuẫn giữa việc – mục đích (kết quả) Cũng là loại nghịch ngữ hay gặp trong tư liệu chữ Hán của kinh điển Phật giáo Thiền Tông. Nó cũng thường dùng để biểu thị nghịch lí trong việc tìm hiểu nhận thức các yếu chỉ của giáo lí Phật giáo. Ví dụ: 背道 逐教 Bỏ đạo chạy đuổi theo kinh giáo 道體本無修, Đạo thể vốn không tu 不修自協道о Không tu mới hợp đạo 若起修道心, Nếu khởi tâm tu đạo 此人未會道о Chưa hiểu đạo là gì. (本凈禅師) 3.2.4. Mâu thuẫn giữa việc – phương tiện (cách thức) Là nghịch ngữ có một vế nêu hoạt động; một vế nêu phương tiện, cách thức tiến hành. Ví dụ: 問: 如何是自己? 师曰: 望南看北斗” о (“傳燈錄”, 第十二卷) Hỏi : “Thế nào là tự kỷ (Phật) ?”. Sư đáp : “Hướng về Đây cũng là loại nghịch ngữ hay gặp trong tư liệu chữ Hán của kinh điển Phật giáo Thiền Tông. Nó cũng thường dùng để biểu thị nghịch lí trong việc tìm hiểu nhận thức các yếu chỉ của Phật giáo. Hình tượng “方木逗圓孔” (Dùng cây vuông tra vào lỗ tròn) của Phật Quả ngữ lục vừa nêu ở mục 3.2.2, hoặc ý chỉ “無知之知, 無見之見” (Hiểu bằng vô tri, thấy bằng vô kiến) của Bồ Đề Đạt Ma đều là những nghịch ngữ thuộc loại này. 3.2.5. Mâu thuẫn giữa nguồn gốc (cơ sở) – kết quả Là một mâu thuẫn có liên quan đến quan niệm “âm dương tương phản tương thành” và “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản” trong tư tưởng của người Trung Quốc. Nghịch ngữ loại này xuất hiện nhiều trong Đạo đức kinh và hiện nay gần như trở nên bình thường, nhiều người không coi đó là nghịch lí. Ví dụ: 貴以賤爲本, Quý lấy Tiện làm gốc, 高以下爲基о Cao lấy Thấp làm nền. (“道德經”, 第三十九章) 3.2.6. Mâu thuẫn của sự phi lí Đây là một loại mâu thuẫn hết sức đặc biệt, được dùng để tạo nên nghịch ngữ trong cách nói của Lão giáo và đặc biệt là của Phật giáo. Loại mâu thuẫn này rất gần với các hình ảnh phi lí trong văn học phương Tây, hay nói một cách liên quan hơn, gần với các nghịch ngữ dạng phi lí tiếng Anh được nhiều độc giả đưa lên mạng Internet trong thời gian gần đây. Dạng thứ nhất của loại nghịch ngữ này là nêu một sự phi lí về đặc điểm của sự vật, hiện tượng, qua đó ngụ ý, ẩn ý về những điều có tính chất huyền bí trong triết học hoặc tôn giáo. Ví dụ: 空手把鋤頭 Trống không nắm cán bừa 步行騎水牛 Đi bộ cưỡi lưng trâu 人從橋上過 Người trên cầu qua lại 橋流水不流о Cầu trôi nước chẳng trôi. (禅慧傅大士, “傳燈錄”, 第二十七卷) Dạng thứ hai là nghịch ngữ của những điều tự phủ định: vế thứ nhất khẳng định một điều, rồi vế thứ hai lại phủ định ngay chính điều đó, và quá trình khẳng định – phủ định này lại có thể tiếp tục thêm một lần nữa. Bài thơ sau đây nói về mối liên hệ giữa “我” (ta) và “渠” (đạo, tự tính) là một ví dụ như vậy: 渠今正是我, Nó nay chính là ta, 我今不是渠о Ta nay không phải nó. 