MỘT SỐ NÉT SINH HOẠT VĂN HÓA CỦA CƯ DÂN VÙNG BIỂN SÓC TRĂNG * Thành Hùng – Minh Thương 1. Vài nét về đất và người Sóc Trăng. Do vị trí địa lý, Sóc Trăng được ví như một chiếc đòn gánh gánh hai đầu phía Bắc là tỉnh Hậu Giang, thành phố Cần Thơ và phía Đông là tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau… Sóc Trăng nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 231 km, cách thành phố Cần Thơ 60 km, tiếp giáp với Biển Đông (72 km), Trà Vinh (cách cửa Định An của dòng Hậu Giang), Bạc Liêu, Cần Thơ và Hậu Giang. Điều kiện tự nhiên của Sóc Trăng hình thành ba vùng sinh thái rõ rệt: Vùng nước ngọt bao gồm ba huyện (Kế Sách, Mỹ Tú và Cù Lao Dung) vùng đất nước lợ gồm 4 huyện và một thị xã (Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Ngã Năm, thành phố Sóc Trăng và một phần của huyện Long Phú) và vùng đất nước mặn phèn gồm 2 huyện (Long Phú và Vĩnh Châu). Sóc Trăng ngày nay là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối lưu vực sông Hậu. Từ xa xưa nơi đây còn trầm mình dưới mặt nước biển Đông. Qua nhiều thế kỷ được phù sa bồi đắp dần dần trở thành một dãy đất liền phì nhiêu, nhiều sông rạch chằng chịt. Tên gọi Sóc Trăng có hai truyền thuyết: Tiếng Khmer Soc Triang (Bãi Sậy) lâu ngày đọc thành Sóc Trăng. Tiếng Khmer Sroc – KhLéng (kho chứa bạc của nhà vua), âm ra tiếng Việt là Sóc KhoLeng, lâu ngày nói thành Sóc Trăng. Thời Minh Mạng có tên gọi là Nguyệt Giang, tức Sông Trăng. Tên Ba Xuyên: Một thuyết cho rằng sự hình thành tên gọi này là bởi: ba dòng Hậu Giang chảy vào vùng đất này trước khi đổ vào biển Đông: Định An; Bát Xắt, Trần Đề, Ba Xuyên theo Hán tự tức là ba dòng sông. Thời Minh Mạng, triều đình cho quân đi trấn áp giặc nổi dậy ở vùng này, quân triều đình đi đến Vàm Tấn (Đại Ngãi), vào Bảy Xào, xong nhiệm vụ, cũng đi đường này trở về an toàn. Vị chỉ huy lưu lại dấu tích lịch sử, đặt tên con sông từ Đại Ngãi đến Bảy Xào là rạch Ba Xuyên, tức là đi thông suốt không có gì trở ngại. Danh từ Ba Xuyên, tức là đi thông suốt không có gì trở ngại. Danh từ Ba Xuyên được truyền khẩu, người Việt rất hãnh diện với tên này. Vào cuối thế kỷ XVI, Nhà nước phong kiến Việt Nam suy thoái, không chịu sự áp bức bóc lột hà khắc của bọn quan lại phong kiến, những người dân trốn kinh thành đã rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, vượt biển, băng rừng tiến về phương Nam (nơi vùng đất mới Nam Bộ) hy vọng tìm được nơi sinh cơ lập nghiệp khá hơn. Nước Campuchia dưới chế độ phong kiến Chân Lạp cũng bị suy thoái, kinh tế khủng hoảng làm cho đời sống nhân dân cơ cực, tiêu điều, nạn bắt phu tạp dịch phục vụ cho việc xây dựng và tu bổ đền Ăng – co – vát, Ăng – co – thom đã làm thôn cùng ngõ hẻm thêm kiệt quệ. Thực tế ấy, đẩy người dân vào cảnh bần cùng, họ tha phương cầu thực và một số người cũng đi dần về vùng đất dọc cuối nguồn sông Mê Công tìm nơi sinh sống. Từ đó, trên mãnh đất miền Tây Sau này, khi cuộc chiến của tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn nổ ra, rồi chiến tranh Đàng Trong – Đàng ngoài, thì quá trình di dân của miền Bắc, miền Trung (những người vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh) Việt Nam đi dần về hướng đồng bằng sông Cửu Long được xúc tiến mạnh mẽ và qui mô ngày càng lớn hơn. Cùng với cuộc di dân của người Việt Vào thời kỳ này, vùng đất Sóc Trăng vẫn còn thấp cho đến thế kỷ XVII nơi đây còn ngập nước, nhiều rừng rậm, lau sậy hoang vu. Dưới sông rạch có nhiều cá sấu, trên bờ có nhiều thú dữ: cọp, beo, rắn, rết,… Do nguồn phù sa bồi đắp lâu đời nên ngày nay còn có dấu hiệu gọi là phù sa cổ, trở thành địa danh như: Trà Teo Gồng thuộc xã Khánh Hòa; Gồng chùa của xã Lạc Hòa thuộc huyện Vĩnh Châu, Giồng Xoài CaNã của xã Đại Tâm, thuộc huyện Mỹ Xuyên; cù lao Long Phú có diện tích khá rộng, theo đơn vị hành chính và mức độ dân số đã có 3 xã Đại Ân II và An Thạnh III thuộc huyện Cù Lao Dung hiện nay. Vào đầu thế kỷ XIX, dân cư ở miền hữu ngạn sông Hậu Giang còn thưa thớt, làng xóm có nơi cách xa hàng chục dặm. Năm 1834, Nam Kỳ được chia thành sáu tỉnh, ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường; ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Tỉnh An Giang gồm ba phủ: Tuy Biên, Tân Thành và Ba Xuyên. Vùng đất Sóc Trăng thuộc phủ Ba Xuyên. Năm 1867, thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây, trong đó có Sóc Trăng. Sau đó, Pháp chia Nam Kỳ Lục tỉnh thành nhiều hạt. Đến năm 1876, thực dân Pháp chia toàn Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chánh gồm: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xắc (Bassac). Mỗi khu vực hành chánh lớn lại được chia nhỏ thành nhiều tiểu khu. Tiểu khu Sóc Trăng thuộc khu vực Bát Xắc. Đến năm 1882, (2) Pháp tách 2 tổng tiển khu Sóc Trăng và 3 tổng của tiểu khu Rạch Giá thành lập tiểu khu