應須恁麼會, Cần phải hiểu như thế, 方得栔如如о Mới khế hợp Như như. (良价禅師) Cách nói này rất hay gặp trong kinh điển Phật giáo, nhằm làm cho người ta không chấp nhất vào một hình tướng gì. Như vậy, cơ sở để hiểu những mâu thuẫn trông có vẻ phi lí trong những nghịch ngữ này là những điều sâu xa, huyền diệu thuộc về triết học Lão giáo hay Phật giáo mà người bình thường khó nhận ra được. Nghịch ngữ dạng này có tính chất của chủ nghĩa siêu thực. 4. Đặc điểm biểu đạt Phép nghịch ngữ trong tiếng Hán được sử dụng với nhiều chức năng biểu đạt khác nhau, phong phú và đa dạng. 4.1. Định danh 4.1.1. Đặt tên người Cách dùng phép nghịch ngữ với chức năng như thế này chúng tôi chưa thấy trên tư liệu tiếng Việt. 4.1.1.1. Đặt tên người trong đời sống thực Vì đặc điểm “trái lẽ thường” của nó nên nghịch ngữ hầu như không thể nào được dùng để đặt cho tên khai sinh hay tên thường dùng. Nhưng nghịch ngữ lại là phương tiện rất độc đáo để đặt tên hiệu, đặc biệt là tên hiệu cho người xuất gia làm nhà sư (pháp danh). Ví dụ tên hiệu của nhà từ điển học Việt 4.1.1.2. Đặt tên nhân vật Tên nhân vật trong tác phẩm văn chương (thường chỉ là biệt danh) đặt theo kiểu nghịch ngữ sẽ mang lại cảm giác mới lạ, gây sự tò mò, tạo chất hài hước, khắc hoạ tính cách độc đáo hoặc quái dị, li kì của nhân vật. Tiêu biểu cho cách dùng nghịch ngữ theo kiểu này là cách đặt tên hai nhân vật trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung: 殺人名医 (Sát nhân danh y; là một danh y bậc nhất của giới giang hồ nhưng chỉ chữa bệnh với điều kiện: chữa một người phải giết một người, và nếu chữa không khỏi bệnh sẽ tự sát), và 獨孤求敗 (Độc cô cầu bại; suốt đời chỉ mong được thua một lần mà vẫn không toại nguyện!). 4.1.2. Đặt tên tác phẩm Nói chung, dùng nghịch ngữ để đặt tên tác phẩm là cách làm khá phổ biến trong nhiều ngôn ngữ, dĩ nhiên là trong những ngôn ngữ đã đạt đến một trình độ phát triển nhất định. Cũng như ở các ngôn ngữ phát triển, tư liệu về nghịch ngữ là tên tác phẩm trong tiếng Hán tương đối nhiều và khá đa dạng. Ví dụ tên một bài thơ khá nổi tiếng của Bạch Cư Dị là “自勸” (Tự mời rượu mình); hay tên một bài thơ của Bản Tịch thiền sư là “背道逐教” (Bỏ đạo, chạy đuổi theo kinh giáo); tên một tập công án đặc biệt nổi tiếng trong giới Phật giáo: “無門關” (Cửa ải không có cửa) do Huệ Khai thiền sư biên soạn; hoặc tên một bài thơ rất độc đáo của Tịnh Không thiền sư (Việt Nam) là “知人無悟道” (Người khôn không giác ngộ được đạo). Cách đặt nhan đề tác phẩm theo kiểu nghịch ngữ là một trong những nhân tố gây sự hấp dẫn cho tác phẩm, kích thích sự tò mò cao độ của người đọc; tuy nhiên không phải khi nào cũng có thể dễ dàng và cần thiết đặt tên tác phẩm theo cách thức đó. 4.1.3. Gọi tên sự vật, hiện tượng Sự vật, hiện tượng nếu tồn tại thực trong thực tiễn khách quan thì thường là thuận theo lẽ tự nhiên (“cái gì tồn tại đều có lí do của nó”), cho nên bản thân chúng không chứa mâu thuẫn nội tại, tức là không có cơ sở để gọi tên theo kiểu nghịch ngữ. Tuy nhiên đó mới chỉ là xét sự vật, hiện tượng ở dạng tĩnh và cô lập với bối cảnh (bao gồm cả người tri nhận). Mặt khác còn có những sự vật, hiện tượng thuộc thế giới ảo – sản phẩm của trí tưởng tượng của con người, đặc biệt là các biểu tượng huyền bí của tôn giáo, triết học, nghệ thuật… Vì sự phát triển biện chứng trong mâu thuẫn của sự vật, vì góc nhìn nghịch chiều của người tri nhận, vì dụng ý nhấn mạnh vào cái khác thường hay vì ẩn ý đặc biệt mà chúng ta cũng hay gặp các tên gọi sự vật, hiện tượng theo kiểu nghịch ngữ. Ví dụ, trong văn học Phật giáo các hình ảnh như “沒孔笛, 無絃琴” (Sáo không lỗ, Đàn không dây), hay trong tiếng Hán phổ thông có từ 喜喪 (Tang vui, chỉ cái tang của những người đại thọ, từ 90 tuổi trở lên). Một loại ví dụ khác hay gặp trong truyện thần tiên quái dị là cách dùng nghịch ngữ để gọi tên sự vật, hiện tượng của một thế giới khác thường, dị thường, tạo sự hấp dẫn, kì lạ; như 無底洞 (Động không đáy) trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân. Tuy nhiên loại nghịch ngữ này là không điển hình vì chúng có thể hoàn toàn bình thường trong phạm vi của thế giới của cái thần tiên kì lạ. 4.2. Phản ánh các nghịch lí của thực tiễn hoặc của nhận thức Phản ánh nghịch lí là chức năng trung tâm của nghịch ngữ. Các nghịch lí hay nhất, đáng chú ý nhất trong tiếng Hán tập trung vào mảng đề tài triết học và tôn giáo. 4.2.1. Nghịch lí đời thường 4.2.1.1. Nghịch lí sinh hoạt đời thường Ví dụ: 巧者多勞, 拙者閑о Người khéo thì vất vả, kẻ vụng lại nhàn nhã. (Tục ngữ Trung Quốc) 4.2.1.2. Nghịch lí tâm lí đời thường Có rất nhiều câu nghịch ngữ của các nhà văn, nhà thơ hiện đại phản ánh mảng nội dung này, ví dụ: 我到现在终于设有见—— 大约 孔乙己 的确 死了о (鲁迅, “孔乙己”) Rốt cuộc cho đến bây giờ tôi vẫn không gặp – có lẽ Khổng Ất Kỷ đã chắc chắn chết rồi. 4.2.2. Nghịch lí xã hội 四海無閒田 Khắp nơi không có ruộng hoang, 農民猶餓死 Nông dân vẫn chết đói. (李紳, “古風, 二首”) 4.2.3. Nghịch lí triết học – tôn giáo Là loại nghịch lí phản ánh các vấn đề triết học, tôn giáo. Cở sở để hiểu các nghịch lí này là những tri thức có tính chất đặc thù chuyên môn. Số lượng nghịch ngữ mang nội dung nghịch lí triết học – tôn giáo trong tiếng Hán rất phong phú. Sau đây là một số loại thường gặp: 4.2.3.1. Nghịch lí về các vấn đề bản thể của triết học hoặc tôn giáo (về Đạo, Phật tính, Phật pháp, về Hữu và Vô…). Ví dụ: 無相無空無不空, Vô tướng vô không vô bất không, 即是如來眞實相о Mới đúng Như Lai chân thật tướng. (玄覺禅師, “證道歌”) 4.2.3.2. Nghịch lí về tư duy, nhận thức Ví dụ: (Nói về tính tương đối của nhận thức con người) 天下莫大於秋豪之末,而大山為小о 莫壽乎殇子而彭祖為夭о (“南花經”: 齊物論) Dưới trời không có gì lớn bằng đầu mút của cọng lông mùa thu, mà không có gì nhỏ bằng núi Thái; không có gì thọ bằng đứa bé chết yểu, mà không có gì yểu bằng ông Bành Tổ. 4.2.3.3. Nghịch lí về cách thức, phương pháp tu hành Ví dụ lời khuyên sau đây của một đại thiền sư về cách tu hành: 逢佛殺佛о 逢祖殺祖о 逢羅漢殺羅漢… 始得解脫о (“臨濟語錄”) Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, gặp La hán giết La hán… Mới được giải thoát. Câu nói được dùng như một châm ngôn trong Thiền Tông này có dụng ý phá trừ kiến giải chấp thật của người tham thiền học đạo, chẳng cho họ trụ vào khái niệm, hình tướng của Phật, Tổ… mà phải tự mình khai thị chân tính. 4.2.3.4. Nghịch lí về cách thức, phương pháp truyền bá tư