Bạc Liêu. Và năm 1899, (3) Pháp chia 4 khu hành chánh thành 3 miền: miền Đông, miền Trung và miền Tây. Mỗi tiểu khu là một tỉnh. Tiểu khu Sóc Trăng được gọi là tỉnh Sóc Trăng và thuộc miền Tây – Đến năm 1926, thực dân Pháp lại chia tỉnh Sóc Trăng thành 4 quận: Châu Thành, Kế Sách, Long Phú và Phú Lộc. Năm 1932, Thống Đốc Nam Kỳ quyết định giải tán một số quận trong tỉnh Nam Kỳ, trong đó có quận Phú Lộc, nhưng đến năm 1941, Thống Đốc Nam Kỳ quyết định lập lại quận Phú Lộc, lập lại địa dư cũ. (4) Trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh Sóc Trăng còn có thêm huyện Vĩnh Châu và một số xã của Rạch Giá giao qua như: Mỹ Quới, Tân Long. Năm 1955 tỉnh giao huyện Vĩnh Châu cho tỉnh Bạc Liêu. Năm 1957, giao huyện Kế Sách cho tỉnh Cần Thơ và nhận thêm những huyện: Vĩnh Lợi , Giá Rai, Hồng Dân, thị xã Bạc Liêu. Như vậy trong thời gian này, tỉnh Sóc Trăng có hai thị xã: Sóc Trăng và Bạc Liêu. Năm 1973, Sóc Trăng giao các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, thị xã Bạc Liêu cho tỉnh Bạc Liêu, riêng huyện Giá Rai giao lại cho tỉnh Cà Mau từ năm 1961. Tháng 2- 1976, theo quyết định của chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Ngày 10 – 12 – 1991, trong kỳ họp khóa Quốc Hội 10 lần thứ VIII nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quyết định tách tỉnh Hậu Giang thành 2 tỉnh: Sóc Trăng và Cần Thơ. Sau này, Cần Thơ lại được tách làm thành phố Cần Thơ (trực thuộc Trung ương) và tỉnh Hậu Giang (theo quyết định của Quốc Hội tháng 12 năm 2003). Vị trí tỉnh Sóc Trăng hiện nay nằm cuối lưu vực sông hậu, ở tọa độ 9 độ 14’ 22’’ đến 106 độ 17`50“ kinh Đông. Phía bắc Tây bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Nam giáp biển Đông, phía tây giáp tỉnh Bạc Liêu, phía đông bắc tỉnh Trà Vinh. Với diện tích tự nhiên 3178 km vuông và dân số 1. 145.000 người, trong đó người Kinh 742. 289, người Khmer 319. 528 người, người Hoa 82. 897, mật độ bình quân 360 người /km vuông. (5) Tỉnh Sóc Trăng có đường giao thông thủy bộ nối liền thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, có bờ biển dài 72 km và có cửa biển thông ra biển Đông. 2. Sản phẩm từ biển của Sóc Trăng: Sóc Trăng có 72 km bờ biển, biển Sóc Trăng chủ yếu là biển bồi và chính vì thế mà tiềm năng cũng rất lớn. Biển bạc cho tôm, cá, cua biển; và đã trở thành nguồn thực phẩm tươi sống hàng ngày giàu chất đạm và các khoáng chất từ biển. Không những thế mà biển Sóc Trăng kinh tế của cư dân vùng biển. Tôm, cá nuôi sống, tôm cá và hải sản; sản phẩm biển làm giàu cho con người Sóc Trăng. Sản phẩm từ biển của Sóc Trăng cũng đa dạng, kể đầu tiên là sản phẩm cá; cua biển của Sóc Trăng cũng có rất nhiều loài mà điển hình cũng như bao vùng biển khác trên cả nước là cá thu, cá ngừ, cá bướm, cá nục, cá nheo, cá lau, cá bóng, cá đú, cá bớp, cá mực, cá đường, cá chẽm, cá lưỡi trâu, cá phèn, cá rựa… và nhiều loại cá khác; kế đó là tôm thì có: tôm hùm, tôm xanh, tôm sú, tôm tích,… Rồi cua: cua đá, cua rẹm, cua ghẹ và đặc biệt là con ba khía để muối (mắm) ba khía, con còng biển… Rồi sản phẩm sò, ốc, ốc cá, ốc nhảy, ốc hào, hến, biên mai, cửu khiếm, bào ngư, điệp, sò lông, sò huyết, nghêu,… và các loại sống dưới cát ven biển như: còng xanh, móng tay… và ở biển Vĩnh Châu còn cho ta một loại thủy sinh Actmia vừa dùng làm thuốc y tế, tăng lực, vừa để chăn nuôi, gia súc, gia cầm, thủy hải sản; con đuông của cây trà lọt biển. Về thực vật có nhiều loại rau, rong như: rau câu đá, rau câu sói, rau câu nhum và rất nhiều các loại rong tảo… Tất cả các sản vật trên đều được người Sóc Trăng chế biến thành thức ăn như: gỏi cá, cá chiên, cá hấp, cá nấu, tẩm bột chiên dòn, cua biển cua da non, ghẹ hấp gừng, sả, chiên, sốt,… có những món tưởng chừng dân dã hết sức bình dân, nhưng lại là đặc sản không gì so sánh được và thiếu nó thì bữa ăn trở nên vô vị và không thể thành cổ được,… Nhìn chung, việc khai thác các loại sản phẩm của Sóc Trăng chủ yếu là gần 3.000 phương tiện đánh bắt ven bờ, tàu ghe nhỏ, trại đáy… Sóc Trăng chưa có nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ. Khoảng sáu năm khoảng lại đây, vấn đề nuôi trồng thủy hải sản được tỉnh và các huyện Long Phú, Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung tiếp tục được triển khai. 3. Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên miền biển: Biển khơi mênh mông, nước mặn một màu xanh thẳm, ngày ra rơi, đêm thả lưới, con người gần như quanh năm đối mặt với môi trường nước – biển ấy. Về nhà, nhà ven các làng đất bồi ven các cửa song, gia đình cửa các cư dân cũng sinh sống bằng những nghề gắn liền với sản vật biển. Đàn ông đi biển ngoài khơi Đàn bà con trẻ vá chài làm khô. (Ca dao Sóc Trăng) Từ cuộc sống thường nhật như vậy nên cách ứng xử của họ cũng mang đậm hơi thở của biển cả: 3.1 Tận dụng môi trường tự nhiên để ăn uống: Ven biển Sóc Trăng vẫn mênh mông những cánh đồng lúaua phì nhiêu. Ngoài gạo lúa, người dân ở đây (những người không theo nghề đi biển) vẫn trồng màu: bắp, mía, củ hành, củ cải,… Tất cả họ tạo nên một nét văn hóa ăn uống liên hệ mật thiết với văn hóa giao tiếp. Họ thực lòng và tự nhiên như tài nguyên biển cả mênh mông sẵn dành cho họ. “Chặt to kho mặn” là cách thức chế biến thức ăn phổ biến ở đây. Trong bửa ăn khi coi trọng tình cảm và danh dự: “lời chào cao hơn mâm cổ”; trong sinh hoạt thì ngôn ngữ “ăn” thường được sử dụng. Để chỉ thời gian họ nói “nấu chưa sôi nồi cơm”, “ăn chưa rồi khúc mía”… trong bữa ăn, ngoài gạo là thực phẩm chính để nuôi cơ thể” có no mới cho ra biển, thì cá tôm do chính tay họ đánh bắt được, khoai củ, rau trái do người trong vùng trồng là không thể thiếu. Trong những chuyến đi biển dài ngày, lương thực mà họ mang theo ngoài gạo, nước ngọt ắt hẳn phải có bí đao, bí rợ, củ lang, củ mì,… Ven các cửa sông tiếp giáp biển là vùng phù sa đất bồi, bần mọc san sát. Từ bông và trái của loài cây hoang này người dân miên ven biển chế biến nhiều món ăn độc đáo hấp dẫn: bông bần làm gỏi chua, trái bần dầm với nước cá kèo kho, trái bần nấu canh chua bông bần với cá khoai, cá bống sao,… là những món ăn đậm chất dân gian biển nhưng thấm đậm trong lòng những người đã từng thưởng thức nó. Ba khía, vọp, sò là những món ăn thường nhật, Cua biển tôm sú, tôm hùm nơi đây cũng không hiếm,… Cá cháy vòm Đại Ngãi là đặc sản duy nhất chỉ có ở nơi đây. Cá cháy có nhiều cách chế biến, mang ngon và hấp dẫn nhất vẫn là canh chua bần,… 3.2 Đối phó với môi trường tự nhiên ddeerr làm nghề biển: Hệ thống đê phòng hộ: Con đê phòng hộ chạy dọc bờ biển Vĩnh Châu vừa chắn sóng biển, chắn gió cát bảo vệ an toàn cho vùng dân cư ở phía trong. Nhà ở: Nhà ở cất vùng ven đất giồng, thấp, trước đây là lợp bằng lá dừa nước, bây giờ nhiều nhà tol, mái ngói đã mọc lên san sát vùng đất này. Nhà ở vừa để “che mưa, che nắng” vừa là nơi sinh hoạt của cả những đời người,… Nhà ở thường gần cách bờ sông bằng một khoảng sân rộng. Phía sau là khu vườn trồng màu, ngoài xa nữa là bờ ruộng nước oằn bông lúa vàng. Xuồng ghe đi lại là phương tiện giao thông chính. Người miệt biển Sóc Trăng như đã nói, không phải chỉ thuần sống bằng nghề “đi biển”, “làm khô” mà ở đây có sự quần tạp, cả trồng lúa nước, trồng rẫy hoa màu, thậm chí ngay cả trong một gia đình cũng có những người làm nhiều nghề khác nhau. Thậm chí có người, rãnh công chuyện nhà nông thì đi mướn cho các chủ ghe cào, thuyền cá, để kiếm thêm thu nhập,… 4. Một vài nét sinh hoạt văn hóa tinh thần chủ yếu của cư dân miền biển Sóc Trăng. Đời sống người dân miền biển Sóc Trăng về mặt sinh hoạt văn hóa tinh thần thì thật phong phú đa dạng. Nó vừa mang nét riêng của từng dân tộc: Hoa – Kinh – Khmer, vừa là sự hỗn dung của cả ba dân tộc ấy. Cũng như nhiều nơi khác, trong suốt cuộc đời của một con người tại thế, cư dân ở đây có các lễ chính: * Mừng đầy tháng: * Mừng thôi nôi: * Lễ cúng căn: * Lễ cưới * Lễ mừng thọ: * Ngày “hiếu” và ngày “kỵ” (mất và giỗ) Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng thì theo thời gian họ tiến hành các lễ: + Cúng Thanh minh: + Tết đoan ngọ: + Tết trung thu: + Lễ cúng đưa ông bà táo về chầu trời: + Cúng giao thừa: + Tết Nguyên Đán: Riêng người Khmer rất chú trọng đến: * Tết Dol ta: * Tết Chuôl Chnăm Thmây Nét riêng biệt, độc đáo của cư dân trong vùng phải kể đến là: Tín ngưỡng thờ Ông và lễ hội cúng Ông Lễ hội dúng “Ông Nam Hải” hay nói cách khác đây chính là tín ngưỡng thờ cá voi (cá Ông của ngư dân) “Ngư dân và tính chất hoạt động sông nước, biển khơi của mình thường hay gặp rủi ro, hoạn nạn, nên từ lâu đã hình thành nên những nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng khá phức tạp, trong đó tiêu biểu nhất là tín ngưỡng thờ cá voi (cá Ông)”. (Trích theo “Tín ngưỡng dân gian: của GS.TS Ngô Đức Thịnh). Như vậy, lễ hội cúng “Ông Nam Hải” của người dân xứ biển Kinh Cùng, xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng là lễ hội “nghinh Ông” với tục thờ Ngọc cốt (xương có voi) với các thần tích, vật tích và nghi lễ hội hè với các tập tục, kiêng kỵ liên quan tới tín ngưỡng này nhằm mục đích cầu mong Ông phù hộ để có một mùa đi biển tốt đẹp, mưa thuận gió hòa, mọi cái tốt đẹp thì đến, tất cả đều hanh thông, tấn tới. Người ngư dân xưa và cho đến các thế hệ ở vùng biển này vẫn luôn coi trọng và ơn Ông. Cả cuộc đời họ gắn liền với sông nước, biển cả và mọi vui buồn, lo âu, phấn khích cũng từ biển cả. Khi được mùa trên biển, khi phong ba bão táp người dân nơi đây vẫn bám biển, yêu biển và họ nhận ra biển gắn liền với sinh mạng, niềm vui, nỗi buồn của họ. Họ không thể xa biển dù có nhà trên đất liền hoặc về già họ vẫn luôn nhớ với nỗi nhớ không nguôi. Họ cũng