tưởng, giáo lí Ví dụ: (Phương pháp “dạy không lời” của Lão Tử): 是以聖人 Vậy nên Thánh nhân, 處無為之事, Dùng “Vô vi” mà xử sự, 行不言之教о Dùng “bất ngôn” mà dạy dỗ. (“道德經”, 第二章) 4.2.3.5. Nghịch lí về cách ứng xử thế sự Ví dụ: Cách ứng xử “處無為之事” của Lão Tử ở trên, hoặc quan niệm sống “無用之用” (quân bình giữa tài và bất tài, tỏ ra là có vẻ vô hại) để giữ mình của Trang Tử sau đây (vì tài hay bất tài đều mang hoạ vào thân): 桂可食,故伐之; Cây quế ăn được, nên bị chặt; 漆可用,故割之о Cây sơn dùng được, nên bị cắt. 人皆知有用之用, Người ta đều biết công dụng của cái hữu dụng, 而莫知無用之用也о mà chẳng ai biết công dụng của cái vô dụng. (“南花經”: 山木) 4.3. Châm biếm, hài hước Hài hước, châm biếm không phải là mục đích sử dụng chủ yếu của phần lớn các nghịch ngữ trong tiếng Hán, nhưng cũng đã có không ít câu gây được tiếng cười thật vui vẻ, thấm thía và cách tạo chất hài mang sắc thái bình dân, hoặc trí thức văn sĩ. Ví dụ, trong Luận ngữ, Khổng Tử đã dùng một nghịch ngữ rất dí dỏm để đề cao cái thức thời của một bậc sĩ phu: 子曰: “宁武子, 邦有道, 則知; 邦無道, 則愚о 其知可及也, 其愚不可及也о” (“論語”: 公冶長) Khổng Tử nói: “Ông Ninh Vũ tử (đại phu nước Vệ), khi nước có đạo thì là người trí; khi nước vô đạo thì là người ngu. Cái trí của ông, ta theo kịp, còn cái ngu của ông, ta theo không kịp.” Giống như Khổng Tử, Hồng Thăng trong tác phẩm Trường sinh điện cũng đã dùng những nghịch ngữ theo kiểu thức dân gian để tạo sự hài hước thật vui vẻ: 我的宮女第一, 柰致无人能及о 腮边花粉糊涂, 觜上脂胭狼藉о 秋波俏似铜铃, 弓眉弯得笔直, 春纤十个擂槌, 玉体浑身槌添о 柳腰松段一围, 莲瓣淮船半只… (洪升, “张生殿”) Cung nữ đệ nhất của ta, không ai làm sao có thể sánh kịp. Bên má phấn hoa trát lung tung, trên miệng son bôi lỗ chỗ. Ánh mắt dịu dàng lạnh tựa chuông đồng, đôi mày cong vòng thẳng như cán bút, tay thon như mười cái chuỳ, ngọc thể toàn thân nổi ngấn khúc. Lưng ong to như một khúc gỗ thông, chân sen nhỏ như nửa chiếc thuyền sông Hoài… Người Trung Quốc cũng là một trong những dân tộc hay dùng nghịch ngữ để châm biếm, hài hước, phê phán. Sắc thái trào lộng do nghịch ngữ trong tiếng Hán đưa lại cũng thật đa dạng. 4.4. Tạo hiệu quả đặc biệt cho lập luận Câu văn hoặc từ ngữ sử dụng phép nghịch ngữ bao giờ cũng tạo sự hụt hẫng bất ngờ, gây chú ý cao độ và nhấn mạnh hiệu quả biểu đạt. Người Trung Quốc từ xưa đã biết vận dụng điều này để tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn cho lời nói, đặc biệt là trong du thuyết, biện luận.Vì mang tính chất của một nghịch đề nên những luận điểm nêu ra theo kiểu nghịch ngữ bao giờ cũng mang hiệu quả đặc biệt. Sách Hàn Phi Tử có ghi lại câu chuyện đối đáp sau đây giữa vua nước Trịnh và Trịnh Chiêu: 鄭君問鄭昭曰о 太子亦何如о 對曰о 太子未生也о 君曰о 太子已置而曰未生о 何也о 對曰о 太子雖置然而君之好色不已о 所愛有子о 君必愛之о 愛之則必以爲 後о臣故曰太子未生也о (“韓非子”:上册) Vua nước Trịnh hỏi Trịnh Chiêu: “Thái tử như thế nào?”. Trịnh Chiêu nói: “Thái tử chưa sinh”. Nhà vua bảo: “Thái tử đã lập nhưng lại nói chưa sinh là làm sao?”. Thưa: “Tuy thái tử đã lập nhưng nhà vua còn hiếu sắc không thôi. Người được nhà vua yêu có con trai thì thế nào nhà vua cũng yêu đứa con trai đó. Cho nên thần nói: “Thái tử chưa sinh”. Trong ví dụ trên, nhà vua muốn biết nhận xét của Trịnh Chiêu như thế nào về thái tử, nhưng Trịnh Chiêu lại nói thác đi là “太子未生也” (Thái tử chưa sinh). Đó là một thủ thuật để tạo sự chú ý vì lời khẳng định này trái với sự thực, gây ra một sự hụt hẫng, cuốn nhà vua vào vòng xoáy nghịch chiều và từ đó dẫn dụ nhà vua tới một điều muốn nói khác quan trọng hơn. Có khá nhiều câu nghịch ngữ cấu trúc theo lối đối đáp trong lịch sử tham thiền học đạo của Phật giáo đã dùng cách thức nêu nghịch đề để tạo hiệu quả lập luận như vừa nói. Cách dùng nghịch ngữ để tạo ra hiệu quả biểu đạt đặc biệt cho lập luận, tạo điểm nhấn tăng cường sức mạnh lập luận là điều đáng chú ý trong quá trình vận dụng phép tu từ này của người Trung Quốc. Trên tư liệu tiếng Việt, chúng tôi chưa thấy có trường hợp nào có cách dùng tương tự. 4.5. Tượng trưng Có khá nhiều nghịch ngữ của tiếng Hán (chủ yếu lưu hành trong giới Phật giáo) được xây dựng theo nguyên tắc ẩn dụ hoá: lấy một hình ảnh nghịch thường để ngụ ý, ẩn ý cho những điểu huyền bí hoặc cho những chân lí trái lẽ thường trong triết học, tôn giáo. Những hình ảnh này được dùng đi dùng lại, và trở thành những hình ảnh có tính chất tượng trưng (象征, symbol). Đây là một phương diện biểu đạt rất độc đáo của nghịch ngữ trong tiếng Hán. Có thể chia những hình ảnh tượng trưng này làm hai loại. Loại thứ nhất là những hình ảnh tượng trưng mang màu sắc đời thường. Ví dụ: “緣木求魚” (Leo cây tìm cá); “斷頭取活” (Chặt đầu tìm sự sống; “傳燈錄”, 第二十二卷); “望南看北斗” (Hướng về Loại hình ảnh tượng trưng thứ hai là những hình ảnh có tính chất phi lí, siêu hình. Nói chung, những hình ảnh loại này tượng trưng cho những điều huyền diệu bất khả tư nghị, không thể nói ra bằng ngôn ngữ văn tự bình thường và cũng không thể dùng tri thức, lí trí thông thường mà nắm bắt được. Ví dụ hình ảnh: “虛空駕鐵船. 岳頂浪滔天” (Cưỡi thuyền sắt trên hư không. Sóng vỗ dậy trời trên đỉnh núi; “傳燈錄”, 第十七卷); các hình ảnh trong bài thơ của Bản Tịch thiền sư (xem ví dụ ở mục 2.2.2) và trong bài thơ của Thiền huệ Phó Đại Sĩ (xem ví dụ ở mục 3.2.6); hình ảnh “鐵樹開花” (Cây sắt trổ hoa; “碧巖錄”). III. KẾT LUẬN (Một cái nhìn đối chiếu phép tu từ nghịch ngữ trong tiếng Hán với phép tu từ nghịch ngữ trong tiếng Việt) 1. Phép nghịch ngữ trong tiếng Hán có một lịch sử sử dụng lâu đời và phong phú hơn lịch sử sử dụng phép nghịch ngữ trong tiếng Việt Trên những tư liệu còn lưu lại cho đến ngày nay, chúng ta có thể khẳng định rằng lịch sử sử dụng phép nghịch ngữ trong tiếng Hán cổ xưa hơn so với trong tiếng Việt. Niên đại chính xác của những câu nghịch ngữ sớm nhất bằng tiếng Hán là 2.500 năm (những nghịch ngữ mà Khổng Tử dùng và ghi lại là trong bộ Luận ngữ). Còn những câu nghịch ngữ tiếng Việt thuộc vào loại cổ nhất (theo tư liệu khảo sát hiện nay của chúng tôi) như “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” (Tục ngữ) hay “Đàn