luôn tin rằng họ được mùa là nhờ các đấng siêu nhiên, thần linh trong đó có “Ông” luôn giúp đỡ họ, Ông hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc nhất là trong hoạn nạn, giông bão ông luôn che chở, cứu người… Chính vì thế mà trong tâm thức của người dân nơi đây luôn thể hiện lòng thành kính của mình đối với Ông – Và từ đời này sang đời khác đã truyền cho nhau một niểm tin, một sự linh thiêng về “Ông” và họ cũng tự hào về “Ông” và để đền đáp công lao to lớn đó người dân đã chọn những ngày rảnh rỗi công việc và những ngày thiêng tháng giêng trong năm để tiến hành tổ chức lễ hội “cúng Ông” với ý nghĩa chân chất, mộc mạc nhưng mang đầy tính nhân văn tạo cho lễ hội quy mô hơn, hoành tráng hơn. 4.1 Vài nét về lễ hội cúng Ông Dân gian cho rằng cá Ông thường cứu người gặp nạn trên biển, khi ghe thuyền sắp bị chìm, cá ông trồi lên mặt nước, nương đỡ đưa vào chỗ cạn. Các Ông di chuyển đến đâu đều có cặp cá đao hậu vệ hai bên, con nào cũng có cặp đao dài trên một thước. Kế đó là đến cá mực cứu nguy khi cá đao bảo vệ không thành bằng một chất niệu màu đen để ngụy trang cho “Ông” tẩu thoát. Các Ông hiền từ, còn cá đao rất hung tợn, hễ con cá nào lãng vảng gần cá Ông, thì đều bị cá đao chặt chém. Tế lễ Ông hàng năm gọi là lễ Nghinh Ông kèm theo lễ cầu ngư diễn ra, có nơi theo một ngày thống nhất hàng năm như: ở Vàm Láng vào ngày 16 tháng 6; ở Thắng Tam (Vũng Tàu vào ngày 16 tháng 8 âm lịch); ở Kinh Cùng vào ngày 23 đến 24 tháng 3 âm lịch…, có nơi thì không. Ở Nam Bộ lễ nghinh Ông lớn hơn hết thường diễn ra ở Vàm Láng (Gò Công). Đôi khi, gặp dông bão to lớn, cá Ông bị đánh bạt vào bờ, vào đá hoặc mắc cạn mà lụy (chết). cá Ông lụy ở đâu thì ở làng đó có vận may; dân làng cá báo tin cho nhau, dùng ghe đưa xác cá Ông về xóm chôn theo nghi thức lễ tang đối với con người, xong có phần đơn giản hơn. Dân hạ bạc tin rằng, ai gặp cá Ông lụy là may mắn trong việc làm ăn. Trong lễ tang cá Ông, người này được coi như con trưởng, phải chít khăn tang, có bổn phận lo lễ tang cho chu đáo. Trước đây, cuộc lễ được khởi sự lúc 11 giờ đêm tại đình còn cất cây lá đơn sơ. Các sư sãi tụng kinh trước một cái giàn cao rộng, trên giàn chưng hoa quả, đồ mã như các giàn cúng cô hồn, những cổ bánh đủ loại. Lễ cúng và tụng kinh kéo dài lối một tiếng đồng hồ, lễ xong người ta đêm đồ vàng mã và phát bánh trái cho trẻ em trong làng. Tới một giờ áng, bắt đầu lễ nghinh Ông. Trên một chiếc ghe trần thiếc trang hoàng rực rỡ, có bàn thờ sắc thần nhang đèn thắp sáng, rước bàn thờ để một con heo quay. Một hương chức, các lễ sinh, nhạc công bước xuống ghe. Bạn chèo rút đòn ngang, nhổ neo, thuyền rời bến lướt nhẹ trên sông chạy ra cửa biển Định An, đậu giữa sông cách làng chài khoảng 2km. Tới đây người ta đốt thêm nhang đèn, vị hương chức chủ lễ đứng ra khấn vái thỉnh thoảng mời Thủy tướng, trong khi các lễ sinh dâng rượu và trầm hương, nhạc lễ trỗi lên đưa hơi cho con hát, trống phách nhịp nhàng đệm bước các lễ sinh. Nghinh lễ cử hành xong, ghe trở về đình. Hai bên bờ rạch, các ghe lớn đều treo đèn kết hoa, đèn giấy đủ màu đốt sáng rực, treo từ mũi đến lái, từ mũi ghe lên đến cột buồm. Trên các ghe nhỏ cũng thắp đèn giấy, đốt đuốt hay đèn chai, nên đêm ấy cả khúc sông hiện lên một khung cảnh thật huy hoàng. Trước mỗi ghe, trước mỗi nhà ở hai bên bờ rạch đều có đặt hương án với hương hoa lễ vật, đèn đuốc sáng choang… Khi ghe rẽ vào rạch, mỗi ghe, mỗi nhà hai bên bờ đồng loạt đốt pháo, tiếng nổ dòn tan liên tiếp không dứt cho đến khi ghe lễ vào đến đình. Từ dưới ghe, người ta khiêng lư hương, bàn thờ sắc lên đình an vị. Đó cũng là lúc hát bội xây chầu…dân chúng coi hát, vui chơi, ăn uống… Trên đây là hoạt cảnh lễ Nghinh Ông ở Kinh Cùng diễn ra cách đây trên 30 năm. Tiếc là chúng ta không ghi lại được nội dung lời kinh mà các nhà sư đã tụng cũng như các lời hát chèo bả trạo, giúp chúng ta hiểu rõ hơn nội dung tín ngưỡng của buổi lễ. Tuy nhiên, qua miêu tả, có đồ mã như cúng cô hồn, phát bánh cho trẻ con, có chèo ghe đưa Ông, chúng ta cũng có thể hình dung buổi lễ này vẫn duy trì đầy đủ nghi thức truyền thống với nét đại thể của lễ đưa Ông, mở mùa cá, cầu ngư. Đến nay, lễ hội tại các lăng, miếu cá Ông ở Nam bộ trong đó có đền thờ Ông Nam Hải ở Kinh Cùng, Long Phú, Sóc Trăng cũng như các lễ hội khác nói chung, phần lễ nặng hơn phần hội. Nhằm mục đích thể hiện niềm tin thiêng liêng vào sức mạnh vô hình do cá Ông sẽ mang lại, nên các động thái cầu cúng, diễn xướng trong lễ hội này đều mang một nội dung chung thể hiện qua các bài chèo bả trạo với lời ca, chi tiết thay đổi theo ngẫu hứng văn chương của người đặt bài hát cùng điểm của từng địa phương. Nội dung chung vẫn cầu mong được mùa cá, làng xóm được bình yên, người đi biển được tai qua nạn khỏi với nghi thức chèo đưa Ông, chèo đưa linh người