ông nông nổi giếng khơi / Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu. (Ca dao) thì có niên đại muộn hơn. Lí do là cách nói có đối ứng bằng trắc, dùng vần lưng và cách chia tách âm tiết của một từ hai tiếng để chêm xen như trong câu tục ngữ trên thì đó chỉ có thể là sản phẩm của thời kì tiếng Việt đã hoàn thiện quá trình đơn tiết hoá và hình thành một hệ thống 6 thanh điệu, tức là sản phẩm của tiếng Việt mà niên đại sớm nhất của nó là thời kì Việt – Mường chung (Viet Muong commun, khoảng thế kỷ X-XIV); và thể thơ lục bát trong câu ca dao trên thì theo Phạm Đình Toái (dẫn lại từ Từ điển văn học) đến thế kỷ XIII-XIV mới được sáng tác nhiều ở Việt Nam. Lịch sử 2.500 năm của việc sử dụng phép nghịch ngữ trong tiếng Hán phát triển qua nhiều giai đoạn với nhiều biểu hiện khác nhau, trong nhiều loại hình phong cách ngôn ngữ khác nhau (từ ngôn ngữ đời thường đến văn chương, chính luận, triết học, tôn giáo…) với nhiều đại biểu tư tưởng khác nhau, nhiều hình nhiều vẻ. Xét từ phương diện này, lịch sử sử dụng phép nghịch ngữ trong tiếng Việt có phần đơn giản hơn. 2. Việc sử dụng phép nghịch ngữ trong tiếng Hán đã phát triển tới một trình độ có phần cao hơn trong tiếng Việt Việc sử dụng nghịch ngữ trong tiếng Hán tuy chưa trở thành một làn sóng phổ thông hóa như trong tiếng Anh hiện nay, nhưng so với tiếng Việt và ngay cả so với tiếng Anh, nó đã phát triển tới một trình độ cao. Trình độ phát triển này thể hiện ở sự tinh vi, nhuần nhị qua những dạng cấu trúc nghịch ngữ độc đáo, đặc sắc; thể hiện ở chiều sâu tư tưởng, triết lí thâm thúy, mới lạ mà các nghịch ngữ tiếng Hán (đặc biệt là các nghịch ngữ cổ) mang lại cho người đọc; và thể hiện trong sự đa dạng về các chức năng biểu đạt mà nghịch ngữ tiếng Hán đảm nhận. Có thể nói rằng, trình độ sử dụng nghịch ngữ trong tiếng Hán đã đạt tới một đỉnh cao của việc sử dụng nghịch ngữ của thế giới, nhưng điều đó chỉ giới hạn ở thời cổ và chủ yếu trong lĩnh vực triết học. 3. Do điều kiện đặc thù về lịch sử triết học, nghịch ngữ trong tiếng Hán mang nhiều dấu ấn của tư tưởng triết học Lão giáo Trong các trào lưu tư tưởng thời cổ đại tạo nền tảng tư duy của người Trung Quốc thì Lão giáo – một trường phái triết học biện chứng duy vật sơ khai – để lại dấu ấn sâu đậm, kể cả đối với tư tưởng Phật giáo mới tiếp thu về sau. Thời trước, người Trung Quốc khi nói về những điều thông thường thì dùng Nho giáo, nhưng khi nói tới những cái siêu hình, vượt ra ngoài lẽ thường thì vận dụng Lão giáo (hoặc Phật giáo). Như vậy, nếu coi Nho giáo là “triết học về lẽ thường”, triết học về “lề lối chế độ”; thì Lão giáo là triết học về cái nghịch thường, về những cái “vô danh” và “bất khả tư nghị” nhuốm màu sắc huyền bí, vượt ra ngoài kinh nghiệm, ngoài tầm hiểu biết và sức diễn tả của ngôn ngữ văn tự con người. Tư tưởng biện chứng và triết học “hình nhi thượng” (siêu hình học, vũ trụ luận) của Lão giáo chính là cơ sở tư tưởng quan trọng nhất và