chết, chèo cô hồn. Diễn xướng xoay quanh hình dạng một con thuyền tượng trưng hoặc thật với các nhân vật điều khiển có thứ bậc và những tay chèo khiển con thuyền, các nhân vật và cảnh trí đượm tính chất thiêng liêng. Ngày nay người dân Kinh Cùng rước Ông (lễ Nghinh Ông) không vào 1 giờ sáng nữa mà tổ chức vào ban ngày lúc 6 giờ đến 9 giờ, coi giờ tốt xấu để làm lễ Nghinh Ông. Sau một ngày tế lễ, hát xướng sáng hôm sau trước khi đi ra biển người dân tổ chức lễ cúng và đưa “Ngọc cốt” của Ông sang miếu thờ bà. Đồ làm lễ trong đám rước có heo làm sạch để nguyên con và những mâm xôi lớn, trái cây, hoa tươi và nhang đèn, giấy vàng mã và họ đem đến cúng Ông đủ mọi thứ những thứ gì mà “Ông cần” để Ông phù hộ…Trong đền thờ hương khói nghi ngút và ngoài nơi thờ “Ngọc cốt” thì hai câu đối ngay nơi để cốt Ông bên trái là “Nam quốc thái bình dân lạc nghiệp” bên phải là “Hải hà bá tánh hương an cư”. Tế lễ xong đúng giờ tốt theo lệnh của chánh van, phó van ta khiêng kiệu bao gồm: “Ngọc cốt” của Ông, xôi nếp, hoa quả. Khiêng kiệu là các chàng trai khỏe mạnh chưa vợ; Đi theo kiệu và theo hầu kiệu là số chẵn từ 4, 6, 8…Khi tiến hành khiên kiệu tùy theo hội nhạc quy định mà nhạc lễ được nổi lên và múa rồng, sư tử diễn ra và bao giờ cũng có hai đào, hai kép hóa trang đi tiễn nghinh…Đoàn người rước kiệu xuống ghe biển, ghe được chọn để kiệu là ghe lớn, trong hàng đẹp, ghe này luôn dẫn đầu và khi ra khỏi Vàm thì bắt đầu lễ cúng xin keo. Keo là hai đồng xu cổ có thoa vôi trắng làm dấu (-) còn để trống tượng trưng (+), khi xin keo nếu tung hai đồng tiền lên một xấp, một ngửa là keo đã được linh ứng, Ông đồng ý còn nếu mà xấp hết hoặc ngửa hết thì là chưa được và phải khấn vái lại cho đến bao giờ xin được “xấp-ngửa” mới thôi và ghe chở kiệu mới quay đầu vào bờ. Trước đây, người dân xứ biển làm lễ rước kiệu có “Ngọc cốt” của Ông, khi ra biển lễ cúng chỉ xong khi nào gặp được “Ông” nhô lên mặt nước và phun nước lên lúc đó ghe mới được quay vào bờ; Có khi đi liên tiếp hai, ba ngày trên biển; Cũng có khi ra khỏi Vàm 2 đến 3 km thì Ông xuất hiện linh chứng. Sau này và cho đến nay khoảng 15 năm trở lại đây thì sau nhiều ngày lênh đênh trên biển không gặp Ông được và tương truyền cụ Chánh Vạn Trịnh Ân nằm trên ghe và được báo mộng của Ông cho phép người dân xứ biển này được thay thế gặp Ông bằng hình thức xin keo và từ đó cho đến nay lễ Nghinh Ông – Rước kiệu đều dùng hình thức này. Khi rước Ông ở trên ghe người ta, để heo quay nguyên con nằm ngửa cùng với xôi nếp, trái cây, nước uống các loại, rượu và thắp nhang liên tục và Trên ghe chính chở kiệu bao giờ cũng có một trống cái. Khi làm lễ họ nổi trống, khi khởi kiệu, khi xuống ghe, khi xin được keo và khi trở về bờ…Các ghe thuyền khác nối đuôi, chạy hộ tống hai bên ghe chính, các ghe cũng cúng heo quay để ngửa bụng và xôi nếp, rượu, trái cây, nhang đèn…vang động cả một vùng biển. Nội dung lễ với bài cúng xin keo là: “Hôm nay là ngày …. Tháng… năm âm lịch, là ngày cúng Ông, thỉnh Ông linh ứng về thì cho chúng con một keo thắng lợi vạn sự để rước Ông vào” lời cúng này do ông trưởng van, phó van và đông đảo ngư dân cầu khấn. Trong đó là họ khẩn cầu trời đất mưa thuận, gió hòa – Các vị thần linh trong đó có Ông phù hộ độ trì cho họ có một mùa đi biển an toàn, bội thu và mọi điều hanh thông, tốt đẹp mỹ mãn. Sau khi lễ xin keo xong, ghe chở về bờ – lúc này họ xả thịt heo quay (lạng thịt heo không lật sấp mà vẫn để ngửa), xôi, trái cây cho con cháu, những người trên ghe ăn uống, trò chuyện, ghe này sát với ghe kia trao quà cho nhau và có ghe đua nhau mở hết tốc lực chạy vào bờ trước để lấy hên; nhưng không giành đẩy với ghe chính cả một vùng biển sôi động, phấn chấn… một âm thanh đặc trưng của lễ hội. Khi ghe chở “Ngọc cốt” Ông cặp bến, mọi người chỉnh tề sắc phục và cũng theo mệnh lệnh của trưởng vạn, phó trưởng vạn rước Ông vào đình, đặt Ông vào vị trí cũ. Trong đình cũng đầy nhang đèn và các vật phẩm cúng Ông: heo quay, heo nắm, xôi nếp, bánh trái… Họ cúng ông, tế lễ ông đúng ba tuần nhang và kính cẩn cám ơn Ông đã cho họ một mùa biển mới bội thu, an toàn. Sau đó họ tổ chức ca hát – phần hội cho đến trưa hôm sau mới chấm dứt, và người dân xứ biển tổ chức ăn uống cộng đồng, đãi khách suốt ba ngày, ba đêm,… 4.2. Lễ hội cúng Ông a. Gắn với đời sống hiện thực thể hiện tính tổng hợp đa nghĩa các thời đại khác nhau: Lễ hội cúng Ông Nam Hải ở xứ biển Kinh Cùng, Long Phú, Sóc Trăng về mặt nội dung và hình thức cũng không khác gì so với các lễ hội cúng biển, của người dân từ miền Trung trở vào Nam và mang dấu ấn của lễ hội cúng biển của người Chăm – còn gọi là lễ hội Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lãn Tôn Thần. Nó cũng có vương vất hơi hướng của lễ Tiwak trên đảo Boneo của người Dayak nhưng qua thời gian nó đã được Việt hóa đến thần sóng biển của người Chăm? Và người dân kinh cùng gom góp tổng hợp tạo thành lễ hội riêng của mình có những nội dung hình thức mang tính bản địa, dị bản và trở thành tập tục truyền thống của quê hương, của vùng đất mình sinh thành. Trước 1975 lễ hội tổ chức chủ yếu là phần lễ thì sau 1975 đã có phần lễ và hội tỷ lệ 60% – 40% và từ năm 1996 trở lại đây thì tủy lệ 50% – 50% giữa lễ và hội, như vậy là có sự chuyển dịch cân bằng hơn và càng làm cho lễ hội thêm sinh động, phong phú. Lễ hội này đều gắn với đời sống hiện thực của người dân xứ biển Kinh Cùng. Trong công việc lao động vất vả của người làm nghề biển, lành ít, dữ nhiều mỗi khi ra biển, sóng to gió cả và đã không ít ngư dân ra đi mãi không về,..và ngoài kinh nghiệm đi biển theo mùa, thời tiết thì người dân chỉ biết dựa vào các đấng thần linh phù hộ, độ trì cho mình trong đó có “Ông Nam Hải”, chỗ dựa tinh thần, tâm linh cho người dân khi học thức còn kém phát triển và tất cả đều qui chung lại là do trời – đất, thần linh gây ra mà thôi cho nên trong việc tế lễ trời, đất thần linh và Ông Nam Hải. Người dân chỉ cầu mong mưa thuận, gió hòa, an tâm khi đi biển làm ăn, người đi biển tai qua, nạn khỏi tránh được sóng to, gió cả,.. Ngoài tập tục truyền thống, chiêm nghiệm người dân cho rằng ai thấy cá Ông “lụy” là điềm lành, hên (cốt) người đó phải vớt xác ông và coi ngay, giờ để đưa linh Ông và là mồ yên, mả đẹp. nếu là cá Ông nhỏ thì gọi là “cậu”, còn cá Ông lớn thì gọi là “Ông”. Sau một tuần cúng lễ Ông thì gia đình làm lễ xả tang và sau 1 – 2 năm thì bốc cốt cho Ông theo tương truyền và thực tế chứng kiến khi điền dã người dân để xương Ông trên tổ kiến lửa thì đàn kiến không dám bò qua trên xương Ông mà từ từ bỏ tổ, dời dàn đi chỗ khác, dân gian cho đó là sự hiển linh còn chúng tôi cho rằng trong xương cốt của cá Ông có một chất gì đấy làm kiến phải sợ. Trong lúc đi biển dân ngư phủ khi gặp nạn thường thành kính cầu khẩn Ông giúp, nhất là khi bão dông, ghe thuyền sắp chìm, có cá Ông trồi trên mặt nước, nương tựa vào be xuồng đưa ghe thuyền vào chỗ cạn. Thực tế thì cá Ông thường nương tựa vào ghe thuyền để tránh dông, tố và sự nương tựa ấy của cá Ông làm cho ghe thuyền cân bằng và không bị sóng đánh chòng chành,… và người dân thì trong cái sống và cái chết này đã coi cá Ông là vị thần cứu nạn trên biển. Và cứ như thế, thế hệ này truyền cho thế hệ khác tiếp nối và trở thành huyền thoại và do tiếp biến văn hóa mà mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ dân gian lại thêm bớt làm cho chuyện “cá Ông cứu người” càng trở nên huyền bí hơn và tính đa nghĩa càng trở nên phong phú hơn mặc dù “thêm” và “bớt” nhưng nội dung chính vẫn mang tính hiện thực, chân chất của cuộc sống đương đại đó phải chăng là sự tự điều chỉnh để cho giá trị tâm linh sự tôn kính “Ông” càng được tăng lên trong cộng đồng cư dân nơi xứ biển này, và ở đó họ gửi tất cả những ước muốn, khác vọng của mình, cộng đồng mình với sự bội thu, an lạc của người làm nghề đi biển. Ngoài việc gắn bó với đời sống hiện thực, chúng ta thấy qua lễ, hội cúng Ông Nam Hải ở xứ biển này còn gắn bó rất chặt với những hình thức nghệ thuật. Hình thức nghệ thuật ở đây được thể hiện trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội “nghinh Ông” người ta cho nhạc công và con hát theo để khi làm lễ dâng rượu và trầm hương, nhạc lễ được nổi lên đưa hơi cho con hát, trống phách nhịp nhàng đệm bước. Ngày nay thì ngư dan làm lễ Nghinh Ông trong buổi sáng (ban ngày) và cũng trống, phách hát múa bả trạo và hát bội xây trầu trong lễ nghinh Ông và đêm trước tổ chức cho các đoàn hát bội tuồng cổ, xoay vào các sự tích liên quan đến biển để dân chúng coi hát, vui chơi, ăn uống. Qua hình thức nghệ thuật, các động thái cầu, diễn xướng, hát chèo bả trạo, theo lời ca, chi tiết ngẫu hứng của người hát. Xoay quanh cũng là lời tạ ơn trời, đất, biển cả, thần thánh và “Ông” đã đem đến cho ngư dân làng biển này được mùa cá, làng xóm bình yên, người đi biển an toàn và trong hình thức nghệ thuật này bao giờ cũng có chèo đưa linh người chết, những cô hồn nơi biển cả trước là tạ ơn họ đã linh thiêng giúp đỡ những người sống và “thỉnh” họ về vui với ngày lễ hội này, việc làm này có ý nghĩa rất lớn và mang tính nhân văn sâu sắc, thông qua đó cũng nhằm giáo dục con cháu thế hệ mai sau không quên ơn những người đi trước, những vị tiền bối của làng biển. Hình thức nghệ thuật được sử dụng trong lễ này cũng rất uyển chuyển, linh hoạt khi hát bội, xoay trầu khi trống chiêng làm lễ Nghinh Ông, khi hát chèo bả trạo khúc nhạc lúc vui tươi, réo rắt, lúc êm ái, hiền hòa, lúc ào ạt, nhất là nhạc lễ, khi vang động, rìu rặt và âm trầm hào hứng. Khi đưa linh thì thánh thót, tang thương,… làm cho người dự cũng hòa đồng vào điệu nhạc, làm cho các giá trị thêm sâu sắc