có tính chất gốc rễ nhất để người Trung Quốc xây dựng nên nhiều câu nghịch ngữ đặc sắc của mình. Không kể những câu nghịch ngữ trong bộ Đạo đức kinh và 4. Nghịch ngữ tiếng Hán có một số điểm khác biệt sau đây về cấu trúc – ngữ nghĩa – biểu đạt so với nghịch ngữ tiếng Việt: · Hình thức cấu trúc phong phú và đa dạng. · Hay dùng dạng cấu trúc mệnh đề đẳng lập. · Có nhiều dạng cấu trúc rất độc đáo, đặc sắc như nghịch ngữ kép, nghịch ngữ chuỗi, nghịch ngữ vấn đáp. · Sử dụng nhiều các kết cấu phủ định toàn thể (phủ định tuyệt đối) để phục vụ cho các mục đích diễn đạt triết học. · Được xây dựng trên một số loại quan hệ mâu thuẫn có tính chất đặc biệt, phản ánh những nghịch lí có tính chất đặc trưng về đề tài triết học – tôn giáo. · Được dùng nhiều hơn trong chức năng định danh; đảm nhận thêm hai chức năng biểu đạt chuyên biệt: tạo hiệu quả đặc biệt cho lập luận và tượng trưng. Chú thích: (1) 沙揚娜拉: Ghi âm tiếng Nhật “sa yo (2) Hoa dương liễu nở vào tháng ba. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đỗ Tùng Bách (2000), Thơ Thiền Đường Tống, NXB Đồng Nai. 2. Đoàn Trung Còn (2006), Kinh Kim cang Bát nhã ba la mật (Hán-Việt-Anh), NXB Tôn giáo. 3. Lý Việt Dũng (2003), Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục dịch giải, NXB Mũi Cà Mau. 4. Thích Viên Giác (2000), Kinh tứ thập nhị chương, NXB Tôn giáo. 5. Nguyễn Thị Bích Hải (1997), Thơ Trung Quốc, Đại học Huế. 6. Đinh Trọng Lạc (1999), Giáo trình Phong cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục. 7. Phùng Hữu Lan (1999), Đại cương triết học sử Trung Quốc (Bản dịch: Nguyễn Văn Dương), NXB Thanh niên. 8. Nguyễn Hiến Lê (1997), Đại cương văn học sử Trung Quốc. NXB Trẻ. 9. Nguyễn Hiến Lê (chú dịch và giới thiệu) (1995), Luận ngữ, NXB Văn học. 10. Nguyễn Hiến Lê, (1996), Mạnh Tử, NXB Văn hoá. 11. Lê Nguyên Lưu (1997), Đường thi tuyển dịch, Tập I & II, NXB Thuận Hoá. 12. Bồ Đề Đạt Ma (2006), Tuyệt quán luận, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. 13. Hân Mẫn – Thông Thiền (2002), Từ điển Thiền Tông Hán Việt, NXB Tp. Hồ Chí Minh. 14. Nguyễn Thế Truyền (2005), “Nghịch ngữ – phép tu từ của những mâu thuẫn thống nhất”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 8/2005. 15. Lê Khánh Trường – Lê Việt Anh (2002), Từ điển tục ngữ Hán Việt, NXB Thế giới. 16. Lão Tử (1995), Đạo đức kinh (Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú), NXB Văn học. 17. Trang Tử (1992), 18. Viện Khoa học Xã hội (2006), Từ điển Trung – Việt, NXB Khoa học Xã hội 19. 陈望道 (2002), “修辞学发凡”,上海教育出本社. 20. 韓非子 (1936), “韓非子集解”, 上册&下册, 上海廣益書局刊行. 21. 黄建霖 (主编) (1995), “汉语修辞格鉴赏辞典”, 东南大学出版社. 22. “金山词霸 2003” (CD-Room) 23. 杜甫 (1997), “杜甫全集”, 上海古籍出版社. 24. 黎運漢-張維耿 (2000), “現代漢語修辭學”, 商務印書館. 25. 徐志刚 (译注) (2000), “论语通译”, 人民文学出版社. 26. 張志公 (1999), “修辭概要”, 三聯書店 (香港). Thạc sĩ Nguyễn Thế Truyền NCS tại Đại học KHXH & NV Tp. HCM) |
Cập nhật ( 31/01/2018 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com