và độc đáo, tạo ra sức cộng hưởng, đồng vọng, các nhạc công người hát cũng xuất thân từ làng biển mà ra, nhưng họ đã thả tâm hồn mình vào điệu nhạc, lời ca làm cho sống động cả một vùng đất,..tuy còn chỗ này, chỗ khác nhưng họ đàn, hát với tất cả tâm huyết của mình. Họ đàn hát không những để cho người khác nghe mà chính bản thân họ, họ đàn hát cho chính mình vì thế mà say sưa, nhiệt tình, nồng ấm, không kiểu cách,… Nghệ thuật ở đây còn là sự bài trí treo đèn, kết hoa và nơi đâu trong lễ, hội cũng có đôi bàn tay khéo léo, khối óc thông minh tạo ra những sản phẩm mang tính mỹ thuật, những vẻ đẹp thuần khiết, dân dã, có thực ở đời sống như con gà, vịt luộc xếp cổ, cánh như còn sống và cả một dãy trứng; đó là chú heo miệng ngậm cành hoa tươi, những con cá, con cua được làm bằng bọt gạo, nếp chiên phồng, con rồng, con phượng bằng các loại trái cây trong không gian lễ hội đâu đâu cũng đẹp, cũng hoành tráng rực rỡ sắc màu. Ngay trên giàn trưng hoa quả và để bánh trái cúng Ông và cúng cô hồn cũng sặc sỡ các loại hoa trái, bánh kẹo đủ màu, đủ loại, đẹp bắt mắt, người dân xứ biển nhà nhà, người người thi nhau làm mâm cổ của mình đẹp, xôi cũng là xôi ngũ sắc (5 màu), các loại sản vật khác cũng được cắt, tỉa công phu, cẩn thận, dường như cả dân làng chài không ai bảo ai nhưng họ đều tâm niệm một điều là đã làm thì phải làm bằng cả cái tâm, cái trí của mình cho lễ Nghinh Ông – vị thần độ mạng cho họ. Ở đây cũng cần phải nói thêm là các hình thức nghệ thuật kể trên thì ngay trong khâu khấn làm lễ của các Trưởng vạn, Phó trưởng vạn cũng đầy tính nghệ thuật, từng bước đi oai vệ, tay cầm đền cầy giơ thẳng trước mặt, mắt ngó thẳng, vẻ mặt đầy tâm linh và nhất là giọng điệu khấn vái của các vị cũng lạ thường, rõ ràng âm vang mà rộn rã lòng người. Cách ăn mặc Vạn Trưởng áo đỏ, Vạn phó áo xanh,.. cũng làm nên một màu sắc lung linh huyền ảo trong khói nhang, hương hoa trái, vật cúng và tiếng nhạc lễ làm cho ta vấn vương khó tả. Như vậy, tính nguyên hợp của lễ cúng “nghinh Ông” Nam Hải ở xứ biển Kinh Cùng, Mỏ Ó, Long Phú, Sóc Trăng đã được thể hiện rất rõ nét trong các hình thức nghệ thuật này, nó đa dạng, phong phú và tạo dấu ấn “Thiêng” rất riêng. Mặc dù chất liệu lấy từ nguồn sống thực, sinh hoạt hàng ngày của người dân trong giờ phút “thiêng” này nó trở thành vô giá. Nó còn thể hiện tấm lòng chân tình của Ông mà mọi gia đình an khang, thịnh vượng. b. Trong sự sáng tạo và hưởng thụ: Với một năm lao động vất vả cực nhọc và không ít khó khăn, gian khổ, người dân nơi đây ngoài các lễ tết chính theo truyền thống cha ông để lại họ còn có một lễ rất riêng theo nghề nghiệp của mình chính vì thế mà có lễ cúng Ông Nam Hải hàng năm vào ngày 23 – 25/3 âm lịch. Trong lễ hội này ta thấy ngoài nội dung chính là làm lễ nghinh Ông, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa làm ăn tốt hơn, trúng mùa cá hơn thì cũng kèm theo sự tạ ơn trời đất, biển khơi, thần thánh (đa thần) và tạ ơn qua lễ cúng cô hồn, cầu siêu cho những nạn nhân trên biển khơi. Thì ở lễ này còn mang nét hội để người dân được sáng tạo, được hưởng thụ. Theo thời gian và thực tiễn mà mỗi năm Ban tổ chức đề ra một chủ đề của lễ hội. Trong đó có năm thi nấu cơm, bắt vịt trên cạn, đi cà kheo, đua thuyền trên cạn hay tổ chức các món chế biến từ đặc sản thủy sản của xứ biển này, hoặc thi vá chài, lưới,… Những trò chơi này không chỉ để phân tài thắng, bại, trong việc thi đấu còn yêu cầu thể hiện tính thông minh, nghị lực, sức khỏe dẻo dai, lòng dũng cảm, nhiệt tình mà ở đây còn thể hiện sự sáng tạo của mỗi cá nhân hay tập thể thi đấu và của cả mọi người dự lễ, hội người ta bày tỏ quan điểm hiến kế sách của mình một cách tự tin, đỉnh đạc và chân chính, giữa người tham gia và người dự giường như không có khoảng cách xa lạ, xa lạ hóa thân quen và qua lễ hội cũng thiết lập biết bao mối tình bè bạn, bằng hữu,…họ bàn cách và đi đến những quyết định để giành chiến thắng, qua đó ta thấy ai cũng tư duy, cũng nghỉ, cũng làm và cũng quyết thắng. Chính đây là nét văn hóa rất hay, độc đáo để mọi người phát huy năng lực thực tiễn của mình, thể hiện sự sáng tạo những ý tưởng độc đáo để mọi người phát huy năng lực thực tiễn của mình, thể hiện sự sáng tạo những ý tưởng độc đáo của mình tuy phần thưởng có giá trị không lớn nhưng nó mang tinh thần rất cao và tạo cho người chiến thắng và cả những người thua một niềm vui lâng lâng, một niềm vui con người với con người, kích thích mọi sự sáng tạo và cuối cùng thì giải đó không là giải của cá nhân nữa mà của cả tập thể một cộng đồng, người thêm cái này người bớt cái kia để đi đến sự hoàn mỹ. c. Giá trị: – Qua lễ cúng Ông Nam Hải (nghinh Ông) này của người dân Kinh Cùng, Long Phú, Sóc Trăng góp phần làm cho lễ nghinh Ông từ Nam Trung bộ trở vào thêm phong phú đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là đối với những người đi khai hoang, mở ấp ở những vùng đất mới như Sóc Trăng. – Đó còn là sức mạnh tinh thần, không chỉ thể hiện ở mặt tâm linh mà còn tạo ra một sức mạnh, niềm tin mới. Đó cũng chính là ước mơ, khát vọng của người dân làm chủ thiên nhiên để mưu sinh, phục vụ cuộc sống của mình, gia đình mình và cộng đồng ngày càng tốt hơn. – Qua lễ cúng Ông Nam Hải còn lột tả được nhu cầu văn hóa và hưởng thụ văn hóa của người dân xứ biển này trước sự giao lưu, hội nhập trong xu thế phát triển đi lên từ nền tảng của truyền thống. – Lễ hội cũng tạo ra cho người dân xứ biển và khách thập phương hiểu rõ nhau hơn và ở họ không có sự cách biệt ai là tác giả, là khách mà chủ thể và khách thể gần như hòa làm một, không có sự phân biệt, cùng sáng tạo, cùng hưởng thụ. – Lễ cúng ông Nam Hải còn thể hiện nét văn hóa đẹp không chỉ trong lễ mà còn thể hiện ở phần hội. Đó là tính cộng đồng cấu kết rất chặt chẽ hầu như việc tổ chức lễ hội này đều trên tinh thần của cả cộng đồng, trong đó mỗi cá nhân làm chủ thể hạt nhân cho các hoạt động đó một cách tự giác, tự nguyện. – Ở đó còn thể hiện bàn tay khéo léo khối óc thông minh và sự nhiệt tình, nồng ấm tình người của người dân xứ biển này đối với lễ cúng Ông Nam Hải vị thần độ mạng của mình với tất cả cái “Tâm” và “Trí”. – Các hình thức nghệ thuật từ diễn xướng, cúng lễ cho đến tuồng tích biểu diễn trong lễ hội như hát cải lương, chèo bá trạo,… đều gắn bó chặt chẽ với tính ứng dụng phục vụ cho đời sống con người. Ở đây tính mỹ thuật (làm đẹp mọi thứ: vật phẩm cúng, đến biểu diễn) nhiều hơn tính nghệ thuật đặc biệt là về màu sắc, vật phẩm cúng, phục trang, hóa trang đều rực rỡ sắc màu và tính mỹ thuật được lặp đi, lặp lại nhiều lần trong quá trình sáng tạo. Có thể nói rằng đây là sáng tạo của tập thể là tài sản chung của cộng đồng, được cộng đồng chấp nhận, sử dụng và lưu truyền trong quá trình và thời gian lưu truyền tùy theo thực tiễn mà có thêm, bớt cho phù hợp chính vì lẽ đó mà chúng ta có các dị bản liên tục. – Lễ cúng Ông Nam Hải, của người dân xứ biển Kinh chính là cội nguồn của văn hóa dân tộc và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với những hệ giá trị, biểu tượng nêu trên. 5. Những địa danh du lịch: 5.1 Cửa biển Trần Đề Cảng biển nằm ở xã Trung Bình huyện Long Phú, hàng ngày hàng giờ nhộn nhịp bởi hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ hối hả cập bến, tách bến. Tôm, táp, cua, cá từ biển được các tàu đánh cá bắt mang về. Rồi từng đoàn thuyền lại hối hả lấy nước đá, lương thực nước ngọt khởi hành chuyến đánh bắt mới,… Du khách thả hồn theo những sóng nước mênh mông ầm ập ngày đêm cùng với những chiếc thuyền bấp bên tít tầm mắt cũng lấy làm thú vị lắm! 5.2 Bãi biển Mỏ Ó (lịch Hội Thượng – Long Phú): Với bãi cát bồi trải dài gần 5 cây số, bần vẹt mọc san sát có tác dụng phòng hộ cho cư dân trong vùng. Đây cũng là nơi để khách đến cắm trại dã ngoại hướng tầm mắt về biển khô vô tận,… 5.3 Đê chắn sóng biển ở Vĩnh Châu: Với chiều dài hơn 50 km, đê được đắp xong từ những năm cuối cùng của thế kỷ trước, có tác dụng chắn sóng biển, vừa tạo một cảnh quan thu hút khách phương xa đến đây chiêm ngưỡng. Trên mặt đê uốn lượn chính là mặt lộ giao thông hàng ngày của bà con vùng này. Từng chiếc xe chở đầy ắp củ hành củ tỏi, củ cải,…rồi hàng trăm tấn tôm cá biển từ đây được đưa đi khắp nơi mọi miền đất nước. 6. Hướng phát triển du lịch và kinh tế biển: Thực hiện chính lược vươn ra biển Đông của Trung ương Đảng ta từ nay đến năm 2020, Sóc Trăng có nhiều cơ sở và điều kiện để xây dựng và phát triển thế mạnh về kinh tế biển của mình. Trong đó, theo thiển ý của các tác giả bài viết này cần nên: – Đầu tư xây dựng quy hoạch thành những điểm đến cho khách. Hệ thống cơ sở hạ tầng phải được nâng cấp cho phù hợp với tầm vóc và qui mô của ngành công nghiệp không khói. – Quảng bá tuyên truyền, phát triển nhưng tránh biến tướng, lưu ý giữ gìn và bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc, mà cụ thể là những sản phẩm từ vật chất tinh thần trong dân gian miền biển. Tài liệu tham khảo 1. Nhiều tác giả – 2004 Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian 2. Nhiều tác giả – 2000 – Văn hóa 3. Nguyễn Hữu Hiếu – 2004 – Tìm hiểu văn hóa tâm linh 4. Nhiều tác giả – 2005 – 5. Ngô Đức Thịnh – 2004 –Văn hóa vùng và phân vùng văn hoas ở Việt 6. Ngô Đức Thịnh – 2006 – Văn hóa tộc người và văn hóa Việt 7. Ngô Đức Thịnh – 2001 – Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng – Nxb KHXH – Hà Nội. 8. Ngô Đức Thịnh – 1996 – 2001 – Đạo Mẫu ở Việt 9. Ngô Đức Thịnh – 2006 – Đề cương bài giảng “Văn hóa dân gian và văn hóa học” – Nha Trang. 10. Trên mạng Internet chương trình tìm kiếm Google. |
Cập nhật ( 19/08/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com